PDA

View Full Version : B - Bữa Cơm Gia Đình



Dan Lee
09-06-2009, 06:38 PM
Theo thông lệ hàng năm, trong kế hoạch học tập năm 2009 của HĐGD Đa Minh Gp. Saigon có tổ chức khoá học CHÂN LÝ XI (vào tháng 9/2009). Chương trình học cũng lấy chủ điểm từ Thư Mục vụ 2008 của HĐGMVN : "Giáo dục gia đình". Tôi được phân công soạn tài liệu và đứng lớp 2 đề tài : 1- BỮA CƠM GIA ĐÌNH ; 2- LƯƠNG TÂM KTG – BẢO VỆ SỰ SỐNG.

BÀI 1 : BỮA CƠM GIA ĐÌNH


DẪN NHẬP :

Khi Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ theo hình ảnh Thiên Chúa và phán : "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất" (St 1, 27-28), thì gia đình đầu tiên của nhân loại hiện diện trên trái đất và ngay lập tức được Thiên Chúa ban cho lương thực để sinh sống ("Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi" – St 1, 29). Như vậy, để duy trì và phát triển sự sống trên mặt đất, con người cần phải có lương thực ; nói cách khác, con người cần phải có ăn uống để tồn tại. Trong bài giảng qua hệ thống vô tuyến truyền hình cho đám đông tụ tập tại Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tại Mexico City vào ngày 19/01/2009 (sau Thánh Lễ bế mạc Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 6), ĐTC Biển Đức XVI khẳng định : "Đặc tính của sự thân mật và tình yêu của một cộng đồng gia đình rất cần thiết. Chính trong mái ấm gia đình, con người mới được học hỏi để thực sự biết sống, biết tôn trọng đời sống và sức khỏe, tự do và hòa bình, công chính và chân lý, công việc, sự hòa điệu và tôn kính" (Trang tài liệu - <Thanhlinh.net>). Đặc tính của sự thân mật và tình yêu của một cộng đồng được thể hiện rõ nét nhất trong bữa cơm gia đình.

I. TÍNH HIỆP THÔNG CỦA BỮA CƠM GIA ĐÌNH :

I.1. Gia đình là hình ảnh hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi : Hiệp thông là sự liên kết chặt chẽ với nhau, lưu chuyển và chan hoà cùng một tính chất giữa các phần tử riêng lẻ trong một tổng thể duy nhất, sống động (Hiệp là gom lại, tập hợp lại nhiều phần tử cá biệt thành một tổng thể duy nhất ; Thông là suốt, là liên tục, là luôn luôn không ngừng). Phạm trù hiệp thong rất rộng, khởi đi từ mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi (“Cầu chúc toàn thể anh chị em được tràn đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Thiên Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” – 2Cr 13, 13), sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với loài người, giữa thế giới hữu hình với thế giới vô hình, rồi đến sự hiệp thông giữa loài người với nhau, sự hiệp thông trong Giáo Hội, trong mỗi đoàn thể, trong mỗi gia đình Kitô hữu …

Tiếng “gia đình” luôn hàm chứa một ý nghĩa thiêng liêng cao quý, một bầu khí nồng ấm, ăm ắp tình yêu thương. Với “gia đình Kitô giáo” thì còn hơn thế nữa, vì “gia đình còn là chiếc nôi của sự sống và tình yêu” (Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội, số 209). Bởi vì ngay từ nguyên thuỷ, con người đuợc dựng nên “theo hình ảnh Thiên Chúa, có nam có nữ” (St 01, 27) và được đặt vào cái nôi gia đình để "sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 01, 28). Giáo hội và xã hội loài người có được ngày hôm nay chính là nhờ được Thiên Chúa ban tặng hồng ân cùng với sự giáo dục của Người đối với “gia đình”. Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa, thì hình ảnh gia đình của con người cũng phản ánh trung thực hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, mà Ba Ngôi Thiên Chúa kết hiệp nên Một qua sự hiệp thông trọn hảo nhất, toàn vẹn nhất. Chính vì thế nên khi gia đình quy tụ lại trong một bầu khí thiêng liêng ấm cúng như các buổi cầu nguyện chung hoặc các bữa ăn chung, thì sự hiệp thông được thể hiện thật trọn vẹn. Bữa cơm gia đình không chỉ thuần tuý mang ý nghĩa bảo dưỡng thân xác, mà còn là dịp để mọi thành viên hàn huyên, chia sẻ tâm tình buồn vui. Thông qua bữa ăn chung hàng ngảy, sự hiệp thông trong gia đình ngày càng triển nở, nó sẽ là một mối dây thắt chặt sự đoàn kết, tình thương yêu giữa các thành viên nên một như sự hiệp nhất trong Lời cầu của Đức Giêsu Kitô : “Xin cho tất cả nên một, lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong Chúng Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21).

I.2. Bữa cơm gia đình là hình ảnh bữa tiệc Bẻ Bánh :
Trong những bữa cơm gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái đều quây quần quanh bàn ăn, "có dưa ăn dưa, có muối ăn muối", không nhất thiết phải có cao lương mỹ vị. Không khí gia đình trở nên ấm cúng, thân mật, và tình yêu đã sẵn có từ mối liên hệ huyết thống do Thiên Chúa ban tặng (ông bà –> cha mẹ –> con cháu) ngày càng sâu đậm và triển nở tốt đẹp (“Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là cộng đồng các ngôi vị : đôi bạn nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông... ” (Tông huấn Gia Đình, số 18). Mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Quả vậy, nếu mọi thành viên trong gia đình sống thuận hòa và đùm bọc lẫn nhau, gia đình sẽ trở nên ấm cúng. Tình hiệp thông giữa các thành viên trong một gia đình sẽ góp phần củng cố gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Giáo Hội” – Thư MV 2008 của HĐGMVN, số 7).

Rõ ràng, không có gia đình thì không có xã hội, Giáo Hội. Vì thế, gia đình là xã hội thu nhỏ, là Giáo hội thu nhỏ, là Giáo hội tại gia. và bữa cơm gia đình chính là hình ảnh Giáo Hội tụ họp, quây quần nhau trong bữa tiệc Bẻ Bánh, để cùng chia sẻ cho nhau một tấm bánh duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian (“Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” – Cv 2, 44-47).

II. TÍNH GIÁO DỤC CỦA BỮA CƠM GIA ĐÌNH :
ĐTC Biển Đức XVI dạy : "Gia Đình là nơi chính yếu cho việc giáo dục con người, ... là trường dậy các giá trị chân chính và bất biến của con người. Không có ai tự cho mình đời sống. Chúng ta đã nhận được đời sống từ người khác, đời sống này được phát triển và trưởng thành với các chân lý và giá trị chúng ta học hỏi được qua mối tương quan và sự hiệp thông với người khác. Theo ý nghiã này, gia đình xây dựng trên hôn nhân bất khả giải trừ giữa một người nam và một người nữ, thể hiện chiều kích tương quan, hiếu thảo và cộng đồng, và là môi trường con người có thể được sinh ra có phẩm giá, tăng trưởng và phát triển một cách trọn vẹn" (Bài giảng tại Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tại Mexico City ngày 19/01/2009). Chính bữa cơm chung trong gia đình là nơi cụ thể hoá việc giáo dục Kitô giáo "và là môi trường con người có thể được sinh ra có phẩm giá, tăng trưởng và phát triển một cách trọn vẹn" vậy.

II.1. Giáo dục điều răn quan trọng nhất : Khi giáo dục cho con trẻ biết thân xác của loài người là công trình tạo dựng kỳ diệu của Thiên Chúa, nói cách khác là Thiên Chúa dựng nên loài người, ban cho lương thực để bảo dưỡng và phát triển, thì con người có bổn phận phải biết tôn trọng bảo vệ sự sống của chính bản thân mình cũng như của tha nhân. Việc ăn uống để bảo dưỡng thân thể hầu đáp trả hồng ân Thiên Chúa là một trong những hành động thực thi bổn phận và trách nhiệm của con người. Con trẻ đã được dạy dỗ trước khi ăn uống cần làm dấu Thánh giá và đọc kinh Lạy Cha, để cảm tạ Thiên Chúa đã ban lương thực hàng ngày cho bản thân, cho gia đình. Nơi bữa ăn chung, người lớn cần làm gương bằng cách hoà đồng với mọi người trong việc làm dấu và đọc kinh chung (nếu co thể, nên đọc thêm một đoạn ngắn Lời Chúa trong Kinh Thánh). Tiếp theo là mọi thành viên cùng mời nhau dùng bữa, cùng chia sẻ cho nhau lương thực. Đó chính là đã cụ thể hoá việc thực thi điều răn quan trọng nhất mà Đức Kitô đã truyền dạy : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22, 37-40).

II.2. Giáo dục các nhân đức : ĐTC Biển Đức XVI gọi gia đình là "nền tảng không thể thay thế của xã hội và con người, cũng như là những gì tốt lành nhất cho con trẻ, xứng đáng được đưa vào đời sống như hoa trái của tình yêu, của sự tận hiến hoàn toàn và quảng đại của cha mẹ" (Bài giảng tại Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe tại Mexico City ngày 19/01/2009). Bữa cơm gia đình cũng là dịp để cụ thể hoá việc giáo dục các nhân đức :

Như trên đã phân tích (mục II.1.), bữa cơm gia đình thể hiện Tình Yêu của Thiên Chúa. Khi dùng bữa, làm dấu đọc kinh là bày tỏ đức Tin (tin Thiên Chúa dựng nên loài người), đức Cậy (cậy nhờ Thiên Chúa ban lương thực nuôi sống loài người), và đặc biệt hơn cả là đức Mến vừa mang tính đối thần (Mến Chúa) lại vừa mang tính đối nhân (Yêu người). Thánh Phaolô cũng từng nhấn mạnh : “Không có đức ái, ‘tôi sẽ chẳng là gì cả và . . . chẳng ích gì cho tôi’ … Đức mến không bao giờ mất được… Hiện nay đức Tin, đức Cậy, đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” – 1Cr 13, 1-13”). Ngoài ra, bữa cơm gia đình còn giúp củng cố và phát huy các đức tính nhân bản như : sống công bình, bác ái, biết chia sẻ đồng đều của cải vật chất cũng như tinh thần ("Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" – Ga15, 12) ; sống khiêm nhường, nhường nhịn, tiết kiệm ; trong từng miếng ăn biết kính trên : ông bà, cha mẹ ; nhường dưới : anh chị em ("ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "liệu cơm gắp mắm") ; biết tôn trọng và bảo vệ thân xác bản thân và tha nhân, ("ăn để mà sống, chớ không sống để mà ăn"). Nói chung là "Sống tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình. Chúng ta dành cho Người một tình yêu trọn vẹn (nhờ tiết độ), không gì lay chuyển nổi (nhờ can đảm) , chỉ vâng phục một mình Người (nhờ công bình), luôn tỉnh thức để khỏi sa vào cạm bẫy của mưu mô và gian dối (nhờ khôn ngoan)" (Thánh Âutinh, "Những thói quen của Hội Thánh Công Giáo" 1, 25, 46 – GL/HTCG, số 1809).

III. LIÊN HỆ THỰC TIỄN :
Truyền thống của Việt Nam luôn rất coi trọng bữa cơm chung trong gia đình ("Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa, / Mắt trông con đứa đứa về dần, / Xa xa con đã tới gần, / Các con về đủ quây quần bữa ăn. / Cơm dưa muối khó khăn mới có, / Của không ngon nhà khó cũng ngon, / Khi vui câu chuyện thêm giòn, / Chồng chồng, vợ vợ, con con, một nhà" – Quốc văn Giáo khoa thư).

Tuy nhiên, "Khi Việt Nam tiến sâu vào tiến trình toàn cầu hoá thì một mặt, có những phát triển về kinh tế, nhưng mặt khác, lại có những tác động tiêu cực về đạo đức và tinh thần. Chủ nghĩa cá nhân len lỏi vào trong cách suy nghĩ của những người dân, khiến cho ‘tình làng nghĩa xóm’ thủa xưa đang dần tan biến" ("Những dấu nhấn Mục vụ cho GH tại VN" – Đức GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm – "Chuyến viếng thăm Ad Limina của HĐGMVN... ", tr. 16), bữa cơm chung của gia đình cũng dần dần biến mất, nhất là ở nơi đô thị. Mà cũng chẳng cứ gì đô thị, ngay ở nông thôn ngày nay với phong trào "đô thị hoá nông thôn" , phong trào di dân về thành phố kiếm việc làm, thì cũng khó có được tình làng nghĩa xóm, tình gia đình đầm ấm như xưa. Đó cũng là điều tất yếu, vì lý do đời sống kinh tế ngày càng thúc bách con người lao vào những hoạt động sinh kế, không còn thời gian hop mặt với gia đình trong những bữa ăn. Cho nên, vấn đề thực hiện những bữa ăn chung trong gia đình ở thời đại ngày nay quả là khó khăn. Mặc dù vậy, vì những lợi ích thiết thực của những bữa cơm chung trong gia đình Kitô hữu – cách riêng, những gia đình Đa Minh – nên rất cần phải tổ chức cho được những bữa cơm quy tụ toàn thể các thành viên trong gia đình, nếu không được hàng ngày thì ít ra cũng được mỗi tuần lễ vài lần.

KẾT LUẬN :
Thư MV 2008 của HĐGMVN viết : “Gia đình là môi trường thuận lợi giúp cho các thành viên sống tình liên đới, vị tha, hài hòa và quảng đại” (số 17). Muốn có được tình liên đới, vị tha, hài hoà và quảng đại, thì tất cả mọi thành viên trong gia đình, nhất là nơi các bậc cha mẹ, phải tạo được mái ấm gia đình trở nên như mẫu gương sống động là Gia đình Nazaret thủa xưa. Nói khác đi, là phải làm sao cho gia đình thể hiện đúng tinh thần Giáo Hội tại gia – một Giáo Hội hiệp thông “tràn đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2Cr 13, 13). Để được như thế, không gì khác hơn là ngoài nền tảng Giáo dục Kitô giáo trong gia đình, còn phải tổ chức, duy trì và phát huy những cuộc họp mặt đầy đủ các thành viên trong các giờ đọc kinh cầu nguyện chung, và nhất là trong các bữa ăn chung của gia đình. Có như vậy mới đúng là thực thi Lời Chúa, thực hành Lời Chúa, đem Lời Chúa áp dụng cụ thể vào đời sống bản thân, đời sống gia đình Kitô hữu.

CÂU HỎI THẢO LUẬN:

1- Anh (chị) hãy phân tích ý nghĩa và giá trị thiết thực của bữa cơm chung trong gia đình.
2- Tại sao lại nói bữa cơm chung trong gia đình là hình ảnh Bữa Tiệc Bẻ Bánh ?
3- Giáo Hội Công Giáo được gọi là “Giáo Hội hiệp thông và truyền giáo“. Bữa cơm chung trong gia đình có liên quan gì tới vấn đề này không ? Tại sao ?
4- Bữa cơm chung trong gia đình mang tính giáo dục như thế nào ? Những nhân đức nào được cụ thể hoá thông qua bữa cơm chung trong gia đình ?
5- Theo anh (chị) thì có nên tổ chức những bữa ăn chung trong gia đình ? Nếu có, thì nên tổ chức như thế nào ? Xin dẫn chứng bằng chính cuộc sống gia đình hiện nay của anh (chị).

JM. Lam Thy ĐVD, OP.