PDA

View Full Version : H - Hồn là ai, là ai? tôi không biết



Dan Lee
09-10-2009, 10:02 PM
“Hồn là ai, là ai? tôi không biết”

Hồn theo tôi, như muốn cợt thôi chơi
Môi đầy hương, tôi không dám ngậm cười.
Hồn vội mớm cho tôi, bao ánh sáng.”
(dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)

Mc 8: 27-35

Hồn, mà nhà thơ nói, có phải là Thầy Chí Ái? Đấng ban truyền, “bao ánh sáng”, cho môn đồ?
Trình thuật thánh Mác-cô hôm nay, không nói về hồn của nhà thơ họ Hàn, mà chỉ ghi lời Chúa hỏi han:“Người ta nói Thầy là ai, thế?” Theo thánh sử, danh tánh và sứ vụ mà Chúa mặc khải, là vài nghi nan/thắc mắc, môn đệ có trong đầu. Đây là lúc, Chúa mặc khải về thiên tính của Ngài.

Trả lời câu của Chúa, môn đệ thưa:“Kẻ thì bảo là Êlya, người lại cho là ngôn sứ nào đó.”(Mc 8: 28) Rồi, Chúa hỏi thẳng:“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8: 29) Thánh Phêrô đại diện nói thay, ngay lúc ấy:“Thầy là Đức Kitô.”

Cụm từ “Đức Kitô”, xuất xứ từ Hy Lạp, có nghĩa: “Đấng được xức dầu”. Tức, một cách nói để chỉ về Đấng Mêsia. Tiếng Do Thái mang cùng một ý nghĩa “Đấng xức dầu”. Đấng, được mọi người đợi chờ Ngài đến mau, để làm Vua Do Thái.

Rõ ràng, Tin Mừng hôm nay gợi lại lập trường của Hội thánh sơ khởi khi nói đến tương quan giữa Chúa và các đồ đệ. Tuy nhiên, trình thuật vẫn chưa nói hết các điểm mà hội thánh muốn nhấn mạnh. Các điều này, sẽ đề cập ở các đoạn trình thuật sau. Tiếp đến, dân con/đồ đệ được dặn: đừng phổ biến, nói về Ngài. Bởi, dân con mọi ngưòi chưa sẵn sàng nghe về Đấng Mêsia, chính là Thầy.

Trước phản ứng khá bất ngờ của môn đệ, Đức Giêsu bắt đầu giải thích cho biết thế nào là Mêsia, Đấng được sai đến. Ngài được sai, như người chịu thống khổ, loại bỏ đi, và bị hành hạ/lên án như tội phạm. Và, Ngài sẽ chết đi. Rồi sống lại, sau ba ngày. Chính lời này, làm môn đệ chấn động. Chấn và động, vì đích thị Ngài không là Đấng, họ chờ mong.

Không chờ và cũng chẳng mong, là vì các thánh đâu nhớ đến lời sấm của ngôn sứ Isaya, ở bài đọc 1. Cứ nghĩ, lời sấm ấy chỉ áp dụng cho Đấng Mêsia mà thôi. Ai ngờ, Đấng ấy là Đức Chúa: “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đưa lưng cho người đánh. Giơ má cho người giựt râu. Tôi đã không che mặt khi bị phỉ nhổ. Mắng nhiếc.” (Is 50: 5-6)

Lúc ấy, thánh Phêrô bèn tiến về phía Thầy, mà nói: “Thưa Thầy, lẽ nào lại như thế.” Nghe vậy, Chúa quay về phía đồ đệ và nói cùng ông Phêrô:“Xatan! hãy lui sau Thầy! Vì ý tưởng của anh không phải là ý của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8: 35). Bằng vào lời này, thánh Phêrô lại trở nên một cám dỗ rất thực. Một loại hình chướng ngại, cản đường Chúa hành động, để phục vụ.

Đây là điểm then chốt. Một khúc ngoặt quan trọng trong Phúc Âm. Phần đầu, ta đã có lời đáp trả cho câu hỏi:“Đức Giêsu là ai?” Nay, mọi người đều biết rõ: Ngài là Đấng Mêsia, tức Đức Vua sẽ phải đến. Từ nay, tiếp theo sau, còn nhiều câu hỏi khác, như:“Ngài là Đấng Mêsia, theo kiểu nào?”

Và, toàn bộ phần cuối Tin Mừng, là lời đáp cho thắc mắc này. Lời đáp, được kết thúc bằng nhận định của người lính ngoài Đạo, dưới chân thập giá:“Chắc chắn ông này là Con Thiên Chúa.” Lời nhận định của người lính, vang vọng giòng chảy được xác chứng ở đầu Tin Mừng thánh Máccô viết:“Đây, khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.” (Mc 1: 1)

Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, là tiến trình thay đổi lối suy tư của đồ đệ. Tiến trình này, chỉ kết thúc sau ngày Chúa Phục Sinh. Tức, tiến trình mà mọi người đều phải ngang qua. Lời Chúa dạy, không chỉ nói về con đường ta đi ngang qua thống khổ và nỗi chết, ngõ hầu đạt được sự sống. Con đường này, bất kỳ ai muốn theo chân Chúa, đều làm thế.

Nhiều người trong ta, cũng đã tìm cách sống bằng đường mòn kép. Tức, theo phương thức chơi nước đôi. Một mặt, ta những muốn là người tốt, có lương tâm. Nhưng mặt khác, ta lại sống một cuộc sống giống như những người thường, ở xã hội. Nghĩa là, chỉ bon chen lo lắng những gì là vật chất, rất hưởng thụ. Những muốn thành công phát đạt về mọi mặt. Ngõ hầu, tạo điều kiện cho cháu con đạt thành quả qua nghề nghiệp/công việc, có giá trị cao, mà thôi.

Quả là, ta cũng bận rộn trong mưu cầu tạo cuộc sống an toàn. Cho riêng mình. Trong khi đó, Đức Giêsu lại khuyên ta hãy cứ ra ngoài mà phục vụ. Đừng níu bám điều gì. Bởi lẽ, mình luôn có tự do. Luôn là người tự trọng. Lời Ngài khuyên, vẫn cứ là: hãy cho đi, chứ đừng tiếp nhận. Hãy sẻ san, chứ đừng ham hố. Hãy cứ coi mọi người như người anh người chị, chứ không phải là kẻ đối đầu, giành giựt gì, với ta. Ta đang sống trong thế giới cần nhiều người đến với mình, hơn là cản ngăn.

Bài đọc 2, cũng tả rõ thế giới ta đang sống. Trong đó, có người tự hào cho rằng: mình vẫn có niềm tin. Chịu khó. Vẫn, chuyên chăm đêm ngày sống đạo hạnh, bằng câu kinh. Nhưng không minh chứng được bằng hành động. Bằng, hành xử thực tế. Hữu dụng. Sao gọi được là đạo hạnh, nếu cứ sống ru rú trong bóng tối. Chẳng chịu ra ngoài mà gặp gỡ. Giúp đỡ, những người đang cần đến mình.

Lời thánh tông đồ vẫn còn đó, nói rất rõ:“Giả như có người anh người chị không có áo che thân, và chẳng đủ ăn, mà lại có ai trong anh em đi nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm. Ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần. Nào ích lợi chi?” (Gc 2: 16)

Tin, mà không có tình. Không thương yêu. Không giùm giúp. Tin như thế, chỉ là niềm tin chết cứng. Tin, là phải biết cho đi chính con người mình. Biết sẻ san những gì mình đang có. San và sớt, không chỉ những đồ vật nổi trôi. Dư dật. Cho đi, không chỉ một dúm tiền được khấu trừ từ khoản thuế. Giúp từ thiện. Cho đi, để rồi mình sẽ nhận nhiều hơn số mình cho. Cho, phải là liên kết. Hỗ trợ. Cho, không phải là “bố thí”, chỉ một tí.

Suy cho kỹ, ta sẽ liên tưởng đến lời nguyện giáo dân, trong thánh lễ. Thật rất dễ, nếu ta chỉ lập lại lời kinh người khác đọc giùm. Rất lấy lệ. Dù, đó có là lời cầu cho hoà bình. Cho người tị nạn. Kẻ vừa mất việc. Hoặc, cầu cho giới nghèo hèn. Thất học. Thực tế, cầu như thế, đôi khi chỉ để tránh né một mặc cảm. Mặc cảm phạm lỗi. Những muốn, tránh né một món nợ. Thế thôi.

Quả thực, cầu nguyện phải là việc nhắc con dân của Chúa, hãy nhớ mà làm. Là thành phần của Thân Mình Chúa, lời cầu là lời được gửi đến với Đức Kitô. Ở trong ta. Ngang qua ta. Cần đáp trả. Nguyện cầu, là dấu hiệu cho thấy mình nên đặt ưu tiên việc nào trước. Việc nào sau.

Tín hữu, là đồ đệ Chúa không chỉ lo ưu tiên có mỗi việc “rỗi linh hồn”. Để được “lên thiên đàng”. Nhưng là, để đi vào giòng chảy chính đáng của cuộc sống. Đi vào, cùng với ưu tư đích thực của con người. Ưu tư, trở nên thành phần của giòng chảy ấy. Ưu tư, qua hành động yêu thương. Giùm giúp. Yêu, trong san sẻ. Thương, trong dựng xây cộng đoàn thương yêu. Với người khác. Và việc đó, không là chuyện riêng. Riêng cho mình. Mà, cho mỗi người. Tức, mình vì mọi người. Mọi người vì mình.

Trong cuộc sống rất ưu tư của đời thường, rất ít kẻ thắng. Nhưng, nhiều người thua. Nay, Chúa gửi đến mỗi người và mọi người, một đề nghị nhỏ nhằm tạo an toàn đích thực, là: nếu ra đi để sống cuộc sống vì người khác, cho người khác, mọi người sẽ được lưu tâm. Chăm sóc. Và, nếu ai cũng có cuộc sống như thế, xã hội ta rồi ra sẽ là chốn tuyệt vời. Nơi, gồm toàn người thắng. Không có kẻ thua. Đó là ý, mà Chúa nói với mọi người. Bằng Tin Mừng. Rất hôm nay.

Với quyết tâm nghe lời Chúa và đón nhận ý của Ngài, ta hãy cứ ngâm nga ca hát. Hát rằng:


“Lòng vẫn biết, nếu yêu rồi một ngày
là đến với đớn đau,
nhưng sao trong tim ta cứ vẫn yêu, vẫn nhớ
dầu sao, dầu sao nếu có một ngày
là ngày, ai reo tim ta
rằng tình yêu kia ly tan
và lòng vẫn thương, vẫn nhớ.
Tình đó khiến sui lòng ta đau,
rồi với bao ngày lặng lẽ sống.
Nỗi đau trong lòng người yêu, vẫn yêu hoài.”(Nguyễn Văn Khánh – Nỗi lòng)



Nỗi lòng đây, là nỗi rất đau của lòng người. Mới vừa yêu. Yêu một chiều. Không đối đáp. Giả như, người người nghe/biết Tình yêu đích thực như Chúa dạy, sẽ tìm được niềm vui chung. Muôn đời. Vui, có ánh sáng. Vui, với nụ cười. Niềm vui có Chúa. Có mọi người. Ở đời.

Lm Phan Đỗ Thục Linh
MaiTá diễn dịch