PDA

View Full Version : C - Con đường của người môn đệ Chúa nhật XXIV Thường niên B



Dan Lee
09-11-2009, 06:41 PM
Chúa nhật XXIV Thường niên B

CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

I. Dẫn Vào Phụng Vụ

Đoạn Phúc Âm của Phụng Vụ hôm nay thường được xem là đoạn văn “bản lề” của Phúc Âm theo Thánh Mác-cô, vì cùng một lúc là đoạn kết của phần 1 và là đoạn mở của phần 2. Phúc Âm Mác-cô được các nhà chú giải gọi là Sách Giáo Lý Khai Tâm Ki-tô giáo, vì trình bày điều cốt yếu nhất của đời sống người Ki-tô hữu: Đức Giê-su là Ai (phần 1)? và muốn đi theo Người (hay muốn làm môn đệ Người) thì các Ki-tô hữu phải đi con đường nào, phải sống như thế nào (phần 2)?

Chúng ta hãy dành tâm trí và thời gian lắng nghe và tìm hiểu sứ điệp Lời Chúa để sống xứng danh là môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô (1).

II. Lắng Nghe Lời Chúa Trong Ba Bài Thánh Kinh

2.1 Bài đọc 1 (Is 50,5-9a) Tôi đã đưa lưng người ta đánh đ òn

5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi,
còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui.
6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn,
giơ má cho người ta giật râu.
Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
vì thế, tôi đã không hổ thẹn,
vì thế, tôi trơ mặt ra như đá.
Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.
8 Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên.
Ai tranh tụng với tôi? Cùng nhau ta hầu toà!
Ai muốn kiện cáo tôi? Cứ thử đến đây coi!
9 Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi,
ai còn dám kết tội?

2.2 Bài đọc 2 (Gc 2,14-18): Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết.

14 Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? 15 Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, 16 mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? 17 Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. 18 Đàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.

2.3 Bài Tin Mừng (Mc 8,27-35): Thày là Đấng Ki-tô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều.

27 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai? " 28 Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." 29 Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." 30 Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. 31 Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. 32 Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. 33 Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người." 34 Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

III. Khám Phá Chân Dung Và Sứ Điệp Của Thiên Chúa Trong Ba Bài Thánh Kinh

3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)

3.1.1 Bài đọc 1 (Is 50,5-9a) là những lời mô tả của ngôn sứ I-sai-a về Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Các nhà chú giải Thánh Kinh đều hiểu Người Tôi Trung đó là chính Đức Giê-su Na-da-rét. Đó là những lời tiên tri loan báo trước những việc xẩy ra cho người Tôi Tớ của Thiên Chúa trong cuộc Khổ Nạn Thập Giá. So sánh sự mô tả của I-sai-a với các các tường thuật cuộc Thương Khó của Đức Giê-su trong cả 4 Phúc Âm, chúng ta thấy y trang như nhau.

Trong bài đọc 1 này trước hết chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Chúa Thượng của Người Tôi Trung, Đấng đứng về phía Người Tôi Trung và là chỗ dựa của Người Tôi Trung. Kế tiếp chúng ta còn khám phá ra Thiên Chúa mang hình hài của một con người bị người ta vùi dập một cách tàn nhẫn mà vẫn giữ im lặng chịu đựng vì Người tin vào công lý của Đức Chúa là Chúa Thượng.

3.1.2 Bài đọc 2 (Gc 2,14-18) là những lý luận đầy sức thuyết phục của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ về tầm quan trọng của hành động bác ái yêu thương đối với những người có lòng tin. Tin mà không có việc làm bác ái yêu thương đi cùng để nói lên niềm tin ấy, thì niềm tin ấy chẳng đem lại ích lợi gì cho chính bản thân kẻ tin cũng như cho những người xung quanh. Vậy thì lòng tin phải được thể hiện cách cụ thể bằng hành động bác ái yêu thương thì mới được coi là lòng tin đích thực và mới sinh ích cho cuộc đời.

Trong bài đọc 2 này chúng ta không thấy Thánh Gia-cô-bê nói trực tiếp về Thiên Chúa; nhưng chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa là đối tượng của lòng tin của các Ki-tô hữu. Người chẳng những đáng được tin thờ mà còn mong chúng ta thể hiện lòng tin của mình bằng hành động bác ái yêu thương đối với những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta là hình ảnh của Người, là chi thể của Thân Mình Chúa Ki-tô Con yêu dấu của Người.

3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 8,27-35) là tường thuật của Thánh Mác-cô về một biến cố mang tính quyết định trong cuộc đời của các môn đệ của Chúa Giê-su, thời xưa cũng như thời nay. Chúa Giê-su đặt ra hai câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai” và “Anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi thứ nhất chỉ là phần dẫn nhập vào câu hỏi thứ hai, vì điều quan trọng đối với Nhóm Mười Hai cũng như đối với các Ki-tô hữu mọi thời đại, là nhận biết Chúa Giê-su là Đấng nào? Người sống và chết ra sao và vì ai? Người mời gọi các môn đệ đi con đường nào để theo Người?

Trong bài Tin Mừng này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa trong Đức Giê-su Na-da-rét: Người là Đấng Ki-tô (tức Đấng Mê-si-a hay Đấng Thiên Sai), nhưng là Đấng Mê-si-a đau khổ chứ không phải là Đấng Mê-si-a vinh quang theo quan niệm thế gian mà các Tông đồ ngộ nhận và ước mơ. Người vạch ra con đường cứu độ bằng Thập Giá và mời gọi những ai muốn theo Người, tức muốn làm môn đệ Người, hãy đi vào con đường Thập Giá ấy.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng ta làm gì?)

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay có hai phần quan trọng ngang nhau và liên kết chặt chẽ với nhau:

* Phần thứ nhất là về chính Chúa Giê-su (Chúa Giê-su là Ai?)

- Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô tức là Đấng được Thiên Chúa xức dầu (tấn phong) và gửi đến với nhân loại, là Đấng Mê-si-a mà Ít-ra-en (và thế giới) hằng mong đợi, là “Con Người" phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.

* Phần thứ hai là về con đường theo Chúa Giê-su (Theo Chúa Giê-su bằng con đường nào?)

- Theo Chúa Giê-su bằng con đường từ bỏ: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

IV. Sống Với Thiên Chúa Và Thực Thi Sứ Điệp Lời Chúa

4.1 Sống với Thiên Chúa là dành những giây phút thinh lặng chiêm ngắm Thiên Chúa, suy nghĩ về cách sống của Người Tôi Trung, lắng nghe tiếng mời gọi của Người ấy.

4.2 Thực thi Sứ điệp Lời Chúa hôm nay chính là sống ơn gọi làm môn đệ Chúa Giê-su Ki-tô: Tôi/gia đình/cộng đoàn tôi có chọn con đường hy sinh, từ bỏ, vác thập giá mà theo Chúa Giê-su Ki-tô không?

V. Cầu Nguyện Cho Hội Thánh Và Cho Thế Giới

5.1 “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn.” Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Hội Thánh Công Giáo ở khắp nơi trên thế giới, nhất là cho các Vị Lãnh Đạo Hội Thánh, để mọi thành phần Dân Chúa vững tin vào sự phù trợ của Thiên Chúa.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
v5.2 “Đức Tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho tất cả các Ki-tô hữu biết sống và hành động theo Đức Tin mà yêu thương, giúp đỡ mọi người, nhất là những người yếu kém và thiếu may mắn trong xã hội.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.2 “Thầy là Đấng Ki-tô.” Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho càng ngày càng có nhiều người được Thiên Chúa mở lòng, mở trí mà nhận biết Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm Sứ Giả xuống thế làm người cứu độ trần gian!

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!

5.4 “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho chính chúng ta có được lòng dũng cảm bước theo chân Chúa Giê-su để thành môn đệ Người.

Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!



Giêrônimô Nguyễn Văn Nội