PDA

View Full Version : T - Thầy là ai?, Ðức Giêsu là ai? Chúa nhật XXIV Thường niên B



Dan Lee
09-11-2009, 07:17 PM
Chúa nhật XXIV Thường niên B

"Thầy là ai?”, Ðức Giêsu là ai?

Is 50,5-9a ; Gc 2,14-18 ; Mc 8,27-35

Từ xưa đến nay, câu hỏi: “người ta nói Con Người là ai?” củaĐức Giêsu vẫn luôn là đề tài để người đời suy nghĩ, dù tin hay phủ nhận vẫn phải khắc khoải về Con Người này: Do thái, Hồi giáo, Phật giáo, Cộng sản, chính trị…

“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đó là đức tin Kitô giáo. Từ đó phát sinh Kitô giáo vì người tin vào Đức Giêsu thành Nazareth đã tuyên xưng Người là Đức Kitô, là Cứu Chúa của họ. Lời tuyên xưng “Đức Giêsu Kitô” có hai vế: Đức Giêsu thành Nazareth và Đức Kitô. Đức Giêsu thành Nazareth là con người lịch sử đã sống, đã chết và đã phục sinh. Qua biến cố đó, nhiều người đã nhìn nhận và tuyên xưng Người là Đức Kitô. Câu tuyên xưng”Đức Giêsu Kitô” gói trọn con người lịch sử Đức Giêsu thành Nazareth và Đấng được tuyên xưng là Cứu Chúa, là Đức Kitô, Đấng được niềm tin của Kitô hữu tôn vinh.

Ignace Lepp là một chứng nhân của hành trình thao thức tìm kiếm và cuối cùng đã gặp gỡ “Đức Giêsu Kitô”.
Ignace Lepp đã viết cuốn sách “Từ Các Mác đến Giêsu Kitô”. Tác giả kể lại đời mình và những lý do làm ông tham gia phong trào cộng sản thế giới, để rồi sau đó trở thành tín hữu, rồi làm Linh Mục của Giáo Hội Công Giáo.

Thao thức tìm kiếm

Ignace sinh trong một gia đình giàu có, trưởng giả, ăn mặc sang trọng, nói năng lễ độ, cư xử hòa nhã, lịch thiệp. Giai cấp này khinh bỉ giới thợ thuyền mà họ cho là một bọn thất học, thô lỗ, cộc cằn thiếu tư cách làm người, và đáng sống trong cảnh bần hàn.
Một hôm tình cờ Ignace đọc được cuốn tiểu thuyết “Người Mẹ” của Marxim Gorky trong đó tác giả mô tả đời sống cơ cực, lầm than của dân lao động Nga làm việc trong các nhà máy kỹ nghệ hồi đầu thế kỷ 20.

Gorky không những đã tả hết những nổi nhọc nhằn, đời sống lam lũ của giới thợ thuyền, và bằng một nhận xét sắc bén ông cho thấy đời sống cơ cực của những người này chính là hậu quả của sư bóc lột của giới chủ nhân, sống xa hoa trên mồ hôi và sự khổ cực của dân lao động. Lần đầu tiên Ignace biết được chi tiết đời sống của hạng người mà bấy lâu cậu vẫn thường khinh rẻ và chỉ nhìn thấy từ xa. Và cũng nhờ cuốn sách đó mà cậu biết rằng chính giai cấp tư sản đã bần cùng hóa dân lao động.

Sau khi đọc thêm một vài cuốn nói về đời sống cùng khốn của dân lao động, như những tác phẩm của Anatole France, Victor Hugo, Tolstoi, v.v., Ignacce cương quyết từ bỏ giai cấp của mình để hoạt động cho giới cần lao. Cậu bị thu hút bởi những hứa hẹn của phong trào cộng sản thế giới : tạo nên một xã hội không có giai cấp, không phân chia ranh giới quốc gia, trong đó mọi người được sống bình đẳng, không bị bóc lột và áp chế. Từ đó, đối với cậu, tất cả những tín điều của thuyết duy vật biện chứng đều là những chân lý tuyệt đối, hợp với khoa học.

Cậu được thu nhận vào một tiểu tổ Thanh Niên Cộng Sản lúc vừa 15 tuổi. Trong thời gian này, Ignace đã đi phát truyền đơn, dán bích chương, dự những cuộc biểu tình, mít tinh và diễn thuyết nhân các ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười và Lễ Lao Động.

Việc cậu lên diễn đàn phát biểu trong một buổi lễ lao động đã được báo chí trong thành phố tường thuật chi tiết. Hay được tin này, gia đình cậu đã rất tức giận và buộc cậu phải từ bỏ phong trào nếu không sẽ cắt mọi yểm trợ tài chánh. Nhất quyết theo đuổi lý tưỏng của mình, cậu bỏ nhà ra đi, không mang theo một tý gì, ngoài bộ quần áo đang mặc và ít tiền túi.

Cậu sang ở một thành phố khác và trở lại nhà trường học xong cấp trung học. Ở đó cậu cũng được một tờ báo cộng sản nhận vào làm biên tập và thông tín viên. Cậu bắt đầu viết sách báo, ghi tên vào đại học và học thêm vài ngôn ngữ khác. Vì có trình độ học vấn khá và biết nhiều thứ tiếng, cậu được cất nhấc vào nhiều chức vụ quan trọng trong đảng, như cầm đầu tổ chức tuyên truyền khích động trong một vùng, tổng bí thư một hội trí thức cách mạng quốc tế. Sau đó Ignace được cử đi hầu hết các quốc gia Âu châu để tuyên tuyền cho chủ nghĩa cộng sản và giúp thành lập những tiểu tổ địa phương. Trong giai đoạn này, cậu theo học nhiều lớp do các giáo sư cộng sản giảng dạy và đọc nhiều sách về lý thuyết cộng sản.

Trong lúc hoạt động cho phong trào cộng sản trong các nước độc tài và bảo thủ, Ignace bị bắt nhiều lần. Lần cuối cùng ông bị bắt ở Đức, lúc đó Hitler đã lên cầm quyền. Ông bị kết án tử hình, nhưng lúc sắp bị đem ra pháp trường thì ông được cứu thoát và được bí mật đưa sang Nga.

Đỉnh cao danh vọng.

Vui mừng được đến nước cầm đầu phong trào cộng sản thế giới, ông xin ở lại Nga để phục vụ cho cách mạng. Ông rất được trọng vọng và được giao phó công tác đi diễn thuyết và được bổ làm giáo sư triết học cộng sản ở nhiều trường đại học. Nhờ chức vụ đó, ông được đi hầu hết khắp nước Nga và tiếp xúc với mọi giới. Kinh nghiệm này đã làm ông vỡ mộng một cách ê chề.
Cái thiên đường vô sản ở Nga mà phong trào cộng sản quốc tế thường khoe khoang với thế giới bên ngoài thật ra là một nhà tù khổng lồ, trong đó mọi người, tù nhân cũng như cai ngục, đều sống trong lo âu và sợ hãi. Mỗi lời nói, hành vi và thái độ đều được cân nhắc kỹ lưỡng xem có phù hợp với đường lối của đảng không (mà đường lối thì thay đổi rất bất thường) vì mỗi sơ suất, dù nhỏ nhặt đến đâu cũng có thể dẫn đến tù đày.

Vì được xem là một lý thuyết gia lỗi lạc của chế độ nên đi đâu Ignace cũng được đón tiếp nồng hậu. Điều này khiến ông càng thất vọng hơn nữa. Trong khi, vì chính sách kinh tế khắc nghiệt của Stalin, dân chúng Nga sống trong cảnh đói rách bần cùng thì giới lãnh đạo cộng sản sống một cuộc đời vương giả. Họ chiếm cứ những biệt thự sang trọng và những nhà nghỉ mát của giới quý tộc và chủ nhân thời Nga hoàng. Các bữa tiệc của họ đầy cao lương mỹ vị, rượu volka và caviar không bao giờ thiếu. Các "mệnh phụ phu nhân" cũng khoe khoang áo quần, nữ trang với nhau như giới tư sản trong các xã hội tư bản. Những gia đình quyền quý này cũng có kẻ hầu người hạ mà họ sai bảo và đối xử còn trịch thượng hơn các chủ nhân tư bản Tây Âu.

Thất vọng

Chàng Ignace, bây giờ đã trưởng thành mới nhận thức được rằng xã hội Xô Viết thực chất chỉ là một xã hội phân chia giai cấp, trong đó giai cấp công nhân, thay vì được giải phóng khỏi mọi áp bức như đảng cộng sản rêu rao với thế giới bên ngoài, thực ra bị bóc lột tối đa, và tất cả mọi người, có lẽ chỉ trừ Stalin, đều sống trong sự sợ hãi, nghi kỵ lẫn nhau kể cả bạn bè thân nhất hay vợ chồng, con cái.

Ignace hoàn toàn thất vọng với chế độ Xô Viết, mà chàng cho là đã phản bội lý tưởng cách mạng. Chàng thấy mình không thể nào tiếp tục sống trong bầu không khí ngột ngạt, đầy nghi kỵ và lo lắng như vậy được nữa. Chỉ trích sự sai lầm của chế độ không còn được đặt ra nữa vì Ignace biết sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn có thể nguy hiểm cho tính mệnh của mình. Chàng cũng không thể xin ra khỏi đảng hay xin ra nước ngoài, vì làm như vậy người ta có thể buột cậu tội phản đảng, hay nguy hơn nữa, bị nghi là gián điệp của các nước tư bản trà trộn ngay từ đầu để lũng đoạn cách mạng. Với một cáo trạng như vậy, cái chết chắc như cầm trong tay.
May thay trong thời gian đó nhiều người vẫn được phép thư từ với bạn hữu nước ngoài. Dịp may hiếm có đó đã xảy ra khi một "Hội nghị về Hòa bình thế giới" được tổ chức ở Luân đôn, Ignace đã vận động để được mời dự. Với giấy mời trong tay, chàng xin xuất cảnh và rất ngạc nhiên khi được cấp hộ chiếu. Tuy nhiên chàng chỉ thấy an toàn khi ra khỏi biên giới Liên Bang Xô Viết.

Chán nản

Khi trở về lại Tây Âu, Ignace rất chán nản. Lý tưởng mà chàng hăng say phục vụ trong mười mấy năm trời thật ra chỉ là môt sai lầm khổng lồ. Đem thử nghiệm vào một quốc gia, lý thuyết này chỉ đem lại cho nhân dân lao động xứ đó một xã hội đầy bất công, áp bức, thù hận và tạo ra một chế độ độc tài cực kỳ tàn ác. Thất vọng chua cay đó đã làm Ignace mất hết tin tưởng vào cuộc sống mà chàng cho là vô nghĩa. Để lấp khoảng trống trong tâm hồn, chàng đã chìm đắm vào những bê tha trụy lạc. Nhưng ngay sau những cuộc chời bời trác táng đó chàng lại càng chán nản hơn. Có lần chàng đã nghĩ đến tự tử, và đã dự định nhiều lần nhưng không đủ can đảm tự kết liễu đời mình.

Lý tưởng huyền diệu

Một hôm đi chơi về khuya, Ignace tình cờ thấy trên cái bàn của phòng khách, nơi chàng ở trọ, một cuốn sách có nhan đề “Quo Vadis?” (Thầy Đi Đâu ?). Vì khó ngủ, chàng tò mò mở sách ra đọc.

Đó là một cuốn tiểu thuyết tả lại cảnh những người Ki-tô hữu đầu tiên bị bách hại dưới thời Neron. Lần đầu tiên, sau khi thất vọng về chế độ cộng sản Xô Viết, Ignace đọc cuốn sách này một cách say mê, chàng đã đọc thẳng một mạch cho đến sáng. Chàng thấy những nạn nhân của cuộc bách hại này chỉ vì theo đuổi một lý tưởng mà họ cho là cao đẹp đã chịu để cọp và sư tử xé xác ăn tươi nuốt sống mình trong các đấu trường còn hơn là chối bỏ niềm tin đó.
Để tìm hiểu thêm những lý do gì mà những tín đồ Thiên Chúa giáo này đã dám liều chết đến như vậy, chàng tìm đọc thêm những sách khác nói về tôn giáo này. Những sách tả về đời sống của các cộng đồng Thiên Chúa giáo đầu tiên làm chàng thích thú. Chàng thấy họ sống một đời sống đúng như lý tưởng mà chàng thường ấp ủ : chia sẻ của cải cho nhau, thương yêu nhau như anh em môt nhà. Chàng tự hỏi không biết các cộng đồng Thiên Chúa giáo tiên khởi có sống thật như vậy không, hay đó chỉ là những tài liệu tuyên truyền như các chế độ cộng sản thường làm. Chàng tìm đọc thêm nhiều sách khác của nhiều tác giả khác, có người theo Thiên Chúa giáo, có người vô thần. Nội dung những sách đó có khác nhau về chi tiết, nhưng đại cương thì rất giống nhau. Tất cả đều nói lên sự yêu mến, việc chia sẻ của cải cho nhau trong các cộng đồng đó là hợp lẽ phải. Chàng thấy lối sống đó hợp với lý tưởng mà chàng hằng mơ ước, một xã hội cộng sản chân chính không dựa trên hận thù và đấu tranh mà dựa trên tình yêu thương vô điều kiện.

Tất cả những sách vở chàng đọc được về lối sống của các cộng đồng nói trên đều dẫn đến lời giảng của một người : Giêsu ở thành Nazareth, và một nguồn tài liệu: các sách Phúc Âm. Ignace cảm thấy bị lôi cuốn vào những lời giảng dạy tuyệt vời của Giêsu. Bài giảng trên núi và các dụ ngôn không những rất thi vị, mà còn chứa một học thuyết huyền diệu. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất cho Ignace chính là con người Giêsu, một người rất mực giản dị và nhân hậu với tất cả những người cùng khổ. Giêsu sống hoàn toàn bình đẳng không những với các môn đệ mà với những người nghèo khó nhất. Cách Giêsu đối xử với những người tội lỗi như bà Marie ở Magdala và những người thâu thuế thật khác xa với các phương pháp mà công an và cảnh sát ở Liên Bang Sô Viết đối xử với công dân của họ.
Sau khi đọc kỹ sách Phúc âm và nhiều sách khác, Ignace cho rằng những điều viết về Giêsu là có thật.
Với một tính tình hiếu động, chàng nhất quyết dâng hiến trọn vẹn đời mình cho lý tưởng mới cũng như trước kia chàng đã từng hăng say hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản. Ignace đã xin rửa tội theo đạo Công giáo và xin được làm linh mục để phục vụ mọi người, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, quốc gia hay chủng tộc trong một tình yêu tuyệt đối.

Ignace Lepp thao thức tìm kiếm và cuối cùng đã gặp gỡ “Đức Giêsu Kitô” và đã trở nên Linh mục. Câu chuyện tuyệt đẹp về một hành trình ơn gọi. Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Còn anh em bảo Thầy là ai?" là thao thức cho những ai khao khát chân lý.

Ba bức chân dung về Đức Giêsu

Ðức Giêsu đặt một câu hỏi quan trọng cho các môn đệ: "Người ta bảo Thầy là ai?". Dân chúng chỉ có một cái nhìn mơ hồ và thiếu sót về Ðức Giêsu. Họ coi Ngài là Gioan Tẩy Giả, là tiên tri Êlia hay một tiên tri nào đó.
Ðức Giêsu chờ đợi một câu trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn từ phía các môn đệ thân tín. "Còn anh em bảo Thầy là ai?" Phêrô, đại diện cho cả nhóm, nói lên niềm xác tín của mình: "Thầy là Ðức Kitô." .

"Thầy là ai?”, Ðức Giêsu là ai? Ðó là một câu hỏi được đặt ra cho mọi thời đại. Câu hỏi được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời. Câu hỏi này ngày nay cũng gặp được nhiều câu trả lời khác nhau, và mỗi câu trả lời kéo theo một nếp sống khác nhau.

Tuy nhiên điều quan trọng ở chỗ là mỗi người Kitô hữu đặt cho mình câu hỏi: đối với tôi, Đức Giêsu là ai? Bức chân dung nào đã điều khiển những tư tưởng, tâm tình và hoạt động của tôi? Phải làm thế nào để trình bày chân dung sống động của Đức Giêsu cho anh chị em của tôi hôm nay?
Phần tôi, tôi thích ba bức chân dung về Đức Giêsu: Hài nhi trong máng cỏ, Tử tội trên thập giá và Tấm Bánh trên bàn thờ.

- Là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai, nhưng khi chấp nhận làm người, Đức Giêsu đã được sinh ra trong một chuồng chiên, được mẹ bọc tả đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2,12). Ngôi Hai làm người là “một tin mừng trọng đại” cho toàn dân, lại phải “ở nhờ” nhà súc vật (Lc 2,11).

- Đức Giêsu lên ngôi vua trên Thập giá. Cái chết đau thương tủi nhục của một tử tội lại trở nên hiến tế, nguồn ơn cứu độ cho nhân loại.

- “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đấng ban sự sống cho muôn loài (CV 17,25), Đấng mà vừa nghe Danh thánh thì cả trên trời dưới đất và trong âm phủ, muôn vật phải bái quỳ (Pl 2,10) đã trở nên Tấm Bánh nuôi nhân loại qua Thánh lễ mỗi ngày.

Máng cỏ là nhà Chúa sinh ra. Thập giá là ngai Chúa lên ngôi vua. Tấm bánh là Mình Thánh Chúa. Bức tranh máng cỏ - chuồng chiên là sự chiến thắng cám dỗ về của cải vật chất. Bức tranh Thập giá- Đồi Sọ mô tả chiến thắng về chức quyền. Bức tranh Tấm Bánh- Thánh Thể giải bày chiến thắng cám dỗ về danh vọng.

Thiên Chúa làm người và đã trở nên tôi tớ. Thiên Chúa đã đóng đinh mọi sức mạnh áp chế, mọi quyền lực thống trị. Người đã trở nên anh em để phục vụ và hiến dâng mạng sống cho con người.

Đấng mà chúng ta tôn thờ và yêu mến không chỉ là Đức Chúa, Đấng Tối Cao, Đấng Thánh, mà còn là Con Người, là anh em, là người trao ban sự sống dồi dào.

Kim Ngọc, 9g ngày 9.9.2009
Lm Giuse Nguyễn Hữu An