PDA

View Full Version : DĐ - Để trở nên môn đệ đích thực



Dan Lee
09-24-2009, 09:37 PM
Chúa nhật XXVI Thường niên B

ĐỂ TRỞ NÊN MÔN ĐỆ ĐÍCH THỰC



Ðừng nghĩ rằng mình có quyền ưu tiên
Khi thánh Mác-cô viết cho các độc giả của mình, Nhóm Mười Hai đã phân tán, một vài người đã qua đời. Tuy vậy, cộng đoàn được thành lập xưa kia quanh Ðức Giê-su vẫn là kiểu mẫu cho mọi cộng đoàn. Qua trình thuật, thánh Mác-cô nhắc lại cho các tín hữu thời ấy về cách sống họ phải có với nhau cũng như về mối tương quan của họ với thế giới bên ngoài : không được tự cho mình quyền ưu tiên trên người khác, việc phục vụ, sự bình an.

Kẻ trừ quỷ
Câu chuyện khởi đầu với đề nghị của ông Gio-an về việc có người không ở trong hàng ngũ môn đệ mà lại lấy danh Ðức Giê-su để trừ quỷ. Các môn đệ muốn xin Thầy cấm không cho người ấy làm như vậy.

Ðề nghị này diễn tả tham vọng của một số người trong dân Chúa muốn có những đặc quyền và độc quyền, kể cả quyền trừ quỷ. Ðức Giê-su cho thấy thái độ ngược lại : Người luôn hướng ra ngoài những biên giới hữu hình, những cơ chế, với mục đích làm cho việc phục vụ được mở rộng và đạt được hiệu quả tối đa. Xét cho cùng, sự hiện diện của Ðức Giê-su cũng như của Hội Thánh chính là dẹp tan sức mạnh của Xa-tan để Nước Thiên Chúa được lan rộng. Chỉ có những ai kết hiệp với Ðức Ki-tô, Ðấng duy nhất đã chiến thắng ma quỷ, mới có thể làm được công việc này.

Do đó, thay vì cấm đoán, Ðức Giê-su đã dạy các môn đệ hãy biết trân trọng và cộng tác với những người, cách này cách khác, đang làm cho Nước Thiên Chúa được lan rộng thêm. Những người này có thể không thuộc vào số những môn đệ của Ðức Ki-tô, nhưng vẫn có thể là những cộng tác viên của Người : "Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta."

Ngoài ra, theo tác giả Tin Mừng thứ hai, Thần Khí được ban tặng cho hết mọi người và không cơ cấu nào có thể ràng buộc Thần Khí của Ðấng Phục Sinh : Người là Ðấng vượt lên trên mọi cộng đoàn nhân loại, mọi hoạt động xã hội, mọi gia đình tôn giáo. Thần Khí luôn chống lại mọi hình thức địa phương hóa Hội Thánh, mọi ý định muốn trói buộc sự năng động mà Người là nguồn mạch.

Chính vì vậy, người môn đệ Ðức Ki-tô không thể viện cớ bảo đảm sự chính thống để rồi đồng hóa sự thuộc về Ðức Ki-tô với một quan niệm loại trừ, gạt bỏ hết những ai không cùng niềm tin với mình. Nước Thiên Chúa không chỉ ở đây hay ở đó, nhưng ở bất cứ nơi đâu có những con người thiện chí.

"Ai cho anh em uống một chén nước ..."
Người Ki-tô hữu là đại diện của Ðức Ki-tô. Ðây là một trách nhiệm cao cả. Tuy nhiên, ở đây, trong câu nói của Ðức Giê-su, người môn đệ là cả một cộng đoàm trở nên bé nhỏ, và do đó là người phục vụ chứ không phải là người lãnh đạo. Tuy thế, trong cộng đoàn cũng như nơi từng người, Ðức Giê-su vẫn luôn hiện diện. Người môn đệ nhỏ bé nhất vẫn là tượng trưng cho Ðức Ki-tô. Phẩm giá cao quý này đòi buộc họ phải sống đúng theo Ðức Giê-su mong muốn, đồng thời cũng buộc người khác phải nhìn người môn đệ ấy là chính Ðức Ki-tô.

"... Làm cho một trong những kẻ bé mọn sa ngã ..."
Ðó là làm cớ cho người khác lung lạc trong việc gắn bó với Ðức Ki-tô. Hành động này đi ngược với việc phục vụ, đón tiếp, và xây dựng bình an. Ðây là tội nặng và đáng chịu hình phạt nặng nề : chịu cột cối đá vào cổ và quăng xuống biển.

Trong Tin Mừng, các kẻ bé mọn có thể hiểu là những người hèn kém, ít học, bị coi thường. Còn trong đời sống Ki-tô hữu, kẻ bé mọn là những người có lòng tin yếu kém, ít am hiểu. Thái độ nghiêm khắc của Ðức Giê-su nói lên lòng kính trọng và mối ưu tư Người dành cho loại người này. Qua đấy, Ðức Giê-su cũng muốn tố cáo thái độ độc quyền của những thủ lãnh tôn giáo : giải thích Kinh Thánh, đóng cửa không cho những kẻ muốn vào. Theo Ðức Giê-su, hành động này là sự huỷ hoại chính mình khi huỷ hoại người khác, bởi vì làm như thế là tự cho mình quyền nắm giữ Thần Khí và có quyền tự do làm bất cứ điều gì theo ý mình.

Tiếp đến, Ðức Giê-su nói đến sự trầm trọng của gương xấu theo mối nguy mà nó gây ra cho mỗi người. Các chi thể của con người như tay, chân, mắt, mũi, v.v... là những bộ phận cho phép con người hoạt động và tạo nên những mối tương quan. Con người phải điều khiển những hoạt động và tương quan của mình để tạo nên sự sống, chứ không phải gây ra tội lỗi hay sự chết. Ðây là một lựa chọn có giá trị tuyệt đối : người ta không thể coi bất cứ điều gì có tầm quan trọng hơn sự sống - sự sống vĩnh cửu. Ðiều gì đi ngược với sự sống này, phải bị loại bỏ dứt khoát.

Dĩ nhiên, câu nói của Ðức Giê-su không thể hiểu theo nghĩa chặt. Ðàng khác, cũng thật là vô ích khi cố tìm xem những tội nào mà tay, chân hay mắt có thể là cơ hội. Mà giả như có cắt bỏ những phần thân thể này cũng không loại trừ được nguy hiểm.

Qua khẳng định này, Ðức Giê-su muốn nhấn mạnh đến việc chọn lựa, và người ta phải đặt sự sống vĩnh cửu lên trên mọi giá trị khác, kể cả những gì thân thiết nhất. Như vậy, trong suốt bản văn này, vấn đề được nêu lên cho người môn đệ Ðức Ki-tô là : cuộc sống và hành động của họ có làm cho họ, và cho người khác, được sống hay phải chết ?

Thuộc về Ðức Ki-tô
Bài Tin Mừng hôm nay đề ra cho chúng ta hai sứ điệp :

Sứ điệp thứ nhất
Người xua đuổi quỷ là người tốt; họ là đối thủ hữu hiệu chống lại cái ác, và do vậy, họ được liên kết cách thực sự với Ðức Ki-tô. Có thể gặp thấy những người này ở khắp nơi, kể cả ở ngoài số những môn đệ chính thức của Ðức Ki-tô.

Nét đặc trưng của người môn đệ Ðức Ki-tô là không được ngăn cản những người này hoạt động, viện cớ rằng họ không nhận quyền từ Ðức Ki-tô.

Sứ điệp thứ hai
Ðức Giê-su yêu cầu chúng ta phải là những người trung tín đến mức phải loại trừ tất cả những gì gây trở ngại cho việc gắn bó với Người. Những ai nghĩ rằng bình an và sự công chính của Thiên Chúa là điều có thể thực hiện, cho dù phải trả giá là một cái chân hay một con mắt, những người ấy trở thành anh hùng trong lịch sử nhân loại. Ðây không phải là trường hợp những người quá bận tâm để cứu lấy những đồ đạc của mình, và được đánh đổi bằng một vài thoả hiệp.

Chúng ta hiểu rằng hai sứ điệp này không dễ thực hiện. Tuy nhiên, trong lý thuyết, nó cũng cho chúng ta cảm thấy vui thích. Sứ điệp thứ nhất phù hợp với tinh thần thoáng đạt, bao dung mà con người ngày nay đang hướng đến. Sứ điệp thứ hai phù hợp với tính trung thực đang được khuyến khích khắp nơi.

Nhưng phải chăng Ðức Giê-su chỉ nói với chúng ta như thế ?
Ðể ý một chút, ta nhận ra một điểm chung : thuộc về Ðức Ki-tô. Kẻ trừ quỷ phải "nhân danh Ðức Giê-su", kẻ bé nhỏ nhận ly nước "vì thuộc về Ðức Ki-tô" và kẻ có những chọn lựa là để "vào trong Nước Thiên Chúa".

Như thế, trong mọi hoạt động, dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, ta cũng phải nhận ra dấu vết của Thiên Chúa và của Ðức Giê-su, Con Thiên Chúa. Chúng ta phải để cho ngọn lửa Thánh Thần thanh luyện các phán đoán và cách ứng xử của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta nhận ra cách tích cực nơi chính mình và nơi người khác - dù người ấy còn xa lạ với Ki-tô giáo - dấu chỉ của Thần Khí Ðức Giê-su. Thần Khí luôn mời gọi chúng ta sống thánh hơn, và do đó, tinh thần thoáng đạt hơn. Thánh Kinh luôn mời gọi chúng ta chân thành hơn, và như vậy, tự do hơn ..

Lm. Nguyễn Cao Luật, OP