PDA

View Full Version : S - Suy Niệm Thánh Kinh Chúa Nhật 28 QN B Khôn Ngoan 7, 7-11



Dan Lee
10-10-2009, 04:33 PM
Suy Niệm Thánh Kinh

Chúa Nhật XXVIII Quanh Năm B

(Khôn ngoan 7, 7-11)



Người khôn ngoan là người biết mục đích của mình là gì và biết các phương thế hữu hiệu để đạt tới mục đích ấy. Trong lãnh vực siêu nhiên, khôn ngoan là một trong bốn nhân đức luân lý, dưới ánh sáng đức tin, dạy chúng ta biết mục đích tối hậu của chúng ta ở trần gian là nhận biết, kính mến, thờ phượng một Thiên Chúa để được phúc thiên đàng đời sau, đồng thời cũng dạy cho biết các phương thế hữu hiệu để đạt tới mục đích ấy.

Trong bài trích sách Khôn ngoan hôm nay tác giả nêu lên những phương thế có tính cách tiêu cực nhiều hơn, tức là những thứ phải từ bỏ, hay ít ra, coi khinh thường: vương quốc, ngai vàng, giầu sang, kim cương, đá ngọc, vàng bạc, sức khỏe, sắc đẹp (các câu 8-10). Các điều này trở thành tốt hay xấu tùy cách chúng ta sử dụng chúng đúng mức hay không. Nhưng vì sức quyến rũ của chúng dễ lôi kéo chúng ta xa mục đích chúng ta mong đạt tới, thành ra phải từ bỏ. Trong khi chịu phép Rửa tội chúng ta đã long trọng tuyên hứa từ bỏ những quyến rũ bất chính của những sự sang trọng thế gian và quyết tâm theo chân Chúa.

Sau khi đã nói đến việc phải từ bỏ hay coi thường những sự phù phiếm đời này, tác giả nói đến những hậu quả tốt lành của khôn ngoan:n:

“Nhưng cùng với đức khôn ngoan mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay đức khôn ngoan của cải quá nhiều không đếm xuể (câu 11). Tác giả sung sướng nói tiếp:


“Tôi vui hưởng mọi sự tốt lành ấy
vì chính đức khôn ngoan đem chúng đến với tôi
thế mà tôi không biết rằng: đức khôn ngoan
là mẹ sinh ra chúng. (câu 11)
Sau này đức khôn ngoan được nhân cách hóa, hay hiện thân, nơi Chúa Kitô:

“Thuở xưa nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời gian hết này Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh tử (Do thái 1, 1-2). Về sự từ bỏ, Chúa Jesus dạy: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo” (Mt. 16, 24). Từ bỏ mình là từ bỏ những đam mê danh lợi thú, để theo Chúa đến mục đích Chúa muốn dẫn tới, bằng những phương thế hữu hiệu Chúa dạy trong bài giảng trên núi, đặc biệt là tám mối phúc thật: tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khát khao sự công chính, thương người, trong sạch xây dựng hòa bình, bị bách hại vì sự công chính. (Mt. 5, 3-12)

Trung thành thực hiện những điều kể trên, chúng ta sẽ đạt tới hạnh phúc thật.



Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Lưu, SDD