PDA

View Full Version : T - Trao đổi với tác giả “Cuộc cải tổ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI”



Dan Lee
10-12-2009, 09:48 PM
Phụng vụ và Truyền thống
Trao đổi với tác giả “Cuộc cải tổ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI”

WHĐ (12.10.2009) – Đức ông Nicola Bux, linh mục Ý, một chuyên gia về Phụng vụ, vào đầu tháng 10 vừa qua, đã cho ra mắt cuốn sách có nhan đề: “Cuộc cải tổ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI,” ghi lại các cột mốc giữa cải tổ chính đáng và cách mạng, qua đó mở đường cho hòa bình trong phụng vụ như Đức giáo hoàng (ĐGH) mong muốn. Cuốn sách này đã gây nên một cuộc tranh luận thực sự tại Italia.

Christophe Geffroy, Giám đốc trang tin điện tử công giáo La Nef đã thực hiện cuộc trao đổi với Đức ông Bux về quyển sách gây xôn xao dư luận này.

Christophe Geffroy (La Nef): Đức ông đã viết ở trang 69 rằng “Phụng vụ đã trở thành một bãi chiến trường”: tại sao và bằng cách nào người ta lại đã đi đến một tình trạng như hiện nay, một tình trạng làm mất đi chính cái ý nghĩa của phụng vụ, Đức ông (ĐÔ) có cho thấy điều này trong cuốn sách của mình?


http://vietcatholic.net/pics/121284e06d0e2590MsgrNicolaBux.jpg
Đ.Ô. Nicola Bux

- Đ.Ô. Nicola Bux: Có, tôi đã dành chương ba cho “cuộc chiến trong cải tổ phụng vụ”, theo tôi, đã diễn ra trong hai giai đoạn trong và sau Công đồng chung Vatican II. Lý do của cuộc xung khắc này nằm ở chỗ giải thích phụng vụ: phụng vụ -cũng như chính niềm tin của Giáo hội- có liên tục hay không với Truyền thống? Nghịch lý là ở chỗ các nhà đổi mới đã sử dụng mô hình của Giáo hội tiên khởi để bảo vệ sự cần thiết phải có những thay đổi trong phụng vụ, y hệt như những người vụ truyền thống đã làm để giữ nguyên tình trạng. Chúng ta đứng trước cũng một cái “tội”: chủ nghĩa trọng cổ, đã bị chính Đức Giáo hoàng Piô XII lên án trong Thông điệp Mediator Dei (1947).

Người ta có thể dùng biện pháp chấn chỉnh nào để tránh không làm mất đi tinh thần của phụng vụ vốn là một sự gặp gỡ với mầu nhiệm qua truyền thống của Giáo hội, thân mình sống động của Chúa Kitô? Chúng ta phải hiểu rằng sự phát triển của phụng vụ diễn ra một cách hữu cơ và người ta gần như không nhận ra. Để ra khỏi sự bế tắc hiện nay, chúng ta phải tìm hiểu Sacrosanctum Concilium [Hiến chế Phụng vụ của Công đồng chung Vatican II] và xem xét một cách có phê phán việc áp dụng văn kiện này trong thời kỳ sau Công đồng. Nhưng chính vấn đề “hòa bình” mới là điều ĐGH Bênêđictô XVI đề xuất qua tự sắc Summorum Pontificum, sự hòa bình có thể giúp giải quyết cuộc tranh cãi phụng vụ: ĐGH mời gọi tìm hiểu lịch sử, giáo thuyết và kỷ luật của phụng vụ và giúp đưa ra cho tất cả các thế hệ một cách hiểu mới về phụng vụ. Bởi vì sự không thấu hiểu luôn luôn làm nảy sinh thái độ thiên vị.

Nhiều lần trong cuốn sách của ĐÔ, xem ra ĐÔ muốn giảm thiểu vai trò của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong việc cải tổ (xem trg. 101-102), như thể cuộc cải tổ này đã vuột khỏi tay ngài: ĐGH Phaolô VI đã theo dõi rất sát các giai đoạn của cuộc cải tổ, đó chẳng phải là một cách thức để nói ngài không có trách nhiệm trong thảm họa phụng vụ theo sau cuộc cải tổ?

– Như chúng ta biết, ĐGH Phaolô VI có một vai trò rất quan trọng tại Công đồng chung Vatican II: chính nhờ việc điều tiết của ngài mà công việc của Công đồng đã có thể đi tới cùng đích của nó. Chúng ta cũng biết là, về các vấn đề phụng vụ, ngài đã đem lại một số sửa chữa cho Ordo Missae năm 1969. Trong bài giảng nổi tiếng ngày 29-6-1972, ĐGH đã nói đến “đám khói Satan” đã len vào trong Giáo hội: như vậy là người biết rõ cuộc cải tổ đã có những lạm dụng. Dĩ nhiên, không có sự chỉ đạo hay sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, Consilium ad exsequendam Constitutionem de sacra liturgia (Hội đồng thực thi Hiến chế Phụng vụ Thánh), hẳn sẽ không có khả năng tiếp tục. Các công trình nghiêm túc mới đây được xuất bản tại Italia đã xác nhận phân tích này.

Phụng vụ trong khuôn khổ của Truyền thống của Giáo hội, như đã được nói trong lời mở đầu của tự sắc Summorum Pontificum, chỉ có thể được gìn giữ, được duy trì và tôn trọng bởi quyền uy tối thượng lên tới chính Đức giáo hoàng; ngay cả Công đồng chung Vatican II cũng không thể hành động khác được khi người đã bắt đầu canh tân phụng vụ.

Đức Ông đã viết: “việc cải tổ phụng vụ không hoàn hảo, và chưa hoàn tất” (trg. 157): ĐÔ nghĩ đến ý tưởng của Hồng y Ratzinger về một cuộc “cải tổ việc cải tổ”. Nhưng liệu người ta có thể nói rằng cuộc cải tổ đã đi quá xa, ngoài mong muốn của các nghị phụ? Và đưa ra ý nghĩ là cuộc cải tổ chưa hoàn tất, như vậy chẳng phải là duy trì một tâm trạng ở trong thay đổi thường trực từng làm chúng ta cực khổ?

– Phụng vụ vốn phải sống động trong Giáo hội sống động, bởi vì Giáo hội là semper reformanda [luôn phải được cải tổ]; chúng ta có thể nghĩ rằng phụng vụ cùng hành trình với Giáo hội. Đó chính là lý do tại sao một cuộc cải tổ phụng vụ không bao giờ có thể là cuối cùng. Tuy nhiên, với điều kiện là phải hiểu rõ từ “cải tổ” vốn không đồng nghĩa với “cách mạng”, mà đúng hơn là đặt vào đúng thể thức điều gì đó đang có nguy cơ biến dạng. Như thể khôi phục một bức tranh tường quý giá đang có nguy cơ hư hỏng. Từ ĐGH Piô X đến ĐGH Piô XII, tức trước Công đồng chung Vatican II, đã có những bước canh tân phụng vụ, phong trào này do đó chưa kết thúc một cách vĩnh viễn. Từ traditio phát xuất từ động từ tradere, vốn chỉ một sự chuyển động, sự chuyển động của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội của Chúa Kitô, chính Người là Đấng “đổi mới mọi sự”. Do đó, cần phải nói đến một sự thay đổi hay một sự phát triển hữu cơ của phụng vụ.

Chương cuối của tập sách gợi lại “một chuyển động mới trong phụng vụ”. ĐÔ thấy thế nào về sự xuất hiện của một sự chuyển động như vậy và mục tiêu của nó là gì? Nếu, nhờ sự chuyển động này của phụng vụ, chúng ta đi tới chỗ “hoàn tất việc cải tổ”, điều này, cuối cùng, sẽ dẫn tới chỗ tìm thấy lại sự thống nhất của nghi lễ Rôma hay hai hình thức của cùng một nghi lễ sẽ còn có thể sống chung với nhau lâu dài?

– Chúng ta có thể thấy sự chuyển động hay phong trào phụng vụ này nảy sinh từ lòng yêu mến truyền thống của Giáo hội mà nhiều người trẻ đã khám phá thấy. ĐGH Bênêđictô XVI đã đem lại một sự thúc đẩy mới cho phong trào này với sự kiên nhẫn của tình yêu thương, dĩ nhiên trong sự kết nối với phong trào phụng vụ của thế kỷ XIX và của tiến bán thế kỷ XX. Mục tiêu sẽ là khám phá lại nghi thức Roma như chính ĐGH đã viết trong thư gửi giáo sư Lothar Barth. Lúc này, như ĐGH đã viết trong Tự sắc, hai hình thức, thông thường và bất thường, phải làm giàu cho nhau, điều này đòi hỏi các linh mục phải biết cử hành cả hai hình thức của cùng nghi thức Roma.

ĐÔ đã chứng minh (trg. 113-122) rằng thánh lễ - được gọi là của thánh Giáo hoàng Piô V - không hề bị bãi bỏ, và rằng ĐGH Bênêđictô XVI cũng đã khẳng định điều này trong Summorum Pontificum, trong khi đó ĐGH Phaolô VI lại nói hoàn toàn ngược lại trong bài diễn văn ngày 24-5-1976 của người, (như ĐÔ đã trích dẫn): ĐÔ giải thích ra sao sự mâu thuẫn này?

– Tuyên bố của ĐGH Phaolô VI trong bài diễn văn -“Ordo mới đã được ban hành để thay thế Ordo cũ”- không có nghĩa là bãi bỏ sách lễ Roma của thánh giáo hoàng Piô V, mà là cấm sử dụng sách lễ này. Cách giải thích này tạo cơ sở cho đặc quyền của ĐGH Gioan Phaolô II, vốn là một quyết định có tính pháp luật cho phép sử dụng điều đã bị cấm. Từ “bãi bỏ” trong tiếng la tinh có nghĩa là hủy bỏ, phá hủy: liệu chúng ta có thể nghĩ rằng ĐGH Phaolô VI lại muốn hủy bỏ Sách lễ đáng kính của thánh giáo hoàng Piô V, vị tiền nhiệm của ngài chăng? Trong Tự sắc, ĐGH Bênêđictô XVI đã giải thích vấn đề theo cách ấy: thánh lễ của thánh giáo hoàng Piô V -mà chúng ta có thể gọi là “Bộ lễ của thánh Grêgoriô Cả”- đã được chuyển từ một tình trạng bất thường, indult, sang một tình trạng thông thường, tình trạng của tự sắc [motu proprio].

Tuy nhiên, từ những suy nghĩ có tính cách giáo luật về các từ trên của lề luật, chúng ta có thể rút ra kết luận là motu proprio [tự sắc] đem lại cho “vấn đề phụng vụ” một quy chế hoàn toàn mới, bởi vì nó đặt lại “vấn đề phụng vụ” trên một bình diện thần học và lý thuyết – và theo thiển ý chúng tôi, cả trên bình diện lịch sử nữa; đó là điểm lợi chính của công thức mới chứa đựng trong khoản 1. Một điểm lợi khác, được giáo sư Antonio S. Sánchez-Gil lưu ý: xem bộ lễ cũ và mới không phải “như hai hệ thống pháp luật hay hai hệ thống không thể thông truyền với nhau”, mà như hai cách diễn đạt phụng vụ của một lex orandi [luật cầu nguyện] duy nhất của nghi thức Roma vốn có thể làm giàu cho nhau, cũng như người ta phải làm giàu, phải tiếp nhận và xem lại ars celebrandi [cách thức cử hành]. Đó là điều mới mẻ chính yếu và quan trọng của motu proprio [tự sắc], bởi vì cuộc cải tổ một lần nữa được ghi vào trong truyền thống vốn tiếp tục là sách chỉ nam của chúng ta.

“Sự thay đổi phương hướng này trong phụng vụ đã tạo nên một độ lệch của chính đức tin” (trg. 31), ĐÔ viết. Xin ĐÔ nói rõ hơn về điểm này và cho chúng tôi biết tại sao việc trở về với một sự cử hành “versus Deum” [hướng lên Thiên Chúa] lại có tính cách thay đổi tinh thần hiện nay của phụng vụ?

– Phụng vụ là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa luôn đi bước đầu, Ngài vốn là Chúa của lịch sử và của vũ trụ, Ngài luôn đi trước chúng ta: với việc catabàsi (đi xuống) của Ngài, Ngài nói với chúng ta và cứu độ chúng ta. Đó chẳng phải là tinh thần của phụng vụ phương Đông và phương Tây, phụng vụ của đất cũng như của trời đó ư? Từ khởi thủy cho đến ngày nay, linh mục, ở phương Đông, cử hành ad Dominum [hướng về Chúa] và chẳng ai nghĩ linh mục quay lưng cho mình! Làm sao chúng ta có thể sursum corda [nâng tâm hồn lên], nghĩa là ad Dominum [hướng về Chúa], nếu linh mục đối diện với chúng ta và thu hút sự chú ý của chúng ta? Điều này quả là rất khó về phương diện tâm lý. Chúng ta có thể nghĩ cùng với ĐGH, rằng lòng tin và cầu nguyện sẽ tìm thấy lại chiều hướng này của việc định hướng nếu Thập giá được đặt vào lại trung tâm, và trở thành tâm điểm của sự chúy ý của linh mục và tín đồ. Và chúng ta có thể thêm rằng việc vị chủ tế hướng về Chúa ad Dominum là một cử chỉ mang tính đại kết đối với các tín đồ Chính Thống giáo!

Trong tập sách, ĐÔ nhấn mạnh nhiều đến ý nghĩa thánh thiêng của phụng vụ, đến tầm quan trọng của cái đẹp, của các cử chỉ và biểu tượng (như việc quỳ gối chẳng hạn): làm sao ý nghĩa thánh thiêng này lại bị mai một và làm sao đưa nó vào lại trong phụng vụ hiện nay?

– Giữa người Do Thái và người Kitô hữu, khi nói đến thánh thiêng, họ luôn đơn thuần quy về sự Hiện diện (shekinak theo tiếng Hipri) của Thiên Chúa trong Sancta Sanctorum, nghĩa là Sanctissimum [nơi cực Thánh]. Cử chỉ cổ điển của việc nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa là quỳ gối: đây là sự thờ phượng. Sự mai một của ý thức về sự hiện diện của Chúa trong Giáo hội đã dẫn đến sự mai một của ý thức về phụng vụ với tính cách là việc thờ phượng. Để có lại ý thức này, vị trí của nhà tạm là rất quan trọng! Về điểm này, cần phải suy nghĩ và trao đổi để tìm ra giải pháp cho một số mâu thuẫn gặp thấy trong các hướng dẫn hậu công đồng, như tôi đã nêu trong tập sách.

Khi đề cập đến tự sắc Summorum Pontificum, ĐÔ đã biện minh cho phân tích của ĐGH Bênêđictô XVI về sự kiện là không thể có “gián đoạn” trong phụng vụ. Làm thế nào để dung hòa khẳng định này với những gì chính Hồng y Ratzinger đã viết, người đã từng nói nhiều lần đến sự “gián đoạn” và “nền phụng vụ được chế tạo” hay, cụ thể hơn, với những gì nhiều tín đồ đã sống và đã nhìn thấy thánh lễ bị biến đổi một cách tàn bạo?

– ĐGH, trong tự sắc, đã mô tả phụng vụ của Giáo hội trải qua các thế kỷ trong sự liên tục với thời các tông đồ, bởi vì, phụng vụ trước tiên có tính tông truyền. Khi ĐGH Bênêđictô XVI nói đến gián đoạn hay phụng vụ được chế tạo, người có ý nói rằng “sự kết nối” đã bị đứt đoạn. Giá trị hiến tế của thánh lễ đã được thay thế bởi việc tưởng nhớ bữa tiệc cuối cùng của ngày Thứ Năm thánh: đó là gián đoạn chính. Chính ĐGH Phaolô VI đã sửa chữa sự lạc đạo này trong editio typica lần thứ nhất của sách lễ Roma (điều 7); dĩ nhiên, thánh lễ cũng là một bữa tiệc, nhưng là tiệc vượt qua, nghĩa là với Chiên Thiên Chúa được tế hiến vì chúng ta. Bởi vậy phụng vụ, như người ta nói ở phương Đông, là một “bữa tiệc nhiệm mầu với Mình được tế hiến và Máu được đổ ra in remissionem peccatorum [để chuộc tội/ kẻ có tội được tha thứ]. Sách Khải Huyền cũng mô tả nền phụng vụ vĩnh cửu, được tượng trưng trên trái đất, bởi nền phụng vụ của Giáo hội. Khía cạnh huynh đệ, hay đúng hơn, hiệp thông của thánh lễ, tùy thuộc duy nhất vào mầu nhiệm này.

– Sau hai năm kinh nghiệm, ĐÔ nghĩ gì về việc áp dụng cụ thể tự sắc này và ĐÔ chờ đợi gì ở tương lai?

Mọi người đều biết là vào buổi đầu cử chỉ của ĐTC đã được đón nhận theo nhiều cách khác nhau. Trước tiên, một cuộc tranh cãi đã diễn ra, có “chống”, có “ủng hộ”, đồng thời, nhiều linh mục và giám mục đã bắt đầu cử hành thánh lễ theo hình thức bất thường. Bởi vậy, việc áp dụng cụ thể motu proprio đặt cơ sở trên thực tế, không có bất cứ một giới hạn nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng rằng hình thức bất thường sẽ phát triển với các thế hệ linh mục mới. Họ sẽ phải học tiếng latinh và thánh lễ của “thánh Grêgôriô Cả”. Chúng ta cần phải có nhiều kiên nhẫn, sự kiên nhẫn của lòng yêu thương, như ĐTC đã nói, khi người còn là hồng y trong cuộc Trao đổi về lòng tin nổi tiếng của người vào năm 1985.

– Tại Pháp, người ta có cảm tưởng rằng việc đưa thánh lễ của “thánh Grêgôriô Cả” vào các giáo xứ, như ĐÔ nói, đặt ra một vấn đề không thể vượt qua nổi, tới độ nhiều giám mục đã phải ngăn lại. Tại sao lại có một sự sợ hãi như vậy? Tại Italia có như vậy không?

Trong motu proprio, ĐGH trấn an các giám mục để các ngài không việc gì phải lo sợ việc đưa vào các giáo xứ thuộc giáo phận của mình hình thức bất thường, bởi vì đó không phải là duyên cớ gây chia rẽ mà tạo nên sự phong phú. Đây là một suy nghĩ: ngày nay, chúng ta không ngại mời các Kitô hữu tìm hiểu các tôn giáo khác và việc thờ phượng của các tôn giáo này. Dĩ nhiên, chúng ta coi họ là những người trưởng thành, có khả năng đánh giá tình hình một cách bình thản. Tại sao chúng ta lại phải nghĩ rằng các tín hữu không có khả năng hiểu được sự thống nhất trong đa dạng, không có khả năng hiểu được rằng nghi thức Roma quả là phong phú?

Tình hình có lẽ có khác tại Italia, bởi vì việc áp dụng cuộc cải tổ tại đây đã được quân bình hóa hơn. Tại Italia cũng thế, nhiều linh mục và giám mục đã bắt đầu cử hành theo sách lễ năm 1962: do đó, chúng ta có thể nghĩ tới một sự chuyển biến tốt, từ từ nhưng ngặt nghèo.

Trong tập sách, ĐÔ thường xuyên nói đến phụng vụ Byzantin: phụng vụ này đã biến chuyển ra sao qua các thời đại? Nền phụng vụ này có phải trải qua một cuộc cải tổ tương tự với cuộc cải tổ năm 1969 đối với nghi thức Roma? Phương Đông hiểu thế nào về cuộc cải tổ của chúng ta?

– Để bắt đầu, tôi muốn nhắc lại lời cổ vũ có tính cách đại kết của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Giáo hội phải thở bằng hai lá phổi: phương Đông và phương Tây”. Câu này thường được các người thuộc “phong trào đại kết” trích dẫn như một ví dụ về sự cần thiết phải hòa hợp hai truyền thống. Nhưng khi đề cập đến phụng vụ -vốn là pars magna (bộ phận chủ yếu) của di sản truyền thống Kitô giáo-, người ta lại được nghe những “distinguos” [lập trường phân biệt] hay đúng hơn, lại thấy thái độ giữ khoảng cách của một số chuyên gia phương Tây đối với phụng vụ phương Đông. Các chuyên gia này, chẳng hạn, khi nói về sự định hướng của linh mục, lại khẳng định rằng nghi thức Roma là một con đường khác với con đường của nghi thức Byzantin: điều này đúng về mặt lịch sử, nhưng chúng ta lại không có bổn phận phải cố gắng duy trì sự thống nhất hay tìm kiếm sự thống nhất đó ư? Nếu “các nhà chủ trương Đại kết” công giáo trách Giáo hội La tinh là đã làm chúng ta xa cách phương Đông khi Giáo hội công bố các tín điều về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và về Đức Mẹ lên trời, chúng ta lại không phải cũng lấy làm tiếc về sự kiện là, trong lĩnh vực phụng vụ, chúng ta đã bỏ các cử chỉ xuất phát từ “Giáo hội nguyên vẹn”, như lời cầu nguyện của linh mục ad Orientem [hướng về phương Đông] hay việc rước lễ nơi miệng? Đó chẳng phải là một sự mâu thuẫn đó sao? Nếu chúng ta bảo vệ các nguyên tắc của Giáo hội tiên khởi, đúng rồi, nhưng việc định hướng cũng nằm trong Giáo hội tiên khởi. Chúng ta đã chẳng phải là những nhà theo chủ nghĩa trọng cổ hay hiện đại tùy theo điều gì thích hợp với chúng ta đó ư?

Sau khi trình bày như vậy, chúng ta có thể thấy là phụng vụ Byzantin đã biến chuyển thành một hệ thống chặt chẽ, trước hết với truyền thống tông đồ và kế đó, với nền văn hóa Byzantin, nhưng vẫn duy trì sự thống nhất giữa ba chiều kích: nghi thức, kiến trúc và tranh ảnh, ermêneia, nghĩa là khoa giải các biểu tượng phụng vụ hay truyền phép. Do đó, nền phụng vụ này đã không phải trải qua một cuộc cải tổ tương tự như cuộc cải tổ năm 1969 đối với nghi thức Roma. Tại Nga, vào đầu thế kỷ trước, thượng phụ Nikon đã cố gắng cải tổ các sách phụng vụ, nhưng các tín đồ đã bác bỏ một cách dữ dội toàn bộ dự án cải tổ. Có lẽ chính kinh nghiệm này đã giải thích thái độ thiện cảm của người Chính Thống giáo đối với cuộc cải tổ của ĐGH Bênêđictô XVI. Chúng ta biết là Đức cố Thượng phụ Alexis đã bảy tỏ sự biểu đồng tình của người đối với motu proprio, nói rằng việc khám phá lại truyền thống đã hòa giải các Kitô hữu với nhau.

Gương của phụng vụ Byzantin có thể đem lại gì cho chúng ta ngày nay?

– ĐGH Gioan Phaolô II đã công bố tông huấn Orientale lumen [Ánh sáng Đông phương] vào năm 1995 trong đó người khuyến khích người Kitô hữu hướng về phương Đông, Đức Giêsu Kitô đã đến từ đó: phương Đông với tất cả kho tàng giáo lý, phụng vụ và thánh thiện phong phú. Chúng ta biết rằng trong bảy chục năm dưới chế độ cộng sản, Kitô hữu phương Đông đã có thể tồn tại được là nhờ nền phụng vụ được cử hành liên tục trong những hoàn cảnh khó khăn vì một số lớn nhà thờ đã bị phá hủy. Bài học gì có thể rút ra từ đây? Đó là phụng vụ là “fons et culmen” [nền tảng và chóp đỉnh] của đời sống Giáo hội trên trái đất, bởi vì phụng vụ ấy không từ trần thế mà là từ trời. Đó chính là lý do tại sao Công đồng chung Vatican II lại nhấn mạnh rằng phụng vụ có một phần bất biến của thể chế do Chúa thiết lập: cần phải tập trung việc tìm hiểu về chính cái phần bất biến này. Nghi thức Byzantin, với cái nhìn phụng vụ như “Trời trên trái đất”, có thể giúp chúng ta khám phá ra khía cạnh huyền nhiệm của nền phụng vụ La tinh. Nhưng đối với những người Công giáo vốn không biết hay không thể đến với phụng vụ Byzantin, thánh lễ của “Thánh Giáo hoàng Piô V”, hay hơn nữa, của “Thánh Grêgôriô Cả”- được xem là hình thức bất thường của nghi lễ Roma-, cũng đủ để hiểu được truyền thống phụng vụ La tinh. Các kitô hữu Byzantin (Chính Thống giáo và Công giáo), trong năm phụng vụ, có được cơ hội tham dự “phụng vụ thánh Gioan Chrysostome”, phụng vụ “thánh Basiliô”, hay phụng vụ “những kẻ Tiền thánh hóa”: nghĩa là cùng một nghi thức nhưng trong sự đa dạng.

Như vậy phụng vụ Byzantin cho chúng ta một ví dụ về sự thống nhất và về tính đa dạng mà không có gián đoạn hay chia rẽ, bởi vì nền phụng vụ ra đời từ một truyền thống đức tin duy nhất và phụng vụ chỉ có thể phát triển bằng việc phong phú hóa chứ không phải bằng việc làm nghèo đi. Như vậy, chẳng có gì đáng phải giận dữ khi ĐGH, trong tự sắc, đề nghị, mà không áp đặt, việc sử dụng hai hình thức của cùng một nghi thức Roma.

(Do Christophe Geffroy ghi lại)

Một đóng góp thiết yếu
Về quyển sách “Cuộc cải tổ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI” và tác giả

http://vietcatholic.net/pics/121284e06d0e2590NicolaBuxBook.jpg

Đức ông Nicola Bux là một người thân cận với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và gần đây, được ĐGH chỉ định làm tư vấn về các Nghi lễ Tòa thánh. Ngài là một nhà phụng vụ học thâm niên và già dặn, chuyên về nghi thức phương Đông. Cuốn sách của ĐÔ được chào đón tại Italia, đến mức bản dịch tiếng Tây Ban Nha đã được đích thân Đức Hồng y Canizarès tân Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, viết lời tựa. Một cuốn sách nhỏ về vóc dáng nhưng nặng về tỉ trọng và đầy uy quyền, chắc chắn nằm trong “phong trào phụng vụ mới” theo mong ước của ĐGH Bênêđictô XVI và được Đức ông Bux dành cho chương cuối cùng trong tập sách của ngài.

Không hề nghiêng về phần phê phán một cách có hệ thống cũng không cáo giác các nền tảng của cuộc cải tổ phụng vụ năm 1969, Đức ông Bux, tuy vậy, cũng phác họa một bức tranh nghiêm khắc về tình trạng phụng vụ hiện nay: cả một dân đã đánh mất chính cái ý nghĩa của phụng vụ do lỗi của các mục tử. Trong bối cảnh đó, việc nhìn nhận quyền hiện diện của sách lễ cũ, như ĐGH mong muốn trong tự sắc Summorum Pontificum, không chỉ là một việc trả lại công bằng cho các linh mục và tín hữu gắn bó với hình thức phụng vụ này, sự nhìn nhận này còn đề cao một kho tàng của Giáo hội vốn, do bản tính, giúp phong trào tái thánh hóa phụng vụ lớn lao được ĐGH kêu gọi với tất cả lòng mong ước của người. Do đó, sự nhìn nhận này vượt khá xa chu vi của thế giới vụ truyền thống.

Vả lại, ĐÔ Bux không hề đến từ thế giới đó. Một trong những mối quan tâm của tập sách của người là vượt lên trên các cuộc cãi nhau về phụng vụ trong quá khứ và đem lại sự thấu hiểu thực sự về phụng vụ để góp phần khai thông tình hình. Để kết luận cho việc phân tích, Đức ông gợi lên năm sự “méo mó” phát xuất từ cuộc cải tổ:

1- “Biến phụng vụ, được làm thành bằng cầu nguyện hay đối thoại với Thiên Chúa, thành sự trình diễn của các diễn viên và thành những chuỗi lời nói không dứt. Chính vị trí cử hành của linh mục càng làm tăng thêm sự “méo mó” này”.

2- “Việc thay thế khái niệm tế hiến bằng khái niệm bữa tiệc”.

3- “Sự lẫn lộn nảy sinh từ sự kiện đọc kinh tiền tụng hướng về cộng đoàn versus popolum, điều này đã góp phần củng cố ý tưởng thánh lễ là một bữa ăn huynh đệ”.

4- “Không dùng tiếng la tinh nữa”.

5- “Cuộc cách mạng ‘nghệ thuật’ vốn gây nên những hậu quả sau: bàn thờ đã thay đổi hình dáng; bàn thờ trở thành một bàn ăn. Nhà tạm được đặt chệch sang một bên và thay vào đó là ghế của linh mục lúc nào người ta cũng nhìn thấy” (trg. 168-169).

Tập sách có một giá trị thực sự này, sau các tác phẩm khác như của các cha Nichols, Lang hay Cassingena-Trévedy, cho thấy rằng sự suy tư về phụng vụ được mở rộng trong Giáo hội, điều kiện cần thiết cho sự lên ngôi của một phong trào phụng vụ mới và đích thực. Một cuốn cần đọc và suy niệm một cách khẩn cấp.

Cuộc cải tổ của Đức Bênêđictô XVI. Nền phụng vụ giữa đổi mới và truyền thống, của Đức ông Nicola Bux, tựa của Giám mục Marc Aillet, lời bạt của Hồng y Canizarès, nhà xuất bản Tempora, 2009, 208 trang.

(Nguồn: Christophe Geffroy, www.lanef.net, NN. chuyển dịch, hdgmvietnam.org)
Christophe Geffroy