PDA

View Full Version : T - Truyền giáo: chấp nhận đi theo con đường thánh giá



Dan Lee
10-19-2009, 08:16 PM
CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO (2009)

Truyền giáo: chấp nhận đi theo con đường thánh giá

Truyền giáo: chấp nhận đi theo con đường thánh giá

1. Thiếu tinh thần truyền giáo là "một Giáo Hội bệnh hoạn".

Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã ban bố một mệnh lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Và rồi sau đó, tưởng đâu “mệnh lệnh xem ra đầy tham vọng nầy” sẽ sớm rơi vào quên lãng. Bởi chưng ngay từ thuở ban đầu khi các môn sinh của Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện mệnh lệnh ấy, thì đã bị vùi dập te tua bởi các thế lực Do Thái giáo, như sách Công vụ tông đồ ghi lại: “Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa” (Cv 4,18); “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà kìa các ông đã làm cho cả Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi” (Cv 5,28). Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau đó, mệnh lệnh trên đã mau chóng trở thành hiện thực, một hiện thực mà chỉ với năng lực của loài người chắc chắn sẽ không bao giờ với tới. Quả vậy, không chỉ Giêrusalem “ngập đầy giáo lý của các tông đồ”, mà sau đó lần lượt cả đế quốc Rôma và cho đến hôm nay đã có hơn 1/3 nhân loại trên thế giới nhận biết Chúa Giêsu và giáo lý do các Tông Đồ rao giảng. Như thế, những lời tiên báo từ ngàn xưa của các tổ phụ, các sứ ngôn đã ứng nghiệm: “Tiếng chúng đã vang dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển” (Tv 18).

Tuy nhiên, thành quả đó, công trình Phúc âm hóa tưởng đâu dễ như trở bàn tay vì có Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tác động đó, lại còn là kết quả của bao đau thương và vất vả, của bao nước mắt và mồ hôi của bao máu xuơng và hy sinh ngút ngàn của muôn thế hệ tông đồ, thừa sai, những người đã dấn thân thực thi đến tận cùng mệnh lệnh của Thầy chí Thánh đến độ đã tâm niệm một cách gần như cuồng tín kiểu Tông đồ Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi khổng rao giảng Tin Mừng”. Hay đầy chất lãng mạn, lý tưởng như một Têrêsa Hài Đồng Giêsu, một nữ tu âm thầm trong tu viện thanh vắng: “Lạy Chúa, con ước ao đi dọc ngang khắp thế giới, để rao giảng thánh danh Chúa và cắm cờ hy vọng vào thánh giá vinh quang Chúa trong lãnh thổ dân ngoại. Rồi nữa, một miền truyền giáo mà thôi không đủ cho con. Con muốn cùng một lúc được truyền bá Phúc âm của Chúa khắp thế giới, kể cả những hải đảo heo hút nhất. Con muốn trở thành một nhà thừa sai, không chỉ trong một vài năm, nhưng từ khi trời đất được tạo thành cho đến ngày tận thế.” (Một Tâm hồn); hoặc như một Phan-xi-cô Xa-vi-e vì trăn trở thao thức cho công cuộc rao giảng Tin Mừng mà gần như bực tức trước bao con người lãnh đạm đối với mệnh lệnh thiêng liêng và yêu cầu bức thiết nầy: “Nhiều người quanh đây chưa trở thành tín hữu vì không có ai dạy cho họ sống đức tin. Tôi vẫn thường ước ao đi thăm các đại học ở Âu Châu, đặc biệt ở Pa-ris, và la lớn như một người điên dại để đánh động những ai có nhiều kiến thức hơn là đức ái: có lẽ đã có nhiều linh hồn bị mất phúc thiên đàng chỉ vì sự hờ hững của các người!”

Thảo nào, Công Đồng Vaticanô II, khi nói đến nhiệm vụ truyền giáo của Giáo Hội đã không ngần ngại xác nhận: "Giáo Hội lữ hành trên trần thế, thể theo chính bản tính, là Giáo Hội truyền giáo" (Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, số 2). Dựa theo giáo huấn của Công Đồng, ĐTC Gioan Phaolo II, trong sứ điệp gửi Giáo Hội nhân ngày Truyền Giáo năm 1981, đã nhấn mạnh rất nhiều về trách nhiệm truyền giáo của mỗi giáo hội địa phương bằng một câu xác quyết có thể làm giật mình: "Một giáo hội đóng kín và thiếu tinh thần truyền giáo là một giáo hội chưa phát triển đầy đủ hay đó là một giáo hội bệnh hoạn".

Và đặc biệt, trong “Sứ điệp ngày thế giới Truyền giáo” năm nay, 2009, Đức TC Bênêdictô XVI đã nhấn mạnh tính thường xuyên và cấp thiết của công cộc truyền giáo của Hội Thánh: “Sứ mạng truyền giáo hoàn vũ phải trở thành một yếu tố căn bản thường hằng trong đời sống của Giáo Hội. Rao giảng Tin Mừng đối với chúng ta phải là một nghĩa vụ thứ nhất không thể tránh né, cũng như đối với thánh Phaolô Tông Đồ xưa kia…Tôi muốn tái khẳng định rằng mệnh lệnh rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi người chính là sứ mạng nòng cốt của Giáo Hội” (Evangelii nuntiandi, 14), là nghĩa vụ và sứ mạng mà những thay đổi sâu rộng trong xã hội ngày này càng làm cho nó có tính chất cấp thiết hơn nữa. Đây là điều có liên hệ tới phần rỗi đời đời của con người, tới cùng đích và sự viên mãn của lịch sử nhân loại và vũ trụ.”

2. Truyền giáo: chấp nhận "theo con đường thánh giá":

Thì cứ viện dẫn ra đây một số phương thế được biểu thị bằng những hình ảnh của Tin mừng:

- Trước hết hãy trở thành những “viên đá sống động” trong tòa nhà Hội Thánh khi cuộc sống Kitô hữu không bao giờ chịu nằm yên hay dừng chân chờ sung rụng, mà luôn lên đường, luôn khám phá và sáng tạo để phục vụ Chúa tốt hơn.

- Thứ đến phải can đảm trở thành những “hạt lúa mục nát giữa lòng đời” khi mỗi ngày biết đong đầy những hy sinh và cầu nguyện, những phục vụ âm thầm hay cụ thể cho những người xung quanh hay cho cộng đoàn đang hội nhập.

- Rồi phải sống và hiện diện làm sao như những “viên men vùi sâu trong thúng bột”, hay những “ngọn đèn cháy sáng đặt trên cao”. Có nghĩa là luôn biểu tỏ gương mặt tốt lành của Chúa Giêsu và Hiền Thê Ngài qua chính cuộc sống dễ thương, khả ái, hiền lành, tử tế của chính mình, gia đình mình, cộng đoàn mình. Nói cách khác, phải trở nên lời chứng sống động của Tin Mừng Tám Mối Phúc thật.

Chúng ta không quên, vào thế kỷ thứ 12, khi tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó Thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện. Ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài. Ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ. Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.”

- Dĩ nhiên cũng cần phải có thái độ cẩn trọng, chín chắn của những “cô thôn nữ khôn ngoan với đèn dầu nghiêm túc’, những”đầy tớ trung tín và khôn ngoan” chu toàn mọi trách nhiệm được giao, những “người thợ làm vườn nho” sẵn sàng dấn thân hành động cho dù đến trễ…

- Và nếu có lần nào yếu đuối lâm lụy vì bản tính xác thịt ươn hèn, thì hãy lập tức đứng dậy như những “đứa con hoang đàng nhưng biết cương quyết chỗi dậy đi về nhà Cha”, hay như Phêrô 3 lần chối Chúa nhưng sẵn sàng làm lại cuộc đời với 3 câu trả lời “Thầy biết con yêu mến Thầy”.

- Trong khi đó, luôn ý thức rằng; dấn thân cho công cuộc truyền giáo thì không được so đo tính toán, không tìm lợi lộc thế trần, nhưng phải trang bị một tâm hồn quảng đại bao dung, biết cho đi và hy sinh tất cả như Maria Bêtania sắn sàng đập bể bình dầu thơm cam tùng hảo hạng để xức chân cho Chúa…

Và nếu nói theo ngôn từ và định hướng của Đức TC Bênêdictô XVI trong Sứ diệp Truyền giáo 09, thì “Truyền giáo là chấp nhận tử đạo”: “Thực vậy, sự tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô cũng là một đặc điểm trong lối sống của những người rao giảng Tin Mừng, họ cũng chịu cùng một số phận như Thầy của mình. ”Các con hãy nhớ lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bách hại Thầy, thì họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15,20). Giáo Hội theo cùng một con đường và chịu cùng một số phận như Chúa Kitô, vì Giáo Hội không hành động theo tiêu chuẩn phàm nhân hoặc cậy dựa vào những lý lẽ sức mạnh, nhưng theo con đường Thánh Giá, và trở thành chứng nhân và người đồng hành của nhân loại này, trong niềm vâng phục con thảo đối với Chúa Cha.

Giáo Hội Việt Nam cách đây gần 4 thế kỷ, có chàng trai Anrê Phú Yên với 19 xuân xanh, trên con đường ra gò thành Chiêm để chịu chết vì đức tin đã vui tươi giảng dạy chân lý Đạo Trời cho bàn dân thiên hạ đang đô hội theo coi mà nội dung cốt lỏi chỉ là: “Lấy tình yêu đáp lại tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống…”. Không phải là lời giảng suông của một kinh sư hay biệt phái, cũng không là bài giáo lý thần học uyên thâm của các nhà tiến sĩ thần học, nhưng, lời rao giảng ấy lại có có sức thuyết phục tuyệt vời. Vì sau lời rao giảng đó chính là cái chết với trọn vẹn tình yêu…Và sau cái chết vì tình yêu đó là Giáo Hội Việt nam hôm nay với 26 giáo phận, với 6 triệu tín hữu, với hàng trăm ngàn “Anrê Phú Yên” đang dấn thân trong đời sống thánh hiến, linh mục, giáo lý viên…

Và nếu khi sức đã kiệt, chân đã chồn, gối đã mõi, khi bệnh hoạn tật nguyền ập đến như tai họa bủa vây giăng mắc…thì sứ vụ truyền giáo cũng vần được thực thi một cách đầy hiệu quả, theo “mô hình truyền giáo của Thánh nữ tiến sĩ Têrêsa hài Đồng Giêsu như chị để lại trong nhật ký một tâm hồn: Vào cuối đời, khi lâm bệnh nặng, thánh nữ vẫn cố gắng lê bước, một nữ tu nhận ra thánh nữ quá mệt nhọc nên đề nghị Ngài hãy nghỉ ngơi. Thánh nữ Têrêsa đã trả lời: “Chị biết điều gì đem lại sức mạnh cho em không ? Em đang lê bước để mưu ích cho một nhà thừa sai. Em tin rằng có một nhà thừa sai nào đó ở xa xăm lúc nầy đang chực quỵ ngã vì những công cuộc tông đồ của Ngài, em xin dâng sự mệt nhọc của em lên Chúa (Sách đã dẫn,XII,9). Những ý tưởng trong lời cầu nguyện và hy sinh của Bông Hoa Nhỏ chắc chắn đã đem lại hiệu quả đến cho những miền tận cùng thế giới.

Sau hết, chúng ta nguyện cầu và phó thác công cuộc truyền giáo nầy cho Chúa Thánh Linh qua sự cầu bàu của Đức Trinh Nữ Maria, “Ngôi sao của công cuộc truyền giáo mới”, theo như lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Bênêđictô trong lời kết của Sứ điệp truyền giáo 2009:

“Vì thế, tôi xin tất cả các tín hữu Công Giáo hãy cầu xin Chúa Thánh Linh gia tăng trong Giáo Hội niềm hăng say đối với sứ mạng loan truyền Nước Thiên Chúa và nâng đỡ các thừa sai nam nữ cũng như các cộng đồng Kitô dấn thân hàng đầu trong sứ mạng này, nhiều khi trong các môi trường đố kỵ và bách hại. Đồng thời tôi mời gọi tất cả mọi người hãy tỏ một dấu hiệu đáng tin cậy về sự hiệp thông giữa các Giáo Hội, qua sự giúp đỡ kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng mà nhân loại đang trải qua, để các Giáo Hội địa phương có thể soi sáng dân chúng bằng Tin Mừng bác ái. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao của công cuộc truyền giáo mới, hướng dẫn chúng ta trong hoạt động truyền giáo, Mẹ là người đã ban tặng Chúa Kitô cho thế giới, Đấng được đặt làm ánh sáng muốn dân, để mang ơn cứu độ cho đến tận cùng thế giới” (Cv 13,47).

LM. Giuse Trương Đình Hiền