PDA

View Full Version : N - Người mù thành Giêricô



Dan Lee
10-23-2009, 09:37 PM
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN B

NGƯỜI MÙ THÀNH GIÊRICÔ


+++

A. DẪN NHẬP

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô kể lại cho chúng ta việc chữa lành người mù thành Giêricô. Điều đó chứng tỏ Thiên Chúa luôn yêu thương con người. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa và là con vua Đavít về phương diện con người, là Đấng mang lại ơn cứu độ nếu chúng ta tin tưởng đón nhận. Nhưng cần phải có đức tin tinh tuyền, can đảm giống như niềm tin của anh mù Bartimê.

Chúng ta cũng là những người mù, những người mù từ mới sinh. Biết bao chân lý căn bản, chúng ta đã không thấu hiểu và vì không hiểu biết những chân lý đó, chúng ta đã không tiến nhanh trên con đường sự sống đời đời. Nhưng Chúa Kitô vẫn hiện diện, sẵn sàng chữa lành con mắt chúng ta. Chúng ta hãy biết cầu cứu Ngài như người mù Giêricô: ”Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi”.


.

Sau khi đã được mở mắt tâm hồn để biết Chúa, chúng ta phải tin theo Ngài trên mọi nẻo đường của cuộc sống như anh mù đã làm, không dám ngăn cản người khác đến với Chúa bằng gương xấu, trái lại, phải xin Chúa làm cho “sáng mắt sáng lòng” để lôi kéo ngườ ta đến với Chúa bằng đời sống chứng nhân được thể hiện qua cuộc sống gương mẫu hằng ngày.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Gr 31,7-9

Theo lịch sử, dân Do thái phản bội, Thiên Chúa để cho quân đội Assyri đến tàn phá hai vương quốc Israel và Giuđa, bắt dân cư đi lưu đầy ở Babylon. Đây là thời kỳ đen tối nhất của dân tộc Do thái. Tuy thế, tiên tri Giêrêmia vẫn tin tưởng vào Chúa và loan báo cho dân biết Thiên Chúa sẽ giải phóng họ, sẽ đưa họ trở về quê hương.

Giêrêmia hát lên bài ca hy vọng: họ ra đi trong nước mắt sẽ hân hoan trở về quê hương, dưới bàn tay phụ tử của Thiên Chúa.

+ Bài đọc 2: Dt 5,1-6

Theo tác giả thư Do thái, Vị Thượng Tế người phàm là người được chọn giữa dân chúng, mang sự yếu hèn như tất cả mọi người, đại diện cho loài người trong các tương quan với Thiên Chúa, cũng phải được Thiên Chúa tuyển chọn, để dâng lễ đền tội cho dân và cũng dâng lễ đền tội cho chính mình nữa.

Rõ ràng chính Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Ngài sở hữu ở một mức độ phi thường những đức tính phải có để làm Đấng Trung gian cầu bầu cho loài người và dẫn đưa họ đến cùng Thiên Chúa: Ngài là vị Thượng Tế tuyệt hảo.

+ Bài Tin mừng: Mc 10,46-52

Trên đường đi đến Giêrusalem, tại Giêricô có một người mù tên là Bartimê kêu xin Đức Giêsu chữa để được trông thấy. Đức Giêsu động lòng thương và nói với anh: ”Con hãy đi, lòng tin của con đã cứu con”. Tức khắc anh thấy được và đi theo Ngài trên con đường Ngài đi.

Có một chi tiết chúng ta nên lưu ý: khi được xem thấy, anh liền đi theo Chúa. Anh ta có mấy động tác diễn tả ý định của anh đi theo Chúa: Trước đó, khi Đức Giêsu gọi, anh đã từ bỏ (“liệng áo choàng”), thay đổi nếp sống (từ “ngồi ở vệ đường” đến “đứng dậy”), qui hướng về Đức Giêsu (“nhảy đến với Đức Giêsu”. Người mù này có can đảm gắn bó với Đức Giêsu đi vào đường tử nạn ở Giêrusalem.

Chúng ta cũng phải có can đảm đi theo Chúa Kitô như người mù trên mọi nẻo đường đời, dù có phải qua đỉnh Canvê.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Xin được sáng mắt sáng lòng

I. CHÚA CHỮA NGƯỜI MÙ Ở GIÊRICÔ

1. Bối cảnh.

Hiện nay trên thế giới có nhiều người mù. Trong những xứ nghèo phương Đông, người bị mù khá đông. Trước khi phát minh ra phương pháp Braille cho người mù đọc được chữ nhờ ngón tay, người mù chỉ sống bằng cách ăn xin, ngồi tại chỗ. Trong biểu tượng Kinh Thánh, người mù là hình tượng của sự đói nghèo, của con người bị bỏ rơi.

Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và đám đông dân chúng ra khỏi thành Giêricô thì gặp một anh mù tên là Bartimê ngồi ăn xin bên vệ đường. Anh này có một thính giác rất đặc biệt, anh ta đã nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, người Nazareth. Anh kêu lớn tiếng: ”Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Người ta mắng anh, hãy im đi đừng quấy rầy. Nhưng anh càng la to hơn: ”Lạy con vua Đavít, xin thương xót tôi”. Đức Giêsu cho gọi anh ta lại. Được tin, anh ta vứt bỏ áo choàng, nhảy chồm lên và đến với Chúa. Tuy biết anh ta muốn xin gì, nhưng Đức Giêsu cũng cứ hỏi: ”Con muốn ta làm gì cho con” ? Anh ta thưa ngay: ”Lạy Thầy, xin cho con thấy được”. Đức Giêsu nói tiếp: ”Cứ về đi, lòng tin của con đã chữa con”. Tức khắc anh ta nhìn thấy được và theo Ngài lên đường.

2. Cách chữa bệnh của Đức Giêsu

Đức Giêsu chữa bệnh lần này hơi khác thường. Marcô nói đến những sự việc chung quanh thì nhiều, làm cho phép lạ càng hoành tráng, còn việc chữa bệnh thì rất ít. Đức Giêsu chỉ dùng một câu và phán một lời thôi. Đang khi có lần khác, để chữa lành một người câm điếc (Mc 7,31-37), Ngài đã làm nhiều cử chỉ, không khác những lang y hoặc pháp sư thời bấy giờ. Ngài đem người có tật ra chỗ vắng, thọc ngón tay vào tai y, nhổ nước miếng và sờ vào lưỡi y, rồi ngước mắt, rên lên, thốt ra một lời lạ tai: Ephphata ! Ngay đến lần chữa người mù ở Betsaida (Mc 8,22-26), Ngài cũng đã dắt y ra ngoài làng, đoạn nhổ nước miếng vào mắt nó, rồi đặt tay khoa trước mặt nó và hỏi: có thấy gì không ?... Hôm nay, Ngài không làm một cử chỉ nào như vậy. Ngài chỉ nói một câu: hãy đi, lòng tin của con đã chữa con. Và người mù đã được khỏi tức khắc.

Như vậy có nghĩa là hôm nay tác giả Marcô không muốn chú trọng nhiều đến chính phép lạ chữa lành một người mù. Ngài đặt câu truyện này trong một bối cảnh có ý nghĩa cứu độ của nó. Marcô muốn nói Bartimê là con người đại diện của con người thời Cựu ước cũng như thời nay đang mù lòa không thấy gì hết và chẳng biết đường đi. Y ngồi bên vệ đường, không theo được con đường cứu độ mà Thiên Chúa đang đi. Y chỉ biết giơ tay ăn xin, tức là nhân loại chỉ biết cầu cứu được thương xót. Bartimê, người mù Giêricô, chính là kẻ đang ngồi trong bóng tối cho dù chung quanh đều đang hưởng ánh sáng ban ngày. Đó cũng là kẻ đang lầm than khổ sở, bất động và bất di bất dịch. Bóng tối đang bao phủ kẻ ấy, đúng là bóng tối của tử thần.

3. Kết quả.

“Đức tin của con đã chữa con”. Qua lời nói vắn tắt của Đức Giêsu, anh mù được chữa lành. Đúng thực, Bartimê đã mù đôi mắt thể xác, nhưng lại sáng con mắt đức tin vì anh đã thấy Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế khi gọi Ngài là “Con vua Đavít”.

Bartimê đã mù đôi mắt thể xác nhưng lại sáng mắt tâm hồn. Anh thấy nhiều cái mà người sáng mắt không thấy: anh thấy Đức Giêsu là Con vua Đavít, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu thế. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin, và chính vì lòng tin này, Đức Giêsu đã thương anh, cho anh được sáng mắt.

II. CÂU CHUYỆN QUANH NGƯỜI MÙ

1. Tâm sự của một người mù

Từ thế kỷ 19, những người mù đã được học hành như người sáng mắt. Có những người mù đậu tiến sĩ, giáo sư như bà Keller, ông Braille (1809-1852).

Ông Braille đã bị mù từ lúc ba tuổi. Lúc đầu ông được học nhạc ở học viện và đánh đàn tại nhiều nhà thờ. Ông đã trở thành giáo sư và chính ông đã sáng chế ra hệ thống chữ nổi cho người mù học. Nhờ đó, ông đã cứu giúp được bao nhiêu thế hệ mù khỏi mù chữ. Ông đáng được tôn vinh là đại ân nhân của thế giới người mù. Tuy nhiên, ông đã không thể cứu họ khỏi mù mắt. Họ vẫn phải sống trong tối tăm.

Và đây cũng là tâm sự của bà Helen Keller. Keller bị mù và điếc từ lúc 19 tháng tuổi. Cô tâm sự như sau:

Một hôm, một người bạn của tôi vừa đi dạo trong rừng trở về. Tôi hỏi xem cô ấy đã thấy những gì ? Cô bạn đáp: ”Chẳng có gì đặc biệt cả”.

Tôi rất ngạc nhiên và tự nhủ “Không thể nào như thế được”. Bản thân tôi đây, vừa mù vừa điếc, thế mà chỉ với đôi tay sờ soạng, tôi vẫn cảm nhận được hàng trăm điều thích thú quanh tôi. Tôi cảm thấy được hình dáng dễ thương và mềm mại của chiếc lá. Chỉ cần đặt bàn tay lên cành cây nhỏ đang rung rinh là tôi cảm nhận được tiếng hót líu lo của con chim nhỏ đang đậu trên đó.

Bất hạnh lớn nhất không phải là bị mù, mà là có mắt nhưng không nhìn thấy.

2. Những đức tính của anh mù

* Có lòng tin vững vàng. Bartimê đã có lòng tin sắt đá. Như tất cả mọi người, Bartimê biết rằng Đức Giêsu là người thợ mộc thành Nazareth. Nhiều người vấp phải vấn đề này. Còn Bartimê biểu lộ công khai niềm tin của mình. Anh là người đầu tiên la lớn lên rằng Đức Giêsu Nazareth là con Vua Đavít, là Đấng Cứu Thế. Đã được soi sáng, người mù nói: ”Lạy Thầy”. Anh ta kêu xin với một niềm tin mạnh đến độ quyền năng của Đức Giêsu có thể biến đổi anh hoàn toàn.

* Nhiệt tình đến với Chúa. Nhiều người khi được nghe tiếng gọi của Đức Giêsu đã thật sự tự nhủ: ”Hãy chờ một chút để tôi làm việc này cho xong đã”. Nhưng khi Bartimê nghe tiếng gọi, anh lập tức đến với Chúa ngay. Có nhiều cơ may chỉ xẩy đến một lần mà thôi. Do bản năng, Bartimê biết rõ điều đó. Lắm khi chúng ta cũng muốn vứt bỏ một thói quen, muốn thanh tẩy đời sống khỏi một điều say quấy, muốn hiến thân cho Chúa trọn vẹn hơn, nhưng thường thường chúng ta không chịu hành động ngay, rồi dịp may đó qua đi và chẳng bao giờ còn trở lại.

* Biết đúng nhu cầu của mình. Bartimê biết mình cần gì và tha thiết xin cho bằng được điều đang mong ước với sự khôn ngoan.: “Rabboni, Thưa Thầy, xin cho con nhìn thấy được”. Anh mù đã đáp lại câu hỏi của Chúa, cũng là câu mà Chúa đã hỏi hai người con ông Giêbêđê: ”Con muốn Ta làm gì cho con” ? Đàng sau khát vọng được nhìn thấy, Đức Giêsu đã nhận ra nơi anh đức tin, khát vọng được biết nhiều hơn về Đấng Messia, được nhìn thấy thực tại tối hậu ẩn sau dáng vẻ bên ngoài.

Lắm khi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu chỉ là một sự thu hút mơ hồ. Khi đi bác sĩ, chúng ta muốn bác sĩ giúp điều trị một tình trạng nhất định nào đó. Khi đến nha sĩ chúng ta muốn ông ta nhổ giúp chiếc răng đang đau chứ không chữa bất kỳ một chiếc răng hư nào khác. Giữa chúng ta với Đức Giêsu cũng vậy. Điều này liên hệ đến một điều mà ít người muốn đối diện tự xét mình. Khi đến với Đức Giêsu, nếu chúng ta tha thiết mong ước được một điều rõ ràng, dứt khoát như Bartimê, sẽ có chuyện lạ xẩy ra.

* Thể hiện lòng biết ơn. Bartimê chỉ là người ăn mày mù ngồi bên vệ đường, nhưng anh là người biết tri ân. Sau khi được chữa lành, anh ta đã đi theo Đức Giêsu. Anh không ích kỷ đi theo con đường riêng sau khi nhu cầu của mình được đáp ứng.

Nếu không có lòng biết ơn khi Bartimê được chữa khỏi, anh có thể ra về để sống cuộc đời của mình và quên đi câu chuyện về Đức Giêsu. Nhưng không, anh đã trở thành một môn đệ trực tiếp và nhiệt thành của Đức Giêsu. Anh đi theo Ngài trên con đường Ngài đi. Đó là đỉnh cao của câu chuyện.

Từ chỗ chỉ là người tin, Bartimê đã trở thành một môn đệ. Có một sự khác nhau rất lớn. Người môn đệ sống như Đức Giêsu đã sống. Sự sẵn sàng đi theo Đức Giêsu của Bartimê tương phản với thái độ của các môn đệ còn biết cách lờ mờ và còn lưỡng lự trong suốt cuộc hành trình lên Giêrusalem.

III. XIN CHO ĐƯỢC SÁNG MẮT SÁNG LÒNG

1. Muốn thấy Chúa phải có đức tin

Marcô không muốn chỉ tường thuật một phép lạ mà còn muốn đi xa hơn nữa, muốn ám chỉ việc Chúa đến để thắp sáng đời anh mù bằng nhân đức tin. Vì thế Ngài phán: ”Đức tin của con đã chữa con”. Muốn thấy Chúa, cần phải có nhân đức tin. Đức tin mở mắt chúng ta để nhìn thấy Chúa. Có bao nhiêu người sáng mắt, nhưng mù tối linh hồn.

Trên con đường Damas, Saulê đi lùng bắt giáo hữu, Chúa hiện ra với Saulê. Ông ngã ngựa, đứng lên thì bị mù mắt cho đến khi vào thành Damas, chịu phép rửa tội. “Một cái gì, như những cái vảy bong ra và Phaolô được nhìn thấy”(Cv 9,18). Đức tin mở mắt tâm hồn. Vì thế, giáo hữu thời xưa, gọi phép rửa tội là “phép thắp sáng” (Illuminatio). Và từ đây, chúng ta nhìn thấy Đức Giêsu. Thánh Inhaxiô thành Antiochia nói: ”Với đức tin, tôi được thấy và sờ đụng Ngài”.

2. Tin phải như thế nào ?

Đọc Tin mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu chỉ làm phép lạ cho những người có lòng tin. Đối với những người không có lòng tin như luật sĩ, biệt phái, những người đồng hương Nazareth thì Ngài không làm phép lạ nào. Để ý nhận xét, trong các phép lạ, Đức Giêsu hay dùng công thức: ”Lòng tin của con đã chữa con”.

Chúng ta nên nhớ, tin không phải là trí khôn chấp nhận một chân lý. Tin còn là tình nguyện đi theo một người, người đó là Chúa. Tình nguyện theo như thế có một phần sáng sủa vì có những lẽ để mà tin, nhưng cũng có một phần mịt mù để việc tin đem lại công phúc. Vì thế kẻ tin thì làm vinh dự cho Chúa phần nào. Tin tức là lựa chọn đứng về phía Chúa. Việc lựa chọn đó là một việc do trí tuệ mà một trật do lòng mến: Scio cui credidi: tôi biết Đấng mà tôi giao phó niềm tin(Trần văn Khả).

3. Tin còn là nhiệt tình theo Chúa.

Khi được Đức Giêsu gọi đến, Bartimê đã vứt áo choàng, nhảy chồm lên mà đến với Ngài. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, chiếc “áo choàng” là biểu tượng cho quyền lực của con người (1Sm 18,4; 2v 2,14). Động chạm đến áo ngoài của Đức Giêsu cũng đủ để được lành bệnh. Việc người mù vứt bỏ áo ngoài của mình, tượng trưng cho một thứ “đoạn tuyệt với quá khứ” của anh.

J. Hervieux giải thích: ”Những chi tiết này thật là lạ lùng. Mọi sự xẩy đến dường như Bartimê không còn mù nữa. Khi vứt bỏ áo choàng, anh cũng vứt bỏ luôn tình trạng bị loại trừ (…). Cái áo choàng là vật duy nhất mà người nghèo sở hữu. Vứt bỏ nó, Bartimê đã thực hiện điều mà Đức Giêsu đã không làm được với chàng thanh niên giầu có: anh đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Đi theo cách nào ? Anh nhảy lên, đứng phắt dậy. Cú nhảy trong đêm tối là cú nhảy đức tin vì mắt anh vẫn còn mù “(L’Evangile de Marc, Centurion, tr 156).

4. Đừng ngăn cản người khác theo Chúa

Khi nghe anh Bartimê kêu xin Chúa thương cứu, mọi người nạt nộ, không cho anh nói. Thực ra, thời nào cũng có những người bắt buộc kẻ đang thường phải im miệng. Luôn có những hạng người khó mà làm cho kẻ khác hiểu mình: đó là những kẻ sống bên lề xã hội, những kẻ khuyết tật và những nạn nhân đủ loại.

Còn Đức Giêsu, Ngài nghe, Ngài luôn để tai nghe. Ngài nghe tiếng kêu của những người van xin, Ngài dủ lòng thương xót, van xin Ngài cho họ được trông thấy, được đứng dậy. Nếu chúng ta nhận biết Chúa quan tâm đến tiếng kêu xin của con người, chắc chúng ta sẽ trở thành những người “trung gian” tốt, để nói với họ: ”Hãy an tâm, đứng dậy, Ngài gọi anh đấy”.

Chúng ta đã được chịu phép rửa tội, đã được Chúa đến thắp sáng đời ta, chúng ta cũng phải sống đức tin, phải làm tỏa sáng đức tin ấy cho những người chung quanh, không được ngăn cản người ta đến với Chúa, trái lại phải đem họ về với Chúa qua cuộc sống gương mẫu của ta.

Truyện: Thánh Phanxicô Salêsiô.

Thánh Phanxicô Salêsiô có một đức tin mạnh mẽ, nhất là đối với Phép Thánh Thể. Ngài thường rao giảng cho dân vùng Chablais (Thụy sĩ) đang bị ảnh hưởng nặng của ly giáo Calvinô. Mỗi buổi tối, ngài hay đến trước nhà chầu sốt sắng cầu nguyện. Một hôm, đang mê say cầu nguyện thì có tiếng ai đi lại trong nhà thờ. Tưởng là kẻ trộm, ngài lên tiếng hỏi. Ai ? Một bóng người lạ đi tới và nói: ”Thưa Đức Giám mục, con là người không có đạo. Con nghe Đức Cha giảng nhiều lần về Chúa Giêsu trong Thánh Thể, con không tin. Chiều hôm nay, con lẻn vào nhà thờ rình xem thái độ Đức Cha như thế nào. Con thú thực, đã nhìn thấy đức tin của Đức Giám mục. Giờ đây con xin Tin. “Lạy Chúa xin cho con được nhìn thấy”(Mc 46,51).

Ngày nay trên thế giới số người mù về thể xác có lẽ suy giảm đi đôi chút, nhưng ai dám nói số người mù về tinh thần đã giảm đi ? Số người “thấy mà xem chẳng thấy” (kinh cám ơn rước lễ xưa) thì rất nhiều. Người ta biết mọi cái trên thế giới, kể cả cung trăng, một số hành tinh và một vài vì sao, nhưng có cái gần nhất người ta lại không thấy, đó là cái “tôi” của mình, là con người của mình, là bản thân mình.

Nói chi đến thực tại siêu nhiên, người ta mù tịt trước những vấn đề thiêng liêng. Anh mù Bartimê đã nhìn ra Đức Giêsu là ai, là Đấng Cứu Thế trong khi đám đông chưa nhìn ra con người thật của Ngài. Họ có con mắt sáng, nhưng lòng họ vẫn còn u tối. Họ cần được Chúa soi sáng cho họ để họ nhìn ra chân lý.

Riêng chúng ta, những môn đệ của Chúa, ai dám nói mình không bao giờ bị mù trước những thực tại thiêng liêng ? Nhiều người cho là mình sáng mắt sáng lòng nhưng thực tế họ luôn mù tối không nhìn ra chân lý; và tệ hơn nữa họ vừa mù vừa hướng dẫn người khác thì hậu quả sẽ khôn lường.

Truyện: chiếc đèn lồng.

Có một người mù, một đêm kia đến thăm người bạn thân. Hai người trò truyện thân mật với nhau cả mấy tiếng đồng hồ. Trời đã khuya, khi chia tay nhau, người bạn sáng mắt tặng anh một chiếc đèn lồng để đi đường cho an toàn. Nhưng người mù nói:

- Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng nhu nhau.

Người bạn trả lời:

- Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái đèn thì trời tối người ta có thể đụng phải anh, nguy hiểm lắm, anh nên cầm đi.

Nghe hợp lý, anh mù ra về với chiếc đèn lồng trong tay. Đi được một quãng đường, đột nhiên anh bị một người đụng phải anh. Với vẻ tức giận, anh mù nói:

- Người nào kỳ vậy, đui hay sao mà không thấy đèn của tôi ?

Người kia đáp:

- Xin lỗi anh, đèn của anh tắt rồi nên tôi không trông thấy. Mong anh thông cảm

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy anh mù tưởng mình “thấy”, còn người kia không thấy đèn. Nhưng ngược lại, chính anh mù mới không thấy đèn mình tắt. Tác giả câu truyện kết luận: Con người tưởng mình thấy nhiều chuyện, nhưng lại quên hay cố ý quên nhiều cái mình không thấy.

Nhiều khi cuộc đời chúng ta chỉ là chiếc lồng đèn bị tắt lửa không còn ánh sáng để soi chiếu cho người khác, chúng ta bắt chước anh mù Bartimê mà kêu lên: ”Lạy Chúa, xin thương xót con”. Tiếng Hy lạp là Kyrie eleison. Một truyền thống lâu đời của Giáo hội Đông phương đã dạy các tu sĩ ở Hy lạp, Ai cập, Liban… phương thế tự thánh hóa mình nhờ “lời cầu xin với Đức Giêsu” bằng cách chỉ lặp đi lặp lại cách đơn sơ và không biết mệt mỏi những từ này: Iesou, Eleison, Iesou, Eleison…

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt
Lm Giuse Đinh lập Liễm