Dan Lee
11-06-2009, 10:31 PM
CÁI ÁO
Suy niệm bài Tin Mừng CN 32/TN-B, tôi cứ bị ám ảnh mãi ở đoạn đầu “Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." (Mc 12, 38-40). Sự ám ảnh khiến tôi liên tưởng đến truyện “Lời người bán cam” trong Cổ Học Tinh Hoa. Truyện kể rằng :
“Ở Hàng Châu có người bán các thứ quả, khéo để dành cam, lâu mà không ủng, vỏ vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng như ngọc, đem ra chợ bán giá đắt mà người ta vẫn tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả, đem về, bóc ra, hơi xông lên mũi, múi xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ, hỏi người bán cam : “Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tôn khách, hay chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta ? Tệ thật ! Anh giả dối lắm !”
Người bán cam cười nói : “Tôi làm nghề này đã lâu năm để nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca ! Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải gì một mình tôi. Ông thật không chịu nghĩ đến nơi… Nay thử xem : người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm, kỳ thực không biết có giỏi được như Tôn Tẫn, Ngô Khởi (*) không ? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường hoàng trông ra dáng quan văn lắm , kỳ thực không biết có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao (**) không. Giặc nổi không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của quí, oai vệ, hách dịch vô cùng… ! Đó, bề ngoài chẳng như vàng như ngọc, bề trong chẳng như bông nát là gì ? Ông chẳng chịu xét những hạng người ấy, mà đi xét quả cam của tôi !”
Ta nghe nói, nín lặng, không trả lời được ra làm sao. Ta nghĩ người ấy nói có giọng khôi hài. Dễ chừng người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục, mới thác ra chuyện bán cam để dạy người đời chăng ?” (LƯU CƠ – Cổ học tinh hoa I, tr 148)
Chủ ý của tác giả Lưu Cơ muốn lấy chuyện quả cam đẹp vỏ, thối ruột, nhằm bóc hết ra cái vỏ bề ngoài hách dịch, oai vệ của những quan lón một đời suy đốn, để phơi bày cái thực chất bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong. Nói rộng ra, bài này có ý răn dạy người đời không nên tin vào cái vỏ bên ngoài, đừng vội nhìn bề ngoài mà đánh giá phẩm chất con người. Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến trong một lớp giảng huấn, học về phương pháp lập luận trong văn nghị luận, đến biện pháp nghệ thuật “tam đoạn luận”, tôi có đưa ra ví dụ để chứng minh cấu trúc chặt chẽ của biện pháp này : “Làm người ai cũng phải chết – mà anh là người – thì anh phải chết”. Đến phần thảo luận, có một học viên đưa ra một ví dụ khác để cùng bàn thảo : “Thầy tu (Phật Giáo) ai cũng mặc áo cà sa – Vậy thấy ai mặc áo cà sa – thì chắc chắn người đó là thầy tu”. Tôi phải phân tích ví dụ mà học viên đó nêu lên, nếu nhìn về hình thức và lập luận thì đúng là phương pháp tam đoạn luận; còn xét về nội dung thì chỉ đúng ở vế đầu tiên, nhưng đến vế thứ ba (nút thắt) thì có thể đúng và cũng có thể sai. Đúng là các thầy tu (Phật Giáo) thường mặc áo cà sa, nhưng trong một xã hội nhiễu nhương, người ta có thể mượn áo cà sa để làm những chuyện xằng quấy (trốn lính, xin đểu, lừa đảo, trộm cắp, thậm chí cướp của giết người…). Vậy thì không thể kết luận “ai mặc áo cà sa, thì người đó đúng là thầy tu”. Ở đây, không đi sâu vào phương pháp “tam đoạn luận”, mà chỉ xin nói về nội dung ví dụ nêu trên : Cái áo cà sa có làm nên thầy tu hay không ? Nói khác đi, chủ ý của tôi là muốn nhắc đến câu châm ngôn “Cái áo không làm nên thầy tu”.
Vâng, quả thực “Cái áo không làm nên thầy tu”. Như trong ví dụ của học viên đưa ra, chưa chắc những người mặc áo cà sa đã hẳn là thầy tu. Mà kể cả những thầy tu mặc áo cà sa đàng hoàng cũng chưa chắc đã là thầy tu với phẩm chất đích thực của người tu hành (chân tu). Cái vẻ bề ngoài nhiều khi phản ảnh trung thực cái cốt bên trong, nhưng cũng chẳng hiếm cái vẻ bề ngoài trái ngược với cái cốt bên trong. Hiện tượng phản ảnh bản chất, nhưng nhiều khi hiện tượng đối kháng với bản chất, cũng là lẽ thường tình. Có những loại trái cây (như cam, quít…) khi chưa chín thì vỏ màu xanh, khi chín thì vỏ đổi thành màu đỏ. Nhưng ngày nay có những loại cam chín rồi, ăn được rồi, mà vỏ vẫn màu xanh, hoặc giả như dưa hấu khi còn xanh hay lúc đã chín thì vỏ vẫn là màu xanh, nhưng ruột thì có khác, còn xanh thì ruột màu trắng, khi chín thì ruột màu đỏ. Với những loại trái cây ấy nếu không thực nghịêm bằng cách bổ ra, thì không phân định được trái đã chín hay còn xanh, mà nếu ai đi mua trái cây cũng đòi bổ ra thì người bán đâu chịu ! Cũng có thể dùng tay vỗ vào vỏ hoặc quan sát kỹ cuống trái cây, nhưng đó lại phải là người từng trải, có kinh nghiệm mới biết được. Trái cây mà còn như vậy, huống chi là con người. Xanh vỏ đỏ lòng cũng chỉ là thường tình thế sự. cũng chẳng khác những bài ngụ ngôn : “Cái thùng không” (thùng rỗng kêu to), “bông lúa lép”, “tốt mã dẻ cùi”, hoặc những câu ca dao VN : “Trông em anh ngỡ sao mai,/ biết rằng trong có như ngoài hay không ?”, “Thoạt trông ngỡ tượng tô vàng, / Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa”.
“Cái áo không làm nên thầy tu”, mà cứ thích “xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng” (Mc 12. 38) ra cái điều “ta đây” thì ngày nay nhiều lắm ! Ngoài dân gian thì đã đành, nhưng trong tôn giáo nói chung, chẳng cứ ở một tôn giáo nào, cũng không thiếu những nhà tu hành chỉ là thầy tu nơi bộ áo. Viết tới đây, ông bạn già tai quái của tôi xuất hiện và tằng hắng liền : “E hèm ! Ái chà ! Này, tớ thấy bây giờ hầu hết các vị tu sĩ, linh mục ăn mặc rất bình dân, không như trước đây, bất kỳ đi đâu hễ ra khỏi nhà xứ là phải áo chùng thâm, áo chức. Viết như vậy, liệu cậu có võ đoán không ?” Đúng là ngày nay, ra đường gặp các vị tu sĩ chưa quen biết, thật khó nhận ra được. Phải để ý nhìn nơi cổ áo (xem có cổ cồn không ?) hoặc nơi túi áo giữa ngực (xem có mang một cây Thánh giá lớn hay không ?), thậm chí có những vị tu sĩ cũng chẳng mang những thứ ấy, quả là khó phân biệt. Tuy nhiên vấn đề mà tôi đề cập trong bài viết này tuy có nói đến cái áo, nhưng thực chất là muốn nhấn mạnh đến cái hình thức bên ngoài – cái “mác” (marque), nhất lại là cái “marque déposée” (nhãn hiệu trình toà) – ấy mới là đáng nói, không nhất thiết cứ phải mặc áo chùng thâm, áo chức như trước đây. Vả lại, câu “Cái áo không làm nên thầy tu” đâu phải chỉ nói về các thầy tu, nên xin đừng vội hiểu lầm.
Trở lại với bài Tin Mừng, đoạn tiếp theo thuật lại việc một bà goá nghèo bỏ vào thùng tiền nhà thờ 2 đồng bạc. Số tiền bà dâng cúng quá nhỏ, quá khiêm tốn so với những đống tiền kếch sù của những người giàu có ; nhưng Đức Giê-su lại nói : "Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết" (Mc 12, 43). Những người giàu có tuy rằng có bỏ vào thùng hoặc đem làm việc từ thiện thật nhiều tiền, chẳng qua cũng chỉ là để được tiếng khen, để khoe sự giàu có của mình, còn bà goá nghèo kiết xác, cả gia tài chỉ có 2 đồng bạc mà dám đem tất cả làm việc nhà Chúa, làm việc thiện, thì quả thật bà đã làm với tất cả tấm lòng, bà chuộng cái “thực” (thực chất) chứ không chuộng cái “hư” (hư danh). Tương tự như câu chuyện bà goá bỏ 2 đồng tiền vào thùng tiền nhà thờ trong Tân Ước, là câu chuyện bà goá trong Cựu Ước (1V 17, 10-16). Bà chỉ còn một nắm bột trong hũ đủ nuôi sống hai mẹ con, nhưng bà đã dám đem làm bánh đãi ngôn sứ Ê-li-a. Nhờ thế mà "Hũ bột sẽ không vơi / vò dầu sẽ chẳng cạn / cho đến ngày ĐỨC CHÚA / đổ mưa xuống trên mặt đất." (1V 17, 14). Và sau đó, con bà bị bệnh chết, đã được ông Ê-li-a kêu cầu Đức Chúa cho sống lại. Thực lòng tin vào Thiên Chúa, đem cái đức tin ấy ra mà hành động, chắc chắn Thiên Chúa sẽ thưởng công, đền bù ("Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6, 38). Bà goá nghèo nhờ đã biến lòng tin thành hành động, nên bà đã được Thiên Chúa đền bù (hũ bột không vơi, đứa con hồi sinh). Rõ ràng “Đức tin của con đã cứu chữa con” (Mc 10, 52), đó là một chân lý vĩnh cửu.
Từ câu chuyện bà goá bỏ 2 đồng tiền vào thùng tiền nhà thờ, tôi lại nhớ đến câu chuyện “Cô Tư Hồng” một thời nổi tiếng ở VN khoảng đầu thế kỷ XX (xc “Chơi chữ” của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, tr 39 ) : Cô Tư Hồng là tay cừ khôi xung phong làm “kỹ nghệ lấy Tây”, vốn là người có tài tháo vát. Một năm kia, khi nghe tỉnh Quảng Bình mất mùa, cô chở 3 thuyền gạo vào định tâm sẽ bán lấy giá cao, bất đồ bị chính quyên biết ý, tịch thu. Cô liền tuyên bố là đem gạo vào với hảo ý phát chẩn cho dân đói, nhân đó được vua ban hàm “tứ phẩm”, ông cụ thân sinh cũng được phong tặng. Ông Trần Bình – một tay hay chữ, văn chương hóm hỉnh – liền mừng đôi câu đối : “Bốn chữ sắc phong HÀM CỤ lớn / Ba thuyền tế độ CỦA BÀ to” (“Hàm” là phẩm hàm triều đình phong tặng, nhưng “hàm” còn có nghĩa bình dân là cái cằm, đem cái cằm trên mặt cụ lớn mà đối với cái “của bà” thì quả thật chua chát !).
Ôi chao ! Ở thế kỷ XXI này, muốn kiếm “những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”, hoặc những cụ lớn hay cô Tư Hồng, thì thấy dễ dàng quá, mà kiếm được một bà goá giống như bà goá trong Cựu Ước hoặc Tân Ước như nêu trên, sao thấy khó khăn vô cùng. Lời dạy của Đức Giê-su cách đây 2000 năm sao vẫn thấy còn rất đúng với thời đại hiện nay : "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh". (Mc 6, 1-4)
Vâng, quả thực “cái áo không làm nên thầy tu”, phẩm giá con người không ở nơi mũ áo hào nhoáng, xe cộ xênh xang, nhà cửa hoành tráng, tiền của dư đầy. Tất cả những thứ đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, hư ảo, chóng qua. Giá trị đích thực của con người là ở nơi “tính vốn lành” (tính bản thiện), là ở nơi lương tâm (lòng lành) như “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” (số 1776) khẳng định : "Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ" (Hc Mục Vụ của Giáo Hội, số 16). Cả cái cuộc sống trăm năm trần thế này, rút lại cũng chỉ là phù du (“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. / Cảnh phù du trong thấy cũng nực cười... ” – Cao Bá Quát ; “Trăm năm nào nghĩa gì đâu, / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !” – Ôn Như Nguyễn Gia Thiều). Vấn đề đặt ra là phải biết đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau ("Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó" – Mc 6, 19-21). Vì thế, nên bằng mọi cách hãy đem tất cả gia tài là cái tấm lòng lương thiện (lương tâm) trung thực của mình mà bỏ vào cái thùng “Bác ái trong Chân lý” Ki-tô Giáo. Bảo đảm việc đầu tư này sẽ thập phần lời lãi, vì "... sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6, 38).Mong vậy thay !
JM. Lam Thy ĐVD.
_____________________
Chú thích : (*) Tôn Tẫn, Ngô Khởi : Hai tướng võ giỏi đời Chiến Quốc (Trung Quốc).
(**) Y Doãn : Tướng giỏi đời vua Thang (nhà Thương). Cao Dao : Tướng giỏi đời vua Nghiêu, vua Thuấn (Trung Quốc).
Suy niệm bài Tin Mừng CN 32/TN-B, tôi cứ bị ám ảnh mãi ở đoạn đầu “Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." (Mc 12, 38-40). Sự ám ảnh khiến tôi liên tưởng đến truyện “Lời người bán cam” trong Cổ Học Tinh Hoa. Truyện kể rằng :
“Ở Hàng Châu có người bán các thứ quả, khéo để dành cam, lâu mà không ủng, vỏ vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng như ngọc, đem ra chợ bán giá đắt mà người ta vẫn tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả, đem về, bóc ra, hơi xông lên mũi, múi xác như bông nát. Ta liền đem ra chợ, hỏi người bán cam : “Anh bán cam cho người ta để làm của cúng lễ, đãi tôn khách, hay chỉ làm cho choáng bề ngoài để đánh lừa người ta ? Tệ thật ! Anh giả dối lắm !”
Người bán cam cười nói : “Tôi làm nghề này đã lâu năm để nuôi thân. Tôi bán, người ta mua, chẳng ai nói gì, chỉ có ông kêu ca ! Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải gì một mình tôi. Ông thật không chịu nghĩ đến nơi… Nay thử xem : người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng trông ra dáng quan võ lắm, kỳ thực không biết có giỏi được như Tôn Tẫn, Ngô Khởi (*) không ? Người đội mũ cao, đóng đai dài, đường hoàng trông ra dáng quan văn lắm , kỳ thực không biết có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao (**) không. Giặc nổi không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của quí, oai vệ, hách dịch vô cùng… ! Đó, bề ngoài chẳng như vàng như ngọc, bề trong chẳng như bông nát là gì ? Ông chẳng chịu xét những hạng người ấy, mà đi xét quả cam của tôi !”
Ta nghe nói, nín lặng, không trả lời được ra làm sao. Ta nghĩ người ấy nói có giọng khôi hài. Dễ chừng người ấy ghét kẻ gian tà, giận phường thế tục, mới thác ra chuyện bán cam để dạy người đời chăng ?” (LƯU CƠ – Cổ học tinh hoa I, tr 148)
Chủ ý của tác giả Lưu Cơ muốn lấy chuyện quả cam đẹp vỏ, thối ruột, nhằm bóc hết ra cái vỏ bề ngoài hách dịch, oai vệ của những quan lón một đời suy đốn, để phơi bày cái thực chất bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong. Nói rộng ra, bài này có ý răn dạy người đời không nên tin vào cái vỏ bên ngoài, đừng vội nhìn bề ngoài mà đánh giá phẩm chất con người. Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến trong một lớp giảng huấn, học về phương pháp lập luận trong văn nghị luận, đến biện pháp nghệ thuật “tam đoạn luận”, tôi có đưa ra ví dụ để chứng minh cấu trúc chặt chẽ của biện pháp này : “Làm người ai cũng phải chết – mà anh là người – thì anh phải chết”. Đến phần thảo luận, có một học viên đưa ra một ví dụ khác để cùng bàn thảo : “Thầy tu (Phật Giáo) ai cũng mặc áo cà sa – Vậy thấy ai mặc áo cà sa – thì chắc chắn người đó là thầy tu”. Tôi phải phân tích ví dụ mà học viên đó nêu lên, nếu nhìn về hình thức và lập luận thì đúng là phương pháp tam đoạn luận; còn xét về nội dung thì chỉ đúng ở vế đầu tiên, nhưng đến vế thứ ba (nút thắt) thì có thể đúng và cũng có thể sai. Đúng là các thầy tu (Phật Giáo) thường mặc áo cà sa, nhưng trong một xã hội nhiễu nhương, người ta có thể mượn áo cà sa để làm những chuyện xằng quấy (trốn lính, xin đểu, lừa đảo, trộm cắp, thậm chí cướp của giết người…). Vậy thì không thể kết luận “ai mặc áo cà sa, thì người đó đúng là thầy tu”. Ở đây, không đi sâu vào phương pháp “tam đoạn luận”, mà chỉ xin nói về nội dung ví dụ nêu trên : Cái áo cà sa có làm nên thầy tu hay không ? Nói khác đi, chủ ý của tôi là muốn nhắc đến câu châm ngôn “Cái áo không làm nên thầy tu”.
Vâng, quả thực “Cái áo không làm nên thầy tu”. Như trong ví dụ của học viên đưa ra, chưa chắc những người mặc áo cà sa đã hẳn là thầy tu. Mà kể cả những thầy tu mặc áo cà sa đàng hoàng cũng chưa chắc đã là thầy tu với phẩm chất đích thực của người tu hành (chân tu). Cái vẻ bề ngoài nhiều khi phản ảnh trung thực cái cốt bên trong, nhưng cũng chẳng hiếm cái vẻ bề ngoài trái ngược với cái cốt bên trong. Hiện tượng phản ảnh bản chất, nhưng nhiều khi hiện tượng đối kháng với bản chất, cũng là lẽ thường tình. Có những loại trái cây (như cam, quít…) khi chưa chín thì vỏ màu xanh, khi chín thì vỏ đổi thành màu đỏ. Nhưng ngày nay có những loại cam chín rồi, ăn được rồi, mà vỏ vẫn màu xanh, hoặc giả như dưa hấu khi còn xanh hay lúc đã chín thì vỏ vẫn là màu xanh, nhưng ruột thì có khác, còn xanh thì ruột màu trắng, khi chín thì ruột màu đỏ. Với những loại trái cây ấy nếu không thực nghịêm bằng cách bổ ra, thì không phân định được trái đã chín hay còn xanh, mà nếu ai đi mua trái cây cũng đòi bổ ra thì người bán đâu chịu ! Cũng có thể dùng tay vỗ vào vỏ hoặc quan sát kỹ cuống trái cây, nhưng đó lại phải là người từng trải, có kinh nghiệm mới biết được. Trái cây mà còn như vậy, huống chi là con người. Xanh vỏ đỏ lòng cũng chỉ là thường tình thế sự. cũng chẳng khác những bài ngụ ngôn : “Cái thùng không” (thùng rỗng kêu to), “bông lúa lép”, “tốt mã dẻ cùi”, hoặc những câu ca dao VN : “Trông em anh ngỡ sao mai,/ biết rằng trong có như ngoài hay không ?”, “Thoạt trông ngỡ tượng tô vàng, / Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa”.
“Cái áo không làm nên thầy tu”, mà cứ thích “xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng” (Mc 12. 38) ra cái điều “ta đây” thì ngày nay nhiều lắm ! Ngoài dân gian thì đã đành, nhưng trong tôn giáo nói chung, chẳng cứ ở một tôn giáo nào, cũng không thiếu những nhà tu hành chỉ là thầy tu nơi bộ áo. Viết tới đây, ông bạn già tai quái của tôi xuất hiện và tằng hắng liền : “E hèm ! Ái chà ! Này, tớ thấy bây giờ hầu hết các vị tu sĩ, linh mục ăn mặc rất bình dân, không như trước đây, bất kỳ đi đâu hễ ra khỏi nhà xứ là phải áo chùng thâm, áo chức. Viết như vậy, liệu cậu có võ đoán không ?” Đúng là ngày nay, ra đường gặp các vị tu sĩ chưa quen biết, thật khó nhận ra được. Phải để ý nhìn nơi cổ áo (xem có cổ cồn không ?) hoặc nơi túi áo giữa ngực (xem có mang một cây Thánh giá lớn hay không ?), thậm chí có những vị tu sĩ cũng chẳng mang những thứ ấy, quả là khó phân biệt. Tuy nhiên vấn đề mà tôi đề cập trong bài viết này tuy có nói đến cái áo, nhưng thực chất là muốn nhấn mạnh đến cái hình thức bên ngoài – cái “mác” (marque), nhất lại là cái “marque déposée” (nhãn hiệu trình toà) – ấy mới là đáng nói, không nhất thiết cứ phải mặc áo chùng thâm, áo chức như trước đây. Vả lại, câu “Cái áo không làm nên thầy tu” đâu phải chỉ nói về các thầy tu, nên xin đừng vội hiểu lầm.
Trở lại với bài Tin Mừng, đoạn tiếp theo thuật lại việc một bà goá nghèo bỏ vào thùng tiền nhà thờ 2 đồng bạc. Số tiền bà dâng cúng quá nhỏ, quá khiêm tốn so với những đống tiền kếch sù của những người giàu có ; nhưng Đức Giê-su lại nói : "Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết" (Mc 12, 43). Những người giàu có tuy rằng có bỏ vào thùng hoặc đem làm việc từ thiện thật nhiều tiền, chẳng qua cũng chỉ là để được tiếng khen, để khoe sự giàu có của mình, còn bà goá nghèo kiết xác, cả gia tài chỉ có 2 đồng bạc mà dám đem tất cả làm việc nhà Chúa, làm việc thiện, thì quả thật bà đã làm với tất cả tấm lòng, bà chuộng cái “thực” (thực chất) chứ không chuộng cái “hư” (hư danh). Tương tự như câu chuyện bà goá bỏ 2 đồng tiền vào thùng tiền nhà thờ trong Tân Ước, là câu chuyện bà goá trong Cựu Ước (1V 17, 10-16). Bà chỉ còn một nắm bột trong hũ đủ nuôi sống hai mẹ con, nhưng bà đã dám đem làm bánh đãi ngôn sứ Ê-li-a. Nhờ thế mà "Hũ bột sẽ không vơi / vò dầu sẽ chẳng cạn / cho đến ngày ĐỨC CHÚA / đổ mưa xuống trên mặt đất." (1V 17, 14). Và sau đó, con bà bị bệnh chết, đã được ông Ê-li-a kêu cầu Đức Chúa cho sống lại. Thực lòng tin vào Thiên Chúa, đem cái đức tin ấy ra mà hành động, chắc chắn Thiên Chúa sẽ thưởng công, đền bù ("Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6, 38). Bà goá nghèo nhờ đã biến lòng tin thành hành động, nên bà đã được Thiên Chúa đền bù (hũ bột không vơi, đứa con hồi sinh). Rõ ràng “Đức tin của con đã cứu chữa con” (Mc 10, 52), đó là một chân lý vĩnh cửu.
Từ câu chuyện bà goá bỏ 2 đồng tiền vào thùng tiền nhà thờ, tôi lại nhớ đến câu chuyện “Cô Tư Hồng” một thời nổi tiếng ở VN khoảng đầu thế kỷ XX (xc “Chơi chữ” của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, tr 39 ) : Cô Tư Hồng là tay cừ khôi xung phong làm “kỹ nghệ lấy Tây”, vốn là người có tài tháo vát. Một năm kia, khi nghe tỉnh Quảng Bình mất mùa, cô chở 3 thuyền gạo vào định tâm sẽ bán lấy giá cao, bất đồ bị chính quyên biết ý, tịch thu. Cô liền tuyên bố là đem gạo vào với hảo ý phát chẩn cho dân đói, nhân đó được vua ban hàm “tứ phẩm”, ông cụ thân sinh cũng được phong tặng. Ông Trần Bình – một tay hay chữ, văn chương hóm hỉnh – liền mừng đôi câu đối : “Bốn chữ sắc phong HÀM CỤ lớn / Ba thuyền tế độ CỦA BÀ to” (“Hàm” là phẩm hàm triều đình phong tặng, nhưng “hàm” còn có nghĩa bình dân là cái cằm, đem cái cằm trên mặt cụ lớn mà đối với cái “của bà” thì quả thật chua chát !).
Ôi chao ! Ở thế kỷ XXI này, muốn kiếm “những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”, hoặc những cụ lớn hay cô Tư Hồng, thì thấy dễ dàng quá, mà kiếm được một bà goá giống như bà goá trong Cựu Ước hoặc Tân Ước như nêu trên, sao thấy khó khăn vô cùng. Lời dạy của Đức Giê-su cách đây 2000 năm sao vẫn thấy còn rất đúng với thời đại hiện nay : "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh". (Mc 6, 1-4)
Vâng, quả thực “cái áo không làm nên thầy tu”, phẩm giá con người không ở nơi mũ áo hào nhoáng, xe cộ xênh xang, nhà cửa hoành tráng, tiền của dư đầy. Tất cả những thứ đó chỉ là cái vỏ bên ngoài, hư ảo, chóng qua. Giá trị đích thực của con người là ở nơi “tính vốn lành” (tính bản thiện), là ở nơi lương tâm (lòng lành) như “Giáo lý Hội Thánh Công Giáo” (số 1776) khẳng định : "Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ" (Hc Mục Vụ của Giáo Hội, số 16). Cả cái cuộc sống trăm năm trần thế này, rút lại cũng chỉ là phù du (“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. / Cảnh phù du trong thấy cũng nực cười... ” – Cao Bá Quát ; “Trăm năm nào nghĩa gì đâu, / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì !” – Ôn Như Nguyễn Gia Thiều). Vấn đề đặt ra là phải biết đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau ("Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó" – Mc 6, 19-21). Vì thế, nên bằng mọi cách hãy đem tất cả gia tài là cái tấm lòng lương thiện (lương tâm) trung thực của mình mà bỏ vào cái thùng “Bác ái trong Chân lý” Ki-tô Giáo. Bảo đảm việc đầu tư này sẽ thập phần lời lãi, vì "... sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy." (Lc 6, 38).Mong vậy thay !
JM. Lam Thy ĐVD.
_____________________
Chú thích : (*) Tôn Tẫn, Ngô Khởi : Hai tướng võ giỏi đời Chiến Quốc (Trung Quốc).
(**) Y Doãn : Tướng giỏi đời vua Thang (nhà Thương). Cao Dao : Tướng giỏi đời vua Nghiêu, vua Thuấn (Trung Quốc).