PDA

View Full Version : C - Chúa nhật 15.11.2009 ( UY PHONG NGÀI VƯỢT QUÁ TRỜI CAO Tv 8,2 )



Dan Lee
11-12-2009, 06:10 PM
Chúa nhật 15.11.2009

Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Viêt Nam

UY PHONG NGÀI VƯỢT QUÁ TRỜI CAO (Tv 8,2)

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam, chúng ta mừng kính tất cả những chứng nhân anh dũng hy sinh mạng sống mình vì Chúa Kitô và đã để lại cho người Việt Nam chúng ta món quà quí báu nhất là ơn Ðức Tin.

Nổi nang nhất trong số các vị này là 117 vị đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo II tôn vinh năm 1988, để cả thế giới Công Giáo toàn cầu cùng mừng kính. Nhưng còn có hàng trăm ngàn các vị tử đạo mà cái chết anh dũng vì lòng mến Chúa, dọc qua ba thế kỷ, chỉ một mình Thiên Chúa biết. Trong số đó, người thì bị đâm, kẻ bị chém, người bị buông sông, kẻ bị bỏ đói, kẻ chết rũ tù... Thật là đủ trăm ngàn cách để tham dự vào cuộc hiến tế của chính Chúa Giêsu, vị tử đạo đầu tiên, đã hy sinh mạng sống mình trên cây thập giá vì sự sống của mọi người. Tất cả các vị anh hùng tử đạo ấy đều cách này hay cách khác, đón nhận cho mình mối phúc thật như chính Chúa Giêsu khẳng định là "vì Thầy mà anh em bị người ta sỉ vả bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em cũng vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thực lớn lao." (Mt 5,11-12)

Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ kính các thánh tử đạo hôm nay cũng dẫn tới phúc thật đó với lời Ðức Giêsu dạy các môn đệ rằng "Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi." (Mt 10,24-25 tiếp theo bài Tin Mừng hôm nay) Nhưng quan trọng nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là việc Ðức Giêsu cam kết có Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các môn đệ để họ làm chứng về Ðức Giêsu giữa thế giới họ đang sống, cả trong bối cảnh gay cấn đòi họ phải hy sinh tính mạng cũng như bối cảnh thường ngày nơi đó các vị tử đạo nêu gương sáng cho chúng ta về yêu thương như Ðức Giêsu đã yêu thương.

Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì; Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em." (Mt 10,19-20).

Thử hỏi điều Ðức Giêsu đoan chắc đó có thực sự xảy ra không? Ta có thấy, trong thực tế, có những trường hợp minh chứng về điều đó chăng?

Ngài cho miệng trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen (Tv 8,2-3)

Hãy coi trường hợp một vị tử đạo tự nguyện chết vì Chúa ngày 6 tháng 2, 1665: cô là con ông Phêrô Kỳ tử đạo ngày 27 tháng 1, 1665. Cô được cha Fuciti Dòng Tên dạy giáo lý và rửa tội cho tại Huế khoảng năm 1660-1663, với tên thánh là Lucia. Từ Huế cô Lucia đi bộ tới Quảng Nam để tuyên xưng đức tin. Cô đã cẩn thận tìm đến với cha Fuciti khi ấy đang ở Hội An, để xưng tội và bàn hỏi. Cô thú thực với cha ý định nộp mình cho trấn thủ Quảng Nam dinh, để chết thay cho nhiều người đã chối bỏ Chúa. Cha Fuciti cắt nghĩa cho Lucia thấy không nên làm như vậy, vì chỉ khi người ta bắt cô, khi ấy cô mới có bổn phận phải công khai tuyên xưng đức tin. Nhưng Lucia nằng nặc đòi cha Fuciti đồng ý với cô, nên cha Fuciti cũng chịu thua.

Thế là tại dinh quan Quảng Nam, người ta thấy cô bé Lucia mới 13 tuổi, xông vào và nói lên ý muốn của mình là muốn chết thay cho những người đã hèn nhát chối đạo Ðức Chúa Trời. Quan ra lệnh truyền đuổi "cô bé" đó ra ngoài. Nhưng Lucia cưỡng lại lệnh quan, cô lớn tiếng nói cho mọi người biết mình là người chỉ biết tôn thờ một Ðức Chúa Trời, Ðấng tạo thành trời đất muôn vật.

Khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan (Tv 8,2-3)

Thế là quan nổi nóng truyền thi hành án tử cho "con bé" theo lối "tiền trảm hậu tấu", nghĩa là hành quyết rồi sau đó mới tâu để nhà Chúa Nguyễn được biết.

Lucia được toại nguyện. Cô đi ra pháp trường như người đi lễ hội. Chính cô chạy lại trước con voi to lớn và voi đó đã tung xác cô lên nhiều lần cho tới khi vị tử đạo tắt thở (x. Ðỗ Quang Chính, SJ, Sống Trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên 1615-1773, bản thảo để xin phép, trang 260-261).

Gần hai thế kỷ sau cuộc tử đạo lạ lùng nói trên, là cuộc tử đạo của cậu bé 12 tuổi tên là Văn, diễn ra tại tỉnh Hưng Yên, như hậu quả của chiếu chỉ "phân sáp" do vua Tự Ðức công bố ngày 5 tháng 8, 1861.

Cậu bé Văn này thuộc một gia đình giáo dân làng Tiêu Chu, tỉnh Hưng Yên. Gia đình cậu bị phân tán làm hai: Hai con lớn đi một ngả, hai con nhỏ tuổi 10 và 12 đi ngả khác với bố. Bố cậu Văn đã bị xử tử vì không chịu xuất giáo. Em cậu là Thuần 10 tuổi được tha về. Còn cậu Văn 12 tuổi quan bắt mang gông và làm cỏ ngoài phố. Mấy ngày sau, hai anh lên tỉnh gặp em đang chơi vui vẻ với các trẻ khác liền hỏi "Sao em còn ở đây? Các anh đã tưởng em lên thiên đàng với bố rồi." Cậu bé trả lời cách hồn nhiên rằng: "Em ước ao được như vậy lắm, song quan không cho em vào số các người bị xử tử vì còn bé quá." Hai anh liền nói tiếp: "Thế thì em đi trình với quan rằng em đủ tuổi để chết vì đạo rồi." Cậu Văn nghe hai anh đi trình quan. Quan vừa xấu hổ vừa tức giận, liền ra lệnh chém đầu cậu bé ngay hôm đó. (x. Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, quyển hai, trang 424).

Quả thật, cuộc tử đạo như vừa kể, khiến ta nghĩ tới lời Thánh Vịnh gia nói:


Uy phong Ngài vượt quá trời cao

Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ

Cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù

Khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan (Tv 8,2-3)

Tử đạo là lời tuyên xưng đức tin cách hùng hồn nhất. Riêng với những trường hợp vừa kể xem ra lời Ðức Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay rõ ràng được thực hiện là "không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em" (Mt 10,20).

Thần Khí mà Chúa Giêsu nói ở đây chính là Chúa Thánh Thần, Ðấng được ban cho mọi Kitô hữu để nhờ Ngài, họ có khả năng sống sự sống của chính Chúa Kitô. Và đặc sắc của sự sống này là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương anh em mình (x. 1Ga 4,21).

Cho nên nơi các thánh tử đạo ta học được không những bài học về mến Chúa tột đỉnh, mà còn học được nơi các ngài về lòng yêu người thiết tha.

- Một người nghiện thuốc phiện ngã bệnh trầm trọng được giới thiệu đến với quan Thái bộc Hồ Ðình Hy. Bệnh nhân liền được quan thu xếp cho ở căn lều phía sau nhà. Mỗi ngày trước khi đi nhiệm sở và khi về, quan Thái bộc đều ghé thăm bệnh nhân và săn sóc chu đáo. Sau 15 ngày bệnh nhân đó qua đời, quan Thái bộc đã tổ chức lễ an táng cho người quá cố như đối với gia nhân của mình vậy. Quả thật qua việc bác ái này, ta học được nơi thánh tử đạo Hồ Ðình Hy (1808-1857) gương bác ái không máy móc và chiếu lệ.

- "Xin Cha ẩn dưới rãnh này, Ðức Chúa Trời gìn giữ, bằng không cha và con đều bị bắt." Ðó là lời bà Anê Lê Thị Thành nói với cha Lý khi cha bị quân lính lùng bắt. Quả thật, cả hai đều bị bắt ngày hôm đó. Riêng bà Anê Lê Thị Thành (1781-1841) đã được phúc tử đạo và là người phụ nữ duy nhất trong số 117 vị tử đạo mà Ðức Gioan Phaolô II tôn vinh năm 1988.

- Hôm ấy cha Gioan Ðạt vừa dâng lễ an táng tại tư gia xong, thì quân lính ập tới, cha Ðạt chưa kịp thu dọn đồ lễ. Giáo dân liền chỉ lối để cha thoát thân, nhưng cha tự nguyện trình diện và nói với giáo dân: "Vẫn biết tôi có thể trốn thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ khổ nhiều." Quân lính trói cha lại, rồi đánh đập tàn nhẫn, khiến giáo hữu bị xúc động, muốn giải vây cho cha. Cha Ðạt can ngăn họ và nói: "Cứ để tôi vâng theo thánh ý Chúa, anh chị em ở lại bình yên, kiên trung giữ đạo, và nhớ cầu nguyện cho tôi được vững vàng đến cùng."

Trong tù, ông Thiềng là viên cai ngục đã tỏ lòng đặc biệt quí mến cha Ðạt. Ông nói với cha: "Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị kết án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí mến cụ."

"Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho các thánh tử đạo chịu khổ hình vì Chúa Kitô. Xin cũng giúp chúng con là kẻ yếu hèn, biết sống kiên cường để làm chứng cho Chúa như các ngài đã vì Chúa mà sẵn sàng hy sinh tính mạng."

Một số câu hỏi gợi ý

Bạn tâm đắc được gì về: Cô bé Lucia tử đạo 13 tuổi? Cậu thiếu niên Văn tử đạo 12 tuổi? Thánh Gioan Ðạt linh mục tử đạo?

Về lòng thương người, bạn được đánh động do ai hơn cả trong số 3 thánh tử đạo: Thánh Hồ Ðình Hy? Thánh Anê Lê Thị Thành? Thánh Gioan Ðạt linh mục?

Lm Augustine, SJ