PDA

View Full Version : T - Tuần cửu nhật trước ngày khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Việt Nam



Dan Lee
11-12-2009, 10:35 PM
TUẦN CỬU NHẬT TRƯỚC NGÀY KHAI MẠC NĂM THÁNH GIÁO HỘI VIỆT NAM

(Từ ngày 15 đến ngày 23 tháng 11 năm 2009)

GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG CHƯƠNG TRÌNH


1. Hát hoặc đọc kinh Chúa Thánh Thần
2. Đọc kinh Tin, Cậy, mến
3. Đọc Lời Chúa và bài suy niệm dành cho mỗi ngày
4. Đọc Kinh Năm Thánh
5. Đọc kinh Lạy Nữ Vương
6. Hát kết thúc.

NGÀY THỨ NHẤT

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô (Mc 1,16-20)

Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

SUY NIỆM

Năm Thánh nhắc lại lời Đức Giêsu gọi chúng ta đi theo Người.

Cuộc sống của mỗi người là một hành trình bước đi, trên hành trình ấy nhiều khi chúng ta chẳng biết trước mắt mình thế nào, tương lai ra sao? Vì thế khiến ta hoang mang, lo lắng.
Chúa Giêsu cũng là một con người, nên Ngài cũng phải bước đi trong những lúc đêm tối thử thách. Nhưng Ngài còn là Thiên Chúa, Ngài biết rõ con đường của mình đi: con đường của Chúa là con đường loan báo Tin Mừng cứu độ. Và cái đích của Ngài tới là cây Thánh Giá treo ở đồi Can vê. Thế nhưng, Ngài vẫn không hề nao núng hay chần chừ bất cứ điều gì. Ngài luôn bình thản bước đi như người lữ khách dù bất cứ có điều gì đe doạ xảy ra, hay chướng ngại vật gì trên đường.

Sở dĩ Chúa Giêsu bình thản được như thế là vì Ngài đi theo tiếng gọi của Tình yêu và trung thành với Thánh ý của Thiên Chúa. Vì thế, dù trước mối đe doạ là cái chết, Chúa Giêsu vẫn chu toàn bổn phận làm con đối với Chúa Cha, và bổn phận Cứu Thế đối với nhân loại.

Như một người lữ khách sống trên cõi đời này, mỗi người chúng ta có vinh phúc được Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy theo Thầy”, đó là đi theo tiếng gọi của tình yêu và trung thành với Thập giá của Chúa trong việc thực thi thánh ý của Ngài. Trước mắt chúng ta cũng chưa biết tương lai thế nào, và cuộc đời sẽ ra sao ? Nhưng có một điều chúng ta biết rõ là chúng ta đang đi trên con đường của Chúa; và chúng ta biết chắc có một cái đích chúng ta đi tới là Quê Trời. Tuy vậy, trên con đường này, và để đạt tới đỉnh vinh quang ấy, chúng ta phải vượt qua rất nhiều chướng ngại vật, nhiều đe doạ và khó khăn thử thách: những khó khăn ấy có thể từ bên trong con người yếu đuối của ta, cũng có thể từ nơi gia đình hay bên ngoài xã hội. Mặt khác, chúng ta còn có những lối mòn quen thuộc, những cái đã thâm căn cố hữu trong ta, tưởng như ta không thể thay đổi.
Trong Năm thánh này, Chúa nhắc lại với ta một cách mạnh mẽ hơn lời mời gọi của Ngài: “Hãy theo Thầy”; Chúa mời gọi ta cương quyết vứt bỏ lại sau lưng tất cả những gì làm cản trở và níu kéo ta đi trệch với Giáo huấn của Chúa. Như thế, là người lữ khách của Chúa, là môn đệ của Chúa Kitô, ta sẽ luôn luôn bình thản bước đi, và sẽ cộng tác với Chúa tất cả những gì Ngài muốn trong Năm hồng phúc này.
Lạy Chúa, xin Chúa là con đường và là bạn đồng hành dẫn chúng con đi. Để dù cuộc sống khó khăn thế nào, dù tương lai còn trăn trở ra sao, là người lữ khách của Chúa, con vẫn bước đi trong niềm vui và phó thác, và chắc chắn con sẽ cùng Chúa tới đích bình an. Amen.

NGÀY THỨ HAI

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,1-12)

Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

SUY NIỆM

Năm Thánh giúp chúng ta sống các Mối Phúc Thật.

Trên thế giới này có bao nhiêu lời hứa hẹn về hạnh phúc. Trên khắp cả nẻo đường mà chúng ta đi qua, các phương tiện truyền thông xã hội mà chúng ta nghe và mỗi ngày sống đâu đâu cũng nghe thấy những lời kêu gọi tìm hạnh phúc.
Quả thật, trái đất mà chúng ta đang sống đầy dẫy những lời quảng cáo cho hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ có một mình Chúa Giêsu mới có thể đề ra cho chúng ta hạnh phúc thực sự và con đường dẫn đến hạnh phúc ấy là con đường của tình yêu mà chính Ngài đã đi qua. Tình yêu ấy vượt trên cảm tính của con người, vượt trên sự cân đo đong đếm hay theo thói đời “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Đó là tình yêu đặt nền tảng trên Tám Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu.
Người Công Giáo Việt Nam chúng ta dường như rất gắn bó với Mười Điều Răn của Chúa. Đó là điều rất tốt, nhưng trong Năm thánh này, chúng ta còn được mời gọi gắn bó và sống triệt để hơn Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu. Bởi vì, có lẽ Mười Điều răn Chúa mới dạy con người biết sống đức công bằng: không làm điều này, phải tránh điều kia. Nhưng nơi Tám Mối Phúc, Chúa Giêsu đưa con người vươn xa hơn và cao hơn trong đời sống trọn lành. Với tất cả những gì mà Chúa Giêsu đã sống và đã làm. Ngài mời gọi con người không dừng lại ở sự công bằng hay trao đổi “hòn đất ném đi hòn chì ném lại”, nhưng vươn lên trong tình yêu và bác ái. Đó là con đường đi tới hạnh phút trọn vẹn nhất, không những xây dựng hạnh phúc cho tha nhân, mà còn xây dựng hạnh phúc cho chính mình. Một nhóm bạn trẻ ở Hạ Long, sau khi đi thăm một số bệnh nhân: được tâm sự với họ, cùng cười với họ và cùng khóc với họ. Các bạn đã thốt lên: “Thầy ơi, con chưa bao giờ thấy toại nguyện và hạnh phúc như hôm nay”.

Thật vậy, người hạnh phúc là người biết đem hạnh phúc tới cho người khác. Người muốn có hạnh phúc bền vững là người biết xây dựng hạnh phúc của mình trên hạnh phúc của tha nhân. Vì thế, con đường hạnh phúc mà Chúa Giêsu đề ra là con đường của những tâm hồn trong sạch, cởi mở với tha nhân đến độ quên chính bản thân mình. Đó là con đường của những con người khi bị loại trừ và bách hại vẫn tiếp tục chúc tụng và yêu thương. Đó là con đường của những con người không ngừng mang lại hòa bình cho người khác, để mọi người biết nhìn nhận tình yêu thương nhau như anh em con Cha trên trời. Chính Chúa Giêsu đã qua con đường ấy, Ngài qua thực là mẫu người của hạnh phúc. Từ hai ngàn năm qua, đã có biết bao nhiêu người đi theo con đường ấy và trong Năm thánh con đường ấy được tiếp tục mở ra cho mỗi người chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp con sống Tám Mối Phúc của Chúa, vì chỉ khi sống được như thế con mới con mới tìm thấy hạnh phúc tròn đầy cho chính con và đem lại hạnh phúc cho anh chị em con. Amen.

NGÀY THỨ BA

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,13-16)

"Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi."Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

SUY NIỆM

Năm Thánh giúp chúng ta sống làm muối cho đời và là ánh sáng cho trần gian

Muối và ánh sáng là thứ không thể thiếu trong đời sống con người. Nhưng thực tế chẳng mấy ai để ý tới giá trị của nó.

Bởi vì, hạt muối thì thấp hèn, âm thầm và khiêm tốn, chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh những thực phẩm, nó chỉ đóng vai phụ. Và xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Tuy vậy, muối là một gia vị vô cùng cần thiết cho con người. Bất cứ thức ăn nào muốn đậm đà hay có hương vị, người ta phải dùng muối làm gia vị. Bất cứ thực phẩm nào muốn được lâu bền, người ta phải ướp chúng bằng muối. Ngoài ra, muối còn làm chất liệu tiêu huỷ những cái độc hại. Dân gian thường dùng nước muối để rửa những vết thương, để sát trùng và khử những chất độc. Như vậy, tưởng là tầm thường, nhưng nó có giá trị rất lớn và gần gũi thiết thân với con người.

Ánh sáng cũng vậy, bình thường, giữa ban ngày nó cũng chẳng là gì. Nhưng trong đêm tối, ta mới thấy giá trị của nó thật lớn lao. Ánh sáng không chỉ soi cho người ta thấy rõ đường đi, nhận rõ các đồ vật. Mà nó còn làm cho không gian ấm cúng, xua đi sự lạnh lẽo và sợ hãi của đêm đen. Như vậy, không có ánh sáng, con người sẽ lần mò trong tăm tối cả về thể xác và tinh thần.Chúa Giêsu thật khôn ngoan đưa các môn đệ và mỗi người Kitô hữu chúng ta đồng hoá với muối và ánh sáng, như một kết quả của việc sống Tám Mối Phúc. Muối để ướp mặn và làm hương vị cho cuộc đời, ánh sáng để soi sáng và sưởi ấm thế gian. Tất cả đều đơn giản, bình dị gần gũi và êm đềm khiến ai cũng có thể thực hiện được. Nhưng nó lại là đặc tính quan trọng của người môn đệ và người Kitô hữu sống trong lòng nhân loại.

Muối sẽ chẳng là gì nếu muối không ướp vào gia vị và đem lợi ích, ánh sáng cũng chẳng là gì nếu ánh sáng không soi chiếu cho đời. Cũng vậy, người Kitô hữu cũng phải làm nên bản sắc đời mình qua việc sống đức tin: Trong thế giới đầy lo âu, Kitô hữu phải là người gieo rắc sự bình an; Trong một thế giới đầy ưu phiền, Kitô hữu phải là người đem niềm vui đến với cuộc sống. Tức là chúng ta phải diễn đạt cuộc sống yêu thương bằng những hành vi cụ thể, thực tế trong cuộc sống cá nhân, gia đình và môi trường xã hội. Bởi vì tình yêu là thứ gia vị đậm đà nhất cho cuộc sống và mọi mối quan hệ; ánh sáng là sức mạnh và là niềm hy vọng đốt lên ngọn lửa của tình hiệp nhất và yêu thương. Nó có thể hâm lên tình yêu băng giá của con người.

Tuy vậy, để những việc làm của ta có giá trị và đủ sức mạnh ướp cho cuộc đời, thì mọi công việc chúng ta làm đều phải hướng về Thiên Chúa là nguồn ánh sáng: “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Như thánh Cyrino thành Alexandria đã dạy: "Không phải bạn đang sống, nhưng chính ánh sáng là Đức Kitô, Ngài có khả năng soi chiếu toàn thể thế giới bằng lời của Ngài, đang sống trong bạn." Quả đúng như thế, con người Kitô hữu chúng ta trước tiên phải có cuộc sống nội tâm sâu sắc, tràn dầy ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu, để rồi chúng ta mới có đủ hương vị của yêu thương và ánh sáng của niềm tin biến đổi thế giới này.
Lạy Chúa, trong Năm Thánh này, xin ướp lòng chúng con cho mặn lại, xin thắp sáng đời con, để con đem hương vị của tình yêu và ánh sáng của niềm tin, niềm hy vọng cho mọi người. Amen.

NGÀY THỨ BỐN

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô (Mc 4,1-9)

Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám người rất đông tụ họp chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều. Trong lúc giảng dạy, Người nói với họ:
"Các người nghe đây! Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm." Rồi Người nói: "Ai có tai nghe thì nghe! "

SUY NIỆM

Năm Thánh giúp chúng ta trở thành mảnh đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa.Cuộc sống càng khi con người lăn lộn và vồn vã với những tân tiến của khoa học kỹ thuật thì càng khiến cho người ta khao khát muốn trở về với những gì mang tính hương đồng gió nội, để lòng mình được than thản hơn. Với dụ ngôn “Người gieo giống”, giáo huấn của Chúa Giêsu lại đưa chúng ta về với hoa đồng cỏ nội, với những gì đơn sơ, và gần gũi với cuộc sống con người, giúp cho chúng ta hiểu được mầu nhiệm Nước trời và sống đúng với vai trò của người Kitô hữu trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa.
Quả vậy, Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta thấy rằng: Để cuộc sống người Kitô hữu trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng thì phải có hai yếu tố: Một là, tâm hồn mình phải trở nên mảnh đất tốt để đón nhận hạt giống Lời Chúa. Hai là, phải có ân sủng của Chúa Thánh Thần và tình yêu thúc đẩy của Đức Kitô.

Khi chiêm ngắm Đức Maria, ta thấy nơi Mẹ có đủ hai yếu tố ấy, đó là ân sủng của Thiên Chúa và mảnh đất tốt nơi tâm hồn Mẹ. Cả hai điều kiện ấy hội tụ lại nơi Mẹ một nhân đức mà ai cũng dễ nhận ra. Đó là “ít nói nhiều lời”:
Ít nói, vì Mẹ là sự chú tâm tinh tuyền để cho Chúa nói trong lòng và chỉ đáp lại bằng tiếng “Xin Vâng”. Cũng vì Mẹ là người luôn lắng nghe những lời cầu của chúng ta là con cái Mẹ, rồi đón nhận trong lặng lẽ và dâng lên cho Thiên Chúa nhận lời.

Nhiều Lời, Vì lòng mẹ là cung điện tinh tuyền mở rộng đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể. Nhiều lời, cũng bởi vì mỗi lời mẹ nói ra trong Tin Mừng tuy ít ỏi, nhưng đều chứa đựng sức mạnh và ý nghĩa của Lời Chúa - đẹp lòng Chúa và mang lại ân phúc cho con người: Lời “Xin Vâng”, là lời đại diện cho toàn thể nhân loại đón nhận mầu nhiệp cứu độ; Lời “Ngợi khen - Magnificat”, là lời tạ ơn và cảm nhận sâu sắc ân phúc của Thiên Chúa ban tràn đầy nơi Mẹ và cho cả dân người; Lời cầu bầu cùng Chúa tại tiệc cưới Cana “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3b), là lời yêu thương xuất phát từ trái tim nhạy cảm của Mẹ đối với tha nhân trong khi khó khăn hoạn nạn. Và tiếp đến là lời mời gọi trong niềm tin: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2, 5b).

Tất cả những yếu tố này làm cho tâm hồn Đức Mẹ trở nên một mảnh đất thiêng liêng màu mỡ và phì nhiêu để cho Lời Chúa được gieo vào và sinh hoa kết trái. Mẹ luôn vét cạn mình đi để cho tình yêu Thiên Chúa đổ tràn. Biến cố Nhập Thể là một dấu ấn vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa ghi vào đời Mẹ, để cho ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện và sinh hoa kết trái cho tất cả nhân loại chúng ta. Là con cái của Đức Mẹ, trong Năm Thánh này, mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi trở nên mảnh đất tốt cho Thiên Chúa trao gửi hạt giống của Ngài. Nhưng có lẽ từ trước đến nay chúng ta chưa đón nhận và chưa sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì cuộc sống với biết bao lo toan, những xao xuyến lo lắng, những đam mê, tham vọng khiến cho Lời Chúa bị chết ngạt hay chẳng sinh hoa kết trái là bao. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu Năm Thánh, mỗi người chúng ta lại được mời gọi trở về với sự thinh lặng nội tâm, vét cạn đi những gì che chắn hay chiếm chỗ tâm hồn ta. Để cho tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa đổ đầy. Như vậy tâm hồn chúng ta sẽ trở nên mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ, cuộc sống của ta sẽ trổ sinh hoa trái thiêng liêng phong phú dồi dào.

Lạy Chúa, trong Năm Thánh, xin cải tạo mảnh đất tâm hồn con, xin khỏa lấp mọi tiếng ồn ào của những ý tưởng vu vơ, làm vẩn đục và gây xao lãng tâm hồn con. Để hạt giống tình yêu của Chúa gieo vào được bám rễ, mọc lên và trổ sinh nhiều bông hạt cho Chúa và Giáo Hội.

NGÀY THỨ NĂM

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Lu-ca (Lc 9,12-17)

Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: "Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng." Đức Giê-su bảo: "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các ông đáp: "Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này." Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một." Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

SUY NIỆM

Năm Thánh giúp chúng ta sống Mầu Nhiệm Thánh Thể

“Chính anh em hãy cho họ ăn”, hay “Bẻ Bánh Cuộc Đời” là những chủ đề gợi hứng và đánh động biết bao nhạc sĩ sáng tác ra những bài hát tuyệt vời. Đó cũng là chủ đề cho rất nhiều đại hội giới trẻ Công Giáo. Bởi vì chủ đề này nói lên sứ mạng của mỗi Kitô hữu sống Mầu Nhiệm Thánh Thể giữa đời.

Chiêm ngắm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa mời gọi các môn đệ cộng tác phần mình vào chương trình yêu thương của Chúa: Sự cộng tác thứ nhất là tình bác ái sẻ chia: Chúa mời gọi các môn đệ “hãy cho họ ăn”, dù đó chỉ là năm chiếc bánh và hai con cá, một số lượng rất khiêm tốn trước hàng ngàn người. Tuy vậy, chính từ lòng quảng đại của các Tông Đồ mà Chúa làm có đủ bánh để nuôi hàng ngàn người; Sự cộng tác thứ hai là tinh thần phục vụ: Sau khi nâng bánh lên dâng lời chúc tụng, chính Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ dọn ra cho dân chúng. Từ những cử chỉ cao đẹp này của các môn đệ mà Thiên Chúa đã thực hiện một phép lạ kỳ diệu bằng cả tình yêu thương săn sóc đối với dân. Khiến cho mọi người ai nấy đều ăn uống vui thỏa và no nê.

Cũng vậy, Khi cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể, lúc dâng Lễ vật trên bàn thờ, Cha chủ tế nâng tấm bánh nhỏ và chén rượu nho lên chúc tụng Thiên Chúa, xin Ngài đón nhận lấy bánh và rượu là sản phẩm bởi công lao của con người. Và xin Chúa thánh hoá để trở nên của ăn, của uống thiêng liêng cho chúng ta là chính Mình Máu Chúa Giêsu Kitô. Như thế, Chúa Giêsu đã không chỉ ban Thịt Máu mình làm của ăn trường sinh cho nhân loại, mà còn dành cho con người một giá trị lớn lao là được góp phần bé nhỏ của mình để làm nên Thịt Máu Chúa. Và từ đây, Ngài lại tiếp tục mời gọi mỗi người Kitô hữu chúng ta tiếp tục sống Mầu Nhiệm Thánh Thể trong chính đời sống của mình: “anh em hãy cho họ ăn” và “hãy bẻ bánh cuộc đời” cho tha nhân.

Trong Năm Thánh, chúng ta hãy sống đời sống bác ái là lòng quảng đại chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo khổ; chúng ta hãy sống tinh thần phục vụ, là sự hy sinh và trao ban cho anh chị em mình những cử chỉ yêu thương. Nhờ đó, Chúa Giêsu sẽ biến cuộc đời lạt lẽo của chúng ta thành rượu nồng tình yêu đối với Chúa và với mọi người. Ngài biến mỗi người chúng ta cũng trở nên tấm bánh cho tha nhân. Và hơn thế nữa, Ngài sẽ không ngừng rót vào linh hồn chúng ta niềm hoan lạc đời này và sự sống vĩnh cửu mai sau.

Lạy Chúa, trong Năm Thánh, xin cho con biết nối dài tình yêu của Chúa, để con sống Mầu Nhiệm Thánh Thể mỗi ngày. Dù sống trong môi trường nào, con cũng trở nên tấm bánh thơm ngon ngọt ngào cho cuộc đời. Như thế, chắc chắn Chúa sẽ làm cho tấm bánh yêu thương của đời con được dậy men, bẻ ra, và nhân lên gấp bội. Amen.

NGÀY THỨ SÁU

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Lu-ca (Lc 6,36-38)

"Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy."

SUY NIỆM

Năm Thánh mời gọi chúng ta hãy sống nhân từ với mọi người.

Cha ông ta vẫn thường nói: “Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo”. Khi chúng ta có một thành kiến với ai, thì chúng ta dễ mắc phải lỗi này: dù người đó tốt đến đâu đi nữa, thì bất cứ điều gì người đó nói và người đó làm, đối với ta đều không có giá trị.

Thiên Chúa là Cha nhân từ, nên Ngài nhìn nhân loại bằng cái nhìn của tình yêu. Bởi vậy, bất cứ ai dù là người thế nào khi đến với Ngài, đều được Chúa chữa lành và nắn cho tròn trịa.
Chúa Giêsu đã đem cái nhìn từ trái tim của Thiên Chúa đến với con người. Ngài không nhìn con người dưới một nhãn hiệu, một lăng kính có sẵn, nhưng Ngài nhìn bằng cái nhìn của lòng nhân hậu và xót thương. Tất cả mọi người, dù đau yếu, thấy hèn hay tội lỗi đến đâu cũng đều được Ngài nhìn dưới ánh mắt của cảm thông, của yêu thương và tha thứ. Bởi vì trong ánh mắt yêu thương của Ngài, tất cả mọi người đều có giá trị độc cao cả trong tình yêu Thiên Chúa. Và như thế, qua Ngài, con người có thể thấy và cảm nhận được lòng nhân từ của Thiên Chúa là Cha trên trời.
Vì vậy, khi mời gọi chúng ta hãy nên nhân từ như Cha trên trời, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng Ngài chính là mẫu mực của sự trọn lành, và chỉ có Ngài mới thể hiện trọn vẹn lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chỉ có Ngài mới có trái tim biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa là Cha trên trời.

Là Kitô hữu, chúng ta được mang danh Đức Kitô, nghĩa là chúng ta có Chúa Kitô trong mình. Nên hơn ai hết, chúng ta được mời gọi trở nên giống Người, nghĩa là trong tất cả mọi sự và trong tất cả mọi người, chúng ta mang lấy cái nhìn của Chúa Giêsu, cái nhìn từ trái tim Thiên Chúa: hãy sống từ bi nhân hậu, hãy biết tha thứ và xót thương.

Để được một cái nhìn như thế, trong Năm Thánh, chúng ta cần phải gạt bỏ mọi thành kiến ra khỏi sự vị kỷ và cái tôi cá nhân của mình. Cuộc sống chúng ta không chỉ đã làm khổ người khác, nhưng còn tự làm khổ chính mình vì sự xét đoán, lên án và ghen ghét. Nó như một cửa mồ đóng kín chúng ta trong sự tăm tối ngột ngạt, như tảng đá bắt tội ta cứ phải mang nặng hàng ngày. Trong Năm Thánh, hãy và vứt bỏ viên đá ghen ghét, mang lấy tình yêu tha thứ để tự giải phóng mình. Trong Năm Thánh, hãy đẩy cánh cửa của sự xét đoán và kết án ra khỏi mình để cho cho tình bác ái, yêu thương ùa vào.

Lúc đó tâm hồn ta sẽ được giải phóng. Cuộc đời ta mới có thể được thanh thản bình an. Và như thế ta đang đi trên con đường của Chúa, đang có cái nhìn từ trái tim Chúa là Cha nhân từ.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho con vì không biết bao nhiêu lần chúng con đã chụp mọi thứ mũ lên đầu người khác. Trong Năm Thánh, xin tẩy rửa khỏi tâm hồn con mọi thứ thành kiến xấu với anh chị em. Xin cho chúng con luôn nhìn mọi người bằng chính cái nhìn của Chúa, cái nhìn của cảm thông, tôn trọng và yêu thương. Amen.

NGÀY THỨ BẢY

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Lu-ca (Lc 10,29-39)

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi? " Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? " Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

SUY NIỆM

Năm Thánh giúp chúng ta hãy sống hài hòa với anh chị em không phân biệt tôn giáo.

Trong cuộc sống, vẫn có người có thái độ khoanh vùng ranh giới cuộc sống, nghĩa là họ phân chia cho từng lãnh vực mỗi thứ một ô, như chính trị, tôn giáo, văn hoá, nghề nghệp… Chỉ khi nào cần đến hay có lợi họ mới mở cửa. Hơn thế nữa, người ta còn đóng khung tâm hồn chỉ vì những định chế hay luật lệ của mình, mà đánh mất tình đồng loại, tình liên đới với anh chị em.

Người Kitô hữu thì không được như vậy, Chúa không chấp nhận cho chúng ta khoanh vùng. Nghĩa là Ngài không muốn chúng ta chỉ là Kitô hữu khi chúng ta ở trong nhà thờ, mà còn là Kitô hữu mọi nơi mọi lúc. Ngài cũng không muốn người Kitô hữu chỉ khép kín, đóng khung nơi những người thân cận, những người đồng đạo, mà phải mở ra sống hài hoà với anh chị em, không phân biệt tôn giáo hay bất cứ thành phần nào trong xã hội.
Hãy nhìn vào Thiên Chúa, nơi Ngài, ân sủng được ban xuống cho cả kẻ dữ và người lành, tình yêu được mở rộng và lan toả ra cho hết thảy mọi người, mọi dân mọi nước
.
Chính Chúa Giêsu đã mang tình yêu của Thiên Chúa đến mở rộng tình người. Ngài muốn con người vượt ra khỏi bức tường bó hẹp của một cộng đồng người. Ngài đã vượt qua luật lệ và hướng trái tim con người lên cao và đi vào chiều sâu của tình yêu và lòng bác ái. Chính Ngài đã đến với từng con người, từ những người bần cùng, bệnh tật bị xã hội loại trừ; Ngài còn đến cả với những người bị coi là kình địch với Do thái giáo như người phụ nữ Samari vốn là kẻ lai căng cả về tôn giáo và chủng tộc. Ngài ca tụng và đồng hoá mình với người Samari nhân hậu. Vì đối với Ngài, tất cả đều là con cái Thiên Chúa, con cùng một Cha trên trời, và mọi người là anh chị em với nhau.

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không được quyền tự đặt ra ranh giới của tình yêu. Cũng không được dựa vào bất cứ một lý do nào để tự cho phép thoái thác tình liên đới, yêu thương và giúp đỡ tha nhân, cho dù là những lý do rất chính đáng về lề luật như trường hợp của thầy Tư tế và thầy Lê vi. Trong Năm Thánh, chúng ta hãy nên người Samari nhân hậu: không phân biệt chủng tộc, giai cấp hay tôn giáo, nhưng xây dựng một tình yêu không biên giới, không tín toán, không mong được khen ngợi, đền bù hay được trả ơn; không cần biết người ấy là ai ? nhưng hoàn toàn bởi lòng trắc ẩn thúc đẩy. Còn gì hạnh phúc bằng khi chúng ta mở rộng trái tim cho anh chị em, khi chúng ta sống hài hoà với mọi người. Đó là một mối dây xây dựng tình hiệp thông đồng nhân loại và là một bước tiến gần trong hiệp thông với Thiên Chúa.

Lạy Chúa, trong Năm Thánh, xin mở rộng trái tim con, để biết nhạy cảm trước nỗi khổ đau của đồng loại. Xin mở rộng tâm hồn con, để con biết sống hài hoà với tất cả mọi người và nhận ra rằng, họ chính là anh chị em con, là người thân cận của con. Amen.

NGÀY THỨ TÁM

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gio-an (Ga 15, 12-17)

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.
Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

SUY NIỆM
Năm Thánh là thời điểm để mỗi người thực thi lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu.

Ngày nay người ta nói nhiều về tình yêu, tình huynh đệ, tình hiệp thông. Tất cả đều được ca tụng trong các chương trình truyền hình, các truyện tiểu thuyết, các bài hát, và trong cả những cuộc đàm thoại hàng ngày của mọi giới.
Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, thời nay dường như cũng là lúc mà con người cảm thấy thiếu vắng tình yêu nhất. Nhiều người sống cô đơn, khao khát được yêu thương. Những cuộc chiến nóng hay lạnh lẽo âm thầm vẫn không ngừng xảy ra. Khiến cho con người chối bỏ nhau, ly dị nhau, hận thù nhau và làm khổ nhau… Có lẽ điều sai lầm là chúng ta nói về tình yêu, ca ngợi tình yêu, nhưng ít người sống tình yêu. Tất cả những lời quảng cáo, ca tụng chỉ dừng trên đầu môi chóp lưỡi, chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản.

"Đây là giới răn của Thầy: Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình". Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu đã không ngừng vang lên suốt gần hai ngàn năm qua. Lời mời gọi ấy không chỉ là đầu mỗi chóp lưỡi, nhưng còn thực hiện bằng chính đời sống của Chúa Giêsu.

“Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Đó là con đường tình yêu của Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Ngài đã xoá đi mối ngăn cách xa vời giữa Đấng Tạo Hoá và loài thụ tạo, giữa Thượng Đế và phàm nhân, giữa Ông Chủ và tôi tớ. Nhưng Ngài nâng con người lên với hàng bạn hữu thân tình. Đấng Tạo Hoá đi vào thế gian làm con của tạo vật để nâng tạo vật lên tới sự sống của Thiên Chúa. Đây là một sự kỳ diệu mà ta chỉ có thể giải thích được bằng tình yêu.

Chính tình yêu đã khiến Thiên Chúa hạ mình xuống với con người, cảm thông và chia sẻ với thân phận thụ tạo: "Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết" (Ga.15,15). Tình yêu đó đã đến chỗ tuyệt đỉnh, là việc hiến dâng mạng sống mình trên thập giá để cứu độ con người.

Bởi vậy, trong Năm Thánh, mỗi người Kitô hữu được mời gọi sống trong quỹ đạo tình yêu của Ngài. Tình yêu ấy không được dừng lại như nước ao tù, nhưng luân chuyển đến mọi trái tim con người trên toàn thế giới để liên kết con người với Thiên Chúa và liên kết con người với nhau: "Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con" (Ga.15,12),

Vẫn biết rằng, con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức "Như Thầy đã yêu". Nhưng lời mời này vẫn giục giã chúng ta một cách đặc biệt trong Năm Thánh, luôn hướng lên theo đường Thầy đã đi. Để chúng ta đem tình yêu đích thực của Thiên Chúa đến cho anh chị em mình. Dẫu biết rằng, chúng ta không có dịp để chết cho bạn hữu của mình như Chúa Giêsu, nhưng Ngài lại mời gọi để chúng ta sống cho anh chị em. Bởi vì, khi chúng ta biết sống cho anh chị em là chúng ta dám chết cho chính mình. Chết trong những hy sinh, quảng đại âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu, nhưng ướp bằng tình yêu.Vì chỉ có tình yêu mới làm phát sinh tình yêu, tình yêu khiến cho con người làm được tất cả. Và mọi sự sẽ qua đi, chỉ có tình yêu là tồn tại và sống mãi.

Lạy Chúa, xin cho con luôn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trong cuộc đời con, để cùng với Chúa, con biết xích lại gần anh chị em con hơn. Xin cho con có con mắt tình yêu để con nhận ra khuôn mặt Chúa nơi anh chị em con, nhờ đó con yêu thương mọi người như Chúa đ yu thương chúng con. Amen.

NGÀY THỨ CHÍN

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mát-thêu (Mt 28,16-20)

Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."

SUY NIỆM

Năm Thánh với sứ mạng truyền giáo của mỗi tín hữu.

Người đời vẫn thường nghĩ rằng, việc truyền giáo là việc dành riêng cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ như chính Chúa Giêsu đã sai trực tiếp các Tông Đồ trước khi Ngài về trời. Tuy vậy, là người Kitô hữu, hết thảy chúng ta đều là môn đệ của Người, đều bước theo Người trên con đường trọn lành và đều mang trong mình sứ vụ của Đức Kitô, đó là Tư tế, phục vu và Ngôn sứ.

Mặt khác, nói đến việc truyền giáo chúng ta vẫn nghĩ rằng: việc này phải dành cho những nhà thừa sai, bôn ba đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng của Chúa. Tuy vậy là người Kitô hữu, hết thảy chúng ta đều có thể truyền giáo và ý thức rằng sứ mạng của mình là truyền giáo, bằng cách cầu nguyện và biến đổi cuộc sống của mình trở nên hình ảnh của Đức Kitô: Sống Tám Mối Phúc Thật, trở nên muối và ánh sáng cho cuộc đời, nên như mảnh đất tốt để Lời Chúa được gieo xuống và sinh hoa kết quả, biết bẻ bánh cuộc đời cho tha nhân trong việc sống mầu nhiệm Thánh Thể, biết sống nhân từ với mọi người, biết mở rộng trái tim với đồng loại không phân biệt tôn giáo và biết yêu như Chúa đã yêu. Đó là cả một chặng đường chúng ta đã đi trong tuần chín ngày, với tất cả sứ vụ và vai trò của người Kitô hữu giữa dòng đời để giới thiệu hình ảnh của Đức Kitô và của Thiên Chúa tình yêu.

Như vậy, nếu ngày xưa, các Thánh Tông Đồ và các Nhà Thừa sai truyền giáo theo chiều rộng, tức là mở rộng Nước Chúa, thì hôm nay mỗi người Kitô hữu vẫn tiếp nối sứ mạng ấy và làm cho mọi người yêu mến Chúa hơn, đó là chúng ta truyền giáo theo chiều sâu; Nếu ngày xưa các Tông đồ truyền giáo bằng thiết lập các cộng đoàn, thì hôm nay, tôi ở lại trong cộng đoàn để xây dựng cộng đoàn bằng đức ái và sự hy sinh phục vụ; Nếu ngày xưa, các nhà thừa sai đi bôn ba khắp nơi để đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người, thì ngày hôm nay, sứ vụ của tôi là ở lại để ướp mặn tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người; Và nếu ngày xưa các nhà thừa sai cố gắng len lỏi và hoà nhập với các nền văn hoá của mọi dân tộc, thì hôm nay, sứ vụ của tôi là chiếu ánh sáng tình yêu của Đức Kitô len lỏi vào hết thảy mọi người không phân biệt tôn giáo hay sự khác biệt về quan điểm. Bởi vì tất cả con người đều có một điểm chung là tình yêu, đều một niềm khao khát là kiếm tìm hạnh phúc. Cho nên sứ vụ của người Kitô hữu chúng ta là giúp cho mọi người nhận ra tình yêu đích thực và tìm thấy hạnh phúc trọn vẹn nơi Thiên Chúa. Bởi vì, mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa là không giữ lại cho riêng mình, nhưng là trao ban cho cho hết thảy mọi người.

Lạy Chúa, chỉ khi nào con biết trao ban tình yêu như Chúa, con mới có thể trở nên chứng tá của Tin Mừng. Chỉ khi nào con biết yêu thương anh chị em, con mới có thể làm chứng rằng Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Xin hãy dạy con để con luôn luôn làm chứng nhân cho Chúa, Thiên Chúa tình yêu. Amen.

GP. Hải Phòng