PDA

View Full Version : S - Sẵn sàng tiếp đón Ngài ( CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG Năm C )



Dan Lee
11-23-2009, 10:43 PM
Chúa Nhật I Mùa Vọng - Năm C

SẴN SÀNG TIẾP ĐÓN NGÀI


Bài Phúc Âm về Ngày Quang Lâm của Con Người thích hợp cách đặc biệt với Chúa nhật I mùa Vọng này. Phụng vụ mời gọi ta đi vào cuộc hành trình của dân Chúa tiến về cuộc giá lâm đầu tiên của Chúa Cứu thế: một hành trình chậm chạp, tối tăm và đau đớn, trong đó chúng ta phải luôn luôn tìm biết thế nào là niềm hy vọng của chúng ta, những thái độ cụ thể, những khó khăn, và sức mạnh vô địch của niềm hy vọng đó.

Nhưng Giáng sinh đã hoàn thành trong khó nghèo và mừng vui của Belem rồi. Chúa đã mang đến cho chúng ta tin mừng của Ngài và đã đưa chúng ta vào trong Giáo hội của Ngài. Nếu chúng ta nhắc lại cuộc giáng lâm khiêm tốn đầu tiên, đó là để hướng về cuộc quang lâm chung cục của Con Người trong quyền năng và vinh quang.

Cuộc giá lâm đầu tiên đã khiến mỗi người trong Israel tỏ thái độ theo hay chống Chúa Giêsu (Lc 2,34-35). Thì nay ở mỗi thế hệ cho đến tận cùng lịch sử, mỗi người đều được kêu mời chọn lựa như thế. Nhờ đức tin, chúng ta đã làm một cuộc quyết tuyển căn bản, tuy nhiên chúng ta vẫn biết rằng trong chúng ta còn ít nhiều khu vực bất tín. Phúc âm kêu mời ta tiêu trừ chúng: hãy quay về Chúa đang đến, hãy tỉnh thức, bấy giờ anh em sẽ sẵn sàng tiếp đón Ngài và đi vào trong nước Ngài.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

1. Hôm nay bắt đầu Năm Phụng Vụ mới. Lời Chúa thúc đẩy chúng ta đi ngay tới trước. Thường khi chấm dứt một giai đoạn, người ta bị cám dỗ kiểm điểm thành quả trước khi bắt đầu giai đoạn kế tiếp; người ta ngó lại đằng sau, tổng kết hoạt động quá khứ và mừng vui nếu mọi sự êm đẹp.

Đối với Chúa, không bao giờ như vậy. Ngài không cho chúng ta thấy thành quả tốt đẹp nào, Ngài không vỗ về ta bằng bất cứ tiến bộ nào. Trái lại, Ngài đẩy ta tới trước, hướng về ngày Ngài đến với những tai ương bi thảm tiên báo. Cho dù những trình bày thảm khốc đó không muốn mô tả cách khoa học những sự kiên thực tế. Tuy nhiên, qua ngôn ngữ của tưởng tượng và thi phú, chúng cũng gợi lên được một cách mạnh mẽ việc quang lâm gần kề của Chúa Kitô. Và việc quang lâm đó sẽ tạo ra một sự đảo lộn sâu xa trong toàn thể lịch sử con người. Chính đó là điều mùa vọng này muốn nhắc nhở ta: khi khơi lại kỷ niệm của việc giáng lâm đầu tiên, nó tích cực chuẩn bị ta cho cuộc quang lâm ngày sau hết.

2. Mỗi người đều khao khát hạnh phúc và công lý; ai cũng hy vọng có kẻ mang chúng đến cho mình; thức dậy, người đời đã chẳng chạy đến những tiên tri giả hay những phương tiện khác nhau để tìm kiếm hạnh phúc đó sao? Họ đã chẳng xây dựng biết bao hệ thống, luôn canh tân chúng để mong thiết lập công bình đó sao? Nếu Chúa đến, đó là vì con người khẩn thiết mong ước những gì Ngài mang lại, ước mong có kẻ đưa đường, chỉ lối, sáng soi. Nếu Chúa đến, đó là vì tận thâm tâm, con người làm chỗi dậy Đấng Cứu Rỗi.

Nhưng một trật, Đấng phải đến lại mang danh hiệu “Con Người”. Như danh hiệu bí ẩn này, mượn ở tiên tri Đanien, gợi lên Đấng phải đến là một nhân vật mầu nhiệm, từ một thế giới khác. Vì thế, việc Chúa đến được coi như sự hòa hợp, sự gặp gỡ giữa khát vọng con người và công cuộc của Thiên Chúa.

3. Chúa Giêsu đã ẩn mình trong các dấu hiệu tiên báo. Những tai ương, thử thách có thể làm chúng ta thất vọng về Ngài cũng là những lời Ngài kín đáo kêu gọi tâm hồn ta. Những thử thách đó khiến ta đừng bám víu mãi mãi vào đời này. Chúng nhắc nhở rằng ta được tiền định cho một thành đô khác, Giêrusalem thiên quốc. Chúng giúp ta chuẩn bị đón chờ cuộc tái lâm vinh quang của Chúa Giêsu, nếu chúng ta biết đón nhận chúng bằng tinh thần đức tin.

4. Đối với thế hệ chúng ta, nước Thiên Chúa cũng đã gần và đang ở giữa chúng ta. Chúng ta tìm thấy nó trong Giáo hội. Vì nơi đó chúng ta gặp Chúa Kitô trong phụng vụ, trong Thánh Thể, trong anh em và trong tâm hồn ta. Chúng ta hãy biết đón nhận Chúa Kitô đang đến, đang đứng ở cửa lòng chúng ta và đang gõ (Kh 3,20). Thầy đứng đó và đang gọi ta (Ga 11,28).

Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt