PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C ( "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?")



Dan Lee
12-07-2009, 11:08 PM
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C

Thực thi tình yêu thương ấp ủ
trong cuộc sống mỗi ngày

(Sôphônia 3,14-18a; Philip 4,4-7; Luca 3,10-18)



Phúc Âm: Lc 3, 10-18

"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"

Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".

Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.

Suy Niệm:
Dobiustai là một trong các nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng. Ông đã nói về Chúa Giêsu như sau: "Ðối với tôi, Ðức Giêsu đã và luôn luôn là nhân vật siêu việt cao vời và lý tưởng nhất chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Sự kiện Ngài là người Do Thái khiến cho tôi kiêu hãnh lây vì tôi cũng thuộc dòng giống Do Thái. Cuộc sống của Ngài, các lời Ngài giảng dạy, sự hy sinh và lòng tin của Ngài đã trao ban cho thế giới món quà quí báu cao trọng nhất mà thế giới chưa bao giờ nhận được, đó là món quà của tình yêu thương. Tình yêu thương đối với tha nhân, tình yêu thương đối với những người nghèo khó, lòng thương xót tình nhân loại và sau cùng tất cả những tâm tình khiến cho con người trở nên cao thượng".

Nhận xét trên đây của nhạc sĩ Dobiustai sâu sắc và chí lý như: Ở đâu có tình yêu thương là ở đó có hạnh phúc tươi vui, an bình đích thực. Bởi vì tình yêu thương là phương thế duy nhất hữu hiệu, giúp con người cách mạng xã hội, xây dựng một thế giới mới tốt lành hơn mà không gây đổ máu thương đau và tàn phá trong con người.

Qua các bài đọc thứ III Mùa Vọng, Giáo Hội kêu gọi chúng ta thực thi tình yêu thương ấp ủ trong cuộc sống mỗi ngày. Phúc Âm thánh Luca chương 3, tường thuật việc tiên tri Gioan Baotixita rao giảng sám hối bên bờ sông Giođan để nêu bật tính cách đại đồng của ơn cứu độ. Thánh sử Luca lồng khung sinh hoạt này của thánh Gioan Baotixita trong những môi trường và với những lớp người thường bị Do Thái giáo cho là tội lỗi và xa rời ơn cứu độ nhất, như đám đông dân chúng dốt nát, bọn thu thuế gian tham xảo trá và bọn lính tráng vô đạo ác độc.

Là người có nếp sống chay tịnh khắc khổ, khi nghe ngài giảng người ta tưởng Gioan cũng nghiêm ngặt buộc mọi người sống khổ hạnh, ép chế như ngài. Nhưng không, thánh nhân không đòi buộc họ làm những việc lạ thường khó khăn, mà chỉ khuyên mọi người thay đổi cuộc sống và thái độ hành sử đối với những người khác. Thánh nhân đề nghị với mọi người một thái độ sống quân bình, biết thực thi công lý và yêu thương, chia sẻ cụ thể với tha nhân.

Ai thuộc lớp người giàu có, dư tiền dư của và phương tiện vật chất, thì từ nay đừng sống ích kỷ bo bo vơ vét và tích trử của cải như trước nữa. Mà hãy biết chia cơm sẻ áo, quảng đại trợ giúp các công ăn việc làm, tạo điều kiện sinh sống cho những người nghèo khó thiếu thốn hơn mình, thế nào để cho họ có một cuộc sống hạnh phúc sung sướng và đầy đủ xứng với phẩm giá của con người.

Ai thuộc công nhân viên nhà nước nắm giữ các nhiệm vụ, các guồng máy hành chánh thuế má và mọi dịch vụ ngành nghề của cuộc sống công cộng, thì từ nay nghĩ lại, đừng dùng địa vị, quyền bính để gian tham, hối lộ chèn ép, ức hiếp và khai thác bóc lột người hơn nữa, nhưng phải biết sống công bằng. Nhà nước và giới chủ hãy trả đồng lương xứng đáng cho công nhân viên của mình. Còn các công nhân viên phải chu toàn bổn phận của mình với lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và phục vụ cao độ. Bởi vì khi thăng tiến công ích, mọi người phục vụ và lo lắng cho chính gia đình mình, cho tương lai của con cái và những người thân yêu của chính mình, chớ không phải lo cho ai khác.

Giới quân nhân là những người có phận sự phục vụ quê hương và bênh đỡ kẻ cô thân cô thế thì hãy biết chu toàn phận vụ với tinh thần hào hiệp, ý thức trách nhiệm, chớ đừng dùng vũ khí địa vị của mình để hà hiếp bóc lột người dân.

Nói cách khác, thánh Gioan Baotixita khuyến khích mọi người có kiểu cách sống và hành sử công bằng, yêu thương, liên đới và biết tôn trọng tha nhân. Thế nào để loại trừ khỏi cuộc sống chúng ta mọi hình thức bạo lực, lòng ích kỷ, tính gian dối lừa đảo, lòng ham hố tư lợi và của cải, gây thiệt thòi và khổ đau cho nhau. Dĩ nhiên kiểu cách sống trên đây chưa đủ cho con người có thể trở thành môn đệ và con của Chúa, nhưng nó là một bước khởi đầu cụ thể tốt đẹp, giúp sửa soạn tâm lòng đón mừng Ðấng Cứu Thế đến.

Ngoài những kiểu cách hành sử kể trên, cuộc sống lòng tin của người tín hữu còn phải mang một sắc thái khác, đó là thái độ tươi vui mà tiên tri Sôphônia nói đến trong chương 3,14-18. Tiên tri sống vào cuối thế kỷ thứ VII trước Tây lịch. Vào thời đó có rất đông dân thành Giêrusalem và vùng Giuđêa chạy theo các thần linh ngoại giáo. Họ chủ trương hòa đồng các thói tục tôn thờ thần ngoại này với việc phụng tự Chúa. Tiên tri Sôphônia đã mạnh mẽ tố cáo thái độ lệch lạc và bất trung này của họ. Ông báo trước cho họ biết các hình phạt họ phải gánh chịu, đó là cảnh thành thánh sẽ bị đạo binh Babylon bủa vây đánh chiếm. Ðể diễn tả tai ương này, tiên tri dùng kiểu nói "Ngày của Giavê". Trong ngôn ngữ Kinh Thánh "Ngày của Thiên Chúa" ám chỉ Thiên Chúa phán xử con người và mọi người, mọi vật trong thời cánh chung, trong ngày lịch sử thế giới kết thúc và Thiên Chúa ra tay uy quyền can thiệp để tạo dựng trời mới đất mới. Ðó là thời gian quyết liệt đối với vận mạng con người, hoặc rộng mở tâm lòng đón nhận ơn cứu độ hoặc loại trừ khỏi hàng ngũ những người sẽ được cứu thoát.

Tuy nhiên, tiên tri cũng hé mở cho dân Do Thái thấy lòng xót thương nhân lành của Thiên Chúa và sự hiện diện cứu độ của Ngài. Thiên Chúa sẽ đến để thâu hồi án phạt, chấm dứt tình trạng đọa đày buồn thương cho họ và cứu thoát họ. Chính vì thế ông mời gọi mọi người hãy vui lên, hãy reo hò hớn hở hân hoan và Sion là người con gái yêu của Thiên Chúa. Con gái là kiểu nói theo điệu thơ văn của các dân tộc vùng Trung Ðông cổ dùng để gọi các thành phố và vùng biển. Trong truyền thống Kinh Thánh, "Con gái Sion" ám chỉ nhóm tín hữu còn sót của dân Israel, tức những người đã kiên trung tin tưởng vào Thiên Chúa, tuân giữ luật Ngài và mong chờ Ðấng Cứu Thế.

Vui lên cũng là động từ thánh sử Luca dùng trong tường thuật thiên thần Gabriel truyền tin cho trinh nữ Maria. Biến cố Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại là một tin vui vĩ đại. Chính vì thế nên sứ thần mới trả lời Maria với lời chào lạ lùng: "Hãy vui lên, hỡi bà tràn đầy ơn phước". Mẹ Maria là người được Thiên Chúa yêu thương tuyển chọn nên được tràn đầy ơn thánh Chúa. Mẹ là hiện thân số còn sót lại của Israel, một cộng đoàn nhỏ bé gồm những tín hữu đã biết sống trung thành với Thiên Chúa và lời hứa của Ngài. Ðồng thời Mẹ cũng là hiện thân của toàn dân Israel đang trông mong ơn cứu độ hiện thực trong lịch sử loài người. Mẹ Maria là Sion mới, nơi Thiên Chúa sẽ xuống ngự trị và sống với con cái loài người.

Trong chương 4,4-7 thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô cũng lặp lại sứ điệp Tin Mừng ấy và khuyến khích tín hữu sống tươi vui. Và cuối cuộc đời mình, như là thánh nhân tính sổ đời, ngài quên hết mọi khó khăn, đau buồn tủi nhục, thất bại, gian truân cay đắng để chỉ còn có niềm vui. Niềm vui phát xuất từ chính tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, và ngài giải thích lý do của niềm vui đó. Kitô hữu có nhiều lý do để luôn luôn có thái độ sống tươi vui. Bởi vì kể từ khi Chúa Giêsu nhập thể làm người, thì Thiên Chúa đã hiện diện ở trần gian và hằng ngày đồng hành với họ, chia sẻ mọi biến cố buồn vui trong đời họ. Qua bí tích rửa tội Ngài đã giải thoát họ khỏi xiềng xích, nô lệ tội lỗi, ban cho họ ơn cứu độ, sự tự do và ơn làm con cái Thiên Chúa. Tin vui cứu độ ấy không cho phép Kitô hữu buồn sầu, thất vọng như những người không có lòng tin có Chúa trong lòng, có Chúa trong đời, Chúa kề bên. Là ngươì Kitô hữu có được tất cả, vì thế họ phải luôn sống tin yêu phó thác và an bình tươi vui, không lo âu, không lo sợ. Kết hiệp với Chúa, với lời cầu nguyện đối thoại thân tình với Ngài, phó thác mọi sự cho Chúa và chỉ nỗ lực theo gương Chúa Giêsu sống nhân hậu, tốt lành với mọi người, yêu thương, thông cảm, quảng đại với mọi người. Nếu Giáo Hội đánh mất đi sự tươi vui của mình thì điều đó có nghĩa là Giáo Hội đã đánh mất đi tất cả. Và điều đó cũng có nghĩa là tình yêu đã chết hay đang hấp hối. Dĩ nhiên kế đó, Giáo Hội không còn khả năng yêu thương con người nữa, hay yêu thương với một tình yêu buồn rầu thì không phải là tình yêu.

Cũng thế, một Kitô hữu không còn khả năng sống vui tươi là dấu chỉ họ chưa gặp gỡ Thiên Chúa đích thực. Người Kitô hữu đã đánh mất đi niềm vui thì phải nghiêm chỉnh tự vấn lương tâm mình xem, coi có phải là dấu chỉ đã đánh mất đi Chúa Giêsu Kitô rồi không? Còn nếu quả thật có như vậy thì đây là lúc chúng ta phải nghe theo lời thánh Phaolô kêu mời: Anh chị em hãy tìm lại Chúa Kitô, là hãy tìm lại niềm vui của Chúa Kitô. Ðó chẳng phải là món quà và là ơn thánh quí báu nhất trong Mùa Vọng này sao?

Của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu