PDA

View Full Version : T - Tiếng Gọi



Dan Lee
12-10-2009, 10:25 PM
TIẾNG GỌI


Hồi còn bé, giai đoạn gọi tôi là thằng Cu. Tôi sống ở miền quê. Vào dịp Tết. tôi được dẫn lên Sài Gòn ăn tết ở nhà bà ngoại. chị tôi dẫn đi coi sở thú. Vì mải coi thú, tôi bị lạc… Sau khoảng 20 phút tìm kiếm mà không thấy, tôi sợ và bắt đầu khóc mếu máo. bỗng có tiếng chị tôi gọi sau lưng "Cu!" Tôi đang chạy đi tìm, dừng ngay lại. Những giọt nước mắt ngưng rơi. Nét mặt tươi trở lại với nụ cười. Tôi chạy đến ôm chị.

Một tiếng gọi đã thay đổi tôi từ lo âu, sợ hãi, sang hoan hỉ và bình an!

Khi ở trong tiểu chủng viện – high School seminary – tôi ham ngủ lắm. Tiếng chuông điện inh tai nhức óc vang lên ba hồi dài mà vẫn chưa đánh thức tôi dậy nổi. Không những tôi mê ngủ, mà còn ngủ mê nữa! Và sướng nhất là ngủ nướng! Không lẽ chỉ vì tật mê ngủ mà cha giám đốc lại đuổi những tên ngủ nướng như tôi về nhà. Không còn cách nào khác, ngài bèn có sáng kiến. Sau ba hồi chuông điện thì mở nhạc. Tôi còn nhớ khúc nhạc. "Hãy chỗi dậy hỡi ai ngủ mê, hãy chỗi dậy từ cõi chết. Chúa sẽ chiếu ngời ánh vinh quang trên đầu ngươi". Nghe nhạc tôi tỉnh ngủ!

Tiếng nhạc đánh thức tôi từ kẻ mê ngủ trở nên tỉnh thức!

Vào khoảng trước lễ Giáng Sinh năm 1994, sau khi đi học về, tôi nhận được một cú điện thoại của một anh chị ở gần chủng viện báo tin cho biết cha Đôminicô Trần Minh Thắng vừa tử nạn xe hơi trên đường về thăm gia đình ở New Orleans. Tôi bàng hoàng ngồi im lặng trên ghế hình dung ra hình ảnh của ngài với nụ cười rất tươi vui luôn xuất hiện trên khuôn mặt tròn trĩnh. Một linh mục trẻ, mới 31 tuổi, vừa chịu chức được vài năm, hiền hoà và đạo đức, ai cũng mến.

Một tiếng gọi bất ngờ để con người về với Chúa!

Những kinh nghiệm về tiếng gọi tôi vừa kể ra trên đây đều có một điểm chung là đưa đến sự thay đổi. Thay đổi từ lo âu sang vui tươi, từ mê ngủ sang tỉnh thức, từ cuộc đời này sang đời sau. Trong các bài đọc của Chúa Nhật thứ III Mùa vọng, được gọi là "Gaudele Sunday" thay đổi trong thái độ sống, vì Chúa đã đến gần rồi.

1- Sống đáng yêu

Trong bài Phúc Âm, Lc 3: 10-18, Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người phải thay đổi thái độ sống một cách cụ thể, sống hân hoan vui tươi. Phải trở nên đáng yêu, dễ mến. Phải làm việc bác ái từ thiện, giúp đỡ kẻ nghèo khó. Người thu thuế đừng tham nhũng nữa. Quân lính thì đừng hà hiếp dân lành. Qua tình yêu được thể hiện nơi hành động của chúng ta mà người khác nhận ra dấu chỉ của Vương Quốc Thiên Chúa đang đến gần.

Đức Tổng Giám Mục Rembert Weakland của Milwaukee đã kể câu chuyện về một linh mục Công Giáo vừa viếng thăm Ấn Độ và gặp vị tôn sư Ấn Giáo. Trong cuộc đàm thoại của họ, vị tôn sư Ấn Giáo đã nói một câu làm cho linh mục này rất tức giận. Ông nói rằng ý niệm về tình yêu và bác ái của Kitô giáo làm ông ghê tởm!

"Ghê tởm!" vị linh mục tức giận lầm bầm trong miệng. "Làm thế nào ngài lại có thể nói được như vậy chứ?" "Này nhé," vị tu sĩ Ấn giáo cắt nghĩa, "Những người Kitô hữu xông xáo đi tìm những cách thức để trở nên đáng mến và dễ thương hơn"

Tình bác ái yêu thương và sự công bằng xã hội là dấu chỉ của Vương quốc Thiên Chúa. Theo thánh Phaolô "Ai yêu thương tha nhân thì như thế đã chu toàn lề luật, đức ái là tất cả lề luật" (Rm 13:8-10). Và ngài đã khuyên những người tín hữu philipphê: "Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến" (Pl 4; 4-7)

Theo ĐGH Gioan Phaolô II "Đức ái là đáp ứng lời Thiên Chúa kêu gọi yêu thương" "Đức ái là yếu tính của "giới răn" mới được Công Giáo truyền dạy" (bài Gíao lý 72, ngày 13/10/1999)

Vào thời điểm này, chúng ta đang chuẩn bị những món quà Giáng Sinh, vì Giáng Sinh gần đến. Không ai muốn nhận một món quà từ một người, cho quà vì bị bắt buộc bởi tập quán xã hội. Cũng không ai để ý đến giá cả là bao nhiêu khi món quà đó được cho đi bởi một người thật đáng yêu, dễ mến. Điều đầu tiên chúng ta phải để ý khi tặng quà Giáng Sinh là nhìn vào cung cách chúng ta cư xử với những người khác để có những nổ lực trở nên tử tế, hoà nhã và đáng yêu.

2- Sống nội tâm:

Một người đã hỏi Thiên Chúa rằng: "Lạy Chúa, một tỉ đô la có nghĩ gì đối với Ngài, Đấng có uy quyền trên tất cả mọi sự?" Thiên Chúa trả lời, "Hầu như là một xu". Rồi người đó lại hỏi Thiên Chúa, "Thế mọi trăm ngàn thế kỷ có nghĩa là gì đối với Ngài là Chủ của thời gian?" Thiên Chúa cũng trả lời, "Hầu như là một giây." "Vậy thì, lạy Chúa, xin hãy ban cho con một xu thôi!" người đó năn nỉ. Thiên Chúa trả lời: "Con ráng chờ ta một giây thôi nhé".

Câu chuyện trên nói lên não trạng duy vật chất của con người. Người ta nghĩ rằng tiền bạc sẽ giải quyết được mọi sự mà quên đi đời sống nội tâm mới thực sự mang lại hạnh phúc. Một thái độ sống nội tâm rất cần thiết cho thời đại văn minh điện tử hiện nay. Giữa cuộc sống vội vàng và máy móc, bạn "Hãy Ngừng Lại và Lắng Nghe" đó là lời khuyên của tờ báo New York Times xuất bản vào năm 1971:

"Ban đêm bạn đi ra ngoài, nhìn lên bầu trời, và thấy đầy sao đang chậm rãi chuyển động xoay tròn không chỉ đi qua ban đêm, nhưng còn qua các mùa, các năm. Có những mẫu hình ngôi sao không thay đổi qua suốt cuộc đời của bạn – cũng vẫn những chòm sao Bắc Đẩu, sao Đại Bàng, sao Thiên Nga. Bạn nhìn thấy mặt trăng đang từ từ ló dạng với tất cả hình thể của nó, từ lúc lờ mờ ánh trăng non hình lưỡi liềm tới khi sáng vằng vặc, ánh trăng rằm.

Những hình thể và độ sáng của ánh trăng được con người biết đến từ khi người đầu tiên nhìn vào bầu trời ban đêm. Bạn nhìn thấy ánh bình minh và bóng tà dương đang thay đổi từng ngày sớm muộn vài phút. Thời gian cứ trôi qua bốn mùa, những tháng âm lịch, năm dương lịch. Thế mà thời gian vẫn chưa thay đổi một phần nhỏ đáng kể nào của một giây trong 10 triệu năm trời. Con người đầu tiên đứng thẳng bằng hai chân, ngắm nhìn ánh hừng đông và loé lên sự ngạc nhiên về thời gian, con người ấy cũng đã biết cùng một quãng thời gian của ánh sáng ban ngày như chúng ta biết ngày nay. Cỏ cây thời xưa cũng đã mọc lên một cách thong thả, khoan thai như bây giờ, và bất cứ trái đào nào cũng chín vào đúng mùa của nó. Nhưng vào một lúc nào đó con người đã bắt đầu tính toán không chỉ đếm bằng những ngày, nhưng còn tính đến những giờ, phút, giây.

Thời gian không thay đổi, nhưng con người đã bị mắc kẹt vào những cái bẫy thời gian của chính mình. Những tiếng âm vang đã đến thúc giục họ, "Mau lên, mau lên, mau lên!" và chỉ thỉnh thoảng mới có một người đó đã ngừng lại tự hỏi, "Tại sao phải vội vàng như thế?" "Vội vàng như thế để làm gì?"

Càng văn minh hiện đại, con người càng sống hấp tấp và vội vàng, càng bị kẹt vào trong những chiếc bẫy thời gian của mình. Mùa vọng là thời gian Giáo Hội kêu gọi chúng ta "Hãy ngừng lại và Lắng nghe" đây là lúc để nới lỏng cái bẫy thời gian vô hồn của mình ra và có một cái nhìn mới mẻ vào cách sống của mình: "Khi chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha là chúng ta giao tiếp với Ngài cũng như với Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Bấy giờ chúng ta hiểu biết và nhận ra Ngài bằng một cảm quan chiêm ngắm luôn luôn mới mẻ" (GLCG # 2781)

Lễ Giáng Sinh gần đến, với những thay đổi rõ rệt ngoài xã hội. Các siêu thị nhộn nhịp khách hàng. Những cây Giáng Sinh rực rỡ ánh đèn. Tiếng nhạc thánh ca từ các buổi hoà tấu làm xôn xao nao nức lòng người. Những món quà, những tấm thiệp với những lời chúc tốt đẹp thánh thiện. Nhưng tất cả những thay đổi bên ngoài đó có làm cho ta vui thực sự được không? Giáo Hội muốn giúp ta có được niềm vui thực sự, một niềm vui từ bên trong tâm hồn mỗi người phát ra. Niềm vui đó chỉ có được nếu có sự thay đổi từ nội tâm đến thái độ sống bên ngoài, sự vượt thoát ra khỏi những ánh mây mù của tội lỗi và tính ích kỷ, thoát ra khỏi những âu lo trĩu nặng của vật chất, những sợ sệt ngại ngùng, những cắn rứt mặc cảm do tội lỗi gây nên.

Trong cuốn "Let Go Of Fear", tác giả Carlos Valles đã kể lại việc chứng kiến một cảnh thật xảy ra khi ông đang đi bách bộ trong một khu rừng. Hôm đó ông tình cờ thấy một con chim đang đậu trên cành. Thân nó cứng đờ ra như bị thôi miên. Nó muốn bay lên mà bay không nổi. Ông lấy làm lạ, tò mò đến gần quan sát, để tìm ra lý do. Thì ra; ở dưới gốc cây, có một con rắn hổ mang đang cất cao cổ, phun khì khì, như toan tính phóng lên. Con rắn biết sức mạnh của nó. Nó có thể đe doạ làm con chim khiếp sợ. Còn con chim thì có cả một bầu trời bao la và đôi cánh mạnh mẽ, nhưng lại không thể nào thoát nổi sự sợ hãi đang đe doạ của con rắn.

Thấy cảnh tượng đáng thương và tội nghiệp, ông Carlos liền ho lên mấy tiếng. Con rắn thấy tiếng động của loài người liền rụt cổ xuống có vẻ thèm thuồng rồi bỏ đi. Con chim sực hoàn hồn lại. Nó nhận ra một điều mà trong cơn sợ hãi tột cùng nó đã đánh mất. Đó là niềm tin vào chính mình, nhận ra rằng con rắn thì ở đằng xa, mà nó thì có đôi cánh, chỉ cần vỗ cánh bay lên thì con rắn đâu có làm gì được. (Trích Tin Vui Thời Điểm 2000, lm Trần Cao Tường)

Tiếng ho, tiếng hắng giọng của ông Carlos đã làm con chim tỉnh lại, ý thức về đôi cánh của nó, và bầu trời cao xanh. Hôm nay giáo hội cũng lên tiếng kêu gọi giống như một tiếng ho, tiếng hắng giọng để giúp chúng ta có được niềm vui và sự hy vọng qua sự thay đổi thái độ sống như trong bài đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Sôphônia 3: 14-18 kêu gọi: "Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi Sion, đừng sợ! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi"

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thái