PDA

View Full Version : C - Canh Dân, Canh tân và sám hối



Dan Lee
01-01-2010, 08:01 PM
CANH DẦN – CANH TÂN VÀ SÁM HỐI


Đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, năm 2010 mang một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là Năm Thánh kỷ niệm 5 thế kỷ (1533-2009) hạt giống Đức Tin được gieo trồng trên quê hương Việt Nam, 350 năm (1659-2009) hình thành Giáo Hội Tông Toà với 2 Giáo phận Đàng Ngoài (miền Bắc) và Đàng Trong (miền Nam), đồng thời mừng kỷ niệm 50 năm (1960-2010) thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam - Giáo Hội Chính Toà.


Theo âm lịch, năm 2010 là năm Canh Dần, nên xin có đôi câu đối đề tặng nhân dịp trọng đại này :


TIỄN KỶ SỬU VỚI TÂM TÌNH TRI ÂN VÀ SÁM HỐI
ĐÓN CANH DẦN MỪNG NĂM THÁNH GIÁO HỘI ĐƯỢC CANH TÂN

1- TIỄN KỶ SỬU VỚI TÂM TÌNH TRI ÂN VÀ SÁM HỐI. Năm Thánh 2010 là dịp “nhìn lại một chặng đường” đã kinh qua. Chặng đường đó là gần 500 năm khai sinh (1533-2009), 350 năm hình thành (1659-2009) và 50 năm trưởng thành (1960-2010). Nhìn lại để thấy được hành trình mà các vị Thừa sai của Hội Thánh cùng với những tín hữu Việt Nam đầu tiên phải vượt qua biết bao gian lao thử thách nghiệt ngã. Máu đào của tiền nhân đã tuôn đổ thành dòng chảy như xưa từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su Ki-tô, để tưới cho cánh đồng Truyền Giáo Việt Nam có được như ngày hôm nay. Đó là hồng ân Thiên Chúa, đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhưng đồng thời đó cũng là những ân huệ kỳ tuyệt của các bậc tiền nhân để lại cho con cháu hôm nay và ngày mai. Vì thế, nên nhìn lại quá khứ chính là để tri ân – tri ân Hội Thánh đã quan tâm mà sai phái những vỊ thừa sai đến mảnh đất nhỏ bé, xa xôi này, đồng thời cũng tri ân quê hương đất tổ đã sản sinh ra những bậc tiền nhân anh hùng khai sáng và sẵn sàng chết vì Đạo Chúa, và trên tất cả là tạ ơn Thiên Chúa. Nhìn lại quá khứ cũng là dịp “thuận lợi cho việc hoà giải với Thiên Chúa và anh em đồng loại. Trong ý hướng đó, chúng ta nên nhìn nhận những sai lỗi chúng ta đã phạm trong quá khứ và hiện tại đối với anh em đồng đạo và anh em đồng bào, và xin mọi người tha thứ. Đồng thời, chúng ta nên quyết tâm đào sâu và phong phú hoá sự hiệp thông trong Giáo Hội và xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng bằng con đường đối thoại chính thực, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cách lành mạnh với nhau. Năm Thánh cũng là một thời gian đặc biệt dành cho chúng ta để làm mới lại công việc loan báo Tin Mừng cho anh em đồng bào và để chúng ta ngày càng trở nên một Giáo Hội của hiệp thông và sứ vụ.” (Sứ Điệp gừi GHVN của ĐTC Biển Đức XVI). Vâng, nhìn lại qúa khứ cũng là dịp để “thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em” đồng đạo, đồng bào cả nước về những sai lỗi trong quá khứ như lời diễn nguyện trong Nghi thức Hoà Giải ngày khai mạc Năm Thánh : “Đức Giê-su Đấng sáng lập đạo Công Giáo đã dạy chúng tôi yêu thương mọi người, kể cả những người thù ghét mình. Lẽ ra chúng tôi phải thực hiện tinh thần đó mọi nơi mọi lúc và với mọi người. Nhưng chúng tôi nhận thấy do vô tình hay cố ý, chúng tôi đã làm cho quý vị phiền lòng, chúng tôi đã thiếu sót nhiều trong nghĩa vụ yêu thương. / Chiều hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo muốn nói lời xin lỗi về tất cả những điều ấy, với tất cả mọi người không phân biệt chính kiến, vị trí và tín ngưỡng tâm linh. / Chúng tôi xin lỗi mọi thành phần xã hội, tôn giáo, vì chúng tôi đã chưa đủ hòa mình và đồng hành. / Chúng tôi xin lỗi người nghèo, người hẩm hiu xấu số, người khuyết tật, đau khổ vì chúng tôi chưa đủ quan tâm.” Hơn bao giờ hết, đây chính là dịp nhìn lại qúa khứ để bày tỏ “tâm tình tri ân và sám hối”, để từ đó kiện toàn hiện tại và thắp sáng hy vọng cho tương lai Giáo Hội Việt Nam.

2- ĐÓN CANH DẦN MỪNG NĂM THÁNH GIÁO HỘI ĐƯỢC CANH TÂN. Chào mừng Năm Thánh 2010 cũng là Năm Hồng ân của Giáo Hội Việt Nam không phải và không thể chỉ là tiệc tùng liên hoan, nhưng còn là quyết tâm thể hiện “một công cuộc Phúc Âm hoá có chiều sâu, nhằm mang tới cho toàn thể xã hội Việt Nam những giá trị Phúc Âm như bác ái, chân lý, công bằng và ngay thẳng. Nếu chúng ta sống các giá trị này theo gương Chúa Ki-tô, thì chúng sẽ mang một chiều kích mới mẻ, vượt xa hơn ý nghĩa luân lý theo truyền thống như người ta thường hiểu, khi mà các giá trị ấy bén rễ sâu vào Thiên Chúa là Đấng luôn ước mong điều thiện hảo cho mọi người và muốn cho mọi người được hạnh phúc.” (Sứ Điệp gừi GHVN của ĐTC Biển Đức XVI). Đó chính là sự khích lệ, cổ vũ Dân Chúa đáp lại tình yêu bao la của Thiên Chúa và canh tân Giáo Hội tại Việt Nam theo ba chiều kích : Mầu nhiệm, Hiệp thông và Sứ vụ.

a- Mầu nhiệm : Ngay khi Đức Giê-su Thiên Chúa phán cùng Si-mon Phê-rô : “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18), thì Giáo Hội đã được hình thành. Vì Giáo Hội được chính Ngôi Hai Thiên Chúa thiết lập để quy tụ những con cái của Người về một mối, nên đó chính là một Mầu nhiệm, như Hiến chế “Tín Lý về Giáo Hội” (số 5) của Công đồng Vaticanô II xác định : “Mầu nhiệm Giáo Hội thánh thiện được biểu lộ trong chính việc thành lập. Thực thế, Chúa Giê-su đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Phúc Âm rằng Nước Thiên Chúa đã đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa : "Thời gian đã trọn, Nước Thiên Chúa gần đến" (Mc 1, 15; Mt 4, 17). Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Ki-tô. Lời Chúa ví như hạt giống gieo trong ruộng (Mc 4, 14): ai tin nghe Lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Chúa Ki-tô (Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài ; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (Mc 4, 26-29)”. Giáo Hội Việt Nam ngày hôm nay trưởng thành từ trong mầu nhiệm Giáo Hội Mẹ là Nhiệm Thể Đức Giê-su Ki-tô. Để đáp trả hồng ân đó, trước hết, Giáo Hội Việt Nam phải dấn thân vào một cuộc canh tân toàn diện, để ngày càng thể hiện rõ nét hơn bản chất đích thực của mình, để trở nên như của lễ dâng lên Thiên Chúa, Vì thế, Giáo Hội Việt Nam không chỉ đổi mới hình thức, dáng vẻ bên ngoài, nhưng là bắt đầu từ bên trong để canh tân chính trái tim và não trạng của mình.

b- Hiệp thông : Hình ảnh đặc trưng, tiêu biểu nhất của Giáo Hội Công Giáo là hình ảnh một cây nho sum suê cành lá, hoa quả tốt tươi. Cây nho đó chính là Đức Giê-su Ki-tô và cành lá là toàn thể Giáo Hội (Ga 15, 1-17). Điều đó chứng tỏ bản chất Giáo Hội là hiệp thông khơi nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa (“Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” – 2Cr 13, 13). Đức Giê-su Ki-tô, Đấng thiết lập Giáo Hội đã ban một điều răn mới : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga15, 12). Giáo Hội luôn luôn và mãi mãi thực hành Lời dạy của Người thông qua Đức Ái là nhân đức quan trọng hơn cả trong 3 nhân đức đối thần, như lời dạy của Thánh Phao-lô Tông đồ “Hiện nay đức Tin, đức Cậy, đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức Mến” (1Cr 13, 13). Trong Tông Huấn Ki-tô hữu Giáo dân, ĐGH Gio-an Phao-lô II cũng viết : “Công Đồng vừa bế mạc, Đức Phao-lô VI đã nói với tín hữu : “Giáo Hội là một sự hiêp thông”. Tiếng hiệp thông ở đây có nghĩa gì ? Ta mời chúng con đọc lại giáo lý nói về việc các Thánh Thông Công - và các Thánh Thông Công mang hai nghĩa : Người Ki-tô hữu được thông công vào sự sống Đức Ki-tô và sự lưu thông của chính đức ái này trong toàn thể cộng đồng các tín hữu ở trần gian, và bên kia thế giới. Hợp nhất với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, hợp nhất các Ki-tô hữu với nhau trong Giáo Hội” (TH/KTHGD, 19). Và “Như thế sự sống thông hiệp của Giáo Hội trở nên một dấu chỉ cho thế giới và là một hấp lực thu hút mọi người tới niềm tin vào Chúa Ki-tô : “Lạy Cha, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ trở thành một trong Chúng Ta để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21). (TH/KTHGD, 31).

Tinh thần hiệp thông không chỉ giới hạn ở Giáo Hội lữ hành, mà còn là sự hiệp thông với Giáo Hội thanh luyện và Giáo Hội khải hoàn. Vì thế, khi nhìn về quá khứ với tâm tình tri ân và sám hối là tín hữu đã thể hiện tính chất căn bản của Giáo Hội là sự hiệp thông. Như vậy, Mầu nhiệm Giáo Hội cũng chính là ở sự hiệp thông hữu cơ (“Sự thông hiệp trong Giáo Hội là một sự thông hiệp hữu cơ, giống như một thân thể sống động” – TH/KTHGD, 20) hợp nhất 3 Giáo Hội (lữ hành + thanh luyện + khải hoàn) để tiến tới kết hiệp chặt chẽ với Ngôi Hai Thiên Chúa (“Sự hiệp thông với Mình Thánh Chúa Ki-tô là dấu chỉ và phát sinh, hay nói cách khác, xây dựng sự hiệp thông mật thiết của mọi tín hữu trong Thân Xác của Chúa Ki-tô là Giáo Hội" – TH/KTHGD, 53). Vì thế, Giáo Hội Việt Nam hôm nay không những chỉ kết hiệp mật thiết với các Giáo Hội địa phương tại khắp nơi trên thế giới trong Giáo Hội Mẹ, mà còn phải canh tân nếp sống đạo của bản thân mình. Nói cách khác, Giáo Hội Việt Nam phải làm sao cho tính chất hiệp thông xuyên suốt đến từng nhánh nhỏ, từng cánh lá (tức là từng Giáo dân) của Cây Nho Giáo Hội, để làm sao cho toàn thể Ki-tô hữu (giáo sĩ và giáo dân) đều cùng nhiệt tình đóng góp sức mình vào công việc chung trong sứ vụ Truyền Giáo của Giáo Hội, cùng chia sẻ trách nhiệm trong vai trò thợ làm vườn nho để mở mang Nước Chúa. Hy vọng sẽ không còn tồn tại những phân biệt phẩm trật, những tránh né trách nhiệm, những đùn đẩy công tác... để toàn Giáo Hội Việt Nam thực sự trở nên một gia đình trong bàn tiệc Lời Chúa.

c- Sứ vụ : Giáo Hội chỉ có một sứ vụ duy nhất, đó là “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 19-20). Đức Thánh Cha Phao-lô VI viết : "Rao truyền Phúc âm, đó là ân sủng và là lời mời gọi riêng của Giáo Hội, là bản tính sâu xa của Giáo Hội." (SL. TĐGD, 16). Tất cả sứ mệnh của Giáo Hội quy tụ và biểu dương trong việc loan báo Tin Mừng. Con đường lịch sử truyền giáo của Giáo Hội đi theo mệnh lệnh của Đức Giê-su Ki-tô, và bởi Đức Ki-tô, trong Đức Ki-tô, Giáo Hội luôn được ơn Chúa che chở. Như thế, “Sự hiệp thông và việc truyền giáo gắn liền với nhau, xâm nhập và quấn quít nhau và đã trở nên như nguồn mạch, và là hoa trái của việc truyền giáo. Hiệp thông là truyền giáo, và truyền giáo có mục đích thể hiện sự hiệp thông” (TH/KTHGD, số 33).

Tuy là 3 chiều kich (Mầu nhiệm Giáo Hội – Giáo Hội hiệp thông – Sứ vụ truyền giáo) nhưng vẫn quy tụ làm một : “Giáo Hội hiệp thông và truyền giáo” (TH/KTHGD, số 32), bởi vì “Chính Giáo Hội là vườn nho trong Thánh Kinh. Là nhiệm mầu bởi vì tình thương và sự sống của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, là ân huệ tuyệt đối ban nhưng không cho tất cả những ai được sinh ra bởi nước và Thánh linh (Ga 3, 5), được gọi để sống chính sự hiệp thông của Thiên Chúa, để tỏ bày và thông truyền sứ mệnh hiệp thông này trong lịch sử. Chúa Giê-su nói: "Trong ngày ấy các con sẽ biết rõ Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy và Thầy ở trong các con" (Ga 14, 20) (TH/KTHGD, số 32). Như lời dạy của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI “Năm Thánh cũng là một thời gian đặc biệt dành cho chúng ta để làm mới lại công việc loan báo Tin Mừng cho anh em đồng bào và để chúng ta ngày càng trở nên một Giáo Hội của hiệp thông và sứ vụ.” (ibid), Giáo Hội Việt Nam rút kinh nghiệm từ quá trình 5 thế kỷ truyền giáo trên quê hương, học hỏi kinh nghiệm nơi Giáo Hội hoàn vũ, phát huy những ưu điểm, sửa chữa những tồn tại, quyết tâm đổi mới công vịêc truyền giáo, làm sao để toàn thể Giáo Hội cùng nghĩ cùng làm một sứ vụ duy nhất : mở mang Nước Chúa. Tuy sứ vụ chỉ là một, nhưng khi thực thi thì lại có nhiều hình thức, phương cách, cũng giống như “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,5-7). Vì thế, “Dân tộc và xã hội Việt Nam chờ đợi Tin Mừng loan báo cho họ biết Con Đường, Sự Thật và Sự Sống vĩnh cửu. “Hãy ra khơi và thả lưới bắt cá” (Lc 5,4). Vâng, bây giờ là thời điểm ra tay hành động, là lúc để chúng ta mượn lời ông Si-mon mà nói lên trong kỷ nguyên mới này của lịch sử: “Thưa Thầy…, vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5). (Thư của Bộ “Phúc Âm Hoá các Dân tộc” gửi GHVN)

Tóm lại, nhìn về quá khứ với tâm tình tri ân và sám hối, để trong hiện tại có quyết tâm đổi mới toàn diện, ngõ hầu hướng đến tương lai với niềm hy vọng tràn đầy hồng ân Thiên Chúa. Chỉ có thể như thế và “... Như thế, cử hành Năm Thánh 2010 mời gọi và thúc đẩy tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng một Giáo Hội hiệp thông; một Giáo Hội trong đó mỗi người đồng cảm với Giáo Hội, vui niềm vui của Giáo Hội và đau nỗi đau của Giáo Hội; một Giáo Hội trong đó mỗi người cảm nhận mình được yêu thương chăm sóc, đồng thời có trách nhiệm chăm lo cho người khác cũng như cho ích chung của Giáo Hội. Đó chính là cách thể hiện tư cách người môn đệ chân chính của Chúa như Người đã truyền dạy : “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12) và “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35) (“Diễn văn khai mạc Năm Thánh 2010” của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN). Mong vậy thay !

JM. Lam Thy ĐVD.