PDA

View Full Version : P - Phù thuỷ Bơliam và lời nguyền



Dan Lee
01-01-2010, 09:48 PM
SUY NIÊM LỜI CHÚA
LỄ HIỂN LINH

Phù thuỷ Bilơam và lời nguyền…

Mt 2,1-12

Trên đường tiến về miền đất Thiên Chúa hứa ban cho các Tổ phụ, đoàn dân của ông Môsê đã phải giao tranh với nhiều nước lân bang thời đó. Lý do để giao tranh nhiều khi rất giản đơn. Có khi chỉ vì lý do xin di ngang qua nước của lân bang mà không được chấp nhận, đành phải dùng biện pháp đánh nhau để vượt qua như khi đối đầu với dân Êmôri. Và đoàn dân nhỏ bé của ông Môsê đã không đánh thì thôi, chứ đánh là thắng làm cho các nước lân bang đều run sợ. Một trong những nước lo sợ đạo quân của Môsê đó là vua người Môáp. Chính vì lo phải đối đầu với dân Israel mà vua Môáp sai sứ đến với một phù thủy có tên là Bilơam thuộc đất dân Ammon để xin phù thủy này “trù ẻo” Israel để dân này ra suy yếu và vua sẽ nhân vì sự ấy tiến đánh.

Các sứ giả vua Môáp lên đường tìm gặp phù thủy Bilơam để trao cho ông lời sấm “chúc dữ” dân Israel. Bilơam mời các sứ giả nghỉ qua đêm để ông thỉnh ý Giavê Thiên Chúa. Sáng hôm sau, Bilơam nói cùng các sứ giả rằng ông không thể làm theo yêu cầu của vua Môáp được. Nhưng đến lần thứ hai, dưới tác động của Thiên Chúa, ông chấp nhận ra đi với các sứ giả vua Môáp.

Bilơam đến miền đất dân Môáp để chúc dữ cho dân Israel trên lưng một con lừa cái và đi cùng với hai chú tiểu đồng. Trên đường đến với vua Môáp, con lừa của Bilơam thấy Thần sứ của Thiên Chúa đứng cản đường cùng với thanh gươm cầm sẵn trong tay. Thấy thế, con lừa cái bèn tránh đường đi xuống ruộng. Bilơam đánh đập con lừa và bắt nó phải đi trên đường.

Khi đến con đường mòn hai bên đều xây tường, con lừa cái khi thấy Thần sứ liền ép sát vào tường làm cho chân của Bilơam bị cọ sát trầy xước. Tức giận ông phù thủy lại đánh con lừa cách thậm tệ.

Nhưng đến khi đến đoạn đường hẹp không thể nào đi được nữa vì Thần sứ chận đứng, con lừa đành phải nằm bẹp xuống chân ông Bilơam. Thấy vậy, Bilơam càng tức giận. Ông dùng gậy tới tấp đánh con lừa. Đến lúc này, con vật mới lên tiếng: “Ông thấy không, có bao giờ tôi chống ông không, tôi có làm gì ông mà ông đánh tôi đến ba lần”. Bilơam nhìn lên thì thấy Thần sứ Thiên Chúa thì run sợ. Theo hướng dẫn của Thần sứ Thiên Chúa, Bilơam đến với vua Môáp nhưng không phải để chúc dữ cho dân Israel mà là chúc phúc.

Trong bài diễn văn chúc phúc đó, phù thủy Bilơam đã tiên báo về Ngôi sao xuất hiện trong nhà Giuđa :”Một Vì Sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24, 17)

Sở dĩ phải kể câu chuyện phù thủy Bilơam là vì nó liên quan đến ít nhiều Lời Chúa Chúa nhật hôm nay. Các nhà chiêm tinh Đông phương nhìn thấy ngôi sao xuất hiện và lên đường tìm kiếm. Bài Tin mừng hôm nay nhằm làm nổi bật những ý nghĩa sau:

Hài Nhi mới sinh chính là vị Cứu tinh mà Israel mong đợi từ lâu. Vị Cứu tinh đó chào đời tại Bêlem như lời Ngôn sứ Mikha đã loan báo, từ Bêlem, sẽ xuất hiện một vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel (x. Mk 5,1).

Hài nhi Giêsu nắm giữ vương quyền phổ quát, là dấu chỉ cho dân ngoại nhìn nhận ngay khi Ngài mới chào đời. Nơi Hài nhi Giêsu, ứng nghiệm điều ngôn sứ Isaia đã loan báo khi xưa về ngày dân ngoại sẽ lũ lượt tiến về Giêrusalem, mang theo những lễ vật trân quý để tiến dâng (x. Is 60).

Tại Trung đông xưa, các nhà chiêm tinh hay các đạo sỹ là những nhà trí thức của thời đại, thường thuộc hàng Tư tế và làm cố vấn cho các vua. Các nhà chiêm tinh trong Tin mừng đến từ vùng đất phương Đông, quê hương của phù thủy Bilơam. Các nhà chiêm tinh đó là ai? Vào thế kỷ VIII, thánh Bêđa đã miêu tả các nhà chiêm tinh như sau:

- Người thứ nhất tên là Melchior. Đây là một cụ già với mái tóc trắng và chòm râu bạc phơ. Ông đến dâng cho Chúa vàng như là dấu chỉ để chân nhận Vương quyền của Chúa.

- Người thứ hai tên là Gaspar. Đây là người còn trẻ, da đỏ. Ông dâng lên Chúa nhũ hương để chân nhận Thiên tính của Chúa.

- Vị thứ ba tên là Balthasar. Là một người da ngăm đen, râu rậm. Ông dâng Chúa mộc dược, vì biết rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa mà cũng là con loài người và Ngài phải chết để cứu độ chúng ta.
Ngôi sao mà các nhà chiêm tinh nhìn thấy vốn là dấu hiệu chỉ vương quyền, nó nhắc lại lời sấm chúc phúc của phù thủy Bilơam thuở xưa nói về triều đại David và về chính Đấng Mêsia. Các nhà chiêm tinh không đến viếng Chúa tay không, các ông đến để dâng lên Chúa Vàng, Nhũ hương và Mộc dược là những lễ vật quý nơi quê hương các ông. Theo các Giáo phụ, lễ vật mà các nhà chiêm tinh mang đến để dâng Chúa gồm vàng, nhủ hương và mộc dược tượng trưng cho vương quyền, Thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu. Cho hay, dân các nước -mà các vị chiêm tinh là đại diện, không chỉ đến triều bái Hài nhi Giêsu chỉ vì hiếu kỳ, nhưng còn để tuyên xưng niềm tin –cách nào đó, vào vị Cứu Tinh nhân loại.

Mừng lễ Chúa Hiển linh, phải chăng đó là dịp để mỗi người trong chúng ta một lần nữa nhận ra sự đối kháng rõ rệt giữa thái độ thờ ơ và thù nghịch của dân Dothái đối với Hài nhi và lòng tin mau mắn cách quảng đại của dân ngoại. Các thượng tế và kinh sư vốn nắm vững Kinh thánh và lời các Ngôn sứ mà không nhận ra Đấng Cứu Thế; trái lại những người ngoại đạo lại nhìn nhận dấu chỉ của Người và lên đường kiếm tìm để thờ lạy. Lên đường tìm kiếm Chúa và thờ lạy Ngài không phải là việc của một dân tộc, một màu da, một nền văn hoá mà là của toàn thể thế giới đại đồng.

Lm Joseph Phạm Ngọc Ngôn,Csjb