PDA

View Full Version : NGHIỆP QUẢ PHÁT SINH từ SÁT, ĐẠO, DÂM



Sông Xanh
01-09-2010, 01:55 PM
http://farm5.static.flickr.com/4064/4253768981_e4447c45dc.jpg

Hình Hòa thượng Tuyên Hóa. Hòa thượng Tuyên Hóa (1918-1995): Khi được Lão Hòa thượng Hư Vân truyền pháp, Ngài được ban pháp hiệu là Tuyên Hóa. Hòa thượng Tuyên Hoá được Hòa thượng Hư Vân truyền Pháp trước khi rời Trung Hoa đến Hương Cảng rồi sang Hoa Kỳ. Do đó, Hòa thượng Tuyên Hoá là tổ thứ bốn mươi lăm từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tổ thứ mười tám tại Trung Hoa, tổ thứ chín dòng thiền Quy Ngưỡng, và là Sơ Tổ tại Tây Phương.

KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH
NHƯ LAI MẬT NHƠN
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH
THỦ LĂNG NGHIÊM

TUYÊN HÓA THUỢNG NHÂN giảng thuật

(Download xuống mới đọc được)

TLN1: http://www.bodehai2.com/media/KinhThuLangNghiem/TLN1.doc
TLN2: http://www.bodehai2.com/media/KinhThuLangNghiem/TLN2.doc
TLN3: http://www.bodehai2.com/media/KinhThuLangNghiem/TLN3.doc
TLN4: http://www.bodehai2.com/media/KinhThuLangNghiem/TLN4.doc
TLN5: http://www.bodehai2.com/media/KinhThuLangNghiem/TLN5_dICH.doc
TLN6: http://www.bodehai2.com/media/KinhThuLangNghiem/TLN_6_dICH1.doc

AUDIO TLN1: Kinh Thu Lang Nghiem - HT Tuyen Hoa (http://www.lotuspro.net/MP3/Thulangnghiem-TH.htm)

Chỉ khi nào ba nghiệp sát, đạo, dâm dứt sạch trong tâm ông rồi, khi nào ông dứt trừ những nhân duyên nầy, thì ngay đó bồ-đề tâm của ông hiển bày. - Hòa Thượng Tuyên Hóa


Một phần từ TLN4:

NGHIỆP QUẢ PHÁT SINH TỪ SÁT, ĐẠO, DÂM

Kinh văn:

Do người ăn dê, dê chết hoá làm người, người chết hoá làm dê. Như thế cho đến mười loại chúng sinh, sống chết xoay vần, ăn nuốt lẫn nhau. Ác nghiệp cùng tạo ra cho đến vị lai. Loại chúng sinh nầy lấy trộm đạo và tham lam làm gốc.

Giảng giải: [Chữ in đậm là rút ra trong kinh]

Do người ăn dê. Người ta thích ăn thịt dê. Mặc dù trong kinh chỉ đề cập đến dê, nhưng nói chung là chỉ cho tất cả các loài. Heo, bò, gà... các loài vật khác đều gồm trong đó. Thế nên khi người ta ăn thịt dê, đến khi dê chết hoá làm người.

Tôi vừa kể chuyên Thiền sư Chí Công cho quý vị nghe, bây giờ kinh văn chứng minh cho điều ấy. Người chết hoá làm dê. “Tôi không tin điều ấy.” Quý vị nói, “Không có chuyện đó. Làm sao mà người lại biến thành dê và dê biến thành người?” Nếu quý vị không tin, thì chẳng còn gì để nói, chỉ còn cách thử cho biết. Khi quý vị chết, đầu thai trong bụng một con dê, quý vị mới hiểu, “Lời dạy của Pháp sư thật là đúng.” Nhưng lúc ấy đã quá trễ. Lúc ấy nếu quý vị muốn tu đạo, thì chẳng dễ dàng gì để tu khi ở trong bào thai của loài dê.

Như thế cho đến mười loại chúng sinh. “Mười loại chúng sinh” có thể được giải thích như ở mục mười hai loại chúng sinh, trừ đi hai loại sau cùng. Cũng có nghĩa là một lần đầu thai trong một loại chúng sinh, như thế tiếp tục cho đến mười loại. Thế nên có bài kệ:

Nhất thất nhân thân
Vạn kiếp nan phục.

Một khi đã mất thân người, cả vạn kiếp sau khó có thể phục hồi lại được.

Nếu quý vị mất thân người và đầu thai làm thân súc sinh, thì thật không dễ gì trở lại cõi người. Có thể phải mất một đời, cho đến mười đời, thậm chí không chắc gì có thể trở lại làm người. Thế nên có câu:

Nhân thân nan đắc.
Phật pháp nan văn.

Thân người khó được. Phật pháp khó được nghe.

Bây giờ chúng ta có được thân người. Bất luận quý vị mang quốc tịch hay chủng tộc nào, chúng ta đều là loài người. Thế nên bây giờ chúng ta có cơ duyên tốt là được làm người, chúng ta phải nhanh chóng tu đạo. Hãy nhìn nước Mỹ với hàng triệu dân. Số người thực tâm nghiên cứu Phật pháp và hàng ngày đến đây nghe giảng chung quy chỉ có chừng mười hai người tại Cựu Kim Sơn. Có lẽ còn nhiều nơi khác, nhưng không có ai nghiên cứu và thực hành nghiêm túc như ở đây. Và có bao nhiêu người ở Hoa Kỳ có thể giải thích hoàn toàn Kinh Thủ-lăng-nghiêm? Không quá hai hoặc ba người. Thế nên mới biết là khó có được cơ hội để được nghe giảng giải Phật pháp.

Sống chết xoay vần, ăn nuốt lẫn nhau. Dê chết hoá làm người, người chết hoá làm dê. Anh ăn tôi thì tôi ăn lại anh. Anh làm no bụng tôi thì đến phiên tôi làm no bụng anh. Chúng ta thay đổi chỗ cho nhau; anh ăn thịt tôi, tôi ăn thịt anh. Thế nên dê thì tròn quay và người thì bụng phệ, mãi cho đến khi có cuộc tranh luận xem thử có ai không phải ăn thịt loài khác. Mới biết không những chúng chỉ ăn nhau như thế trong một đời nầy, mà tiếp diễn trong cả chục đời. Thế nên, làm người, đừng để quá mập. Đừng tranh đua với loài dê để xem ai mập hơn. Chẳng có ai chấm điểm cho quý vị cả.

Ác nghiệp cùng tạo ra cho đến vị lai. Trận chiến vẫn tiếp tục: đời này anh ăn thịt tôi, đời sau tôi sẽ ăn thịt anh. Anh ăn tôi hai miếng. Tôi sẽ nhớ để ăn anh thành bốn mếng. Sự thích thú khiến cho mức độ tăng lên, và tiến trình nầy không bao giờ ngừng; nó kéo đến cả biên tế của đời vị lai. Cái gì là “biên tế của đời vị lai?” Có nghĩa là ngày mai. Và ngày mai của ngày mai. Ngày mai và ngày mai. Có bao nhiêu ngày mai như vậy? Đến vô cùng vô tận của vị lai. Không bao giờ dừng nghỉ. Bây giờ nó như thế nào? Có nguy hiểm không? Nếu quý vị muốn thử cho biết, thì hãy nhớ lời khuyên của tôi là chớ nên thử. Rất nguy hiểm nếu cứ đùa giỡn với nó.

Loại chúng sinh nầy lấy trộm đạo và tham lam làm gốc. Trộm là lấy vật mà người khác không cho. Chẳng hạn, khi quý vị ăn thịt dê, mà con dê không đồng ý để cho quý vị ăn thịt nó. Không như trường hợp đàn cừu ở Lộc Dã Uyển tình nguyện dâng nộp cho vua mỗi ngày một con. Chúng chọn cách như vậy, nên trong trường hợp ấy, người ăn thịt ít bị quả báo nặng nề. Nhưng nếu quý vị vô cớ bắt và giết một con cừu để ăn thịt, thì quý vị đã mang tội ăn cắp. Quý vị ăn thịt cừu, do đó, đã lấy vật mà mình không được phép lấy, thế nên con cừu nhận quả báo đầu thai làm người và quý vị đầu thai làm cừu trong đời kế tiếp. Quý vị ăn cắp mạng của cừu và bây giờ nó lại ăn cắp mạng của quý vị. Con cừu chết rồi biến thành người và sự đầu thai của nó là trường hợp của nghiệp báo, dù quý vị không nhận ra điều ấy. Thế nên toàn bộ vấn đề rất là nguy hiểm. Tôi mong rằng quý vị đệ tử của tôi đừng bao giờ đùa giỡn với nguy hiểm và đừng bao giờ có ý muốn làm thử. Chỉ kết thúc bằng thân heo thân dê mà thôi. Tôi không muốn thấy đệ tử mình bị trầm luân. Tôi chỉ muốn quý vị đều chóng thành Phật. Nên hôm nay tôi nhắc nhở quý vị, đừng thử đụng vào con đường nguy hiểm ấy!

Kinh văn:

Ông nợ mạng tôi, tôi trả nợ thân mạng cho ông. Do nhân duyên ấy, trải qua trăm ngàn kiếp thường ở trong sinh tử.

Giảng giải:

Ông nợ mạng tôi, tôi trả nợ thân mạng cho ông. Nếu ông cướp mạng sống của tôi, thì ông phải trả nợ ấy lại cho tôi; nếu tôi cướp mạng sống của ông, thì tôi cũng phải trả nợ ấy lại cho ông. Nếu ông mượn nợ của tôi thì ông phải trả; Nếu tôi mượn nợ của ông thì tôi phải trả. Do nhân duyên ấy, trải qua trăm ngàn kiếp thường ở trong sinh tử. Dù cho sau hằng triệu kiếp, chúng ta cũng không ngừng bị mắc trong vòng luân hồi sinh tử.

Kinh văn:

Ông yêu cái tâm tôi, tôi yêu hình sắc của ông. Do nhân duyên ấy, trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong vòng ràng buộc.

Giảng giải:

Ngay khi nghe đọc đoạn kinh nầy, quý vị phải nên cảm thấy sợ hãi. Hãy nghe trong kinh nói:

Ông yêu cái tâm tôi, tôi yêu hình sắc của ông.Phát khởi tình yêu chính là sự sinh khởi vô minh. “Yêu hình sắc của ông” có nghĩa là sự sinh khởi của hành trong chuỗi mười hai nhân duyên, “vô minh duyên hành.” Đây là vấn đề của đàn ông và phụ nữ. Thực vậy, trên thế giới, ngoài vấn đề nam nữ ra, thì chẳng có gì để đáng nói cả. Thế nên kinh Phật không chỉ nói về một khía cạnh, mà đề cập từ khía cạnh nầy liên quan đến khía cạnh khác. Thế nên chẳng phải là Đức Phật biện hộ cho tình yêu khi ngài nói, “Ông yêu tôi, tôi yêu ông.” Đức Phật không khuyến khích tự do yêu đương rồi bỏ quên mọi luật tắc đạo đức. Do nhân duyên ấy, trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong vòng ràng buộc. Đó chính như là quý vị bị dính chặt vào nhau và không thể nào tự mình tách rời ra được. Quý vị dính nhau quá chắc. Và quý vị nghĩ rằng mọi thứ trên đời chính là cái mà quý vị luôn luôn ham muốn. Nhưng thực tế là từ khi quý vị kẹt dính vào đó, thì không thể nào đạt được Phật quả. Vậy mà quý vị vẫn nghĩ rằng tình yêu chẳng có gì là tồi tệ, phải không? Tình yêu, tình yêu là cái gì?

Kinh văn:

Chính ba thứ sát đạo dâm là căn bản. Do nhân duyên đó, nghiệp quả tương tục.

Giảng giải:

Nghiệp quả do đâu mà có? Nó phát sinh từ ba thứ sát, đạo, dâm. Nếu quý vị giết hại, là mình đã tạo nghiệp sát. Nếu quý vị trộm cắp, đó là tạo nghiệp trộm đạo. Nếu quý vị tham đắm nữ sắc, đó là quý vị đã tạo nghiệp dâm. Ba nghiệp nầy còn gọi là ba món độc đối với cơ thể. Chính nó là cội gốc căn bản. Do nhân duyên đó, nghiệp quả tương tục. Sự tương tục của nghiệp báo nầy đã làm nên sự tương tục của chúng sinh, và từ sự tương tục của chúng sinh mà tạo nên sự tương tục của thế giới. Sự tương tục của thế giới trở lại tác động đến sự tương tục của nghiệp quả. Thế là vòng luân hồi tự nó hoàn chỉnh và khép kín. Nó chấm dứt rồi lại bắt đầu. Đó là cách mà thế giới hiện hữu và tồn tại. Nếu quý vị nghĩ rằng thế giới thực sự tốt đẹp–đầy hứng thú và tốt lành–thì hãy lao vào mà hưởng thụ. Nếu quý vị nghĩ rằng không phải như vậy, thì quý vị có khả năng về đến nhà mình. Ở đâu là nhà mình? Đó là quả vị Phật.