PDA

View Full Version : R - Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Nghèo (CN III Mùa Thường Niên - Năm C)



Dan Lee
01-22-2010, 10:46 PM
Rao Giảng Tin Mừng Cho Người Nghèo

(CN III Mùa Thường Niên - Năm C)


Cuộc sống làm người, sự thường không ai muốn nghèo. Nhiều bậc cha mẹ phải cố gắng đầu tắt mặt tối suốt ngày làm việc, mới đủ tiền nuôi sống đàn con, kiến tạo cho gia đình được ấm no hạnh phúc.

Saigon trước thời gian 30/4/1975, Đoàn Cải Lương Dạ Lý Hương có trình diễn vở tuồng “Đời là một chữ T ”, trong đó cặp đào kép nổi tiếng thời ấy là Hùng Cường- Bạch Tuyết với biệt tài khéo léo, phô diễn cho mọi người thấy: ở đời, ai cũng muốn chạy theo đồng tiền. Có tiền nẩy sinh tình cảm lăng nhăng, rồi cũng vì tiền người ta làm nhiều chuyện vô luân phi pháp, cuối cùng cuộc đời họ tàn tạ kết thúc trong vòng lao lý. Tiền, Tình, Tội, Tù …một dãy chữ T vô tình là nguyên nhân và hậu quả đau đớn cho một kiếp người.

Dù biết rằng: đồng tiền đôi lúc khiến ta làm việc phi nhân bất nghĩa, song con người cứ tiếp tục mãi mê chạy theo vật chất, quyết tâm phải giàu có để vênh vang với đời. Vì“có tiền mua tiên mới được”

“miệng nhà giàu mới có gang có thép”“bần cư chung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.

Người nghèo túng dù ở giữa nơi phố xá, không ai thèm ngó đến. Kẻ giàu sang dù ở nơi núi rừng hẻo lánh, vẫn có khách đến tìm.

Một câu chuyện vui kể lại rằng: thành phố Calcutta, Ấn Độ là nơi có nhiều người nghèo neo đơn bệnh tật. Nữ tu Têrêsa đã tiên phong đến ở giữa họ. Chị đi rảo bộ khắp thành phố, thấy người ốm đau già yếu, liền phục vụ chăm sóc giúp đỡ. Thời gian đầu, vì thiếu nhân sự phụ giúp, Chị làm việc quên ăn uống ngủ nghỉ, cơn sốt nặng đến bất ngờ. Trong cơn mê sảng, Chị thấy mình đi gặp Thánh Phêrô đang gác cửa thiên đàng. Ngài không cho Mẹ Têrêsa vào, vì người ở khu ổ chuột dơ dáy bước vào sẽ làm mất vệ sinh cổng trời. Mẹ tức giận nói với Thánh Phêrô: “Con sẽ làm mọi cách để Thiên Đàng có nhiều người nghèo khu ổ chuột hơn nữa, lúc ấy thánh nhân sẽ phải mở cửa”. Quả thật, Mẹ Têrêsa sau đó, càng ngày càng tận tâm phục vụ nhiều bệnh nhân, người già neo đơn hơn. Một số nữ tu đã thiện nguyện cộng tác với Mẹ. Dần dần, nhiều kẻ khốn cùng đã qua đời cách êm ái lành thánh trong vòng tay ôm ấp bảo bọc của Mẹ. Linh hồn họ được lên trời mỗi lúc một đông: Thánh Phêrô vui mừng mở cửa thiên đàng đón tiếp họ. ( trích Tài Liệu tổng hợp, Chị Ngọc Nga sưu tầm ).

Sinh hoạt với người nghèo, sẵn sàng phục vụ giúp đỡ họ bớt đau khổ hoạn nạn: đó là một phương thức Sống Tin Mừng mà Mẹ Têrêsa và các nữ tu Thừa sai Bác Ái đã không ngừng rao giảng. Tin Mừng ấy là tin mừng của Tình Yêu Thương. Và hôm nay, ngày Sabbat, khi vào hội đường Nazareth được mời đọc sách Thánh, Chúa Giêsu cũng mạnh dạn công bố Lời Chúa: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó…”(Is 58:6, Lc 4:18). Lời Kinh Thánh xưa, nay đã ứng nghiệm: Con Thiên Chúa từ trời đến nhập thể làm người, Ngài bắt đầu đời sống công khai “đi rao giảng Tin Mừng cho dân nghèo, thuyên chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền của họ, trả tự do cho kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân..”

A. Chúa Giêsu: con người sống đời nghèo khó, mọn hèn.

Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu có đầy đủ thuận lợi sống giàu sang, phú túc trên trời. Tuy nhiên, khi sinh xuống làm người trần thế, Ngài chấp nhận nghèo khó giữa muôn người.


1. Sinh ra trong máng cỏ Bêlem, không nhà trọ ấm áp, nằm giữa cánh đồng lạnh lẽo hoang vu.

2. Sống giản dị nghèo túng ở Nazareth, không có gì nổi danh, bị xóm làng coi thường (Mc 6:4)

3. Đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, cuộc sống càng thêm túng thiếu:

phải bứt bông lúa để ăn cho đỡ đói (Mc 3:23).
phải mượn bánh và cá của em bé, làm phép lạ hoá ra nhiều nuôi dân chúng (Ga 6:9).
phải câu cá ngoài biển, mới có đủ lệ phí nộp thuế (Mt 17:27).
phải mượn phòng kẻ khác, để Thầy Trò có chỗ ăn mừng Lễ Vượt Qua (Mc 14:15).
phải phiêu lưu đó đây, không có nơi cư trú ổn định “con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9;58).

4. Đến khi lià đời, con người Đức Giêsu Kitô cũng hoàn toàn vô sản:

chết treo trên thập giá, bị tước đoạt áo choàng, không mảnh vải che thân (Mc 15:24).
chôn trong huyệt đá, phải mượn chỗ của Giuse Arithmathia mua sẵn (Mc 15;42-46).

B. Chúa Giêsu: đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo.

Sống đời nghèo khó, Chúa Giêsu muốn chia sẻ số phận với những người “thấp cổ bé miệng”. Tin Mừng mà Ngài rao giảng, luôn được ưu tiên mang đến cho họ trước hết.


1. Tin Mừng giáng sinh: chỉ được Thiên Thần loan báo đầu tiên cho các mục đồng là những người nghèo vật chất thành Bêlem.

2. Tin Mừng rao giảng:

Chúa bôn ba khắp nơi, chữa lành nhiều bệnh nhân là những người nghèo sức khoẻ.
Ngài quy tụ và chọn lựa 12 Tông Đồ, khai sáng trong họ là những người nghèo nhận thức về mầu nhiệm Nước Trời.
Chúa phục hồi sự sống chàng thanh niên thành Naim, giúp khơi động lòng tin người mẹ goá, vốn đang nghèo niềm hy vọng về sinh mệnh qúi tử.
Ngài ra tay trừ qủy ám khỏi con gái người đàn bà ngoại giáo, chữa lành phụ nữ bị bệnh băng huyết đã mười hai năm: Chúa nâng đỡ cái nghèo neo đơn của họ, không tìm được thuốc men nào hiệu nghiệm để dứt bệnh.
Chúa ca tụng lòng mến cao độ của bà goá bỏ tiền vào đền thờ, tuy bà nghèo tiền bạc nhưng lại giàu nghĩa từ tâm, sẵn sàng cho tha nhân những gì mình có.

3. Tin Mừng mạc khải: Chính Chúa đã nhiều lần cầu nguyện cùng Cha Ngài rằng “Lạy Cha! Con ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều ấy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25). Vâng, quả thật, Chúa đến khai mạc thời hồng ân, loan báo Tin Vui cho người thấp hèn. Vì thế, khi gửi các nữ tu Thừa Sai Bác Ái đến phục vụ những anh chị em nghèo khó, Mẹ Têrêsa thường tâm sự với các soeurs:“Thiên Chúa yêu thương thế gian và sai chị em chúng ta đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Ngài đối với người nghèo”.

C. Sống Nghèo Khó giản dị: Niềm Vui và Cơ Hội đạt Nước Trời.

Với lời khấn Thanh Bần, người tu sĩ từ khước quyền sở hữu mọi của cải riêng tư, tự nguyện sống khó nghèo để được tự do hướng lòng về Chúa, làm vinh danh Chúa và cứu độ các linh hồn. Cuộc sống giản dị như thế, giúp Tu Sĩ có điều kiện dần dần nên giống Chúa: Đấng tuy giàu có nhưng đã chấp nhận thiếu thốn vì yêu mến loài người.

Thực tế, đời sống xa hoa trưởng giả dễ tạo sự cách biệt, khiến tha nhân luôn dị ứng với ta.

Thí dụ: Giới địa ốc Việt Nam gần đây xôn xao về một dự án của Thành phố Saigon chuẩn bị thiết lập Đảo Kim Cương ngay ngã ba sông Saigon và rạch Giồng Ông Tố. Họ sẽ xây dựng những biệt thự cao tầng với nhiều căn hộ tiện nghi bên trong. Giá tối thiểu mỗi căn hộ khoảng 1 triệu dollars trở lên. Với giá cả như thế, chỉ những doanh nhân, nghệ sĩ triệu phú mới ẩn mình trong vỏ ốc ấy, không bạn bè nào “thấy người sang muốn bắt quàng làm họ” được. Ngược lại, trong lịch sử Giáo Hội, có biết bao thánh nhân giàu có đã tự nguyện sống khó nghèo để nên giống Chúa Kitô. Họ chiếm hữu được vinh quang Nước Trời vào phút cuối cuộc đời họ.


1. Thánh Antôn tu rừng ( 17/01) sống vào thế kỷ III, được thừa hưởng một gia tài kếch xù do cha mẹ qua đời, lập di chúc để lại cho Ngài và em gái. Antôn đã bán hết của cải, chỉ để lại một ít cho em mình, đem phân phát cho người nghèo rồi sống đời tín thác nơi Chúa. Chính em ruột Ngài, sau đó cũng giao hết tài sản còn lại cho kẻ khó, đoạn gia nhập vào nhóm chị em đạo đức địa phương, sống ẩn dật nội tâm cầu nguyện đêm ngày.

2. Thánh Phanxicô Assisi ( 04/10 )vốn đẹp trai và giàu có, con của một thương gia nổi tiếng trong vùng. Được cha mẹ nuôi nấng ăn uống đầy đủ, chăm sóc quần áo sang trọng, song Phanxicô không lấy thế làm niềm vui. Chàng đã dâng hết tiền bạc quần áo giúp người bất hạnh, khiến cha mẹ tức giận. Phanxicô từ chối mọi đặc quyền của gia đình, vui nhận sống nghèo, kết hiệp gắn bó với Chúa, gần gũi đồng lao cộng khổ với tha nhân vạn vật. Chúa đã yêu thương cho Phanxicô được in năm dấu thánh với Ngài.

D. Lời Nguyện kết.

Lạy Chúa! Chúa luôn thúc giục mỗi người chúng con: “Hãy mau mắn lên đường, đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Xin cho đời sống chúng con luôn biết ban tặng tình yêu thương, gieo rắc sự thông cảm, phân phát lòng mộ mến với những người bất hạnh để chúng con trở thành những Chứng Tá Phúc Âm thực sự giữa lòng đời hôm nay. AMEN.

Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.