PDA

View Full Version : ĐẠO VỚI TÁNH, TÍN VÀ MÊ



gioidinhhue
02-14-2010, 07:02 AM
Tịnh Tư Ngữ
Pháp Sư Chứng Nghiêm
Thích Giải Hiền dịch
Sàigòn 2001 ; PL. 2545

PHẦN MỘT

(tiếp theo)

16. ĐỜI NGƯỜI HỮU HẠN THẾ GIỚI VÔ HẠN

ĐẠO VỚI TÁNH, TÍN VÀ MÊ

. Thế gian thì đủ thứ ngôn ngữ, văn tự, danh vọng, địa vị, đủ thứ màu sắc mê hoặc, đủ thứ hình thái kiều diễm… Vì chúng thiên hình vạn trạng, nên chẳng phải chân thật.

. Thứ gì biến động đều không phải là đạo. Nó chỉ là công cụ để ta tu đạo mà thôi. Do đó mình phải biết thủ biết xả nó; Phải khéo léo sử dụng nó mà không chấp trước mê mờ.

. Đối với người tu đạo ngữ ngôn, văn tự cũng giống như chiếc thuyền. Vì tới bờ kia nên phải khéo dùng thuyền đó. Tới bờ rồi, bỏ thuyền thì mới đạt đạo. Chớ luyến tiếc làm gì. Ngôn ngữ đạo đoạn :nghĩa là khi ở trong vòng giới hạn của nhân sinh, thì thứ gì có thể nói được viết được đều không thể diễn đạt hết được cảnh giới vô hạn. Nhất là kẻ có tâm hướng đạo, chân chính muốn thuyết pháp, muốn truyền đạo, mà dựa vào ngôn ngữ thì đạo sẽ đoạn mất. Chân đạo thì chẳng thể dựa vào ngôn ngữ, văn tự để truyền đạt.

. Không phải do nghe hay nhìn mà đắc được cái đạo chân thật. Ngoài nghe và nhìn : mình phải chân chính thực hành, tu trì. Chỉ có hành vi thiết thực, thực tiễn thì mới biểu đạt được chân đạo.

. Thói quen (tập tánh) không phải là chân tánh đâu. Từ nơi thói quen ấy ta phải thể hội, tu trì, khế hợp lấy chân tánh. Đó gọi là thần hội : dùng tinh thần để thể hội, liễu ngộ chân tánh.

. Không có hình thức thì không thể hiển thị được nội dung. Nhưng hình thức cần phải giữ trung đạo, không được quá man dã, không được rối loạn. Nhất là không thể xem nhẹ, quên mất rằng hình thức và nội dung là một.

. Nếu nói : chuyện gì cũng có (cũng tồn tại) thì ta dễ mê mờ. Nếu nói chuyện gì cũng không (chẳng hiện hữu) thì ta dễ sinh cực đoan. Nói có là chấp thường, nói không thì chấp đoạn.

. Đa số lòng người mê tín (tin mù quáng). Kẻ tin nmù quáng vào chính mình thì cho rằng khắp thiên hạ chỉ mình ta hay nhất, chỉ mình ta năng lực giỏi giang nhất. Mình cần tự tin, song không được chấp trước.

. Có người khi chưa tin Phật thì không tin có thiền đường địa ngục. Do vậy họ cứ tham lam dục vọng, hưởng thụ, làm không biết bao nhiêu việc ích kỷ, hại người. Một khi tin Phật rồi, họ lại mê muội, rằng có thiên đường, có địa ngục nên sinh lòng tham lam công đức. Cả hai thứ đều là mê.

. Hãy nuôi dưỡng dũng khí và nghị lực để đối diện với thực trạng; hãy dùng tâm hoan hỷ để tiếp nhận mọi cảnh giới. Không nên động một chút là cầu thần, coi bói. Nếu tâm mê muội thì thật khổ lắm. Khổ đến thân rồi khó tự chủ.

. Nếu chọn giữa vô tín và mê tín thì thà vô tín còn hơn mê tín. Khi tin thì tin cho có trí huệ. Khong nên "bắt gió, chụp bóng" (làm việc vô ích, vô lý, mù quáng không thực tại).

. Vì mê tín thì không bằng mê tín nên khi học Phật mình nhất định phải chuyển mê tín thành trí tuệ, rời bỏ lòng phiền não của chúng sinh, trở về lại Phật tánh thanh tịnh vô nhiễm của chính mình.

. Niềm tin có trí tuệ thì thể hội sâu xa tinh thần Phật pháp. Người mê tín thì giải thích méo mó ý đẹp của tôn giáo.

. Nếu bạn có tín ngưỡng đúng đắn thì trên con đường đời, bạn sẽ không lầm đường lạc lối. Khi quan niệm của người ta không đúng hướng thì không thể có chính nghiệp (hành động chân chính, đúng đắn). Khi quan niệm lệch lạc thì những việc làm ra rất dễ sai lầm.

. Tôn giáo chân chính hiện hữu trong tâm chính trực của mình. Tâm chính là khí thạnh (khí tức là đức hạnh), khí thạnh thì mới tự tại. Tín ngưỡng mê tín thì sinh nghi ngờ, sinh tâm tà, đầu óc đen tối, chuyên cầu thần bói toán. Khi tin vào xăm và toán số thì khó chân chính hiểu sâu giáo lý được.

. Chánh tín Phật pháp thì không nói tới cảm ứng, không nói tới thần thông. Tâm chính là Phật.



17. THẤM NHUẦN TRONG CỘI NGUỒN CỦA NHÂN TÍNH

TU DƯỠNG, TU HÀNH VÀ THIỀN

. Cái đẹp toàn diện kết tập vào sự tu dưỡng của mỗi cá nhân.

. Khí chất tu dưỡng của một người được biểu hiện trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi. Khi đi thì có phong độ của đi. Khi ngồi thì có hình thái của ngồi. Khi nằm cũng có tư thái của nằm.

. Có người thường bực bội rằng mình không đẹp, không có duyên. Kỳ thật có duyên với người không phải là do sắc đẹp, mà là do khí chất của mình. Khí chất thì tu dưỡng hun đúc mà thành.

. Lui một bước, nhường nhịn một chút để thánh tựu kẻ khác : đó tức là tu dưỡng, tu hành.

. người ta thường ngộ nhận rằng tu hành là hai chữ chỉ dành cho người xuất gia. Kỳ thật tu hành được biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày là sự tu dưỡng trong sinh hoạt mà mỗi người đều cần làm. Tu nghĩa là tu tâm dưỡng tánh. Hành nghĩa là hành vi đàng hoàng, đoan chính.

. Trọng điểm của tu hành là tu ở trong tâm, biểu hiện đức độ ra bên ngoài. Chẳng ai thấy cho thấu chuyện trong tâm bạn. Duy chỉ có sự biểu hiện bên ngoài, đàng hoàng đạo đức, mới hiển thị được sự thanh tịnh ở bên trong.

. Tu hành là do nơi mình : dựa vào sự tinh tấn của chính mình để khai mở giác tánh sáng suốt. Chớ nên hy vọng rằng không tu mà đắc quả.

. Tu hành nào phải đàm luận triết lý cao siêu, nói những quan niệm sâu sắc trìu tượng. Tu hành là sự hiểu biết rất gần gũi, rất bình thường về tánh bản nhiên của lòng người.

. Còn sống mà vãng sinh, nghĩa là Tịnh Độ ngay tại đây chính trong giờ phút này. (Đối với tôn giáo, chết là bắt đầu cuộc sống mới. Vãng sinh ở đây có nghĩa là xả bỏ cái cũ đổi lấy cái mới, đi tới chỗ tốt đẹp hơn).

. Tu hành không phải chờ tới trút hơi thở cuối cùng, rồi mới vãng sinh cõi Tây phương; mà là vãng sinh ngay tại lúc sống. Tức là hoán đổi (lòng phiền não, tạp nhiễm, ích kỷ) thành lòng từ bi thanh tịnh.

. Người lập chí tu hành có hai hạng : Một hạng vì cuộc sống khốn khổ bức bách nên tu để cầu giải thoát. Một hạng người khác do nhận thức được bản ngã nên đi tu. Đối với hạng người thứ hai thì những kinh nghiệm, khó khăn thử thách trong đời chỉ làm họ thêm kiên định tín ngưỡng và ý chí tu hành.

. Người bệnh xem vị thầy thuốc như Phật sống, xem các vị y tá là Bồ Tát Quan Âm, là Bạch y Đại Sĩ. Do vậy bệnh viện phải được xem như là đạo tràng tu hành của chư đại Bồ Tát.

. Tu hành Bồ Tát đạo ta cần tận lực tu Tứ nhiếp pháp : Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

· Bố thí: Cho thì có phước hơn là nhận. Muốn làm Bồ tát, mình phải cống hiến sức lực mà không đòi hỏi gì cả. Hãy đem tâm lực, sức lực, tài lực, vật lực…ra vui vẻ xả thí thì nhân sinh mới có hạnh phúc an lạc.

· Ái ngữ : Nói năng nhỏ nhẹ nhu hòa, vui vẻ, khiến người nghe an ủi, vui lây; khiến người nhìn thấy cũng yêu kính. Nếu biết thành khẩn, tu dưỡng lời nói thì bạn có thể quét đi phiền não trong lòng người, giải trừ sự rối rắm phiền muộn. Lời lành có thể hóa giải chiến tranh thành hòa bình, biến chỗ hung bạo thành cát tường.

· Lợi hành : Nghĩa là thân khẩu ý nhiếp trì hạnh tốt, từ bi tế độ lợi ích chúng sinh. Đó tức là công đức vô thượng.

· Đồng sự : Đối tượng của Bồ tát là các chúng sinh đau khổ. Khi thân ở trong vòng Ta bà khổ nạn, mình nên tịnh hóa thân tâm, tự làm gương để cảm hóa những kẻ xung quanh, những kẻ cộng sự; khuyến khích mọi người cùng ra sức tu đạo Bồ tát.

. Nhiều người thường hiểu lầm rằng : ngồi thiền mới là thiền. Kỳ thật mục đích ngồi thiền hay tu thiền là để tâm thanh tịnh, ý chân thành, khí an tĩnh. Thiền, là sự yên tĩnh và chân thành- chúng không thể rời nhau.

. Tĩnh tọa là để điều thân, điều tâm, điều khí. Điều hòa thân tâm cho nhất như, động tĩnh đều như nhau.

. Dụng ý của việc tĩnh tọa thâm tu là : tụ tinh, ngưng thần, súc tinh, dưỡng trí. Khi ấy bạn phải quán sát tự tánh bên trong, phản tĩnh việc sai lầm trong quá khứ, cẩn thận suy nghĩ việc hiện tại, thận trọng việc tương lai. Cũng có nghĩa là chỉ ác : đừng làm chuyện xấu; trì thiện : làm mọi việc lành. Tĩnh tọa ý không ra ngoài mấy điểm trên. Làm như trên thì gọi là tu hành.

. Nếu trong mọi cử chỉ ngôn hạnh, bạn có thể hợp nhất tinh thần, tâm niệm nhất chí thì đó là thiền định.

. Thiền định trong Phật giáo chân chính gọi là tam muội ; ý nghĩa là chánh định. Định thì do sự tôi luyện trong sinh hoạt hàng ngày mà thành. Đó là một trong những phương pháp tu tập.

. Thiền chân chính tức là trong sinh hoạt hàng ngày mình không khởi phiền não, vọng tưởng, luôn tập trung tinh thần, nhất tâm bất loạn. Chuyên chú vào tư tưởng và hành vi để cho tâm luôn trụ vào một chỗ.

. Người biết lợi dụng thời giờ thì lúc nào cũng là cơ duyên tu trì thiền định. Bất kể là ở trong hoàn cảnh nào, đối diện với người nào cũng là lúc tu thiền cả.

. Học Phật pháp thì phải học Phật pháp sống. Ngồi thiền thì phải học ngồi thiền sống. Mọi cử chỉ động tác trong sinh hoạt hàng ngày đều ở trong thiền. Thiền như vậy mới là thiền sống.

http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/tinh_tu_ngu4.htm

http://img.tamtay.vn/files/photo2/2010/2/14/20/303898/4b77fd52_1bacaa92_bodhisatta.jpg

gioidinhhue
02-14-2010, 07:09 AM
18. THUYẾT PHÁP KHÔNG LỜI

CẤT BƯỚC HƯỚNG VỀ ĐƯỜNG HỌC PHẬT

. Cống hiến mà chẳng mong cầu gì cả, vì tất cả chúng sinh mà mình tu dưỡng ngôn ngữ hành động : đó chính là học Phật.

. Phật dạy ta không phải chỉ có biết làm sao liễu sinh thoát tử mà thôi, Ngài còn dạy ta làm sao biết tha thứ, không sinh lòng tính toán hơn thiệt ích kỷ.

. Khi học Phật pháp, mình cần tu dưỡng tới chỗ rằng bất luận chuyện gì xảy ra (nghịch cảnh tới thân mình), trong lòng không nên có gì mặc cảm (nghĩ rằng mình làm đúng, sao họ nói mình sai; sao bất công thế…).

. Nếu trước tiên mình không nuôi dưỡng lòng yêu thương và tánh nhẫn nại thì khó thành tựu được việc học Phật.

. Dù có học Phật pháp hay không, ai ai cũng phải học làm người tốt.

. Lạy Phật, tin Phật không phải tin lạy một tượng gỗ mà là tin vào nhân cách đạo đức của Phật. Rồi phản quang tự tánh tin rằng mình và Phật có cùng nghị lực, rằng ai ai cũng có tánh Phật. Chỉ cần chịu dụng tâm tu hành thì ai ai cũng có thể phát huy bản tính chân như.

. Khi học Phật, mình phải thông đạt đạo lý vô thường. Hiểu thấu lý này thì mình mới làm chủ được vận mạng, đi đứng tự tại, hướng về cảnh giới quang minh sáng lạng.

. Đời người thật vô thường. Vật gì cũng trải qua bốn giai đoạn : sinh thành, an trụ hư hoại và diệt mất. Tâm thái tư tưởng cũng trải qua bốn giai đoạn : sinh ra, an trụ, biến đổi và diệt mất. Sinh vật cũng phát triển qua bốn giai đoạn : sinh ra, già đi, bệnh hoạn, rồi chết. Nếu thể hội đạo lý bên trong quan hệ giữa mình và người, bạn sẽ không ích kỷ tính toán gì cả. Một khi bạn không tính toán hơn thiệt trong vòng nhân ngã, thị phi thì tự nhiên sẽ chuyên tâm vào đạo. Bạn sẽ không để những chuyện phiền toái của đời lay chuyển tâm niệm tu hành.

. Không cần phải nghe thật nhiều giáo pháp. Nếu bạn tận tâm hết lòng tu trì thực hành theo một câu kinh kệ thì đó là pháp chân thật, là cách nuôi lớn thiện căn chân chính rồi đó.

. Học Phật pháp cần học cho tới chỗ tâm luôn an tĩnh, ý luôn vi tế quan sát. Được vậy thì trong thiên hạ, mỗi cọng cỏ, mỗi cành cây, hoa lá đều là hình tượng của Như Lai.

. Học Phật pháp cần học ba tâm : trực tâm, thâm tâm, và đại bi tâm.

. Trước khi học Phật pháp, sinh mạng giống như trang giấy trắng đầy dẫy những nét loạn xạ quay cuồng dục vọng. Sau khi học Phật pháp, sinh mạng như trang giấy trắng chỉ viết toàn chữ. Bạn hãy viết lên những hàng chữ ngay ngắn đẹp đẽ để người khác đọc.

. Trên thế giới, bất kỳ lú㠮ào việc gì cũng là bài thuyết pháp để mình nghe. Bài pháp như vậy thì vô thanh, không lời. Nhiều khi pháp không lời thì thành thâm sâu hơn pháp có lời nhiều lắm.

. Pháp như nước, dù là nước sông, nước suối đều có thể tẩy sạch ô nhiễm của chúng sinh. Pháp cũng như thuốc : Thuốc không phân biệt thuốc mắc, thuốc rẻ, hễ trị được bệnh thì là thuốc tốt. Tâm hoan hỷ vui vẻ là liều thuốc hay.

. Thuốc : Nếu chúng sinh cần dùng, thì cây cỏ rễ lá trong khắp núi non đồng dã đều là thuốc. Nếu chúng sinh không cần tới, vật gì dù trân quý tới đâu cũng chẳng phải thuốc. Phật pháp cũng tương tự. Kinh điển không có thâm sâu hay nông cạn, cao thấp hay lớn nhỏ. Nếu chúng sinh biết hấp thụ và ứng dụng Phật pháp thì nó sẽ là đại pháp vi diệu nhiệm màu.

http://www.buddhismtoday.com/viet/khac/tinh_tu_ngu4.htm

http://img.tamtay.vn/files/photo2/2010/2/14/20/303898/4b77fd55_62b2934e_guanyinpusa1.jpg