PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật I Mùa Chay (Chủ Ðề: Vào sa mạc )



Dan Lee
02-15-2010, 11:18 PM
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Chủ Ðề: Vào sa mạc

"Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ" (Lc 4,2)

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Ai trong chúng ta cũng đều gặp những lúc gian nan khổ sở. Những lúc ấy chúng ta bị cám dỗ bỏ Chúa để tìm những nơi nương tựa khác. Ngày xưa dân Israel và chính Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ như vậy. Nhưng Israel thì đã sa ngã, còn Chúa Giêsu thì chiến thắng cám dỗ. Tại sao?

Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta lời giải đáp.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta đừng noi gương dân Israel xưa, nhưng biết noi gương Chúa Giêsu.
II. Gợi ý sám hối

Chúng ta cứ sa đi ngã lại mãi trong tội. Phải chăng vì chúng ta chưa thực lòng sám hối?
Chúng ta có biết rằng phạm tội là để mình bị trói buộc trong xiềng xích của Satan không?
Chúng ta có ý thức rằng phạm tội là phụ bạc với tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết vì tội chúng ta không?

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I: Đnl 26,4-10

Môsê dạy cho dân Do Thái biết phải có tâm tình gì khi họ dâng của đầu mùa lên Thiên Chúa: đó là tâm tình biết ơn.

Nhìn lại lịch sử, ban đầu tổ tiên họ chỉ là những kẻ phiêu bạt tứ cố vô thân sống nhờ đất Ai cập, làm nô lệ rất khổ sở cho dân Ai cập; Chúa đã thương giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ ấy và đưa họ vào Đất hứa, một mảnh đất chảy sữa và mật, nhờ đó mà họ mới có cuộc sống sung túc. Vì thế, hàng năm họ phải biết ơn Ngài và lấy một phần hoa lợi của mình dâng lên Ngài.

2. Đáp ca: Tv 90

Đây là bài ca biểu lộ lòng cậy trông phó thác vào Thiên Chúa: Những ai biết nương tựa Đấng Tối Cao thì sẽ được Ngài che chở an toàn trong mọi tình huống.

3. Tin Mừng: Lc 4,1-13

Thánh Luca trình bày Chúa Giêsu như dân Israel mới. Vì thế, muốn hiểu hết ý đoạn Tin Mừng này, chúng ta phải nhớ lại giai đoạn Israel ở trong sa mạc (và như thế, đoạn Tin Mừng được coi như nối tiếp bài đọc I): sau khi dân Israel được Thiên Chúa cứu khỏi kiếp nô lệ Ai cập, họ đã đi trong sa mạc trong một thời gian dài và đã gặp nhiều cám dỗ:


a/ cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn;
b/ cám dỗ thờ tượng con bê vàng;
c/ cám dỗ thử thách Thiên Chúa.

Vì không nhớ tình thương của Chúa (như Bài đọc I khuyên) và không biết phó thác nơi Thiên Chúa, họ đã sa ngã trong tất cả các cám dỗ ấy.

Chúa Giêsu chính là Israel mới: Ngài cũng sống trong sa mạc một thời gian dài (40 ngày), cũng bị những loại cám dỗ như dân Israel ngày xưa, nhưng Ngài đã chiến thắng tất cả. Đó là nhờ Ngài luôn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa.

4. Bài đọc II: Rm 10,8-13

Thánh Phaolô lặp lại điều mà Tv 90 (Đáp ca) tuyên xưng: "Mọi kẻ tin vào Ngài sẽ không thất vọng... Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát".



1. Định hướng Mùa Chay

Thời trước người ta sống Mùa Chay rất nhiệm nhặt: ăn chay kiêng thịt tất cả mọi ngày Thứ Sáu, hy sinh hãm mình rất nhiều trong suốt "mùa chay cả", từ bỏ tất cả mọi cuộc vui chơi v.v. Thời nay, hầu hết những điều trên đã được huỷ bỏ hoặc giảm nhẹ tới mức tối thiểu. Phải chăng Giáo Hội đang suy đồi?

Thực ra, căn bản vấn đề là ý thức. Nếu không ý thức ý nghĩa sâu xa thì cho dù tuân thủ rất nhiều hình thức nhiệm nhặt bên ngoài thì cũng vô ích. Các bài đọc hôm nay giúp chúng ta ý thức về ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống người tín hữu:

Ý thức rằng tất cả mọi sự chúng ta đang hưởng đều là do Chúa ban, như lời Môsê nói với dân Israel trong bài đọc I "Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật. Và giờ đây, Lạy Chúa, này con xin dâng sản phẩm đầu mùa của đất đai mà Ngài đã ban cho con".
Ý thức về sự che chở hữu hiệu của Thiên Chúa đối với những ai biết tin tưởng nương tựa vào Ngài (Đáp ca: "Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được phù trì")
Ý thức rằng điều quan trọng nhất trong đời không phải là cơm bánh mà là Lời Chúa (Bài Tin Mừng)

Nếu chúng ta thực sự ý thức những điều trên thì chúng ta sẽ không ngại thực hiện những việc ăn chay, kiêng thịt, hy sinh hãm mình, cầu nguyện và chiến đấu với các cám dỗ.

2. Những cám dỗ trong đời

Chuyện dân Israel bị cám dỗ 40 năm và chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ 40 ngày xem ra chỉ là chuyện đời xưa, chẳng liên can gì đến chúng ta ngày nay. Thực ra ngày nay chúng ta cũng gặp những cám dỗ ấy, nhưng dưới những hình thức khác thôi:


Phải chăng chúng ta cũng bận tâm quá đáng đến việc ăn uống, sinh nhai?
Phải chăng chúng ta rất ham vinh hoa địa vị ở đời?
Phải chăng chúng ta không nỗ lực với hết khả năng mình mà cứ đòi Thiên Chúa làm phép lạ giúp mình?

3. Vào sa mạc

Vào sa mạc là việc cần thiết đầu tiên phải làm trong Mùa Chay. Bởi đó bài Tin Mừng Chúa Nhựt I Mùa Chay năm nào cũng nói về việc Chúa Giêsu vào sa mạc (Năm A: Mc; B: Mt; C: Lc).

a/ Ý nghĩa của sa mạc


Sa mạc là nơi a/ hoang vắng; b/ tĩnh lặng
Hoang vắng và tĩnh lặng thì buồn và chán. Tuy nhiên hoang vắng và tĩnh lặng lại sinh ra nhiều hiệu quả tốt:
Cảm nghiệm của những người đã từng ở sa mạc: thấy vũ trụ bao la và đẹp tuyệt vời (nhất là những lúc mặt trời mọc và lặn); thấy được quyền năng Thiên Chúa; thấy được con người thực của mình; cũng cảm được tình đồng loại tha thiết (rất hiếu khách khi thỉnh thoảng tình cờ gặp được một người giữa sa mạc)
Bởi thế Thiên Chúa thích đưa người ta vào sa mạc: Bài đọc I: Thiên Chúa để cho dân Do Thái ở sa mạc 40 năm sa mạc để họ cảm nghiệm tình thương của Ngài, đồng thời để thử thách xem họ có trung thành với tình thương ấy hay không; Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu vào sa mạc 40 ngày để cầu nguyện và cũng chịu thử thách.

b/ Trong Mùa Chay chúng ta cũng vào sa mạc. Nhưng vào sa mạc để làm gì?

Mùa chay, một thời gian cầu nguyện: Theo bố cục của Tin Mừng Lc, trước khi đi rao giảng, Chúa Giêsu đã vào ở trong sa mạc và lưu lại đó 40 đêm ngày. Để làm chi? Không phải chỉ để ăn chay, mà còn làm một việc quan trọng hơn nhiều, đó là cầu nguyện xem Ngài sẽ thi hành sứ mạng Messia như thế nào.
Ngày nay chúng ta cũng có 40 ngày Mùa Chay, để noi gương Chúa Giêsu mà cầu nguyện.
Thực ra chúng ta phải cầu nguyện luôn. Nhưng thỉnh thoảng cần có một thời gian để cầu nguyện chuyên cần và sốt sắng hơn. Đó chính là thời gian này.
Mùa Chay, một thời gian chiến đấu: Chúa Giêsu sống trong sa mạc 40 ngày chiến đấu với những cơn cám dỗ của Satan.
Thực ra ma quỷ luôn cám dỗ chúng ta (1 Pr 5,8: "Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mối để cắn xé"). Bình thường chúng ta không để ý cho nên dễ bị sa cám dỗ. Trong Mùa Chay, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, tích cực chiến đấu với những khuynh hướng xấu, những thói quen tội lỗi và những cám dỗ.

4. Cú nhẩy ngoạn mục

Vua nước Thục có tính tham lam. Vua Huệ Vương nước Tần muốn xâm chiếm nước Thục nhưng vì khe núi hiểm trở, không thể đem quân sang đánh. Huệ Vương sai lấy đá tạc hình con trâu để gần địa giới nước Thục, mỗi ngày bỏ vàng sau đuôi con trâu và phao tin đồn rằng: "Trâu đãi ra vàng".

Tiếng đồn ấy đến tai vua Thục. Ông liền sai xẻ núi lấp khe và cho năm người lực sĩ vào rừng kéo con trâu về.

Huệ Vương sẵn lối đi, đem quân tiến đến cướp được nước Thục. Vua Thục vừa mất nước, vừa hại cả mình, để lại trò cười cho thiên hạ. Thế chẳng phải là tham chút lợi nhỏ mà để thiệt mất cái lợi to ư?


*

Vua Thục vì tham vàng mà mất nước, và số vàng kia cũng lọt vào tay quân thù. Thiên hạ cười chê ông dại khờ. Nhưng thật ra thì ai cũng đã hơn một lần khờ dại như ông. Ai cũng đã không ít lần bị cám dỗ giống ông, nếu không phải là vàng thì cũng là của cải, sắc dục, danh vọng, quyền uy.

Bị cám dỗ là thân phận của con người. Chúa Giêsu đã từng bị cám dỗ, vì Người muốn chia sẻ trọn vẹn kiếp người, Người muốn nên đồng số phận với con người, và Người đã thắng cơn cám dỗ để nêu gương cho con người.

Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ về cái đói. Cơn cám dỗ về Manna (Xh 16) mà dân Chúa đã bị thử thách trong hoang địa: Đó cũng là thử thách từng ngày của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta chỉ tìm thoả mãn những khao khát của thể xác, những nỗi thèm thuồng vật chất đang cào cấu trong ta, thì chúng ta đã thất bại ngay trong cơn cám dỗ đầu tiên. "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh" (Lc 4,4). Vâng, con người còn có những giá trị cao quí khác cần phát huy, đừng hạ thấp mình xuống mức độ sơ đẳng nhất của: cơm, áo, gạo, tiền.

Cám dỗ thứ hai là cám dỗ về quyền hành thế gian. Cám dỗ thờ ngẫu tượng, bò vàng (Xh 32,42) của dân Ítraen nơi hoang địa. Không chỉ hôm nay mà rất nhiều lần trong cuộc đời, Đức Gìêsu đã bị cám dỗ này tấn công. Dân chúng luôn kéo Người vào cơn cám dỗ trở nên một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, một vị vua trần gian đầy quyền lực vinh quang. Nhưng Người đã nhất mực khước từ. Người muốn trở nên "tôi tớ" của Thiên Chúa (Ga 13,1-20). Cơn cám dỗ về quyền hành cũng là cơn cám dỗ của tất cả mọi người. Ai trong chúng ta cũng muốn thống trị kẻ khác, muốn áp đặt ý kiến của mình trên anh em.

Đây cũng là cơn cám dỗ về sự nghi ngờ Thiên Chúa. Vì Người thường hay vắng mặt, nên chúng ta dễ chạy theo những vị thần giả hiệu, chúng có tên là của cải, sắc đẹp, kiến thức, tài năng... Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta lời Kinh Thánh: "Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người" (Lc 4,8).

Cám dỗ thứ ba là cám dỗ đòi kiểm chứng, đòi xem những dấu lạ điềm thiêng (Xh 17), đòi thấy những cú nhảy đẹp mắt, những pha ngoạn mục: Đó là cơn cám dỗ trên nóc đền thờ Giêrusalem. Cũng chính nơi đây, Chúa Giêsu sẽ chịu một cơn thử thách hết sức nặng nề: đó là cơn cám dỗ muốn thoát cái chết. "Nếu có thể được xin tha cho con khỏi uống chén này" (Lc 22,42). Dường như Chúa Cha "đã bỏ rơi" Người. Cuối cùng thì Chúa Giêsu đã không dùng quyền năng của mình để trốn tránh thân phận con người phải chết. Người đã từ chối nhảy một cú đẹp mắt, cũng không xuống khỏi thập giá một cách ngoạn mục. Người tin tưởng vào tình yêu của Cha, Người tuyệt đối trung thành và trọn vẹn vâng theo ý Cha.

Chúa Giêsu đã chiến đấu với các cơn cám dỗ và Người đã hoàn toàn chiến thắng, để nêu gương cho chúng ta trong những cơn thử thách. Cám dỗ nào cũng ngọt ngào hấp dẫn, thử thách nào cũng đòi phải chọn lựa. Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra cái đắng đót chua cay trong cái vỏ ngọt ngào hấp dẫn đó không! Chúng ta có dám chọn theo Chúa hơn là theo ma quỉ? Chọn yêu anh em hơn là yêu chính mình? Chọn điều thiện hơn là cái ác?


*

Lạy Chúa, chúng con sẽ trưởng thành hơn sau mỗi lần chiến thắng, sẽ kinh nghiệm nhiều hơn sau mỗi cơn thử thách. Nhưng xin Chúa đừng để chúng con thất vọng sau mỗi lần vấp ngã, đừng bao giờ để chúng con bỏ cuộc sau những lần thất bại.

Xin cho chúng con luôn tin tưởng chỗi dậy tiếp tục chiến đấu cho dù phải hy minh mạng sống, vì chính Chúa Giêsu đã sẵn lòng chịu chết để trung tín với Chúa Cha.

Xin ban thêm sức mạnh để chúng con chiến thắng các cơn cám dỗ nhờ ăn chay và cầu nguyện. Amen. (TP)

5. Cám dỗ của Chúa Giêsu và của chúng ta

Một cuốn phim đã gây xôn xao dư luận một thời, nhất là vào năm 1989, đó là phim "Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa" (The last temptation of Christ, phỏng theo quyển tiểu thuyết cùng tên, của nhà văn Hy lạp Nikos Kazantzakis). Cuốn phim (và quyển tiểu thuyết) mô tả lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thánh giá. Ngài đã ngất đi và thấy mình rời khỏi thánh giá, rời bỏ sứ mạng cứu thế để sống một cuộc sống bình thường. Ngài đi tìm lại nàng Mađalêna, cưới nàng làm vợ. Sau đó lại tìm đến với hai chị em Matta và Maria ở làng Bêtania và cũng cưới luôn hai chị em này làm vợ. Ngài có rất nhiều con và sống rất hạnh phúc...

Báo chí và các đài phát thanh đưa tin rằng khi cuốn phim được trình bày chiếu lần đấu, những người có đạo đã đập phá rạp chiếu bóng tan tành, đến nỗi lần chiếu sau phải chiếu ở một rạp đặc biệt cô lập bởi chung quanh toàn là nước để khỏi bị đập phá lần nữa. Nếu tác giả mà viết như thế về Hồi giáo thì chắc chắn ông cũng sẽ bị mang cùng một số phận với Salman Ruside, người đã bị giáo chủ Hồi giáo Khômêni kêu gọi tất cả mọi tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới hễ gặp mặt tác giả là có bổn phận phải giết ngay, lý do là Salman Rusdie đã viết một quyển sách có những điều bị cho là xúc phạm đến Hồi giáo, quyển sách mang tựa đề "Những vần thơ ác quỷ" (the satanic verses).

Thực ra, nếu chúng ta được đọc quyển "Cám dỗ cuối cùng của Chúa" của Nikos Kazantzakis, thì chúng ta sẽ thấy chẳng có gì xúc phạm cả. Tuy tác giả có nói Chúa Giêsu rời thập giá và cưới 3 người vợ, có nhiều con, nhưng đó chỉ là một cơn cám dỗ của Chúa thôi. Cuối cùng Chúa đã lắc đầu không theo cám dỗ đó. Ngài tỉnh dậy vẫn thấy mình đang bị treo trên thánh giá, và Ngài hô lên một tiếng kêu chiến thắng "Thế là đã hoàn tất", rồi Ngài tắt thở. Trong đoạn mở đầu, Nikos Kazantzakis cũng nói rõ quan điểm của ông khi viết quyển truyện này: Ông tin Chúa Giêsu vừa là Chúa vừa là người, và ông muốn nhìn Ngài dưới khía cạnh người. Ông muốn tưởng tượng những cám dỗ và những chiến đấu vô cùng ác liệt mà con người Giêsu đã phải đương đầu, và đã anh dũng chiến thắng như thế nào, để càng thấy rõ Chúa Giêsu là mẫu mực cho con người chúng ta hơn, để càng cảm phục Ngài hơn, và để con người chúng ta can đảm hơn trong khi chiến đấu với những cơn cám dỗ của chúng ta. Ông đã tâm sự rằng "Trong khi viết... tôi đã cảm động đến phát khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy máu của Chúa rơi từng giọt vào tim tôi với sự ngọt ngào như vậy, với nỗi đớn đau như vậy".

Chúa Giêsu cũng là người như chúng ta. Mà hễ là người thì phải có tự do. Mà tự do nghĩa là có quyền lựa chọn. Mà đã nói lựa chọn thì tức là có thể chọn đúng và có thể chọn sai. Chính ở kẻ hở này mà cám dỗ len vào, nó xúi giục ta bỏ cái tốt để chọn cái xấu. Ai mà chọn cái xấu tức là sa ngã đầu hàng cám dỗ, còn ai vẫn cương quyết chọn cái tốt tức là kẻ chiến thắng, khi đó cám dỗ chẳng những không làm hại gì được người đó mà càng làm cho người đó thêm công nghiệp.

Chúa chịu cám dỗ vì chúng ta: Trước hết, Ngài chịu cám dỗ để nhắc chúng ta nhớ rằng chung quanh chúng ta và chính trong bản thân chúng ta luôn đầy dẫy cám dỗ, vì thế chúng ta cần phải đề cao cảnh giác; Thứ hai, Chúa chịu cám dỗ và đã chiến thắng cám dỗ để làm gương cho chúng ta noi theo khi chúng ta phải đương đầu với những cám dỗ của chúng ta: Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta chỉ có thể thắng được cám dỗ nếu chúng ta không cậy dựa vào sự khôn ngoan của chúng ta, mà biết cậy dựa vào sự khôn ngoan của Lời Chúa; chúng ta chỉ thắng cám dỗ nếu chúng ta không chìu theo ý muốn riêng của mình mà luôn tìm làm theo ý muốn của Thiên Chúa.

6. Biết mình

Một Rabbi nổi tiếng kia muốn tìm hiểu tâm tư con người nên làm một thí nghiệm như sau. Ông gọi ba người tình cờ đi ngang qua và đặt cho họ một câu hỏi: "Giả như bạn lượm được một túi đầy vàng thì bạn sẽ làm sao?"

Người thứ nhất đáp: "Tôi sẽ trả lại cho người đánh rơi nó". Vị Rabbi nhận định: "Đồ ngốc!"

Người thứ hai đáp: "Tôi sẽ giữ lấy mà xài. Dại gì mà không xài của quý từ trời rơi xuống như thế". Rabbi kết: "Đồ khùng!".

Người thứ ba: "Tôi cũng chẳng biết tôi sẽ làm sao nữa, bởi vì nếu khi đó tôi không chống lại nổi cám dỗ của ma quỷ trong tôi thì sao? Tuy nhiên nếu khi đó có ơn Chúa khuyến khích thì tôi sẽ trả lại túi vàng cho người đánh mất". Rabbi khen: "Tuyệt lắm. Bạn mới thật là người khôn ngoan".

Tại sao vị Rabbi nói người thứ nhất là ngốc? Vì người này hoàn toàn không biết chính mình khi tưởng rằng mình đủ vững mạnh chiến thắng cám dỗ tham tiền. Chẳng ai đủ mạnh để không bị sa ngã bao giờ. Người ta không sa ngã vì người ta yếu đâu, mà sa ngã vì mình yếu mà tưởng mình mạnh.

Tại sao vị Rabbi nói người thứ hai là khùng? Vì người này chẳng cần biết đến lương tâm gì cả, vừa thấy tiền là không chút áy náy tính chiếm đoạt luôn. Đối với hạng người như thế, cám dỗ không phải là một mối nguy mà là một cơ hội để tìm tư lợi trên chính sự thiệt thòi của người khác.

Và tại sao vị Rabbi khen người thứ ba là khôn ngoan thật? Vì người này biết mình. Anh biết mình cũng yếu đuối như mọi người khác. Anh hy vọng mình sẽ chiến thắng cám dỗ tham lam. Nhưng anh ý thức rằng điều này sẽ rất khó nếu không được ơn Chúa giúp. (FM)

7. Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh

Chắc nhiều người trong chúng ta, nhất là các người trẻ, biết tên Chàng Ca Sĩ nổi tiếng thế giới Elvis Presley.

Chàng rất giàu: một mình có 8 chiếc xe hơi, 6 xe gắn máy, 2 máy bay, 16 máy truyền hình, một ngôi biệt thự rất rộng và nhiều tài khoản ngân hàng. Trên tất cả những thứ đó, chàng còn có, còn có biết bao đạo quân những người hâm mô coi chàng là thần tượng.

Thế nhưng Elvis Presley không cảm thấy hạnh phúc. Có lần chàng thú nhận: "Càng nhiều tiền thì càng nhức đầu". Mẹ chàng thì không mong gì hơn là con trai mình có giờ về thăm gia đình. Nhưng mong ước đơn giản như thế mà cũng không được.

Elvis Presley là một bằng chứng cho lời Chúa Giêsu nói: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh".

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mùa chay thánh này để thanh tẩy tâm hồn mà đón mừng đại lễ Vượt qua. Tin tưởng vào ơn trợ giúp của Chúa, chúng ta cùng khiêm tốn nguyện xin:


1. Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết dùng mọi phương thế thích hợp / để giúp người tín hữu học hỏi và sống lời Chúa.

2. Tranh giành quyền lực gây ra biết bao thảm họa cho con người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người / biết lấy tinh thần bao dung mà đối xử với nhau.

3. Ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa sẽ không phải thất vọng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết luôn tin tưởng vào tình thương / quyền năng / và sự quan phòng kỳ diệu của Chúa.

4. Mùa Chay thánh nhắc nhở chúng ta hãm mình ép xác / để thông phần vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng sống trọn vẹn tinh thần khắc khổ của mùa Chay.

Chủ tế: Lạy Chúa, mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng con đổi mới đời sống. Xin Chúa cho chúng con là những kẻ tội lỗi, biết thành tâm sám hối vì những lỗi lầm đã phạm, đồng thời tích cực làm nhiều việc lành phúc đức để xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Chúng con cầu xin

VI. Trong Thánh lễ


- Trước kinh Lạy Cha: Hôm nay khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt chú ý tới lời cầu xin cuối cùng, thể hiện ước muốn của chúng ta trong Mùa Chay này: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ".

- Sau kinh Lạy Cha: "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giúp chúng con chiến đấu và chiến thắng mọi cám dỗ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an...

VII. Giải tán

Chúng ta đã bắt đầu Mùa Chay. Đây là lúc thuận tiện để chúng ta sám hối và sống theo Tin Mừng. Và cũng vì thế cho nên đây cũng là thời gian cứu độ. Chúng ta hãy sống thời gian này một cách hết sức quảng đại. Chúc anh chị em được bình an.

Lm. Carolô Hồ Bạc Xái