PDA

View Full Version : M - Mùa Chay Năm Thánh 2010 - Cám Dỗ và Phạm Tội



Dan Lee
02-19-2010, 12:43 AM
Mùa Chay Năm Thánh 2010 - Cám Dỗ và Phạm Tội


Thưa quý cha, ông bà và anh chị em: Trong Mùa Chay Năm Thánh 2010, con xin gởi 6 bài suy niệm ngắn. Mỗi tuần một bài: Cám Dỗ, Cầu Nguyện, Sám Hối, Hòa Giải, Trở Về và Bác Ái.

Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn."(Mt. 26:41)

Truyện kể vào một đêm nọ, có một nhóm cướp đã đột nhập vào một tiệm vàng. Nhưng thay vì ăn cướp tất cả vàng bạc châu báu trong tiệm, chúng chỉ đơn giản tráo đổi tất cả các bảng giá của các món hàng. Ngày hôm sau, mọi người đến, không thể định lượng được giá trị của các món hàng trong tiệm. Những món mắc tiền và có giá trị, bây giờ trở nên rẻ mạt. Những món hàng rẻ, bây giờ có bảng giá đắt tiền. Khách hàng lo lắng và bối rối vì tất cả những món hàng đã mua sắm. Những bảng giá đã bị tráo đổi.

Các giá trị vật chất bị tráo đổi vì mắt con người không nhận ra được giá trị đồ thật hay giả thế nào. Ngày nay các giá trị luân lý đạo đức cũng thế, nhường cho những giá trị hưởng thụ trần thế đo bằng tiền bạc. Nhiều người tìm hưởng thụ chấp nhoáng qua danh vọng, tiền tài và dục vọng. Giá trị tạm thời đó vẫn luôn quyến rũ làm chúng ta say mê đi tìm kiếm. Chúng ta dùng mọi nỗ lực để phấn đấu và không ngừng nghỉ để chiếm đoạt. Chúng ta được dẫn vào thế giới quảng cáo thế tục mới với muôn vàn cạm bẫy. Những thay đổi thích ứng và thỏa mãn do óc thông minh và những nỗ lực sáng tạo, làm chúng ta quay cuồng và mất hút trong cuộc chạy đua.

1. Cớ Vấp Phạm

Cám dỗ là một sự kéo lôi và hướng chiều về sự dữ. Thường thì chúng ta nói rằng chúng ta bị cám dỗ phạm tội hay phạm một điều luật luân lý nào đó. Cám dỗ tự bản chất chưa phải là xấu, vì nếu chúng ta biết phấn đấu vượt qua, chúng ta sẽ thắng được chính sự yếu đuối của mình. Có khi chúng ta còn lập được nhiều công đức. Ca dao nói rằng: Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Cám dỗ có thể đến tự nhiên qua hoàn cảnh sống hằng ngày, cũng có khi chúng ta bị cám dỗ bởi chính chúng ta mở cơ hội cho sự cám dỗ len lỏi vào.

Tội nguyên tổ được gọi là tôi bất phục tùng, kiêu căng, kết quả là sự khổ đau và mất ơn nghĩa với Thiên Chúa. Trong cơn cám dỗ: Rắn nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: "Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: "Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết." Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (STK 3:1-5)

Người đàn bà thấy trái cây đó, nghĩ rằng ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá vả làm khố che thân (Stk. 3:1-7). Sau khi sa ngã vì cơn cám dỗ, ông bà đã đổ tội cho nhau và cho con rắn. Ma quỉ đã lén gieo vào đó sự chia rẽ: cứ ăn đi, chẳng chết chóc gì đâu. Cứ làm đi, cứ phạm lỗi gì, chẳng hề hấn gì đâu. Thật là khôn lanh.

2. Khuynh Hướng Xấu

Chúng ta thường đổ tội cám dỗ là do ma qủy. Ma qủy cám dỗ chúng ta làm điều tội lỗi và xấu xa. Đôi khi chúng ta cũng thấy tội nghiệp cho ma qủy. Vì rõ ràng mình mở cửa và tự đi vào cơn cám dỗ gọi là thử sức mình, nhưng hầu như thử lần nào cũng bị thua. Nhất là khi chúng ta muốn thử sức mình về vấn đề thú vui xác thịt. Thú vui có thể đi qua ngũ quan, từ mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, môi miệng, tay chân và còn thêm suy tưởng và ước muốn thể xác. Rồi trí tưởng tượng và những ước muốn thèm khát cứ khơi dậy qua mọi ngõ ngách của cuộc sống. Chúng ta không muốn dừng lại và rất khó mà bỏ qua. Và cứ thế chúng ta đã dần dần rơi vào cạm bẫy của ma quỉ. Có bao nhiêu thứ ước muốn là có bấy nhiêu thứ bị cám dỗ. Cuộc sống con người không thoát khỏi những cám dỗ đầy hấp dẫn này. Chúng ta thường rơi vào những mưu mô của cơn cám dỗ về danh vọng, tiền tài và sắc dục. Những dục vọng khát khao của thân xác cũng như những ước vọng của tinh thần cứ luôn réo gọi và mời mọc. Đôi khi chúng ta cảm thấy nó là những nhu cầu thường ngày cần thỏa mãn.

3. Sự Cám Dỗ

Trước khi Chúa Giêsu ra công khai rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa đã vào nơi hoang địa để ăn chay và cầu nguyện. Bốn mươi ngày chay, Chúa đã đối diện thực sự với bản tính của con người. Chúa cảm thấy đói và các dục vọng của thân xác bắt đầu thách thức tinh thần của chay tịnh. Ma qủi đã lần mò đến để cám dỗ Chúa qua những đòi hỏi rất ư là hấp dẫn nhẹ nhàng. Ma quỉ đã cám dỗ Chúa về những nhu cầu tự nhiên của thân xác, những tham vọng của tinh thần và những khát vọng của linh hồn. Chúa đã thắng vượt tất cả các cơn cám dỗ trên qua chay tịnh và cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu cũng bị ma quỉ cám dỗ. Thánh Marcô viết: Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (Mc 1:12-13). Ma quỉ khôn lanh đã từng bước đưa Chúa Giêsu vào những cơn cám dỗ thật hấp dẫn.

a. Nhu Cầu Thể Lý.

Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! "Nhưng Người đáp: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4:1-4). Đói thì phải ăn. Khát phải uống. Ma quỉ nhằm khi Chúa đói mới gợi ý Chúa hóa đá thành bánh mà ăn. Xem ra sự cám dỗ không có chi xúc phạm tới Chúa mà hình như còn quan tâm tới Ngài. Không phải thế đâu. Ma quỉ muốn Chúa tỏ ra ham ăn uống. Cũng như bà Evà xưa, ma quỉ mon men nói về sự thèm khát ăn uống. Evà đã mắc bẫy. Đã có nhiều người trong chúng ta bị rơi vào cám dỗ của việc ăn uống. Đã có những người ăn uống say mèm, đi đứng lạng quạng và ăn nói bừa bãi cũng chỉ vì vài lời khích của đám trẻ hoặc muốn chứng tỏ mình cũng là dân chơi, uống được

b. Uy Quyề

Ma quỉ đâu dễ chịu thua. Thua keo này bày keo khác. Ma quỉ cũng tinh rành Kinh Thánh. Thử thách Chúa cũng có bài bản và ăn hợp với Kinh Thánh. Thánh Matthew diễn tả quỷ kế tiếp theo: Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." Đức Giê-su đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." (Mt 4:5-7). Chúa uy quyền trên mọi loài thụ tạo nhưng Chúa đâu tỏ quyền năng khi sự đòi hỏi không chính đáng. Trong khi con người chúng ta mắc phải bao lầm lỗi. Chúng ta lạm dụng danh tánh để kéo lôi và lừa đảo nhiều người, khi chúng ta nghĩ là chúng ta có quyền năng. Có những người xem mình như người giữ kho tàng để phân phát ân sủng của Chúa, chứ không phải là máng chuyển ơn.

c. Danh Vọng

Có những trao đổi gần như thuận mua vừa bán. Tôi cho anh tiền bạc và của cải, anh đền bù lại một vài đặc quyền cho tôi. Của cải, tiền bạc, thế gian vẫn là những món hàng hấp dẫn dễ lôi kéo nhiều người. Ma quỉ không loại trừ một phương cách nào, miễn là đạt mục đích. Thánh Matthew viết tiếp: Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi." Đức Giê-su liền nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." (Mt 4:8-10).

Chúng ta cũng thường bị cám dỗ qua ba vấn đề này: Vật chất, uy quyền và danh vọng. Có nhiều bài viết về các mẫu gương linh mục hay giáo dân tốt lành và thánh thiện. Điều này chứng minh chắc chắn trong cuộc sống đã có rất nhiều những tâm hồn quảng đại, xả thân giúp đỡ đồng lọai. Nhưng đây cũng là những bài viết khách quan. Một cuộc đời nổi như một tảng băng sơn, có đến 90 phần trăm chìm dưới nước. Viết về một con người sống gần một thế kỷ hay trên nửa thế kỷ, chúng ta nhìn thấy nhiều điểm tốt lắm nhưng sau cái bề nổi có cả một cõi lòng thẳm sâu. Một cuộc chiến nội tâm kiên cường, các ngài cũng đã nhiều cơn thất bại và thua cuộc.

4. Thắng Vượt Cám Dỗ

Chúng ta dễ bị cám dỗ lập lại những tật xấu mà chúng ta đã nhiễm phải. Tôi kể câu truyện vui: Có ba linh mục cùng nhau đi cấm phòng. Các linh mục cùng chia sẻ những khó khăn và vấn nạn phải đối diện trong cuộc sống. Bầu khí rất thân tình và thông cảm, an toàn để các linh mục có thể chia sẻ những tâm tình thẳm sâu nhất của mình. Một linh mục xưng thú rằng, tôi bị nghiện rượu rất nặng và tôi đã tìm cách giải thích để dấu diếm và qua mặt mọi người. Linh mục thứ hai xưng thú rằng ngài bị nghiện đánh bạc, có khi lấy cả tiền của nhà xứ để giải thoát cơn nghiền. Ngài nói rằng ngài rất sợ cho tới lúc không thể dấu diếm được nữa và sự thật sẽ bị phơi bày. Linh mục thứ ba do dự để chia sẻ lỗi lầm của mình. Sau khi được khuyến khích, ngài mạnh dạn nói lên yếu điểm của mình, ngài không thể chừa được tật nói truyện tầm phào. Ngài chưa bao giờ có thể giữ được điều gì bí mật. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. (Mt 6:13). Chúng ta không thể thả một trái bom hay bắn một viên đạn nhưng chúng ta có thể làm hại người khác chỉ vì một lời nói.

5. Hãy Tỉnh Thức

Thánh Matthew viết rằng Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn." (Mt 26:41) Khi đọc kinh lo ra, chúng ta cũng nói bị ma quỉ cám dỗ. Khi phạm luật ăn chay kiêng thịt, cũng đổ cho ma quỉ cám dỗ. Khi phạm các điều răn cũng vậy, cứ đổ cho anh quỉ là xong tội. Chúng ta biết có sự cám dỗ ẩn ngầm trong chính con người của chúng ta. Thánh Phaolô nói: Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7:19-20). Hình như tội lỗi gắn liền với cuộc sống, thiếu tội, sống mất vui. Cũng như chúng ta thường thấy trong nhóm khi nói nhỏ mà cười to hay một đôi khi chúng ta nói rằng phải có một chút truyện mù khú nó mới vui. Cũng lạ thật. Đây lại là sự thật.

Làm sao chúng ta có thể phân định đúng sai, tốt xấu, tội và phúc. Để phân biệt trắng đen giữa cuộc sống trần gian này, đâu có dễ. Có những người lương tâm rộng rãi, nói rằng chẳng có tội lỗi chi cả. Những người có lương tâm hạn hẹp thì cái gì cũng lỗi, cũng tội và xấu. Tiếng nói lương tâm làm sao phân định rõ ràng được. Chúng ta không thể dựa vào phán đoán chủ quan để phán xét. Bởi thế, mức độ sai trái còn tùy thuộc hoàn cảnh và ý hướng nội tâm. Nhất là cầu nguyện luôn để không bị sa vào các cơn cám dỗ. Truyện kể ngày xưa có một anh quỉ hiện đến báo cho người đàn ông biết rằng ông sắp chết. Nhưng quỉ lại bảo ông rằng nó có thể cứu ông nếu ông chịu làm một trong ba điều kiện sau: Một là giết tên đầy tớ, hai là hãy đánh đập vợ con và ba là hãy uống rượu. Ông ta nói rằng tôi không thể giết người đầy tớ trung thành và cũng không thể đánh đập vợ con yêu dấu. Vậy tôi sẽ uống rượu, ông uống say quá không con tỉnh táo nên đã đánh vợ. Tên đầy tớ nhào vô can bị ông cho một đao chết tốt.

6. Xa Tránh Dịp Tội

Một bà đến xưng tội và xưng rằng bà đã nhiều lần nói hành nói tỏi về người khác. Phần đền tội, linh mục nói với bà ra ngoài chợ mua một con gà sống và trên đường về nhà, bà vặt từng chiếc lông thả ra trước gió. Bà đã hoàn thành việc đền tội và trở lại bá cáo với linh mục. Linh mục khen bà đã hoàn thành rất tốt và nói: Bây giờ bà còn một việc phải làm. Tôi muốn bà trở lại và gom nhặt tất cả những chiếc lông của con gà. Người đàn bà lặng im. Việc này không thể được. Giờ này, gió đã thổi đi khắp nơi biết đâu mà thu gom. Linh mục nói: Đúng thế! Bây giờ bà biết cái gì đã xảy ra khi bà đi nói hành và nói xấu người khác. Bà sẽ không bao giờ có thể rút lại được khi bà đã nói nó ra. Hãy cẩn thận về lời bà nói và đặc biệt là lời nói tầm phào. Không thể nào chúng ta có thể chữa lành được những thương đau đã gây ra cho người khác.

Dịp tội đến với chúng ta qua mọi ngõ ngách của đời sống. Những vị quyền cao chức trọng thì dịp cám dỗ sẽ tế nhị và tinh vi hơn. Những người tín hữu bình dân đối diện với những cám dỗ rất nhẹ nhàng qua sự giao tế, qua sự phê bình chỉ trích, qua lời ăn tiếng nói và qua các câu truyện làm quà. Đôi khi chúng ta nghĩ có một món qùa giật gân muốn chia sẻ với người khác nhưng đó chính là món qùa của ma quỉ muốn chúng ta loan truyền. Đó chính là tội dèm pha, nói qua nói lại, thêm bớt chút hương vị cho câu truyện thêm đậm đà. Thành ra chính chúng ta tạo ra câu truyện mới với nội dung nói hành, nói xấu người khác. Thánh Phaolô viết thơ gởi cho Timôthêô với lời lẽ rất chân tình: Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà (1Tm. 6:11).

Quyết Tâm

Chúng ta bước vào Năm Thánh 2010, Năm Hồng Ân của Giáo Hội Việt Nam. Mỗi người chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận ơn Toàn Xá qua việc ăn chay, hãm mình, cầu nguyện và làm việc bác ái. Ơn Thánh sẽ tuôn đổ xuống những tâm sẵn sàng đón nhận. Giáo Hội Viêt Nam đã trải qua lịch sử 350 năm truyền đạo và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm, giáo hội đã trải qua muôn vàn cạm bẫy. Cha ông của chúng ta đã thắng vượt biết bao cám dỗ để gìn giữ đức tin tinh tuyền. Là con cháu của những bậc hiền nhân, chúng ta cũng luôn phải đối diện với các cám dỗ của uy quyền, danh vọng và thế tục. Chúng ta phải vượt thắng qua lời cầu nguyện và tỉnh thức. Thánh Giacôbê khuyên dạy chúng ta đừng chán nản hãy can đảm giữ vững niềm tin: Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn (Giacobê 1:2-3).

Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.