PDA

View Full Version : C - Chúa Giêsu: Con Yêu Dấu Chúa Cha (Lc 9:28b-36, CN II MC)



Dan Lee
02-26-2010, 10:36 PM
Chúa Giêsu: Con Yêu Dấu Chúa Cha (Lc 9:28b-36, CN II MC)

Việt Nam là một nước hâm mộ cuồng nhiệt môn thể thao bóng đá. Hàng năm, Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Gia thường tổ chức cho các đội tuyển trong nước thi đấu tranh Cúp Vô Địch với nhiều phần thưởng giá trị. Thỉnh thoảng, các tuyển thủ quốc gia cũng tham dự tranh cúp Bóng Đá khu vực Đông Nam Á, thi đấu vòng loại giải Bóng Đá châu lục cũng như giải World Cup, Túc Cầu Thế Giới.

Ngày 30/12/2008, trong trận chung kết lượt về Cúp AFF của Bóng Đá Đông Nam Á trên sân Mỹ Đình (Hà Nội), đội tuyển Thái Lan và đội tuyển Việt Nam đang hoà nhau với tỉ số 1-1 chung cho cả lượt đi và lượt về. Bất ngờ trong phút đá bù giờ thứ 91, nhận một cú chuyền bóng từ đồng đội, cầu thủ số 9 tên Nguyễn công Vinh của Việt Nam đã nhảy cao đội đầu tung lưới cầu môn Thái Lan. Toàn sân vận động reo vang, giơ cao biểu ngữ hô to:“Việt Nam vô địch”. Bàn thắng vàng bất thình lình đã đem lại vinh quang: lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam trở thành đội vô địch cúp AFF 2008.

Những ngày sau đó, báo chí Việt Nam không ngớt ca tụng cầu thủ Công Vinh, tặng cho Anh danh hiệu: “người con yêu của Tổ Quốc”. Bạn bè đồng đội tung hô Anh là “chân sút vàng của đội tuyển quốc gia”. Những bà con đồng hương Nghệ An thì hãnh diện cho Anh là “hòn ngọc qúi của vùng Sông Lam Nghệ Tĩnh”. Một bàn thắng quyết định trong trận đấu chung kết, vô tình đã làm nên đề tài thu hút cho tin tức thời sự bóng đá. Bất ngờ hơn, nó tạo một khúc ngoặt tương lai cho sự nghiệp cầu thủ ghi bàn. Một đội bóng Bồ Đào Nha sau đó, đã ký hợp đồng tuyển dụng Công Vinh sang thi đấu nước ngoài.

Nguyễn công Vinh mang danh hiệu “người con yêu của tổ quốc” vì Anh đã giúp Việt Nam lần đầu tiên đoạt Cúp Vàng sau hơn một thập niên chờ đợi.

Trong Tin Mừng hôm nay, tiếng phán của Chúa Cha từ trong đám mây, cũng tôn vinh Chúa Giêsu: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Quả thật, Chúa Giêsu là con chí ái của Chúa Cha: Ngài đến trần gian để thi hành ý Cha Ngài ( Mt 26:39) và việc làm theo ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài là lương thực hàng ngày của Chúa Giêsu ( Ga 4:34 ). Vậy: đâu là hình ảnh thân thương của những người con yêu qúi mà Kinh Thánh đề cập tới? Chúa Giêsu đã thể hiện vai trò làm con yêu dấu của Chúa Cha ra sao? Làm thế nào để sống xứng đáng là người Con Yêu của Thiên Chúa?

Ta thử tìm hiểu cùng suy niệm về vai trò làm con chí ái của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời.

A. Những người con yêu qúi trong Kinh Thánh.

Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, là hoa trái của ơn gọi hôn nhân.

Đời sống vợ chồng được Chúa chúc phúc, khi Ngài ban tặng cho họ những người con phát sinh từ tình yêu chung thủy. Chúng là những hạt ngọc vô giá, là những qúi tử trong hạnh phúc gia đình.


1. Tổ phụ Abram kết hôn chính thức với bà Sara đã lâu nhưng hiếm muộn không con. Cả hai buồn phiền vì tuổi tác mỗi ngày một già nua. Chợt Đức Chúa viếng thăm họ tại Mamrê và loan báo tin vui: ông bà sẽ có con dù đã cao niên (St 18:1-15). Ngày Isaac, con trai ông chào đời, Abraham đãi tiệc lớn (St 21:8) chúc mừng qúi tử. Vâng lệnh Thiên Chúa hơn là người phàm, Abraham sẵn sàng nghe lời Chúa truyền mang Isaac, đứa con yêu dấu (St 22:2) lên núi cao làm hiến lễ dâng cho Thiên Chúa.
2. Tổ phụ Giacóp có nhiều con trai với các nàng hầu, mãi khi về già người vợ chính thức, bà Rachel mới sinh cho ông được 2 người con trai kháu khỉnh là Giuse và Bengiamin. Giacóp xem Giuse là người con yêu dấu hơn tất cả các con khác (St 37:3), may cho cậu một áo chùng dài tay. Giuse lại được Chúa cho thông minh, ơn phúc đầy tràn, hiểu rõ các thị kiến và giải mộng được những chiêm bao.
3. Bà Anna (1 Sm 1:9-2:11) là người đạo đức biết kính sợ Chúa, lại son sẻ không con. Với lòng tin tưởng cậy trông, Anna cầu nguyện xin Chúa cho bà một người con trong tuổi xế chiều. Chúa nhậm lời và ban cho bà con trẻ tên Samuel. Sau đó, Anna dâng con yêu dấu Samuel cho Thầy Tư Tế Ê-li như bà đã thề hứa với Chúa. Đứa trẻ phụng sự trong đền thờ và có Đức Chúa ở với cậu đêm ngày (1 Sm 4:19).
4. Tư tế Giacaria và vợ là Êlisabeth đều công chính trước mặt Chúa. Họ mang nỗi buồn héo hắt vì già cả không một mụn con để nối dõi tông đường. Đang khi dâng hương nơi đền thờ, sứ thần Gabriel hiện ra với Giacaria và loan báo ông sắp có con trai tên Gioan. Em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa (Lc1:15) sẽ đi trước Chúa dọn tâm hồn muôn dân trở về nẻo chính đường ngay. Giacaria đón nhận người con cao cả ấy và không quên chúc tụng Chúa đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

Nhìn chung, những người con được sinh ra trong tuổi già của Abraham, Giacóp, Anna và Giacaria đều là những qúi tử được Chúa chúc phúc: nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và con người. Cuộc đời họ luôn làm đẹp lòng cha, thoả dạ mẹ; sống xứng đáng “con yêu dấu của Chúa”.

B. Chúa Giêsu: Con Yêu Dấu của Chúa Cha.

Người con hiếu thảo trong gia đình là người biết vâng lời cha, làm vui lòng mẹ. Người ấy thảo kính Cha hiền bằng lời nói việc làm, xứng đáng được Thiên Chúa chúc phúc ( Hc 3:6.8 ). Chúa Cha đã không ngừng tôn vinh Chúa Giêsu: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1:11).


1. Từ trời cao, Ngài vâng lời Chúa Cha xuống thế, nhập thể làm người (Ga 1:14).

2. Chúa Giêsu chấp nhận chương trình của Chúa Cha: sinh ra trong nghèo nàn (Lc 2:7), lớn khôn trong hoàn cảnh khiêm tốn giản dị, sống vâng phục Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse (Lc 2:51).

3. Ngài sẵn lòng vâng phục và đề cao ý Chúa Cha lên trên ý riêng mình.


+ kinh Lạy Cha: “ vâng ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:10).

+ cầu nguyện trong vườn Giệt-si-ma-ni: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39).

4. Luôn luôn trong mọi nơi mọi lúc, Chúa Giêsu thường xuyên kết hợp, liên đới gắn bó mật thiết với Chúa Cha.


+ Ngài ưa lên núi một mình cầu nguyện cùng Chúa Cha (Mt 14:23; Mc 6:46; Lc 6:12; Ga 6:15). Đến nơi hoang vắng từ sáng sớm (Mc 6:33) để tìm biết ý Cha.

+ Ngài mạc khải cho các tông đồ biết sự liên kết chặt chẽ giữa Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (Ga 14:16.26).

+ Ngài tín thác mọi sự nơi Chúa Cha khi hấp hối trên thập giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46)

5. Chúa Giêsu luôn chu toàn nhiệm vụ, thể hiện trọn vẹn mọi ý muốn Chúa Cha trao ban.


+ Ngài ở lại trong đền thờ làm việc tôn vinh Cha giữa các bậc thầy Do Thái (Lc 2:49).

+ Ngài xem việc làm theo ý Chúa Cha là nhu cầu cần thiết (Ga 4:34).

+ Trong bài giảng về Bánh Hằng Sống, Ngài đã mạnh dạn xác tín: “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi…Mà ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy và tin vào người Con, thì được sống muôn đời” (Ga 6:38.40).

6. Chúa Giêsu luôn tôn trọng, dành mọi ưu thế về Chúa Cha dù Ngài ngang hàng cùng Cha.


+ Thời điểm xảy ra ngày tận thế, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi (Mc 13:32).

+ Việc ngồi bên hữu hay bên tả trong vinh quang nước Chúa, thì Chúa Cha đã chuẩn bị cho ai, kẻ ấy mới được (Mt 20:23; Mc 10:40).

+ Chỉ có Chúa Cha, Đấng ngự trên trời đã mạc khải cho Phêrô, nên Phêrô mới mạnh dạn tuyên xưng về Chúa Giêsu: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16-17).

Tóm lại, Chúa Giêsu thực sự là con yêu dấu của Chúa Cha khi Ngài khiêm tốn tự mình vâng phục ý Cha, luôn tìm sáng danh Cha và làm mọi sự để vương quyền Cha trải rộng khắp muôn nơi.

C. Thái độ sống xứng đáng làm người Con Yêu của Chúa.


1. Vâng nghe Lời Chúa, vì:


+ Lời Chúa là lời chân lý, lời sự thật không sai lầm (Ga 14:6).

+ Lời Chúa là ánh sáng, đèn soi bước ta đi (Tv 119:105).

+ Lời Chúa là lời hằng sống, là thần khí ban sự sống (Ga 6:63), Lời đem lại sự sống đời đời (Ga 6:68). Vâng nghe lời Chúa: ta sẽ không đi trong tối tăm nhưng có ánh sáng ban sự sống.

Vâng nghe lời Chúa: ta sẽ không hành động sai trái vì có Thần Khí Chúa hiệp nhất với Đức Kitô không ngừng soi sáng ta.

Vâng nghe lời Chúa: giúp sinh hoa kết trái, phát triển đời sống Đạo dễ dàng.

2. Thực thi Thánh Ý Chúa, vì:


+ kẻ nghe và tuân giữ Lời Chúa, luôn được Chúa ở cùng: Đức Maria, các Tông Đồ.

+ kẻ nghe và sống lời Chúa sẽ nên bạn nghĩa thiết với Chúa (Mc 3:35).

+ kẻ nghe và biết thực thi ý Chúa là người khôn xây nhà đức tin mình trên đá vững chắc (Mt 7:24).

+ kẻ nghe và giữ lời Thiên Chúa, bao giờ cũng được chúc phúc nhiều hơn (Lc 11:28).

D. Lời Nguyện kết thúc.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa chính là phát ngôn viên chính thức, nói lời của Thiên Chúa. Mọi mạc khải đã hoàn tất, khi Chúa kết thúc 3 năm rao giảng, tử nạn và phục sinh rồi lên trời. Điều quan trọng lúc này: xin Chúa giúp con luôn


+ Nhớ lời Chúa dạy trong tâm trí,

+ Giữ lời Chúa nói trong cõi lòng,

+ Thực thi lời Chúa trong đời sống Đạo, để con nên xứng đáng là con yêu dấu của Chúa mỗi ngày và mãi mãi. AMEN.

Rev. Dominic Dieu Tran, SDD.