PDA

View Full Version : T - Tập San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Tháng 3



Dan Lee
03-01-2010, 11:59 PM
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/BiaTapSan_3.jpg

Thư Ngỏ

I- Kính Mời Anh Chị Em Tham Dự Các Buổi Tĩnh Tâm Mùa Chay 2010 tại các địa điểm sau :

1- Chúa Nhật 07-03, Chúa Nhật 14-03 và Chúa Nhật 21-03 : Lúc 18g15 tại nhà thờ An Lạc (15/2 CMT8 - P.5 - Q. Tân Bình)
2- Chúa Nhật 07-03 (lúc 16g30), Thứ Hai, Thứ Ba 08 và 09-03 (lúc 18g00) : tại nhà thờ Nghĩa Hoà (25/18 Nghĩa Hòa- P.6-Q. Tân Bình).
3- Thứ Năm, Sáu, Bảy (11, 12, 13/03) : lúc 18g00 chiều tại Nhà Thờ Lộc Hưng (58/6 Chấn Hưng -P.6 - Q.Tân Bình ).
4- Thứ Hai (15-03) : Lúc 15g00 tại Nhà Thờ Chính Tòa Bà Rịa – Vũng Tàu.
5- Thứ Ba (16-03) và Thứ Tư (17-03) : Lúc 15g00 và 18g00 tại Nhà Thờ Hải Lâm - Bà Rịa - Vũng Tàu.
6- Thứ Năm, Sáu, Bảy (18,19,20/03) : Lúc 17g30 tại Nhà Thờ Tân Đông (số 8/10A Ấp 4, Xã Đông Thạnh, Huyện Hốc Môn).
7- Thứ Hai, Ba, Tư (22,23,24/03) : lúc17g30 tại Nhà Thờ Phanxicô Đakao (50 Nguyễn Đình Chiểu-P.Đakao-Q.1).
8- Thứ Năm, Sáu, Bảy (25,26,27/03) : lúc19g00 tại Nhà Thờ Chí Hoà (149 Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình).
9- Chúa Nhật Lễ Lá (28-03) : Từ 06g00 đến 20g00 tại Nhà Thờ Thạch Lâm (Huyện Tân Phú- Đồng Nai).
10- Thứ Hai, Ba, Tư (29,30,31/03) : lúc 17g30 tại Nhà Thờ Nam Hải (số 277 Phạm Hùng, Phường 4, Quận 8).

II- Thứ Năm Tuần Thánh Đầu Tháng (01-04): Nghỉ

III- Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh (08-04) :
Tuần Cửu Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa tại nhà thờ Chí Hòa

IV- Chúa Nhật 11-04 : Cha Long cử hành Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa tại Hà Nội

V- Kính Mời Anh Chị Em Tham Dự Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa tại các địa điểm sau :

1- Thứ Tư Đầu Tháng (03-03): - 15g00 chiều : Nhà Thờ Tân Phước (245 Nguyễn Thị Nhỏ, P.9, Q. Tân Bình)
- 17g30 chiều : Nhà Thờ Bình Thuận (722 Tân Kỳ Tân Quý - P. Bình Hưng Hoà, Q. Bình Tân).
2- Thứ Tư tuần thứ II trong tháng (10-03) : lúc 17g30 chiều tại Nhà Thờ Đá Vĩnh Hoà (86/75 Ông Ích Khiêm, Phường 5, Quận 11)
3- Thứ Tư Cuối Tháng (31-03) : Lúc 17g30 tại Nhà Thờ Nam Hải (số 277 Phạm Hùng, Phường 4, Quận 8)
4- Thứ Năm Đầu Tháng (04-03) lúc 19g00 tại Nhà Thờ Bác Ái (số 144 Nguyễn Thượng Hiền, P.1, Q. Gò Vấp).
5- Thứ Năm Hàng Tuần, từ 13g tại Nhà Thờ Chí Hoà (149 Bành Văn Trân, P.7, Q. Tân Bình).
6- Thứ Sáu Đầu Tháng (05-03):
- 15g00 chiều : Nhà Thờ Phanxicô Xaviê (còn gọi là nhà thờ Cha Tam, số 25 Học Lạc, Phường14, Quận 5).
-17g15 chiều : NhàThờ Đồng Tiến (số 54 Thành Thái, Phường12, Quận 10).
7- Thứ Sáu Tuần Thứ II, Tuần Thứ III và Tuần Thứ IV trong Tháng 03 tại Nhà Thờ Bạch Đằng, Trung Mỹ Tây và Tân Đông : Nghỉ Mùa Chay.
8- Thứ Bảy Tuần I và IV: lúc 17g30 chiều tại Nhà Thờ Bến Hải (332/60 Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp).

VI- Kính mời anh chị em tham gia sinh hoạt của Câu Lạc Bộ Mục Vụ Gia Đình:
Thời gian từ 18g30 đến 20g30 mỗi tối Thứ Ba Đầu Tháng tại Nhà Thờ Công Lý (62/147A Lý Chính Thắng-Phường 8-Q.3 - bên bờ Kênh Nhiêu Lộc, dưới chân cầu Công Lý).

Chuyên đề về NGHỆ THUẬT TƯ VẤN.
VII- Sinh Hoạt Dành Cho Giới Trẻ : Mời các bạn đến với ĐIỂM HẸN GIÊSU:

1-Tại Nhà Thờ Nhân Hòa (45 Hồ Đắc Di, Ngã tư Trường Chinh và Cộng Hòa, P. Tây Thạnh, Q. Tân Phú, cạnh nhà hàng Thiên Thai.)
lúc 20g00 tối Chúa Nhật Tuần II trong tháng. Tháng này là Chúa Nhật 14-03 với Chủ Đề “Điểm Hẹn Mùa Chay: Đi Về Đâu?”

2- Tại Nhà Thờ Công Lý (62/147A Lý Chính Thắng, P.8, Quận 3, cạnh bờ kênh Nhiêu Lộc, dưới chân cầu Công Lý) lúc19g30 mỗi tối thứ sáu đầu tháng. Tháng này là Thứ Sáu 05-03 chủ đề “Sống Mùa Chay

VIII- Bác Ái Mùa Chay 2010 : Cộng Đoàn sẽ đi thăm và tặng 1000 phần quà cho các gia đình nghèo vùng sâu vùng xa ở Thạch Lâm, Ngọc Lâm thuộc Tỉnh Đồng Nai.
Xin anh chị em cùng chia sẻ công tác bác ái này như Lời Chúa nói : “Phúc cho ai biết xót thương người, thì họ sẽ được xót thương”. Tặng phẩm xin đưa đến Lều Phục Vụ mỗi chiều thứ năm tại Chí Hòa, hoặc liên lạc với anh Chiêu (0983494714). Nhóm công tác có xe phục vụ chở hàng, anh chị em có nhu cầu xin liên hệ anh Chính (01212835340).

IX- Công Tác Bác Ái: Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hoà đã thực hiện trong tháng 02-2010:

1. Tặng 550 phần quà Xuân cho ba Hội Người Mù ở Huyện Trảng Bom và huyện Tân Phú, Tỉnh Đồng Nai.
2. Tặng quà Xuân cho cho các người Khuyết Tật, Mồ Côi, Lầm Lỡ, Neo đơn, HIV… tại 13 MÁI ẤM như Mai An, Phan Sinh, Sơn Kỳ, La Vang, Hương Sen, Thầy Bình, Tân Phú, Tân Đông, Hoài Thương, Hồng Ân.
3. Tặng 120 phần quà Tết cho các hộ nghèo tại các Giáo Xứ Mỹ Yên, Xã Đoài, Ngàn Sâu thuộc Địa Phận Vinh.
4. Tặng quà Tết cho Nhà Hưu Dưỡng các Linh Mục Giáo Phận Sài Gòn ở nhà thờ Chí Hòa.
5. Tặng 250 phần quà Tết cho các hộ nghèo tại Giáo Xứ Thánh Mẫu Hòa Bình và giáo xứ Hoà Thạnh, thuộc Huyện Châu Thành, Tỉnh Tây Ninh.
6. Tặng 90 phần quà Tết cho các hộ nghèo tại xứ Vườn Chuối, quận 3 – tp.Hồ Chí Minh
7. Những công việc bác ái khác như :
- Giúp tiền thuốc, viện phí, tiền nhà, gạo, trợ cấp vốn… cho một số gia đình nghèo, khuyết tật, neo đơn, con mọn, hoàn cảnh khó khăn.
- Trợ giúp học phí cho những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.
- Tặng xe lăn cho những người nghèo, khuyết tật, bệnh hoạn.
- Giúp chị em lầm lỡ sinh con và cưu mang con.
X- Mời anh chị em đọc những bài chia sẻ của tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa” cũng như chia sẻ trao đổi những suy tư, cảm nghĩ của bạn trên trang blog. Địa chỉ Blog : vn.myblog.yahoo.com/doiquan_aoxanh. Cũng có thể tìm đọc trên trang web: thanhlinh.net; tinvui.org. Xin anh chị em đóng góp bài vở, hoặc giới thiệu các chứng nhân để tập san thêm phong phú và những giờ cầu nguyện được sống động. Bài viết xin gởi theo địa chỉ email: vietnamlong2003@yahoo.com
Kính chúc anh chị em tràn đầy Ân Sủng và Bình An của Chúa Giêsu qua lời cầu bầu của Mẹ Maria trong Mùa Chay Thánh.

Tập San Nhờ Mẹ Đến Với Chúa
Tháng 03-2010
*Thông báo:
Trang web của Uỷ Ban Truyền Thông Công Giáo, thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (do cha Giuse Trần Đình Long làm Tổng Thư Ký) dự trù sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 03-2010, xin vào trang: truyenthongconggiao.org
Xin anh chị em tích cực đóng góp xây dựng cho trang web thêm phong phú. Mọi ý kiến, bài viết, chia sẻ, tin tức… xin gởi về địa chỉ email: truyenthong.cgvn@gmail.com


=====================================

MÙA CHAY – MÙA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT


Dòng Thánh Thể

Ngày 07-02-10, công an tỉnh Bình Dương đã bắt giam Nguyễn Ánh Nguyệt (24 tuổi) can tội giết người. Nguyệt và chị Ngọc Hạnh (45 tuổi) cùng thuê chung phòng trọ, hai bên thường xảy ra xích mích dẫn đến đánh nhau. Nguyệt dùng dao đâm chết chị Hạnh rồi bỏ trốn (báo Thanh Niên, ngày 08-02-10).

Công an tỉnh Đồng Nai ngày 08-02-10 đã tạm giữ Nguyễn Văn Dũng (16 tuổi) để điều tra tội giết người. Giữa Dũng và Thanh (18 tuổi) thường xảy ra mâu thuẫn. Trong một lần đi chơi về, 2 bên cự cãi nhau. Dũng rút dao đâm Thanh một nhát trúng ngực khiến Thanh chết tại chỗ (báo Thanh Niên, CN 07-02-10).

Hằng ngày ta đọc thấy nhan nhãn những tin tức loại này trên các phương tiện truyền thông. Chỉ một xích mích nhỏ giữa 2 người hàng xóm, một va quẹt xe trên đường, hay chợt “nhìn thấy ghét!” cũng đủ để gây ra án mạng. Ngày nay người ta nói nhiều đến chữ “vô cảm”, “máu lạnh” để diễn tả tấm lòng không biết xót thương nhau, không biết thông cảm, tha thứ cho nhau giữa con người với con người.

Trong bối cảnh đó, việc cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt trong các xứ đạo ở vùng Tân Bình, Sài Gòn càng ngày càng phát triển. Giữa một thế giới của những cực đoan, của những mâu thuẫn và nghịch lý, con người đối xử với nhau thiếu tình người, ngay cả những người trong Đạo cũng xử với nhau “cạn tầu ráo máng”, chẳng biết xót thương nhau, thì người ta chỉ còn biết chạy đến Đức Giêsu “Đấng giầu lòng thương xót” mà thôi!

Những ngày khai mạc Năm Thánh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã qua đi. Những nghi thức sám hối tập thể, những lời “chân thành thú tội, cúi đầu tạ tội”, những lời công khai “xin lỗi Chúa, xin lỗi nhau và xin lỗi mọi người…” sẽ không còn lại âm vang nào, sẽ chỉ là những nghi thức rình rang nếu không có sự biến chuyển trong mỗi người Công Giáo Việt Nam. Mọi sự thay đổi phải bắt đầu từ chính bản thân mình như Gandhi nói : “Bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn thấy nơi thế giới.

Thế giới mà bạn muốn thay đổi, khởi đầu ở chính sự thay đổi nơi con người bạn.” Thay đổi con người mình (thế giới bên trong) là thay đổi thế giới bên ngoài mà mắt thấy tai nghe và cảm xúc. Những lời xin lỗi sẽ chỉ là đầu môi chót lưỡi nếu ta không thật lòng tha thứ cho nhau. Làm sao người cúi đầu xin lỗi được tha thứ và bình an nếu người kia cứ chấp nhất không chịu thứ tha và hoà giải? Chúa xót thương con người, sao con người không biết xót thương nhau?

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta vẫn thường được nghe lại dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (quen gọi là dụ ngôn người con hoang đàng!) Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Tin Mừng Luca được Đức Giêsu nói tiếp sau những lời người biệt phái kêu trách Chúa. Khi thấy những người tội lỗi và thu thuế đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng, những người biệt phái và các kinh sư xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” (Lc 15,2)

Nghe những lời kêu ca này, tự nhiên chúng ta thấy không thể chấp nhận cái vẻ cao ngạo của nhóm biệt phái và thấy mình có thể có những tâm tình tốt hơn. Chúng ta chẳng những không khinh người tội lỗi, mà trái lại còn thường cầu nguyện cho những người có tội ăn năn trở về cùng Chúa nữa mà!

Như vậy giữa chúng ta và người biệt phái có hai tâm tình khác hẳn nhau : một đằng họ khinh người tội lỗi, một đàng ta thương những người lỗi tội. Ta có lòng xót thương đấy chứ ?
Nhưng giữa ta và biệt phái lại có một điểm giống nhau là cùng ở một giai cấp : “giai cấp đạo đức”. Mà ai ở “giai cấp đạo đức” thì không gặp được Chúa Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót. Chính Đức Giêsu đã khẳng định sứ vụ của mình : “Tôi đến không để kêu gọi những người đạo đức mà để kêu gọi những kẻ tội lỗi”. Trong dụ ngôn con chiên bị lạc mất và được tìm thấy, Chúa kết luận : “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải hối cải.” (Lc 15,7). Và Đức Giêsu, chính Ngài cũng đã xếp chung hàng với người tội lỗi, đoàn đoàn lớp lớp xuống sông Giođan chịu Gioan thanh tẩy.
Đó là điều ta cần suy nghĩ trong Mùa Chay Năm Thánh-Mùa của Lòng Xót Thương. Khi Đức Giêsu nói gì dạy gì thì Người không lấy lý thuyết của dân gian, không lấy sách vở luân lý của người đời mà dạy dỗ. Đức Giêsu lấy cái có trong chính bản thân mình để cho người ta đón lấy, chịu lấy. Đó là tấm lòng xót thương của Thiên Chúa. Tôi có thể dạy giáo lý rất hay, có những bài diễn thuyết rất hùng hồn, văn chương bóng bảy. Nhưng đó chỉ là sách vở, là con chữ, là những cái chắp vá vay mượn, không phải của tôi, không phát xuất từ tấm lòng cảm thương của tôi, nên chẳng lay động lòng người, chẳng thu hút người khác đến với Chúa được.

Điều mà Đức Giêsu muốn cho chúng ta chiêm ngưỡng một cách kỹ càng, không phải là hình ảnh của đứa con phung phá, nhưng là tấm lòng vô cùng nhân hậu của một người Cha, “Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong các kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,14). Người Cha ấy là Cha của Đức Giêsu, cũng là Cha của chúng ta (Ga 20,17).

Nếu không có một người cha ngày đêm ngồi trước thềm mòn mỏi ngóng chờ đứa con lạc loài hư đốn, thì đứa con hoang đàng kia nếu có trở về cũng thành vô nghĩa và vô ích. Nó sẽ chẳng gặp được cái gì may mắn cho nó hơn cái số phận mà nó đang có, nghĩa là nó sẽ từ vùng tối tăm đói khổ này, rơi vào vùng tối tăm đói khổ khác. Và ngay cả nếu nó có gặp được một người cha phúc đức nào đó trên cõi đời này, mà không phải người cha mà Đức Kitô giới thiệu cho chúng ta, thì nó cũng chỉ gặp được những tâm hồn cứng lạnh như băng, sẵn sàng sửa trị xứng với tội làm “tán gia bại sản” của nó, rồi mới tính đến chuyện nó có được phần nào trong nhà hay không. Phần đó nhiều ít bao nhiêu, thì lại là vấn đề còn hậu xét! Theo luân lý thì phép “giáo nhi” là phải sửa trị những đứa con hư, người nghiêm phụ thì giữ gìn gia phong nề nếp, không thể để những đứa con đã “bôi gio trát trấu” vào mặt gia đình muốn đi về thế nào tùy ý nó, cho dù miệng nó có nói lời hối cải xin lỗi thì không phải đơn giản thế là xong.

Cho nên ít nhiều, những người “gọi là đạo đức” hôm nay cũng dễ dàng đồng tình với cách xử sự của người con cả, một mẫu người tử tế đạo đức, chí thú làm ăn, phục vụ cha hết mình. Thấy mình tốt như thế nên anh ta không thể nào chịu nổi mình lại có thằng em khốn khiếp vô lại như vậy! Và anh lại càng không chịu nổi thái độ của ông bố, vừa bất công với mình, vừa thương thằng út một cách vô lý đến mức có vẻ như nhu nhược. Ông đã không trị tội nó thì thôi còn ra như thưởng công nó : “bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!”
(Lc 15,23).

Dường như anh ta không chịu nổi một người cha giầu lòng thương xót như vậy. Có lẽ anh ta “suy bụng ta ra bụng người”, lấy tấm lòng hẹp hòi của mình để đo lòng người cha. Anh bất mãn tức giận đến nỗi không thèm vào nhà, không thèm nhìn nhận em mình nữa. Nó chỉ là “thằng con của cha” chứ không phải là anh em ruột thịt của anh. Anh buông những lời cứng cỏi hằn học thế này : “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một con dê để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”(Lc15,28-30).

Phản ứng của người con cả đôi khi cũng là của ta ngày nay. Đứng ở “giai cấp đạo đức”, ta khoanh tay nhìn từng đoàn “người con hoang đàng” kéo đến cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, nghe Lời Chúa với ánh mắt… hơi khó chịu, nghi ngại. Tại sao họ kéo đến cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa đông thế? Hãy đến mà xem! Nhìn từng đoàn người kính cẩn quỳ cầu nguyện dưới cái nắng chói chan, ngước mắt lên trời kêu cầu lòng thương xót Chúa đoái thương đến thân phận tội lỗi của mình, ta sẽ hiểu vì sao. Chứng kiến hàng dài những hối nhân kiên nhẫn xếp hàng trước toà giải tội, chờ đến phiên mình vào lãnh Bí Tích của Lòng Xót Thương ta mới hiểu được nhu cầu tâm linh của con người ngày nay thế nào. Ta vẫn gọi Chúa là cha mà lại nhất định không nhìn nhận người khác là anh em của mình, vẫn cương quyết loại trừ người anh em đó, thậm chí còn nổi giận khi thấy Chúa tỏ lòng thương xót ưu ái cái con người “chẳng ra gì” trước mắt mình. Ta hãy nghe lại Lời Chúa phán với tên mắc nợ không biết thương xót : “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?... Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 32-35). Trong “Bài Giảng Trên Núi”, Đức Giêsu khẳng định rõ ràng : “Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì cha của anh em cũng sẽ không tha thứ lỗi lầm cho anh em.” (Mt 6, 15). Ta còn dám và còn muốn loại trừ, không nhìn nhận, không tha thứ cho người anh em mình nữa không? Chính Phaolô cũng nhắc nhở tín hữu Êphêsô : “Anh em phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” (Ep 4,32)

Chúng ta là con người, mà lại là con người có tội, nên chúng ta suy nghĩ như con người, đối xử với nhau như con người, có vay có trả, ai vay người đó trả. Còn Đức Giêsu nói với chúng ta thế này : “Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã đã tỏ cho anh em biết” (Ga 15,15b).

Điều mà Đức Giêsu đã biết, đã nghe nơi Cha rồi tỏ cho chúng ta biết là tấm lòng của Cha đối với chúng ta, những đứa con tội lỗi. Tấm lòng chỉ biết chờ đứa con hư trở về để tha thứ yêu thương : “Mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”
(Lc 15, 22-23).

Thật là kỳ lạ! Tấm lòng không đòi đứa con hư phải trả lại đủ những gì nó đã vay, nó đã phá. Tại sao vậy ? Tại vì đã có người trả cho nó, trả đầy đủ, đền thay cho nó, đền dư thừa và đã lập công cho nó để nó đáng được thưởng. Người đó là ai ? Người đó không phải ai khác mà lại chính là Con của Cha, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Thánh Phaolô nói : “Đức Giêsu Kitô, Đấng không hề biết tội, thì vì ta, Thiên Chúa đã cho làm thành sự tội, ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa” (2C 5,21).

Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa biết bao nhiêu, vì tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội, nên đều được Cha xót thương như nhau, trừ những ai tự nhận mình thuộc “giai cấp đạo đức”, không cần được tha thứ cũng không chịu tha thứ, không cảm nghiệm được lòng xót thương của Chúa, nhất định “đứng ngoài, không chịu vào nhà” thì chính họ tự loại mình ra khỏi vòng tay yêu thương của Chúa,

Trong Mùa Chay Năm Thánh này, nếu tôi thấy mình thuộc “giai cấp đạo đức”, thấy mình đã làm đầy đủ bổn phận không cần quay trở về lăn vào vòng tay của Cha và tha thứ cho ai nữa, thì tôi nên cầu nguyện và thành thực suy xét lòng mình lại cho kỹ. Tôi có giống như người con cả chỉ cần đòi Thiên Chúa trả công cho tôi một con dê không ? Nhất là nếu tôi cương quyết không chịu tha thứ cho những người anh em đến xin lỗi tôi (mặc dù thực ra đôi khi họ chẳng có lỗi gì với tôi!) thì chính tôi đã tự cho mình là “kẻ làm công”, không còn là con Cha nữa rồi.
Tất cả thế gian là vùng tối tăm túng thiếu nghèo nàn, vì cả thế gian đã phạm tội và đã mất hẳn vinh quang Thiên Chúa. Nếu cứ ở lì trong cái vùng khốn khó này, thì số phận mọi người sẽ như số phận đứa con hoang đàng, nó phải kêu lên : “Tôi chết đói mất”. Chỉ khi nào biết khiêm tốn chỗi dậy quay trở về nhìn nhận mình đã “đắc tội đến trời và đến cha” thì mọi sự sẽ biến đổi tức khắc.

Từ thân phận tôi tớ, tôi được xỏ nhẫn đi giầy trở thành con Cha trong tự do.

Từ thân phận đói khổ mình trần, tôi được mặc áo đẹp và được vào bàn tiệc.

Tất cả những phúc lộc này của tôi và của cả nhân loại chỉ xảy ra khi tôi và mọi người mở lòng ra đón nhận lấy Đức Giêsu, Đấng giầu lòng thương xót, vào đời mình, “Ai ở trong Kitô, kẻ ấy là tạo thành mới”. Lúc đó chúng tôi sẽ được trở thành con người mới, thành con của Cha trên trời và là anh em với nhau, không còn kèn cựa, so bì, tranh hơn tranh thua với nhau nữa. Chúng tôi nắm tay nhau hân hoan đến dự tiệc Thánh Thể, quyết tâm thực hiện điều mà Đức Hồng Y Gioan Baotixita nhắn nhủ gia đình giáo phận trong thư công bố khai mạc Năm Thánh 2010 là “cùng nhau viết lại định nghĩa “Đạo Chúa là đạo yêu thương”, người Công Giáo là người ý thức được Chúa yêu thương, đồng thời là người biết yêu thương anh em đồng đạo và đồng bào, vì tất cả là con một Cha, là anh em một nhà…”

Cùng nhau thực hiện được như vậy, Mùa Chay Năm Thánh năm nay mới thực sự là Mùa của Lòng Xót Thương…

Lm. Giuse Trần Đình Long


=====================================

http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002.gif

LẠC BƯỚC
Chúa ơi xin dẫn con về
Hồn con lạc bước đam mê bụi trần
Con đi trong cõi phù vân
Đa mang níu kéo, nợ nần vấn vương.
Một thân lữ thứ dặm trường
Đời con một kiếp hành hương miệt mài
Lắm khi mỏi gót đường dài
Đơn côi nhịp thở mệt nhoài… đơn côi
Ngược xuôi mấy nẻo đường đời
Nghêu ngao con hát giữa trời ngông nghênh
Nghêu ngao câu hát buồn tênh
Tròng trành vũ khúc lênh đênh phận người.
Ngược xuôi mấy nẻo trần gian
Ngu ngơ con giữa chợ đời nhiêu khê
Chúa thương xin dẫn con về
Để Mùa Chay Thánh được Người thứ tha.

Người hát rong
Muà Chay Thánh 2010

=====================================


CHO ƯỚC MƠ BAY CAO

“Lộc Thánh bay cao 28 Tết”…
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002.jpg
Chỉ còn vài ngày nữa là bắt đầu một năm mới. Mọi người tất bật mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, loại bỏ những cái cũ kỹ, lau chùi đồ đạc để mọi thứ trong nhà đều sáng, đều mới. Bên cạnh những chuẩn bị bên ngoài, giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa ở Nhà thờ Chí Hòa buổi chiều thứ năm Hai Mươi Tám Tết là những giây phút vô cùng quý báu còn sót lại của năm cũ để mỗi người dọn dẹp tâm hồn cho trong sạch đón thêm một tuổi mới Chúa ban... Những tưởng số người tham dự sẽ ít đi, thế nhưng lượng khách hành hương còn đông hơn thứ năm hàng tuần. Những bận rộn, lo toan không giữ được chân họ mà còn hối thúc họ bỏ mọi sự để đến với Lòng Thương Xót Chúa với trọn niềm tín thác. Tâm hồn thanh thản vẫn tìm thấy trong bầu khí cầu nguyện nơi ngôi Thánh Đường ở Chí Hòa những ngày thứ năm đã lôi kéo mọi người đến trong buổi chiều cuối năm để “tống cựu”.

Trước thánh lễ, linh mục chủ tế đứng giữa sân nhà thờ chủ sự nghi thức “Tống Cựu - Cho Ước Mơ Bay Cao”. Hàng ngàn khách hành hương, mỗi người nhận được một trái bóng bay trong tay, cùng cất cao bài ca : “Ngày đầu Xuân con dâng lên Thiên Chúa chí tôn, lời cảm mến chúc khen Cha chí lành…” Lời ca tiếng hát vang lên theo nhịp tung tăng của những trái bóng đủ màu sắc. Lời dẫn ý nguyện cầu của vị chủ tế đưa tâm hồn con người đến gần với Thiên Chúa. Trong thinh lặng, mỗi người dâng lên Chúa những ước mơ, ước nguyện, lời cầu, lời chúc mà họ sẽ trao cho nhau trong những ngày đầu Xuân. Chính như thế, lời chúc Tết không còn chỉ là câu nói xã giao đầu môi chót lưỡi, nhưng là những lời chân thành phát xuất từ tấm lòng người chúc: “Tôi chúc cho anh, cho chị điều này điều nọ, và tôi thiết tha nguyện xin Thiên Chúa để lời chúc đó thành hiện thực. Lời chúc đó thành lời nguyện cầu, nguyện chúc…”

Sau phút giây nguyện cầu, mọi người cùng buông tay để hàng ngàn trái bóng đủ mầu sắc tung bay trên bầu trời lồng lộng gió chiều xuân đem theo những ước mơ thật đẹp.
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0000.jpg
Những trái bóng mong manh có thể bị nổ banh xác bất cứ lúc nào, vậy mà nó vẫn cứ vươn cao, hoặc chỉ chờ cơ hội là vụt khỏi đôi tay đang cầm giữ để bay lên bầu trời cao rộng. Ước mơ và cuộc sống con người cũng thế. Phận người mỏng manh yếu đuối, chẳng ai có thể cầm giữ được mạng sống mình, chẳng ai có thể chắc chắn mình sống được bao lâu. Nhưng ước mơ vẫn nhiều, những khao khát mong đợi vẫn đầy ắp. Người trẻ khát khao một tương lai tươi sáng. Người lớn mơ ước một cuộc sống hạnh phúc. Người già mong chờ những ngày tháng an lành.

Bao nhiêu băn khoăn lo lắng của việc học tập, bao nhiêu vất vả lo toan của việc làm ăn buôn bán, bao nhiêu thao thức lo âu của sức khỏe… Họ muốn gom tất cả lại cùng với chuyện vui buồn quá khứ và ước vọng tương lai để dâng lên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria. Những trái bóng bay bổng lên mang trọn tâm tư, ước vọng của cộng đoàn đến tận ngai tòa Thiên Chúa, thả vào Lòng Thương Xót để được thánh hóa và chúc lành. Tặng vật nặng nề nhất là tội lỗi, họ cũng dâng lên Chúa để được thanh tẩy từ Máu Thánh Chúa đổ ra. Lời dẫn dắt của vị linh mục Lãng tử như thu hút mọi tâm hồn hướng về một điều duy nhất: Tình Yêu Thiên Chúa.

Những trái bóng đã vụt khỏi bàn tay của người cầm giữ. Chúng tự do bay cao trên bầu trời trong xanh. Những đám mây như vẫy gọi. Những ngọn gió hòa vào đùa vui. Những trái bóng mang theo lộc Thánh để trao tặng cho những người ở xa. Có những trái bóng nổ tan giữa bầu trời cao rộng, chẳng còn chút tăm hơi, như tội lỗi con người đã được Chúa xóa bỏ trong Lòng Thương Xót. Có những trái bóng bay cao, bay cao mãi, vươn lên hết sức của nó như ước mơ của những tâm hồn muốn được kết hiệp cùng Chúa. Có những trái bóng nghiêng ngả, chập chờn, rồi cũng vút lên như một quyết định dứt khoát từ bỏ “đường xưa lối cũ” để tìm về bến bờ Thiên Chúa tình yêu.
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0001.jpg
Giữa nắng xuân, hàng ngàn khuôn mặt, ngàn ngàn cặp mắt ngước lên, hướng về trời cao, dõi theo những trái bóng mang những ước mơ của mỗi người dâng lên Chúa. Giữa sân nhà thờ chỉ còn lại trái bóng màu đỏ đường kính 2,5m mang hai câu đối nhẹ nhàng đung đưa như lời mẹ hiền nhắc nhở đoàn con : “Năm mới Tình Mẹ luôn chan chứa – Xuân về Lòng Chúa mãi xót thương”.
Thánh lễ tạ ơn cuối năm được cử hành trùng hợp với ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, ngày cầu cho bệnh nhân. Đúng vào ngày thứ năm 11/02/1858 Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, và hôm nay cũng ngày thứ năm 11/02/2010, thánh lễ tất niên tạ ơn và cầu cho bệnh nhân được cử hành. Sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thật lạ lùng. Bên Lộ Đức hàng ngàn khách hành hương kéo đến để cầu nguyện và được ơn chữa lành. Tại nhà thờ Chí Hoà mỗi chiều thứ năm cũng hàng ngàn người hành hương về cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, và qua lời bầu cử của Mẹ Maria biết bao người được ơn chữa lành, ơn ăn năn trở lại, cùng biết bao ơn lành khác tuôn trào từ Lòng Chúa Xót Thương. Kể không hết, nói không cùng. Sự hiện diện đông đảo của mọi thành phần dân Chúa hiệp ý cầu nguyện sốt sắng trong những giây phút quý báu cuối năm đã nói lên tất cả, như một lời khẳng định cho niềm tin đơn sơ chân thành chân chính vào Lòng Thương Xót Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria – “Nhờ Mẹ đến với Chúa”. Trải qua bao năm tháng, dù qua bao thăng trầm, Lòng Thương Xót của Chúa và tình mến của Mẹ vẫn tồn tại, vẫn tràn đầy, đủ cho mọi người “hồng ân Chúa như mưa như mưa…”

Mỗi người một lộc Thánh trên tay, ra về trong niềm vui và bình an, để đón chờ một năm mới. Với sức mạnh và niềm tin được trao ban qua Lời Chúa và Mình Chúa, qua lời cầu nguyện của cộng đoàn họ đủ nghị lực vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để “ước mơ mãi bay cao”. Ước mơ Lòng Thương Xót Chúa đến được với mọi người mọi nhà trong năm mới này…

“Năm mới Tình Mẹ luôn chan chứa
Xuân về Lòng Chúa mãi xót thương”.

Xuân Hồng
Ngày Cuối Năm


=====================================

NĂM SẮC NGUYỆN CẦU

“…Lời kinh dâng Mẹ tết mùng 5”

“Hôm nay em đi Chùa Hương,
hoa cỏ còn mờ hơi sương…”
Người khác Đạo đi chùa Hương, người Công Giáo đi hành hương! Tất cả đều chung một mơ ước, một lời cầu Bình An trong năm mới.
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0002.jpg
Đón tết, vui xuân, nhưng mọi người vẫn nhớ ngày họp mặt đầu năm của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa Giáo xứ Chí Hòa – Thứ Năm – Mồng 5 Tết, để “Nghinh Tân”. Thú vui trần gian không đủ sức giữ chân họ đến với Lòng Thương Xót Chúa. Ngày đầu năm, không khí Tết vẫn còn tưng bừng rộn rã, vẫn hiện diện trên từng người với những bộ quần áo mới, với nét mặt hân hoan tươi vui. Số lượng người “từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đền” đông hơn bao giờ hết. Đông hơn cả những ngày thứ năm đầu tháng. Thật lạ lùng và diệu kỳ sức hút của Lòng Xót Thương! Khách hành hương từ các tỉnh thành xa xôi, tay xách nách mang, đổ về ngay lúc “hoa cỏ còn mờ hơi sương”. Có một bà mẹ trẻ ở tận Bến Tre, gia đình nghèo, thứ năm nào cũng chạy xe honđa chở thêm 2 đứa con thơ đi từ 2 giờ sáng đến nhà thờ Chí Hoà dự lễ, xong lại chở 2 con về đến Bến Tre lúc 10 giờ đêm! Chị chưa bỏ buổi nào, dù trời mưa hay nắng. Có những “fan” trung thành với Lòng Thương Xót, chưa hề bỏ một buổi chiều thứ năm nào trong suốt năm qua. Có một nữ giám đốc, mỗi chiều thứ năm đóng cửa công ty cho nhân viên nghỉ việc ăn lương để đi lễ Lòng Thương Xót. Có nhiều anh chị em tôn giáo bạn đến tham dự cả năm trời, thuộc kinh còn hơn người “đạo dòng”. Cũng là điều lạ lùng khi bà con Việt kiều về thăm quê hương không chọn những điểm tham quan Đà Lạt, Vũng Tầu để du lịch, mà lại tìm đến Chí Hoà để… cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa giữa cái nắng nóng chói chan, chật chội chen chúc! Ấn tượng nhất có lẽõ là các bạn trẻ, tuổi teen, đầu xanh đầu đỏ, áo quần mođen tung tăng đến với Lòng Thương Xót, thành tâm quỳ dưới nắng giang tay nguyện cầu. Có đến tận nơi, nhìn thấy chuỗi dài các hối nhân kiên nhẫn đứng dưới nắng hàng tiếng đồng hồ trước tòa giải tội chờ tới phiên mình, mới thấy được điều lạ lùng Chúa làm nơi các tâm hồn thành tâm đến đây. Chỉ đứng xa mà phê phán, nghi ngại, thì chẳng cảm nghiệm được gì Lòng Chúa Xót Thương đâu! Người ở miền xa lên.

Kẻ ở gần đến. Từ em thiếu nhi đến cụ già 80. Từ choi choi, tuổi teen, nam thanh nữ tú đến gia trưởng hiền mẫu. Hàng hàng lớp lớp kéo nhau đến cầu Bình An trong ngày đầu năm. Làm sao người ta không xúc động và không bị tác động trước những nhân chứng sống động như thế ?
Lời Kinh Mân Côi không bao giờ thiếu trong những buổi cầu nguyện của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ ở Giáo xứ Chí Hòa. Đặc biệt buổi chiều hôm nay, chuỗi kinh Mân Côi được lồng trong nghi thức “Nghinh Tân- Cầu An” kết hợp với những chùm bong bóng ngũ sắc mang nét tươi vui, sinh động biểu hiện của một Mùa Xuân Mới - Mùa Xuân Năm Thánh 2010.

Trong cái nắng chói chan, người linh mục lãng tử đầu trần đứng giữa sân nhà thờ hướng dẫn giờ lần hạt Mân Côi cùng với các bạn trong đội quân áo xanh cầm năm chùm bóng xanh, đỏ, tím, vàng, cam đứng chung quanh. Mỗi mầu bóng tượng trưng cho một giới được cầu nguyện trong mỗi chục kinh : bệnh nhân, người già, giới trẻ, thiếu nhi, gia trưởng hiền mẫu.
Sau bài hát và lời cầu, chùm bóng mầu cam được một bệânh nhân khuyết tật thả bay lên cao. Chục kinh thứ nhất cầu nguyện cho những người khuyết tật và bệnh nhân. Cũng một cuộc đời, có người sướng, người khổ, có người đẹp, người xấu. Đó là cách nhìn của người phàm, nhưng đối với Thiên Chúa, mỗi người là một báu vật, là một tác phẩm tuyệt vời của Lòng Chúa Xót Thương. Chúa tạo dựng con người với tất cả tình yêu thương. Chúa chăm sóc mỗi người “tựa con ngươi trong mắt Chúa”. Con cái càng yếu đau, càng cần được mẹ cha bao bọc chở che.
Những người bệnh thể xác cũng như tâm hồn đến đây rất đông vào mỗi chiều thứ năm. Một số lớn đã được chữa lành. Nhưng điều quan trọng hơn cả là khi dìm mình vào đại dương Lòng Thương Xót Chúa trong lời kinh và thánh lễ, bệnh nhân tìm được sự bình an đích thật trong tâm hồn. Bệnh tình vẫn còn đó, khuyết tật vẫn chưa đổi, nhưng họ đã biết kết hợp đau bệnh của mình với những đau khổ của Đức Giêsu trên thánh giá “hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô” để cầu cho nhân loại, cho thế giới, nhất là cho nhiều người được ơn trở lại.

Đến với Lòng Thương Xót Chúa, họ chợt thấy không còn chỉ xót xa cho phận mình nữa, mà biết cùng với Chúa xót xa cho những anh chị em chưa được nhận biết Chúa, chưa biết quan tâm đến tha nhân. Những chứng bệnh cùi hủi tâm hồn của thời đại “vô cảm” hôm nay sẽ vô phương chữa trị nếu không đến với Lòng Thương Xót Chúa. Nhìn những người bại liệt với nét mặt thanh thản ngồi trên xe lăn, những người khuyết tật nhưng không chịu kéo lê thân mình trên đôi nạng gỗ, hay những bệnh nhân được người nhà dìu tới mà nét mặt tươi vui hơn người khoẻ… tay lần chuỗi, miệng râm ran, mắt ngước nhìn chùm bóng mầu cam đang bay trên bầu trời trong xanh, bỗng thấy lời kinh Mân Côi hiệu nghiệm thay!
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0003.jpg
Chục kinh thứ hai với chùm bóng mầu vàng cầu cho người lớn tuổi, nhất là những người già yếu neo đơn. Cả cuộc đời đã sống vì con cháu, cả tuổi xuân cống hiến cho xã hội, giờ đây gánh nặng tuổi già đè trên đôi vai gầy của ông bà cha mẹ. Những bậc cao niên chỉ mong tìm được niềm vui bên đàn con cháu. Nhưng còn đó những người già neo đơn, sống lặng lẽ đếm từng ngày còn lại trong đơn côi. Đau lòng hơn khi những người già yếu bị con cháu bỏ rơi, không nơi nương tựa. Tuy nhiên trong chục kinh hôm nay cầu cho người già, linh mục lãng tử lại cho thấy “có khi ráng chiều còn đẹp hơn nắng bình minh”. Tuổi già mà cả cuộc sống dâng hiến cho đời vẫn đẹp hơn tuổi trẻ đang tự huỷ hoại đời mình trong những cuộc ăn chơi trác táng. Những chùm bóng “màu vàng của ráng chiều” cùng với lời kinh ê a của các cụ ông cụ bà trên 70, 80, 90 đẹp hơn bao giờ hết. Họ vẫn còn tâm hồn trẻ trung, vẫn còn đóng góp với cộng đoàn bằng đồng tiền để dành, bằng những hy sinh và kinh nguyện sáng tối chiều hôm. Ai dám bảo tuổi “xế chiều” là… tuổi xếp xó ?

Năm em thiếu nhi đứng trên bục cao với chùm bóng đỏ trong chục kinh dành cho tuổi thơ. Thật ngạc nhiên khi những giờ cầu nguyện và thánh lễ mỗi chiều thứ năm kéo dài mấy tiếng đồng hồ mà các em thiếu nhi đi cùng cha mẹ vẫn không cảm thấy buồn chán, không chạy nhảy phá phách, vẫn ngoan hiền nép bên lòng mẹ, vẫn tung tăng đi cùng cha. Những trái bóng đỏ thắm được các em thả tung bay trên cao với lời mời gọi : “Nếu các con không hoán cải và trở nên trẻ thơ, các con sẽ không được vào Nước Trời”!

Hai bạn trẻ, một nam, một nữ với áo quần môđen, đầu tóc nhuộm đủ kiểu, cầm chùm bóng mầu tím như lời mời gọi “Hãy Trở Về” trong chục kinh dành cho giới trẻ. Tuổi trẻ là tương lai của xã hội và giáo hội, thế mà có bao bạn trẻ chọn lựa sai hướng lầm đường để lại cho cha mẹ, gia đình và xã hội những buồn phiền lo lắng. Chùm bóng màu tím bay cao từ bàn tay của đôi bạn trẻ như lời nhắc nhở kẻ đang ở trong mê lộ “Hãy Trở Về” trong Mùa Chay Thánh này. Lời mời gọi này rất hiệu nghiệm. Càng ngày ở nhà thờ Chí Hoà mỗi chiều thứ năm lại càng có nhiều bạn trẻ kéo đến cầu nguyện, đến xưng tội, đến tham gia phục vụ trong Đội Quân Áo Xanh. Ở đây không có ca nhạc, không có lễ hội thời trang, chỉ có “Lễ Hội Lòng Xót Thương”. Mầu tím hoa sim làm tím cả chiều hoang biền biệt. Mầu tím mùa chay không làm tím ngắt lòng người. Chùm bóng tím đưa ước mơ của người trẻ bay cao để giữ mãi niềm hy vọng và cậy trông vào Lòng Chúa Xót Thương.

Gia đình là tế bào nền tảng của xã hội. “tương lai nhân loại ngang qua gia đình”. Một cặp vợ chồng công nhân từ miệt xa thường xuyên đến đây mỗi chiếu thứ năm, tay trong tay cầm chùm bóng mầu xanh trong chục kinh nguyện cầu cho gia đình. Gia đình thường được gọi là “tổ ấm”, thế nhưng “tổ ấm” đôi khi biến thành “tổ lạnh”. Những thành viên trong gia đình ở kề cận bên nhau chỉ như những hòn sỏi, bởi họ thiếu chất keo gắn kết là Giêsu. Vợ chồng, con cái, mỗi người chạy theo thú vui của riêng mình, quên đi việc vun đắp, dựng xây “tổ ấm” bằng những cọng rơm nguyện cầu, chia sẻ, hiệp thông. Hình ảnh “thánh gia thời đại” người ta thường bắt gặp ở nhà thờ Chí Hoà mỗi chiều thứ năm là cả gia đình cùng tay trong tay đến với Lòng Thương Xót Chúa. Trong muôn ngàn người đứng chen chân dưới nắng chói chan, nổi bật hình ảnh người chồng một tay cầm dù che cho vợ đang ẵm đứa con, một tay cầm tràng chuỗi nguyện cầu. Còn hình ảnh nào đẹp hơn ? Còn chứùng nhân nào sống động hơn nữa? Chùm bóng màu xanh bay cao biểu tượng của niềm hy vọng, của lòng cậy trông trong lời kinh mà cả gia đình luôn khấn nguyện : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!”

Nghi thức “Nghinh Tân” với những chuỗi kinh đầy ắp chân tình, quyện theo những chùm bong bóng năm sắc mầu tượng trưng cho từng giới, mang theo những ước nguyện của một năm mới trôi đi thật nhanh. Cách thức cầu nguyện sống động, thực tế, chân tình, đơn sơ như thế này đã đưa con người đến gần bên Chúa và gần bên nhau hơn. Không ai bị bỏ rơi trong ý nguyện cầu. Không ai thụ động lẻ loi trong giờ kinh nguyện.

Khách hành hương đầu năm đến đây, dù là lần đầu tiên, cũng thấy mình được liên kết thân tình với Chúa và với nhau như những chùm bóng nối kết bay bổng vượt lên trên những tầm thường nhỏ nhặt hằng ngày. Họ không còn là những cánh én đơn độc lẻ loi, nhưng là đàn chim én bay lượn báo hiệu Mùa Xuân.

Mùa Xuân của Lòng Xót Thương.
Hương Xuân
Một mùa xuân và mãi mãi là mùa xuân…


====================================


XUÂN BIÊN THÙY

Chúa Nhật, hai mươi bốn Tết, khi những chuyến xe Bắc Nam hối hả nâng nhịp cầu đưa người xa xứ về sum họp bên mái ấm gia đình, khi muôn hoa đã đơm bông kết nụ, và bên mỗi hiên nhà, mẹ cha đang mong ngóng con yêu thì Đội Quân Áo Xanh của cộng đoàn Lòng Thương Xót giáo xứ Chí Hoà cũng lên đường đón Tết với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong chuyến công tác bác ái cuối năm ở vùng biên giới Tây Nam, sát biên giới… Campuchia!
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0004.jpg
Chúng tôi đến Giáo xứ Thánh Mẫu Hòa Bình, huyện Châu Thành, Tỉnh Tây Ninh khi mặt trời đã đứng bóng. Cái nắng chói chang của vùng biên giới không chỉ tô đậm sự cằn cỗi, xác xơ của vùng quê nghèo mà như mang cả nỗi buồn trong tiếng gà trưa. Không hiểu Chim Đầu Đàn Lãng Tử lặn lội cách nào mà tìm ra những nơi đèo heo hút gió như thế này. Những nơi mà “nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?” Nếu chúng tôi không đến tặêng quà Tết, những người dân nghèo ở đây có biết xuân sắp về chưa nhỉ ? Có đến tận nơi, thấy tận mắt mới thấu cảm hết những vất vả khó nhọc của bà con giáo dân nơi đây. Chỉ cách xa thành phố trăm cây số thôi mà sao hai thái cực khác nhau thế? Trên thành phố, không khí tưng bừng rộn rã chào đón mùa xuân lung linh sắc màu bao nhiêu, thì nơi thôn dã bầu khí buồn hắt hiu bấy nhiêu! Những em bé trong độ tuổi đến trường vẫn lê những bước chân nặng nhọc trên vai là bó củi che khuất người. Các bà, các mẹ, các chị vẫn mong mỏi kiếm việc làm thuê cho cuộc mưu sinh qua ngày. Và trên những con kênh, dòng suối, em tôi đang mải miết thả lưới giăng câu, ước mong bắt được con tôm, cái tép cho bữa cơm chiều. Nói sao hết những nỗi niềm khi lặng ngắm vóc dáng gầy gò, bé nhỏ, những khuôn mặt ngây thơ nhưng in hằn nét lam lũ tảo tần…

Giáo xứ Thánh Mẫu Hòa Bình nằm trên địa bàn của 3 xã: Hòa Hội, Thành Long, Ninh Điền với tổng 24.000 dân, nhưng giáo dân chỉ có khoảng 700 người, đa số là gốc Campuchia. Đây là vùng biên giới, đất rộng người thưa. Đất hoang cây dại mọc nhiều, còn diện tích có thể canh tác lại rất hiếm. Gọi là đất canh tác, nhưng hoa màu cũng chỉ là khoai mì, nương bắp. Trồng đó, lên đó, nhưng thu hoạch chỉ được những cây trái queo quắt, vàng úa vì thừa nắng mà thiếu nước. Người dân mưu sinh qua ngày chỉ nhờ làm thuê, làm mướn, nhặt phân khô. Chài lưới nay cũng thưa dần vì môi trường nhiễm độc, tôm cá không còn, vì thế nguồn sống của giáo dân lại thêm eo hẹp.

Trong ngôi nhà nguyện nhỏ dưới cái nóng hầm hập, hơn 50 cánh chim xanh chỉ biết dâng lên Lòng Thương Xót Chúa những người anh chị em trong giáo điểm vùng biên giới này. Lời kinh tiếng hát vang lên giữa trưa như mong mưa hồng ân xuống trên vùng đất khô cằn này. Sau phút giây nguyện cầu là giờ… hành động! 100 phần quà Tết được những Cánh Chim Xanh ân cần trao tận tay bà con, không phân biệt lương giáo. Ngoài những bao quần áo, gạo, mì, đường, tượng ảnh, tràng hạt…Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà không quên mang không khí mùa xuân đến cho bà con biên giới bằng những gói bánh mứt thơm ngon và bao lì xì đỏ chói. Nhìn những em thiếu nhi rạng rỡ nhận bao lì-xì và hộp mứt Tết lòng thấy vui lây. Đã thấy Mùa Xuân về trên nét mặt hân hoan của các em rồi. Thương lắm !
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0005.jpg
Rời giáo điểm Hòa Bình trong niềm luyến lưu, những Cánh Chim Xanh bay đến đến Hòa Thạnh. Giáo điểm này khi thành lập đúng là “vạn sự khởi đầu nan”! Ngôi nhà nguyện hiện thời, lúc khởi đầu chỉ là một căn nhà nhỏ lụp xụp bằng cây, lợp lá dùng làm lớp học tình thương và cũng là điểm để gặp gỡ bà con giáo dân. Mỗi năm, linh mục phụ trách chỉ được phép về đây dâng lễ những dịp đăc biệt như Giáng Sinh, Phục Sinh, Tết. Những ngày không được phép dâng lễ, người mục tử không trụ sở vẫn âm thầm đi thăm hỏi từng nhà. Lớp học tình thương trở thành nơi quy tụ bà con giáo dân để đọc kinh và dạy giáo lý cho các em xưng tội rước lễ thêm sức, nhất là những người dự tòng. Nhờ thế, số giáo dân mỗi ngày một tăng. Hạt cải được gieo vào lòng đất, dù khô cằn, nhưng vẫn lớn dần lên… Mấy năm sau, linh mục phụ trách mới được phép đến dâng thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật, rồi đến thường trú và dùng lớp học tình thương làm nhà nguyện dâng lễ mỗi ngày.

Cơ sở lớp học tình thương được làm bằng cây lá lâu ngày, nên đã xuống cấp, không thể sử dụng được, hơn nữa số giáo dân ngày càng tăng. Bởi vậy, linh mục phụ trách đã xin phép xây dựng một ngôi nhà thờ khung bằng sắt, lợp mái tôn. Vì kinh phí có hạn nên mới chỉ xây tường được hai đầu hồi. Hai bên hông nhà thờ được dựng bằng cây tầm vông, vách làm bằng tre nứa. Bà con đi lễ, mùa nắng thì lãnh trọn nắng mặt trời, mùa mưa thì hứng trọn những giọt mưa hắt vào.

Nghề nghiệp chính của bà con vùng biên giới là trồng lúa, trồng mì (với diện tích đất canh tác rất hạn hẹp) và làm mướn. Nhiều người còn mù chữ hoặc trình độ văn hóa thấp (học lớp 2 hoặc lớp 3 là bỏ) cho nên không thể đi xin việc ở các công ty. Vì thế vòng luẩn quẩn nghèo đói cứ tiếp tục từ đời cha mẹ đến đời con cái mà chưa có hồi kết…

Chiều Chủ Nhật cuối năm vùng biên giới vắng vẻ bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Bà con từ các thôn làng xa xôi nô nức kéo đến tham dự thánh lễ tất niên. Người Linh Mục Lãng Tử làm cho bầu khí vui tươi hẳn lên. Thánh lễ được cử hành sốt sắng với phần chia sẻ Lời Chúa được các em thiếu nhi chân quê minh họa tự phát thật sinh động. Những nụ cười rộn rã trên những khuôn mặt rám nắng hằn nét nhọc nhằn gian khó. Chúa thật gần khi con người biết sẻ chia niềm vui nỗi buồn cho nhau. 150 phần quà Tết được những Cánh Chim Xanh nhịp nhàng thoăn thoắt trao tận tay bà con. Chiều nay, bà con biên giới đang cảm thấy Xuân đến rất gần qua những lời chúc Tết chân tình, những hộp bánh mứt, những bao lì xì mà cộng đoàn Lòng Thương Xót Chí Hòa ân cần trao tặng, và tôi bỗng cảm thấy lòng mình ấm áp biết bao. Niềm xúc động nghẹn ngào như muốn trào dâng, cơn gió chiều biên giới làm mắt tôi ướt nhoè. Tôi thầm hát : “Xuân đã đến bên em. Gió Xuân tuyệt vời. Đem hạnh phúc cho đời.

Khi về đừng quên nghe em!” Vâng làm sao tôi quên được, Nguyễn Bính nhắc tôi rằng : “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến. Sao chẳng về đây, chẳng về đây?”

Chúng tôi lên xe khi bóng đêm bắt đầu phủ khắp núi đồi. Vượt qua chặng đường dài trong bóng đêm, hai bên là rừng cây, không một bóng người, không một nóc nhà. Ngoài trời tối đen nhưng trong lòng chúng tôi đang rực sáng lên niềm tin vào Lòng Thương Xót Chúa. Dẫu vẫn còn đó những cực nhọc vất vả trong cuộc mưu sinh của bà con vùng biên giới, vẫn còn đó những thao thức trăn trở ước ao cho “vùng trắng” sớm bớt khó khăn… nhưng tôi biết mình đang vui, đang hạnh phúc bởi tôi tin rằng Lòng Thương Xót Chúa đang hiện diện nơi bà con giáo dân miền sương gió biên thùy qua những Cánh Chim Xanh đem đến cho họ Mùa Xuân của Lòng Xót Thương.

Hoa Hồng
Miền Sương Gió Biên Thùy


====================================


Xuân Yêu Thương

Chỉ còn một tuần nữa là Tết đến, mọi người rộn ràng sửa soạn nhà cửa, sắm sửa những món quà tết, trang hoàng những cây đào, cành mai. Đội Quân Áo Xanh cũng rộn ràng chuẩn bị những món quà Tết không phải cho mình nhưng cho các mái ấm được chia sẻ từ những bàn tay nhân ái của cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa.
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0006.jpg
Sáng sớm ngày 23 Tết, tiễn Ông Táo về Trời, bốn mươi Cánh Chim Xanh với 20 chiếc honđa chất đầy mì, gạo, kẹo, bánh mứt, đường, sữa… toả đến 13 mái ấm rải rác vùng ngoại ô thành phố mang theo sứ điệp “Xuân Yêu Thương”.

*Xuân cho những em Bụi Đời, Mồ Côi, Khuyết Tật
Điểm dừng chân đầu tiên là mái ấm Sơn Kỳ, nơi cưu mang các em nam bụi đời, lang thang, cơ nhỡ ở độ tuổi 7 đến 14. Vốn là thiếu nhi đường phố, không gia đình cho nên rất khó giáo dục, nhưng khi đưa về mái ấm này, được tấm lòng của người phụ trách yêu thương chăm sóc như một người cha trong gia đình, các em đã ngoan nhiều, bớt đi những gánh nặng cho xã hội. Các em vui mừng xúc động khi nhận món quà xuân từ những tấm lòng rộng mở sẻ chia, qua đó các em nghiệm ra rằng mình vẫn còn được yêu thương, cuộc sống của mình vẫn còn giá trị và đáng sống.

Những Cánh Chim Xanh tiếp tục bay đến các mái ấm La Vang, Hương Sen, Truyền Tin. Đây là nơi đang cưu mang các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi trong thùng rác của bệnh viện, hay trước mái hiên nhà. Từ đằng xa, chúng tôi đã nghe được tiếng hát hồn nhiên của các em hòa cùng tiếng vỗ tay rộn rã :
“ Xin chúc anh một mùa xuân hạnh phúc
Xin chúc em một mùa xuân hi vọng…”
Mỗi bạn trong Đội Quân Áo Xanh giang tay bế một em, tặng cho mỗi em một bao lì xì nồng thắm tình người. Ôm các em vào lòng, chúng tôi gởi đến các em hơi ấm mùa xuân. Mặc dù xuân này các em vẫn còn thiếu tình yêu thương của cha mẹ nhưng được đầy tràn tình thương yêu của cộng đoàn Lòng Thương Xót giáo xứ Chí Hòa.

Được đi thăm các mái ấm mồ côi, chúng tôi nhận thấy mình vẫn còn hạnh phúc lắm, còn nhiều việc phải làm để “trả nợ đời, trả nợ người”. Cảm ơn các em đã cho chúng tôi thấy được ý nghĩa cuộc sống, được làm cánh chim báo hiệu Mùa Xuân của Lòng Xót Thương.
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0009.jpg
*Xuân Cho Người Khuyết Tật
Có những người “tàn mà không phế”, đó các anh em khuyết tật ở mái ấm Phan Sinh. Nơi đây có gần hai mươi anh em phải ngồi xe lăn hay đi bằng đôi nạng gỗ. Có anh bán vé số kiếm sống. Có anh vẽ ảnh Lòng Thương Xót Chúa rồi ký gửi nơi các nhà sách công giáo. Có anh kết những móc chìa khóa, hoặc xâu những sợi dây đeo cổ, vòng đeo tay bằng những hạt ngọc trai nhựa, hạt cườm rồi gởi bán ở các chợ. Dù cuộc sống hằng ngày có cơ cực, vất vả nhọc nhằn mưu sinh nhưng các anh luôn tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Lòng tin ấy như thôi thúc chúng tôi vững tin vào Chúa hơn để hăng say loan truyền Lòng Thương Xót Chúa trong những chuyến công tác đến với những mảnh đời rách nát nơi vùng xa xôi hẻo lánh. Mùa xuân này các anh có thêm niềm vui và cái Tết ấm no trong Lòng Chúa Xót Thương.

*Xuân Cho Người Già Neo Đơn
Mái ấm Tân Đông nơi dừng chân của những cụ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” mà không có con cháu chăm sóc. Nằm ngay cạnh nhà thờ, các cụ cảm thấy mình luôn được ở bên Chúa, bên Mẹ. Các cụ cảm nhận được sự thanh thản, bình yên của tuổi già khác hẳn với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, năng động của tuổi trẻ chúng tôi. Đến chúc Tết các cụ, chúng tôi học được “Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, phải thảo hiếu với ông bà, cha mẹ thì mới xứng đáng là con của Chúa. Tay run run nhận món quà, một bà cụ dặn dò chúng tôi : “Các con cứ trông cậy vào Chúa vào Mẹ. Chỉ có cậy dựa vào Chúa, cuộc sống của các con mới bình an hạnh phúc”.

*Xuân Cho Người Lầm Lỡ
Cầm đôi bàn tay gầy guộc, chai sần của các cụ và xin phép ra về trong quyến luyến, những Cánh Chim Xanh bay đến mái ấm của những bạn trẻ lầm lỡ ở Phú Nhuận. Một vài chị đã sinh em bé. Chúng thật dễ thương. Chỉ tội là không biết mặt cha! Chúng tôi tranh nhau ẵm em bé mãi. “Những đứa con như những thiên thần của các bà mẹ”. Chúng tôi cảm thấy trong ánh mắt của các chị sáng lên niềm hạnh phúc vì cảm nhận được “Hạnh phúc là bị mất đi một thứ gì đó nhưng được nhận lại một thứ khác lớn lao hơn”.

*Xuân Cho Người Nhiễm HIV
Mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà, những Cánh Chim Xanh bay đi báo hiệu Mùa Xuân không thể quên những anh em đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ mà cuộc sống được đếm từng ngày. Trong mái ấm này, có nhiều bạn còn rất trẻ, tuổi đời chưa đến hai mươi, trên mình xâm đầy những hình rồng, rắn, đại bàng… Các bạn vẫn còn yêu cuộc sống lắm, nhưng chính các bạn lại tự đánh mất nó trong những giây phút yếu lòng, thiếu tự chủ. Mỗi khi nhìn cành mai chớm nụ báo hiệu một mùa xuân nữa lại đến, các bạn mang tâm trạng vui buồn lo âu lẫn lộn. Vui vì tết là niềm vui chung của đất nước, của mọi người. Buồn vì nỗi cô đơn, nhớ người thân, bạn bè, nhớ cảnh sum họp đoàn tụ gia đình nay không còn nữa. Lo vì căn bệnh ngày càng nặng thêm, sức khoẻ tàn lụi dần. Một bạn trẻ tâm sự với chúng tôi : “Mình đã từng một thời ngang dọc, ăn chơi không thiếu thứ gì, sống bất cần đời và bất chấp pháp luật.

Thế nhưng khi biết bị dính HIV, mình đã thật sự ăn năn hối lỗi và đã quay trở về với Chúa để tìm sự bình an trong những ngày còn lại, để ra đi thanh thản…” Cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa và Đội Quân Áo Xanh mong ước mang lại cho các anh một mùa xuân mới, một cái tết an vui. Chỉ có Lòng Thương Xót Chúa mới đem lại mùa xuân tươi đẹp và cuộc sống an bình trong quãng đời còn lại của các anh.

*Xuân Cho Người Khiếm Thị
Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình báo hiệu mùa xuân của những Cánh Chim Xanh là mái ấm Thiên Ân, nơi cưu mang những người khiếm thị. Các bạn ở đây luôn ao ước được nhìn ngắm mùa xuân thắm tươi, đầy màu sắc, được thấy cái tết có bánh chưng xanh bên dưa hấu đỏ, cành mai vàng và cành đào hồng tươi. Dù không thấy sắc mầu của mùa xuân, nhưng họ đã cảm được xuân đang về qua những phần quà trao tận tay, qua những cái xiết tay ắp đầy yêu thương, qua những lời hỏi han ân cần và lời chúc thân tình. Có những điều kỳ diệu trong cuộc sống đâu nhìn thấy bằng mắt mà chỉ cảm được từ trong trái tim. Những Cánh Chim Xanh đến đây như muốn thắp sáng lên trong tim các bạn khiếm thị niềm hi vọng, hân hoan đón chào mùa xuân mới.

Trải qua một ngày rong ruổi đi đến từng mái ấm, những Cánh Chim Xanh học được rất nhiều điều hữu ích. Họ thấy mình nhận được nhiều hơn là cho. Họ hiểu ra rằng “hạnh phúc có quanh đây đâu là chuyện bất ngờ…” và “Đời ta chỉ sống có một lần thôi. Cho nên cuộc sống quý giá vô cùng. Phải sống sao cho xứng để chết đi không còn oán than gì. Chỉ thấy sung sướng khi đời mình cống hiến cho anh em.”

Mùa xuân mới đang đến. Mùa xuân Năm Thánh. Cám ơn những món quà và những tấm lòng rộng mở của cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa đã đem đến cho các mái ấm một mùa xuân yêu thương, một cái tết tràn ngập niềm vui bên cành mai vàng rực rỡ, cành đào đỏ thắm và bánh chưng xanh thơm nức trong Tình Mẹ chan chứa và Lòng Chúa bao la.

“Năm Mới Tình Mẹ Luôn Chan Chứa
Xuân Về Lòng Chúa Mãi Xót Thương”


Hoàng Phương
Xuân 2010 nồng ấm


====================================



MAI NỞ GIỮA VƯỜN CHUỐI

Năm Thánh Lộc Chúa Đổ Hồng Ân
Canh Dần Ơn Mẹ Ban An Bình
http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0011.jpg
Ngày 30 tết thật nhộn nhịp. Các chợ hoa tấp nập kẻ qua người lại. Trên đường phố hàng hàng lớp lớp cây mai, cây đào, hoa lan, hoa cúc… đua nhau khoe sắc. Trong các nhà, mọi người nô nức trang hoàng bàn thờ Chúa, bàn thờ tổ tiên, trưng hoa nến, bày mâm quả. Nhiều gia đình còn làm lễ đón ông bà về ăn Tết. Trong Đội Quân Áo Xanh có một số bạn đã về quê, một số ít ở thành phố. Các bạn cũng đang sửa soạn nhà cửa cho khang trang. Ai nấy đều có công việc riêng cho gia đình.

Bỗng các bạn trong Đội Quân Áo Xanh ở thành phố nhận được tin nhắn của Chim Đầu Đàn: “Mời các bạn tập trung ở nhà thờ Chí Hòa lúc 13g30 để đi phát quà cho người nghèo tại nhà thờ Vườn Chuối ở quận 3. Nhớ mặc áo xanh, mũ xanh, đi xe honda.” Sao lạ lùng thế ? Ba mươi tết mà người lm. Lãng Tử vẫn chưa chịu nghỉ ngơi sao? Làm sao có đủ người phục vụ cho chuyến công tác cuối năm đây? Aáy thế mà đúng giờ hẹn, hơn năm mươi Cánh Chim Xanh đã có mặt đầy đủ trong tư thế sẵn sàng lên đường.

Vườn Chuối là một trong những ngôi nhà thờ nhỏ nhất thành phố. Ngôi nhà thờ nhỏ bé khiêm tốn nằm sâu hun hút trong một con hẻm nhỏ, giữa một khu vực có tới ba ngôi chùa, hai ngôi tự và một tam tông miếu.

Chính vì thế khi đi lễ, mọi người đều phải gửi xe tại một ngôi đình bên cạnh nhà thờ. Người ta nó rằng vùng đất này ngày xưa chỉ trồng toàn chuối cho nên gọi là Vườn Chuối. Tên “Vười Chuối” chính thức được đặt cho một con đường ở đây vào năm 1955 và tồn tại đến ngày nay. Nhà thờ được xây trên khu vực này nên cũng lấy tên là “Vườn Chuối”. Giáo xứ Vườn Chuối có 1430 giáo dân trên tổng số 24000 dân cư, trong đó có 6000 di dân. Nghe đến giáo xứ Vườn Chuối ngụ tại trung tâm thành phố ai cũng nghĩ giáo xứ chắc rất lớn, nhưng khi đến nơi, chúng tôi thấy nhà thờ chỉ là một ngôi nhà tạm cấp 4 với diện tích vỏn vẹn 4x20. Khu vực chung quanh nhà thờ vẫn còn tồn tại những tệ nạn xã hội, xì ke, ma túy, cờ bạc, cho vay nặng lãi… Những tệ nạn đó làm cho cuộc sống người dân không phát triển được, do đó có nhiều gia đình còn gặp khó khăn.

Thật xót xa. Chỉ cách nhà thờ khoảng hơn 100m thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng, cao ốc văn phòng, những chung cư cao cấp đồ sộ, thế nhưng đi sâu vào những ngõ ngách, những con hẻm nhỏ heo hút ở xung quanh khu vực Vườn Chuối lại thấy san sát những căn nhà mái tôn thấp lè tè, nhà cấp bốn siêu vẹo, những khu nhà trọ của người di dân. Hai mảng sáng tối của cuộc sống đối nghịch nhau ngay giữa lòng thành phố.

Khoảng cách giầu nghèo như vực thẳm sâu hun hút! Sáng 30 tết, cha phụ trách đến các khu vực này gửi cho họ những tấm phiếu để họ đến nhận món quà xuân của cộng đoàn cầu Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Chí Hòa trao qua những Cánh Chim Xanh.
Những người đi nhận quà đa số là những bà cu. Một bà lu khụ ôm gói quà cho biết con cái bà vẫn phải đi làm mặc dù hôm nay đã là 30 tết, đứa thì chạy xe ôm, đứa đi giúp việc nhà cho người ta. Có người khuyết tật đang đi bán vé số cũng tranh thủ chạy về đưa phiếu nhận quà. Một chị vừa ẵm đứa con trai kháu khỉnh tròn hai tuổi vừa đưa phiếu xin nhận quà.

Chị tâm sự: “ Quê tui ở Quảng Ngãi, vào đây được bốn năm. Chồng làm thợ hồ vất vả suốt ngày. Tui đi giúp việc nhà cho một gia đình gần đó.Cuộc sống vẫn còn khó khăn. Mặc dù là người không có đạo, nhưng tui cảm nhận những người có đạo thật tốt bụng. Chiều ba mươi Tết mà mấy cô chú còn chịu khó đến tận nơi trao quà tết cho xóm nghèo này. Tui cảm động lắm!”
Những người đến nhận quà ai cũng đều vui tươi, nét mặt hớn hở. Họ nói rằng chưa có cái tết nào được những phần quà có ý nghĩa như thế này. Leo lên cầu thang nhỏ hẹp để vào cầu nguyện trong ngôi nhà thờ nhỏ có từ năm 1956. Những Cánh Chim Xanh múc lấy sức mạnh nơi Thánh Thể để tiếp tục ra đi loan truyền Lòng Thương Xót Chúa cho những nơi “có người đón xuân quên cười”.

Trên cung thánh nhà thờ, những cánh hoa mai nở từng chùm vàng rực đón một cái Tết đầy hồng ân của Chúa và an bình của Mẹ Maria. Năm Thánh này, mùa xuân đã về với giáo xứ. Mai nở giữa Vườn Chuối!

HP
Mai vàng Năm Thánh


====================================


“CON NAY TRỞ VỀ”

http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0012.jpg

Hơn 30 năm, chị Maria Đặng Thị Kim Yến thuộc Giáo Xứ Phanxicô Xavie (còn gọi là nhà thờ Cha Tam) phải sống trong tình trạng rối vì lập gia đình với người chồng không có đạo mà chưa xin phép chuẩn hôn phối.

Ba người con của chị tuổi đã hơn 20 nhưng chưa có ai được chịu phép Thánh Tẩy. Cuộc sống của chị đầy nỗi sợ hãi, buồn phiền vì mất ơn nghĩa với Chúa. Ngày đêm chị âm thầm cầu nguyện xin Chúa thứ tha và mong ước sớm được giao hòa với Chúa.

Chúa đã nhận lời người con thống hối ăn năn. Mưa hồng ân đã bắt đầu đổ xuống trên gia đình chị. Chồng chị đã được làm con Chúa trước khi lìa bỏ trần gian với căn bệnh ung thư gan. Cuộc đời còn lại chị quyết tâm phục vụ Chúa hết mình để đền bù những lỗi lầm xưa.

Là hội viên nhóm Thánh Mẫu của giáo xứ, chị tích cực tham gia mọi công tác của nhóm, nhất là những công việc nặng nhọc khó khăn. Chị có mặt trong những ngày đầu tiên khai sáng giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa lúc 3 giờ chiều mỗi ngày của Giáo xứ (tháng 12/2006) với công việc dọn bàn thờ, chuẩn bị sách cho cộng đoàn cầu nguyện. Để phát triển việc cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa trong Giáo xứ, chị đã lặn lội đến tận nhà và kêu mời được nhiều người đến tham dự buổi cầu nguyện và đưa sách đến tận tay để họ đọc .

Sức khỏe đang tràn đầy, lòng đạo đức đang sốt sắng, thế mà đầu tháng 6/2009 căn bệnh hiểm nghèo đã đến với chị. Mọi người đều bàng hoàng khi biết chị bị ung thư tử cung giai đoạn III. Nhà nghèo mà mang căn bệnh này thì chết chắc thôi. Nhưng khi chứng kiến sự dũng cảm chịu đựng những cơn đau hành hạ và sự hy sinh quên mình của chị thì mọi người đều ngạc nhiên và cảm phục. Đau thì đau, phục vụ cứ phục vụ. Chị phải nhập viện ngày 07 - 08 – 2009, Khoa Xạ Trị.

“Bệnh nặng đấy!” nhưng chị xin điều trị ngoại trú để mỗi sáng được đến nhà thờ tham dự thánh lễ, và mỗi buổi chiều trong giờ cầu nguyện được tự tay khiêng ảnh Lòng Thương Xót Chúa.
“Đau nhiều lắm đấy!” nhưng mỗi Chúa Nhật chị vẫn thức dậy từ 3 giờ sáng vào căn tin trong nhà thờ để nhóm bếp, chuẩn bị các công việc đầu tiên cho chị em khác đến sau nấu hủ tíu, pha cà phê để phục vụ bà con giáo dân trong các thánh lễ buổi sáng Chúa Nhật. Dù biết mình đang mang “án tử” với bệnh ung thư giai đoạn III, chị vẫn vững lòng trông cậy, phó thác nơi Lòng Thương Xót Chúa. Noi gương Mẹ Maria, chị đón nhận căn bệnh hiểm nghèo với lời “Xin Vâng”. Cùng với cộng đoàn Lòng Thương Xót của Giáo Xứ, chị thiết tha cầu nguyện mỗi ngày vào lúc 2giờ30 chiều để nhờ lời Mẹ chuyển cầu xin Chúa ban ơn chữa lành cho chị.

Những chứng nhân Lòng Thương Xót Chúa đăng trên Tập San “Nhờ Mẹ đến với Chúa” khi nhận được ơn, luôn thốt lên lời ca tụng “Lòng Thương Xót Chúa quá tuyệt vời!” Đúng như lời Chúa đã phán với chị Thánh Faustina : “ Dù rằng trời đất này biến ra không, nhưng Lòng Thương Xót của Ta luôn ấp ủ một linh hồn tín thác”. Chúa đã “đoái nhìn đến phận hèn nữ tỳ Chúa”. Sau hơn 3 tháng xạ trị bằng hóa chất tại Bệnh Viện Ung Bướu, hiện nay sức khỏe của chị đã trở lại bình thường, nước da hồng hào, bước đi thoăn thoắt như người chưa hề bị bệnh ung thư.

Thêm một điều lạ lùng nữa từ Lòng Thương Xót Chúa là người con trai lớn của chị đã đi học Giáo lý cùng với bạn gái, đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và ngày hôn lễ của con cũng chính là ngày chị được bác sĩ Lê Anh Phương, Bệnh Viện Ung Bướu, người chịu trách nhiệm điều trị cho chị, thông báo chị đã được lành bệnh một cách “kỳ diệu”, và cho chị xuất viện ngày 17-11-2009. Nhận biết mẹ mình được Chúa ban ơn chữa lành, người con thứ hai cũng hứa sẽ dẫn bạn gái đi học giáo lý để theo đạo của mẹ.

Cộng Đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Phanxicô Xavie (Chợ Lớn) xin tạ ơn Chúa đã ban cho Cộng Đoàn chúng con rất nhiều ơn không thể kể hết, chỉ muốn nêu lên một gương sáng của một người trung tín biết hoàn toàn tín thác nơi Lòng Thương Xót Chúa và Mẹ để chúng con mãi mãi “Ngợi ca Lòng Thương Xót Chúa…”
Vũ Thị Hoa

Ghi lại theo lời chứng của chị Kim Yến


====================================



BÂNGKHUÂNG
Tản mạn Mùa Chay


http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0013.jpg

Càng lớn tuổi, mỗi một Mùa Chay trở về lại cho tôi thật nhiều ý nghĩa, thật nhiều ý tưởng sâu đậm, về cuộc đời của mình đã sống như thế nào trên cõi tạm trần gian này. Mùa Chay giúp cho tôi khao khát để tìm và muốn được gần gũi Chúa của tôi hơn bao giờ hết. Mùa Chay cho tôi thật nhiều tâm tình để biết sống thật với lòng mình.

Mùa Chay giúp cho tôi cởi mở tấm lòng để đón nhận Chúa vào tâm hồn của tôi. Mùa Chay giúp cho tôi tìm đến để sống gần gũi với anh chị em của tôi. Mùa Chay nhắc nhở cho tôi thấy rằng cuộc sống đời này chỉ là cõi tạm và mọi thứ sẽ không còn là của tôi.

Nhìn lại một năm qua,

Những chuyến công tác bác ái mà tôi được tháp tùng “trên mọi nẻo đường” cùng cộng đòan lòng thương xót Chúa giáo xứ Chí Hòa. Những cánh chim xanh bay đi không biết mỏi. Nghĩ lại mà rùng mình, nhưng cũng đã vượt qua.

Nằm trên cái sạp gỗ ọp ẹp nơi gác xép, đắp cái mền không đủ ấm, nghĩ về cuộc sống và con người những nơi tôi đến mà nghiệm ra bao điều lạ lùng, nhưng cảm thấy ấm áp lắm!
Tôi biết rằng những nơi tôi đến, tôi hoàn toàn chẳng đem theo được một thứ gì mà cả cuộc đời tôi đã từng vất vả, lo toan... Mùa Chay đã nhắc nhở cho tôi biết rằng tấm thân hay chết này của tôi rồi thì cũng sẽ trở về với đất. Nhắc nhở cho tôi hãy biết dừng lại và luôn kiểm điểm nơi chính mình; hãy biết dừng lại những hành vi không tốt với đồng lọai; dừng lại những thú vui; dừng lại để ăn năn sám hối và tìm đường trở về cùng Chúa là Đấng luôn thương xót và yêu thương con cái nhân loại của Ngài.

Tôi nghe rất nhiều người thường đến với Chúa để than thở ỉ ôi và khẩn cầu với Ngài tha thiết lắm! Rằng sao những lời van xin không được Thiên Chúa chấp nhận và ban ơn? Tôi cũng được biết con người mà; dễ dầu bền tâm chí trong những gì khi đã xin với Chúa. Dễ ra thất chí. Dễ than trách. Dễ ra nản lòng. Và cũng dễ ra chai đá và kiếm cớ để làm những điều tội lỗi và đổ thừa rằng tại vì Chúa không ban cho.

Mùa Chay giúp cho tôi tu luyện thêm về đức tin. Mùa Chay giúp cho tôi hiểu thêm về tín lý và giáo điều của Chúa. Giúp cho tôi cứng rắn hơn nữa để không chiều theo thân xác yếu hèn đầy tội lỗi này. Như một lần tĩnh tâm, cha linh hướng cộng đòan lòng thương xót Chúa giáo xứ Chí Hòa nhắn nhủ: “Mùa Chay – Mùa Bố thí, Ăn Chay và Cầu nguyện”

Vâng, Mùa Chay là dịp giúp cho tôi hiểu hơn về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vì ai mà Ngài đã phải xuống trần. Vì ai mà Ngài đã phải chịu chết trong nhục nhã đớn đau tột cùng. Vì ai và với mục đích gì mà Ngài đã tỏ lộ sự phục sinh của Ngài cho môn đệ được thấy và được chứng kiến.

Ai đã hiểu được trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Ai đã hiểu được sự lựa chọn một cách điên rồ của Ngài muốn chết cho cái nhân loại mang đầy tội lỗi. Ai đã cảm thông được cái giá Ngài phải trả vì quá yêu nhân loại. Ai, ai trong con người có trí hiểu biết tường tận vì sao mà Ngài là Con Một Thiên Chúa Cha, lại xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ? Có phải trí hiểu biết hạn hẹp của con người chỉ hiểu được rằng vì Chúa yêu con người, có thế thôi không? Và nếu hiểu được như thế ắt đã đủ cho cái chết tang thương của Ngài.

Tôi tự nghĩ nếu cứ ngồi đó ôm giữ quá khứ cũng chẳng giữ được gì, lo lắng trước tương lai mà được chi, vì ngày mai là chuyện chẳng ai thấy. Cái đồng hồ thời gian đã chạy biết mấy thiên niên kỷ rồi, nhưng với mỗi con người thì lúc nào cũng vẫn là hôm nay và hôm nay nữa, lúc này và lúc này nữa. Có những người suốt đời lo lắng tương lai để rồi chẳng bao giờ có hiện tại.
Thật vậy, từ em học sinh cắp sách đến trường, cho đến người mẹ buôn gánh bán bưng, tất cả như đang lao mình về phía trước nhưng vẫn cứ là hiện tại, vậy thì chẳng dại gì chất thêm nỗi lo về tương lai để bước chân trở nên tất bật, hối hả, thêm quá khứ bước chân thêm nặng nề,nhưng nếu chỉ có hiện tại thì bước chân sẽ thanh thản, tươi vui, và luôn tỉnh táo, và nếu bước đi như thế thì làm gì không có tương lai. Nhìn anh chồng trẻ với chị vợ tay ẵm tay bồng, thế mà họ vẫn quây quần bên bếp lửa hồng tranh tối tranh sáng, không ồn ào, đơn nghèo, những bữa ăn đạm bạc ai nói không ngon, còn tôi chỉ đứng nhìn đã chết thèm, còn Đấng giàu lòng thương xót thì đang lặng lẽ sưởi ấm cho họ.

Và mùa Chay nữa đã đến.

Những tất bật chuẩn bị cho những chuyến công tác bác ái mùa Chay Thánh này đang diễn ra.
Con người ở đây không đứng đợi và cũng không lo vì thiếu thốn, những tấm lòng rộng mở sẽ tới trước phúc lộc của Trời.Các mối phúc của nước trời đặt con người trước tương lai, nhưng lại cho con người được chạm chân vào ngay trong hiện tại : khắc khoải mà an bình, xót xa mà thanh thóat, con tim rướm máu đang khi đôi môi cất cao lời kinh hiến tế của Ngôi Con, lời kinh của lòng tín thác và yêu mến với trọn tình con thảo.

Mùa Chay năm nay, xin cho con biết trở về, khao khát tình yêu của Chúa. Xin cho con biết ngoài Chúa ra, con bất lực, không làm được gì nếu không có Chúa. Con ngu lắm Chúa ơi! Cứ tưởng tài năng và tiền của sẽ cho con có được hạnh phúc. Con không biết rằng tất cả những thứ phù du ấy, chẳng khác nào như cơn gió thoảng, như một cái chớp mắt. Và muôn đời con vẫn luôn chứng kiến những con người ra đi bất đắc kỳ tử không kịp trao lại một lời trăn trối cho những người thân yêu.

Xin cho chúng con trong mùa Chay Năm Thánh này, biết mở lòng cho đi, biết giá trị của một con người đối với một con người, bởi chẳng có ai giàu đến ba họ, và cũng chẳng có ai khó đến ba đời, nên ăn ở sao cần thiết nhất là luôn sống đẹp lòng Thiên Chúa và được mọi người yêu mến, thì Nước Trời của những anh chị em này là ngay trong lòng trong tâm hồn của họ. Và Tình Yêu của Chúa cũng luôn hiện diện trong tâm hồn, trái tim, trong cuộc đời của chúng con từng ngày một.

Hãy sống cho đi để được tha thứ, được trở về trong tình Chúa – tình Chúa luôn xót thương con người. Amen.

Tản mạn Chay Thánh 2010
KiemkhachChieuTrien


====================================



Chứng Nhân Lòng Thương Xót Chuá và Đức Mẹ

http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/TapSanDucMeThang3_clip_image002_0014.jpg

1. Tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Sau khi được người bạn dắt đến cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa ở nhà thờ Chí Hoà chiều thứ năm, vợ chồng con đã biết đọc kinh tối với nhau, vì hơn 20 năm qua vợ chồng con chưa bao giờ đọc kinh chung với nhau, và con cái của con đã biết hoà thuận yêu thương nhau.

2. Gia đình con khó khăn, nhờ cha và cộng đoàn cầu nguyện cho con có chỗ ngồi ổn định để bán hàng, Chúa đã nhận lời và ban cho con còn hơn sức con tưởng tượng. Con trai của con ở ngoài Bắc đã bớt được ma túy. Con xin cảm tạ Chúa.

3. Con chưa tìm được việc làm, nhưng Chúa vẫn nuôi dưỡng con khi thất nghiệp. Cảm ơn Chúa, nhờ thất nghiệp con mới được gần gũi Chúa và làm việc cho Chúa.

4. Chúa ơi, qua lời bầu cử của Mẹ, nhà con được nhiều ơn lắm. Con đã làm bài thi học kỳ I rất tốt. Mẹ của con bớt bệnh và khỏe mạnh hơn. Chị con chăm học hơn. Bố con bớt uống rượu. Anh con hiền hơn. Con cám ơn Đức Mẹ.

5. Con đã ăn chơi quá đáng để rồi phải chịu lấy hậu quả tai hại. Con bị nhiễm một căn bệnh từ tội lỗi của con để lại. Con đã chạy đến cùng Mẹ, qua Mẹ, ăn năn thống hối tội lỗi xin Chúa thứ tha. Lạ lùng thay ! Con đã đi xét nghiệm máu 2 lần, lần 3 tháng và lần 6 tháng. Kết quả con chưa bị nhiễm HIV.

6. Sau nhiều lần nhờ cha và cộng đoàn cầu nguyện cho bố con được ơn trở lại. Bây giờ, bố con đã thực sự không còn chơi bài bạc số đề nữa và cũng đã bỏ được rượu. Đặc biệt là bố con siêng năng đi nhà thờ và tham gia sinh hoạt ở giáo xứ.

7. Tạ ơn Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ, Chúa đã thương thay tính đổi nết cho chồng con. Anh ấy đã biết suy nghĩ lại, bỏ bớt tật rượu chè, biết quan tâm đến gia đình và thương yêu vợ con hơn.
8. Mẹ ơi ! Mẹ đã biết hết những nỗi khổ của con. Hai đứa con của con mắc bệnh thế kỷ, nhưng cháu ngoại của con không bị nhiễm HIV, cháu đã được 5 tuổi, khoẻ mạnh ngoan ngoãn. Sau 7 năm lận đận gian nan, nay các cháu đã có công ăn việc làm ổn định. Con xin cảm tạ Chúa và Mẹ Maria.

9. Ôi! Con vui mừng quá vì gia đình con đã bớt những tiếng cãi nhau và chửi thề. Bố của con cũng đã bớt uống rượu, đã trả được một phần nào số nợ. Và ơn lớn nhất đó là gia đình con đã đọc kinh mỗi tối, lúc 3 giờ chiều thì đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa.

10. Con tạ ơn Chúa đã cho con trả được số nợ rất lớn do chồng con cờ bạc. Dù khó khăn thử thách nặng nề mà lòng con vẫn thấy thanh thản.

11. Con là Maria Phan Thị Ngọc Cẩm. Trước đây, con đã bị bại một chân phải, con đã chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Được tin cha và Cộng Đoàn Lòng Thương Xót xứ Chí Hoà đi hành hương Tàpao và về dâng lễ ở nhà thờ Đồng Kho, con vội vã đến xin cha và cộng đoàn cầu nguyện cho con. Tạ ơn Chúa, con đã được Chúa chữa lành chân. Con xin hứa từ nay về sau luôn nhớ đến Chúa, và cầu nguyện cho những ai chưa biết Chúa để họ được đến với Chúa.
12. Con cám ơn Chúa vì Hồng Ân dạt dào mà Chúa đã ban cho con trong suốt một năm qua. Nhờ đến với Lòng Thương Xót Chúa mỗi thứ năm ở Chí Hoà mà con đã xa rời được cuộc sống chơi bời trác táng. Chúa đã biến đổi con, vì trước đây con luôn khinh ghét người khác, chỉ biết sa đọa vào những trò chơi vô bổ thâu đêm suốt sáng.

13.Trong năm qua, gia đình con được mọi sự bình an, vợ chồng con đã hòa thuận với nhau, nợ nần cũng trả được bớt. Gia đình con xin tạ ơn Chúa và Mẹ. Xin Chúa và Mẹ ban ơn thêm sức và đồng hành với gia đình con luôn mãi.

14. Qua lời bầu cử của Mẹ Maria, Chúa đã ban cho gia đình con được bình an, mạnh khỏe, công việc làm ăn thuận lợi. Chúa đã ban cho tâm hồn con bình an và bớt nóng nảy. Cám ơn Chúa vì qua những khó khăn con biết mến yêu và trông cậy vào Chúa nhiều hơn.

15.Qua lời bầu cử của Mẹ đến với Chúa, gia đình con đã tai qua nạn khỏi, bớt cãi nhau, con cái được khỏe mạnh, anh em được đoàn tu, trên thuận dưới hòa. Con cám ơn Chúa và Mẹ.

16. Con là Nguyễn Phước Hùng vợ con là Phạm Minh Trang. Vợ chồng con có nhờ cha và cộng đoàn cầu nguyện cho vợ con sinh được mẹ tròn con vuông vì các bác sĩ siêu âm và xét nghiệm đều quả quyết 90% cháu sẽ bị down. Chúa đã làm điều lạ lùng. Vợ con sinh bình thường, không phải mổ. Chúng con được một cháu trai khỏe mạnh. Vợ chồng con mừng lắm chỉ biết cảm ơn cha và cộng đoàn.

17. Có những lúc con quá tuyệt vọng vì sau khi chồng con bị tai biến nằm liệt một chỗ, con phải lo cho 5 đứa con đi học. Trong lúc quá lo lắng khổ sở, con mang bệnh nặng, trong nhà không có một đồng nào. Hằng ngày con chỉ biết cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa soi sáng cho con biết phải làm cách nào. Chúa và Mẹ đã chữa con khỏi bệnh. Chồng con tỉnh táo hơn. 5 đứa con của con học hành đến nơi đến chốn, đến nay đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định. Chúa và Mẹ đã ban cho gia đình con ngày hôm nay thật ấm êm, hạnh phúc. Con xin hứa sẻ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo như con.

Lm. Giuse Trần Đình Long