PDA

View Full Version : DĐ - Định luật đau khổ



Dan Lee
03-03-2010, 10:47 PM
Định luật đau khổ

Lễ lớn nhất của Kitô Giáo là Lễ Phục Sinh chứ không phải Lễ Chúa chịu chêt vào thứ Sáu Tuần Thánh. Niềm tin Kitô giáo đặt trọng tâm nơi Đức Kitô phục sinh dù rằng sự hy sinh, đau khổ và tử nạn luôn gắn liền với Chúa phục sinh. Trong Tin Mừng Nhất Lãm, Ðức Kitô loan báo ba lần rằng Ngài sẽ chiu đau khổ, chịu chết nhưng sau ba ngày Ngài sẽ chỗi dậy. Thánh Phaolô qủa quyết rằng nếu Ðức Kitô không sống lại thì chúng ta sẽ là những kẻ khốn nạn nhất và đức tin của chúng ta trở nên hão huyền. Tạ ơn Chúa, trong mỗi thánh lễ, chúng ta tuyên tín đức tin vào Ðức Giêsu chịu chết và sống lại. Ðức tin của chúng ta sẽ trống rỗng nếu Ðức Kitô không sống lại, và sự sống lại của Ðức Kitô sẽ không đạt đến tuyệt đỉnh của vinh quang, nếu Ngài không trải qua hy sinh và đau khổ. Như vậy, không thể chỉ có một Ðức Kitô chịu chết mà thôi, và cũng không thể chỉ có một Ðức Kitô Phục Sinh mà thôi. Ðó là lý do tại sao những vết thương trên thân thể Ngài vẫn còn đó, ngay cả sau khi Ngài đã phục sinh. Năm dấu thánh của Chúa chính là những dấu ấn tình yêu luôn luôn gắn liền với sự phuc sinh vinh quang của Ngài. Ðau khổ và vinh quang phải đi với nhau và không thể tách rời nhau được.

Những kinh nghiệm trong cuộc sống đã dạy cho tôi một bài học rõ ràng và minh bạch về sự liên kết mật thiết giữa đau khổ và vinh quang. Người Mỹ có câu “No pain no gain.” Tạm dịch là “không đau khổ thì không vinh quang.” Tôi đã từng đap xe đạp để đi học và đi đây đó ở Sai Gòn. Mỗi khi phải leo cầu thì rất mêt nhọc và vất vả. Cầu càng cao thì đạp xe càng mệt, nhưng càng mệt bao nhiêu thì niềm vui sướng của sự thả dốc càng lớn. Cũng vây, học hành càng trải qua khó khăn vất vả, thì niềm vui của bài thi đậu đạt điểm cao càng to lớn. Có được một sức khỏe tốt hoặc một thân hình đẹp đẽ không phải là chuyện dễ dàng ở bên xứ Mỹ giàu có này, mà phải ăn uống điều độ và nhất là phải tập thể dục đều đặn. Không tập thể dục thì thôi, một khi đã tập rồi thì ngày nào không tập sẽ cảm thấy mệt và yếu hơn. Có những lúc mệt quá muốn bỏ cuộc không tập nữa, nhưng nghĩ đến sức khỏe tốt và đầu óc minh mẫn sau khi tập thì lại ráng tập tiếp. Nhìn vào những gia đình thành công và giàu có, hầu như ai cũng trả giá bằng biết bao giọt mồ hôi, nước mắt, đồng tiền tiết kiệm và nhất là tính chuyên cần và chăm chỉ làm việc. Muốn có niềm vui trong gia đình và con cái khôn lớn nên người, cha mẹ cần phải hy sinh nhiều lắm. Họ phải hy sinh giấc ngủ để chở con cái đi học, di lễ, đi sinh hoạt trong những nhóm tốt. Ho phải nhịn đi nhiều thứ cho riêng mình để nhường cho con cái và hướng về chúng. Nói tóm lại, tất cả mọi sự tốt lành và vinh quang phải đi qua một cửa ngõ, cửa ngõ của sự hy sinh. Không ai muốn chọn phần hy sinh gian khổ, nhưng chúng lai tối cần thiết để giúp cho một người trở nên một người tốt trong xã hội.

Một điều chúng ta là các bậc cha mẹ nên lo cho con cái: đó là lo vì con cái chúng ta quá sướng. Thật vây, vì con cái chưa trải qua hy sinh gian khổ, nên khó lòng đường đầu với những khó khăn và thử thách sắp tới. Vì có sẵn những phương tiện vất chất như thức ăn, áo mặc, đồ chơi, đồ dùng…nên con cái chúng ta ít có được những cơ hội gọi là nhịn đói, nhịn chơi, nhịn nhục, san sẻ, chấp nhận kỷ luật, phiền toái và hy sinh.

Nhớ lại hồi còn bé, tôi quá sức vui mừng mỗi khi có được một cái áo mới để mặc trong ngày Noen, và nhất là còn giây phút nào thích thú cho bằng được cằm cái đùi gà trên tay trong ngay Tết. Nghèo và khổ vậy đó, nhưng khi được chút niềm vui và sự chia sẻ của ai, thì y như đang sống trên thiên đàng vậy. Phải nếm cái nghèo thì mới biết cách hưởng cái giàu; phải biết khổ thì mới biết suớng; phải trả giá hy sinh thì mới biết hưởng thành công đạt được; vá nhất là phải chết trong yêu thương phục vụ thì mới biết hưởng thế nào là phục sinh trong vinh quang.
Chúa Giêsu đã trải qua nghèo khó, hy sinh và đau khổ đến mức tận cùng rồi, cho nên niềm vui phục sinh của Ngài chắc chắn rất vĩ đại. Ngài xuống thế từ trơi cao, sống khiêm nhường, nghèo khó, chia sẻ, yêu thương và tha thứ. Ngài khiêm nhường đến độ cúi xuống rửa chân cho những tôi tớ của Ngài. Ngài chịu khổ hình và bị chửi rủa một cách thâm tệ trong những giây phút hấp hối đau đớn nhất. Ngài vẫn bình tĩnh và mạnh mẽ biểu lộ lòng yêu thương và tha thứ cho kẻ thù của Ngài. Ngài đã khổ nhất thì chắc chắn Ngài hạnh phúc nhất. Ngài đã chết thê thảm nhất thì Ngài cũng sẽ chỗi dậy vinh quang nhất.

Thánh Lễ là Mầu Nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm chết đi và sống lại của Chúa. Chúng ta tuyên xưng niềm tin đó khi linh mục giơ cao tấm bánh và ly rượu đã được thánh hiến. Liền ngay sau đó chúng ta được ăn và uống chính Con Người chết đi và sống lại đó. Nếu của ăn thiêng liêng đó tiêu tan trong linh hồn ta, thì chúng ta phải chấp nhận hy sinh và đau khổ như một phần của sự phục sinh vậy.

Lm. Trịnh Ngọc Danh