Dan Lee
03-09-2010, 11:25 PM
Chúa Nhật IV Mùa Chay
NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.
Bối cảnh: Nhóm Pharisêu và các Kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì Người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi 3 dụ ngôn: Con chiên đi lạc, Đồng bạc bị mất và Người cha nhân hậu.
Nội dung: Có thể coi đây là một vở kịch 2 màn.
NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON ÚT.
Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.
Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài, ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến vun quén riêng. Không đóng góp mà chỉ muốn rút tỉa. Không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ. Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm khi nó dám mở miệng xin chia gia tài. Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi!
Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí. Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con. Nó tiêu tiền mà không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Nó tiêu tiền chỉ để thoả mãn dục vọng. Nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân. Khi có tiền nó chẳng nghĩ đến ai, nên khi hết tiền, chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn túng thiếu. Túng cùng quá mới phải trở về.
Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về. Nó không hề nghĩ đến cha mẹ. Nó không hề nghĩ đến tình thương. Nó chỉ nghĩ đến cái bụng. Về nhà để được ăn no. Chỉ có thế.
Người cha hoàn toàn quên mình vì con.
Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.
Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.
Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.
“Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.
“Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già? Vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân. Ông chạy bằng trái tim. Ông bay bằng tình yêu. Tình yêu chắp cánh cho ông.
“Hôn lấy hôn để”. Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.
Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện 4 động tác rất nhanh nhẹn. Ông thật là người cha phung phí. Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về. Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi. Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về. Làm thế chẳng sợ hàng xóm cười cho! Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương. Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.
MÀN 2: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON CẢ
Đứa con cả đi hoang trong tâm hồn.
Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu. Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình. Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con”. Nó muốn vun quén riêng tư. Nó làm việc với tinh thần nô lệ, mong được trả công, chỉ nghĩ đến con “bê nhỏ”, đến “bạn bè” riêng của nó.
Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha. Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ. Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở bao nhiêu thì tâm hồn con khép kín bấy nhiêu. Cha chỉ biết tha thứ trong khi con chỉ biết kết án. Thật là khác biệt ngàn trùng.
Cha đi tìm con
Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.
Nếu đứa con út cần một cuộc trở về thì đứa con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em. Đi hoang trong tâm hồn xa xôi diệu vợi thế!
Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên Chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.
Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về. Hình ảnh người cha hiền đứng đợi mời gọi tôi mau bước. Chúa là người Cha yêu thương tôi trước khi tôi yêu Người, đi tìm tôi trước khi tôi đi tìm Người, tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người.
Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ tình yêu thương vô vàn của Cha.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Xét mình, bạn thấy mình giống ai trong hai người con trong bài Tin Mừng?
2. Bạn có thấy tình yêu thương của người cha không?
3. Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” này?
4. Bạn có cần sám hối để trở về với Chúa là Cha không?
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
NGƯỜI CHA NHÂN HẬU
Ta thường gọi là dụ ngôn “Người con hoang đàng”. Cách gọi này không được chính xác. Trước hết vì sự trở về của đứa con không đáng làm khuôn mẫu cho ta. Hơn nữa, xét theo bối cảnh và nội dung, Chúa Giêsu, khi kể dụ ngôn này, có ý đề cao tình yêu thương, lòng khoan dung nhân hậu của người cha.
Bối cảnh: Nhóm Pharisêu và các Kinh sư chê trách Chúa Giêsu vì Người ngồi ăn với những kẻ tội lỗi. Để trả lời họ, Chúa Giêsu kể một chuỗi 3 dụ ngôn: Con chiên đi lạc, Đồng bạc bị mất và Người cha nhân hậu.
Nội dung: Có thể coi đây là một vở kịch 2 màn.
NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON ÚT.
Đứa con ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân.
Sự ích kỷ được biểu lộ trước hết trong việc xin chia gia tài, ở nhà chung mà chỉ nghĩ đến vun quén riêng. Không đóng góp mà chỉ muốn rút tỉa. Không làm việc mà chỉ muốn hưởng thụ. Sự ích kỷ đạt đến mức tồi tệ đáng kinh tởm khi nó dám mở miệng xin chia gia tài. Theo truyền thống phương đông, gia tài chỉ được chia sau khi cha mẹ đã qua đời. Xin chia gia tài lúc cha mẹ còn sống có khác nào cầu mong cha mẹ mau chết đi!
Có tiền bạc trong tay, nó bắt đầu ăn tiêu phung phí. Cách ăn tiêu nói lên tính ích kỷ của đứa con. Nó tiêu tiền mà không nghĩ gì đến mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Nó tiêu tiền chỉ để thoả mãn dục vọng. Nó dùng tiền bạc để cung phụng bản thân. Khi có tiền nó chẳng nghĩ đến ai, nên khi hết tiền, chẳng còn ai gắn bó, sẵn sàng giúp nó qua cơn túng thiếu. Túng cùng quá mới phải trở về.
Sự ích kỷ vẫn còn đó trong toan tính trở về. Nó không hề nghĩ đến cha mẹ. Nó không hề nghĩ đến tình thương. Nó chỉ nghĩ đến cái bụng. Về nhà để được ăn no. Chỉ có thế.
Người cha hoàn toàn quên mình vì con.
Khi đứa con xin chia gia tài, ông đã chia ngay, không so đo tính toán, không hạch sách khó khăn. Ông không nghĩ đến bản thân, không tự ái, chỉ mong sao con cái được vui lòng.
Khi con đã ra đi, ông ngày đêm thương nhớ, ngày nào cũng ra ngõ đứng chờ. Thật tội nghiệp, con ra đi chẳng nhớ nhung gì đến cha mà cha không phút giây nào ngừng thương nhớ con. Con chỉ biết tìm vui cho bản thân trong khi cha mỏi mòn trông đợi. Con chỉ biết đến tiền bạc, còn cha chẳng quan tâm gì đến tiền của, nhưng chỉ cần có con.
Cảm động nhất và cũng chan chứa tình thương nhất là phút giây gặp gỡ. Một phút giây vắn vỏi mà nói lên bao nhiêu điều về tình thương của cha. “Anh ta còn ở đàng xa thì người cha đã trông thấy”. Khi con chưa nhìn thấy cha thì cha đã nhìn thấy con. Mắt chàng trai trẻ hẳn phải tinh anh hơn mắt ông cụ đã nhoà dòng lệ vì thương nhớ chứ. Thế mà cha đã nhìn thấy con trước. Vì cha không nhìn bằng mắt nhưng nhìn bằng trái tim. Trái tim yêu thương có đôi mắt tinh tường giúp nhận ra ngay bóng người yêu dấu. Trái tim con không còn yêu thương nên nhìn chẳng thấy cha. Trái tim con khô cằn nên mắt vẫn sáng mà chẳng khác mù loà. Trái tim cha đầy ắp yêu thương nên đã loà rồi mà vẫn thấy rõ con ngay từ đàng xa.
“Ông chạnh lòng thương”. Trái tim dạt dào yêu thương quên hết tất cả lầm lỗi của đứa con. Tình cảm đầu tiên dâng lên trong tim ông không phải là tiếc xót nửa gia tài đã mất, cũng không phải là tức giận thằng con phá gia chi tử, nhưng lại là chạnh lòng thương. Yêu quá nên người cha chẳng còn nhìn thấy gì khác hơn là đứa con tiều tuỵ rách rưới. Yêu quá nên người cha chẳng nhìn thấy lầm lỗi mà chỉ nhìn thấy nỗi khổ của con. Trong trái tim ông, chỉ có tình thương dành cho con, nên vừa gặp con là tim đã rộn ràng xúc động.
“Chạy lại ôm cổ con”. Lại một cử chỉ lạ lùng. Cha không chờ con tới theo đúng lễ phép mà đã vội vàng chạy lại ôm con. Tình yêu thương thúc đẩy, niềm vui dâng dạt dào khiến người cha không chần chờ được nữa. Bất chấp thân phận cao quý của mình, ông chạy đi như một đứa trẻ được quà. Bất chấp tuổi tác của mình, ông nhanh nhẹn như một thanh niên sung sức. Đứa con tuổi còn trẻ mà sao chẳng nhanh nhẹn bằng ông già? Vì trong tim nó thiếu tình yêu. Trái tim không tình yêu cũng giống như cơ thể không sức sống. Ông già mà nhanh nhẹn vì ông không chạy bằng sức lực của đôi chân. Ông chạy bằng trái tim. Ông bay bằng tình yêu. Tình yêu chắp cánh cho ông.
“Hôn lấy hôn để”. Chẳng còn bút nào tả xiết niềm vui của người cha khi gặp lại đứa con. Những nụ hôn không ngớt đủ nói lên tình cảm dạt dào ông dành cho nó. Ông ôm chặt như để giữ không cho nó ra đi nữa.
Trong một thoáng, khi đứa con chưa có một động tác nào thì người cha đã có 4 động tác: nhìn thấy, chạnh lòng thương, chạy đến, ôm hôn. Trong một thoáng ngắn ngủi, khi chàng trai tuổi trẻ còn bất động thì ông lão già nua đã thực hiện 4 động tác rất nhanh nhẹn. Ông thật là người cha phung phí. Ông đã phung phí sức lực trong cuộc gặp gỡ với đứa con trở về. Ông đã phung phí tiền bạc khi chia gia tài một cách dễ dãi. Ông đã phung phí khi đem áo mới, giầy mới, nhẫn vàng, lại còn tổ chức một bữa tiệc mừng có bê béo, có cả đàn hát múa nhảy để đón đứa con đi hoang trở về. Làm thế chẳng sợ hàng xóm cười cho! Nói tóm lại ông đã phung phí tình yêu thương. Yêu thương quá độ. Yêu thương đến vô lý. Mà có lý lẽ nào giải nghĩa được yêu thương? Chỉ có tình yêu thương mới giải nghĩa được những điều vô lý đó.
MÀN 2: NGƯỜI CHA VÀ ĐỨA CON CẢ
Đứa con cả đi hoang trong tâm hồn.
Đứa con cả vẫn ở nhà, nhưng thực ra chỉ có thân xác ở nhà, còn tâm hồn nó đã đi hoang từ lâu. Tuy ở trong gia đình, nhưng tâm hồn nó không thuộc về gia đình. Nó làm việc không phải với tâm tình của một người con hiếu thảo coi “mọi sự của cha là của con”. Nó muốn vun quén riêng tư. Nó làm việc với tinh thần nô lệ, mong được trả công, chỉ nghĩ đến con “bê nhỏ”, đến “bạn bè” riêng của nó.
Sống bên cha mà tâm hồn nó xa tâm hồn cha biết bao. Nó không sao chia sẻ được những tình thương, những ưu tư, hoài bão của cha. Cha là tình thương nhưng con chỉ là ích kỷ. Cha là bao dung nhưng con chỉ là hẹp hòi. Tâm hồn cha rộng mở bao nhiêu thì tâm hồn con khép kín bấy nhiêu. Cha chỉ biết tha thứ trong khi con chỉ biết kết án. Thật là khác biệt ngàn trùng.
Cha đi tìm con
Một lần nữa, người cha lại phải bỏ nhà ra đi, bỏ dở bữa ăn để tìm đứa con đi hoang trong tâm hồn. Vẫn với cử chỉ dịu dàng cố hữu; vẫn với những lời lẽ ôn tồn; vẫn với ánh mắt chan chứa cả một trời bao dung, cha cố gắng thuyết phục đứa con cả trở về.
Nếu đứa con út cần một cuộc trở về thì đứa con cả cần tới hai cuộc trở về: về với cha và về với em. Đi hoang trong tâm hồn xa xôi diệu vợi thế!
Qua dụ ngôn này Chúa cho thấy dù tôi là con út hay con cả, tôi vẫn cần trở về. Vì nếu tôi chưa đi hoang trong đời sống, chắc chắn đã rất nhiều lần tôi đi hoang trong tâm hồn: suy nghĩ và hành động của tôi khác hẳn với đường lối của Thiên Chúa là Cha; tôi vẫn không muốn chấp nhận anh em tôi.
Nhưng dụ ngôn cũng cho tôi an tâm trở về. Hình ảnh người cha hiền đứng đợi mời gọi tôi mau bước. Chúa là người Cha yêu thương tôi trước khi tôi yêu Người, đi tìm tôi trước khi tôi đi tìm Người, tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người.
Lạy Chúa là Cha nhân từ, con cảm tạ tình yêu thương vô vàn của Cha.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Xét mình, bạn thấy mình giống ai trong hai người con trong bài Tin Mừng?
2. Bạn có thấy tình yêu thương của người cha không?
3. Bạn có cảm nghĩ gì sau khi đọc dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” này?
4. Bạn có cần sám hối để trở về với Chúa là Cha không?
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt