PDA

View Full Version : Cụ bà 83 tuổi và 20 năm mang vị ngọt cho đời



NEP
03-19-2010, 08:28 AM
20 năm vác mía rong ruổi khắp đường phố Hà Nội, từ sáng đến tối, lúc nào cụ cũng “trên từng cây số” để nuôi thân. Dù 83 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời, thế nhưng cụ Nguyễn Thị Vọng (Hưng Yên) vẫn chưa hết được những cơ cực cuộc đời đè nặng lên đôi vai gầy.

Đời mình, cứ dựa vào sức mình

Theo chân cụ đến khắp các con phố mới biết hết nỗi nhọc nhằn của cụ. Người ta bảo cái nắng đầu tháng 3 nhẹ nhàng, ấm áp, nhưng với bà cụ 83 tuổi ấy cũng là cả sự mệt nhoài. Chốc chốc, cụ lại đặt bó mía trên vai xuống thở hổn hển. Cụ bảo: “Già rồi, phải lo giữ sức mới mong đi được nhiều, bán được nhiều”. Đi độ khoảng vài trăm mét, cụ lại phải nghỉ một lần. Có lần, nhấc được bước đã thấy đau chân, cụ lại phải ngồi xuống lấy lại sức.

Tranh thủ lúc dừng chân, cụ cất tiếng mời chào khách, tiếng mời như nói không ra hơi không át nổi tiếng ồn ào của xe cộ đông đúc: “Các cô các chú thương, mua giúp bà cây mía”. Cũng có người thấy bà cụ già, dừng lại hỏi han, mua đôi, ba cây mía cho cụ.

http://i40.tinypic.com/23w0epk.jpg
Vất vả mưu sinh trên từng con phố. (Ảnh: Trần Việt Trang)

Cụ Vọng đon đả mời chào, cười cười, nói nói dù đã kiệt sức sau một đoạn đường. Chẳng biết họ có mua thật không, cụ cứ “thao thao” chỉ cho khách cách chọn mía ngon, ngọt. Ít ai mua hàng mà quên được nụ cười hiền hậu và dễ mến của cụ.

Vừa qua tuổi 83, lưng cụ Vọng đã còng lắm. Nay lại gánh trên đôi vai những bó mía mưu sinh. Tính riêng trọng lượng của mía thôi cũng đã bằng 2 phần 3 trọng lượng cơ thể cụ. Vậy mà cụ cũng đã duy trì nó xấp xỉ 20 năm rồi.

Hơn 80 tuổi, cái tuổi đáng ra được an nhàn, hưởng thụ, sum vầy bên con cháu, nhưng cụ lại không được cái phúc phận ấy. Ngày ngày đi bán khắp các đường phố Hà Nội. Tối về lại quây quần bên những người đồng cảnh ngộ tại nhà trọ. Cụ bảo: “Ngày trước, khi còn khoẻ thì cũng vác được 2, 3 bó. Giờ già rồi, làm được thế là may lắm rồi. Cái chân còn khoẻ, còn đi được dài dài, nhưng bây giờ chân yếu đi nhiều, cái lưng cũng không còn thẳng, bán cũng ít đi…”.

Sáng, cụ dậy từ rất sớm để ra chợ Long Biên lấy mía. Cụ bảo không đi được nhanh nên phải dậy sớm mới kịp ra chợ sớm, chọn được mía ngon, ngọt. Từ chợ Long Biên, cụ đi khắp nơi trên phố cổ, từ Hàng Ngang, Hàng Buồm, cho đến tận đường Nguyễn Thái Học, Đội Cấn, chùa Quán Thánh.

“Cũng không còn khoẻ đâu cô ạ! Cũng gọi là cố thôi, đêm về xương khớp đau nhức lắm, nhưng mà đời mình cứ dựa vào sức mình là chính thôi. Mỗi tháng, được vẻn vẹn vài trăm nghìn, chưa trừ chi phí, nhưng “không đi không được. Không đi thì không có gì để bỏ vào bụng đâu cô ơi” – cụ bảo.

Ở cái tuổi bóng đã xế chiều làm lụng vất vả chừng ấy năm, hơn ai hết cụ hiểu giá trị của đồng tiền, của sức lao động là như thế nào. Cụ nói: “Đồng tiền đi liền khúc ruột, kiếm được đồng tiền không dễ dàng gì đâu, cô ạ. Đồng tiền do sức lao động của mình làm ra mới biết quý trọng. Tiêu pha cái gì cũng phải tính trước nghĩ sau, ngày khỏe còn có ngày ốm nữa”.

Rồi cụ tâm sự: “Cuộc sống cứ dựa vào sức lao động của mình thôi, làm được bao nhiêu mình tiêu bấy nhiêu. Ngày trước cứ mỗi lần đi đám cưới, đám hỏi cứ phải ngửa tay xin tiền con, chúng nó không cho thì không được, cho nó cũng không vui vẻ gì nên mình cũng không thoải mái, cũng lắm tủi hờn”.

Ngày nào cũng như ngày nào, cụ như con ong chăm chỉ cần mẫn và yêu lao động. Nhưng nhiều lúc cụ Vọng cũng đầy trăn trở, tủi thân: “Người ta già có thuốc bổ này, bổ kia. Còn tôi nghèo, nên xem lao động là liều thuốc bổ cho cơ thể mình. Ngày nào cũng “tập thể dục” để lấy sức khỏe, cũng để lấy cái mà sinh sống”.

20 năm bươn chải trên đường phố, không phải lúc bào cụ cũng được may mắn. Không ít lần cụ bị người ta va vào khi đang đi trên đường. “Người đau là thế nhưng còn lo mía “đau” hơn. Người đau thì mình còn chịu được, chứ mía mà có xây xát, “tổn thọ” thì có ai mua”, giọng cụ ngậm ngùi.

“Đi cho đến khi nào đôi chân không còn nghe lời nữa”

Khi nhắc về gia đình, đôi mắt cụ chùng xuống: “Tôi có 1 đứa con gái và 2 thằng con trai. Mỗi đứa một hoàn cảnh, cũng chẳng khá giả gì, phải nuôi con ăn học, lo trăm đường, gánh thêm một bà già như tôi sao nổi”. Cụ kể, nhiều khi gặp con, gặp cháu muốn cho chúng cái bánh, cái kẹo nhưng tiền không có nên đành giữ lòng. “Ai mà chả mong có con cháu trông nom tuổi già. Phận mình không được nhờ, đành phải tự mình lo cho bản thân mình thôi”, cụ nói.

http://i44.tinypic.com/lfgx0.jpg
Cụ Nguyễn Thị Vọng tại căn gác xép nơi cụ ở (Ảnh: Kim Hồng).

Sinh con ra, ai cũng mong mỏi cuối đời được sống cùng con cùng cháu an hưởng tuổi già, hay ít nhất cũng có một chỗ để “dựa” vào những lúc trái gió trở trời, nhưng với cụ Vọng thì dường chưa một lần dám nghĩ tới điều đó.

“Ai mà chẳng buồn hả cô, cũng thấy số phận mình hẩm hiu nhưng cũng không trách con trách cháu được, tôi sinh con ra nuôi dạy chúng khôn lớn chỉ mong chúng nên người tử tế là vui rồi, cũng chẳng mong mỏi gì được chúng báo hiếu, mình còn làm được thì không phải dựa vào con cháu làm gì”, cụ ngậm ngùi.

Lên Hà Nội, cụ được người bà con thương tình cho ở nhờ. Căn nhà cũ chừng 30m2, thế mà có đến gần 20 người phụ nữ, cả già lẫn trẻ sống trong đó, họ đều là những người cùng cảnh ngộ từ xa lên Hà Nội mưu sinh. Nhiều lúc, nhớ con nhớ cháu cụ chảy cả nước mắt. Nhưng nhớ thì cũng để bụng, chẳng được như người ta, sớm tối có con cháu bên cạnh. Khi nào nhớ đàn cháu quá thì cụ lại về thăm…

Hơn 10 năm chứng kiến cảnh cụ Vọng vác mía kiếm sống, chị Hay, chủ nhà trọ không khỏi xót xa: “Ngày trước khi còn khoẻ thấy cụ vác mía cũng đỡ vất vả, giờ già rồi muốn đi cũng phải nhấc từng bước, vác mía cũng không còn được nhiều. Bảo cụ nghỉ nhưng mà nghỉ thì biết lấy gì mà sống nên chỉ còn biết động viên cụ thôi”.

Dù không phải là họ hàng nhưng có lẽ chị Hay là người gần gũi, hiểu và thương cụ nhất. “Bà cụ ngày càng già, gầy yếu đi, vậy mà ngày ngày vác bó mía đi khắp nơi. Thương cụ nên không nỡ lấy tiền của cụ, chỉ mong cụ bớt vất vả, tuổi già được an nhàn. Cụ là người hiền lành, phúc hậu, các chị em ở đây đều quý và thương cụ nhưng cùng cảnh nghèo nên cũng chẳng thể giúp được gì nhiều”, chị Hay nói thêm.

Đang ăn dở miếng trầu, nhớ ra một chuyện, cụ liền khoe: “Hôm trước đang đi bán mía, cũng có mấy cô đến hỏi thăm, còn xin cả địa chỉ nữa. Trước khi về Tết, họ còn đến để biếu quà nữa đấy cô ạ”. Vất vả là thế nhưng lúc nào cụ cũng lạc quan, cười nói vui vẻ cùng mọi người. Cụ bảo: “Tôi còn đi cho đến khi nào đôi chân này không chịu nghe lời cụ nữa thì thôi”.

Vất vả cả một ngày là thế. Nhưng tối về, tâm hồn cụ lại dạt dào cảm xúc. Cụ thích đọc thơ. Mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ, cụ mở lại kí ức của mình để đọc cho chị em nghe bài thơ cụ thích:

“Mẹ ra đi nắng sớm chiều mưa
Kiếm ăn ngày tháng ở nơi quê người
Bồng bềnh khắp phố khắp nơi
Tối về nhà trọ, sáng thời hàng cơm”.
Càng đọc, càng nghe thì càng thấy những câu thơ của cụ thật da diết:
“Ngày về vui vẻ biết bao
Ngày đi ruột xót như bào con ơi
Chỉ vì tiền đã hết
Cho nên mẹ phải xa rời các con…”

Chị em trong xóm trọ cùng đùa rằng “cụ là nhà thơ thứ thiệt” nhưng thích sống ẩn dật, không muốn “phô” ra cái tài sáng tác và đọc thơ. Cụ thì lại bảo, ấy là những vần thơ về cuộc đời cụ. Có chăng chỉ là đọc cho có vần có nhịp. Nhà thơ thì “tức cảnh sinh tình”, còn cụ thì “tức” số phận mà “sinh” thơ. Cụ chỉ có một ước nguyện nhỏ bé là “chỉ mong có một số tiền nho nhỏ, rồi về quê nghỉ ngơi, sống những ngày yên ấm cuối cuộc đời…

Có người đã nói rằng, đã 20 năm nay, cụ bà 83 tuổi này mang “vị ngọt” cho đời từ những cây mía trên 2 vai gầy…

(theo vietnamnet)

Cụ 83 tuổi mà rất mạnh khoẻ. Bái phục bái phục!!!

Các bạn gái ở đây muốn sau này khoẻ mạnh như vậy thì cố gắng làm việc, đừng than phiền là ở nhà chồng lười để hết công việc lại cho vợ. :D

Nhìn bó mía nhớ tới mùa làm mía ở quê tui quá.

lovelychip1590
05-08-2010, 06:31 AM
Khâm phục nhưng mà thương cụ bà ghê
=====

Nhím Út
05-16-2010, 08:22 PM
hihihi, không biết mình có đủ phước đức để sống tới tuổi đó không chứ đừng nói đến chuyện khác :D