PDA

View Full Version : T - Tuần Thánh 2010



Dan Lee
03-27-2010, 12:00 AM
TUẦN THÁNH 2010

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Thầy tha thiết ước ao ăn lễ Vượt Qua nầy với các con trước khi chịu khổ nạn ( Lc. 22, 14-23, 56)

Bước vào những ngày cuối của đời Mình khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu đã ước ao có một bữa tiệc ly biệt với các môn đệ yêu quý để cùng tâm sự, trao gởi những tình cảm thắm thiết, và nhất là Ngài trối lại một bảo vật là Bí Tích Thánh Thể, bảo chứng đời đời của tình yêu tự hiến của Ngài cho con người: “Người đã yêu họ đến cùng” bằng tất cả những gì thuộc về con người : trao ban cả xác thân, hiện diện cả tình cảm, sẵn sàng đánh mất bản thân để người mình yêu được thăng hoa.

Tuần Thánh là một hành trình mời gọi tất cả chúng ta, đặc biệt với những người môn đệ của Chúa, tái khám phá lại mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, và nhất là với Thiên Chức Linh Mục mà Ngài đã ban cho Giáo Hội. Chúa Giêsu, với trái tim của một con người, Ngài cũng có riêng cho Mình những mối dây tình cảm thật đặc biệt, thật thân thương và tha thiết đối với con người và nhất là với các môn đệ yêu quý của Ngài. Ngài tha thiết và ước ao có những phút giây thật đặc biệt và gần gũi, để trao ban cho các môn đệ những lời tâm huyết, những cử chỉ yêu thương như là những lời trăn trối cuối cùng của một người sắp bước vào cõi vĩnh hằng. Con tim của Chúa hằng thổn thức, trăn trở trước giờ ly biệt; và những việc làm đầy yêu thương, mà trong suốt cả Tuần Thánh Gíao Hội đang tưởng niện, mãi mãi là là một bản trường ca bất tử về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và đối với từng người chúng ta.

1. “Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con hãy rửa chân cho nhau”(Gioan 13, 15) Việc rửa chân là việc làm của một người đầy tớ, công việc phục vụ tẩy rửa theo thói quen của người Do Thái Chúa Giêsu đã sẵn sàng, với sự tự nguyện, thực hiện cho chính môn đệ của Mình, thậm chí với kẻ phản bội, tráo trở và bán đứng Mình. Việc làm của Chúa quả là một hành động thật khó hiểu, và cũng thật “khó nuốt” với những môn đệ của Chúa trong lý tưởng phục vụ anh em. Qủa không dễ và lại càng nghịch lý khi mà kẻ trên lại “uốn lưng” xuống để rửa chân phục vụ kẻ có địa vị thấp hèn hơn mình. Xem ra nó có vẻ như “đóng kịch, mỵ dân” thế nào ấy như cụm từ : “đầy tớ của nhân dân !”. Chúa đã làm, Người cúi Mình xuống thật sự, không giả tạo, không đóng kịch, không “mỵ dân” mà cũng chẳng hề nhằm mục đích quảng cáo. Chúa muốn để lại cho con người bài học phục vụ theo Tin Mừng, là cúi xuống, là chấp nhận đánh mất mình, miễn là anh em mình được lợi, được hơn.

Bài học cúi xuống của Chúa vẫn còn đó cho tất cả chúng ta, những con người đầy quyền lực khi có trong tay một chút chức vụ hay một chỗ đứng nào đó trong xã hội . Bài học quyền bính theo Tin Mừng vẫn mãi là bài học cúi xuống, bài học khiêm hạ phục vụ vì lợi ích của tha nhân chứ không nhằm củng cố cho chỗ đứng của mình. Bài học vẫn mãi khó học và khó thuộc, thậm chí “khó nuốt”.

2. “Người cầm bánh và tạ ơn. . Nầy là Mình Ta. . Chén nầy là Tân ước trong Máu Ta. . các con hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta”(1Cor. 11, 23-26)Tâm điểm của đêm Bữa Tiệc Ly đó chính là việc Chúa lập Phép Thánh Thể Chúa trao ban chính Thân Thể Mình để trở thành lương thực nuôi sống linh hồn, và là sự hiện diện tuyệt đỉnh của tình yêu vô biên nối kết con người với Thiên Chúa: “Người đã yêu họ đến cùng”.

Đến cùng của sinh mạng con người là cái chết trên thập giá.
Đến cùng của tình yêu trao ban là chết cho người mình yêu.
Đến cùng trong sự kết hợp là trở nên máu thịt , đồng hình đồng dạng với người mình yêu.
Tấm bánh đã được bẻ ra để trao ban, chén rượu được sẻ chia như là một sự tận hiến để mãi mãi thủy chung và thuộc về nhau trọn vẹn. Bí Tích Thánh Thể mãi là dấu chứng mà Thiên Chúa tình yêu, thay cho lời nói, để hiện diện, để trao ban cho con người nguồn lương thực thần thiêng, giúp chúng ta có đủ sinh lực mà vượt qua được những thử thách trong cuộc nhân sinh. Việc hiện diện trong hình bánh rượu, chẳng có gì là cao sang, cũng chẳng có gì là xa cách, nhưng thật gần gũi, thật người, sẽ mãi là lời mời gọi tha thiết giúp chúng ta hãy đến kết hiệp với Ngài, đồng hành với Ngài, để chúng ta có được ơn trợ giúp, có được sự đỡ nâng; và hơn thế, chúng ta có được sự sống của Thiên Chúa ngay từ cõi đời này. Thật hạnh phúc biết bao, thật vinh hạnh dường nào.

3. “Các con hãy làm vệc này mà nhớ đếnThầy”. Các nhà thần học vẫn coi đây là lệnh truyền thiết lập chức Linh Mục trong Gíao Hội. Chỉ vì tình yêu và duy chỉ lý do duy nhất là tình yêu mà Chúa chọn, gọi những con người bất xứng làm bạn hữu của Chúa, làm sự hiện diện sống động để ngày ngày tái diễn lại Hy Tế Thập Gía, để đem lại cho con người sự sống thần linh của Chúa. Tất cả đều là hồng ân mà điểm xuất pháp đầu tiên và duy nhất khởi đi từ tình yêu bất tử của Chúa. Chắc một điều : không có tình yêu của Chúa, con người chúng ta chẳng là gì ! Khởi đi từ tình yêu Chúa, như Phêrô thưa với Chúa “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu nến Thầy”, người Linh Mục, sứ mạng của người Linh Mục là phải sống và đi trong quỹ đạo của tình yêu, mới không khỏi lạc hướng. Xem ra bên cạnh, thế gian, tính xác thịt, cái tôi đầy tham vọng của những con người đầy cá tính nơi bản thân, vẫn ngày ngày lôi kéo và cám dỗ con người Linh Mục xa khỏi tình yêu của Thiên Chúa và lý tưởng phục vụ tha nhân. Chính con người ích kỷ, chính những tham vọng muốn củng cố và sự tự đánh bóng cho bản thân, người Linh Mục dễ đánh mất mình trong việc củng cố quyền lực, thu quén, lười biếng và an phận; lắm khi chỉ thích làm những việc tùy phụ như xây cất, hay tham dự vào những công tác xã hội ồn ào bên ngoài mà quên đi cái chính yếu tối quan trọng là hiện thân của Chúa giữa trần thế.

Tuần Thánh là cơ hội, là thời gian thuận tiện và cũng là cao điểm của Phụng Vụ khi cho tất cả chúng ta, nhất là với các Linh Mục của Chúa, cơ hội để nhận ra và tái khám phá hồng ân quá đặc biệt của tình yêu Chúa đối với mỗi một người, nhất là với các Linh Mục của Chúa.

Việc nhập thể đã là một “sự kiện không tưởng” mà chỉ có trong sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa để chứng tỏ một tình yêu thật người, một sự đồng hành vô giá của một tình yêu vô vị lợi, không nhỏ nhen tính toán, không ích kỷ chiếm đoạt hoặc như bố thí của con người. Cùng đồng hành với thân phận con người trong một mái ấm gia đình nghèo, Chúa cũng đã phần nào cảm nhận và đã đón nhận một cách “thật nhất” về kiếp nghèo, nên lúc nào cũng canh cánh bên lòng một tình yêu chia sẻ, một lòng vị tha trắc ẩn, và nhất là một bàn tay chữa lành cho tất cả những ai thành tâm chạy đến với Ngài.

Với những biến cố trong cuộc khổ nạn và phục sinh, mỗi người chúng ta lại càng có cơ hội nhận ra được tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa đã mở ngỏ cho tất cả chúng ta. Ngài không muốn bất cứ ai trong chúng ta bị hư đi, nhưng muốn mời gọi mọi người hãy đến với Ngài, ngụp lặn trong tình yêu của Ngài, để được Ngài yêu thương, tha thứ và nhất là tiếp cho ta nguồn sống cứu độ đời đời. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn mãi là cửa ngõ dẫn từng người chúng ta đến được sự tha thứ, sự hồi phục cần thiết cho những yếu đuối lầm lỡ, là nguồn mạch của mọi ân huệ giúp chúng ta tự tin bước đi trên đường đời, đặc biệt trong lý tưởng dấn thân phục vụ tha nhân. Những bài học thiết thực và sống động về tình yêu phục vụ qua việc cúi xuống rửa chân cho anh em, chấp nhận tự hiến, sẵn sàng chết vì người mình yêu; tất cả mãi là một bài học lớn của tinh thần phục vụ.

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin hãy gởi đến cho Gíao Hội chúng con những mục tử như lòng Chúa mong ước, như phiên bản chính thức là chính Chúa. Hơn lúc nào hết con người chúng con đang cần những hình ảnh sống động của chính tình yêu Chúa giữa một xã hội ngày càng tục hóa, một xã hội chỉ biết tôn thờ những cái tôi thượng đế, những đòi hỏi hưởng thụ của những cái tôi ích kỷ, những tham vọng và độc tôn của những cái tôi độc tài. Bài học yêu thương của Chúa vẫn mãi còn đó, khó thuộc, khó chấp nhận cho tất cả chúng con, không miễn trừ ai. Xin Chúa hãy thanh tẩy tất cả chúng con, từng người, như ngày xưa Chúa đã từng thanh tẩy dân Do Thái, để mãi mãi họ thuộc về một dân tộc mới, dân riêng của Chúa.

Lạy Chúa, xin tình yêu Chúa thấm mãi trong cuộc đời chúng con, để mỗi người chúng con sẽ là những dụng cụ của tình yêu Chúa trong sứ mạng phục vụ anh em. Amen.

THỨ HAI TUẦN THÁNH

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, tại làng Bêtania người ta dọn bữa tối thiết đãi Đức Chúa Giêsu.

(Gioan 12, 1-11)

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, một thời gian thật ngắn ngủi cho những tình cảm của giờ phút ly biệt. Chúa Giêsu, khi mang thân phận một con người giầu tình cảm, chuẩn bị chia tay với tất cả người mình thương mến, là cả một sự ngại ngần, vấn vương và day dứt . Con Thiên Chúa sẽ trở về lại với nguyên bản của Mình như chính Ngài là. Một bữa cơm gia đình đã được dọn để vừa thiết đãi Chúa nhân ngày mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái, nhưng cũng là những giây phút ly biệt thật thân thương, thắm đậm tình người, khi Ngài còn ở lại nơi trần thế với những người Mình yêu mến.


Bữa cơm gia đình, bữa cơm của những tình cảm thân thương giữa những người nhà sẽ là những kỷ niệm, là dấu ấn mãi không phai mà chính Con Thiên Chúa cũng cảm thấy có chút gì lưu luyến, vấn vương. Bữa cơm gia đình đã trở thành cơ hội để mọi người có dịp bày tỏ sự chăm sóc, sự lưu tâm đến nhau. Bữa cơm ngoài mục đích chính là đem lại cho con người sức khỏe, đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho cơ thể; nó còn là bữa tiệc tình cảm giữa những người thương yêu nhau có dịp quan tâm săn sóc cho nhau . Bữa cơm đã và đang trở thành những bữa tiệc mang lại tình cảm, phục hồi lại những gì mất mát trong qúa khứ ( Bữa tiệc người cha nhân hậu đãi đứa con trai hoang đàng trở về ). Tất cả thật tốt đẹp và ý nghĩa biết bao khi mỗi chúng ta biết biến những bữa tiệc trong đời thường thành những bữa tiệc đem lại sự sống đích thực.

Cử chỉ xức dầu thơm của Maria, cử chỉ của sự kính trọng nhưng cũng là nghĩa cử dành cho việc mai táng. Trong tình yêu, chẳng có gì là xa hoa, thậm chí cũng chẳng có gì là lãng phí khi chính Maria vừa tỏ lòng kính trọng và cũng như tỏ lộ một chút ăn năn. Hơn thế, việc dành cho Chúa một cử chỉ thân thương của việc mai táng, lại là điều thật cân xứng và thích hợp cho chính thân xác Con Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu lúc này tâm trạng ngổn ngang những xao xuyến, lo âu lẫn thao thức vì “giờ đã gần đến”. Chúa ra đi mà lòng Ngài vẫn còn ở lại với các Tông Đồ vì họ còn quá ngờ nghệch trước sự tinh quái của kẻ thù là thế gian, ma quỷ và tính xác thịt.

Bước vào tuần thánh là bước vào những ngày chia ly giữa Chúa và những người thân thương là Mẹ Maria, các môn đệ . Chia ly nào cũng đều để lại những phút giây buồn phiền và tiếc nhớ. Sứ mạng của Chúa đã sắp đến hồi hoàn tất. Chúa muốn trước khi trở về cùng Cha, Ngài muốn lưu lại sự hiện diện của Mình bằng những kỷ niệm cuối cùng qua các Bí Tích Thánh Thể và Chức Linh Mục. Trong tình yêu, Chúa chỉ muốn cho những người Mình yêu được mọi sự tốt lành và hạnh phúc. Việc trao ban trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa muốn yêu con người bằng “tình yêu đến cùng”, tận cùng của sự hiện diện tuy không bằng xương thịt, nhưng bằng ân huệ và sự chở che; con người có được sự bảo vệ và bảo đảm hạnh phúc đích thật là Nước Trời.

Bữa tiệc trần thế là hình ảnh thật đẹp và cụ thể mà Chúa muốn tất cả các môn đệ cũng hãy tiếp tục dọn ra để mời đón mọi người. Tất cả đều có quyền được ăn, được chia sẻ “các con hãy cho họ ăn” để sự hiện diện của Chúa luôn là mối dây liên kết mọi người trong tình yêu duy nhất. Chắc chắn trong bữa tiệc tại gia đình Bêtania đã để lại trong trái tim Chúa nhiều kỷ niệm thật đẹp của tình người. Cũng vậy, khi biết chia sẻ cho anh em, mỗi chúng ta cũng đang tiếp tục làm cho những kỷ niệm của Chúa được nối dài và cho thế`giới con người ngày càng bớt hận thù.

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa có những kỷ niệm thật đẹp với các môn đệ, với ba chị em ở Bêtania và những tình cảm thật trong sáng. Chúa biết rõ con người có một trái tim biết yêu thương vì nó mang hình ảnh của Chúa; và Chúa cũng muốn tất cả chúng con cũng hãy đối xử với nhau như Chúa đã làm. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết trân trọng và yêu thương anh em như chính Chúa. Amen.

THỨ BA TUẦN THÁNH

“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”(Gioan 13, 21-38)


Một hạt sạn, một cục xương thật khó nuốt trong quan hệ Thầy-trò. Một tên đệ tử không tử tế, thậm chí đốn mạt; chỉ biết coi trọng tiền bạc hoặc những quan hệ bất chính trong xã hội, mong tạo vây cánh, ảnh hưởng; để rồi bán đứng cả Thầy và anh em mình. Một vết nhơ, một sự tủi nhục giữa tình cảm con người vẫn và đang xảy ra trong xã hội và ngay cả trong chính lòng Gíao Hội. Tất cả vẫn mãi là bài học đầy tủi hờn !
“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”:một sự phản trắc giữa quan hệ giữa người với người. Khi nhân vật thứ ba là tiền bạc, danh vọng hay tính dục chen vào, con người sẽ dễ lộ ra bộ mặt thật của mình. Chuyện bán đứng nhau, triệt hạ nhau hay mượn tay người khác để hành xử nhau: “Chuyện thường ngày xảy ra như ở huyện!” và chẳng tránh khỏi khi nó được núp bóng bởi những mỹ từ hết sức đạo đức: vâng lời, vì lợi ích chung. Chuyện quỳ lạy quỷ để được tất cả mọi vinh hoa, quyền lực trần gian, chuyện mà ma quỷ vẫn dùng để khuất phục con người trong những khát vọng quyền lực ! Những cơn cám dỗ vẫn thật ngọt ngào và hấp dẫn !

“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”:một sự phản bội trong quan hệ tình thầy trò: nghẹn ngào, tủi nhục cho một xã hội không còn nền tảng đạo đức hay nói đúng là của những tâm hồn chỉ có trái tim gỗ đá. Tình Thầy trò, một mối quan hệ cộng hưởng thiêng liêng giữa các thế hệ, nay được cân đo đong đếm bằng tiền bạc hoặc lợi nhuận; thì chắc chắn sẽ sản sinh những con người vô hồn, thiếu trách nhiệm, những kẻ phản bội và trở thành gánh nặng của ngay chính anh em mình. Những cạm bẫy không ai lường được trên đường đời ; và chính sự gắn bó quá ư lỏng lẻo và hời hợt giữa họ với Chúa, sẽ mãi là môi trường thuận tiện sản sinh những con người bội tín và phản trắc.

“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy”:một sự tráo trở đảo điên đầy tính toán của lợi nhuận hơn thiệt : “Không ai có thể làm tôi hai chủ…”. Chúa đã từng cảnh báo tất cả và đã nhắc nhở “Người giầu có thật khó mà vào Nước Trời”. Đồng tiền luôn có một hấp lực và một sức mạnh vô song làm tiêu tan tất cả mọi rào cản luân lý và đạo đức. Nó có sức đâm toạc cả “tờ giấy”, miệng bằng gang bằng thép của nó có sức mạnh vô song mua được cả tiên, cải lão hoàn đồng. Không phản bội mới thực là chuyện lạ! “Vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của”, chết liền !

Câu chuyện nộp Thầy, bán đứng anh em hoặc hơn thế nữa vẫn là những câu chuyện ô nhục, vẫn mãi là sự nô lệ của con người trước các hấp lực của tiền tài, danh vọng, thú tính. Vẫn những chiêu thức quá quen thuộc, ma quỷ vẫn tác oai tác quái trên tham vọng và cái tôi ích kỷ của con người.

Nộp Thầy hay nộp anh em vẫn là những thủ đoạn của con người khi thấy anh em “hơn mình cái đầu”

Nộp Thầy hay nộp anh em còn là những lá bài hèn hạ cuối cùng khi anh em “có ảnh hưởng hơn mình”.

Nộp Thầy hay nộp anh em là kết quả của những lời lên án, nói xấu khi chỗ đứng của bản thân bị đe dọa.

Nộp Thầy hay nộp anh em còn là hệ quả của tâm hồn trống rỗng, thiếu vắng Chúa và tình thương của Người.

Lời cầu nguyện :

Lạy Chúa, thật đau khổ và buồn thảm thay khi Chúa bị ngay chính môn đệ của mình bán đứng. Đồng tiền, danh vọng địa vị và ngay cả lòng dục vẫn mãi là những chiêu thức mà ma quỷ qua mọi thời đại vẫn xử dụng để cám dỗ và lật đổ mọi giá trị tinh thần. Ma quỷ vẫn luôn muốn sàng chúng con như sàng gạo. Nhiều thử thách và cám dỗ đến từ ma quỷ, nhưng cũng thật nhiều đến từ những tham vọng, ích kỷ của cái tôi trong con người chúng con. Tất cả cũng chỉ vì tâm hồn chúng con không có Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết khám phá và nhận ra bộ mặt thật của bản thân, để biết sống tình nghĩa với anh em, giúp đỡ và nhất là sẵn sàng đưa bàn tay đón nhận và nâng đỡ mỗi khi anh em sai lầm hay sa ngã. Amen.

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

“Chính anh đó !”(Mat. 26, 14-25)

Câu chuyện nộp phản Thầy sao mà trơ trẽn, tủi nhục và bất nhân đến thế ! Giuđa ngả giá để bán đứng Chúa, Thầy của mình như một món hàng. Chuyện trả giá một sinh mạng con người rẻ như chuyện hàng tôm hàng cá. Chúa đã bị con người xếp vào hàng đồ vật khi mọi người, nhất là với thế giới hưởng thụ hôm nay, coi là vật cản cho mọi đam mê tội lỗi, thậm chí cho cả sự tiến bộ của khoa học. Văn minh của thế giới đang đẩy con người đến ranh giới của sự hủy diệt, của sự chết, khi con người đang dần đánh mất tính người. Chuyện nhân nghĩa, lòng nhân ái đang dần thành chuyện thần thoại, cổ tích khó tin. Chuyện của thế giới con người vắng bóng Chúa luôn mãi là như vậy!

· “Qúy vị cho tôi bao nhiêu !” Một cuộc ngả giá, một sự thật đến đau lòng và trơ trẽn khi mà trong lòng Giuđa chỉ còn tiền và tiền : “Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Chính tiền bạc đã chi phối và làm cho Giuđa đánh mất cả tính người, đánh mất cả lương tâm. Tiền bạc đã trở thành chúa của tâm hồn ông tư lâu, mặc dầu bề ngoài ông vẫn được gọi là môn đệ, nhưng thực chất cũng chỉ là một tên lừa đảo trá hình không hơn không kém. Những nhu cầu cá nhân bao giờ cũng được gán cho danh chính ngôn thuận “vì nhu cầu, vì ích chung !”;và những cơn cám dỗ bằng mọi hình thức vẫn và đang làm đảo điên lòng người. Bao nhiêu cho đủ và cuộc mặc cả với lương tâm vẫn mãi xảy ra !

· “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy”. Không úp mở, cũng chẳng sợ “sự thật mất lòng”, thật thẳng thắn và trung thực khi Chúa chỉ đúng tên đúng người sẽ bán đứng Mình. Vẫn biết đó sẽ là lời khó nói nhất trong đời, nhưng Chúa vẫn sẵn sàng vạch mặt chỉ tên về một người môn đệ đã phản bội mình. Tiền bạc, lợi nhuận đã làm cho con mắt lương tâm của Giuđa trở nên mù lòa. Chẳng còn gì để nói, vì nếu có lương tâm và con tim nhạy cảm, Giuđa đã biết nghĩ lại. Nhưng khi đã trở thành nô lệ cho tiền bạc, thì cũng thật khó lòng mà trung thành và làm tôi Chúa. Một sự thật thật phũ phàng đến trơ trẽn khi tiền bạc chiếm địa vị độc tôn trong cuộc sống; và thật đau lòng, đó lại là “Chính những kẻ chấm chung một đĩa với Thấy !”.

· “Chính anh đó !”. Chẳng ai khác, xa lạ hay ngoại cuộc; mà ngay trong chính hàng ngũ các tông đồ. Sự thật đến là khó nuốt và buồn thảm. Chúa cũng thật thẳng thắn khi nói lên một sự thật. Xem ra “cái con người” trong cái thần thiêng của Linh mục, người tông đồ, vẫn là cái bóng thật lớn, to đùng đến phát sợ. Chẳng úp mở khi mà sự thật vẫn mãi làm cho Gíao Hội đau lòng, khi mà không thiếu những con người vẫn núp bóng Gíao hội để làm những chuyện thật khó tin và tráo trở đến vậy !Đức cố Hồng Y Fx. Thuận đã từng cảnh báo “Vì Chúa, nhưng để củng cố cho con”. Chuyện chẳng có gì là sai hoặc quá ồn ào cả! Đến là khó nuốt khi mãi mãi với Thiên Chức Linh Mục, “cái con người” đó có nhiều cơ hội để đụng chạm đến quyền lực, tiền bạc và cả tình cảm. Cũng thật là buồn khi trong chính con người Linh Mục đó không có gì là thuộc về Chúa, mà chỉ là tham vọng, tính ích kỷ, lòng háo thắng. “Chính anh đó”, chẳng phải là ai, cũng chẳng phải là người khác, là chính con người “rất người” của chúng ta.

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, sự thật đến xấu hổ và là gương mù, khi ngay trong lòng Gíao Hội vẫn có những người mang mặt nạ Giuđa: bán Chúa, lừa anh em…vì đồng tiền. Thật hèn hạ và đê tiện, chuyện vẫn biết thế nhưng vẫn không tránh được; khi mà những nhu cầu cá nhân như là những đòi hỏi cấp thiết;khi mà những tham vọng bề ngoài như nhà thờ, cơ sở lớn. . như là mục tiêu chính yếu của đời mục vụ hơn là đời sống đạo đức thánh thiện. Lạy Chúa, đến bao giờ Gíao Hội có được những “Mục tử như lòng Chúa mong ước”, khi mà những vẻ hào nhoáng, hoành tráng bên ngoài vẫn là thước đo cho những thành công mục vụ trong Gíao Hội. Thiếu Chúa, thiếu đời sống nội tâm, gắn bó với Chúa, chia sẻ với những người nghèo; chúng con vẫn mãi là những gánh nặng cho Chúa và chính anh em mình. Amen.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

LINH MỤC, THÂN PHẬN NGƯỜI TÁ ĐIỀN LÀM THUÊ

(Mat. 22, 33-46;Mac. 12, 1-12;Lc. 20, 9-19)

Mỗi một lần mừng kỷ niệm ngày Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chức Linh Mục là một cơ hội khiến bản thân mình lại nghĩ đến mình, đến ơn gọi làm tông đồ, đến thiên chức cao cả mà trong đời mình đã may mắn lãnh nhận ; và nhất là cũng nhắc nhớ đến thân phận “người tá điền” với những vất vả xen lẫn những tủi hờn. Chắc chắn trong đời người, chẳng có nhiệm vụ nào mà không có thánh giá, có những vinh dự và cả những tủi nhục. Đời người làm thuê trong vườn nho của Chúa chắc cũng chẳng tránh khỏi những giây phút lưu luyến, hờn hờn, giận giận vì những đối xử hoặc những nghi ngờ bất công. Đời người làm vườn có trách nhiệm, chắc chắn mỗi người sẽ còn phải đối đầu với những cành nho không chịu cắt tỉa, những con chiên không thích nghe lời hoặc nhiều sự o ép tư bề. “Chúng tôi chỉ làm việc của mình”. Thân phận tá điền là thế và ngoài ra chúng ta không có chọn lựa nào khác ngoài sự vâng lời, thậm chí ra đi như là một kẻ có tội !

Thế ai là chủ vườn nho: “Có một người kia trồng được một vườn nho”. Chúa mới thực sự là Chủ nhân đích thực của Vườn Nho Gíao Hội, còn tất cả chỉ là người tá điền làm thuê (Lc. 19, 9). Thân phận là thế, và nhiệm vụ cũng đã được minh định một cách rất minh bạch. Điều còn lại là cách nhận thức và thái độ sống của người tá điền khi cộng tác vào việc chăm sóc, dưỡng nuôi vườn nho của Chúa sao cho cẩn thận, sao cho sinh thật nhiều hoa quả. Công việc trông coi, canh tác và nhất là làm cho cây nho sinh trái là cả một quá trình vất vả, cực nhọc khiến tiêu hao cả sức khỏe lẫn tâm trí.

1. Tôi chỉ làm việc bổn phận của tôi, người tá điền nhỏ bé, bất tài. Chẳng ai dám khẳng định mình tài năng , vì công việc tá điền thường là vất vả . Trông coi, quản lý nhưng còn phải làm cho cây nho sinh trái, việc làm đó chắc chắn sẽ không tránh khỏi công tác phải cắt tỉa, vun tưới và sẽ rất nhiều đụng chạm, mất lòng. Đến để hưởng thụ, đến để tìm sự an nhàn cũng không khó, nhưng chắc chắn không phải là những tá điền mà Chúa muốn cho vườn nho của Chúa. Cũng như người mục tử tốt, là biết kiếm tìm những trảng cỏ tốt tươi cho đàn chiên, xông pha lăn xả để đàn chiên được sống và sống dồi dào (Gioan 10, 1-18).

Vườn nho không phải là của mình, càng không phải là tài sản của riêng ai, mà là của Chúa, của Gíao Hội. Vì thế càng không hiểu và lý giải được lý do cho những người chỉ muốn canh tác trên những vườn nho “như lòng mình mong ước”. Thậm chí có những tá điền với những chiêu bài tình cảm, hay tán tận lương tâm họ bắt các đầy tớ, đánh người này đập người kia, thậm chí còn bắt giết cả con ông chủ , quẳng ra bên ngoài vườn nhằm mục đích chiếm đoạt vườn nho. (Mc. 12, 3. 5. 8)

Họ là ai:

Họ là người được mướn vào giờ sớm nhất trong ngày :tảng sáng (Mat. 20, 1)

Họ là người được mướn vào giờ thứ ba, thứ sáu và cả thứ chín (Mat. 20, 2-4)

· Họ là người được mướn vào giờ mười một (Mat. 20, 6)

Thậm chí họ là kẻ trèo tường, phường trộm cướp (Gioan. 10, 1) hay xem chừng họ là con, cháu những người có gốc gác to đùng !(Trong Phúc âm không thấy nói về khoản nầy !)

“ Ông sẽ tru diệt bọn chúng”(Mat. 21, 33-46). chẳng trừ ai.

Thân phận người tá điền vẫn luôn là thân phận người làm thuê trong vườn nho của Chúa : là vâng phục và vâng phục. Mãi vẫn là thế, chẳng có gì khác hơn, và cũng chẳng có gì lạ hơn. Thành quả là những cây nho sinh trái, những con chiên mập tròn béo tốt; và đó chính là niềm an ủi, sự tự hào thiêng liêng mà người chăn thuê có thể có.

2. “Hãy vào mà hưởng phúc lạc với chủ ngươi vì đã trung thành trong những việc nhỏ”. Chuyện đó chỉ xảy ra trong ngày cuối cùng, ngày chung thẩm, khi mà người tá điền không còn là người làm mướn mà trở thành người đồng bàn. Chuyện không tưởng và là huyền thoại lớn nhất trong lịch sử hiện đại ! “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc. 12, 37). Chuyện thật ngược đời khi ông chủ lại mang ơn đầy tớ ! và đó là sự thật luôn luôn đúng trong mọi thời đại.

Thật bất hạnh và tủi buồn cho đời tá điền : khi còn khỏe và trẻ, mặt trận nào cũng được ông chủ điều tới để khắc phục, phát triển, xây dựng. Nhưng lỡ sa chân gục ngã, thân phận chỉ còn là miếng vỏ chanh vất lăn lóc, vật vờ với bệnh tật và nỗi cô đơn bất hạnh. Chuyện được ân thưởng, chăm nom, săn sóc cho những ngày còn lại của đời chiến binh già nua bệnh tật, mãi vẫn là chuyện không tưởng ! Chuyện còn lại là “Hãy lấy lời lành mà an ủi nhau !”. Và điều quan trọng hơn cả cho đời người tá điền là sẵn sàng cống hiến.

3. “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, bằng không sẽ chặt nó đi”(Lc. 13, 8-9): Đã trồng cây ăn trái, chẳng ai mong nó thành cây kiểng hoặc biến thành cây cổ thụ. Việc trồng, tỉa, bón phân luôn đòi hỏi sự chọn lựa, hy sinh và chắc chắn sẽ gây phiền hà, đụng chạm;nhất là với thành phần giáo dân “có tầm cỡ cả kinh tế lẫn ảnh hưởng”. Chọn giải pháp an toàn thì tất cả sẽ trở thành rừng cây cao bóng cả, và chẳng bao giờ đem lại hoa trái “Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy . Vậy anh hãy chặt nó đi”. Cây nào để, cành nào phải chặt, tập quán nào phải bỏ, tật xấu nào phải sửa chữa và cất đi…mãi mãi vẫn là “cái khó, sự khổ” cho người tá điền.

Mục tiêu là phải làm cho vườn nho sinh trái, nên người tá điền phải can đảm, sáng suốt và thậm chí mạnh tay để có thể đạt được mục tiêu cuối cùng là sinh hoa trái cho ông chủ.

4. “Hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”(Luc. 10, 20) Điều an ủi cho đời người tá điền chính là “Tên anh em đã được ghi trên trời”. Ông chủ mà người tá điền làm mướn là chính Chúa, người Cha nhân hậu, giầu lòng từ ái và rất hào phóng. Chờ đợi sự trả ơn của người đời hóa ra chúng ta cũng tầm thường như bao công chức trần thế. Lý tưởng phục vụ con người luôn đòi sự xả thân mà không cần báo đáp hay đền ơn. Sự hy sinh cho lý tưởng phục vụ các linh hồn nào đâu sánh ngang với những giá trị của vật chất. Điều quan trọng và cần thiết hơn cả là được đáp trả lại hồng ân vô cùng cao trọng mà Chúa đã tuyển chọn và cất nhắc mỗi chúng ta trong thiên chức Linh Mục.

Được gọi và chọn vào giờ thứ mấy trong cuộc đời sẽ không còn là mối bận tâm, được trả một đồng hay bao nhiêu tiền cho cả một đời người không còn là vấn đề, được quản lý vườn nho lớn hay nhỏ, con chiên béo hay gầy cũng chẳng phải là sự đánh giá cần thiết. Điều quan trọng và hạnh phúc trên tất cả là chúng ta được thuộc về Chúa, ở trong tình thương của Chúa (Gioan 14, 21)

“Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn và sai đi để chúng con sinh nhiều hoa trái”.


· Chắc chắn một điều, Chúa luôn cần có những người tá điền siêng năng, cần mẫn và biết việc.

· Chắc chắn một điều, Chúa muốn người tá điền phải có con tim của Chúa để biết yêu mến, gắn bó và sinh hoa lợi cho vườn nho Chúa.

· Chắc chắn một điều, Chúa muốn người tá điền sẵn sàng làm bất cứ công việc gì mà Ngài cần cho vườn nho của Ngài.

· Và chắc chắn một điều, Chúa muốn người tá điền trung thành, sống chết cho lý tưởng phục vụ mà không bao giờ đặt điều kiện hơn thiệt trong khi thi hành nhiệm vụ phục vụ của mình.

Lời cầu nguyện :

Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con vào làm vườn nho cho Chúa, người đầu ngày, người giữa ngày và thậm chí cuối ngày. Tất cả đều là hồng ân và do tình thương quan phòng của Chúa. Điều đó chẳng ai trong chúng con không hiểu, thậm chí đầy xác tín với tuổi đời Linh mục dầy dạn phong sương. Nhưng rồi những chùm nho chín mọng, những con chiên béo tốt đã làm cho chúng con quên đi cái thân phận tá điền làm thuê của mình. Những ham muốn, những ích kỷ, lòng tham đã làm cho chúng con lầm tưởng vườn nho trĩu quả, nhữnng con chiên béo tốt là của riêng mình, mà sinh lòng thèm muốn, giận dỗi và nhiều khi có những phản ứng phản chứng. Mang thân phận con người chúng con vẫn chưa vượt khỏi cái tôi ích kỷ, háo danh và tự phụ của mình. Xin giúp chúng con biết nhìn lại mình, công việc và nhất là hiệu quả của công việc quản lý và chăm sóc vườn nho của mình. Xin tăng thêm lòng quảng đại và nhiệt thành, để chúng con mãi là những “mục tử như lòng Chúa mong ước”. Amen.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

“Mọi sự đã hoàn tất”(Gioan 19, 30)

“Mọi sự đã hoàn tất” là lời nói cuối cùng của một đời người sau khi đã thanh thản hoàn tất sứ mạng của Mình một cách thành công, đem lại bình an và ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. “Này Con xin đến để thi hành thánh ý Cha” , lời nói bắt đầu cho sứ vụ đã được kết thúc một cách hoàn hảo, trọn vẹn bằng chính lời nói “Mọi sự đã hoàn tất”. Con Thiên Chúa ra về với Cha của Mình với một phong thái của một kẻ chiến thắng, một người đã hoàn thành một cách xuất sắc sứ mạng vâng phục của mình đến trọn hơi thở cuối cùng.

Tất cả là một sự hoàn hảo tuyệt đối, vì Chúa đã đặt thánh ý Chúa Cha là mục tiêu chính cho đời Mình “Xin cất chén đắng này xa Con, nhưng đừng vì ý Con mà vì ý Cha”. Một thoáng buồn, một chút nghi ngờ nhưng vì thánh ý Cha, Chúa đã sẵn sàng uống cạn chén đắng một cách can đảm . Và đó là tất cả cho cuộc đời của Chúa


Mọi sự có hoàn tất cho mỗi chúng ta, khi chúng ta ra khỏi đời này với sự thanh thản, hay còn vương vấn vì bao nhiêu rắc rối và hậu quả chúng ta đã để lại cho hậu thế. Từ những đổ vỡ cá nhân, kéo theo là những thảm kịch gia đình, đã để lại cho hậu thế những lệch lạc, thất vọng và cả những mất mát.

Mọi sự có hoàn tất cho cuộc đời mỗi người chúng ta, khi chỉ biết tìm và sống theo ý mình, để rồi cuộc sống chúng ta đi vào ngõ cụt của tham vọng, tiền bạc, danh lợi và cả thú tính. Hậu quả là những đổ vỡ trong gia đình, gánh nặng cho tha nhân và xã hội.

Mọi sự có thực sự đã hoàn tất cho chúng ta, khi chúng ta chỉ biết bới ra đủ thứ mà chẳng bao giờ hoàn thành, để hậu thế cứ mãi suốt đời phải cực nhọc, lo lắng dọn đi những bề bộn và rác rưởi chất chồng.

Mọi sự sẽ mãi chẳng bao giờ hoàn tất cho tất cả chúng ta, khi chúng ta không biết bắt đầu từ sự vâng phục và tìm làm thánh ý Chúa để rồi sẽ hoàn tất viên mãn cùng với Chúa trên thập giá.

Lời cầu nguyện:

Lạy Chúa, “Mọi sự đã hoàn tất”. Chúa ra đi thật thanh thản vì cả cuộc đời Chúa chỉ là “Làm theo Thánh ý Chúa Cha”. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết tìm ra thánh ý Chúa cho cuộc đời mình, để suốt đời chúng con biết sống và làm đẹp lòng Chúa mãi. Amen.

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

“Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”(Gioan 20, 9)

“Chúa đã sống lại”Tin Mừng mà Gíao Hội hôm nay và mãi mãi sẽ rao giảng và làm chứng trong suốt hành trình sứ mệnh rao giảng của mình. Mừng Chúa sống lại, Gíao hội muốn mọi người lặp lại cho thế hệ con người chúng ta hôm nay về:

Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết vì Ngài là Con Thiên Chúa, và tất cả mỗi chúng ta khi tin và tuyên xưng niềm tin mình vào cuộc tử nạn và phục sinh của Con Một của Ngài, cũng sẽ được sống lại và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu như chính Ngài đã húa.

Gía trị thật của con người sau cuộc sống vật dục hiện tại. Con người không chỉ là một tạo vật hay hư nát và giới hạn, nhưng chúng ta còn là hình ảnh của Thiên Chúa, được quyền thừa hưởng Nước Trời như những đứa con thừa tự, nhờ tin vào Ngài.

Trong tình thương của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều được yêu thương, được thứ tha và cứu chuộc. Với tình thương của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đều được đón nhận, không bị loại trừ như những đứa con hoang đàng.

Đối với Thiên Chúa, chẳng có gì là không thể, nhưng có thể; vì tình thương và ơn cứu độ của Ngài còn lớn hơn cả lầm lỗi của chúng ta. Nước Thiên đàng thật gần gũi, bên cạnh và ở trong chúng ta, nếu chúng ta cũng biết sẵn sàng sống , chết cho sự thật; và biết trầm mình trong sự tin yêu, phó thác vào tình thương bao la của Thiên Chúa.

Niềm vui phục sinh mãi mãi chính là niềm tin, sự tự hào và là điểm tựa cho tất cả mọi nỗ lực, cố gắng của tất cả mọi tín hữu. Vì Chúa, với Chúa và trong Chúa mà mọi việc làm của tất cả chúng ta tìm được ý nghĩa. Sẽ chẳng bao giờ có được ơn cứu độ và mãi mãi sẽ không bao giờ con người thoát được cảnh nô lệ cho tội lỗi và sự chết, nếu Con Thiên Chúa không nhập thể và hy sinh tính mạng để cứu rỗi chúng ta. Cuộc sống của con người sẽ mãi lao đầu vào ngõ cụt, mọi hy sinh đều vô ý nghĩa; và tất cả đều trở thành hư đi, nếu không có sự sống lại của Chúa. Với chiến thắng sự chết của Chúa, Chúa đã trả lại ý nghĩa và gía trị cho tất cả.

Lời cầu nguyện :

Lạy Chúa phục sinh, chúng con cảm tạ tình thương cứu độ mà Chúa đã sinh chúng con ra từ thập gía . Bởi chính khi Chúa bị treo lên mà tất cả chúng con đã được kéo lên cùng Chúa. Chúa đã cứu chúng con bằng cả giá máu, sinh mạng của Chúa. Tất cả đều do bởi tình yêu và chỉ vì tình yêu. Hơn thế, chúng con hiểu rằng, mỗi người trong chúng đều có một chỗ trong trái tim yêu thương của Chúa. Xin giúp chúng con biết ý thức và sống niềm vui phục sinh của Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời với tất cả tin yêu và phó thác. Amen.

Lm Phan Kế Sự