PDA

View Full Version : P - Phêrô Chối Thầy



Dan Lee
03-30-2010, 10:05 PM
PHÊRÔ CHỐI THẦY


Phêrô đang ở dưới sân, một người đầy tớ gái của thượng tế đi tới; thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói:

- Cả bác nữa, bác cũng ở với cái ông người Nadarét, ông Giêsu đó chứ gì!

Ông liền chối:

- Tôi chẳng biết, chẳng hay cô muốn nói chi!


***

Chối lần thứ nhất:

Nhìn kỹ đoạn văn trên, ta thấy những chi tiết sau:

Một - Chỉ có một, không phải hai.

Ðứa tớ - Ðầy tớ, không phải người địa vị.

Gái - Tớ gái, không phải trai.

Như vậy, kẻ Phêrô gặp mặt tối đó là người mang địa vị thấp nhất trong xã hội bấy giờ. Chỉ một đứa, lại là đứa đầy tớ, mà lại là tớ gái! Thế mà Phêrô hoảng sợ. Làm sao lại có thể sợ hãi trước một người không quyền hành, không địa vị gì như thế? Chỉ là một tớ gái!

Cung cách của Phêrô chối nữa, ông chối bằng ngôn ngữ rất đặc biệt:

Tôi chẳng hay chẳng biết chị muốn nói chi!

Chợt nghe câu đó, người nghe xem ra như ông đâu có chối. Ông chối rất nhẹ nhàng. Ông làm bộ như không rõ chuyện gì. Ngôn ngữ hôm nay, người ta bảo là kiểu nói đánh trống lảng.


Chối lần thứ hai:

Tin Mừng kể tiếp:

Rôì ông bỏ đi ra phía tiền đường. Bấy giờ có tiếng gà gáy. Người tớ gái thấy ông, lại bắt đầu nói với những người đứng đó:

- Bác này cũng thuộc bọn chúng đấy.

Ông Phêrô lại chối.

Qua đoạn văn trên, người đọc thấy sau khi chối lần thứ nhất xong, ông không còn ngồi chỗ đó nữa. Ông đi ra phía ngoài cổng. Như vậy, đối với khoảng cách trong không gian là ông xa Chúa thêm một khúc đường rồi. Chối lần thứ nhất ông còn ở giữa sân, còn gần Chúa. Bây giờ bỏ đi ra ngoài. Cái xa cách không gian ấy diễn tả một khoảng xa hơn trong tâm hồn. Nó là một khoảng tội nặng hơn.

Lúc nẫy ông chỉ đối diện với một đứa tớ gái thôi. Bây giờ đứa tớ gái nói với "những người có mặt". Như thế, ông đối diện với nhiều người. Chối Chúa lúc nẫy trước mặt một người, tội nhẹ hơn trước mặt nhiều người chứ. Hai lần chối không mang mức độ giống nhau. Lần này xa hơn, nặng hơn. Ông chối Chúa công khai hơn.

Chối lần thứ ba:

Lần thứ ba này Tin Mừng Máccô cho biết những chi tiết cuộc chối bằng ngôn ngữ rất tinh vi, rất chính xác. Chính xác trong chi tiết để diễn đạt cái tang thương của Phêrô. Tin Mừng kể:

Một lát sau những người đứng đó lại nói với ông:

- Ðúng là bác thuộc bọn chúng, vì bác cũng là người Galilê!

Nhưng ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa mà thề:

- Tôi thề là không hề biết người các ông nói đó. (Mc 14:70-71).

Ở đây có bốn điểm chú ý, người đọc cần ghi nhận trong lần chối thứ ba này:

1. Không phải là một người tố cáo nữa mà là "những người có mặt" đều tố cáo. Một người tố cáo, ít nguy hiểm hơn nhiều người.

2. Tố cáo này xác đáng vì đi vào chi tiết lịch sử của Phêrô, họ nhận ra giọng nói của ông là người Galilê, họ biết rõ gốc gác, còn chối vào đâu?

3. Vì hai lý do trên, lần này Phêrô không chối nhẹ nhàng như lần đầu, ông lấy lời "độc địa mà thề".

4. Câu ông thề là: "Tôi không hề biết con người đó là ai".

Như thế, ông quyết liệt công khai chối bỏ liên hệ với Ðức Kitô để cứu lấy mạng sống. Bây giờ ông không cần biết con người ấy là ai nữa. Ông chỉ biết làm sao thoát thân trong lúc này.

Xét trong ba lần chối, người đọc thấy rõ tiến triển của ba lần khác nhau. Mỗi lần nặng thêm chứ không phải ba lần giống nhau. Ba lần chối như ba nấc thang của một con dốc xuống vực sâu. Mỗi lần là một bực sa xuống sâu hơn, sâu hơn nữa.

Giờ đây nhìn lại đời Phêrô, ta thấy thảm cảnh bi đát của thân phận một con người. Con người này làm được gì? Cả đời ông toàn là lỗi lầm. Cứ mỗi lúc ông lại lỗi nặng hơn. Lầm lỗi ngay khi theo Chúa ba năm trước ở biển hồ Galilê cho đến ba năm sau, giây phút sau cùng trước khi Chúa chết vẫn cứ lầm lỗi.


***

Bi kịch trên là thảm cảnh não nề cho đời Phêrô. Bi kịch ấy cũng là thảm cảnh não nề cho Ðức Kitô, một Rabbi mà có một môn đệ kém như thế. Nhưng đàng sau bi kịch này, đâu là mối dây liên hệ của hai người? Ta hãy tìm hiểu.

Chắc chắn Phêrô thương Thầy. Sau khi Chúa bị bắt, các môn đệ khác bỏ chạy. Phêrô cũng thế, nhưng không chạy xa. Không biết Thầy mình ra sao, ông trở lại, lẻn vào dinh thượng tế nghe ngóng. Nếu ông bỏ Ðức Kitô chạy xa thì đâu xảy ra nông nỗi này. Tội nghiệp cho ông vì ông thương Chúa.

Chiều sâu phía bên kia lỗi phạm của Phêrô vẫn có tình thương. Nói về tình thương sâu kín này, ta hãy ngoảnh lại nhìn một chút về chuyện Phêrô bị mắng lần thứ hai xem sao. Lần đó, Chúa mắng Phêrô "ngu tối". Giả sử hôm đó Phêrô lặng im đừng hỏi thì đâu bị mắng. Lời xin của Phêrô: "Thưa Thầy xin giải thích dụ ngôn đó cho chúng con" đã đưa Phêrô vào tròng. Lời xin ấy nói rằng Phêrô chậm hiểu. Vì lời xin đó, ông bị mắng. Ðàng sau lời xin, cho ta thấy chiều sâu trong trái tim, ông quý lời của Chúa. Không hiểu, ông hỏi chứ không im lặng bỏ qua. Có thể vài môn đệ khác cũng không hiểu. Nhưng đối với Phêrô, ông quý lời của Chúa. Ông không để lời đó trôi đi. Bằng chứng khi có người bỏ Chúa, Chúa hỏi các môn đệ có bỏ Chúa không. Phêrô là người thưa trước tiên: "Thưa Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai, Thầy có Lời ban sự sống" (Yn 6:68). Ta thấy tội nghiệp Phêrô. Ông có yếu đuối, lỗi phạm nhưng luôn có trái tim.

Ðối với Chúa, Chúa phải mang cái bi thảm của một môn đệ chậm hiểu, kém tin, hành động lung tung. Nhưng Chúa không bỏ môn đệ này trong yếu đuối, người môn đệ này có một tâm hồn.

Phêrô chối Ðức Kitô vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu. Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường trốn. Nhưng trước yếu đuối ấy Phêrô đã khóc. Nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông òa khóc nức nở.

Ðời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mạnh, giữa trọn vẹn và dang đở, giữa xa và gần, giữa trời và đất. T rái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Ðời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại, có lên cao gặp vực sâu.

Theo sát lời tường thuật của Phúc Âm, ông lầm lỗi và bị mắng nhiều quá. Tuy nhiên, có điều trong trái tim ông, Chúa có một chỗ đặc biệt. Trong tất cả trăn trở ấy, tim ông có một ước mơ. Cho dù yếu đuối, ông vẫn có một ước mơ. Cho dù chơi vơi giữa dòng nước, ông vẫn có một ước mơ. Ông thương Thầy mình.

Ðức Kitô không đếm chân ông đã bước được những bước thánh thiện nào. Ngài cũng không chối từ vì ông đã bước sai bao nhiêu bước. Ngài chỉ nhìn vào ước mơ trong trái tim ông. Và ở ước mơ đó, Thầy trò họ gặp nhau.



***

Lạy Chúa, Chúa không lầm khi chọn người môn sinh yếu đuối.

Chúa không sa thải lúc người môn sinh lỗi phạm.

Chúa lấy kiên nhẫn dẫn đi.

Chúa là Thầy dạy lấy tình thương chịu đựng.

Chúa nhận thập giá về phía mình để người môn sinh được nâng lên cao.

Chúa không lầm khi gọi Phêrô.

Lúc nào trong tim con có mơ ước theo Chúa, Chúa sẽ không nhìn đến yếu đuối của con, chỉ nhìn vào ước mơ ấy trong tim con thôi.

LM. Nguyễn Tầm Thường - Trích trong “Cô Đơn và Sự Tự Do”