Dan Lee
04-02-2010, 12:15 AM
Thứ 6 Tuần Thánh: Dung mạo người tôi tớ đau khổ
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta đi lại hành trình thương khó của Chúa Giêsu trên dương thế. Trong hành trình đó, chúng ta gặp được dung mạo của một Đức Kitô đau khổ, đau khổ tột cùng.
1. Những đau khổ mà Đức Kitô phải chịu là gì ?
Trong khoa tâm lý học, người ta phân biệt 2 loại đau khổ: đau khổ về thể lý và đau khổ về tinh thần hay tâm linh. Đau khổ nào cũng là khổ đau. Đau khổ nào cũng có sức huỷ hoại sự sống con người cả. Nơi cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có đủ cả 2 loại đau khổ này.
- Đau khổ về mặt thể lý: Bị lý hình đánh đập hành hạ bằng những đòn roi tàn bạo. Bị những vòng gai nhọn đâm sâu vào đầu. Theo lời sách ngắm thì vòng gai có đến 72 cái gai do quân dữ đánh lọt vào óc (chỉ vài cái đã đau đớn lắm rồi đàng này 72 cái). Bị cái đói cái khát dày vò. Bởi vì máu càng ra nhiều bao nhiêu, thì càng khát nước bấy nhiêu. Nhất là bị đóng đinh căng thây trên cây thập giá, tay chân đinh nhọn xuyên qua.
- Đau khổ về mặt tinh thần: Bị dân chúng trở mặt lên án, đòi đóng đinh vào Thập giá. Trong số đó, có cả những kẻ mà mình đã thi ân giáng phúc. Bị quân lính xỉ nhục lăng mạ. Bị các môn đệ bỏ rơi, đặc biệt là bị chính những người thân tín nhất chối từ, bội phản. Một Giuđa, kẻ được tín nhiệm trao cho việc quản lý tài chánh, không ngại ngùng dùng chính cái hôn để phản nộp sư phụ của mình. Một Phêrô, người được trọng dụng cất nhắc lên địa vị trưởng Tông Đồ đoàn, cũng chẳng thẹn thùng chối bai chối bải Thầy mình không những một lần mà đến ba lần. Chắc là không còn nỗi đau nào hơn thế.
2. Chúa Giêsu đã đón nhận đau khổ với thái độ nào ?
Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả những đau khổ đó với thái độ tự hạ, tự hiến nhằm dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ hy sinh làm giá cứu chuộc nhân loại. Ngài như con chiên hiền lành bị đem đi giết mà không một lời kêu ca. Bị hành hạ, Ngài không một lời kêu than. Bị xỉ nhục, Ngài không mắng chửi. Bị vác thập giá, Ngài không vừa vác vừa càm ràm than trách. Bị ngã lên ngã xuống, Ngài không thở dài tuyệt vọng. Bị treo trần trụi trên thập giá, Ngài không nguyền rủa. Các sử gia La mã (Seneca, Cicêrô) cho biết những kẻ bị đóng đinh thường la hét và chửi rủa. Do đó có khi phải cắt lưỡi kẻ bị đóng đinh, để y khỏi thốt ra những lời xúc phạm, lăng mạ kinh tởm… Nhóm Luật sĩ và Biệt phái chắc cũng chờ đợi: từ thập giá Đức Giêsu sẽ thốt ra những tiếng kêu la và nguyền rủa! Nhưng không phải thế. Những lời của Đức Giêsu lại tràn đầy dịu dàng và yêu thương: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng hiểu biết việc chúng làm”. Ngài còn hướng về kẻ trộm lành, đại diện cho những người có tâm tình hoán cải: “Hôm nay, người sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”.
Ở đời người ta vẫn thường nói: “Yêu là khổ”. Câu nói này rất đúng với trường hợp của Chúa Giêsu. Nhìn vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, ta không thể tìm được một lý do nào thích hợp hơn để lý giải, ngoại trừ lý do yêu thương. Nói cách khác, hành trình thương khó của Chúa Giêsu là hành trình của tình yêu. Vì yêu nên Ngài đã sẵn lòng đón nhận mọi khổ đau, vui lòng chấp nhận mọi hy sinh, và bằng lòng cho đi đến cùng.
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao hiến tất cả: y phục, Ngài trao cho lý hình; uy quền trần thế, Ngài trao cho Hêrôđê; thân mẫu, Ngài trao cho một người môn đệ; ngay cả sự sống, Ngài trao cũng lại cho Thiên Chúa Cha. Tắt một lời, Ngài không còn giữ lại gì cho mình.
Và chính vì yêu bằng một tình yêu hiến trao tất cả như thế, nên Thập giá của Chúa Giêsu đã nở hoa, hoa cứu độ, hoa đem lại sự sống trường sinh cho con người.
3. Thái độ của chúng ta ra sao khi đối diện với đau khổ ?
Cuộc sống của con người cũng luôn đầy dẫy những khổ đau. Đức Phật đã nói: “Đời là bể khổ”. Vậy làm gì trước những đau khổ của mình và của người khác ? Nếu chúng ta biết vui lòng đón nhận và liên kết với đau khổ của Chúa Giêsu thì những đau khổ mà chúng ta chịu sẽ mang lại giá trị cứu độ. Nếu chúng ta biết chia sẻ và cố gắng làm vơi bớt đi những đau khổ của người khác, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng bội hậu mai sau.
Thế nhưng, trên thực tế ta thấy rằng khi gặp thử thách gian truân, ta thường hay kêu ca và phản kháng. Gặp thánh giá, ta thường than vắn thở dài, muốn vứt bỏ càng sớm càng tốt. Gặp thất bại, ta thường nãn lòng oán trách. Gặp những gì trái ý, ta thường bực bội cau có. Chính vì thế, thập giá khổ đau càng thêm nặng, vả lại chúng ta lại mất hết công phúc.
Xin cho mỗi người chúng ta biết năng suy ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhất là biết nhìn lên Thánh giá Chúa để hiểu rõ hơn ý nghĩa của đau khổ, đồng thời tìm được nghị lực và sức mạnh hầu có thể vác thập giá mà theo chân Chúa cho đến cùng. Amen.
Phan Thiết, Tuần Thánh 2010
Lm Giuse Nguyễn Thành Long
Trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội cho chúng ta đi lại hành trình thương khó của Chúa Giêsu trên dương thế. Trong hành trình đó, chúng ta gặp được dung mạo của một Đức Kitô đau khổ, đau khổ tột cùng.
1. Những đau khổ mà Đức Kitô phải chịu là gì ?
Trong khoa tâm lý học, người ta phân biệt 2 loại đau khổ: đau khổ về thể lý và đau khổ về tinh thần hay tâm linh. Đau khổ nào cũng là khổ đau. Đau khổ nào cũng có sức huỷ hoại sự sống con người cả. Nơi cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta thấy có đủ cả 2 loại đau khổ này.
- Đau khổ về mặt thể lý: Bị lý hình đánh đập hành hạ bằng những đòn roi tàn bạo. Bị những vòng gai nhọn đâm sâu vào đầu. Theo lời sách ngắm thì vòng gai có đến 72 cái gai do quân dữ đánh lọt vào óc (chỉ vài cái đã đau đớn lắm rồi đàng này 72 cái). Bị cái đói cái khát dày vò. Bởi vì máu càng ra nhiều bao nhiêu, thì càng khát nước bấy nhiêu. Nhất là bị đóng đinh căng thây trên cây thập giá, tay chân đinh nhọn xuyên qua.
- Đau khổ về mặt tinh thần: Bị dân chúng trở mặt lên án, đòi đóng đinh vào Thập giá. Trong số đó, có cả những kẻ mà mình đã thi ân giáng phúc. Bị quân lính xỉ nhục lăng mạ. Bị các môn đệ bỏ rơi, đặc biệt là bị chính những người thân tín nhất chối từ, bội phản. Một Giuđa, kẻ được tín nhiệm trao cho việc quản lý tài chánh, không ngại ngùng dùng chính cái hôn để phản nộp sư phụ của mình. Một Phêrô, người được trọng dụng cất nhắc lên địa vị trưởng Tông Đồ đoàn, cũng chẳng thẹn thùng chối bai chối bải Thầy mình không những một lần mà đến ba lần. Chắc là không còn nỗi đau nào hơn thế.
2. Chúa Giêsu đã đón nhận đau khổ với thái độ nào ?
Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả những đau khổ đó với thái độ tự hạ, tự hiến nhằm dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ hy sinh làm giá cứu chuộc nhân loại. Ngài như con chiên hiền lành bị đem đi giết mà không một lời kêu ca. Bị hành hạ, Ngài không một lời kêu than. Bị xỉ nhục, Ngài không mắng chửi. Bị vác thập giá, Ngài không vừa vác vừa càm ràm than trách. Bị ngã lên ngã xuống, Ngài không thở dài tuyệt vọng. Bị treo trần trụi trên thập giá, Ngài không nguyền rủa. Các sử gia La mã (Seneca, Cicêrô) cho biết những kẻ bị đóng đinh thường la hét và chửi rủa. Do đó có khi phải cắt lưỡi kẻ bị đóng đinh, để y khỏi thốt ra những lời xúc phạm, lăng mạ kinh tởm… Nhóm Luật sĩ và Biệt phái chắc cũng chờ đợi: từ thập giá Đức Giêsu sẽ thốt ra những tiếng kêu la và nguyền rủa! Nhưng không phải thế. Những lời của Đức Giêsu lại tràn đầy dịu dàng và yêu thương: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng chẳng hiểu biết việc chúng làm”. Ngài còn hướng về kẻ trộm lành, đại diện cho những người có tâm tình hoán cải: “Hôm nay, người sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”.
Ở đời người ta vẫn thường nói: “Yêu là khổ”. Câu nói này rất đúng với trường hợp của Chúa Giêsu. Nhìn vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu, ta không thể tìm được một lý do nào thích hợp hơn để lý giải, ngoại trừ lý do yêu thương. Nói cách khác, hành trình thương khó của Chúa Giêsu là hành trình của tình yêu. Vì yêu nên Ngài đã sẵn lòng đón nhận mọi khổ đau, vui lòng chấp nhận mọi hy sinh, và bằng lòng cho đi đến cùng.
Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao hiến tất cả: y phục, Ngài trao cho lý hình; uy quền trần thế, Ngài trao cho Hêrôđê; thân mẫu, Ngài trao cho một người môn đệ; ngay cả sự sống, Ngài trao cũng lại cho Thiên Chúa Cha. Tắt một lời, Ngài không còn giữ lại gì cho mình.
Và chính vì yêu bằng một tình yêu hiến trao tất cả như thế, nên Thập giá của Chúa Giêsu đã nở hoa, hoa cứu độ, hoa đem lại sự sống trường sinh cho con người.
3. Thái độ của chúng ta ra sao khi đối diện với đau khổ ?
Cuộc sống của con người cũng luôn đầy dẫy những khổ đau. Đức Phật đã nói: “Đời là bể khổ”. Vậy làm gì trước những đau khổ của mình và của người khác ? Nếu chúng ta biết vui lòng đón nhận và liên kết với đau khổ của Chúa Giêsu thì những đau khổ mà chúng ta chịu sẽ mang lại giá trị cứu độ. Nếu chúng ta biết chia sẻ và cố gắng làm vơi bớt đi những đau khổ của người khác, thì chắc chắn chúng ta sẽ được Chúa ân thưởng bội hậu mai sau.
Thế nhưng, trên thực tế ta thấy rằng khi gặp thử thách gian truân, ta thường hay kêu ca và phản kháng. Gặp thánh giá, ta thường than vắn thở dài, muốn vứt bỏ càng sớm càng tốt. Gặp thất bại, ta thường nãn lòng oán trách. Gặp những gì trái ý, ta thường bực bội cau có. Chính vì thế, thập giá khổ đau càng thêm nặng, vả lại chúng ta lại mất hết công phúc.
Xin cho mỗi người chúng ta biết năng suy ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nhất là biết nhìn lên Thánh giá Chúa để hiểu rõ hơn ý nghĩa của đau khổ, đồng thời tìm được nghị lực và sức mạnh hầu có thể vác thập giá mà theo chân Chúa cho đến cùng. Amen.
Phan Thiết, Tuần Thánh 2010
Lm Giuse Nguyễn Thành Long