PDA

View Full Version : H - Huống chi bây giờ.



Dan Lee
04-05-2010, 11:56 PM
HUỐNG CHI BÂY GIỜ...

Xem chừng, chỉ ít năm sau nữa thôi, dân tộc mình, người tỉnh ít hơn kẻ điên, người thanh thản tuổi già ít hơn những người già nua trầm cảm. Lúc ấy, đấm ngực ăn năn tưởng cũng đã quá muộn màng.


Lương tâm hay lương tháng
Mà sáng sáng cứ phải tơ vương ?

http://huongvedaihoidanchua.net/thumbnail.php?file=00._ANH_EM_BE_DEM_VE_THU_BAY_20.3.2010_834410509.jp g&size=article_medium

Xác một em bé được Nhóm BVSS Sàigòn đem về ngày 20.3.2010

Ngày Cha tôi còn sống. Cứ mỗi tối, Cha tôi thường kể cho chúng tôi nghe về thời thơ ấu của ông. Hồi đó chưa di cư vào miền Nam năm 1954. Chúng tôi rất thích những buổi tối như thế. Cha con quây quần vui vẻ với nhau. Những câu chuyện ông kể đã gieo vào trong trí tưởng tượng của chị em chúng tôi một miền quê đầy tình làng nghĩa xóm. Trong những câu chuyện ấy. Có một câu chuyện in đậm mãi trong tâm trí của tôi, vì ông kể với đôi mắt luôn rưng rưng ngấn lệ và giọng kể trầm buồn như một hối tiếc xa xôi.

Câu chuyện của Cha tôi:

“Gia đình Bố chỉ có hai anh em. Bố và Bác Viết. Bác hơn Bố chừng ba bốn tuổi gì đó. Gia đình ông nội chúng con nghèo lắm. Bố còn được ăn học chứ Bác con chẳng được gì, suốt ngày phải chăn trâu làm ruộng, mà miền Bắc trời rét cứ căm căm, chân tay Bác con cứ mốc tha mốc thếch, mọi người trong làng gọi bác là... Viết mốc.

Năm 1945, nạn đói hoành hành, người chết la liệt ngoài đường. Gia đình nghèo nên Bố và Bác cũng thường xuyên bị cơn đói hành hạ, đói vàng cả mắt, đói rủn cả chân tay, năm đó Bố chừng 6 tuổi. Bố vẫn còn nhớ, hôm ấy đói quá, hai anh em dắt nhau ra cổng làng, Người ta đang phát chẩn cứu đói. Cơm chẩn cũng có hạn, hai anh em cũng chỉ được một nắm cơm nguội bé tí teo. Bác con lớn hơn nên giành được. Bị cơn đói hành hạ đã lâu, Bác tính bỏ luôn nắm cơm vào miệng nhưng thấy chú em còn quá nhỏ, đói, khóc đòi ăn, ngần ngừ mãi, cuối cùng Bác nhường cả nắm cơm cho Bố.

Đến bây giờ Bố còn nhớ như in. Bác đứng đó với đôi mắt nhìn Bố ăn mà thèm thuồng. Bố có thể quên đi nhiều cái nhưng đôi mắt Bác lúc ấy mãi mãi còn lại cho đến bây giờ, trong tâm trí Bố, mỗi khi nhìn bát cơm trắng là lại nhớ về kỷ niệm ngày xưa.”

Đôi khi kể xong, Cha tôi lại lấy tay chùi mắt. Trước năm 1954 mấy năm, Bác tôi cũng đã hy sinh trong một trận ngăn cản không để Việt Minh vào làng khi vừa cưới vợ chưa tròn tháng. Bác bị Việt Minh dùng mã tấu băm nát cùng với 20 người khác đến nỗi bà nội tôi nhìn mặt cũng chẳng nhận ra. nay Bác vẫn nằm chung mộ với 20 người bạn tại miền Bắc xa xôi. chẳng còn ai nhang khói vì gia đình đã di cư vào Nam.

Thế mới biết, chỉ là một đứa trẻ mới lên năm lên sáu, trước cái đói chết người chẳng nhường nhau một nắm cơm. Thế mà nỗi ân hận vẫn dày vò Cha tôi mấy mươi năm sau đó. Huống chi bây giờ.

Vâng, Huống chi bây giờ.. Chẳng qua cũng chỉ vì chút công danh hão huyền, vì miếng cơm manh áo, vì ngại phải vất vả sớm hôm... Mà người ta đang tâm đổi chữ Tâm bằng chữ Tiền. Cái giá phải trả là biết bao sinh linh bé bỏng phải oan ức chia tay với cuộc sống. 13 triệu em bé hàng năm ở Trung Quốc, trên 3 triệu em bé tại Việt Nam v.v... và còn nhiều triệu nữa ở khắp nơi trên cái hành tinh xanh này.

Hành tinh này có còn xanh hay hành tinh này đã bị nhuộm đỏ bởi máu trẻ thơ vô tội ? Những con sông, con suối, những bãi cát dài thơ mộng nay bị biến thành nơi cất giấu một tội ác dã man. Những bãi rác, hầm cầu trở thành nơi chứa đựng thân xác của hàng ngàn thai nhi bị ruồng bỏ một cách bất công.

Vâng, Huống chi bây giờ., phá thai đã được quảng cáo bằng những tấm biển đèn neon, đèn led nhấp nháy sáng trưng, hấp dẫn thu hút hàng vạn, hàng vạn nạn nhân như những con thiêu thân lao mình vào lửa.

Huống chi bây giờ., phá thai được hệ thống luật pháp bảo kê xem như một chính sách hàng đầu để giảm sinh, để tăng trưởng kinh tế, chẳng thấy tăng đâu mà chỉ thấy những món nợ nước ngoài khổng lồ con cháu sau này chẳng được hưởng dụng nhưng vẫn phải è cổ gánh nợ của cha ông nó.

Huống chi bây giờ., bàn tay của những vị lương y không còn trong trắng mà chai sần do đếm tiền hốt được trên các bệnh nhân, Tôi đã từng ngao ngán thở dài khi thấy tận mắt, nghe tận tai câu hỏi đầu tiên của một bác sĩ siêu âm hỏi người thiếu phụ: “Có thai hả, bỏ hay không ?”

Huống chi bây giờ., người ta công khai mở ra những tụ điểm ăn chơi, phát không những cái “condom” cho những thiếu niên chẳng mấy còn quan tâm đến cái của nợ ấy. Không ai ngăn chặn cũng chẳng ai quan tâm. Mà thật vậy, ai quan tâm khi ngay cả người cha, người mẹ cũng chẳng quan tâm, họ chỉ xem đó như một tai nạn nhỏ nhoi trong cuộc sống. vứt bỏ lúc nào mà chả được.

Người ta có thể có thể chạy trốn tất cả nhưng không thể chạy trốn chính mình, Rồi đây, khi nhìn lại quãng đời đã qua, lương tâm tưởng chừng đã chết nay trỗi dậy, một tiếng khóc, một tiếng cười của trẻ thơ đầu ngõ thoáng qua cũng đủ nhìn lại lỗi lầm ngày trước, day dứt, sầu hận, sám hối...

Xem chừng, chỉ ít năm sau nữa thôi, dân tộc mình, người tỉnh ít hơn kẻ điên, người thanh thản tuổi già ít hơn những người già nua trầm cảm. Lúc ấy, đấm ngực ăn năn tưởng cũng đã muộn màng.

“Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát” – “Gieo nhân nào thì gặt quả ấy” – “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”... Chẳng ai thoát được.

Mấy mươi nhân mạng trẻ thơ Trung quốc bị bỏ trôi sông như Vietnamnet đưa tin. Nhiều người phẫn nộ, nhưng tôi lại thấy cái mà họ phẫn nộ nhiều hơn có lẽ chính là lo về ô nhiễm nguồn nước, chứ lại không phải chuyện phá thai. Vì phá thai nhan nhản công khai, sao họ không phẫn nộ ?

Xã hội Việt Nam cũng thế, người ta cũng ầm ào phản đối, tổ chức học theo tấm gương này tấm gương kia, nhưng những tấm bảng quảng cáo chết chóc chẳng ai thèm nói đến. Gia đình ta cũng vậy, cứ thử có kẻ nào đụng đến miếng cơm manh áo, cứ thử có ai xâm phạm đến đường công danh. Ta lại chẳng nổi xung thiên địa. Ấy vậy, lại mang chính con mình cho người ta giết, lại còn phải cám ơn, chịu ơn kẻ giết con, giết cháu của mình cứ như là ân nhân cứu mạng ? Thật quái lạ !

“Hãy trở về, trở về với Cha Nhân Lành, hãy trở về, trở về để sớm hồi sinh.
Hãy trở về, trở về với Cha Nhân Lành, trở về, trở về, để mãi sống trong an bình”.

Đại lễ Phục Sinh 2010, Đaminh PHAN VĂN DŨNG