PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật III Phục Sinh " Tìm về dấu cũ để nhận ra Chúa đó"



Dan Lee
04-18-2010, 12:06 AM
Chúa Nhật III Phục Sinh (C2010)

http://tinvui.info/vn/uploads/News/pic/small_1271563277.nv.jpg

Tìm về dấu cũ để nhận ra Chúa đó

Theo chuyện kể của Tin Mừng, tại Palestina vào khoảng 2000 năm trước, có “những bước chân mệt mõi chán chường đầy thất vọng buồn tênh” của những chàng trai dân chài Galilê trở về “quê cũ nghề xưa” nơi biển hồ Tibêriát, hay trên con đường về Emmau để tìm lại những dấu chân, những kỷ niệm thân thương của Thầy Giêsu.

Bởi chưng, với họ, khi mọi hy vọng về một “ngày mai tươi sáng” đã khép lại sau bức màn tăm tối của buổi chiều Thứ Sáu nghiệt ngã trên đồi Canvê, thì việc trở về tìm lại những nơi ghi đậm hình bóng cũ của Thầy, họ hy vọng sẽ gặp được một thoáng ủi an cho vơi đi phần nào những đau thương mất mát.

Có phải "chuyện 3 năm" đã trở thành kỷ niệm ?
Thôi chúng mình về quê cũ vườn xưa.
Về làng Emmau hay bến biển Ti-bê-ri-a
Làm lại cuộc đời với thuyền câu lưới cá!
Ta cứ về đi. Bến cũ, đường xưa, kỷ niệm nào rộn rã...
Biết đâu chừng, Ngài trở lại đêm ta vào bến mộng đường mơ ?

Thế nhưng, cũng từ những “bước chân tìm về” những địa chỉ còn vương vấn dấu vết của Thầy như thế, họ đã gặp được Đấng Phục Sinh, họ đã được Thầy “khai thông trí hóa” và dẫn đưa vào chính điều cốt lỏi của niềm tin Kitô giáo: Đức Kitô đã chết và đã sống lại.

Nhưng chuyện "Ngày Thứ Nhất" có ai ngờ...
Ngài lại đến thắp lên niềm hy vọng.
"Bữa Điểm Tâm" trên bờ kia nóng bỏng,
Cho môn sinh hay cho muôn thế hệ con người...
Thất bại, khổ đau, vất vả, đoạn trường...
Bánh thơm, cá ngọt có Thầy là tất cả.
Đường Emmau bước chân ai vội vã,
Mệt mõi rã rời, nản chí buồn tênh,
Những bước chân giờ vô định mông mênh...
Và chuyện "Ngày Thứ Nhất" có ai ngờ chợt đến
Ngài như "khách bộ hành" trìu mến,
Thổi vào hồn niềm tin tưởng Phục Sinh.
Thắp lửa tin yêu, bừng sáng cuộc đăng trình,
Lời sự sống, Bánh trường sinh, Ngài thân thương ban tặng...

Và suốt 2000 năm nay, kể từ những buổi sáng tinh mơ của Ngày Thứ Nhất trong tuần trước ngôi mộ trống, hay từ buổi chiều Ngày thứ nhất trong tuần trên đường Emmau, hoặc một buổi sáng khác cũng Ngày thứ nhất trong tuần trên biển hồ Tiberiát, những cuộc “hẹn hò và gặp gỡ với Đấng Phục Sinh” vẫn không ngừng tái diễn, những cuộc qui tụ để cùng “đánh chén với Đấng Phục Sinh” vẫn tiếp tục dài dài, những cuộc “tọa đàm với Đấng Phục Sinh chung quanh chủ đề Thánh kinh về cái chết và sự sống lại của Đấng Cứu Thế” vẫn không ngừng được tổ chức thực hiện. Bởi chưng, tất cả những điều đó, những sinh hoạt cộng đoàn đó, những cuộc qui tụ chúng quanh Đấng sống lại từ cõi chết đó…đã làm nên Chúa Nhật, đã làm nên Kitô giáo, đã làm nên Hội Thánh muôn nơi và muôn thuở, một Hội Thánh luôn can đảm “vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” để tiếp tục “xin làm chứng, cùng với Thánh Thần” về một con người mang tên “Giêsu, Đấng đã bị giết chết trên thập giá nhưng đã được Thiên Chúa phục sinh” (BĐ 1).

Vâng, cuộc họp mừng Lễ Tạ Ơn hôm nay, hay ở khắp nơi, mọi thời, chính là cuộc gặp gỡ thân mật và đích thật giữa chúng ta và Chúa chúng ta, Đức Kitô phục sinh, giữa cộng đoàn chúng ta, gia đình giáo xứ chúng ta với Đấng Phục sinh đang trở về, đang có mặt, đang ban bình an, ban Lời chân lý và Bánh Trường Sinh, đang ủi an và chia sẻ tình yêu thân mật và hồn nhiên như Ngài đã hiện diện và sẻ chia cùng các môn sinh với “bữa điểm tâm đơn giản nhưng ấm áp tình thân trên bờ hồ Tibêriát” (TM). Đó chính là niềm tin muôn nơi và muôn thuở của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu, là ý nghĩa đích thực của cuộc họp mừng phục sinh, là nội dung cốt yếu của Tin Mừng phải được sẻ chia và làm chứng, như lời “lời chứng và chia sẻ của Thánh Phêrô” từ thuở khai sinh Giáo Hội mà BĐ 1 sách CVTĐ đã thuật lại hôm nay:

“Đức Giêsu bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần”.

Và điều quan trọng còn lại của hôm nay đó là chúng ta hãy biết mở tô đôi mắt đức tin, mở rộng cõi lòng đức ái để nhận ra sự hiện diện ắp đầy của Chúa, để nhận ra "Chúa đó" như Thánh Gioan Tông Đồ khi xưa.

Vâng, Chúa đã đứng đó từ lâu, Chúa đã thấy rõ bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt, bao nhiêu lắng lo mệt nhọc của những người môn sinh nghèo hèn bé nhỏ, của những học trò vụng dại ngu ngơ. Chúa đã đứng đó, đã chứng kiến bao vất vả nhọc nhằn, bao xót xa day dứt, bao tăm tối khổ sầu…của bao thân phận con người, bao gia đình nhân thế. Và thấy rồi, không phải Chúa cứ noãnh mặt quay đi và bỏ lại chúng ta bên bờ tuyệt vọng, như bao vị hiền nhân, như bao nhà chính khách, như bao lãnh tụ xưa nay. Không, Chúa đã đến, Chúa đã hiện diện, đã dọn sẵn cho chúng ta, cho nhân loại, “bữa điểm tâm tuyệt vời, đúng lúc và đầy thân thương tế nhị”. Những tấm bánh thơm, những con cá nhỏ trên ngọn lửa hồng bên bờ hồ Tibêriát, hay Bánh Thánh Thể hôm nay, các Nhiệm tích hôm nay ở giữa con thuyền Giáo Hội nào có khác chi đâu ! Bởi vì, tất cả đều đong đầy một ý nghĩa nhiệm mầu duy nhất: Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Vâng, chính sự hiện diện của Chúa đã đem lại nguồn hy vọng, niềm vui, lẽ sống, sự bình an, như cách diễn tả của thánh vịnh 29 mà cộng đoàn chúng ta vừa hát lên trong phần đáp vịnh ca: “Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu. Lạy chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (ĐC).

Đã 2000 năm qua "Dấu chân xưa" chưa bao giờ xa vắng
Vẫn hiện diện ắp đầy,
Trên những lối Emmau hay trên những bến bờ Ti-bê-ri-a giữa cuộc đời cuồn cuộn.
Những "Bữa Điểm Tâm, Bánh Thơm và Cá Nướng"...
Lời tình yêu và sự hiện diện đầy ắp thân thương,
Để anh, để chị, để chúng ta cùng chắp cánh lên đường,
Làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh đến muôn đời muôn thuở.

Phải chăng ngày hôm nay ở giữa biển đời cuộc sống, hay ở giữa con thuyền Giáo Hội, hai tiếng “Chúa Đó“ cũng đang vọng về, vang lên qua Phụng Vụ, qua các Bí tích, qua những cuộc họp mừng của cộng đoàn Giáo Hội, qua những anh chị em bé nhỏ khó nghèo, qua những lời réo gọi của yêu cầu chứng nhân và truyền giáo nơi những vùng sâu vùng xa hay nơi những môi trường đang quay mặt với Thiên Chúa và những giá trị của Phúc Âm để quay cuồng trong cơn lốc của nền “văn hưởng thụ, văn minh sự chết…”

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin hãy đến, hãy hiện diện và ban bình an cho chúng con. Chúng con đang cần sự hiện diện của Chúa biết bao. Alleluia, Alleluia.

Lm. Giuse Trương Đình Hiền