PDA

View Full Version : C - Cuộc hội nghị về Cha Ricci tại Đài loan mang Đông, Tây lại gần nhau



Dan Lee
04-23-2010, 10:25 PM
Cuộc hội nghị về Cha Ricci tại Đài loan mang Đông, Tây lại gần nhau


Đài Bắc (UCAN) - Hơn 90 học giả đã tới trình bầy các luận đề tại trường Đại học Công giáo Fu Jen (Phụ Nhân) ở Đài loan trong một cuộc hội thảo chuyên đề nhằm kỷ niệm 400 năm ngày mất của Linh mục Dòng Tên Matteo Ricci.

Đã có hơn 300 người tham dự cuộc hội nghị này, đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 25 người từ Trung hoa đại lục, tất cả đều quy tụ về đây để thảo luận về cuộc đối thoại giữa Đông và Tậy trên các lãnh vực triết học, lịch sử, tôn giáo, văn hóa, khoa học và giáo dục.

Cha Ricci là một nhà truyền giáo người nước Ý, dân chúng Trung quốc thường gọi ngài là Li Madou (Lợi Mã Đậu 利瑪竇); ngài được vinh danh vì đã đẩy mạnh cuộc đối thoại giữa Đông và Tây.


http://vietcatholic.net/pics/Ricciportrait.jpg
Cha Matteo Ricci


Ông Chen Fang-chung, người phát ngôn của hội nghị, cho thông tấn xã UCA biết là ban tổ chức có mời một số người thuộc Giáo hội ở Hoa lục đã từng tham gia vào lãnh vực nghiên cứu văn hóa, hy vọng rằng điều này sẽ đề cao và làm sâu xa thêm những cuộc trao đổi văn hóa giữa đại lục Trung hoa và Đài loan.

Larry Wang Yu-yuan, đại sứ Đài loan cạnh Tòa thánh, tuyên bố với thông tấn xã UCA rằng có được sự tham gia của những tham dự viên đến từ đại lục là một điều tốt đẹp.

Ông nói: Nên có thêm nhiều cuộc trao đổi nữa trong các giới học thuật và tôn giáo, đặc biệt là đối với Giáo hội Công giáo, và không chỉ là những trao đổi nhằm vào lãnh vực kinh tế.

Đại sứ Wang là một trong số khách mời đã đọc các bài diễn từ khai mạc cuộc hội nghị.

Các vị khác là Cha Barthelemy Adoukonou, thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, và Hồng y Paul Shan Kuo-hsi, giám mục hồi hưu thuộc giáo phận Kaohsiung ở miền nam Đài loan.

Một “bậc thày” về đối thoại liên văn hóa

Trong bài diễn từ bằng Pháp ngữ, linh mục Adoukonou nói rằng, quả thực, cha Ricci đã không chỉ là một sứ giả văn hóa, mà còn là một sứ giả về phúc âm hóa.

“Tuy vậy, một nhà truyền giáo giỏi, trước hết phải là một con người văn hoá. Ricci là một mẫu mực về cả hai phương diện.”

Cha Adoukonou nói rằng, là một người châu Phi, cha thấy đối thoại là một chủ đề rất quan trọng trong thời gian này. Cuộc trao đổi văn hóa có thể mang lại một thứ chủ nghĩa nhân bản mới.

Linh mục Ricci đã là một “bậc thày về đối thoại liên văn hóa”. Sống trong một xã hội đã toàn cầu hóa, con người ngày nay nên thừa hưởng những di sản ngài đã thực hiện.

Hồng y Shan, trong bài diễn từ, nói rằng 400 năm trước đây, cha Ricci đã thực hiện được các nguyên tắc về đối thoại liên tôn giáo như Công đồng Vatican đã đề ra sau này, đó là “tương kính, hiểu biết lẫn nhau và cộng tác chân thành.”

“Bí quyết trong sự thánh công của Ricci” là tôn trọng văn hóa Trung hoa mà không mù quáng đi theo, và khiêm tốn giới thiệu nền khoa học và kỹ thuật Tây phương cho người Trung quốc.

Hồng y nói rằng điều đó đi ngược lại nền văn hóa với những lời nói trống rỗng thịnh hành trong giới học giả Trung quốc thời đó.

Cuộc hội nghị quốc tế này cũng đã cho trình chiếu cuốn phim tài liệu nhan đề Matteo Ricci, nhân vật Dòng Tên trong Vương quốc Con Rồng, do Gjon Kolndrekaj người nước Ý làm đạo diễn.

Các quan khách cũng đã khánh thành bức tượng Cha Ricci bằng đồng đặt trước toà nhà Ricci tại Fu Jen.

Phụng Nghi