PDA

View Full Version : G - Giới luật yêu thương



Dan Lee
04-30-2010, 07:52 PM
Giới Luật Yêu Thương


Tháng Tư năm 1865 Abraham Lincoln vị tổng thống Hoa Kỳ chủ trương xóa bỏ giai cấp nô lệ, chủ tớ, đó là lý do dẫn đến cái chết bất ngờ của ông. Khi thi hài ông được đưa từ thủ đô về Springfield tiểu bang Illinois, có một phụ nữ da đen dẫn đứa con đi viếng xác Tổng Thống Abraham Lincol, bà liền chỉ cho đứa con biết: Người này đã chết vì con và cho con đó!

Bạn thân mến, không phải chỉ yêu thương một số người, nhưng là cho và vì tất cả mọi người mà Đức Giêsu Kitô đã tự nguyện chết hầu đem lại sự sống viên mãn cho bạn và tôi.

Điều mỗi người chúng ta mong ước và cần đến là tình yêu. Thánh sử Gioan định nghĩa: Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8). Thật vậy, tình yêu là bản chất của Thiên Chúa. Và vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, nên chúng ta cũng luôn khao khát và kiếm tìm tình yêu.

Trong Cựu ước, người Do thái có tất cả 613 luật. Nhưng Đức Giêsu Kitô đã tóm gọn trong điều luật kính Chúa-yêu người. Thật vậy, Tin mừng chúa nhật V phục sinh hôm nay, thánh sử Gioan ghi lại lời tâm huyết của Chúa Giêsu trong căn nhà Tiệc Ly khi Ngài và các môn đệ dùng bữa cuối cùng:“Thầy ban cho các con một điều răn mới là hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con thì các con cũng hãy yêu thương nhau.” Mối tình ấy phản ảnh tình yêu Thiên Chúa, bắt nguồn từ Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con và tuôn chảy vào chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần. Do đó, càng sống mật thiết với Chúa thì càng biết yêu thương đồng loại, nhất là những kẻ nghèo khổ.

Tin Mừng diễn tả những hành động yêu thương, phục vụ của Chúa cho các môn đệ trước khi Người truyền cho họ phải yêu thương nhau: Ngài đã nuôi nấng, dậy bảo, chữa lành và quỳ xuống rửa chân cho họ và hy sinh mạng sống: “Không có tình yêu nào cao qúy hơn là tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13). Hãy yêu như Chúa Giêsu đã yêu, và Ngài gọi đây là luật mới vì Thiên Chúa là tình yêu (GLCG #221).

Khi còn sinh tiền, chân phước Têrêsa Calcutta nói với tập sinh: “Chúng con đã được rước Chúa trong Thánh Thể, bây giờ hãy đi sờ đụng Chúa trong người nghèo khổ. Chúng ta là những người chiêm niệm trong hoạt động. Chúa không đòi chúng ta phải thành công, nhưng phải trung thành, yêu mến.” Lần kia, một ký giả chứng kiến cảnh Mẹ Têrêsa chăm sóc cho một người đàn ông gần chết nằm rên rỉ ở dưới cống rãnh, ông liền nói: “Trả tôi 1 triệu đô la tôi cũng không thể làm được việc này.” Mẹ Têrêsa trả lời: “Tôi cũng vậy.” Nhưng với tình yêu hy sinh, Mẹ Têrêsa đã làm được tất cả những việc bác ái vì Mẹ xác tín Chúa hiện diện nơi những người bất hạnh …

Thực ra, đây không phải là những điều răn như trong Cựu ước, mà là một lời di chúc: Giáo hội của Ngài phải là một giáo hội chia sẻ tình thương. Thật vậy, yêu như Chúa yêu chính là cốt lõi của Đạo chúng ta và đức bác ái không phải là một lời khuyên mà là một lệnh truyền. Trải qua dòng lịch sử của giáo hội hơn 2000 năm, noi gương Chúa Giêsu nhiều người đã sống giới răn mới này cách anh hùng như thánh Phanxicô khó khăn, thánh Martino nghèo khó, thánh Maximiliano Kolbe v v…

Và tôi xin phép được chia sẻ với độc giả về những tấm lòng vàng của các Vị hảo tâm đối với Giáo hội nói chung, Tu Đoàn Nhà Chúa nói riêng. Qua những lần đi sinh hoạt với quý hội viên thuộc các chi hội bảo trợ, tôi cảm nhận được đức tin mạnh mẽ nơi họ qua những công việc mà họ yểm trợ công việc vun trồng ơn gọi. Họ đã ý thức sự cấp bách của lời Chúa dậy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Mt 9,37). Chúng tôi tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho họ chẳng những cho hưởng hạnh phúc đời sau mà Ngài cũng chúc lành cho họ ngay cả ở đời này nữa, bởi chính Ngài đã phán: “Ai cho anh em một ly nước lã vì Danh Ta thì Ta bảo thật, người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu” ( Mc 9,41). Cho tha nhân dù chỉ một ly nước lã thôi mà Chúa còn ban thưởng như vậy thì huống hồ chi họ đã làm việc hữu ích cho việc mở mang nước Chúa.

Theo truyền thống kể lại, thánh sử Gioan ghi lại tin mừng hôm nay đã được yêu cầu tóm lược các bản viết của ngài khi về già. Tất cả những điều ngài tóm lược lại cho cộng đoàn là: “Hỡi các con, hãy yêu thương nhau.”

Nói tóm lại, tình yêu là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Và chúng ta cần trải qua cả cuộc đời này để tìm hiểu xem nó có nghĩa là gì cũng như ta đã thực thi ra sao. Thánh Gioan nói rằng: “Chưa ai được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Người ở lại trong ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4,12).

Đêm 15/4/1912 du thuyền vĩ đại của Anh quốc mang tên Titanic đụng phải tảng băng ngầm, bị chìm ở biển Bắc Đại Tây Dương, khiến 1,500 người thiệt mạng. Chiếc Titanic như muốn nói lên niềm kiêu hãnh của nhân loại đối với Thiên Chúa. Khi nó bị chìm thì một tờ báo Anh quốc cho đăng 2 bức tranh hí hoạ sau:

Trong bức họa thứ nhất, người ta thấy cảnh chiếc tàu Titanic đụng tảng băng và bên dưới có dòng chữ: Sự yếu đuối của con người và sức mạnh của thiên nhiên.

Trong bức họa thứ 2, người ta thấy một người đàn ông nhường chiếc phao cấp cứu của mình cho người đàn bà đang bồng con. Và bức tranh có lời chú thích như thế này: “Sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người.” Đúng vậy! Sức mạnh thực sự và sự vĩ đại đích thực của con người không phải khả năng chinh phục hay chế ngự thiên nhiên, nhưng là khả năng chế ngự được chính mình, vượt thắng sự ích kỷ để hiến thân cho tha nhân.

Mahatma Gandhi đã nói: “Sức mạnh vĩ đại nhất mà nhân loại có trong tay chính là tình yêu.” Đó chính là đường Chúa Giêsu đã biểu dương qua cuộc sống và cái chết của Người. Qua cuộc sống và cái chết của Chúa Giêsu, ta thấy con người chỉ được sức mạnh và vĩ đại thực sự bằng hiến thân cho tha nhân, vì tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Tình yêu. Do đó, càng yêu thương đồng loại, ta càng trở nên đồng hình dồng dạng với Ngài.

Tình yêu hướng về Thiên Chúa và tha nhân mang lại niềm vui. Niềm vui đó cho phép ta nhìn thế giới từ một viễn tượng đã được thăng hoa và phong phú dưới ánh sáng Tin Mừng. Đó chính là biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người và trở nên khí cụ bình an của Chúa như nội dung kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assissi diễn tả.

Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Vào cuối đời của chúng ta trên mặt đất này, chúng ta sẽ bị phán xét về việc chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa bao nhiêu qua việc yêu thương tha nhân.”

Tôi xin kết bài suy niệm bằng lời cầu nguyện của Chân phước Têrêsa Calcutta: “Lậy Chúa Giêsu, xin cho con tỏa hương thơm của Chúa đến mọi nơi con đi. Xin Chúa tràn ngập tâm hồn con bằng Thần Khí và sức sống của Chúa. Xin Chúa xâm chiếm toàn thân con để con chiếu tỏa sức sống của Chúa. Xin Chúa chiếu sáng qua con, để những người con tiếp xúc cảm nhận được Chúa đang sống và hiện diện trong con. Xin cho con biết rao giảng về Chúa, không bằng lời nói suông, nhưng bằng cuộc sống chứng tá, bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.”

Lm Phêrô Nguyễn Văn Phong , SDD