PDA

View Full Version : T - TỘI LỖI (phần 1)



Dan Lee
05-14-2010, 12:41 AM
TỘI LỖI (phần 1)

http://niemvuimoi.org/Uploads/News/201056222155.jpg


Tội - vấn đề mà mỗi người có thể đem ra bàn luận, nhận định, ý kiến.
Có người nói rằng: nếu không có luật thì làm gì có tội. Tội là do luật thôi.
Người khác lại nói: tôi làm gì có tội, tôi đâu có giết người, cũng chẳng làm hại ai điều gì…

Còn thánh Gioan Tông đồ nói như sau: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, thì chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không có trong chúng ta” (1Ga 1,8).
Ta cùng tìm hiểu vấn đề xem: “tội là gì ? Tội có từ bao giờ ? Và hệ luỵ của tội như thế nào ? Tội trong thế giới ngày nay như thế nào ?


Tội là gì ?

Tội là: “Lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính”.
Tội là: “Thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và với tha nhân, vì quyến luyến lệch lạc với thụ tạo”.
Tội là: “bất tuân, nổi loạn, muốn mình trở thành những vị thần biết điều thiện và điều ác”.
Tội là: “xúc phạm đến Thiên Chúa, chống lại Tình yêu của Người dành cho và khiến ta xa lánh Người”.
Tội là: “Làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại”.
Tội là: “Một lời nói, một hành vi, một ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu”. (Sách Giáo lý hội thánh công giáo định nghĩa như vậy, các số 1849-1850).


Tội có từ bao giờ ?

Ngay từ đầu, đã có những từ ngữ trình bày ý niệm này và người ta sử dụng trong cả phạm vi thế tục. Một trong các từ ngữ đó có nghĩa là “khiếm khuyết”. Khiếm khuyết này có thể ở trong quy luật, lề thói, lối ứng xử, nhất là ứng xử của dân Israel (St 20, 9; Lv 4, 2, 2Sm 13, 12). Ý nghĩa này mang ý nghĩa tôn giáo, vì điều gì được hay không được phép nơi Israel thì đều do Giao ước. Khía cạnh này mang ý nghĩa đầy đủ khi ám chỉ đến “một thiếu sót” đối với Thiên Chúa (Xh 9, 27). Từ ngữ “phản kháng” cũng có nghĩa như vậy. Phản kháng Thiên Chúa là có tội (1V 12, 19).
Các tài liệu trong Cựu Ước trình bày về tội với nhiều hình thức, nhiều khía cạnh khác nhau như sau:


Tội có tính pháp chế

Thời kỳ đầu, người ta quan niệm tội cách máy móc: đàn bà sinh con phải dâng lễ đền tội để tẩy uế (Lv 12). Hay việc phân loại muông thú thành loại thanh sạch và nhơ uế… Sự ô uế đi vào cả cuộc sống, do tiếp xúc (người bệnh tật, cấm chôn người chết...).
Bên cạnh, người ta còn quan niệm vụ luật: lỗi đến người khác thì quy thành hình phạt, để đánh đòn, cực hình (Xh 21, 19tt). Tội trong lương tâm, chưa được nói rõ thời kỳ này. Tội cố tình và vô ý chưa được sít sao. Nếu cố tình, được tha không không đặt nặng (Lv 5, 20-26; Ds 15, 30-31). Nếu được tha thì coi như vô tình và phải dâng lễ xá tội (Ds 15, 22-29).
Về hình thức và khuôn phép được áp dụng trong khi trách nhiệm cá nhân lại ít được đặt nặng, tuy nhiên người ta coi trọng vấn đề Lời Chúa: tội là vi phạm đến Lời Chúa.


Tội giao tiếp phạm thánh và nhơ uế cá nhân

Các sách lịch sử trình bày tội dưới hai hình thức:

Giao tiếp phạm thánh: Một số vật không thể được chạm đến vì có tính thiêng liêng, nếu chạm tới sẽ bị coi là phạm thánh. Ví dụ: Khám Giao Ước. Uza đã bị phạt vì đã đỡ Hòm bia để nó không vị đổ xuống (2Sm 6, 6-7). Trong vấn đề này, không có tội theo lương tâm.

Nhơ bẩn cá nhân: Vì có liên hệ đến nguồn sống mà Giavê là Chủ, quan hệ sinh lý sinh ra nhiều cấm kỵ: không được hưởng lộc bánh tiến (1Sm 11, 5-6); cấm ăn con vật với máu huyết của chúng (1Sm 14, 33-34).

Những người bị bệnh khó trị hay không thể trị được như mù, què, cũng gây nhơ uế… và có thể bị coi là Thiên Chúa phạt. Tất cả các thương tổn thân thể bị cho rằng người ta ở trong tình cảnh tội, vì đó nó đã động chạm đến bản thân. Người ta không nhắm đến trách nhiệm cá nhân, đúng hơn, đó chỉ là một khuyết điểm để gây ra nhơ uế đối với cộng đoàn mà thôi.


Tội là sự bất tuân

Tội nguyên tổ: sách Sáng thế những chương đầu.
Chương 2, ta thấy: Mối tương quan này không chỉ là tương quan lệ thuộc mà còn là tương quan bạn hữu với Thiên Chúa. Thiên Chúa không chối từ điều gì với con người đã được dựng nên “giống hình ảnh Ngài” (1, 26).
Chương 3 thì khác: văn bản trình bày một hình thức giáo huấn rất khéo léo, khôn ngoan để nói về những mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người thời nguyên sơ. Nguyên tổ đã có hành vi chống lại Thiên Chúa cách có ý thức và tự do bằng việc vi phạm giới luật (3, 3), đó là hành vi bên ngoài. Chưa hết, Thánh kinh còn minh nhiên ghi lại hành vi bên trong, từ đó phát sinh hành động bên ngoài, nghe theo lời con rắn, họ muốn nên như các thần minh biết lành biết dữ (3, 5), nghĩa là họ muốn thay thế Thiên Chúa để tự định đoạt về lành và dữ; lấy mình làm thước đo, muốn duy chỉ có họ làm chúa tể vận mệnh của chính mình và tuỳ ý quyết định về chính mình; từ chối phục tùng Thiên Chúa – Đấng dựng nên mình, như vậy, làm lệch lạc mối tương quan nối kết giữa Thiên Chúa và con người.
Xét theo bề ngoài, tội nguyên tổ là một sự bất phục tùng. Nhưng đó là một dấu chỉ của một nội tâm lệch lạc: từ khước đi theo ơn gọi và đem theo sự đảo lộn giữa toàn thể tạo vật. Phân tích phương diện tâm lý ta thấy hết sức tinh tế về cơn cám dỗ qua các giai đoạn khác nhau: kẻ cám dỗ ra mặt, tranh luận, ảo tưởng, ước muốn, phạm tội. Sau đó là: đảo lộn, cắn rứt, trừng phạt, mất tình thân với Thiên Chúa. Sự mất quân bình về nội tâm (3, 7), xấu hổ, khiến ông bà không dám khiêm tốn nhìn nhận trách nhiệm, nhưng lại đổ cho cho kẻ khác (3, 9-13). Hình phạt Thiên Chúa quy định nói lên tình trạng tội của con người, tức: đau khổ, chết, tình yêu con người không còn hoàn hảo nữa.

Sách Đệ Nhị Luật: tội lỗi là sự bất tuân mệnh, lề luật, tập tục và những điều nói lên ý muốn Thiên Chúa đối với Israel. Israel phải tuân phục Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài cho họ, mà lẽ ra họ không đáng được hưởng, khi Ngài làm những việc kỳ diệu ở Aicập, mặc khải ở núi Khorép, chọn làm dân riêng, chiếm đất Canaan (Đnl 4, 34-38). Thế nhưng, Thiên Chúa cũng đòi họ đáp trả tình yêu tương xứng biểu lộ qua lòng tuân phục (Đnl 6, 14-25). Hơn thế nữa, tác giả còn lập ra mối quan hệ giữa tuân phục và phó thác nơi Thiên Chúa; việc thực thi giới luật và dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa (Đnl 10, 12-16). Tội là thái độ cứng đầu, phản kháng, không cắt bì trong lòng qua việc bất tuân, qua đó ta thấy được thái độ chối bỏ chính mình, tóm lại là thiếu tình yêu mến.

XEM TIẾP PHẦN 2 (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php/35208-T-T%E1%BB%98I-L%E1%BB%96I-(ph%E1%BA%A7n-2))
[Còn tiếp]



THANH THANH