PDA

View Full Version : T - Truyền thông, những bất cập...



Dan Lee
05-15-2010, 11:01 PM
TRUYỀN THÔNG, NHỮNG BẤT CẬP...

Năm 2010 này là Năm Thánh của Giáo Hội tại Việt Nam, kỷ niệm 50 năm Hàng Giáo Phẩm. Nhưng các sự kiện gần đây cho thấy món quà mừng tuổi vàng mà Hàng Giáo Phẩm Việt Nam nhận được thật là phũ phàng, và nhiều người phải thốt lên rằng Giáo Hội Việt Nam chưa bao giờ điêu đứng như thế (vì chính mình bách hại mình). Thật đau. Mọi sự như rối tung lên. Nhặng xị! Và tất cả câu chuyện hầu như, gần hay xa, đều xoay quanh một nhân vật là Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt.

Mới đây, ngày 14.5, Đài RFA phỏng vấn Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh về sự kiện Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt từ chức, và vị Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ ra rằng sự xáo trộn chủ yếu là do truyền thông. Tôi tin rằng ngài muốn nói đến, trước hết, một số cơ quan truyền thông mang danh nghĩa Công Giáo. Nghĩa là truyền thông Công Giáo có vấn đề!

Từ khá lâu, tôi đã băn khoăn về một số vấn đề của truyền thông Công Giáo. Chẳng hạn, có khá nhiều lỗi biên tập (về chính tả, cú pháp, dùng từ...) do người viết hay người biên tập không làm việc đủ kỹ. Rõ ràng là khi người ta được ‘tự do’ in ấn hay photocopy sách vở, khi người ta có thể tạo ra một trang mạng hay gửi bài cho một trang mạng cách khá dễ dàng, thì ... thượng vàng hạ cám! Chất lượng loại nào cũng có.

Nhưng nói cho cùng, hầu hết đó chỉ là những lỗi kỹ thuật, đôi khi do sơ sót chứ không phải luôn luôn vì cẩu thả. Điều khủng khiếp thật sự, đó là khi người ta làm truyền thông một cách phi đạo đức truyền thông (không thật, không công bằng), càng khủng khiếp hơn nữa khi truyền thông mang danh nghĩa Công Giáo mà lại tỏ ra hoàn toàn xa lạ với tinh thần Kitô giáo đích thực (không bác ái).

Đức Cha Nguyễn Chí Linh, trong bài phỏng vấn nói trên, hẳn là xót xa lắm khi ngài ghi nhận: “Giáo dân nói chung thì họ không nắm vấn đề lắm. Họ bị chi phối bởi truyền thông rất nhiều. Truyền thông có khi chỉ một chiều, ngay cả giới linh mục người ta cũng hoang mang, không biết thật hư như thế nào. Nó tạo ra sự phân hóa hay hình thức hận thù nào đó đối với những nhân vật đang còn phục vụ Giáo Hội Việt Nam.” Không chỉ nhiều giáo dân mà ngay cả linh mục cũng bị cuốn bởi truyền thông “có khi chỉ một chiều”! Vậy phải làm sao đây? Tôi cho rằng có ít nhất hai việc cần làm: Một là giáo dục truyền thông; hai là làm truyền thông.

Thứ nhất, Giáo Dục Truyền Thông (GDTT) là một môn học nằm trong chương trình trung học của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam thì hình như chưa từng có. Cách đây ít năm, Mạng Lưới Truyền Thông Á Châu có tổ chức tập huấn cho một số giáo sư từ các đại chủng viện Việt Nam, mà một trong các mục tiêu nhắm tới là đưa môn GDTT vào chương trình đại chủng viện. Nhưng cho tới nay điều này xem ra vẫn chưa thành hiện thực. Một cách cơ bản, môn GDTT dạy cho người ta biết cách làm chủ đối với truyền thông, biết cách nhìn thấy cái gì đằng sau khúc phim hay tấm hình, biết cách đọc được cái gì ở giữa hai dòng chữ...

Nhờ được trang bị ít nhất cách cơ bản về GDTT, người ta sẽ có khả năng cần thiết để khoanh vùng, bắt mạch và gọi tên các thông điệp đi vào tai hay mắt họ. Họ sẽ giảm thiểu hết sức tình trạng bị ‘thôi miên,’ bị kích động hay bị lừa bịp. Họ sẽ không “bị chi phối bởi truyền thông rất nhiều” như Đức Cha Nguyễn Chí Linh đã ghi nhận. Thiển nghĩ, bằng cách này hay cách khác, mối quan tâm mục vụ của chúng ta phải bao hàm việc GDTT cho các tín hữu thuộc mọi giới, vì dù muốn hay không, chúng ta cũng đang bơi trong một thế giới truyền thông ngồn ngộn.

Điều thứ hai cũng không kém quan trọng, đó là làm truyền thông. Dĩ nhiên, tôi muốn nói “làm truyền thông” trong tinh thần Kitô giáo. Chúng ta quá hiểu sức mạnh của truyền thông. Chúng ta hiểu rằng truyền thông là chuyện sinh tử. Chúng ta, là Kitô hữu, còn có sứ mạng ngôn sứ nữa. Mặt khác, ta lại đang sống trong một thế giới mà xem ra bất cứ ai cũng có thể nói bất cứ cái gì, với vô số phương tiện truyền thông sẵn có. Làm sao đây?

Ở đây có một nguyên tắc tạm gọi là nguyên tắc “ON-OFF.” Ta không thể “OFF” tức “tắt đài” những kênh truyền độc hại, thì ta phải “ON” tức “mở van” những kênh truyền khử độc. Đức Bênêđictô XVI gần đây đã không nhấn mạnh đến sứ mạng truyền thông Công Giáo đó sao? Thậm chí ngài còn khuyến khích các linh mục mạnh dạn làm những bloggers! Thiển nghĩ, trong thời gian vừa qua, nếu có nhiều bài viết, bản tin hướng dẫn dư luận cách lành mạnh đúng đắn đăng trên các trang mạng Công Giáo, thì những diễn biến xung quanh câu chuyện “Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt” đã bớt tệ hại hơn.

Mong thay!

Thiên Phong