PDA

View Full Version : H - Hộ khẩu chúng ta ở trên trời



Dan Lee
05-16-2010, 10:37 AM
HỘ KHẨU CHÚNG TA TRÊN TRỜI

http://vietcatholic.net/pics/1068d6ca16e3b087hkchott.jpg

Khi nhập thể làm người, Chúa Giêsu không định cư vĩnh viễn trên trái đất này. Ngài chỉ sống vỏn vẻn có 33 năm. Bốn mươi ngày sau khi Phục sinh, Ngài đã chấm dứt sự hiện diện hữu hình bằng xương bằng thịt nơi dương thế để về cùng Chúa Cha.

Có người bảo rằng tại sao Chúa Giêsu không ở với con người luôn mà lại về trời. Thực ra nếu Chúa Giêsu ở vĩnh viễn nơi dương thế này, thì viễn cảnh tương lai của con người cũng chẳng sáng sủa gì. Bởi lẽ trái đất là nơi mãi còn đó những bất trắc rủi ro của thiên tai, của nhân tai đủ loại. Con người có được phục sinh đi nữa mà vẫn ở trên trái đất này thì cũng không thoát khỏi cảnh khổ đau do tai ương hoạn nạn…. Vì vậy biến cố Chúa Giêsu lên trời mà Giáo Hội mừng kính hôm nay trở thành niềm hy vọng lớn lao cho con người. Hy vọng một ngày nào ta sẽ được chung hưởng hạnh phúc trên trời với Chúa, như lời Ngài đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em…. để Thầy ở đâu thì anh em cũng sẽ ở đó với Thầy” (Ga 14,3).

Tuy nhiên, một điều cần phải nói ngay rằng “lên trời” không có nghĩa là lên một nơi nào đó trên không gian, như cách quan niệm của người Do thái. Người Do Thái vẫn cho rằng vũ trụ được chia làm ba phần. Phần ở dưới là âm phủ, nơi giam giữ những người tội lỗi. Phần ở giữa dành cho thế giới con người. Và trên cùng là nơi Thiên Chúa cùng các thánh ở. Nói nôm na thì Đức Giêsu lên Trời nghĩa là Ngài đi lên tầng trên cùng theo thứ tự phân chia của vũ trụ của người Do thái.

Sự thực Chúa Giêsu lên trời không phải là lên trên một tầng mây nào đó, cũng không phải lên ở nơi một hành tinh như Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Hỏa như các phi hành gia vũ trụ. Con người cũng không thể giới hạn chỗ ở cho Chúa Giêsu một nơi nào nhất định, để chúng ta hiểu và thấy được Ngài bằng con mắt xác thịt.

Vậy thì “lên trời” phải hiểu thế nào ? Lên trời theo kiểu nói của Kinh Thánh phải hiểu là đi vào vinh quang của Chúa Cha, vinh quang của thần tính. Hiểu như thế thì ngay khi sống lại Chúa Giêsu đã lên trời rồi. Và biến cố Thăng thiên mà Giáo Hội vẫn mừng kính hằng năm chỉ có ý nghĩa là kết thúc thời gian Chúa Giêsu hiện diện giữa nhân loại cách hữu hình, là chấm dứt lịch sử dương thế của một con người mang tên Giêsu. Từ nay trở đi, Ngài sẽ hiện diện cách vô hình, một sự hiện diện thâm sâu và hiệu năng. Thâm sâu vì Ngài không chỉ hiện diện bên cạnh mà còn hiện diện trong lòng chúng ta. Hiệu năng vì Ngài không chỉ hiện diện với một số người ở một nơi nhất định mà hiện diện với gần cả 7 tỉ con tim nhân loại, mọi thời và mọi nơi.

Nói khác đi việc Chúa Giêsu lên trời về với Chúa Cha, đúng hơn là một sự biến đổi. Biến đổi từ trạng thái hữu hình sang trạng thái vô hình để Ngài có thể hiện diện và đồng hành với chúng ta mọi nơi mọi lúc, vì Ngài không còn bị lệ thuộc bởi thời gian và không gian nữa. Ngài vắng mặt hữu hình, nhưng vẫn tiếp tục hiện diện vô hình, hiện diện qua Chúa Thánh Thần, hiện diện trong bí tích Thánh Thể, hiện diện trong các cộng đoàn, nơi có “hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện". Ngài hiện diện ở bất cứ nơi đâu có yêu thương chia sẻ, có giúp đỡ lẫn nhau; Ngài hiện diện tại bất cứ nơi nào con người được giải phóng khỏi bất công, bạo lực và nghèo đói….

Thế thì ta có thể tự hỏi biến cố Chúa Giêsu lên trời hướng chúng ta đến những cái nhìn cụ thể nào ? Thiết nghĩ biến cố Chúa Giêsu lên trời hướng chúng ta đến hai cái nhìn hết sức thiết thực:

- Cái nhìn thứ nhất: cái nhìn hướng lên trời cao. Hướng lên trời cao để biết rằng quê hương vĩnh cữu của ta ở trên trời, nơi đó có Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha và nơi đó ta có “sổ đỏ”, có “hộ khẩu thường trú” đúng nghĩa. Còn trần gian chỉ là nơi ta tạm trú. Vì không ai có địa chỉ thường trú vĩnh hằng trên trái đất này. Hướng lên trời cao còn là để ta “biết ái mộ những sự trên trời” và biết sống niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ được trở về với quê hương vĩnh phúc là “thiên đàng hằng mong”.

- Cái nhìn thứ hai: cái nhìn hướng xuống đất thấp. Hướng xuống đất thấp để biết chu toàn bổn phận xây dựng trần thế trong giây phút và hoàn cảnh hiện tại của mỗi người. Hướng xuống đất thấp còn để biết thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng mà Chúa Kitô đã trao phó với một thái độ tin tưởng vì có Chúa luôn đồng hành: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Sứ mạng này Chúa Giêsu không “khoán trắng”, hay “đùn đẩy” cho các môn đệ của Ngài, nhưng Ngài thực hiện gián tiếp qua việc hoạt động cách vô hình nơi họ. Nói một cụ thể, Chúa Giêsu mượn đôi chân của ta để đến với tha nhân; mượn đôi môi của ta để công bố sứ điệp của Ngài cho nhân loại; mượn đôi tay của ta để phân phát ơn lành của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người.

Xin Chúa giúp ta sống trọn vẹn ý nghĩa đó của ngày lễ Chúa Thăng Thiên trong chính cuộc đời của mình. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long