PDA

View Full Version : P - Phỏng Vấn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt



Dan Lee
05-16-2010, 10:42 AM
Phỏng Vấn Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt


WHĐ: Xin chúc mừng Đức Tổng đã trở về Hà Nội bình an. Hiện sức khỏe của Đức Tổng ra sao?

Đức TGM Giuse NQK: Cám ơn Ban Biên Tập đã có sự quan tâm. Tôi đã được Bộ Loan báo Tin mừng sắp xếp vào bệnh viện Gemelli và được Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum sắp xếp vào Universita Campus Bio-Medico di Roma. Vì giấy của Cor Unum đến trước nên tôi vào bệnh viên mới, rất tối tân. Vì trong bệnh viện có phân khoa Y của đại học Roma nên có nhiều giáo sư bác sĩ tận tâm khám chữa với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại. Nhưng sau một tháng theo dõi và chữa trị, bệnh của tôi không thuyên giảm bao nhiêu. Các giáo sư bác sĩ kết luận là phải nghỉ ngơi lâu dài thì mới có hi vọng hồi phục.

WHĐ: Đức Tổng và chúng con vừa được tin: Tòa Thánh vừa công bố việc bổ nhiệm Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGMVN, làm Tổng giám mục phó Hà Nội. Xin chúc mừng Đức Tổng và giáo phận Hà Nội vừa có Đức Tổng giám mục phó.

Có nguồn tin cho rằng Tòa Thánh đã định bổ nhiệm Đức cha Phêrô làm Tổng giám mục, nhưng sau đó, do áp lực của dư luận, nên phải thay đổi quyết định. Sự thật ra sao, thưa Đức Tổng?

Đức TGM Giuse NQK: Đức cha đương kim Chủ tịch HĐGMVN là bậc đáng kính hoàn toàn xứng đáng nhiệm vụ Tổng giám mục. Không ai biết được sự thật như thế nào. Vì đó là việc của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên chúng ta đã biết quá trình bổ nhiệm một giám mục khá phức tạp phải thông qua nhiều bước. Hồ sơ một giám mục khá dầy và phải mất nhiều thời gian. Dư luận có thể là một ý kiến tham khảo. Nhưng nên biết với cơ chế làm việc như thế, Tòa Thánh không thể trong một ngày mà thay đổi ý kiến được. Một điều khá dễ hiểu, Tòa Thánh không thể nào làm một việc vô lý là bổ nhiệm TGM trong khi TGM đương nhiệm vẫn còn đó.

WHĐ: Gắn liền với việc bổ nhiệm vị tổng giám mục phó Hà Nội, có dư luận cho rằng Đức Tổng phải rời khỏi Hà Nội do sức ép của Tòa Thánh, của chính quyền Việt Nam, và của cả HĐGMVN. Xin Đức Tổng soi sáng cho chúng con về vấn đề này.

Đức TGM Giuse NQK: Bản thân tôi không bị áp lực nào hết. Tòa Thánh và HĐGM luôn ở bên cạnh tôi và bênh vực khi tôi bị công kích. Các ngài không bao giờ bảo tôi, dù là gợi ý xa xôi nhẹ nhàng, phải từ chức. Tôi chỉ bị áp lực của lương tâm trách nhiệm. Từ hai năm nay sức khỏe tôi sa sút không thể làm việc trí óc có hiệu quả. Tôi đã trình bày với Tòa Thánh để xin nghỉ vì lợi ích của Giáo hội, riêng của Tổng giáo phận Hà Nội. Khi đi Ad limina các Đức cha biết điều đó đã phản đối. Thậm chí các Đức cha trong giáo tỉnh Hà Nội còn viết đơn khiếu nại với Tòa Thánh. Nhưng khi hiểu hoàn toàn không có áp lực từ phía Nhà Nước hay Tòa Thánh, các ngài đã tôn trọng ý kiến của cá nhân tôi.

WHĐ: Đức Tổng đã từng chia sẻ với WHĐ: “Hiện đang có nhiều phát biểu không chính xác về chuyện nhân sự liên quan đến Tòa Hà Nội”.

Đức Tổng có thể cho độc giả biết thêm ý kiến về vấn đề truyền thông, đặc biệt về truyền thông công giáo?

Đức TGM Giuse NQK: Tòa Hà Nội trong giai đoạn hiện nay được sự quan tâm của nhiều người. Sự quan tâm vấp phải tiến trình bổ nhiệm giám mục luôn thực hiện trong âm thầm kín đáo, nên càng thu hút sự tò mò. Vì tò mò nên thường hay suy đoán. Mới chỉ suy đoán mà đã cho là sự thật thì đã vượt qua một khoảng cách thiếu an toàn. Nhất là dùng suy đoán đó để đi đến những kết luận mang tính kết án thì thật là tai hại.

Nếu các phương tiện truyền thông ngoài đời cần tôn trọng sự thật thì truyền thông công giáo còn cần phải có bác ái nữa. Để có sự thật, trước hết truyền thông công giáo phải hiểu biết Giáo hội và những hoạt động trong Giáo hội, ví dụ như tiến trình bổ nhiệm giám mục. Để có bác ái thông tin phải có tính cách xây dựng. Tất nhiên không phải che giấu những yếu kém, xấu xa trong Giáo hội. Nếu đã không có sự thật mà lại thiếu bác ái thì truyền thông trở thành dụng cụ gieo rắc nọc độc tàn phá ghê gớm.

WHĐ: Nhân đây xin Đức Tổng cho độc giả hiểu về tiến trình bổ nhiệm giám mục của Tòa Thánh. Các HĐGM, trong đó có hàng giáo phẩm Việt Nam, có vai trò gì trong tiến trình bổ nhiệm này?

Đức TGM Giuse NQK: Thông thường việc bổ nhiệm giám mục gồm những bước cơ bản như sau. Bước thứ nhất: Khi có nhu cầu, giám mục địa phương đệ trình lên Tòa Thánh kèm với một danh sách các ứng viên thích hợp. Bước thứ hai: Tòa Thánh cứu xét bằng tham khảo ý kiến của nhiều người có uy tín về các ứng viên. Bước thứ ba: các cơ quan hữu trách (khá nhiều) cùng với các vị cố vấn họp lại, căn cứ vào các thông tin thu lượm được để duyệt xét và quyết định chọn vị xứng đáng và thích hợp nhất trong số các ứng viên. Trường hợp không tìm được ứng viên xứng đáng, sẽ trả lời và yêu cầu vị Bản quyền địa phương làm lại danh sách và tiến hành lại từ bước thứ nhất. Bước thứ tư: Nếu tìm được ứng viên thích hợp, sẽ phải hỏi ý kiến đương sự có đồng ý chấp nhận hay không. Bước thứ năm: Đức Thánh Cha chính thức bổ nhiệm và chọn ngày công bố. Như thế HĐGM không có vai trò gì chính thức. Tòa Thánh chỉ tham khảo ý kiến của một số vị liên quan.

WHĐ: Xin phép Đức Tổng cho chúng con trở lại sự kiện cách nay đúng hai tuần: Hội nghị kỳ I năm 2010 của HĐGM, diễn ra tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu (Vũng Tàu) từ ngày 05-04 đến ngày 09-04-2010.

Mặc dù đi vắng, không tham dự Hội nghị kỳ I của HĐGM năm 2010, nhưng có lẽ Đức Tổng vẫn theo dõi tin tức về Hội nghị, vẫn hướng về Hội nghị qua lời cầu nguyện và sự hiệp thông?

Đức TGM Giuse NQK: Tuy không thể tham dự Hội nghị HĐGM nhưng tôi luôn theo dõi và biết tình hình. Hội nghị lần này chắc chắn bận rộn vì bàn về việc cử hành Năm Thánh là việc thời sự và quan trọng đối với Giáo hội Việt nam. Nhưng có lẽ những tin tức bên lề còn sôi động hơn, nên tôi không ngừng theo dõi và cầu nguyện thật nhiều cho Hội nghị.

WHĐ: Hội nghị của HĐGM kết thúc và ngay sau đó Đức cha Phó Tổng Thư ký đã công bố Biên bản của Hội nghị. Văn kiện này giúp toàn thể Dân Chúa tại VN và mọi người quan tâm biết được nội dung nghị sự của các Đức giám mục.

Tuy nhiên lại có thông tin cho rằng HĐGMVN cũng đã bàn trong Hội nghị về vấn đề nhân sự của Tòa Tổng giám mục Hà Nội. Đức Tổng nghĩ gì về thông tin này?

Đức TGM Giuse NQK: Những thông tin đó tỏ ra không am hiểu cơ chế hoạt động trong Giáo hội, hoặc cố tình lái dư luận vào chiều hướng khác. Phải nói ngay rằng bổ nhiệm giám mục là quyền của Đức Thánh Cha chứ không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Giám mục. Hội đồng Giám mục chắc chắn không dám lạm bàn vấn đề này. Đàng khác tiến trình bổ nhiệm giám mục là bí mật của Toà Thánh (secret pontifical) mà mọi người phải nghiêm cẩn tuân giữ. Có thể có những thăm dò. Nhưng thăm dò chỉ là tham khảo và không hề có tính quyết định. Cho nên chắc chắn các Đức Cha không bàn về những vấn đề không thuộc thẩm quyền.

WHĐ: Nhân dịp được hân hạnh phỏng vấn Đức Tổng, WHĐ muốn mời Đức Tổng chia sẻ thêm đôi điều với cộng đồng Dân Chúa, nhất là lúc này, trong khung cảnh Giáo Hội tại VN đang cử hành Năm Thánh 2010, hướng vào chủ đề “Giáo Hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”, đặc biệt đang tích cực chuẩn bị Đại Hội Dân Chúa dự trù sẽ diễn ra tại Sài Gòn vào tháng 11 – 2010.

Đức TGM Giuse NQK: Hiệp thông là rất quý nhưng rất khó. Hiệp thông không tự có nhưng phải xây dựng. Lý thuyết thì ai cũng đã biết. Nhưng hiệp thông thực sự chỉ có thật khi thực hành. Chúng ta đã được sống kinh nghiệm hiệp thông trong lễ Khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện. Có sự hiện diện của mọi thành phần Dân Chúa từ trung ương đến địa phương. Có sự cộng tác của mọi tầng lớp, ngành nghề, khả năng. Rất đa dạng phong phú nhưng lại rất đồng tâm nhất trí. Mọi khác biệt đều được tôn trọng và trân trọng. Đó thật là một chứng từ sống động có sức thuyết phục. Đó là một bài giảng hùng hồn về đức tin sống động. Tôi mong ước và cầu chúc mọi thành phần Dân Chúa tiếp tục tinh thần này một cách cụ thể trong Đại Hội Dân Chúa và thánh lễ Bế Mạc Năm Thánh cũng như trong mọi sinh hoạt của Giáo hội sắp tới. Được như thế hai công cuộc quan trọng trong Năm Thánh này sẽ thành công xây dựng tình hiệp thông trong Giáo hội và nhờ thế thành công trong sứ vụ của Giáo hội tại Việt nam.

WHĐ: Chúng con chân thành cảm ơn Đức Tổng. Một lần nữa xin chúc mừng và chung vui với Đức Tổng và TGP Hà Nội vừa có Đức Tổng giám mục phó, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn.

WHĐ