PDA

View Full Version : H - Hai Cách Thế Hiện Diện: Cũ và Mới (CN VII PS)



Dan Lee
05-17-2010, 10:43 PM
Hai Cách Thế Hiện Diện: Cũ và Mới (CN VII PS)


Trong ngày lễ Thăng Thiên hôm nay, tôi muốn chia sẻ với bạn hai vấn đề:


* Tìm hiểu về nhân vật có tên là Thê-ô-phi-lô.
* Tìm hiểu về hai cách thế hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trước và sau khi Ngài về trời.

PHẦN 1: THÊ-Ô-PHI-LÔ LÀ AI?

Đọc cuốn sách Công Vụ Tông Đồ, đặc biệt là bài đọc một của phụng vụ Lời Chúa trong ngày Lễ Thăng Thiên, bạn có khi nào đặt những câu hỏi hay có những thắc mắc…ví dụ như là:


1. Ai là tác giả của cuốn sách Công Vụ Tông Đồ?
2. “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất…” Quyển thứ nhất là quyển nào? Thê-ô-phi-lô là ai? Tại sao tác giả lại nhắc đến tên đó một cách trang trọng ngay câu đầu tiên của quyển Tông Đồ Công Vụ như vậy?

Nếu bạn đã từng có những thắc mắc như trên và bạn đã tìm ra câu trả lời rồi thì cám ơn Chúa. Còn nếu bạn chưa từng có những thắc mắc, hay chưa từng đặt ra những câu hỏi như trên, thì hôm nay xin bạn chịu khó cùng với tôi học hỏi một chút nhé!


1. Ai là tác giả của cuốn sách Công Vụ Tông Đồ? Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì thánh Luca chính là tác giả của quyển sách Công Vụ Các Tông Đồ. *
2. Quyển thứ nhất là quyển nào? Đó chính là quyển Phúc Âm thứ ba mà ta thường gọi “Phúc Âm theo Thánh Luca.” Như vậy Luca là tác giả của hai quyển Tin Mừng thứ ba và Công Vụ Tông Đồ.
3. Thê-ô-phi-lô là ai? Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chỉ có hai giả thiết đáng lưu ý:


· Giả thiết thứ nhất cho rằng Thê-ô-phi-lô có thể là một viên sĩ quan hay một viên chức có thế giá người La Mã …có cảm tình đặc biệt với Giáo Hội hay có thể đã chịu phép rửa rồi. Vì thế cho nên thánh Luca mới có kiểu xưng hô rất long trọng: “Thưa Ngài Thê-ô-phi-ô đáng kính” (Lc 1:1). **

· Giả thiết thứ hai cho rằng Thê-ô-phi-lô có nghĩa là NGƯỜI YÊU MẾN THIÊN CHÚA. Như vậy, bất cứ ai đọc quyển Phúc Âm thứ ba & quyển Công Vụ Tông Đồ cũng đều được tác giả trân trọng gọi là Thê-ô-phi-lô: Người yêu mến Thiên Chúa (Lc 1:1; Cv 1:1). ***

Bạn thấy giả thiết nào có lý hơn? Tôi nghĩ giả thiết thứ hai rất có lý. Tại sao vậy? Bởi vì cả hai tác phẩm không phải chỉ viết riêng cho một nhân vật hay cho một cá nhân nào mà là viết cho mọi người, viết cho mọi thế hệ được biết và hiểu rõ:


· Về cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô từ lúc nhập thể, giáng sinh, đời sống công khai, chịu nạn, chịu chết, sống lại và lên trời (Phúc Âm của thánh Luca)

· Về những hoạt động, sự hình thành của Giáo Hội thời sơ khai cùng với những gian lao, khó nhọc, thử thách cũng như thành công trong việc loan báo Tin Mừng của các tông đồ, đặc biệt là của hai thánh Phêrô và Phaolô (Sách Công Vụ Tông Đồ).

PHẦN 2: CÁCH THẾ HIỆN DIỆN CŨ & MỚI CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ

Khi mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, bạn và tôi phải tin chắc vào hai điều này:


· Thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu đã được cất lên trời trước sự chứng kiến đầy ngỡ ngàng và vui mừng của các tông đồ và trong ngày sau hết, cũng chính Ngài sẽ xuống phán xét trần gian. “Sự lên trời của Chúa Kitô đánh dấu sự nhân tính của Ngài đã chung cuộc bước vào lãnh vực trời cao của Thiên Chúa, từ nơi đó Ngài sẽ lại đến, nhưng trong thời gian đó, sự lên trời của Đức Kitô đã che dấu Ngài khỏi mắt người ta” (Giáo Lý Công Giáo # 665) .

· Thân xác cùng với linh hồn của tôi sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang (Cl 3:4) bởi vì “Chúa Giêsu Kitô, Đầu của Giáo Hội, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, những chi thể của Thân Thể Ngài, được sống trong niềm hy vọng là một ngày nào đó mình cũng được muôn đời ở với Ngài (Giáo Lý Công Giáo # 666) .

Thế nhưng xin bạn nhớ dùm tôi điều này: Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài chấm dứt sự hiện diện với chúng ta hay là vĩnh viễn xa lìa chúng ta. Không phải vậy! Chúa Giêsu không bao giờ để chúng mình mồ côi cả! (Ga 14:18). Khi Chúa Giêsu lên trời, Ngài chỉ thay đổi cách hiện diện của Ngài mà thôi! Ngài không còn ở lại với chúng ta qua cách thế hiện diện cũ: bằng chính thân xác Phục Sinh vinh hiển của Ngài, nhưng Ngài vẫn ở lại qua cách thế hiện diện mới với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28:20)!

Cách thế hiện diện mới của Đức Giêsu là những cách thế gì? Xin thưa những cách thế hiện diện mới của Ngài thì nhiều lắm, tôi chỉ xin nêu ra ba cách thế hiện diện đặc biệt nhất của Ngài, đó là:


* Sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và trong Nhà Tạm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:56).
* Sự hiện diện trong sự hiệp nhất: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20).
* Sự hiện diện trong những hành vi bác ái: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

Bạn thân mến, nếu bạn và tôi tin chắc rằng Đức Giêsu Kitô đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, trong Nhà Tạm, trong sự hiệp nhất, và trong tình yêu thương, bác ái… thì chúng mình phải có bổn phận và trách nhiệm làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa càng ngày càng sáng tỏ hơn, và phải làm mọi cách để cho thiên hạ biết và tin rằng Thiên Chúa vẫn còn đang hiện diện ở giữa, ở trong, ở với và qua từng biến cố vui buồn trong cuộc đời của họ.

Làm cách nào để sự hiện diện của Thiên Chúa được tỏ bày ra cho thiên hạ thấy và tin đây? Có rất nhiều phương cách khác nhau mà có lẽ bạn đã biết rõ hơn tôi ví dụ như: sống yêu thương, làm việc bác ái, chia sẻ của cải cho những người nghèo, tha thứ cho kẻ thù, khiêm tốn trong cách giao tiếp, vui vẻ, niềm nở, và lạc quan trong mọi hoàn cảnh…

Thế nhưng có một cách rất hay, mà nếu bạn còn có cơ hội (tức là chưa lập gia đình) thì xin mời bạn hãy mau mau thực hiện để nhiều người sẽ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời này. Đó là ĐI TU! Thật đấy! Đi tu là phương cách chứng minh hùng hồn nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời này là bởi vì khi thấy những thanh niên thiếu nữ hiến dâng cuộc đời của họ cho Chúa, thiên hạ sẽ phải tự hỏi:


* Nếu Thiên Chúa không hiện diện ở trong cuộc đời này thì tại sao lại mấy người trẻ này lại tự nguyện tuyên khấn từ bỏ ba thứ hấp dẫn nhất trên đời này: thú vui xác thịt, tự do cá nhân và quyền sở hữu tài sản?
* Nếu Thiên Chúa không hiện diện ở trên trần gian này thì tại sao trong suốt hai mươi thế kỷ nay, các dòng tu, các linh mục, tu sĩ nam nữ ở khắp mọi nơi trên thế giới không ngừng đọc kinh, nguyện ngắm, chầu Thánh Thể và tham dự thánh lễ như vậy?
* Nếu Thiên Chúa không hiện diện thì làm sao Giáo Hội Công Giáo có thể tồn tại được trong suốt hai mươi thế kỷ vừa qua dưới sự lãnh đạo của hàng ngũ giáo sĩ, những con người bất toàn, yếu đuối, tội lỗi và đầy khuyết điểm như vậy?

Có thể bạn không đồng ý với tôi rằng đi tu là một phương cách rất hay để cho thiên hạ thấy được cách thế hiện diện mới của Thiên Chúa ở trong thế giới này. Nhưng tôi vẫn nghĩ đi tu là cách hay nhất để thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20). Bạn thấy sao?

Bạn có muốn thực hiện một cách tốt đẹp mệnh lệnh của Chúa Giêsu Phục Sinh không? Đi tu đi! Cho Chúa một cơ hội trước đi, nếu không tu được thì về lập gia đình, còn sớm chán, có mất mát gì đâu mà phải sợ?



Lm Ansgar Phạm Tĩnh, SDD

Phần chú thích:

* Truyền thống Hội Thánh đồng ý nhận tác giả Sách Tin Mừng thứ ba cũng là tác giả sách Công Vụ Tông Đồ …Thánh I-rê-nê, thư quy Mu-ra-to-ri, lời tựa chống Mác-xi-ô đều công nhận sách CVTĐ là của thánh Luca (Dẫn Nhập Sách CVTĐ, Kinh Thánh Tân Ước, 1994, p. 487)

** Theo học giả Kinh Thánh Ronald L. Conte Jr., Luke's Gospel and Acts are both addressed to the same Roman official, Theophilus. Luke uses the formal term “most excellent” to address Theophilus in his Gospel (Lk 1:3). This language was commonly used in addressing Roman officials.

*** The name Theophilus means “one who loves God;” “Theo” refers to God (as in “Theology”), and “philus” is from the Greek word 'philos' meaning “to love” http://www.catholicplanet.com/TSM/NT-Luke.htm