PDA

View Full Version : C - Chúa Nhật 12 Thường Niên – C ( Thầy Là Ai? Ai Là Thầy )



Dan Lee
06-19-2010, 01:25 PM
Chúa nhật 12 Thường Niên C

THẦY LÀ AI ? AI LÀ THẦY ?

Dcr 12, 10-11; 13,1; Gl 3, 26-29; Lc 9, 18-24

Sống trên đời này, chuyện hết sức quan trọng của cuộc đời mỗi người đó chính là việc xác định nguồn cội của mình. Khi xác định được nguồn cội của mình thì mình sẽ sống hết lòng hết sức với cái nguồn cội ấy. Còn khi ta không biết nguồn cội của ta thì ta sẽ sống một cuộc đời vất vưởng.

Niềm tin của mỗi người sẽ hướng con người về cội nguồn ấy. Với Phật tử, họ tin rằng có kiếp luân hồi để rồi người ta sống ở đời này làm lành và cấm sát sinh để sau này khi trở về với vòng luân hồi thì họ sẽ không phải làm cái thân cái phận của những con vật thuở sinh thời họ đã giết. Cấm sát sinh là điều hết sức quan trọng của Phật tử. Người Công Giáo thì lại khác, người Công Giáo thì lại tin rằng con người phát xuất từ Thiên Chúa. Sau cái cõi nhân gian này, con người sẽ trở về với tro bụi và chờ thân xác phục sinh để hưởng phúc Thiên đàng mà Thiên Chúa đã hứa ban.

Trong hành trình cứu độ, Thiên Chúa lúc ẩn, lúc hiện để nhắc nhớ cho con người rằng chính Ngài là Chúa, là chủ cuộc đời của họ. Ngài nhắc nhở cho con người qua môi miệng của các ngôn sứ.

Dân Israel là một dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương và luôn ấp ủ trong lòng bàn tay của Ngài nhưng vì kém lòng tin, nhưng vì kiêu ngạo nên Israel đã nhiều lần muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình cho rảnh mắt.

Những ngôn sứ nói lời Thiên Chúa cho dân thì có người này người kia, người lớn người nhỏ. Có những ngôn sứ lớn và nổi tiếng như Isaiam Giêrêmia nhưng cũng có những ngôn sứ nhỏ bé như Hôsê, Xôphônia, Khácgai, Dacaria … Hôm nay, chúng ta được nghe lời sấm của Thiên Chúa từ miệng của Dacaria, một ngôn sứ hết sức nhỏ bé.

Dacari đã công bố cho Israel biết rằng Đức Vua của Israel đang ngự đến trong khiêm tốn, trên một con lừa mà có cả con của nó đi theo mẹ. Đức Vua của Israel sẽ quét sạch chiến xa khỏi Épraim và chiến mã khỏi Giêrusalem, cung nỏ chiến tranh cũng sẽ bị Đức Vua bẻ gãy, Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng trái đất. Đức Vua của Israel sẽ xuất hiện giữa dân người, mũi tên của Người sẽ phóng đi tự tia chớp, Người sẽ tiến bước trong gió bão phương Nam. Đức Vua sẽ che chở cho dân và nghiền nát và chà đạp những viên đá phóng … Đức Vua sẽ cứu thoát dân của Người như mục tử cứu thoát đoàn chiên …

Qua miệng của Giacaria, hôm nay Đức Vua của Israel còn hứa : Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng. Ngày ấy, tiếng khóc than sẽ vang dội khắp Giêrusalem, như người ta than khóc thần Hađát Rimmôn ở cánh đồng Mơghítđô. Ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đavít và dân cư Giêrusalem để tẩy trừ tội lỗi và ô uế. Không chỉ thế, Đức Vua còn hứa thêm rằng : Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa, sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc, và thử chúng như thử vàng. Chính chúng sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta, Ta sẽ đáp lời chúng; Ta sẽ nói: "Chúng là dân của Ta", chúng thưa lại: "Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi."

Dừng lại một chút, chúng ta thấy mối tình giữa Thiên Chúa và dân Israel sao mà hay quá, sao mà đẹp quá ! Thiên Chúa đã quên hết tất cả tội lỗi, tẩy trừ tội lỗi cho dân để cho dân được trở thành con cái của Thiên Chúa như ngày xưa khi chưa phạm tội. Thiên Chúa luôn luôn hứa rằng Chúa là Chúa của dân và điều Ngài mong đợi duy nhất đó chính là dân nhận ra Ngài là Chúa của họ. Thế nhưng, đáng tiếc thay tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân đã bị dân bóp méo, bị dân làm cho nó ra hoen ố.

Thật sự ra mà nói thì cuộc đời nó không suông sẻ như người ta nghĩ. Giá như mà dân Israel lúc nào cũng tuyên xưng “Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi” thì hay biết mấy và chẳng có vấn đề gì cả. Dân Israel ngày xưa đã không trung thành giữ giao ước như lòng Chúa mong ước. Vì cái giao ước Tình Yêu được thiết lập bị bẻ gãy để rồi Thiên Chúa đã sai chính đứa con duy nhất, con Một của Ngài xuống trần gian để hàn lại, để sửa lại giao ước mà con người đã đánh mất.

Chúa Giêsu đã đến trong trần gian, đã sống trong trần gian một cách hết sức gần gụi, hết sức thân thương. Cũng đáng tiếc là trong cái hết sức gần gụi, hết sức thân thương đó đã làm cho người ta mờ con mắt ra và người ta không thấy Chúa Giêsu.

Trang Tin mừng hết sức vắn gọn hôm nay Thánh Luca thuật lại cho chúng ta hết sức là hay, vỏn vẹn chỉ có 4 câu thôi. Thật ra 4 câu nhưng chỉ có một câu quan trọng “Dân chúng nói Thầy là ai ?”. “Dân chúng nói Thầy là ai ?” mới là chuyện quan trọng.

Chúa Giêsu hỏi và rồi người này kẻ nọ cũng trả lời nhưng phải chăng những câu trả lời ấy là những câu trả lời theo lối nhìn “phàm tục”. Duy nhất chỉ có câu trả lời của thánh Phêrô là câu trả lời “thánh thiêng”. Phêrô trả lời hết sức chính xác rằng : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Câu trả lời hết sức quan trọng nhưng quan trọng hơn là sống câu trả lời đó như thế nào ?
Thánh Phêrô trả lời đúng, các môn đệ khác trả lời chưa đúng nhưng cũng kịp thời sửa sai câu trả lời của mình theo như câu trả lời của Thánh Phêrô. Chuyện quan trọng là các môn đệ đã sống trọn vẹn cuộc đời của mình với câu trả lời của Thánh Phêrô.

Không phải ngày xưa Chúa Giêsu mới hỏi, ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng hỏi mỗi người chúng ta : Ai là thầy của chúng ta và thầy của chúng ta là ai trong cuộc đời của chúng ta. Mỗi người chúng ta trong mỗi bậc sống đều phải trả lời cái câu hỏi này vì câu hỏi này là câu hỏi căn cốt, câu hỏi quyết định đời sống của chúng ta.

Là chồng, chúng ta có can đảm trả lời : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Là vợ, chúng ta có can đảm trả lời : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Là con, chúng ta có can đảm : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Là bề trên trong cộng đoàn tu, chúng ta có can đảm trả lời : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Là bề dưới trong cộng đoàn tu, chúng ta có can đảm trả lời : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
Nếu chúng ta can đảm trả lời “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” như Thánh Phêrô thì chúng ta cũng hãy diễn tả cuộc đời của chúng ta như Thánh Phêrô cũng như các môn đệ xưa đã diễn tả, đã sống. Đừng để cho lời nói của chúng ta xa lìa hành động của chúng ta. Khi chúng ta để lời nói xa rời hành động thì con người của chúng ta chẳng ra làm sao cả.
Văng vẳng bên tai lời của Chúa Giêsu : “Không phải những ai nói Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời”. Nếu chúng ta tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa mà chúng ta không sống theo lời tuyên xưng ấy thì lời tuyên xưng của chúng ta cũng chỉ là lời tuyên xưng trống rỗng và sáo ngữ.

Nguyện xin Chúa Giêsu ban thêm sức cho mỗi người chúng ta để chúng ta can đảm tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa thì chúng ta cũng sống đúng như lời chúng ta tuyên xưng ấy. Xin Chúa ban sức cho chúng ta để chúng ta nhận ra Chúa chính là Thầy, là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống và là cùng đích của cuộc đời chúng ta.

Anmai, CSsR