PDA

View Full Version : N - - Những lá thư của kẻ thua cuộc - minh giáo cho thế hệ Facebook!



Dan Lee
06-28-2010, 07:30 PM
NHỮNG LÁ THƯ CỦA KẺ THUA CUỘC:

minh giáo cho thế hệ Facebook!

(Phỏng vấn tác giả Mary Eberstadt)

http://thanhlinh.net/baivo/2010/HinhAnh/NhungLaThu_clip_image003.gif

Bản thân Kitô giáo có một uy tín rất lớn mà nhiều người vô thần không muốn chấp nhận. Đó là khẳng định của Mary Eberstadt, tác giả quyển “The Loser Letters: A Comic Tale of Life, Death, and Atheism” (Những lá thư của Kẻ Thua Cuộc: Một câu chuyện trào lộng về sự sống, sự chết, và về vô thần) mới được nhà Ignatius Press xuất bản gần đây (năm 2010).
Trong cuộc phỏng vấn sau đây dành cho ZENIT, Mary Eberstadt, chuyên viên nghiên cứu của Viện Hoover ở Washington, D.C., nói về cách thức minh giáo đặc biệt của mình nhắm đến “thế hệ Facebook.”

- Quyển sách của Chị có tựa đề chính là “The Loser Letters.” Tựa đề ấy có nghĩa gì vậy, và Chị mang hoài bão gì khi viết quyển sách?

- Eberstadt: “Những lá thư của Kẻ Thua Cuộc” là một câu chuyện theo thể thư tín trào phúng, nói về hiện tượng vô thần mới, trong đó nữ nhân vật chính, A.F. Christian, là một cô gái tuổi đôi mươi linh lợi và thời thượng, hăng hái tuyên truyền rằng Thiên Chúa không hiện hữu.

Quyển sách được hình thành bằng nhiều lá thư bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các nhà vô thần mới như Dawkins, Hitchens, Dennette, và nhiều tên tuổi khác. Nữ nhân vật chính cố gắng nêu ra những điểm yếu trong lập trường của họ, với mong muốn lập trường ấy được củng cố cho chắc hơn. Rồi, dõi theo câu chuyện, đặc biệt khi nghe cô gái kể lại chuyện đời mình, người đọc hiểu rằng thực sự đã xảy ra một điều gì đó rất khác.

Như nữ nhân vật chính nhấn mạnh từ đầu quyển sách, nếu những nhà vô thần mới có lý và nếu tất cả những người tin xưa nay đều sai lầm, thì Thiên Chúa sẽ là “kẻ thua cuộc” lớn nhất trong lịch sử. Đó là lý do cô gái gọi Thiên Chúa là “Kẻ Thua Cuộc” (viết hoa).

Quyển sách này được viết cho độc giả thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, và tôi tin rằng bất cứ ai từ 16 tuổi đều có thể đọc nó với niềm thích thú, nhất là vì nó đầy tính trào lộng từ đầu đến cuối. Nhưng tôi nhắm cách riêng các độc giả ở lứa tuổi 20 hoặc 30 mà chưa bao giờ nhận được một minh giáo truyền thống và chưa bao giờ biết rằng có một truyền thống mạnh mẽ đương đầu với những luận cứ của các nhà vô thần hiện đại.

Ngoài tính trào lộng, quyển “Những lá thư của Kẻ Thua Cuộc” là một quyển sách minh giáo dành cho thế hệ Facebook.

- Quyển sách là một câu chuyện trào lộng nhằm vạch những mặt trái đen tối của các học thuyết vô thần đồn trú trong nền văn hóa. Nó có phảng phất những nét giống với “Screwtape Letters” của C.S. Lewis, nhưng hiện đại hơn tác phẩm của Lewis. Phải chăng Chị nhận cảm hứng từ Lewis?

- Eberstadt: Chắc chắn rồi. Giống như nhiều người đã đọc Screwtape, tôi luôn thích thú với sự trộn lẫn độc đáo giữa một đàng là tính hài hước đậm đặc và đầy châm chích của nó và đàng khác là nó giải thích về đạo một cách chính thống và cực kỳ nghiêm túc.

Tuy nhiên khi viết quyển sách, tôi chỉ nhận ảnh hưởng của C.S. Lewis cách lờ mờ thôi. Ngoài sự kiện rằng cả hai quyển sách đều có chất hài hước và đều bênh vực Kitô giáo, tất cả những gì còn lại đều khác biệt.

“Những lá thư của Kẻ Thua Cuộc” được viết bằng một thứ tiếng Mỹ sống động đời thường của chúng ta. Nữ nhân vật chính, như đã nói trên, là một cô gái trẻ viết các lá thư từ một Trung Tâm Phục Hồi Nhân Phẩm. Và còn nhiều yếu tố khác biệt khác nữa. Nhất là, quyển sách của C.S. Lewis nhắm một chủ đề lớn, đó là chủ đề về tình trạng tự đánh lừa, trong khi “Những lá thư của Kẻ Thua Cuộc” chủ yếu là một câu chuyện về sự cứu chuộc cá nhân, với những tình tiết cười ra nước mắt, nhưng dĩ nhiên trong đó sự cứu chuộc vẫn là chủ đề chính.

- Đâu là những luận điểm thuyết phục của Kitô giáo mà Chị tin là phải đưa ra trong cuộc tranh luận với vô thần để họ tâm phục khẩu phục?

- Eberstadt: Trong trào lưu vô thần mới, có một khía cạnh làm cho ai cũng phải tức cười, đó là những đại biểu vô thần rất ít lưu ý tới lịch sử. Như nhân vật A.F. Christian trong quyển sách của tôi nhấn mạnh cách khá mỉa mai rằng những dữ kiện khách quan của Kitô giáo trong thế giới – các sử gia, các nhà trí thức, các nghệ sĩ và nhiều người khác – không hoàn toàn giống như các nhà vô thần miêu tả.


Chẳng hạn, như A.F. giải thích trong một lá thư, nếu những nhà vô thần mới muốn săm soi vào những cái chết do Tòa Điều Tra, thì họ có quyền săm soi như thế. Nhưng họ sẽ nói gì về bao kẻ chết oan uổng do chủ nghĩa Mác-xít, Cộng Sản, Đức Quốc Xã? Họ sẽ nói gì về những chế độ vô thần gây ra những tội ác kinh hoàng nhất trong thế kỷ XX?

Trong một lá thư khác, bằng cách loại suy, A.F. lưu ý tất cả các nhà vô thần rằng hãy xem lại câu chuyện về thẩm mỹ, bởi vì đây là câu chuyện rất đáng nản. Thật vậy, cô nhấn mạnh rằng phần lớn những kiệt tác âm nhạc, kiến trúc, văn chương, hội họa và điêu khắc trong lịch sử nhân loại đã được sáng tạo nhân danh Kẻ Thua Cuộc (hay nhân danh “những kẻ thua cuộc,” nếu các tác phẩm ấy thuộc thời cổ đại).

Trước thực tế ấy, cô gái chất vấn các nhà vô thần rằng họ thống kê được bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật do những người vô thần làm ra? Phải chăng họ nghĩ đến Pyongyang? Elton John? Họ nghĩ đến “trường phái sáng tạo” (constructivism)? Hay nghĩ đến thứ nhạc rock hỗn độn của Rammstein? Rồi cô bảo họ: “Các ngài đoán được điều tôi muốn nói rồi đó. Chẳng có gì hay ho về phía vô thần của chúng ta!”

Đó chỉ là một ít ví dụ về cách mà A.F. Christian đặt các nhà vô thần trước những diễn giải sai lầm của họ, hay về cách mà cô chỉ ra thái độ giả tảng của họ trước những sự đóng góp phong phú của Do Thái-Kitô giáo. Nữ nhân vật chính cũng thường xuyên nhắc các nhà vô thần rằng khi cô phê bình họ, mục đích duy nhất của cô là nhằm thúc đẩy họ tìm ra cách nào thuyết phục hơn để ăn nói với những người tin đạo. Tuy nhiên, như đã đề cập, khi đọc đến cuối quyển sách thì độc giả nhận ra rằng nữ nhân vật chính ‘nói vậy mà không phải vậy’.

- Nữ nhân vật chính có nhắc đến một phản ứng đối với “Ozzie and Harriet.” Phải chăng điều cốt lõi ở đây là vấn đề người ta nhìn cái gì và nhìn thế nào trong nền văn hóa?

- Eberstadt: “Ozzie and Harriet” là một chương trình truyền hình Mỹ được phát sóng trong những năm 1950. Chương trình này xoay quanh câu chuyện một gia đình hạnh phúc gồm người mẹ, người bố và hai cậu con trai. Ở Mỹ, nhiều người coi đó là kiểu gia đình khuôn mẫu. Vì thế, khi những người cấp tiến muốn chê bai gia đình truyền thống từ quan điểm ý thức hệ, họ thường bảo rằng “Ozzie and Harriet” là một kiểu thức không ổn.

Điều thú vị là thái độ tẩy chay ấy (đối với gia đình tự nhiên) lại bị bác bỏ bởi chính nền văn hóa ‘pop’ của những người trẻ thực sự ước mong hình thức gia đình toàn vẹn này, tức gia đình gồm bố, mẹ và con cái.

Chẳng hạn, một trong các ca sĩ ‘pop’ bị phê bình nhiều nhất trong mấy thập kỷ qua là Eminem, một tay ‘rap’. Cho dù người ta không còn nghe các bài hát của anh, anh vẫn tiếp tục hiển hiện trong nền văn hóa trẻ khắp nơi: nơi nỗi phẫn nộ đối với người cha rời bỏ gia đình, nơi niềm mong ước đem lại cho cô em gái bé bỏng một người cha đích thực, nơi quyết tâm trở thành một người cha tốt.

Về điều này, cũng cần nhắc đến một tay ‘rap’ khác, đó là Tupac Shakur, người cũng đã đem lại nhiều sự ngạc nhiên. Rồi, trong thế giới nhạc ‘pop’ của giới trẻ, cũng phải kể đến những khuôn mặt như ca sĩ Pink, các nhóm Good Charlotte, Pearl Jam và Nickelback. Bảng danh sách còn kéo dài, vượt ra khỏi lĩnh vực âm nhạc nữa. Chẳng hạn, nhiều bộ phim cho lứa tuổi thanh thiếu niên diễn tả cùng một nỗi hoài vọng về cái thời mà người ta lớn lên trong các gia đình chưa đổ vỡ, với sự hiện diện của cả cha lẫn mẹ mình.

Tuy nhiên, phản ứng ấy của nền văn hóa, vốn rất cụ thể đối với ai biết lắng nghe và biết đọc ra cái gì đó từ những hình thức đầy sức diễn tả, lại không được nhận hiểu bởi số đông ở Mỹ và cả ở những nơi khác. Vấn đề nằm ở chiều sâu. Bạn có cách để làm cho đám trẻ cũng lớn lên được bên ngoài gia đình, nhưng bạn không thể nhổ rễ khỏi chúng nỗi khát vọng một gia đình tự nhiên toàn vẹn.
Và suy rộng ra, tôi tin rằng những người trẻ, từ chính bản năng mình, cũng khát vọng những cơ chế truyền thống khác nữa mà nền văn hóa duy thế tục của chúng từ khước. Tôi muốn nói cách riêng đến Giáo Hội. Khi viết “Những lá thư của Kẻ Thua Cuộc” bằng chính thứ ngôn ngữ thông thuộc hằng ngày của người trẻ, tôi mong khích lệ họ trong những khát vọng sâu xa này.

- Nhiều sách đã được viết về những điều ‘lộn xộn’ của các nhà vô thần, như quyển “Faith of the Fatherless: The Psychology of Atheism” của Paul Vitz. Trong quyển sách của Chị, tác giả của các lá thư kể về một cuộc sống đầy xáo trộn và lún sâu vào ma túy. Có phải yếu tố này có một ý nghĩa đặc biệt chứ không duy chỉ là để trào lộng cho độc giả cười ra nước mắt mà thôi?

- Eberstadt: Vâng, đúng vậy. Cách nào đó, A.F. Christian có thể là hiện thân của bát cứ ai. Mỗi người có thể nhận ra chính mình nơi cô gái này: lớn lên trong một gia đình có đức tin, rồi đi học đại học và đánh mất đức tin, và cuối cùng ở tuổi trưởng thành cô hiểu ra việc mình bỏ đạo thật là một điều tai hại.

Điều tôi muốn nhấn mạnh, đó là những điều không hay xảy đến cho A.F. cũng chẳng phải do ngẫu nhiên, mà thực sự bởi vì thế giới duy thế tục của chúng ta đang đặt những người trẻ chênh vênh nhất vào đủ thứ nguy hiểm. Và tôi tin rằng điều này đúng cách riêng đối với các cô gái.

Tự do tình dục, điều mà các nhà vô thần hiện đại hô hào, có một mặt trái tiêu cực mà không ai trong họ nhìn nhận. Người ta nhân danh tự do, nhưng người ta càng dễ bóc lột phụ nữ, như chính A.F. đã đau khổ khám phá ra.

Bằng cách để cho cô gái ấy nói lên câu chuyện mình bằng ngôn ngữ của vô số người trẻ hôm nay, tôi muốn tác động đến những con người, cũng như cô gái ấy, để họ suy nghĩ lại về đức tin, để họ biết tự bảo vệ - vì cô gái ấy đâu có được ai bảo vệ.

- Quyển sách của Chị là một câu chuyện trào phúng về cách mà những người vô thần nắm sai các vấn đề. Phải chăng Chị cũng có lời khuyên nào đó – không duy chỉ về việc mua quyển sách này – mà về cách mà người Công Giáo có thể giúp truyền bá sự thật về tất cả những gì mà Kitô giáo có thể cống hiến?

- Eberstadt: Một lý do giúp các nhà vô thần hiện đại đạt được thành công ở phương Tây, đó là vì họ rất quyết đoán, thẳng thắn và mạnh mẽ. Những người trẻ thường hưởng ứng rất tích cực đối với những người trưởng thành đầy quyết đoán.

Vì thế tôi tin rằng những ai muốn đương đầu với trào lưu này, hay dù chỉ đơn thuần muốn tránh trở thành vô cảm trong nền văn minh tây phương của chúng ta, thì giải pháp là hãy học lấy cái thái độ tích cực của chính trào lưu vô thần.

Chúng ta có thể là những nhà văn, những nhà lãnh đạo giới trẻ, những giáo sư hay công nhân. Tất cả chúng ta, sớm hay muộn, đều được trao cho vai trò nào đó. Và khi làm công việc của mình, chúng ta phải làm theo kiểu như người ta nói trong bóng đá: “phòng thủ bằng cách tấn công!” Đây chính là lý do mà tôi viết quyển sách.

THIÊN PHONG (25.6.2010)
chuyển ngữ từ APOLOGETICA PER LA GENERAZIONE DI FACEBOOK của Carrie Gress đăng trong Zenit.org ngày 24.6.2010