VietLang
07-01-2010, 12:43 AM
Lịch Sử :
Hai tiếng "cải lương" có nghĩa là "sửa đổi cho tốt hơn". Từ xưa ở Việt Nam không có lối diễn tuồng nào khác hơn là hát Chèo hay hát Tuồng (ở Bắc Phần) và hát bội (ở Trung và Nam Phần). Ðến 1917, khi cải lương ra đời, người mình nhận thấy điệu hát này có thể tân tiến hơn điệu hát bội, nên cho đó là một việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt hơn. Vì lẽ ấy người mình dùng hai tiếng "cải lương" để đặt tên cho điệu hát mới mẻ này. Trước kia ở rải rác trong các tỉnh Nam Phần (Nam bộ) có những ban tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tư gia, tân hôn, thăng quan, giỗ,... Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng. Qua năm 1910, ở Mỹ Tho có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, tục gọi Tư Triều gồm bản thân Tư Triều (chơi đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô (đờn cò),Cô Hai Nhiễu (đờn tranh) và Cô Ba Ðắc (ca). Ban tài tử này đờn ca rất hay vì phần đông đã được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp mới về. Năm 1911, Nguyễn Tống Triều muốn đưa ca nhạc ra trước công chúng, nên thương lượng với chủ nhà hàng "Minh Tân khách sạn" ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn để ban tài tử đờn ca giúp vui cho thực khách. Người đến nghe ngày càng đông. Nhận thấy sáng kiến này có kết quả khả quan, Thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, phía sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình đông khán giả bèn mới ban tài tử đến trình diễn mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu và đã được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Sân khấu thời bấy giờ cũng được dàn dựng rất đơn giản. Cái màn bạc dùng làm bối cảnh (fond), kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván có để một cái bàn chưn cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem thật nghiêm trang. Sáng kiến đưa đờn ca tài tử lên sân khấu của Tư Triều từ năm 1912 tại Mỹ Tho đã lan tràn đến Sài Gòn và nhiều tỉnh ở Nam Phần. Năm 1913 – 1914, chủ nhà hàng ở sau chợ Mới, Sài Gòn, là "Cửu long giang" nghe danh tiếng ban tài tử nên đã xuống tận nơi để mời về. Ông Năm Tú là người có công nhất trong việc gây dựng lối hát Cải lương buổi ban đầu. Ông mướn thợ vẽ tranh cảnh phỏng theo lối trang trí rạp hát Tây Sài Gòn. Ông mua sắm y phục cho đào kép khá chu đáo và nhờ nhà văn Trương Duy Toản soạn tuồng. Ông cất một cái rạp hát rộng lớn và đẹp đẽ gần chợ Mỹ Tho để cho ban ca kịch của ông trình diễn. Ðiệu hát cải lương chính thức hình thành từ đó và ngày càng phát triển mạnh, nhiều Ban được thành lập. Có thể nói, sân khấu cải lương là sản phẩm tất yếu của hoàn cảnh xã hội Việt Nam, chính xác hơn là xã hội Nam bộ lúc bấy giờ. Chính vì vậy nó trưởng thành rất mau. Vài ba năm đầu thập kỷ 20, nó còn đang chập chững những bước đầu tiên. Năm 1931 nó đã chính thức được giới thiệu ở ngoài nước với danh nghĩa một loại hình nghệ thuật hiện đại ngang hàng tuồng chèo đã có nhiều thế kỷ lịch sử. Nó ra đời thu hút được đông đảo khán giả và hát bội chịu phần thua kém. Từ Nam Kỳ nó Bắc tiến và tuồng, chèo dần dần nhường bước. Trong hơn nửa thế kỷ, sân khấu cải lương vượt xa các loại hình sân khấu khác về thế mạnh, có thời kỳ nó giữ địa vị độc tôn, thu hút khán giả nhiều hơn các loại sân khấu khác, chỉ kém có điện ảnh. Tìm về nơi đầu nguồn của sân khấu cải lương, người ta gặp những sự kiện xã hội, lịch sử sau đây: Nam Bộ, xứ Nam kỳ cũ, vốn có một phong trào ca nhạc tài tử. Nó là sự phát triển của phong trào đàn cây. Trong các cuộc tế lễ, ma chay, người ta mời ban nhạc tới diễn tấu, không dùng các loại trống, kèn và các loại nhạc cụ gõ khác và chơi một số bản của nhạc lễ có viết thêm lời ca và một số bản của nhã nhạc từ miền Trung đi vào. Phong trào này dần dần phát triển sâu rộng khắp toàn dân. Nhạc cụ được bổ sung, cải tiến. Người ta thêm vào các bài ca nhạc dân gian hoặc sáng tác thêm những bài hát mới. Các địa phương có những ban ca nhạc tài tử nổi tiếng với các danh cầm như: Ba Ðại, Hai Trì, Nhạc khị, Năm Triều, Bảy Triều... và các danh ca như Ba Ðắc, Bảy Lung, Ba Niêm, Hai Nhiều, Hai Cúc... tiếng tăm đồn đại khắp nơi. Phong trào ca nhạc tài tử lôi cuốn mọi giới đồng bào nhất là công chức, thợ thủ công, nông dân, công nhân. Khởi đầu, nhạc và lời ca được biểu hiện qua hình thức Ca-ra-bộ (một trình thức diễn xuất thô sơ) với một số nghệ nhân không chuyên, được phục vụ trong những buổi tiệc tùng, giải trí, trà dư tửu hậu ở thôn xóm và bài ca được hâm mộ nhất thời bấy giờ là "Bùi Kiệm thi rớt trở về". Ca-ra-bộ được đông đảo quần chúng hâm mộ, dần dần phát triển và con đường phát triển tất yếu của nó là đi vào nghệ thuật sân khấu, biến hát bội thành "hát bội pha cải lương" rồi tiến lên chuyển mình thành một loại hình riêng để diễn các loại tuồng tàu, tuồng kiếm hiệp vào đầu và cuối thập kỷ 40. Ngày càng được quần chúng hâm mộ thưởng thức, nó tiến xa hơn trên đường nghệ thuật, với nhiều nghệ sĩ có tên tuổi tham gia và đến đầu thập kỷ 40, nó đã mang đầy đủ tính chất khá hoàn chỉnh. Và đặc biệt với Nghệ sĩ Nhân Dân Năm Châu, nó trưởng thành thành một loại sân khấu có tính nghệ thuật khá cao. Năm Châu vốn có học Tây, hâm mộ sân khấu Tây phương, nhất là kịch cổ điển Pháp, đã tâm huyết đưa số hiểu biết phong phú, đa dạng của mình vào cải lương, tạo thành một sân khấu riêng biệt - trường phái Năm Châu" với lực lượng nghệ sĩ lừng danh lúc bấy giờ là Phùng Há, Ba Vân, Tư út, Tư Anh và quí giá nhất là soạn giả Trần Hữu Trang, tác giả nhiều kịch bản nổi tiếng, trong đó có Ðời cô Lựu và Tô ánh Nguyệt cho đến nay, vẫn còn ghi sâu trong ký ức bao người. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp cho du nhập vào nước ta những phim ảnh, sách báo và những đĩa hát, về sau có nhiều đoàn kịch hát Trung Quốc sang biểu diễn tại Sài Gòn.Do đó, nghệ thuật cải lương có cơ hội thu hút thêm tinh hoa sân khấu của nước ngoài như cách diễn xuất, sử dụng một số bài bản nước ngoài phù hợp với cách diễn tấu của dàn nhạc cải lương, học tập cách sử dụng bộ gõ bổ sung thêm kèn mới vào dàn nhạc cải lương. Trong giai đoạn này, âm nhạc cải lương chịu ảnh hưởng của phương pháp diễn tấu mang tính sân khấu xuất phát từ nội dung chủ đề của kịch bản. Trong giai đoạn đầu của cải lương, đề tài khai thác của kịch chủ yếu dựa vào thơ ca được lưu truyền rộng rãi trong dân gian Việt Nam như: Kim Vân kiều, Lục Vân Tiên, Trưng Trắc Trưng Nhị v v... hoặc phóng tác theo các vở tuồng hát bội như: Phụng Nghi Ðình, Xử án Bàng Quí Phi, Mộc Quế Anh v v... Âm nhạc được dùng trong các vở này bao gồm gần hết là các bài bản cải lương, trong dàn nhạc cải lương có các nhạc cụ của dàn nhạc tài tử, có nhạc cụ gõ và kèn hát bội. Từ năm 1930 trở đi khuynh hướng cải lương xã hội thực thụ ra đời dưới sự chỉ đạo của nhóm Năm Châu, Tư Trang, Năm Nở, Bảy Nhiêu, Tư Chơi v v... lúc đầu phỏng theo truyện phim và kịch của Pháp như: Bằng hữu binh nhung, Sắc giết người, Giá trị và danh dự v v... Về sau nhóm này dựa vào đề tài Việt Nam như: Tội của ai, Khúc oan vô lượng, Tứ đổ tường v v... Các bài hát tây bắt đầu xuất hiện trên sân khấu cải lương như: Pouet Pouet (trong Tiếng nói trái tim), Marinella (trong Phũ phàng), Tango mysterieux (trong Ðóa hoa rừng). Lúc bấy giờ trong một đoàn cải lương xã hội có hai dàn nhạc: dàn nhạc cải lương thì ngồi ở trong, còn dàn nhạc jazz thì ngồi ở trước sân khấu. Trong những thời gian sau cải lương bị ảnh hưởng của một số khuynh hướng Quảng đông và kiếm hiệp nhưng những khuynh hướng này ít được người ủng hộ, nhất là ở các vùng nông thôn. Các vở có tính chất tâm lý xã hội đều dựa vào sự tích Việt Nam như Tô ánh Nguyệt, Ðời cô Lựu... nhưng về âm nhạc thì lại chịu ảnh hưởng ở âm nhạc Tây Âu. Cải lương càng ngày càng hiện đại hóa và đó là công đầu của Năm Châu vì không có con người này, khó có một sự chuyển mình đầy tính cổ điển và nghệ thuật của cải lương. Do đó, có thể nói Năm Châu phải được đánh giá là vị "Tổ cải lương hiện đại", một vị tổ có thật... Từ sau Hiệp định Geneve (1954), cải lương càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, trở thành một loại hình nghệ thuật, một bộ môn sân khấu có khả năng thu hút hàng đêm cả vạn triệu khán thính giả say mê đến với nó tại các nhà hát hay bên chiếc radio. Do sáng kiến của ông Trần Tấn Quốc, một ký giả kỳ cựu, giải Thanh Tâm được thành lập năm 1958 và liên tiếp mỗi năm kế sau đều có phát Huy chương vàng và Bằng danh dự cho những nam nữ nghệ sỹ trẻ tuổi có triển vọng nhất trong năm. Giải Thanh Tâm hiện thời được gọi là giải Trần Hữu Trang là giải thưởng có tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật cải lương. Nghiên cứu toàn bộ lịch sử cải lương qua những nét đại thể, ta thấy rõ ràng loại hình nghệ thuật này mang một đặc điểm rất nổi bật. Ðó là nền nghệ thuật mang tính giải phóng của người nông dân bị áp bức và mất nước, phải vùng lên để chiến đấu cho sự sống còn của tầng lớp mình, dân tộc mình. Tiếng nói của họ là tiếng ca bất khuất và đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm mà Ðời cô Lựu là một vở tiêu biểu. Tác giả của nó, Trần Hữu Trang vốn là một nông dân, một nghệ sĩ trí-thức
Đặc Điểm :
Năm 1920 đoàn hát mang tên Tân Thinh ra mắt khán giả, Tân Thinh không dùng tên gánh mà dùng tên đoàn hát và ghi rõ đoàn hát cải lương, dưới bảng hiệu có treo đôi liễn như sau:
- Cải cách hát ca theo tiến bộ
- Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Ðôi liễn ấy đã nêu lên những đặc điểm cơ bản của sân khấu cải lương. Như trên đã nói, cải lương vốn là một động từ mang nghĩa thông thường trở thành một danh từ riêng. Cải lương có nghĩa là thay đổi tốt hơn khi so sánh với hát bội. Sân khấu cải lương là một loại hình sân khấu khác hẳn với hát bội cả về nội dung vở soạn lẫn nghệ thuật trình diễn.
1- Bố cục
Các soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương vốn là soạn giả của sân khấu hát bội. Nhưng các soạn giả của thuộc lớp kế tục thì nghiêng hẳn về cách bố cục theo kịch nói: vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến triển của hành động kịch. Vai trò của soạn giả, đạo diễn không lộ liễu trước khán giả mà ẩn sau lưng nhân vật. Ban đầu, các vở viết về các tích xưa (mà người ta quen gọi là tuồng Tàu) có khi còn giữ ít nhiều kiểu bố cục phảng phất hát bội, nhưng các vở về đề tài xã hội mới (gọi là tuồng xã hội) thì hoàn toàn theo bố cục của kịch nói. Càng về sau thì bố cục của các vở cải lương (kể cả các vở về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói).
2- Ðề tài và cốt truyện
Các vở cải lương ngay từ đầu đều khai thác các truyện Nôm của ta như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên hoặc các câu truyện trong khung cảnh xã hội Việt Nam. Sau đó chiều theo thị hiếu của khán giả sân khấu cải lương cũng có một số vở soạn theo các truyện, tích của Trung Quốc đã được đưa lên sân khấu hát Bội và được khán giả rất ưa thích. Sau này nhiều soạn giả, kể cả soạn giả xuất thân từ tân học cũng soạn vở dựa theo truyện xưa của Trung Quốc hoặc dựng lên những cốt truyện với nhân vật, địa danh có vẻ của Trung Quốc nhưng những cảnh ngộ, tình tiết thì của xã hội Việt Nam
3- Ca nhạc
Các loại hình sân khấu như hát bội, chèo, cải lương được gọi là ca kịch vì ở đây ca kịch giữ vai trò chủ yếu. Là ca kịch chứ không phải là nhạc kịch vì soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc cho phù hợp với các tình huống sắc thái tình cảm. Như vậy, nói chung về ca nhạc, sân khấu cải lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Nam Bộ. Trên bước đường phát triển nó được bổ sung thêm một số bài bản mới (như Dạ cổ hoài lang sau này mang tên Vọng cổ là một dân ca nổi tiếng của sân khấu cải lương). Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Trung Quốc nhưng đã được phổ biến từ lâu trong nhân dân Việt Nam, đã Việt Nam hóa.
4-Diễn xuất
Diễn viên cải lương diễn xuất một cách tự nhiên, nhất là khi diễn về đề tài xã hội thì diễn viên diễn xuất như kịch nói. Khác với kịch nói ở chỗ đáng lẽ nói, diễn viên ca, cho nên cử chỉ điệu bộ cũng uyển chuyển, mềm mại theo lời ca. Dù không giống như cử chỉ điệu bộ của diễn viên kịch nói, mà vẫn gần với hiện thực chứ không cường điệu như hát bội. Cải lương cũng có múa và diễn võ nhưng nhìn chung là những động tác trong sinh hoạt để hài hoà với lời ca chứ không phải là hình thức bắt buộc.
5-Y phục
Trong các vở về đề tài xã hội diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời. Trong các vở diễn về đề tài lịch sử dân tộc, về các truyện cũ của Trung Quốc, phóng tác từ những câu chuyện, hay các vở kịch từ nước ngoài thì y phục của diễn viên cũng được chọn lựa để gợi ra xuất xứ của cốt truyện và của nhân vật, nhưng cũng chỉ mới có tính là ước lệ thôi chứ chưa đúng với hiện thực.
Âm nhạc :
Chúng ta đều biết không có một nền âm nhạc nào không mang tính kế thừa và phát triển, hai mặt này đi song song với nhau, cùng nằm trong hiện tượng văn hoá-nghệ thuật qua nhiều thế hệ, bắt gốc từ yếu tố tộc người trong thời kỳ sơ khai. Nó đã ăn sâu và tác động vào điều kiện tâm-sinh lý của con người, và mang tính di truyền. Nó là một hiện tượng mang tính qui luật tạo thành mầm mống cho ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Âm nhạc cải lương cũng không tách khỏi qui luật này. Người ta thường nói cải lương xuất phát từ Nam Bộ, đó là cách nói rút gọn, nhưng đứng về mặt lịch sử thì nhạc cải lương là một loại nhạc sân khấu, được phát triển dựa trên phong trào ca nhạc tài tử (phong trào chơi nhạc không chuyên nghiệp lan rộng khắp Nam bộ thời trước). Loại nhạc này bắt nguồn từ nền ca nhạc dân gian lâu đời của nước ta. Nó nằm trong kho tàng văn hóa dân tộc, và đồng thời phát triển với những cuộc di dân về phương Nam của ông cha ta. Cũng những cây đàn ấy, càng đi khỏi vùng đất Tổ thì càng trở nên linh động với những màu sắc mới lạ và biến thành một loại hình nghệ thuật độc đáo dân tộc. Có thể nói đó là đức tính của con người Việt Nam được hun đúc qua những cuộc di dân lớn, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, vượt qua muôn nghìn khó khăn gian khổ để xây dựng thôn ấp, phát triển xã hội. Âm nhạc cải lương chịu ảnh hưởng của hai nền nhạc lớn đã có từ thời cổ và tồn tại đến bây giờ, đó là nền ca hát dân gian và nền nhạc khí dân gian. Hai nền nhạc này tạo cho cải lương một phong cách đặc biệt, do đó trong âm nhạc cải lương, yếu tố ca hát và yếu tố nhạc khí cùng thúc đẩy nhau phát triển và tạo ra một hình thức đối lập trong nhiều bè, mở đường cho sự nảy nở của tính chất sân khấu. Tại Nam Bộ, hiện nay nhân dân chỉ còn được nghe khí nhạc thuộc loại tế tự (nhạc lễ) còn âm hưởng của nhạc cung đình thì đã thuộc về dĩ vãng. Từ khi chữ Nôm bắt đầu xuất hiện thì thơ ca dân gian càng phát triển, chữ Nôm dùng để sáng tác các bản nhạc. Sau thắng lợi vẻ vang của ba lần chống quân xâm lược Nguyên, nghệ thuật âm nhạc và hát xướng càng phát triển mạnh và mãi cho tới thời nhà Lê, ngoài các bậc công hầu ra, trong hàng sĩ phu phần đông đều có hiểu biết về niêm luật âm nhạc. ở Huế đã hình thành nền nhã nhạc, yếu tố bác học làm cơ sở cho sự kế thừa và phát triển của phong trào ca nhạc tài tử Nam bộ. Nghệ thuật âm nhạc miền Trung dần dần phát triển ra khắp thôn xã song song với sự phát triển của một vài yếu tố âm nhạc dân gian Trung Quốc. Phương thức cải biến vật chất thành nhu cầu cần thiết cho con người, ảnh hưởng khá lớn đến phương thức biểu hiện tư tưởng bằng hiện tượng nghệ thuật. Tài khéo léo và óc sáng tạo của con người làm thay đổi rất nhiều các loại hình nghệ thuật phù hợp với thẩm mỹ quần chúng lúc bấy giờ. Nhạc cải lương được hình thành từ trong lòng người Việt Nam cần cù và gian khổ, lớn lên trong những thử thách đầy khó khăn nguy hiểm mà con người đấu tranh để sinh tồn. Nhạc miền Trung khi phát triển vào Nam bộ thì bị mất một phần đặc điểm, chủ yếu là bị lệ thuộc vào tiết tấu sinh hoạt và ngôn ngữ của người dân Nam bộ. Từ khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, xã hội Nam Kỳ bị phân hóa nhanh chóng, sự đổ vỡ có mức độ của ý thức hệ phong kiến trong xã hội Nam Kỳ chủ yếu là do phương thức sản xuất mang yếu tố tư bản xuất hiện, tư tưởng và tình cảm con người đã thoát ly dần những tục tập cũ kỹ, lỗi thời. Sự thoái trào của nền nhạc lễ để nhường cho phong trào của ca nhạc tài tử phát triển từ trong lòng của nó là một sự kiện rất mới. Phong trào dân ca được quần chúng ưa thích dần dần phát triển trong toàn Nam bộ và trở thành phong trào ca tài tử. Số người biết đàn biết ca ngày càng đông, nhất là ở vùng nông thôn, với hình thức nghệ thuật đơn giản tao nhã như vậy, người nông dân nào cũng có thể học tập được. Trong khối quần chúng to lớn, sau này đã xuất hiện nhiều nhân tài của nghệ thuật âm nhạc và sân khấu cải lương. Nhạc tài tử dần dần phát triển về nội dung lẫn hình thức, tiếp thu thêm những luồng nhạc khác như dân ca địa phương, hò, lý, nói thơ...đồng thời có một sự cách tân trong toàn bộ nhạc lễ: trước kia nhạc lễ chỉ là loại khí nhạc, sau khi được cách tân thì trở thành những ca khúc tự sự với nội dung phản ánh tinh thần của thơ ca truyền thống như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Kim Vân kiều, Lục Vân Tiên... Phong trào đó phát triển từ thành thị đến nông thôn thành nhu cầu thiết yếu của các tầng lớp, kể cả giới trí thức trong những cuộc liên hoan, hội hè, cưới hỏi và song song với sự phát triển đời sống vật chất, nhạc tài tử đem đến cho họ một tình cảm mới mẻ. Phong trào tạo thành những trung tâm như Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Thơ, Bạc Liêu... Ngoài những cố gắng sáng tạo thêm hình loại khúc thức mới, các nhà âm nhạc còn khái quát hóa toàn bộ hệ thống điệu thức trong nhạc truyền thố;ng và phân chia thành các loại hơi chủ yếu như: hơi Bắc, hơi Nam, hơi Oán, v.v.. Hơi Bắc khái quát các điệu thức mang tính chất trong sáng, vui khỏe.
Hơi Nam khái quát các điệu thức mang tính chất trang nghiêm và đồng thời được phân chia thành một số hơi cụ thể như sau: hơi Xuân, hơi Ai, hơi Ðảo.
Hơi Oán là hơi được sáng tạo sau này, hoàn toàn thoát ly những hình thức cấu tạo theo kiểu nhạc lễ, đó là hơi thở của cuộc sống thời bấy giờ.
Sự phân chia thành các loại hơi, xuất phát từ các mẫu giai điệu hoặc điệu thức giai điệu có tác dụng lập thành các mô hình âm thanh, và xếp loại các âm hình cơ bản (motif) được sử dụng trong quá trình nhạc khúc. Trong thực tế đời sống hằng ngày của nhân dân ta, chúng được cấu trúc trên nguyên tắc tập hợp và mang những ý nghĩa cụ thể đã trở thành một tập quán trong sự sáng tạo âm nhạc qua nhiều thời đại. Ðể minh hoạ, dưới đây sẽ giới thiệu một lớp Văn Thiên Tường nhan đề là Bá Lý Hề:
Vì tình kia thân sanh sao đắng cay
Thay thương thay đương khi gian truân
Bâng khuâng lúc chia tay
Thiếp yểm lụy ngỏ cùng chàng
Vì cảnh nhà hàn vi
Nên mới chia ly
Khi đưa nhau nắm tay dặn dò
Ðến lúc đắc lộ chàng có nghĩ
Ðến chút tình tào khang
Tay dâng chén này hôm nay
Khuyên lương nhân
Vững lòng rủi dong lần bước sang
Cách núi ải
Non cao vực thẳm ráng dò
Em lo đương khí
Qua đèo ải ngăn ghềnh đá chập chồng
Sớm thơ nhạn tả mấy hàng
Cho nhãn những điều
Ðiều ấm lạnh dường bao
Trên đây là lời ca diễn tả tâm trạng vợ Bá Lý Hề tiễn chồng lên đường lập công danh. Hình thức cấu trúc của loại này, khác với cấu trúc chân phương của nhạc lễ, chịu ảnh hưởng hình thức thơ liên hoàn, mỗi đoạn gồm tám câu. Về mặt nghệ thuật, nhạc tài tử trong giai đoạn này đã đóng góp nhiều yếu tố mới trong đời sống âm nhạc của quần chúng, được bà con nông dân ưa mến và bảo vệ đã tiến đến một thời kỳ rực rỡ hơn bao giờ hết, mở đầu cho sự xuất hiện một loại hình nghệ thuật mới, đó là nghệ thuật sân khấu cải lương. Từ một hình thức ca hát thính phòng của phong trào nhạc tài tử, một bộ phận tách ra mang tính chất diễn xướng (nói lối, ngâm thơ, ca hát) tức là hình thức ca ra bộ (vừa ca vừa ra bộ). Như vậy, đứng về mặt nghiên cứu của âm nhạc, chúng ta thấy có hai phong cách, trong phương pháp diễn tấu nhạc cụ và ca hát, đó là phong cách tài tử và phong cách cải lương.
[Phong cách tài tử]: mang tính chất thính phòng, không đông người, được tổ chức ở trong nhà, công viên, trên thuyền lúc đêm trăng đi sâu vào chiều sâu của tình cảm, người đàn và hát chủ yếu là để phục vụ người nghe.
[Phong cách cải lương]: thể hiện tính sân khấu, vì trung tâm của nghệ thuật diễn xuất là diễn xuất, các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, giúp nó đạt đến một hiệu quả nhất định, hợp thành toàn bộ một hình thức nghệ thuật sân khấu.
Vấn đề ca hát hoặc diễn tấu nhạc cụ trong cải lương cũng phải mang tính chất hành động- không như biểu diễn theo phong cách tài tử vì đặc trưng của sân khấu cải lương là ca hát. Ca hát tài tử và ca hát sân khấu là hai lĩnh vực khác nhau và trong mỗi lĩnh vực đều có những nghệ sĩ tiêu biểu. Chẳng hạn, trong ca hát sân khấu cải lương, có những ngôi sao như Phùng Há, Ba Vân, Năm Châu... và những ca sĩ tài tử nổi tiếng như cô Tư Sang, cô Ba Bến Tre, cô Tư Bé, Năm Nghĩa...Những tác giả âm nhạc tài tử như ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), ông Bảy Triều, những tác giả nhạc sân khấu như các ông Mộng Vân, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Sáu Hải v v... đã đóng góp nhiều sáng tác mới phù hợp với đà phát triển của nghệ thuật cải lương, trong đó có bài vọng cổ cho đến bây giờ đã trở thành một chủ đề lớn về âm nhạc, mà nhiều nghệ sĩ nhờ đấy phát huy một sức sáng tạo và xây dựng nên sự nghiệp nghệ thuật cho bản thân mình. Nếu như những hạt giống đó không nảy mầm từ trong lòng dân tộc và nuôi dưỡng của nhân dân qua nhiều thế hệ, thì nghệ thuật cải lương không thể tồn tại cho đến ngày hôm nay. Âm nhạc cải lương hơi nhẹ nhàng vì dùng đờn dây tơ và dây kim, không có kèn trống như hát bội. Có sáu thứ đờn thường dùng trong điệu cải lương như sau:
1. Ðờn kìm: đờn Kìm cũng gọi là "Nguyệt cầm" có hai dây tơ và tám phím. Tiếng kìm tuy không trong và thanh như tiếng Tranh hay Lục huyền cầm, nhưng cũng có âm hưởng nhiều nên khi hòa với cây Tranh nghe rất hay. Tùy hơi cao thấp của diễn viên, đờn Kìm có thể đờn năm dây Hò khác nhau.
2. Ðờn Tranh: đờn Tranh hay đờn Thập Lục có 16 dây. Tiếng đờn Tranh được thanh tao nhờ dùng dây kim và nhấn tiếng có ngân nhiều. Cũng như cây kìm, đờn Tranh có thể đổi bực dây Hò tùy theo hơi cao thấp của người ca.
3. Ðờn Cò: Cây Cò, cũng gọi là đờn Nhị, có hai dây tơ, không có phím và dùng cây cung để kéo ra tiếng. Ðờn Cò là cây đờn đắc dụng nhất của âm nhạc Việt Nam. Nó chẳng khác nào cây Violon trong âm nhạc Âu Mỹ. Luôn luôn có mặt torng hát Bội, Cải lương, nhạc Tài tử,...
4. Ðờn Sến: Cây Sến có hai dây tơ và có đủ bậc như cây Banjo, nên đờn ít nhấn và có nhiều chữ lợ nghe ngộ. Có khi đờn ba dây nghe hơi như đờn Tỳ.
5. Guitare: Cây Guitare cũng gọi Lục huyền cầm hay Tây ban cầm, có sáu dây kim, nhưng thường đờn có năm dây. Tiếng thanh như đờn Tranh, khi đờn bực cao.
6. Violin: Cây Violon, cũng có tên là Vĩ Cầm, có bốn dây tơ và cung kéo như đờn Cò. đờnnày dùng phụ họa với cây Guitare hay cây Tranh để đờn Vọng cổ nghe hay, nhưng ít dùng đờn các bản khác vì tiếng nó kêu lớn làm lấn áp mấy cây đờn kia.
7.Cây Sáo: Cây hay ống Sáo, hoặc ống Tiêu, cũng có dùng trong điệu Cải lương, nhưng nó có một bậc Hò, không thay đổi. Thành thử người ta phải theo bậc Hò bất di bất dịch ấy.
8. Cây Cuỗn: Cây Cuỗn giống như cây Kèn, nhưng không có cái Loa.
Âm Điệu :
Bài ca Cải lương đặt theo bản đờn, nên kịch sỹ phải tùy âm nhạc, không được tự do phô diễn hết tài năng của mình như trong điệu hát Bội. Ca dư hơi thì trễ đờn, còn thiếu hơi dứt trước đờn. Kịch sỹ bị bó buộc trong khuôn khổ nhịp đờn, dầu có hơi hám nhiều cũng không thể vượt ra ngoài nhịp vì sợ ca lỗi nhịp.Lúc sau này, trong điệu Cải lương có bản Vọng cổ thêm nhiều nhịp. Bài ca vọng cổ đặt không ăn sát câu đờn, miễn vô đầu và dứt câu đờn, ca cho trúng hơi, trúng nhịp. Nhờ vậy, có nhiều kịch sỹ được tự do phô bày hết khả năng của mình. Một khuyết điểm thứ hai là đương nói chuyện kế bắt qua ca. Trừ một ít danh ca biết cách "mở hơi" cho câu ca của mình có hứng thú, còn phần đông vô ca nghe khô khan lã chã lắm, không có mùi vị chút nào. Lỗi ấy một phần do ban âm nhạc thờ ơ, không thuộc chỗ nào sắp ca đặng rao đờn trước hầu gợi ý cho khán giả có cảm giác vui buồn trước khi nghe ca, như bên âm nhạc hát Bội. Cải lương được chỗ ưu điểm là nhờ âm nhạc biết tùy hơi cao thấp của kịch sĩ để lên dây Hò, nên kịch sỹ ca đúng hơi "thiên phú" của mình không rán hơi quá như bên hát Bội.
Thế nào là một giọng ca cải lương hay ?
Cải lương có những làn điệu bài bản cố định, từ đó nhạc sỹ thiết kế để phù hợp với tâm trạng từng nhân vật. Trong ngần ấy mẫu gốc, làn điệu cơ bản, hát thế nào cho hay, cho đẹp, có hơi ấm tình cảm và bản sắc riêng hoàn toàn phụ thuộc vào tài nghệ điều khiển, thao túng nhịp điệu của từng diễn viên hát cải lương. Yếu tố hàng đầu cho một giọng ca cải lương hay chính là sức mạnh truyền cảm. Một giọng ca hời hợt, chỉ thấy lời mà không thấy lòng người, không phải là giọng ca hay. Ngay cả một giọng ca điêu luyện về kỹ thuật mà không có linh cảm, có cái "hồn" thì cũng chỉ là một giọng ca chết, không sinh khí. Một giọng ca hay là giọng ca lột tả đến cùng tình cảm của câu hát, của tâm trạng nhân vật bằng tất cả rung động của trái tim người hát và bằng cả quá trình khổ luyện, tìm ra được cách biểu hiện tốt nhất. Khi nội dung bài hát đã thấm vào lòng diễn viên, đã biến thành máu thịt, thì các kỹ thuật gieo câu, nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy, đều là kết quả sự xúc động tình cảm sâu sắc của người hát. Một người rất ít nghe cải lương, thậm chí chưa nghe bao giờ, cũng có thể xúc động khi nghe một giọng ca truyền đạt chính xác sắc độ tình cảm của lời bài hát, của nhân vật như: yêu thương, nhớ nhung, buồn bã hoặc căm uất, giận hờn... Tùy cách chế ngự điều khiển của từng diễn viên với bài bản cải lương, sẽ quyết định từng màu sắc riêng biệt của mỗi giọng ca. Mỗi người sẽ tạo ra một chất giọng riêng, không lẫn vào đâu được. Và người ta dễ dàng nhận ra một Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Mỹ Châu... hay Út Trà ôn, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh... trên sân khấu miền Nam. Một giọng ca hay trên sân khấu chỉ có thể được coi là hoàn hảo nếu không tách rời nghệ thuật sân khấu biểu diễn. Vì vậy, tiêu chuẩn thứ hai của giọng ca hay là biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn. Nếu diễn viên chỉ chú ý đến lời hát mà không quan tâm đến nhân vật thì khán giả chỉ có thể nhớ đến con người thật của anh ta chứ hoàn toàn không gắn với một hình tượng nhân vật nào cả. Ðiều đó giống như là nghe hát những bài vọng cổ hơn là một vai diễn ca hay. Ngược lại, nếu diễn viên diễn xuất thật hay mà ca dở thì mọi người lại không nghĩ mình đang xem cải lương! Cần thiết phải có sự kết hợp hài hòa, nếu không xem như thất bại. Trong cải lương, giọng ca là vô cùng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Vì thế, có được một giọng ca "trời phú" thì cần phải rèn luyện, trau dồi để ngày càng tiến bộ hơn với những vai diễn thật sự có "hồn".
Vọng Cổ Hoài Lang
Người yêu, yêu đến si tình, nhưng người ghét thì ghét cay, ghét đắng. Chỉ nghe tên đã muốn đào đất đổ đi, có khi vì sự ghen ghét ấy mà sân khấu cải lương cũng bị vạ lây. Có lẽ vì thế mà sau khi ra đời bài Vọng cổ đã phải bao lần thay tên, đổi họ "hóa thân", mới sống được tới ngày hôm nay. Dạ cổ hoài lang (Vọng cổ hoài lang) ra đời được hơn nửa thế kỷ. Nó đã làm cho nền móng cho nhiều bài vọng cổ không ngừng phát triển. Ðó là một hiện tượng có liên quan đế cuộc đời tác giả - nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Xuất thân từ một gia đình bần nông thuộc tỉnh Long An (trước là Tân An), lúc lên sáu tuổi, nhạc sĩ đã phải cam chịu cảnh bị áp bức bóc lột như muôn ngàn gia đình nông dân nghèo khổ khác. Tuy còn nhỏ nhưng cậu bé Cao Văn Lầu đã chứng kiến nhiều sự ngang trái trong cuộc sống tha phương cầu thực, rày đây mai đó, hết làm nghề này lại chuyển sang nghề khác và trong con tim nhỏ bé đã chớm nở dần những xúc cảm về cuộc đời. Từ khi gia đình định cư ở một vùng đất biển Bạc Liêu thì tính nghệ sĩ của chàng trai ngày càng được thể hiện rõ rệt. Ðược sự dạy bảo cẩn thận về âm nhạc của lão nghệ sĩ Hai Khị, Cao Văn Lầu bắt đầu cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp âm nhạc. Nhạc sĩ rất thành thạo về môn nhạc lễ và nhạc tài tử khi nhạc sĩ đang độ 20 tuổi và cũng đồng thời với phong trào "ca ra bộ" bắt đầu phát triển ra khắp lục tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ. Bản Vọng cổ trước hết có tên là Dạ cổ được nhạc sỹ Cao Văn Lầu sáng chế hồi năm 1920 (sau ba năm khi cải lương ra đời). Sanh 1890, ông Sáu Lầu được 30 tuổi khi ông chế bản Vọng cổ. Lúc ấy ông cưới vợ được 10 năm, nhưng không có con. Cha mẹ ông buộc phải cưới vợ khác vì sợ tuyệt tự. Ông buồn rầu không còn muốn làm ăn gì nữa. Ban ngày ra ngoài đồng, ông nghiền ngẫm những lời vợ ông nói trước khi chia tay. Ông biết đờn cổ nhạc nên trong tâm trạng người chồng đau khổ trước cảnh gia đình tan rã, ông cảm hứng tạo ra bản nhạc 20 câu gọi "Dạ cổ hoài lang" (Ðêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng), có ý để kỷ niệm mối tâm tình của vợ ông với ông. Không biết có phải ông trời vì thấu hiểu và cảm thông cho đôi vợ chồng mà ít lâu sau, vợ ông thụ thai... Về sau, bản nhạc ấy được đổi tên là "Vọng cổ hoài lang" cho rộng nghĩa thêm (Trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng).
Biên bản nguyên thủy của "Dạ cổ hoài lang" của ông Sáu Lầu như sau:
Từ là từ phu tướng, Bửu kiếm sắc phong lên đàng.
Vào ra luống trông tin chàng, Ðêm năm canh mơ màng.
Em luống trông tin nhàn, Ôi, gan vàng quặn đau.
Ðường dầu xa ong bướm, Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Còn đêm luống trông tin bạn, Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng, Lòng xin chớ phụ phàng.
Chàng hỡi chàng có hay,
Ðêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Biết bao thuở đó đây xum vầy, Duyên sắt cầm đừng lạt phai.
Thiếp cũng nguyện cho chàng, Nguyện cho chàng hai chữ bình an.
Mau trở lại gia đàng, Cho én nhạn hiệp đôi.
Bài Dạ Cổ Hoài Lang không những khái quát được tâm tư tình cảm của một lớp người ở thời đại đó, mà còn nêu lên tính độc đáo của một loại hình mới về nghệ thuật âm nhạc được phát triển dựa trên những đường nét cổ truyền. Ðiều này đã nói lên bản lĩnh của tác giả do được rèn luyện và tích lũy vốn nghệ thuật dân gian lâu đời một cách vững chắc. Nó hoàn toàn thoát ly những đường nét định hình của nền nhạc truyền thống, không chạm trổ hoa mỹ, không dài dòng văn tự như một số bài bản trong nền cổ nhạc. Về cấu tạo âm hưởng đó là sự phối hợp một cách khéo léo những điệu thức khác nhau làm cho tác phẩm được tăng cường sức hấp dẫn và sự thể hiện phong phú về mặt hình tượng nghệ thuật, khiến cho người nghèo cảm như thấy có cuộc đời của mình ở trong đó. Trong cái buồn man mác có chất chứa nỗi oán hờn tủi nhục. Bài Dạ Cổ Hoài Lang không phải là bài ca tâm sự của một con người cụ thể. Nó đã hòa đồng nỗi lòng của một con người trong nỗi lòng của hàng triệu con người khác đang phải sống một cuộc đời cơ cực. Dạ cổ hoài lang là một bản vọng cổ có hình thức cấu trúc âm nhạc hoàn chỉnh cho một làn điệu bài bản, làm nền tảng cho vốn ca nhạc cải lương. Dạ cổ hoài lang đã sống với sân khấu cải lương gần 80 năm và vẫn được nhiều người hâm mộ.
Vì sao cải lương được nhiều người đón nhận ?
Hát Bội là lối diễn xuất cho một lớp người biết thưởng thức xem, còn Cải lương là lối diễn cho mọi thành phần xem. Từ giới thượng lưu đến những người bình dân đều có thể là khán giả của cải lương. Nghệ thuật cải lương rất dễ hiểu. Lời văn giản dị, gần gũi với đời sống hàng ngày. Nội dung các vở cải lương thường đi sát với quần chúng. Khi xem tuồng xã hội, khán giả có cảm tưởng hoàn cảnh của các vai tuồng có thể xảy đến cho mình và do đó sự cảm xúc càng thêm mạnh và in sâu vào trí não. Ngoài ra, cải lương có đủ các thú tiêu khiển "cầm ca thi họa" để cho khán giả thưởng thức. Trước hết có âm nhạc cổ điển, nhạc Âu và ca ngân nhiều bản tân và cổ. Kế đó có những lời văn và câu thơ soạn theo lối dễ hiểu... Cải lương còn cho xem những tranh cảnh hội họa và gợi khiếu thẩm mỹ về kiến trúc và xây dựng vở kịch, từ hình thức đến nội dung. Sau hết là cách sử dụng ánh sáng trên nhiều màu sắc tươi đẹp của y trang và tranh cảnh.
THƯỞNG THỨC CỔ NHẠC NAM PHẦN VÀ VỌNG CỔ
Bài viết của Nguyễn Lưu Viên
Hồi xưa trong Nam, lúc " Ba ngày Tết ", thì tối lại thường thường dân ở làng hay đi xem một " chầu " Hát Bội, còn dân ở tỉnh thì hay đi xem một " xuất " Cải Lương. Để hiểu và thưởng thức trọn vẹn tuồng Hát Bội thì khán thính giả phải biết cốt chuyện của tuồng hát (thường thường lấy trong truyện Tàu như : tuồng " Kim Thạch Kỳ Duyên ", tuồng " Ngũ Hổ Bình Tây ", tuồng " San Hậu " và phải biết sơ sơ những nguyên tắc căn bản của việc đánh trống chầu. Giáo sư Nguyễn Ngọc An trong bài " Nghệ Thuật cầm chầu " đã trình bày hết sức rõ rệt nghệ thuật ấy. Để hiểu và thưởng thức trọn vẹn xuất cải lương thì khán thính giả cũng phải biết cốt chuyện của tuồng hát (thường thường lấy trong truyện Tàu hay trong tiểu thuyết Việt Nam như tuồng " Phụng Nghi Đình " với cô Bảy Phùng Há, tuồng " Xử Án Bàng Quý Phi " với cô Năm Phỉ, tuồng " Lan và Điệp " với cô Thanh Nga), và phải biết sơ sơ những nguyên tắc căn bản của cổ nhạc Việt Nam. Theo gương của giáo sư Nguyễn Ngọc An, tôi xin cố gắng trình bày sau đây vài nguyên tắc căn bản ấy. Vì thế hệ trẻ Việt Nam sau này đã quen với nhạc Tây Phương, nên tôi xin trình bày những nguyên tắc căn bản ấy dưới hình thức so sánh, bằng những khác biệt, giữa nhạc Tây phương và nhạc Cổ điển miền Nam để cho được dễ hiểu hơn.
I . Khác biệt về các Note đàn
Nhạc Tây phương có bảy (7) nốt đàn (là Do, Ré, Mi, Fa, Sol, La, Si hoặc A, B, C, D, E, F, G) và các dièse (sharp) hoặc bémol (flat) của mỗi nốt ấy. Còn cổ nhạc miền Nam thì cũng có bảy (7) tên nốt đàn (là : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liếu, Ú) nhưng kỳ thực thì chỉ có năm (5) tiếng nốt đàn (là Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, còn Liêu, Ú, là " nấc trên " của Hò và Xự). Nhưng mỗi nốt đàn Việt Nam không có dièse hay bémol của nó mà có vô số tiếng " ngân " éo on của nó, vì nốt đàn Việt Nam đánh lên thường thường là có " ngân " (nhất là khi nốt đàn ở vào cuối nhịp hay cuối câu). " Ngân " không phải là trille vì trille là đánh thật nhiều lần rất mau và đàn và nốt liền ở trên. " Ngân " cũng không hẳn là vibrato vì trong vibrato tuy có sự " rung rung " của ngón tay trái trên nốt đàn nhưng sự căng thẳng (tension) của sợi dây đàn không có thay đổi bao nhiêu ; còn " ngân " thì đánh có một lần vào nốt nào đó trong lúc ngón tay trái vẫn tiếp tục ấn mạnh nhẹ liên hồi vào dây đàn để cho sự căng thẳng của dây thay đổi hầu phát ra những tiếng " éo on " của nốt đàn ấy ; thí dụ như đánh nốt Xang (nhất là ở vào cuối nhịp hay cuối câu) thì không phải để phát ra một tiếng " Xang " rồi thôi, mà phải phát ra một tiếng Xang éo on như " Xàng Xaãang (). (Có lẽ chữ Pháp hay chữ Anh có nghĩa gần nhất với chữ " Ngân " là chữ " Moduler " (Modulate).
Kết quả :
1. Không thể nào dùng nhạc khí Tây phương nào mà không " ngân " được để diễn tả cổ nhạc miền Nam. Thí dụ không thể dùng dương cầm (piano) được, vì không thể " ngân " được, dù cho có giữ ngón tay trên phiếm hay có dùng bàn đạp (pédale) cũng chỉ kéo dài tiếng đàn chớ không phát ra được những tiếng " éo on " của ngân. Còn nếu dùng những nhạc khí có dây của nhạc Tây phương như đàn Madoline hay đàn guitar thì trên cán đàn phải " khoét lỏm " ở chỗ bấm nốt để có thể ấn " mạnh nhẹ, mạnh nhẹ " xuống dây đàn hầu thay đổi sự căng thẳng của nó để mà ngân ". Chỉ có hawailian-guitar là thích hợp để diễn tả cổ nhạc miền Nam nhờ sự có thể nhích tới nhích lui cục sắt nằm trong tay trái để phát ra tiếng " ngân ".
2. Thường thường đàn một bản nhạc Tây phương thì các nốt đàn được đánh lên phải nghe cho thật " clean " nghĩa là không có phụ âm đi kèm ; còn đàn một bản cổ nhạc miền Nam thì các nốt được đánh lên, nghe có phụ âm đi kèm vì " ngân ", (thí dụ : Công-ôố-ống, Xàng-xaã-ang).
II. Khác biệt về quan niệm (conception) một bản đàn
Trong nhạc Tây phương một bản nhạc là một tác phẩm do một nhạc sĩ sáng tác, viết ra để cho mình chơi, người khác chơi, một dàn nhạc chơi và sẽ lưu lại cho hậu thế chơi ; và mỗi khi chơi thì đánh lên không sai một ly những nốt và những ngừng im (pause, silence) đã viết ra trong bản nhạc. Cho nên một nhạc sĩ Tây phương, lúc đàn thì, về mặt kỹ thuật hành sử (exécuter) một nhạc phẩm (có trước mặt hay thuộc lòng) của tác giả ; còn về mặt tình cảm thì " phiên dịch " (interpréter) tình cảm của tác giả ấy, nghĩa là nghĩ rằng, đoán rằng, lúc sáng tác tác giả ấy đang nghĩ đến gì, thì mình cố gắng diễn tả tư tưởng, cảm giác ấy qua bản nhạc của ông ấy mà mình đang đàn. Còn theo cổ nhạc miền Nam, vì không có lối viết nhạc (écriture musicale) nên nhạc sĩ không thể có bản nhạc trước mắt, và vì quan niệm rằng một bản nhạc là một cái khung, một cái mẫu theo điệu nào đó để cho nhạc sĩ theo đó mà sáng tác, liền ngay tại chỗ trong lúc đàn một bản nhạc của mình để diễn tả tư tưởng và cảm giác hiện tại của mình : cho nên có thể nói rằng một nhạc sĩ cổ nhạc miền Nam là một " Instant Composer) ngay lúc đàn, sáng tác một bản nhạc theo điệu nào đó, trong một cái khung hay theo một cái mẫu nào đó (thí dụ : Điệu Bắc, theo mẫu bản Lưu thủy hay bản Tây thi, hoặc Điệu Nam theo mẫu bản Nam xuân hay bản Nam ai, hoặc Điệu Oán theo mẫu bản Tứ đại hay bản Văn thiên Tường).
Kết quả : Theo nhạc Tây phương thì một bản nhạc của Mozart, của Beethoven của Chopin hay của một nhạc sĩ trứ danh nào khác sáng tác, thì một nhạc sĩ ở thế kỷ 18, 19, 20, 21, 22, hay sau nữa, ở Pháp, ở Đức, ở Mỹ, ở Tàu hay ở Nhựt, cũng đã, đang và sẽ, đánh ra bấy nhiêu nốt, ngừng lại bấy nhiêu lâu, không sai một ly, chỉ có khác nhau ở lối diễn tả hay " phiên dịch " (interpréter) cảm giác của tác giả.
Còn theo cổ nhạc miền Nam thì một bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của ông Chín Kỳ đàn, nếu được " thu băng " rồi đem ra phân tách kỹ từng nốt đàn và từng lúc im, thì thấy nó sẽ khác với bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của một nhạc sĩ khác đàn (cùng một thứ đàn). Và ngay cùng một người đàn, nếu thu băng rồi phân tích kỹ lại từng nốt đàn thì bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của ông Chín Kỳ đàn ngày hôm nay, có khác với bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ mà cũng chính ông Chín Kỳ này đàn ngày hôm trước, hoặc tuần lễ trước, hay ngày hôm sau, hoặc tuần lễ sau, bởi vì theo quan niệm của cổ nhạc miền Nam thì người nhạc sĩ khi đàn là một " Instant Composer " sáng tác ngay tại chỗ một bản đàn theo điệu nào đó, trong khung hay theo mẫu nào đó, để diễn tả tâm hồn hiện tại của mình, tuỳ ý, tuỳ hứng, tuỳ lúc mà tư tưởng và cảm giác của mình thì thay đổi hằng ngày nên bản nhạc đánh ra nghe có khác, mặc dù chung chung biết nó theo điệu gì, mẫu nào. Có lẽ nhạc cổ điển Tàu cũng theo cùng một nguyên tắc cho nên mới có cái tích " Bá Nha, Tử Kỳ ", người này đàn, người kia nghe được, thì " đọc trong ruột " của người ấy mà biết đượcđang nghĩ đến cái gì.
III. Khác biệt về các điệu đàn (mode)
Nhạc Tây phương có nhiều " Điệu " (mode) nhưng thông thường nhứt là hai điệu Mode Majeur và Mode Mineur ; mỗi điệu có nhiều (12) gammes, mỗi gamme được quy định bằng những âm luật chặt chẽ, rõ ràng và khoa học ; cũng như việc chuyển từ điệu này sang điệu kia cũng được quy định bằng những âm luật chặt chẽ, rõ ràng, và khoa học mà không phải sửa đổi sự căng thẳng (tension) của dây đàn.
Còn cổ nhạc miền Nam thì có " ba (3) điệu ", mỗi điệu có một tính chất riêng biệt và một số bài căn bản :
1. " Điệu Bắc " thì nghe vui tai, có vẻ liến xáo, đàn nhanh, nhịp lẹ, ngân ít. 2. " Điệu Nam " thì đàn thong thả hơn, ngân vừa, nhịp khi chặt khi thưa, và phải gây ra một cảm tưởng trầm ngâm, bình thản, nghiêm trang ; 3. " Điệu oán " thì đàn thong thả hơn nữa, ngân nhiều, nhịp thưa, và phải gây ra một cảm tưởng buồn rầu, oán hận, thở than.
Thường thường khi chuyển từ " Điệu Bắc " qua " Điệu Nam " hay " Điệu Oán " thì nhạc sĩ phải vặn cái trục của cây đàn (kìm, cò hay sến) hoặc " nới con nhạn " của đàn tranh để sửa sự căng thẳng (tension) của dây đàn (cho tiếng " xuống " lối demi-ton). Hồi xưa khi học đàn cổ nhạc miền Nam thì " Thầy đàn " thông thường bắt đầu dạy " Sáu (6) Bài Bắc " là những bài : Bình bán, Phú lục, Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy, Hành vân. Mục đích là để cho " quen ngón ", đánh nốt nào bấm cho đúng chỗ, đàn mau, không ngân nhiều, nhịp cho đúng nhịp. (còn có một số " Bài điệu Bắc " nữa, rất hay, là những bài : Kim tiền, Khổng Minh tọa lầu, Xàng xê, Tây thi quảng ...)
Học cho thật thuần Sáu Bài Bắc xong thì " Thầy " cho " qua Nam " hay là " qua Oán ". Nếu " qua Nam " thì học " ba (3) Bài Nam " là những bài : Đảo ngũ cung, Nam Xuân và Nam Ai (thường đàn Nam Xuân rồi qua Nam Ai). (Hình như có bài Nam Bình nữa mà ít ai biết và ít nói đến). Nếu " qua Oán " thì họa " Ba (3) Bài Oán " là những bài : Tứ đại oán (khác với Tứ đại cảnh), Văn thiên tường, và Trường tương tư. Còn có một bài Oán cổ điển rất hay nữa là bài " Bình sa lạc nhạn " (nghe tiếng đàn, con chim nhạn đang bay phải rớt té xuống bãi cát). Vọng cổ được sắp theo điệu oán Oán, nhưng không được kể như " classique ". Học đàn cổ nhạc vì không có lối viết nhạc, nên phải nhớ bằng tai nghe (lúc ấy lại chưa có máy thu băng) thuộc lòng, mà " thầy " dạy không có phương pháp lại mỗi lúc đánh cùng một bản nhạc thì có hơi khác nhau (vì lý do nói ở đoạn trên) nên phải nhiều cố gắng công phu lắm. Tôi còn nhớ lúc nhỏ hay chế diễu việc học đàn bằng câu hát : " Liêu Tồn Liêu Xáng U, cú trên đầu ba bữa còn u " (vì ở Việt Nam trẻ con học cái gì cũng bị đòn).
IV. Khác biệt về lối kiến trúc các cơ cấu (structure) của bản nhạc Cũng như một bản nhạc Tây phương, một bản cổ nhạc miền Nam cũng được chia ra làm nhiều đoạn hay nhiều lớp (Tứ đại có lớp Xự, và lớp Xang) mỗi lớp có một số câu, mỗi câu có một số nhịp (mesure).
Và từ đây là bắt đầu có một sự khác biệt căn bản giữa hai âm nhạc :
Trong một bản nhạc Tây phương mỗi nhịp (mesure) được chia ra làm nhiều " Thì " (temps) như 2/4, 4/4 hay C, hoặc 3/8, 6/8, 9/8 ... để rồi, tuỳ theo cái " thì " đó mà mỗi nhịp bắt buộc phải có và chỉ có bao nhiêu nốt loại nào (tròn, trắng, đen, một nóc, hai nóc ...) cùng với bao nhiêu ngừng im (pause, silence). Còn trong cổ nhạc miền Nam thì có nhịp (mesure) chớ không có " thì " (temps), cho nên nhạc sĩ đã là " Instant Composer " thì tuỳ ý, tuỳ hứng, tùy " yên sĩ phi lý thuần " (inspiration) mà đánh bao nhiêu nốt trong một nhịp, nghỉ bao nhiêu lần bao nhiêu lâu cũng được, miễn là, " canh nhịp " cho đúng, để mà ở những chỗ có nhịp chính của bản đàn thì đánh cho đúng cái nốt bắt buộc ở đó, (gọi là " xuống nhịp " cho đúng) ; bởi lẽ mỗi bản nhạc là một cái khung cái mẫu theo một số điệu nào đó thì luôn luôn có một số nhịp chính, ở đó bắt buộc phải đánh nốt nào đó. Thí dụ trong bản nhạc vọng cổ, ở câu 1, thì nhịp đầu là " Hò ", nhịp thứ tư là " Hò ", nhịp thứ 8 là " Xang ", nhịp thứ 12 là " Cống ", thì nhạc sĩ chỉ cần canh nhịp cho đúng để đến nhịp 1 thì đánh Hò, gọi là " xuống Hò ", nhịp 4 thì " xuống Hò ", nhịp 8 thì " xuống Xang ", và nhịp 12 thì " xuống Cống ", còn ở những chỗ khác thì tha hồ, tuỳ ý, tuỳ hứng miễn là canh nhịp sao cho đúng để " xuống nhịp " cho đúng.
V. Khác biệt trong lối " hành sử " (exécuter) bản nhạc Một nhạc sĩ trình diễn nhạc Tây phương thì bắt đầu là vào ngay bản nhạc (có trước mắt hay thuộc lòng) mà mình phải chơi. Còn một nhạc sĩ trình diễn cổ nhạc miền Nam thì bắt đầu bằng một hồi " Rao ". Rao nghĩa là đàn theo một điệu nào đó (điệu Bắc, điệu Nam, hay điệu Oán) mà không phải theo khung mẫu của bản nào hết, nên hoàn toàn tuỳ ý, tuỳ hứng. Tức nhiên là lối " Rao Bắc " (đàn nhanh, vui nhộn, liến xắc) có lối " Rao Nam " (đàn ung dung, trầm ngâm, bình thản) và lối " Rao Oán " (đàn chậm, ngân nhiều, cho ra những tiếng buồn rầu, oán hận). " Rao lên " thì người nghe nhạc biết rằng nhạc sĩ sẽ đàn điệu gì (Bắc, Nam hay Oán).
Một tác dụng khác của " Rao ", khi có nhiều người đàn, là để " so dây ". Đàn tây phương lấy nốt La (A) làm căn bản, có định nghĩa khoa học rõ ràng là tiếng phát ra của một sợi dây căng thẳng được rung với một tần số (fréquence) 438 rung động trong một giây đồng hồ (438 vibrations par seconde) (hồi trước là 435) ; có dụng cụ (diapason) để so dây và lên giây các thứ đàn cho đúng. Còn đàn cổ nhạc miền Nam thì lấy nốt Hò làm căn bản, nhưng không có định nghĩa khoa học rõ rệt nốt Hò là gì, có bao nhiêu rung động trong một giây đồng hồ, và không có dụng cụ để đo, và so dây các thứ đàn, mà chỉ lấy tai nghe. Mà tai người này với người kia khác nhau nên lúc rao là thời gian để các nhạc sĩ sửa dây đàn của mình cho " ăn " với nhau, hoặc " ăn " với giọng của ca sĩ, nếu có ca. Tác dụng thứ ba của Rao là để biểu diễn. Vì đàn một điệu mà không bị ràng buộc bởi cái khung mẫu của bản nào hết, thì nhạc sĩ có thể tha hồ cho " ra những ngón đàn " đặc biệt của mình để tỏ ra là mình có khả năng đàn mau (" sầm sập như trời đổ mưa "), (" đàn khoan thai như gió thoảng ngoài "), đàn riếu ron (" như tiếng hạc bay qua ") hoặc đàn lâm ly (" như nước suối mới sa nửa vời "). Người sành nhạc, chỉ nghe rao thôi, cũng có thể đánh giá và sắp hạng nhạc sĩ (ưu hay bình, thứ) được. Cho nên nhạc sĩ lúc rao thích " trỗ tài " và " biểu diễn ". Rao xong thì vào bài, tức là bắt đầu bản nhạc. Thường thường để đánh dấu bắt đầu vào bản nhạc, nhất là khi có nhiều người cùng hoà tấu, thì người nhạc sĩ " cầm canh " hay là " giữ nhịp ", gõ vào nhịp cụ nghe một tiếng " cóc ", tức là bắt đầu, thì mọi người đàn. Trong suốt thời gian đàn, thỉnh thoảng nghe nhịp " cóc " " cóc " " cóc ", mau hay khoan tuỳ theo điệu (điệu Bắc thì mau, điệu Nam thì khoan thai hơn, điệu Oán thì chậm hơn nữa). Không phải nhịp nào cũng gõ, mà thường thường là nhịp để chấm câu (như nhịp thứ 16 là để chấm câu trong bản vọng cổ) hoặc để đánh dấu một vài nhịp chính trong câu (như nhịp thứ 12 trong câu vọng cổ). Có khi, nhất là trong các bản đàn điệu Nam hay điệu Oán xưa ; thì có lối " nhịp song loan " như để xuống dòng trong một bản văn viết ; thì người ta nghe như sau : tiếng đang đàn, nghe nhịp một cái " cóc " thì im, đếm thầm một, hai, ba, nghe nhịp một cái " cóc " nữa, thì đàn lại, hoặc như sau : tiếng đang đàn, thì im và nghe gõ nhịp " cóc " - " cóc ", " cóc " - " cóc " thì đàn lại.
IV. Vọng cổ
Đàn và ca vọng cổ là điệu phổ thông nhất và được thưởng thức nhất ở miền Nam sau này cho đến nổi mà đối với một số người Bắc mới vào Nam và có một số người Nam trong thế hệ trẻ, cổ nhạc miền Nam là vọng cổ và chỉ có vọng cổ. Kỳ thực thì cổ nhạc miền Nam có nhiều bài cùng điệu vọng cổ (điệu oán) mà hay hơn vọng cổ rất nhiều như các bài Tứ đại, Văn thiên Tường, hay là Trường tương tư, nhưng các bài ấy vì khó đàn khó ca nên sau này bị lãng quên mà chỉ còn có vọng cổ được tồn tại phổ thông vì dễ đàn và dễ ca.
1. Lịch sử :
Một số người Nam cho rằng vọng cổ phát xuất từ người Chàm ở miền Nam Trung phần (nhớ tiếc thuở xa xưa). Nhưng thuyết ấy không có chứng minh. Dù sao, đến cuối thập niên 1920, hồi thời " máy hát quay tay hiệu con chó có cái loa " (La voix de son maitre), thời dĩa hát hiệu " con gà " của hãng " Pathé ", hồi đời " Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho ", đời mà khi diễn xong một tuồng hát, thì toàn ban ra trước sân khấu hát bài " Ma-Đờ-Long " (Madelon) để từ giã, thì trong Nam đã có bản nhạc " vọng cổ hoài lang ", 20 câu, mỗi câu có 4 nhịp ; đến đầu thập niên 30, lối năm 1935, 36, thì có nhóm nhạc sĩ ở Bạc Liêu đàn bản vọng cổ này mà kéo dài ra mỗi câu có lẽ 16 nhịp, nên lúc ấy trong Nam gọi là " vọng cổ Bạc Liêu " (hay là vọng cổ nhịp 16 "). Kể từ đó và suốt hết thập niên 40 là " thời kỳ vàng son " của vọng cổ với trọn 20 câu, mỗi câu có 16 nhịp, với các nghệ sĩ lừng danh trong cả Nam kỳ như các nhạc sĩ Sáu Tửng (đàn kìm), Chín Kỳ (đàn tranh), Hai Phát (đàn cò), các nam ca sĩ Năm Châu và Bảy Nhiêu, các nữ ca sĩ Cô Hai Đá, cô Ba Bến Tre, cô Tư Sạng, và nhất là cô Năm Phỉ (trong tuồng cải lương " Xử Án Bàng Quý Phi "). Các nhạc sĩ và ca sĩ trên còn đàn và ca được những bài Oán khác như Tứ Đại, Văn Thiên Tường, và trường Tương Tư). Đến những thập niên 1950, 1960, tân nhạc Việt Nam theo lối nhạc Tây phương tràn ngập vào miền Nam và cổ nhạc miền Nam, nhất là những bản nhạc khó đàn và khó ca, bị lu mờ dần rồi bị lãng quên hẳn, chỉ còn có vọng cổ, rút ngắn lại còn có sáu (6) câu đầu, với nam ca sĩ " ăn khách " nhất là ông Út Trà Ôn, và nữ ca sĩ " ăn khách " nhất là cô Thanh Nga.
2. Nghe đàn và ca sáu (6) câu vọng cổ.
Khởi đầu cuộc trình diễn thì các nhạc sĩ " Rao " (rao điệu Oán : xem ở đoạn trước). Rao một lúc thì ca sĩ bắt đầu " nói lối " trong lúc nhạc sĩ vẫn rao ; khi nói lối gần xong thì nhạc sĩ ngừng rao, chờ cho ca sĩ xuống giọng để vô nhịp Hò đầu (của câu 1) thì nhạc sĩ " bắt " nốt Hò đó để vào bản nhạc và tiếp tục đàn luôn. (Thường thường nếu ca sĩ xuống giọng để " vào nhịp Hò " ấy mà nghe êm tai, mùi mẫn lại ăn khớp với tiếng đàn " bắt " nốt Hò đó thì khán giả vỗ tay rầm rầm). Ca đến hết câu 1 thì " xuống nhịp Cống ", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 1 cũng là một chữ có dấu sắc, hoặc có khi dấu hỏi hay dấu ngã, mới " ăn " với nốt " Côôống) Cuối câu 2 thì " xuống nhịp Xang ", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 2 cũng là một chữ không dấu mới " ăn " với nốt Xàãang. (miễn cưỡng lắm mới dùng chữ có dấu huyền thì phải đọc lờ đờ như là không dấu). Cuối câu 3 và cuối câu 4 đều " xuống nhịp Hò " thì bài ca thường thường cuối câu 3 và cuối câu 4 là một chữ có dấu huyền mới " ăn " với nốt Hò (miễn cưỡng lắm mới dùng một chữ không dấu). Cuối câu 5 thì " xuống nhịp Xề " nên trong bài ca chữ cuối của câu 5 nhất định phải là một chữ có dấu huyền, mà đọc phải gằng giọng và kéo dài để cho " ăn " với nốt " Xềêê ". Cuối câu 6 thì xuống nhịp Hò (như 3 và 4) mà phải đọc nhẹ để chấm dứt bài ca cho êm tai. Hồi xưa nếu còn tiếp tục ca nữa thì đặc biệt đến câu 9, xuống nhịp " Xự ", thì trong bài ca chữ cuối cùng của câu 9 phải là một chữ có dấu nặng mới " ăn " với nốt " Xưựư ". Trong suốt thời gian đàn và ca thì có một nhạc sĩ vừa đàn vừa " cầm canh " nghĩa là giữ nhịp cụ để " chấm nhịp " thì phải gõ nhịp nghe một tiếng " cóc " ở nhịp thứ 12 và nhịp thứ 16 của mỗi câu (trừ câu 1 thường thường chỉ có 12 nhịp, vì cho rằng " Rao " đã mất hết 4 nhịp, nên phải gõ nhịp ở nhịp 8 và 12). Đến câu 6, ở nhịp thứ 12 thì phải gõ vào nhịp cụ hai lần (nghe cóc cóc) để báo hiệu rằng còn 4 nhịp nữa hết câu thì sẽ stop, ngưng đàn và ca. Thì nhạc sĩ bắt đầu đàn lơi lơi và chậm lại dần (theo nhạc Tây phương là Rall hay Rallentando) và ca cũng hơi chậm chậm lại cho đến cuối câu nghe nhịp một cái " cóc " nữa là ngưng đàn và ca. Hồi xưa khi còn đàn và ca vọng cổ đủ cả 20 câu, thì đến đây không nghe nhịp hai cái cóc cóc thì nhạc sĩ và ca sĩ không đàn và ca chậm lại và hết câu 6 thì đi luôn qua câu 7. Sau này còn có cái lối không đàn và ca luôn hết sáu câu, mà đến hết câu 3 thì :
- Hoặc ngừng rồi rao, nói lối, rồi xuống giọng để trở vô nhịp Hò đầu của câu 4, rồi đàn và ca luôn đến hết câu 6 ;
- Hoặc ngừng rồi rao, ca đệm vài câu của bản " Xuân Tình " hay bản " Chuồn Chuồn " rồi nói lối và xuống giọng để vô nhịp Hò đầu của câu 4 rồi đàn và ca luôn đến hết câu 6. Trên đây tôi đã cố gắng trình bày vài nguyên tắc căn bản của cổ nhạc miền Nam, khác biệt với nhạc Tây phương để hiểu thêm phần nào và thưởng thức hơn nhạc cổ điển của chúng ta. Và tôi nghĩ rằng thế hệ già này của Việt kiều di cư, tuy không còn được thưởng thức tiếng đàn và lời ca của những bài cổ nhạc miền Nam độc đáo nữa như các bản Tây thi, Xàng xê, Nam xuân, Nam ai, hoặc Tứ đại, Văn thiên Tường, hay Trường Tương Tư, nhưng vẫn còn thấy xúc động khi được nghe đàn và ca sáu câu vọng cổ ; chứ đến thế hệ tương lai sau này của Việt kiều di cư, thì chắc chắn không biết tới tên của những bản cổ nhạc ấy nữa, và không biết sẽ còn xúc động khi nghe đàn và ca sáu câu vọng cổ hay không, hay là sẽ dửng dừng dưng như nghe nhạc A-rab hay nhạc Ấn độ, một sự dửng dừng dưng tò mò của người ngoại quốc ?
CẢI LƯƠNG LÀ GÌ
Cải lương đối với đông đảo người mình, nhứt là người miên Nam, như là cái gì thuộc về “hơi thở và cuộc sống”. Có thể nói: không có một người miền Nam nào không biết ca vọng cổ, hoặc nhái/nhại theo giọng của một cô đào, anh kép mùi nào đó mà mình ham mộ, như là cách để tự khẳng định mình là “dân Nam kỳ” thứ thiệt!
Cải lương là gì?
Ðất Nam kỳ sớm rơi vào tay Pháp thì người Sài Gòn Gia Ðịnh cũng sớm biết tiếp nhận văn minh Tây Âu, kết hợp hài hòa với văn hóa Việt Nam biến thành cái riêng cho mình. Trong đó, đặc biệt nghệ thuật “Cải lương” dễ cho chúng ta nhìn thấy. “Cải lương” nhìn ở góc độ nghệ thuật, không phải Chèo ở miền Bắc, cũng không như hát Bội của Ðào Tấn ở miền Trung, của Lê Văn Duyệt ở Gia Ðinh và cũng không phải là kịch của Tây. Cải lương là một kết hợp tuyệt vời ba nền nghệ thuật sân khấu Việt-Tàu-Tây, mang dấu ấn của người Nam kỳ lục tỉnh.
Rồi không biết ai đó đặt cho loại hình sân khấu “mới” nầy cái tên là “Cải Lương”. Hai tiếng “cải lương” có nghĩa là “sửa đổi cho tốt hơn”. Cải lương “điệu hát” Chèo, hát Bội cho mới hơn; cải lương cái “sân khấu” chèo-hát bội cho tân tiến hơn, có phông màn; kết hợp với cách phân vai phân cảnh theo lối Tây, sao cho hạp với cách thưởng ngoạn người Việt... Cải lương là vậy đó.
Cải lương ra đời như vậy rõ ràng là bộ môn nghệ thuật cao cấp và “trí thức”. Những bài ca cải lương có chất - giọng - hơi luyến láy, mượt mà, và đặc biệt mỗi khi xuống xề bài vọng cổ ngọt ngào quá... khiến cải lương có sức thâu hút người nghe mãnh liệt, ai nghe/coi cũng mê mệt.
Người ta dùng hai tiếng “mùi mẫn” để nói lên/mô tả tiếng đờn “hòa quyện” tiếng ca, nghe xốn xang trong lòng, làm chạnh nhớ đến kỷ niệm mênh mang nào đó trong đời! Cho nên ai nghe/coi cũng ưa cũng thích. Cải lương tuy là nghệ thuật “trí thức” nhưng nội dung, lời ca mang tánh đại chúng và rất ư là đời thường, “rất người”, nên coi cải lương người ta thấy như/có mình trong đó. Khán giả cải lương khóc sụt sùi là vậy. Cải lương đi vào quảng đại quần chúng đến đổi nhiều người hiểu sai hai chữ “cải lương” là bình dân, là nghệ thuật dành cho lớp người lao động!
“Rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam là của thầy Năm Tú, còn có tên gọi là Pièrre Tú, người xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang. Vốn sanh ra ở vùng đất có truyền thống âm nhạc, nên thầy Năm Tú rất say mê nghệ thuật. Khoảng năm 1917, ông xuất tiền mua lại gánh “Xiết và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thuận (do ông nầy bị thua lỗ) và thành lập gánh hát thầy Năm Tú.
Ông đã tuyển thêm đào kép mới, thuê họa sĩ vẽ tranh phong cảnh để làm phông (Fond), phỏng theo lối trang trí của các rạp hát Tây ở Sài Gòn và mua sắm y phục đẹp cho đào kép. Ðồng thời, ông còn mời Trương Duy Toản - một nhà nho yêu nước, từng hoạt động trong phong trào Duy Tân - để soạn tuồng.
Thầy Năm Tú xây dựng một rạp hát vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho (Chợ Cũ) để hát cho bà con coi chơi. Ðây là rạp hát cải lương đầu tiên ở nước mình. Rạp thầy Năm Tú hiện nay vẫn còn, mang tên là rạp Tiền Giang, tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Trước kia các gánh hát thường hát ở đình, miếu hoặc che dựng tạm thời, hát xong dẹp bỏ. Nay rạp của thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao, có hệ thống ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà, có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển của thầy tuồng (đạo diễn). Rạp có hai từng, ghế chia theo thứ hạng, đặc biệt trên lầu cạnh hai bên sân khấu được chia thành từng “lô” dành cho khách quan trọng (VIP).
Mỗi tối trước khi khai diễn, ông bài ra tiết mục “tableau vivant”, giới thiệu đào kép, giúp khán giả nhìn mặt toàn thể diễn viên của gánh sẽ diễn trong đêm. Có rạp hát cố định, khang trang và hiện đại; lại có tiền và điệu nghệ, trình độ quản lý chặt chẽ nên thâu hút được nhiều đào kép giỏi như Tám Củi, Sáu Nhiêu, Tám Danh, Phùng Há, Năm Châu... Tuồng tích soạn đặc sắc nên gánh hát của ông là một trong những gánh cải lương nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.” (Trích: Nhân Vật Miền Nam, Một Thời Vang Bóng của Nam Sơn Trần Văn Chi)
Nhiều người nghĩ sai rằng cải lương chỉ có bài ca vọng cổ. Bài vọng cổ gốc tên là bài “Dạ Cổ Hoài Lang”- Ðêm nghe tiếng trống nhớ tình lang - của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu, là bài ca nòng cốt trong 20 bài tổ của đờn ca tài tử và ca nhạc cải lương.
Bài ca vọng: luyến láy, lên xuống như gió thoảng mây trôi, mượt mà khiến mà người ta quên đi những bài bản vắn khác. Thật ra Cổ nhạc cải lương, như Ca nhạc tài tử mang đủ bốn điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán; và bốn hơi: Xuân, Ai, Ðào, Ngự; chia ra 3 Nam, 6 Bắc; 4 Oán, 7 Bài Ngự...
Vẫn với bản nhạc đó, người ta chỉ thay lời ca làm sao cho phù hợp với tình huống: quan, hôn, tang, tế, biệt ly, thất tình, hay hân hoan... có trong tuồng tích cải lương.
Cải lương xuất thân từ đờn ca tài tử của những con người lưu lạc tứ xứ. Gọi là “tài tử” bởi vì chơi đờn ca tài tử không hạn định thời gian: có thể chơi lúc trưa hè, đêm mưa thanh vắng, giữa giờ giảo lao... không hạn định không gian: có thể chơi nơi lễ nghi, giữa chòi ngoài ruộng, bên góc phố... Gọi là tài tử vì là chơi “giúp vui” - không nhận tiền công. Chơi tài tử bởi vì tánh “điệu nghệ”, bình đẳng, hòa giữa người chơi/với người chơi, người chơi/với người nghe. Người đờn lắm khi phải “rước” người ca và nếu lỡ ca rớt nhịp, ca đâm hơi/ không ăn tiếng đờn... chẳng có ai cười chê bao giờ. Cải lương hải ngoại khởi sắc
Cải lương từ khi ra đời đến những năm trước 1975, có lúc thịnh, có lúc suy. Thế nhưng nó đã sản sanh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ mà tài năng của họ đã được khẳng định, mỗi người một vẻ, và họ được khán giả ái mộ. Lớp trước có thể kể như Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Út Trà Ôn, Tám Thưa, Thành Công, Ba Khuê, Sáu Thoàn, Thanh Cao, Văn Ngà, Hữu Phước, Thành Ðược, Út Nhị, Út Hậu, Út Hiền, hề Kim Quang, hề Châu Hí, Tám Vân, Sáu Nhỏ v.v... Các cô đào như cô Ba Kim Anh, Kim Chưởng, Thanh Loan, Thu Ba, Kim Giác, Ngọc Nuôi, Thúy Nga, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bích Sơn,v.v. Nay có người mất, có người không còn hát nữa!
Sau năm 1975 cùng chung với nghiệt ngã của của dân tộc, nhiều người Việt bấm bụng bỏ nước ra đi, trong đó có nghệ sĩ cải lương. Phần đông nghệ sĩ cải lương nay tựu về quận Cam, California Huê Kỳ.
Khởi đầu “cải lương” ở Little Sài Gòn là hình thức điện thoại vào đài phát thanh để góp tiếng hát với Ban chủ trương như: nghệ sĩ Việt Hùng-Ngọc Nuôi, Dũng Thanh Lâm, Chí Tâm, Phượng Liên... cùng tiến đờn guitare bấy giờ của nghệ sĩ Tám Trí. Những bài ca vọng cổ, bài bản vắn, được nhiều người ưa thích. Rồi bằng những trích đoạn cải lương, Hồ Quảng, tấu hài trong các tổ chức hội hè... làm cho cải lương sống dậy. Bởi nội dung đầy “đạo lý sống” của cải lương trở thành nhu cầu, là nỗi niềm khát khao và ước vọng của người Việt sống xa quê hương.
Mấy năm nay, các nghệ sĩ cải lương (cùng nhiều nghệ sĩ tân nhạc) từ trong nước ồ ạt qua quận Cam với những show hát ở các sòng bạc, các nhà hàng ăn uống, thì cải lương khởi sắc lại ở hải ngoại.
Cải lương diễn trong nhà hàng/restaurant giờ đây như đã định hình. Ðây là loại hình sân khấu mới, sân khấu hạng B, nhưng nhờ tổ chức được nhiều show một năm, gần gũi với khán giả và vừa túi tiền... nên thâu hút nhiều người mê cải lương. Bởi sân khấu lớn loại A như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn... hoành tráng nhưng mỗi năm tổ chức trung bình 2 show, không có hoặc rất ít tiết mục cải lương quá. (khán giả sân khấu loại A chọn lọc, hạng có tiền, nhà giàu mới, như sân khấu cải lương Hà Nội đầu thế kỷ XX)
Ai có dự chương trình “Nhạc Hội Mừng Xuân” tổ chức hôm 9 Tháng Ba vừa qua, tại sân khấu nhỏ của nhà hàng Regent West Restaurant mới thấy người Việt mình ở hải ngoại còn mê cải lương lắm!
Nội dung chương trình “Nhạc Hội Mừng Xuân” đêm đó có thi ca vũ nhạc kịch, tân nhạc... giống như sân khấu Sài Gòn trước 1975; đặc biệt đêm diễn có phân nửa tiết mục là cổ nhạc cải lương. Ðây là dụng ý của nghệ sĩ MC Ðỗ Thanh, người thường xuyên tổ chức thành công loại hình cải lương trên sân khấu Restaurant ở quận Cam gần đây. Người MC nầy mấy năm gần đây về nghệ thuật “gắn bó” với Trung Tâm Thúy Nga nên được khán giả tin cậy (?)
Các nghệ sĩ cải lương hải ngoại có mặt trong đêm diễn như Tài Linh, Bình Trang, Yến Linh qua các bài ca vọng cổ; Thanh Kim Mỹ-Duy Tâm trong “Ngô Phù Sai”, loại tuồng hồ quảng đầy màu sắc; Hoài Trúc Linh, Bình Trang, Kim Xuân Lan trong trích đoạn “Lâm Sanh Xuân Nương” loại tuồng cổ Việt Nam... tất cả đều làm vừa lòng khán giả mộ điệu. Cái đinh của đêm diễn là “hề Văn Hường”. Người nghệ sĩ hải cải lương nầy được khán giả “mê” lắm, không phải vì cái nghề chọc cười mà là vì kiểu ca vọng cổ của anh. Văn Hường ca vọng cổ vui tươi (thay vì mùi-buồn) và độc đáo nhờ anh có kiểu xuống xề “Hự hư hừ...” mà nay trở thành “thương hiệu Văn Hường”. Ðêm đó Văn Hường phải tựa tay vào cánh gà để hát hết bài “Tư Ếch đại náo Văn Hường”, nhưng giọng ca của anh vẫn đạt. Dứt câu, khán giả chạy ùa lên sân khấu “bủa xua” và tặng tiền cho anh...
Kết thúc đêm diễn bằng trích đoạn Hồ Quảng “Ðổng Trác-Ðiêu Thuyền” do các ngôi sao cải lương Ngọc Giàu, Phượng Liên, Bảo Quốc, cùng nghệ sĩ kịch Mai thế Hiệp. Khản giả không muốn ra về. Họ ngưỡng mộ nghệ sĩ, các ngôi sao nầy, hay vì ma lực của cải lương? Có thể vì cả hai.
Cải lương đúng như có ma lực, hấp dẫn và làm “say đắm” gần 500 con người trong đêm diễn. Cải lương quả khó lòng “phôi pha” trong tâm hồn, tình cảm của con người xa xứ. Quả đúng như lời của soạn giả cải lương Lê Hoài Nở, trong hồi ký của nghệ sĩ Bảy Nam “Trôi theo dòng đời”: “Sân khấu cải lương như cái đạo, có cái gì đó rất thiêng liêng, cao đẹp, nói lên tiếng nói của tâm hồn, ước vọng đạo đức của con người. Nó không phải là một nghề như buôn bán, và nếu nhờ đi hát mà có cơm ăn áo mặc thì cũng chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi”.
Hai tiếng "cải lương" có nghĩa là "sửa đổi cho tốt hơn". Từ xưa ở Việt Nam không có lối diễn tuồng nào khác hơn là hát Chèo hay hát Tuồng (ở Bắc Phần) và hát bội (ở Trung và Nam Phần). Ðến 1917, khi cải lương ra đời, người mình nhận thấy điệu hát này có thể tân tiến hơn điệu hát bội, nên cho đó là một việc cải thiện điệu hát xưa cho tốt hơn. Vì lẽ ấy người mình dùng hai tiếng "cải lương" để đặt tên cho điệu hát mới mẻ này. Trước kia ở rải rác trong các tỉnh Nam Phần (Nam bộ) có những ban tài tử đờn ca trong các cuộc lễ tư gia, tân hôn, thăng quan, giỗ,... Nhưng không bao giờ có đờn ca trên sân khấu hay trước công chúng. Qua năm 1910, ở Mỹ Tho có ban tài tử của Nguyễn Tống Triều, tục gọi Tư Triều gồm bản thân Tư Triều (chơi đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô (đờn cò),Cô Hai Nhiễu (đờn tranh) và Cô Ba Ðắc (ca). Ban tài tử này đờn ca rất hay vì phần đông đã được chọn đi trình bày cổ nhạc Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp mới về. Năm 1911, Nguyễn Tống Triều muốn đưa ca nhạc ra trước công chúng, nên thương lượng với chủ nhà hàng "Minh Tân khách sạn" ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn để ban tài tử đờn ca giúp vui cho thực khách. Người đến nghe ngày càng đông. Nhận thấy sáng kiến này có kết quả khả quan, Thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, phía sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình đông khán giả bèn mới ban tài tử đến trình diễn mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu và đã được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Sân khấu thời bấy giờ cũng được dàn dựng rất đơn giản. Cái màn bạc dùng làm bối cảnh (fond), kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván có để một cái bàn chưn cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem thật nghiêm trang. Sáng kiến đưa đờn ca tài tử lên sân khấu của Tư Triều từ năm 1912 tại Mỹ Tho đã lan tràn đến Sài Gòn và nhiều tỉnh ở Nam Phần. Năm 1913 – 1914, chủ nhà hàng ở sau chợ Mới, Sài Gòn, là "Cửu long giang" nghe danh tiếng ban tài tử nên đã xuống tận nơi để mời về. Ông Năm Tú là người có công nhất trong việc gây dựng lối hát Cải lương buổi ban đầu. Ông mướn thợ vẽ tranh cảnh phỏng theo lối trang trí rạp hát Tây Sài Gòn. Ông mua sắm y phục cho đào kép khá chu đáo và nhờ nhà văn Trương Duy Toản soạn tuồng. Ông cất một cái rạp hát rộng lớn và đẹp đẽ gần chợ Mỹ Tho để cho ban ca kịch của ông trình diễn. Ðiệu hát cải lương chính thức hình thành từ đó và ngày càng phát triển mạnh, nhiều Ban được thành lập. Có thể nói, sân khấu cải lương là sản phẩm tất yếu của hoàn cảnh xã hội Việt Nam, chính xác hơn là xã hội Nam bộ lúc bấy giờ. Chính vì vậy nó trưởng thành rất mau. Vài ba năm đầu thập kỷ 20, nó còn đang chập chững những bước đầu tiên. Năm 1931 nó đã chính thức được giới thiệu ở ngoài nước với danh nghĩa một loại hình nghệ thuật hiện đại ngang hàng tuồng chèo đã có nhiều thế kỷ lịch sử. Nó ra đời thu hút được đông đảo khán giả và hát bội chịu phần thua kém. Từ Nam Kỳ nó Bắc tiến và tuồng, chèo dần dần nhường bước. Trong hơn nửa thế kỷ, sân khấu cải lương vượt xa các loại hình sân khấu khác về thế mạnh, có thời kỳ nó giữ địa vị độc tôn, thu hút khán giả nhiều hơn các loại sân khấu khác, chỉ kém có điện ảnh. Tìm về nơi đầu nguồn của sân khấu cải lương, người ta gặp những sự kiện xã hội, lịch sử sau đây: Nam Bộ, xứ Nam kỳ cũ, vốn có một phong trào ca nhạc tài tử. Nó là sự phát triển của phong trào đàn cây. Trong các cuộc tế lễ, ma chay, người ta mời ban nhạc tới diễn tấu, không dùng các loại trống, kèn và các loại nhạc cụ gõ khác và chơi một số bản của nhạc lễ có viết thêm lời ca và một số bản của nhã nhạc từ miền Trung đi vào. Phong trào này dần dần phát triển sâu rộng khắp toàn dân. Nhạc cụ được bổ sung, cải tiến. Người ta thêm vào các bài ca nhạc dân gian hoặc sáng tác thêm những bài hát mới. Các địa phương có những ban ca nhạc tài tử nổi tiếng với các danh cầm như: Ba Ðại, Hai Trì, Nhạc khị, Năm Triều, Bảy Triều... và các danh ca như Ba Ðắc, Bảy Lung, Ba Niêm, Hai Nhiều, Hai Cúc... tiếng tăm đồn đại khắp nơi. Phong trào ca nhạc tài tử lôi cuốn mọi giới đồng bào nhất là công chức, thợ thủ công, nông dân, công nhân. Khởi đầu, nhạc và lời ca được biểu hiện qua hình thức Ca-ra-bộ (một trình thức diễn xuất thô sơ) với một số nghệ nhân không chuyên, được phục vụ trong những buổi tiệc tùng, giải trí, trà dư tửu hậu ở thôn xóm và bài ca được hâm mộ nhất thời bấy giờ là "Bùi Kiệm thi rớt trở về". Ca-ra-bộ được đông đảo quần chúng hâm mộ, dần dần phát triển và con đường phát triển tất yếu của nó là đi vào nghệ thuật sân khấu, biến hát bội thành "hát bội pha cải lương" rồi tiến lên chuyển mình thành một loại hình riêng để diễn các loại tuồng tàu, tuồng kiếm hiệp vào đầu và cuối thập kỷ 40. Ngày càng được quần chúng hâm mộ thưởng thức, nó tiến xa hơn trên đường nghệ thuật, với nhiều nghệ sĩ có tên tuổi tham gia và đến đầu thập kỷ 40, nó đã mang đầy đủ tính chất khá hoàn chỉnh. Và đặc biệt với Nghệ sĩ Nhân Dân Năm Châu, nó trưởng thành thành một loại sân khấu có tính nghệ thuật khá cao. Năm Châu vốn có học Tây, hâm mộ sân khấu Tây phương, nhất là kịch cổ điển Pháp, đã tâm huyết đưa số hiểu biết phong phú, đa dạng của mình vào cải lương, tạo thành một sân khấu riêng biệt - trường phái Năm Châu" với lực lượng nghệ sĩ lừng danh lúc bấy giờ là Phùng Há, Ba Vân, Tư út, Tư Anh và quí giá nhất là soạn giả Trần Hữu Trang, tác giả nhiều kịch bản nổi tiếng, trong đó có Ðời cô Lựu và Tô ánh Nguyệt cho đến nay, vẫn còn ghi sâu trong ký ức bao người. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp cho du nhập vào nước ta những phim ảnh, sách báo và những đĩa hát, về sau có nhiều đoàn kịch hát Trung Quốc sang biểu diễn tại Sài Gòn.Do đó, nghệ thuật cải lương có cơ hội thu hút thêm tinh hoa sân khấu của nước ngoài như cách diễn xuất, sử dụng một số bài bản nước ngoài phù hợp với cách diễn tấu của dàn nhạc cải lương, học tập cách sử dụng bộ gõ bổ sung thêm kèn mới vào dàn nhạc cải lương. Trong giai đoạn này, âm nhạc cải lương chịu ảnh hưởng của phương pháp diễn tấu mang tính sân khấu xuất phát từ nội dung chủ đề của kịch bản. Trong giai đoạn đầu của cải lương, đề tài khai thác của kịch chủ yếu dựa vào thơ ca được lưu truyền rộng rãi trong dân gian Việt Nam như: Kim Vân kiều, Lục Vân Tiên, Trưng Trắc Trưng Nhị v v... hoặc phóng tác theo các vở tuồng hát bội như: Phụng Nghi Ðình, Xử án Bàng Quí Phi, Mộc Quế Anh v v... Âm nhạc được dùng trong các vở này bao gồm gần hết là các bài bản cải lương, trong dàn nhạc cải lương có các nhạc cụ của dàn nhạc tài tử, có nhạc cụ gõ và kèn hát bội. Từ năm 1930 trở đi khuynh hướng cải lương xã hội thực thụ ra đời dưới sự chỉ đạo của nhóm Năm Châu, Tư Trang, Năm Nở, Bảy Nhiêu, Tư Chơi v v... lúc đầu phỏng theo truyện phim và kịch của Pháp như: Bằng hữu binh nhung, Sắc giết người, Giá trị và danh dự v v... Về sau nhóm này dựa vào đề tài Việt Nam như: Tội của ai, Khúc oan vô lượng, Tứ đổ tường v v... Các bài hát tây bắt đầu xuất hiện trên sân khấu cải lương như: Pouet Pouet (trong Tiếng nói trái tim), Marinella (trong Phũ phàng), Tango mysterieux (trong Ðóa hoa rừng). Lúc bấy giờ trong một đoàn cải lương xã hội có hai dàn nhạc: dàn nhạc cải lương thì ngồi ở trong, còn dàn nhạc jazz thì ngồi ở trước sân khấu. Trong những thời gian sau cải lương bị ảnh hưởng của một số khuynh hướng Quảng đông và kiếm hiệp nhưng những khuynh hướng này ít được người ủng hộ, nhất là ở các vùng nông thôn. Các vở có tính chất tâm lý xã hội đều dựa vào sự tích Việt Nam như Tô ánh Nguyệt, Ðời cô Lựu... nhưng về âm nhạc thì lại chịu ảnh hưởng ở âm nhạc Tây Âu. Cải lương càng ngày càng hiện đại hóa và đó là công đầu của Năm Châu vì không có con người này, khó có một sự chuyển mình đầy tính cổ điển và nghệ thuật của cải lương. Do đó, có thể nói Năm Châu phải được đánh giá là vị "Tổ cải lương hiện đại", một vị tổ có thật... Từ sau Hiệp định Geneve (1954), cải lương càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, trở thành một loại hình nghệ thuật, một bộ môn sân khấu có khả năng thu hút hàng đêm cả vạn triệu khán thính giả say mê đến với nó tại các nhà hát hay bên chiếc radio. Do sáng kiến của ông Trần Tấn Quốc, một ký giả kỳ cựu, giải Thanh Tâm được thành lập năm 1958 và liên tiếp mỗi năm kế sau đều có phát Huy chương vàng và Bằng danh dự cho những nam nữ nghệ sỹ trẻ tuổi có triển vọng nhất trong năm. Giải Thanh Tâm hiện thời được gọi là giải Trần Hữu Trang là giải thưởng có tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật đặc biệt là nghệ thuật cải lương. Nghiên cứu toàn bộ lịch sử cải lương qua những nét đại thể, ta thấy rõ ràng loại hình nghệ thuật này mang một đặc điểm rất nổi bật. Ðó là nền nghệ thuật mang tính giải phóng của người nông dân bị áp bức và mất nước, phải vùng lên để chiến đấu cho sự sống còn của tầng lớp mình, dân tộc mình. Tiếng nói của họ là tiếng ca bất khuất và đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm mà Ðời cô Lựu là một vở tiêu biểu. Tác giả của nó, Trần Hữu Trang vốn là một nông dân, một nghệ sĩ trí-thức
Đặc Điểm :
Năm 1920 đoàn hát mang tên Tân Thinh ra mắt khán giả, Tân Thinh không dùng tên gánh mà dùng tên đoàn hát và ghi rõ đoàn hát cải lương, dưới bảng hiệu có treo đôi liễn như sau:
- Cải cách hát ca theo tiến bộ
- Lương truyền tuồng tích sánh văn minh.
Ðôi liễn ấy đã nêu lên những đặc điểm cơ bản của sân khấu cải lương. Như trên đã nói, cải lương vốn là một động từ mang nghĩa thông thường trở thành một danh từ riêng. Cải lương có nghĩa là thay đổi tốt hơn khi so sánh với hát bội. Sân khấu cải lương là một loại hình sân khấu khác hẳn với hát bội cả về nội dung vở soạn lẫn nghệ thuật trình diễn.
1- Bố cục
Các soạn giả đầu tiên của sân khấu cải lương vốn là soạn giả của sân khấu hát bội. Nhưng các soạn giả của thuộc lớp kế tục thì nghiêng hẳn về cách bố cục theo kịch nói: vở kịch được phân thành hồi, màn, lớp, có mở màn, hạ màn, theo sự tiến triển của hành động kịch. Vai trò của soạn giả, đạo diễn không lộ liễu trước khán giả mà ẩn sau lưng nhân vật. Ban đầu, các vở viết về các tích xưa (mà người ta quen gọi là tuồng Tàu) có khi còn giữ ít nhiều kiểu bố cục phảng phất hát bội, nhưng các vở về đề tài xã hội mới (gọi là tuồng xã hội) thì hoàn toàn theo bố cục của kịch nói. Càng về sau thì bố cục của các vở cải lương (kể cả các vở về đề tài xưa cũng theo kiểu bố cục của kịch nói).
2- Ðề tài và cốt truyện
Các vở cải lương ngay từ đầu đều khai thác các truyện Nôm của ta như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên hoặc các câu truyện trong khung cảnh xã hội Việt Nam. Sau đó chiều theo thị hiếu của khán giả sân khấu cải lương cũng có một số vở soạn theo các truyện, tích của Trung Quốc đã được đưa lên sân khấu hát Bội và được khán giả rất ưa thích. Sau này nhiều soạn giả, kể cả soạn giả xuất thân từ tân học cũng soạn vở dựa theo truyện xưa của Trung Quốc hoặc dựng lên những cốt truyện với nhân vật, địa danh có vẻ của Trung Quốc nhưng những cảnh ngộ, tình tiết thì của xã hội Việt Nam
3- Ca nhạc
Các loại hình sân khấu như hát bội, chèo, cải lương được gọi là ca kịch vì ở đây ca kịch giữ vai trò chủ yếu. Là ca kịch chứ không phải là nhạc kịch vì soạn giả không sáng tác nhạc mà chỉ soạn lời ca theo các bản nhạc cho phù hợp với các tình huống sắc thái tình cảm. Như vậy, nói chung về ca nhạc, sân khấu cải lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Nam Bộ. Trên bước đường phát triển nó được bổ sung thêm một số bài bản mới (như Dạ cổ hoài lang sau này mang tên Vọng cổ là một dân ca nổi tiếng của sân khấu cải lương). Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Trung Quốc nhưng đã được phổ biến từ lâu trong nhân dân Việt Nam, đã Việt Nam hóa.
4-Diễn xuất
Diễn viên cải lương diễn xuất một cách tự nhiên, nhất là khi diễn về đề tài xã hội thì diễn viên diễn xuất như kịch nói. Khác với kịch nói ở chỗ đáng lẽ nói, diễn viên ca, cho nên cử chỉ điệu bộ cũng uyển chuyển, mềm mại theo lời ca. Dù không giống như cử chỉ điệu bộ của diễn viên kịch nói, mà vẫn gần với hiện thực chứ không cường điệu như hát bội. Cải lương cũng có múa và diễn võ nhưng nhìn chung là những động tác trong sinh hoạt để hài hoà với lời ca chứ không phải là hình thức bắt buộc.
5-Y phục
Trong các vở về đề tài xã hội diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời. Trong các vở diễn về đề tài lịch sử dân tộc, về các truyện cũ của Trung Quốc, phóng tác từ những câu chuyện, hay các vở kịch từ nước ngoài thì y phục của diễn viên cũng được chọn lựa để gợi ra xuất xứ của cốt truyện và của nhân vật, nhưng cũng chỉ mới có tính là ước lệ thôi chứ chưa đúng với hiện thực.
Âm nhạc :
Chúng ta đều biết không có một nền âm nhạc nào không mang tính kế thừa và phát triển, hai mặt này đi song song với nhau, cùng nằm trong hiện tượng văn hoá-nghệ thuật qua nhiều thế hệ, bắt gốc từ yếu tố tộc người trong thời kỳ sơ khai. Nó đã ăn sâu và tác động vào điều kiện tâm-sinh lý của con người, và mang tính di truyền. Nó là một hiện tượng mang tính qui luật tạo thành mầm mống cho ngôn ngữ âm nhạc dân tộc. Âm nhạc cải lương cũng không tách khỏi qui luật này. Người ta thường nói cải lương xuất phát từ Nam Bộ, đó là cách nói rút gọn, nhưng đứng về mặt lịch sử thì nhạc cải lương là một loại nhạc sân khấu, được phát triển dựa trên phong trào ca nhạc tài tử (phong trào chơi nhạc không chuyên nghiệp lan rộng khắp Nam bộ thời trước). Loại nhạc này bắt nguồn từ nền ca nhạc dân gian lâu đời của nước ta. Nó nằm trong kho tàng văn hóa dân tộc, và đồng thời phát triển với những cuộc di dân về phương Nam của ông cha ta. Cũng những cây đàn ấy, càng đi khỏi vùng đất Tổ thì càng trở nên linh động với những màu sắc mới lạ và biến thành một loại hình nghệ thuật độc đáo dân tộc. Có thể nói đó là đức tính của con người Việt Nam được hun đúc qua những cuộc di dân lớn, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, vượt qua muôn nghìn khó khăn gian khổ để xây dựng thôn ấp, phát triển xã hội. Âm nhạc cải lương chịu ảnh hưởng của hai nền nhạc lớn đã có từ thời cổ và tồn tại đến bây giờ, đó là nền ca hát dân gian và nền nhạc khí dân gian. Hai nền nhạc này tạo cho cải lương một phong cách đặc biệt, do đó trong âm nhạc cải lương, yếu tố ca hát và yếu tố nhạc khí cùng thúc đẩy nhau phát triển và tạo ra một hình thức đối lập trong nhiều bè, mở đường cho sự nảy nở của tính chất sân khấu. Tại Nam Bộ, hiện nay nhân dân chỉ còn được nghe khí nhạc thuộc loại tế tự (nhạc lễ) còn âm hưởng của nhạc cung đình thì đã thuộc về dĩ vãng. Từ khi chữ Nôm bắt đầu xuất hiện thì thơ ca dân gian càng phát triển, chữ Nôm dùng để sáng tác các bản nhạc. Sau thắng lợi vẻ vang của ba lần chống quân xâm lược Nguyên, nghệ thuật âm nhạc và hát xướng càng phát triển mạnh và mãi cho tới thời nhà Lê, ngoài các bậc công hầu ra, trong hàng sĩ phu phần đông đều có hiểu biết về niêm luật âm nhạc. ở Huế đã hình thành nền nhã nhạc, yếu tố bác học làm cơ sở cho sự kế thừa và phát triển của phong trào ca nhạc tài tử Nam bộ. Nghệ thuật âm nhạc miền Trung dần dần phát triển ra khắp thôn xã song song với sự phát triển của một vài yếu tố âm nhạc dân gian Trung Quốc. Phương thức cải biến vật chất thành nhu cầu cần thiết cho con người, ảnh hưởng khá lớn đến phương thức biểu hiện tư tưởng bằng hiện tượng nghệ thuật. Tài khéo léo và óc sáng tạo của con người làm thay đổi rất nhiều các loại hình nghệ thuật phù hợp với thẩm mỹ quần chúng lúc bấy giờ. Nhạc cải lương được hình thành từ trong lòng người Việt Nam cần cù và gian khổ, lớn lên trong những thử thách đầy khó khăn nguy hiểm mà con người đấu tranh để sinh tồn. Nhạc miền Trung khi phát triển vào Nam bộ thì bị mất một phần đặc điểm, chủ yếu là bị lệ thuộc vào tiết tấu sinh hoạt và ngôn ngữ của người dân Nam bộ. Từ khi triều đình nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, xã hội Nam Kỳ bị phân hóa nhanh chóng, sự đổ vỡ có mức độ của ý thức hệ phong kiến trong xã hội Nam Kỳ chủ yếu là do phương thức sản xuất mang yếu tố tư bản xuất hiện, tư tưởng và tình cảm con người đã thoát ly dần những tục tập cũ kỹ, lỗi thời. Sự thoái trào của nền nhạc lễ để nhường cho phong trào của ca nhạc tài tử phát triển từ trong lòng của nó là một sự kiện rất mới. Phong trào dân ca được quần chúng ưa thích dần dần phát triển trong toàn Nam bộ và trở thành phong trào ca tài tử. Số người biết đàn biết ca ngày càng đông, nhất là ở vùng nông thôn, với hình thức nghệ thuật đơn giản tao nhã như vậy, người nông dân nào cũng có thể học tập được. Trong khối quần chúng to lớn, sau này đã xuất hiện nhiều nhân tài của nghệ thuật âm nhạc và sân khấu cải lương. Nhạc tài tử dần dần phát triển về nội dung lẫn hình thức, tiếp thu thêm những luồng nhạc khác như dân ca địa phương, hò, lý, nói thơ...đồng thời có một sự cách tân trong toàn bộ nhạc lễ: trước kia nhạc lễ chỉ là loại khí nhạc, sau khi được cách tân thì trở thành những ca khúc tự sự với nội dung phản ánh tinh thần của thơ ca truyền thống như: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Kim Vân kiều, Lục Vân Tiên... Phong trào đó phát triển từ thành thị đến nông thôn thành nhu cầu thiết yếu của các tầng lớp, kể cả giới trí thức trong những cuộc liên hoan, hội hè, cưới hỏi và song song với sự phát triển đời sống vật chất, nhạc tài tử đem đến cho họ một tình cảm mới mẻ. Phong trào tạo thành những trung tâm như Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Thơ, Bạc Liêu... Ngoài những cố gắng sáng tạo thêm hình loại khúc thức mới, các nhà âm nhạc còn khái quát hóa toàn bộ hệ thống điệu thức trong nhạc truyền thố;ng và phân chia thành các loại hơi chủ yếu như: hơi Bắc, hơi Nam, hơi Oán, v.v.. Hơi Bắc khái quát các điệu thức mang tính chất trong sáng, vui khỏe.
Hơi Nam khái quát các điệu thức mang tính chất trang nghiêm và đồng thời được phân chia thành một số hơi cụ thể như sau: hơi Xuân, hơi Ai, hơi Ðảo.
Hơi Oán là hơi được sáng tạo sau này, hoàn toàn thoát ly những hình thức cấu tạo theo kiểu nhạc lễ, đó là hơi thở của cuộc sống thời bấy giờ.
Sự phân chia thành các loại hơi, xuất phát từ các mẫu giai điệu hoặc điệu thức giai điệu có tác dụng lập thành các mô hình âm thanh, và xếp loại các âm hình cơ bản (motif) được sử dụng trong quá trình nhạc khúc. Trong thực tế đời sống hằng ngày của nhân dân ta, chúng được cấu trúc trên nguyên tắc tập hợp và mang những ý nghĩa cụ thể đã trở thành một tập quán trong sự sáng tạo âm nhạc qua nhiều thời đại. Ðể minh hoạ, dưới đây sẽ giới thiệu một lớp Văn Thiên Tường nhan đề là Bá Lý Hề:
Vì tình kia thân sanh sao đắng cay
Thay thương thay đương khi gian truân
Bâng khuâng lúc chia tay
Thiếp yểm lụy ngỏ cùng chàng
Vì cảnh nhà hàn vi
Nên mới chia ly
Khi đưa nhau nắm tay dặn dò
Ðến lúc đắc lộ chàng có nghĩ
Ðến chút tình tào khang
Tay dâng chén này hôm nay
Khuyên lương nhân
Vững lòng rủi dong lần bước sang
Cách núi ải
Non cao vực thẳm ráng dò
Em lo đương khí
Qua đèo ải ngăn ghềnh đá chập chồng
Sớm thơ nhạn tả mấy hàng
Cho nhãn những điều
Ðiều ấm lạnh dường bao
Trên đây là lời ca diễn tả tâm trạng vợ Bá Lý Hề tiễn chồng lên đường lập công danh. Hình thức cấu trúc của loại này, khác với cấu trúc chân phương của nhạc lễ, chịu ảnh hưởng hình thức thơ liên hoàn, mỗi đoạn gồm tám câu. Về mặt nghệ thuật, nhạc tài tử trong giai đoạn này đã đóng góp nhiều yếu tố mới trong đời sống âm nhạc của quần chúng, được bà con nông dân ưa mến và bảo vệ đã tiến đến một thời kỳ rực rỡ hơn bao giờ hết, mở đầu cho sự xuất hiện một loại hình nghệ thuật mới, đó là nghệ thuật sân khấu cải lương. Từ một hình thức ca hát thính phòng của phong trào nhạc tài tử, một bộ phận tách ra mang tính chất diễn xướng (nói lối, ngâm thơ, ca hát) tức là hình thức ca ra bộ (vừa ca vừa ra bộ). Như vậy, đứng về mặt nghiên cứu của âm nhạc, chúng ta thấy có hai phong cách, trong phương pháp diễn tấu nhạc cụ và ca hát, đó là phong cách tài tử và phong cách cải lương.
[Phong cách tài tử]: mang tính chất thính phòng, không đông người, được tổ chức ở trong nhà, công viên, trên thuyền lúc đêm trăng đi sâu vào chiều sâu của tình cảm, người đàn và hát chủ yếu là để phục vụ người nghe.
[Phong cách cải lương]: thể hiện tính sân khấu, vì trung tâm của nghệ thuật diễn xuất là diễn xuất, các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, giúp nó đạt đến một hiệu quả nhất định, hợp thành toàn bộ một hình thức nghệ thuật sân khấu.
Vấn đề ca hát hoặc diễn tấu nhạc cụ trong cải lương cũng phải mang tính chất hành động- không như biểu diễn theo phong cách tài tử vì đặc trưng của sân khấu cải lương là ca hát. Ca hát tài tử và ca hát sân khấu là hai lĩnh vực khác nhau và trong mỗi lĩnh vực đều có những nghệ sĩ tiêu biểu. Chẳng hạn, trong ca hát sân khấu cải lương, có những ngôi sao như Phùng Há, Ba Vân, Năm Châu... và những ca sĩ tài tử nổi tiếng như cô Tư Sang, cô Ba Bến Tre, cô Tư Bé, Năm Nghĩa...Những tác giả âm nhạc tài tử như ông Sáu Lầu (Cao Văn Lầu), ông Bảy Triều, những tác giả nhạc sân khấu như các ông Mộng Vân, Bảy Nhiêu, Tư Chơi, Sáu Hải v v... đã đóng góp nhiều sáng tác mới phù hợp với đà phát triển của nghệ thuật cải lương, trong đó có bài vọng cổ cho đến bây giờ đã trở thành một chủ đề lớn về âm nhạc, mà nhiều nghệ sĩ nhờ đấy phát huy một sức sáng tạo và xây dựng nên sự nghiệp nghệ thuật cho bản thân mình. Nếu như những hạt giống đó không nảy mầm từ trong lòng dân tộc và nuôi dưỡng của nhân dân qua nhiều thế hệ, thì nghệ thuật cải lương không thể tồn tại cho đến ngày hôm nay. Âm nhạc cải lương hơi nhẹ nhàng vì dùng đờn dây tơ và dây kim, không có kèn trống như hát bội. Có sáu thứ đờn thường dùng trong điệu cải lương như sau:
1. Ðờn kìm: đờn Kìm cũng gọi là "Nguyệt cầm" có hai dây tơ và tám phím. Tiếng kìm tuy không trong và thanh như tiếng Tranh hay Lục huyền cầm, nhưng cũng có âm hưởng nhiều nên khi hòa với cây Tranh nghe rất hay. Tùy hơi cao thấp của diễn viên, đờn Kìm có thể đờn năm dây Hò khác nhau.
2. Ðờn Tranh: đờn Tranh hay đờn Thập Lục có 16 dây. Tiếng đờn Tranh được thanh tao nhờ dùng dây kim và nhấn tiếng có ngân nhiều. Cũng như cây kìm, đờn Tranh có thể đổi bực dây Hò tùy theo hơi cao thấp của người ca.
3. Ðờn Cò: Cây Cò, cũng gọi là đờn Nhị, có hai dây tơ, không có phím và dùng cây cung để kéo ra tiếng. Ðờn Cò là cây đờn đắc dụng nhất của âm nhạc Việt Nam. Nó chẳng khác nào cây Violon trong âm nhạc Âu Mỹ. Luôn luôn có mặt torng hát Bội, Cải lương, nhạc Tài tử,...
4. Ðờn Sến: Cây Sến có hai dây tơ và có đủ bậc như cây Banjo, nên đờn ít nhấn và có nhiều chữ lợ nghe ngộ. Có khi đờn ba dây nghe hơi như đờn Tỳ.
5. Guitare: Cây Guitare cũng gọi Lục huyền cầm hay Tây ban cầm, có sáu dây kim, nhưng thường đờn có năm dây. Tiếng thanh như đờn Tranh, khi đờn bực cao.
6. Violin: Cây Violon, cũng có tên là Vĩ Cầm, có bốn dây tơ và cung kéo như đờn Cò. đờnnày dùng phụ họa với cây Guitare hay cây Tranh để đờn Vọng cổ nghe hay, nhưng ít dùng đờn các bản khác vì tiếng nó kêu lớn làm lấn áp mấy cây đờn kia.
7.Cây Sáo: Cây hay ống Sáo, hoặc ống Tiêu, cũng có dùng trong điệu Cải lương, nhưng nó có một bậc Hò, không thay đổi. Thành thử người ta phải theo bậc Hò bất di bất dịch ấy.
8. Cây Cuỗn: Cây Cuỗn giống như cây Kèn, nhưng không có cái Loa.
Âm Điệu :
Bài ca Cải lương đặt theo bản đờn, nên kịch sỹ phải tùy âm nhạc, không được tự do phô diễn hết tài năng của mình như trong điệu hát Bội. Ca dư hơi thì trễ đờn, còn thiếu hơi dứt trước đờn. Kịch sỹ bị bó buộc trong khuôn khổ nhịp đờn, dầu có hơi hám nhiều cũng không thể vượt ra ngoài nhịp vì sợ ca lỗi nhịp.Lúc sau này, trong điệu Cải lương có bản Vọng cổ thêm nhiều nhịp. Bài ca vọng cổ đặt không ăn sát câu đờn, miễn vô đầu và dứt câu đờn, ca cho trúng hơi, trúng nhịp. Nhờ vậy, có nhiều kịch sỹ được tự do phô bày hết khả năng của mình. Một khuyết điểm thứ hai là đương nói chuyện kế bắt qua ca. Trừ một ít danh ca biết cách "mở hơi" cho câu ca của mình có hứng thú, còn phần đông vô ca nghe khô khan lã chã lắm, không có mùi vị chút nào. Lỗi ấy một phần do ban âm nhạc thờ ơ, không thuộc chỗ nào sắp ca đặng rao đờn trước hầu gợi ý cho khán giả có cảm giác vui buồn trước khi nghe ca, như bên âm nhạc hát Bội. Cải lương được chỗ ưu điểm là nhờ âm nhạc biết tùy hơi cao thấp của kịch sĩ để lên dây Hò, nên kịch sỹ ca đúng hơi "thiên phú" của mình không rán hơi quá như bên hát Bội.
Thế nào là một giọng ca cải lương hay ?
Cải lương có những làn điệu bài bản cố định, từ đó nhạc sỹ thiết kế để phù hợp với tâm trạng từng nhân vật. Trong ngần ấy mẫu gốc, làn điệu cơ bản, hát thế nào cho hay, cho đẹp, có hơi ấm tình cảm và bản sắc riêng hoàn toàn phụ thuộc vào tài nghệ điều khiển, thao túng nhịp điệu của từng diễn viên hát cải lương. Yếu tố hàng đầu cho một giọng ca cải lương hay chính là sức mạnh truyền cảm. Một giọng ca hời hợt, chỉ thấy lời mà không thấy lòng người, không phải là giọng ca hay. Ngay cả một giọng ca điêu luyện về kỹ thuật mà không có linh cảm, có cái "hồn" thì cũng chỉ là một giọng ca chết, không sinh khí. Một giọng ca hay là giọng ca lột tả đến cùng tình cảm của câu hát, của tâm trạng nhân vật bằng tất cả rung động của trái tim người hát và bằng cả quá trình khổ luyện, tìm ra được cách biểu hiện tốt nhất. Khi nội dung bài hát đã thấm vào lòng diễn viên, đã biến thành máu thịt, thì các kỹ thuật gieo câu, nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy, đều là kết quả sự xúc động tình cảm sâu sắc của người hát. Một người rất ít nghe cải lương, thậm chí chưa nghe bao giờ, cũng có thể xúc động khi nghe một giọng ca truyền đạt chính xác sắc độ tình cảm của lời bài hát, của nhân vật như: yêu thương, nhớ nhung, buồn bã hoặc căm uất, giận hờn... Tùy cách chế ngự điều khiển của từng diễn viên với bài bản cải lương, sẽ quyết định từng màu sắc riêng biệt của mỗi giọng ca. Mỗi người sẽ tạo ra một chất giọng riêng, không lẫn vào đâu được. Và người ta dễ dàng nhận ra một Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Mỹ Châu... hay Út Trà ôn, Minh Vương, Minh Phụng, Minh Cảnh... trên sân khấu miền Nam. Một giọng ca hay trên sân khấu chỉ có thể được coi là hoàn hảo nếu không tách rời nghệ thuật sân khấu biểu diễn. Vì vậy, tiêu chuẩn thứ hai của giọng ca hay là biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca và diễn. Nếu diễn viên chỉ chú ý đến lời hát mà không quan tâm đến nhân vật thì khán giả chỉ có thể nhớ đến con người thật của anh ta chứ hoàn toàn không gắn với một hình tượng nhân vật nào cả. Ðiều đó giống như là nghe hát những bài vọng cổ hơn là một vai diễn ca hay. Ngược lại, nếu diễn viên diễn xuất thật hay mà ca dở thì mọi người lại không nghĩ mình đang xem cải lương! Cần thiết phải có sự kết hợp hài hòa, nếu không xem như thất bại. Trong cải lương, giọng ca là vô cùng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Vì thế, có được một giọng ca "trời phú" thì cần phải rèn luyện, trau dồi để ngày càng tiến bộ hơn với những vai diễn thật sự có "hồn".
Vọng Cổ Hoài Lang
Người yêu, yêu đến si tình, nhưng người ghét thì ghét cay, ghét đắng. Chỉ nghe tên đã muốn đào đất đổ đi, có khi vì sự ghen ghét ấy mà sân khấu cải lương cũng bị vạ lây. Có lẽ vì thế mà sau khi ra đời bài Vọng cổ đã phải bao lần thay tên, đổi họ "hóa thân", mới sống được tới ngày hôm nay. Dạ cổ hoài lang (Vọng cổ hoài lang) ra đời được hơn nửa thế kỷ. Nó đã làm cho nền móng cho nhiều bài vọng cổ không ngừng phát triển. Ðó là một hiện tượng có liên quan đế cuộc đời tác giả - nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Xuất thân từ một gia đình bần nông thuộc tỉnh Long An (trước là Tân An), lúc lên sáu tuổi, nhạc sĩ đã phải cam chịu cảnh bị áp bức bóc lột như muôn ngàn gia đình nông dân nghèo khổ khác. Tuy còn nhỏ nhưng cậu bé Cao Văn Lầu đã chứng kiến nhiều sự ngang trái trong cuộc sống tha phương cầu thực, rày đây mai đó, hết làm nghề này lại chuyển sang nghề khác và trong con tim nhỏ bé đã chớm nở dần những xúc cảm về cuộc đời. Từ khi gia đình định cư ở một vùng đất biển Bạc Liêu thì tính nghệ sĩ của chàng trai ngày càng được thể hiện rõ rệt. Ðược sự dạy bảo cẩn thận về âm nhạc của lão nghệ sĩ Hai Khị, Cao Văn Lầu bắt đầu cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp âm nhạc. Nhạc sĩ rất thành thạo về môn nhạc lễ và nhạc tài tử khi nhạc sĩ đang độ 20 tuổi và cũng đồng thời với phong trào "ca ra bộ" bắt đầu phát triển ra khắp lục tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ. Bản Vọng cổ trước hết có tên là Dạ cổ được nhạc sỹ Cao Văn Lầu sáng chế hồi năm 1920 (sau ba năm khi cải lương ra đời). Sanh 1890, ông Sáu Lầu được 30 tuổi khi ông chế bản Vọng cổ. Lúc ấy ông cưới vợ được 10 năm, nhưng không có con. Cha mẹ ông buộc phải cưới vợ khác vì sợ tuyệt tự. Ông buồn rầu không còn muốn làm ăn gì nữa. Ban ngày ra ngoài đồng, ông nghiền ngẫm những lời vợ ông nói trước khi chia tay. Ông biết đờn cổ nhạc nên trong tâm trạng người chồng đau khổ trước cảnh gia đình tan rã, ông cảm hứng tạo ra bản nhạc 20 câu gọi "Dạ cổ hoài lang" (Ðêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng), có ý để kỷ niệm mối tâm tình của vợ ông với ông. Không biết có phải ông trời vì thấu hiểu và cảm thông cho đôi vợ chồng mà ít lâu sau, vợ ông thụ thai... Về sau, bản nhạc ấy được đổi tên là "Vọng cổ hoài lang" cho rộng nghĩa thêm (Trông mối tình xưa mà nhớ đến chồng).
Biên bản nguyên thủy của "Dạ cổ hoài lang" của ông Sáu Lầu như sau:
Từ là từ phu tướng, Bửu kiếm sắc phong lên đàng.
Vào ra luống trông tin chàng, Ðêm năm canh mơ màng.
Em luống trông tin nhàn, Ôi, gan vàng quặn đau.
Ðường dầu xa ong bướm, Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Còn đêm luống trông tin bạn, Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng, Lòng xin chớ phụ phàng.
Chàng hỡi chàng có hay,
Ðêm thiếp nằm luống những sầu tây.
Biết bao thuở đó đây xum vầy, Duyên sắt cầm đừng lạt phai.
Thiếp cũng nguyện cho chàng, Nguyện cho chàng hai chữ bình an.
Mau trở lại gia đàng, Cho én nhạn hiệp đôi.
Bài Dạ Cổ Hoài Lang không những khái quát được tâm tư tình cảm của một lớp người ở thời đại đó, mà còn nêu lên tính độc đáo của một loại hình mới về nghệ thuật âm nhạc được phát triển dựa trên những đường nét cổ truyền. Ðiều này đã nói lên bản lĩnh của tác giả do được rèn luyện và tích lũy vốn nghệ thuật dân gian lâu đời một cách vững chắc. Nó hoàn toàn thoát ly những đường nét định hình của nền nhạc truyền thống, không chạm trổ hoa mỹ, không dài dòng văn tự như một số bài bản trong nền cổ nhạc. Về cấu tạo âm hưởng đó là sự phối hợp một cách khéo léo những điệu thức khác nhau làm cho tác phẩm được tăng cường sức hấp dẫn và sự thể hiện phong phú về mặt hình tượng nghệ thuật, khiến cho người nghèo cảm như thấy có cuộc đời của mình ở trong đó. Trong cái buồn man mác có chất chứa nỗi oán hờn tủi nhục. Bài Dạ Cổ Hoài Lang không phải là bài ca tâm sự của một con người cụ thể. Nó đã hòa đồng nỗi lòng của một con người trong nỗi lòng của hàng triệu con người khác đang phải sống một cuộc đời cơ cực. Dạ cổ hoài lang là một bản vọng cổ có hình thức cấu trúc âm nhạc hoàn chỉnh cho một làn điệu bài bản, làm nền tảng cho vốn ca nhạc cải lương. Dạ cổ hoài lang đã sống với sân khấu cải lương gần 80 năm và vẫn được nhiều người hâm mộ.
Vì sao cải lương được nhiều người đón nhận ?
Hát Bội là lối diễn xuất cho một lớp người biết thưởng thức xem, còn Cải lương là lối diễn cho mọi thành phần xem. Từ giới thượng lưu đến những người bình dân đều có thể là khán giả của cải lương. Nghệ thuật cải lương rất dễ hiểu. Lời văn giản dị, gần gũi với đời sống hàng ngày. Nội dung các vở cải lương thường đi sát với quần chúng. Khi xem tuồng xã hội, khán giả có cảm tưởng hoàn cảnh của các vai tuồng có thể xảy đến cho mình và do đó sự cảm xúc càng thêm mạnh và in sâu vào trí não. Ngoài ra, cải lương có đủ các thú tiêu khiển "cầm ca thi họa" để cho khán giả thưởng thức. Trước hết có âm nhạc cổ điển, nhạc Âu và ca ngân nhiều bản tân và cổ. Kế đó có những lời văn và câu thơ soạn theo lối dễ hiểu... Cải lương còn cho xem những tranh cảnh hội họa và gợi khiếu thẩm mỹ về kiến trúc và xây dựng vở kịch, từ hình thức đến nội dung. Sau hết là cách sử dụng ánh sáng trên nhiều màu sắc tươi đẹp của y trang và tranh cảnh.
THƯỞNG THỨC CỔ NHẠC NAM PHẦN VÀ VỌNG CỔ
Bài viết của Nguyễn Lưu Viên
Hồi xưa trong Nam, lúc " Ba ngày Tết ", thì tối lại thường thường dân ở làng hay đi xem một " chầu " Hát Bội, còn dân ở tỉnh thì hay đi xem một " xuất " Cải Lương. Để hiểu và thưởng thức trọn vẹn tuồng Hát Bội thì khán thính giả phải biết cốt chuyện của tuồng hát (thường thường lấy trong truyện Tàu như : tuồng " Kim Thạch Kỳ Duyên ", tuồng " Ngũ Hổ Bình Tây ", tuồng " San Hậu " và phải biết sơ sơ những nguyên tắc căn bản của việc đánh trống chầu. Giáo sư Nguyễn Ngọc An trong bài " Nghệ Thuật cầm chầu " đã trình bày hết sức rõ rệt nghệ thuật ấy. Để hiểu và thưởng thức trọn vẹn xuất cải lương thì khán thính giả cũng phải biết cốt chuyện của tuồng hát (thường thường lấy trong truyện Tàu hay trong tiểu thuyết Việt Nam như tuồng " Phụng Nghi Đình " với cô Bảy Phùng Há, tuồng " Xử Án Bàng Quý Phi " với cô Năm Phỉ, tuồng " Lan và Điệp " với cô Thanh Nga), và phải biết sơ sơ những nguyên tắc căn bản của cổ nhạc Việt Nam. Theo gương của giáo sư Nguyễn Ngọc An, tôi xin cố gắng trình bày sau đây vài nguyên tắc căn bản ấy. Vì thế hệ trẻ Việt Nam sau này đã quen với nhạc Tây Phương, nên tôi xin trình bày những nguyên tắc căn bản ấy dưới hình thức so sánh, bằng những khác biệt, giữa nhạc Tây phương và nhạc Cổ điển miền Nam để cho được dễ hiểu hơn.
I . Khác biệt về các Note đàn
Nhạc Tây phương có bảy (7) nốt đàn (là Do, Ré, Mi, Fa, Sol, La, Si hoặc A, B, C, D, E, F, G) và các dièse (sharp) hoặc bémol (flat) của mỗi nốt ấy. Còn cổ nhạc miền Nam thì cũng có bảy (7) tên nốt đàn (là : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liếu, Ú) nhưng kỳ thực thì chỉ có năm (5) tiếng nốt đàn (là Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, còn Liêu, Ú, là " nấc trên " của Hò và Xự). Nhưng mỗi nốt đàn Việt Nam không có dièse hay bémol của nó mà có vô số tiếng " ngân " éo on của nó, vì nốt đàn Việt Nam đánh lên thường thường là có " ngân " (nhất là khi nốt đàn ở vào cuối nhịp hay cuối câu). " Ngân " không phải là trille vì trille là đánh thật nhiều lần rất mau và đàn và nốt liền ở trên. " Ngân " cũng không hẳn là vibrato vì trong vibrato tuy có sự " rung rung " của ngón tay trái trên nốt đàn nhưng sự căng thẳng (tension) của sợi dây đàn không có thay đổi bao nhiêu ; còn " ngân " thì đánh có một lần vào nốt nào đó trong lúc ngón tay trái vẫn tiếp tục ấn mạnh nhẹ liên hồi vào dây đàn để cho sự căng thẳng của dây thay đổi hầu phát ra những tiếng " éo on " của nốt đàn ấy ; thí dụ như đánh nốt Xang (nhất là ở vào cuối nhịp hay cuối câu) thì không phải để phát ra một tiếng " Xang " rồi thôi, mà phải phát ra một tiếng Xang éo on như " Xàng Xaãang (). (Có lẽ chữ Pháp hay chữ Anh có nghĩa gần nhất với chữ " Ngân " là chữ " Moduler " (Modulate).
Kết quả :
1. Không thể nào dùng nhạc khí Tây phương nào mà không " ngân " được để diễn tả cổ nhạc miền Nam. Thí dụ không thể dùng dương cầm (piano) được, vì không thể " ngân " được, dù cho có giữ ngón tay trên phiếm hay có dùng bàn đạp (pédale) cũng chỉ kéo dài tiếng đàn chớ không phát ra được những tiếng " éo on " của ngân. Còn nếu dùng những nhạc khí có dây của nhạc Tây phương như đàn Madoline hay đàn guitar thì trên cán đàn phải " khoét lỏm " ở chỗ bấm nốt để có thể ấn " mạnh nhẹ, mạnh nhẹ " xuống dây đàn hầu thay đổi sự căng thẳng của nó để mà ngân ". Chỉ có hawailian-guitar là thích hợp để diễn tả cổ nhạc miền Nam nhờ sự có thể nhích tới nhích lui cục sắt nằm trong tay trái để phát ra tiếng " ngân ".
2. Thường thường đàn một bản nhạc Tây phương thì các nốt đàn được đánh lên phải nghe cho thật " clean " nghĩa là không có phụ âm đi kèm ; còn đàn một bản cổ nhạc miền Nam thì các nốt được đánh lên, nghe có phụ âm đi kèm vì " ngân ", (thí dụ : Công-ôố-ống, Xàng-xaã-ang).
II. Khác biệt về quan niệm (conception) một bản đàn
Trong nhạc Tây phương một bản nhạc là một tác phẩm do một nhạc sĩ sáng tác, viết ra để cho mình chơi, người khác chơi, một dàn nhạc chơi và sẽ lưu lại cho hậu thế chơi ; và mỗi khi chơi thì đánh lên không sai một ly những nốt và những ngừng im (pause, silence) đã viết ra trong bản nhạc. Cho nên một nhạc sĩ Tây phương, lúc đàn thì, về mặt kỹ thuật hành sử (exécuter) một nhạc phẩm (có trước mặt hay thuộc lòng) của tác giả ; còn về mặt tình cảm thì " phiên dịch " (interpréter) tình cảm của tác giả ấy, nghĩa là nghĩ rằng, đoán rằng, lúc sáng tác tác giả ấy đang nghĩ đến gì, thì mình cố gắng diễn tả tư tưởng, cảm giác ấy qua bản nhạc của ông ấy mà mình đang đàn. Còn theo cổ nhạc miền Nam, vì không có lối viết nhạc (écriture musicale) nên nhạc sĩ không thể có bản nhạc trước mắt, và vì quan niệm rằng một bản nhạc là một cái khung, một cái mẫu theo điệu nào đó để cho nhạc sĩ theo đó mà sáng tác, liền ngay tại chỗ trong lúc đàn một bản nhạc của mình để diễn tả tư tưởng và cảm giác hiện tại của mình : cho nên có thể nói rằng một nhạc sĩ cổ nhạc miền Nam là một " Instant Composer) ngay lúc đàn, sáng tác một bản nhạc theo điệu nào đó, trong một cái khung hay theo một cái mẫu nào đó (thí dụ : Điệu Bắc, theo mẫu bản Lưu thủy hay bản Tây thi, hoặc Điệu Nam theo mẫu bản Nam xuân hay bản Nam ai, hoặc Điệu Oán theo mẫu bản Tứ đại hay bản Văn thiên Tường).
Kết quả : Theo nhạc Tây phương thì một bản nhạc của Mozart, của Beethoven của Chopin hay của một nhạc sĩ trứ danh nào khác sáng tác, thì một nhạc sĩ ở thế kỷ 18, 19, 20, 21, 22, hay sau nữa, ở Pháp, ở Đức, ở Mỹ, ở Tàu hay ở Nhựt, cũng đã, đang và sẽ, đánh ra bấy nhiêu nốt, ngừng lại bấy nhiêu lâu, không sai một ly, chỉ có khác nhau ở lối diễn tả hay " phiên dịch " (interpréter) cảm giác của tác giả.
Còn theo cổ nhạc miền Nam thì một bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của ông Chín Kỳ đàn, nếu được " thu băng " rồi đem ra phân tách kỹ từng nốt đàn và từng lúc im, thì thấy nó sẽ khác với bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của một nhạc sĩ khác đàn (cùng một thứ đàn). Và ngay cùng một người đàn, nếu thu băng rồi phân tích kỹ lại từng nốt đàn thì bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ của ông Chín Kỳ đàn ngày hôm nay, có khác với bản Tứ đại, Nam xuân hay vọng cổ mà cũng chính ông Chín Kỳ này đàn ngày hôm trước, hoặc tuần lễ trước, hay ngày hôm sau, hoặc tuần lễ sau, bởi vì theo quan niệm của cổ nhạc miền Nam thì người nhạc sĩ khi đàn là một " Instant Composer " sáng tác ngay tại chỗ một bản đàn theo điệu nào đó, trong khung hay theo mẫu nào đó, để diễn tả tâm hồn hiện tại của mình, tuỳ ý, tuỳ hứng, tuỳ lúc mà tư tưởng và cảm giác của mình thì thay đổi hằng ngày nên bản nhạc đánh ra nghe có khác, mặc dù chung chung biết nó theo điệu gì, mẫu nào. Có lẽ nhạc cổ điển Tàu cũng theo cùng một nguyên tắc cho nên mới có cái tích " Bá Nha, Tử Kỳ ", người này đàn, người kia nghe được, thì " đọc trong ruột " của người ấy mà biết đượcđang nghĩ đến cái gì.
III. Khác biệt về các điệu đàn (mode)
Nhạc Tây phương có nhiều " Điệu " (mode) nhưng thông thường nhứt là hai điệu Mode Majeur và Mode Mineur ; mỗi điệu có nhiều (12) gammes, mỗi gamme được quy định bằng những âm luật chặt chẽ, rõ ràng và khoa học ; cũng như việc chuyển từ điệu này sang điệu kia cũng được quy định bằng những âm luật chặt chẽ, rõ ràng, và khoa học mà không phải sửa đổi sự căng thẳng (tension) của dây đàn.
Còn cổ nhạc miền Nam thì có " ba (3) điệu ", mỗi điệu có một tính chất riêng biệt và một số bài căn bản :
1. " Điệu Bắc " thì nghe vui tai, có vẻ liến xáo, đàn nhanh, nhịp lẹ, ngân ít. 2. " Điệu Nam " thì đàn thong thả hơn, ngân vừa, nhịp khi chặt khi thưa, và phải gây ra một cảm tưởng trầm ngâm, bình thản, nghiêm trang ; 3. " Điệu oán " thì đàn thong thả hơn nữa, ngân nhiều, nhịp thưa, và phải gây ra một cảm tưởng buồn rầu, oán hận, thở than.
Thường thường khi chuyển từ " Điệu Bắc " qua " Điệu Nam " hay " Điệu Oán " thì nhạc sĩ phải vặn cái trục của cây đàn (kìm, cò hay sến) hoặc " nới con nhạn " của đàn tranh để sửa sự căng thẳng (tension) của dây đàn (cho tiếng " xuống " lối demi-ton). Hồi xưa khi học đàn cổ nhạc miền Nam thì " Thầy đàn " thông thường bắt đầu dạy " Sáu (6) Bài Bắc " là những bài : Bình bán, Phú lục, Tây thi, Cổ bản, Lưu thủy, Hành vân. Mục đích là để cho " quen ngón ", đánh nốt nào bấm cho đúng chỗ, đàn mau, không ngân nhiều, nhịp cho đúng nhịp. (còn có một số " Bài điệu Bắc " nữa, rất hay, là những bài : Kim tiền, Khổng Minh tọa lầu, Xàng xê, Tây thi quảng ...)
Học cho thật thuần Sáu Bài Bắc xong thì " Thầy " cho " qua Nam " hay là " qua Oán ". Nếu " qua Nam " thì học " ba (3) Bài Nam " là những bài : Đảo ngũ cung, Nam Xuân và Nam Ai (thường đàn Nam Xuân rồi qua Nam Ai). (Hình như có bài Nam Bình nữa mà ít ai biết và ít nói đến). Nếu " qua Oán " thì họa " Ba (3) Bài Oán " là những bài : Tứ đại oán (khác với Tứ đại cảnh), Văn thiên tường, và Trường tương tư. Còn có một bài Oán cổ điển rất hay nữa là bài " Bình sa lạc nhạn " (nghe tiếng đàn, con chim nhạn đang bay phải rớt té xuống bãi cát). Vọng cổ được sắp theo điệu oán Oán, nhưng không được kể như " classique ". Học đàn cổ nhạc vì không có lối viết nhạc, nên phải nhớ bằng tai nghe (lúc ấy lại chưa có máy thu băng) thuộc lòng, mà " thầy " dạy không có phương pháp lại mỗi lúc đánh cùng một bản nhạc thì có hơi khác nhau (vì lý do nói ở đoạn trên) nên phải nhiều cố gắng công phu lắm. Tôi còn nhớ lúc nhỏ hay chế diễu việc học đàn bằng câu hát : " Liêu Tồn Liêu Xáng U, cú trên đầu ba bữa còn u " (vì ở Việt Nam trẻ con học cái gì cũng bị đòn).
IV. Khác biệt về lối kiến trúc các cơ cấu (structure) của bản nhạc Cũng như một bản nhạc Tây phương, một bản cổ nhạc miền Nam cũng được chia ra làm nhiều đoạn hay nhiều lớp (Tứ đại có lớp Xự, và lớp Xang) mỗi lớp có một số câu, mỗi câu có một số nhịp (mesure).
Và từ đây là bắt đầu có một sự khác biệt căn bản giữa hai âm nhạc :
Trong một bản nhạc Tây phương mỗi nhịp (mesure) được chia ra làm nhiều " Thì " (temps) như 2/4, 4/4 hay C, hoặc 3/8, 6/8, 9/8 ... để rồi, tuỳ theo cái " thì " đó mà mỗi nhịp bắt buộc phải có và chỉ có bao nhiêu nốt loại nào (tròn, trắng, đen, một nóc, hai nóc ...) cùng với bao nhiêu ngừng im (pause, silence). Còn trong cổ nhạc miền Nam thì có nhịp (mesure) chớ không có " thì " (temps), cho nên nhạc sĩ đã là " Instant Composer " thì tuỳ ý, tuỳ hứng, tùy " yên sĩ phi lý thuần " (inspiration) mà đánh bao nhiêu nốt trong một nhịp, nghỉ bao nhiêu lần bao nhiêu lâu cũng được, miễn là, " canh nhịp " cho đúng, để mà ở những chỗ có nhịp chính của bản đàn thì đánh cho đúng cái nốt bắt buộc ở đó, (gọi là " xuống nhịp " cho đúng) ; bởi lẽ mỗi bản nhạc là một cái khung cái mẫu theo một số điệu nào đó thì luôn luôn có một số nhịp chính, ở đó bắt buộc phải đánh nốt nào đó. Thí dụ trong bản nhạc vọng cổ, ở câu 1, thì nhịp đầu là " Hò ", nhịp thứ tư là " Hò ", nhịp thứ 8 là " Xang ", nhịp thứ 12 là " Cống ", thì nhạc sĩ chỉ cần canh nhịp cho đúng để đến nhịp 1 thì đánh Hò, gọi là " xuống Hò ", nhịp 4 thì " xuống Hò ", nhịp 8 thì " xuống Xang ", và nhịp 12 thì " xuống Cống ", còn ở những chỗ khác thì tha hồ, tuỳ ý, tuỳ hứng miễn là canh nhịp sao cho đúng để " xuống nhịp " cho đúng.
V. Khác biệt trong lối " hành sử " (exécuter) bản nhạc Một nhạc sĩ trình diễn nhạc Tây phương thì bắt đầu là vào ngay bản nhạc (có trước mắt hay thuộc lòng) mà mình phải chơi. Còn một nhạc sĩ trình diễn cổ nhạc miền Nam thì bắt đầu bằng một hồi " Rao ". Rao nghĩa là đàn theo một điệu nào đó (điệu Bắc, điệu Nam, hay điệu Oán) mà không phải theo khung mẫu của bản nào hết, nên hoàn toàn tuỳ ý, tuỳ hứng. Tức nhiên là lối " Rao Bắc " (đàn nhanh, vui nhộn, liến xắc) có lối " Rao Nam " (đàn ung dung, trầm ngâm, bình thản) và lối " Rao Oán " (đàn chậm, ngân nhiều, cho ra những tiếng buồn rầu, oán hận). " Rao lên " thì người nghe nhạc biết rằng nhạc sĩ sẽ đàn điệu gì (Bắc, Nam hay Oán).
Một tác dụng khác của " Rao ", khi có nhiều người đàn, là để " so dây ". Đàn tây phương lấy nốt La (A) làm căn bản, có định nghĩa khoa học rõ ràng là tiếng phát ra của một sợi dây căng thẳng được rung với một tần số (fréquence) 438 rung động trong một giây đồng hồ (438 vibrations par seconde) (hồi trước là 435) ; có dụng cụ (diapason) để so dây và lên giây các thứ đàn cho đúng. Còn đàn cổ nhạc miền Nam thì lấy nốt Hò làm căn bản, nhưng không có định nghĩa khoa học rõ rệt nốt Hò là gì, có bao nhiêu rung động trong một giây đồng hồ, và không có dụng cụ để đo, và so dây các thứ đàn, mà chỉ lấy tai nghe. Mà tai người này với người kia khác nhau nên lúc rao là thời gian để các nhạc sĩ sửa dây đàn của mình cho " ăn " với nhau, hoặc " ăn " với giọng của ca sĩ, nếu có ca. Tác dụng thứ ba của Rao là để biểu diễn. Vì đàn một điệu mà không bị ràng buộc bởi cái khung mẫu của bản nào hết, thì nhạc sĩ có thể tha hồ cho " ra những ngón đàn " đặc biệt của mình để tỏ ra là mình có khả năng đàn mau (" sầm sập như trời đổ mưa "), (" đàn khoan thai như gió thoảng ngoài "), đàn riếu ron (" như tiếng hạc bay qua ") hoặc đàn lâm ly (" như nước suối mới sa nửa vời "). Người sành nhạc, chỉ nghe rao thôi, cũng có thể đánh giá và sắp hạng nhạc sĩ (ưu hay bình, thứ) được. Cho nên nhạc sĩ lúc rao thích " trỗ tài " và " biểu diễn ". Rao xong thì vào bài, tức là bắt đầu bản nhạc. Thường thường để đánh dấu bắt đầu vào bản nhạc, nhất là khi có nhiều người cùng hoà tấu, thì người nhạc sĩ " cầm canh " hay là " giữ nhịp ", gõ vào nhịp cụ nghe một tiếng " cóc ", tức là bắt đầu, thì mọi người đàn. Trong suốt thời gian đàn, thỉnh thoảng nghe nhịp " cóc " " cóc " " cóc ", mau hay khoan tuỳ theo điệu (điệu Bắc thì mau, điệu Nam thì khoan thai hơn, điệu Oán thì chậm hơn nữa). Không phải nhịp nào cũng gõ, mà thường thường là nhịp để chấm câu (như nhịp thứ 16 là để chấm câu trong bản vọng cổ) hoặc để đánh dấu một vài nhịp chính trong câu (như nhịp thứ 12 trong câu vọng cổ). Có khi, nhất là trong các bản đàn điệu Nam hay điệu Oán xưa ; thì có lối " nhịp song loan " như để xuống dòng trong một bản văn viết ; thì người ta nghe như sau : tiếng đang đàn, nghe nhịp một cái " cóc " thì im, đếm thầm một, hai, ba, nghe nhịp một cái " cóc " nữa, thì đàn lại, hoặc như sau : tiếng đang đàn, thì im và nghe gõ nhịp " cóc " - " cóc ", " cóc " - " cóc " thì đàn lại.
IV. Vọng cổ
Đàn và ca vọng cổ là điệu phổ thông nhất và được thưởng thức nhất ở miền Nam sau này cho đến nổi mà đối với một số người Bắc mới vào Nam và có một số người Nam trong thế hệ trẻ, cổ nhạc miền Nam là vọng cổ và chỉ có vọng cổ. Kỳ thực thì cổ nhạc miền Nam có nhiều bài cùng điệu vọng cổ (điệu oán) mà hay hơn vọng cổ rất nhiều như các bài Tứ đại, Văn thiên Tường, hay là Trường tương tư, nhưng các bài ấy vì khó đàn khó ca nên sau này bị lãng quên mà chỉ còn có vọng cổ được tồn tại phổ thông vì dễ đàn và dễ ca.
1. Lịch sử :
Một số người Nam cho rằng vọng cổ phát xuất từ người Chàm ở miền Nam Trung phần (nhớ tiếc thuở xa xưa). Nhưng thuyết ấy không có chứng minh. Dù sao, đến cuối thập niên 1920, hồi thời " máy hát quay tay hiệu con chó có cái loa " (La voix de son maitre), thời dĩa hát hiệu " con gà " của hãng " Pathé ", hồi đời " Thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho ", đời mà khi diễn xong một tuồng hát, thì toàn ban ra trước sân khấu hát bài " Ma-Đờ-Long " (Madelon) để từ giã, thì trong Nam đã có bản nhạc " vọng cổ hoài lang ", 20 câu, mỗi câu có 4 nhịp ; đến đầu thập niên 30, lối năm 1935, 36, thì có nhóm nhạc sĩ ở Bạc Liêu đàn bản vọng cổ này mà kéo dài ra mỗi câu có lẽ 16 nhịp, nên lúc ấy trong Nam gọi là " vọng cổ Bạc Liêu " (hay là vọng cổ nhịp 16 "). Kể từ đó và suốt hết thập niên 40 là " thời kỳ vàng son " của vọng cổ với trọn 20 câu, mỗi câu có 16 nhịp, với các nghệ sĩ lừng danh trong cả Nam kỳ như các nhạc sĩ Sáu Tửng (đàn kìm), Chín Kỳ (đàn tranh), Hai Phát (đàn cò), các nam ca sĩ Năm Châu và Bảy Nhiêu, các nữ ca sĩ Cô Hai Đá, cô Ba Bến Tre, cô Tư Sạng, và nhất là cô Năm Phỉ (trong tuồng cải lương " Xử Án Bàng Quý Phi "). Các nhạc sĩ và ca sĩ trên còn đàn và ca được những bài Oán khác như Tứ Đại, Văn Thiên Tường, và trường Tương Tư). Đến những thập niên 1950, 1960, tân nhạc Việt Nam theo lối nhạc Tây phương tràn ngập vào miền Nam và cổ nhạc miền Nam, nhất là những bản nhạc khó đàn và khó ca, bị lu mờ dần rồi bị lãng quên hẳn, chỉ còn có vọng cổ, rút ngắn lại còn có sáu (6) câu đầu, với nam ca sĩ " ăn khách " nhất là ông Út Trà Ôn, và nữ ca sĩ " ăn khách " nhất là cô Thanh Nga.
2. Nghe đàn và ca sáu (6) câu vọng cổ.
Khởi đầu cuộc trình diễn thì các nhạc sĩ " Rao " (rao điệu Oán : xem ở đoạn trước). Rao một lúc thì ca sĩ bắt đầu " nói lối " trong lúc nhạc sĩ vẫn rao ; khi nói lối gần xong thì nhạc sĩ ngừng rao, chờ cho ca sĩ xuống giọng để vô nhịp Hò đầu (của câu 1) thì nhạc sĩ " bắt " nốt Hò đó để vào bản nhạc và tiếp tục đàn luôn. (Thường thường nếu ca sĩ xuống giọng để " vào nhịp Hò " ấy mà nghe êm tai, mùi mẫn lại ăn khớp với tiếng đàn " bắt " nốt Hò đó thì khán giả vỗ tay rầm rầm). Ca đến hết câu 1 thì " xuống nhịp Cống ", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 1 cũng là một chữ có dấu sắc, hoặc có khi dấu hỏi hay dấu ngã, mới " ăn " với nốt " Côôống) Cuối câu 2 thì " xuống nhịp Xang ", cho nên bài ca vọng cổ nào chữ cuối cùng của câu 2 cũng là một chữ không dấu mới " ăn " với nốt Xàãang. (miễn cưỡng lắm mới dùng chữ có dấu huyền thì phải đọc lờ đờ như là không dấu). Cuối câu 3 và cuối câu 4 đều " xuống nhịp Hò " thì bài ca thường thường cuối câu 3 và cuối câu 4 là một chữ có dấu huyền mới " ăn " với nốt Hò (miễn cưỡng lắm mới dùng một chữ không dấu). Cuối câu 5 thì " xuống nhịp Xề " nên trong bài ca chữ cuối của câu 5 nhất định phải là một chữ có dấu huyền, mà đọc phải gằng giọng và kéo dài để cho " ăn " với nốt " Xềêê ". Cuối câu 6 thì xuống nhịp Hò (như 3 và 4) mà phải đọc nhẹ để chấm dứt bài ca cho êm tai. Hồi xưa nếu còn tiếp tục ca nữa thì đặc biệt đến câu 9, xuống nhịp " Xự ", thì trong bài ca chữ cuối cùng của câu 9 phải là một chữ có dấu nặng mới " ăn " với nốt " Xưựư ". Trong suốt thời gian đàn và ca thì có một nhạc sĩ vừa đàn vừa " cầm canh " nghĩa là giữ nhịp cụ để " chấm nhịp " thì phải gõ nhịp nghe một tiếng " cóc " ở nhịp thứ 12 và nhịp thứ 16 của mỗi câu (trừ câu 1 thường thường chỉ có 12 nhịp, vì cho rằng " Rao " đã mất hết 4 nhịp, nên phải gõ nhịp ở nhịp 8 và 12). Đến câu 6, ở nhịp thứ 12 thì phải gõ vào nhịp cụ hai lần (nghe cóc cóc) để báo hiệu rằng còn 4 nhịp nữa hết câu thì sẽ stop, ngưng đàn và ca. Thì nhạc sĩ bắt đầu đàn lơi lơi và chậm lại dần (theo nhạc Tây phương là Rall hay Rallentando) và ca cũng hơi chậm chậm lại cho đến cuối câu nghe nhịp một cái " cóc " nữa là ngưng đàn và ca. Hồi xưa khi còn đàn và ca vọng cổ đủ cả 20 câu, thì đến đây không nghe nhịp hai cái cóc cóc thì nhạc sĩ và ca sĩ không đàn và ca chậm lại và hết câu 6 thì đi luôn qua câu 7. Sau này còn có cái lối không đàn và ca luôn hết sáu câu, mà đến hết câu 3 thì :
- Hoặc ngừng rồi rao, nói lối, rồi xuống giọng để trở vô nhịp Hò đầu của câu 4, rồi đàn và ca luôn đến hết câu 6 ;
- Hoặc ngừng rồi rao, ca đệm vài câu của bản " Xuân Tình " hay bản " Chuồn Chuồn " rồi nói lối và xuống giọng để vô nhịp Hò đầu của câu 4 rồi đàn và ca luôn đến hết câu 6. Trên đây tôi đã cố gắng trình bày vài nguyên tắc căn bản của cổ nhạc miền Nam, khác biệt với nhạc Tây phương để hiểu thêm phần nào và thưởng thức hơn nhạc cổ điển của chúng ta. Và tôi nghĩ rằng thế hệ già này của Việt kiều di cư, tuy không còn được thưởng thức tiếng đàn và lời ca của những bài cổ nhạc miền Nam độc đáo nữa như các bản Tây thi, Xàng xê, Nam xuân, Nam ai, hoặc Tứ đại, Văn thiên Tường, hay Trường Tương Tư, nhưng vẫn còn thấy xúc động khi được nghe đàn và ca sáu câu vọng cổ ; chứ đến thế hệ tương lai sau này của Việt kiều di cư, thì chắc chắn không biết tới tên của những bản cổ nhạc ấy nữa, và không biết sẽ còn xúc động khi nghe đàn và ca sáu câu vọng cổ hay không, hay là sẽ dửng dừng dưng như nghe nhạc A-rab hay nhạc Ấn độ, một sự dửng dừng dưng tò mò của người ngoại quốc ?
CẢI LƯƠNG LÀ GÌ
Cải lương đối với đông đảo người mình, nhứt là người miên Nam, như là cái gì thuộc về “hơi thở và cuộc sống”. Có thể nói: không có một người miền Nam nào không biết ca vọng cổ, hoặc nhái/nhại theo giọng của một cô đào, anh kép mùi nào đó mà mình ham mộ, như là cách để tự khẳng định mình là “dân Nam kỳ” thứ thiệt!
Cải lương là gì?
Ðất Nam kỳ sớm rơi vào tay Pháp thì người Sài Gòn Gia Ðịnh cũng sớm biết tiếp nhận văn minh Tây Âu, kết hợp hài hòa với văn hóa Việt Nam biến thành cái riêng cho mình. Trong đó, đặc biệt nghệ thuật “Cải lương” dễ cho chúng ta nhìn thấy. “Cải lương” nhìn ở góc độ nghệ thuật, không phải Chèo ở miền Bắc, cũng không như hát Bội của Ðào Tấn ở miền Trung, của Lê Văn Duyệt ở Gia Ðinh và cũng không phải là kịch của Tây. Cải lương là một kết hợp tuyệt vời ba nền nghệ thuật sân khấu Việt-Tàu-Tây, mang dấu ấn của người Nam kỳ lục tỉnh.
Rồi không biết ai đó đặt cho loại hình sân khấu “mới” nầy cái tên là “Cải Lương”. Hai tiếng “cải lương” có nghĩa là “sửa đổi cho tốt hơn”. Cải lương “điệu hát” Chèo, hát Bội cho mới hơn; cải lương cái “sân khấu” chèo-hát bội cho tân tiến hơn, có phông màn; kết hợp với cách phân vai phân cảnh theo lối Tây, sao cho hạp với cách thưởng ngoạn người Việt... Cải lương là vậy đó.
Cải lương ra đời như vậy rõ ràng là bộ môn nghệ thuật cao cấp và “trí thức”. Những bài ca cải lương có chất - giọng - hơi luyến láy, mượt mà, và đặc biệt mỗi khi xuống xề bài vọng cổ ngọt ngào quá... khiến cải lương có sức thâu hút người nghe mãnh liệt, ai nghe/coi cũng mê mệt.
Người ta dùng hai tiếng “mùi mẫn” để nói lên/mô tả tiếng đờn “hòa quyện” tiếng ca, nghe xốn xang trong lòng, làm chạnh nhớ đến kỷ niệm mênh mang nào đó trong đời! Cho nên ai nghe/coi cũng ưa cũng thích. Cải lương tuy là nghệ thuật “trí thức” nhưng nội dung, lời ca mang tánh đại chúng và rất ư là đời thường, “rất người”, nên coi cải lương người ta thấy như/có mình trong đó. Khán giả cải lương khóc sụt sùi là vậy. Cải lương đi vào quảng đại quần chúng đến đổi nhiều người hiểu sai hai chữ “cải lương” là bình dân, là nghệ thuật dành cho lớp người lao động!
“Rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam là của thầy Năm Tú, còn có tên gọi là Pièrre Tú, người xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang. Vốn sanh ra ở vùng đất có truyền thống âm nhạc, nên thầy Năm Tú rất say mê nghệ thuật. Khoảng năm 1917, ông xuất tiền mua lại gánh “Xiết và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thuận (do ông nầy bị thua lỗ) và thành lập gánh hát thầy Năm Tú.
Ông đã tuyển thêm đào kép mới, thuê họa sĩ vẽ tranh phong cảnh để làm phông (Fond), phỏng theo lối trang trí của các rạp hát Tây ở Sài Gòn và mua sắm y phục đẹp cho đào kép. Ðồng thời, ông còn mời Trương Duy Toản - một nhà nho yêu nước, từng hoạt động trong phong trào Duy Tân - để soạn tuồng.
Thầy Năm Tú xây dựng một rạp hát vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho (Chợ Cũ) để hát cho bà con coi chơi. Ðây là rạp hát cải lương đầu tiên ở nước mình. Rạp thầy Năm Tú hiện nay vẫn còn, mang tên là rạp Tiền Giang, tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ, phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Trước kia các gánh hát thường hát ở đình, miếu hoặc che dựng tạm thời, hát xong dẹp bỏ. Nay rạp của thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao, có hệ thống ròng rọc để thay đổi phông màn, hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà, có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển của thầy tuồng (đạo diễn). Rạp có hai từng, ghế chia theo thứ hạng, đặc biệt trên lầu cạnh hai bên sân khấu được chia thành từng “lô” dành cho khách quan trọng (VIP).
Mỗi tối trước khi khai diễn, ông bài ra tiết mục “tableau vivant”, giới thiệu đào kép, giúp khán giả nhìn mặt toàn thể diễn viên của gánh sẽ diễn trong đêm. Có rạp hát cố định, khang trang và hiện đại; lại có tiền và điệu nghệ, trình độ quản lý chặt chẽ nên thâu hút được nhiều đào kép giỏi như Tám Củi, Sáu Nhiêu, Tám Danh, Phùng Há, Năm Châu... Tuồng tích soạn đặc sắc nên gánh hát của ông là một trong những gánh cải lương nổi tiếng nhất lúc bấy giờ.” (Trích: Nhân Vật Miền Nam, Một Thời Vang Bóng của Nam Sơn Trần Văn Chi)
Nhiều người nghĩ sai rằng cải lương chỉ có bài ca vọng cổ. Bài vọng cổ gốc tên là bài “Dạ Cổ Hoài Lang”- Ðêm nghe tiếng trống nhớ tình lang - của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu, là bài ca nòng cốt trong 20 bài tổ của đờn ca tài tử và ca nhạc cải lương.
Bài ca vọng: luyến láy, lên xuống như gió thoảng mây trôi, mượt mà khiến mà người ta quên đi những bài bản vắn khác. Thật ra Cổ nhạc cải lương, như Ca nhạc tài tử mang đủ bốn điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán; và bốn hơi: Xuân, Ai, Ðào, Ngự; chia ra 3 Nam, 6 Bắc; 4 Oán, 7 Bài Ngự...
Vẫn với bản nhạc đó, người ta chỉ thay lời ca làm sao cho phù hợp với tình huống: quan, hôn, tang, tế, biệt ly, thất tình, hay hân hoan... có trong tuồng tích cải lương.
Cải lương xuất thân từ đờn ca tài tử của những con người lưu lạc tứ xứ. Gọi là “tài tử” bởi vì chơi đờn ca tài tử không hạn định thời gian: có thể chơi lúc trưa hè, đêm mưa thanh vắng, giữa giờ giảo lao... không hạn định không gian: có thể chơi nơi lễ nghi, giữa chòi ngoài ruộng, bên góc phố... Gọi là tài tử vì là chơi “giúp vui” - không nhận tiền công. Chơi tài tử bởi vì tánh “điệu nghệ”, bình đẳng, hòa giữa người chơi/với người chơi, người chơi/với người nghe. Người đờn lắm khi phải “rước” người ca và nếu lỡ ca rớt nhịp, ca đâm hơi/ không ăn tiếng đờn... chẳng có ai cười chê bao giờ. Cải lương hải ngoại khởi sắc
Cải lương từ khi ra đời đến những năm trước 1975, có lúc thịnh, có lúc suy. Thế nhưng nó đã sản sanh ra nhiều thế hệ nghệ sĩ mà tài năng của họ đã được khẳng định, mỗi người một vẻ, và họ được khán giả ái mộ. Lớp trước có thể kể như Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Út Trà Ôn, Tám Thưa, Thành Công, Ba Khuê, Sáu Thoàn, Thanh Cao, Văn Ngà, Hữu Phước, Thành Ðược, Út Nhị, Út Hậu, Út Hiền, hề Kim Quang, hề Châu Hí, Tám Vân, Sáu Nhỏ v.v... Các cô đào như cô Ba Kim Anh, Kim Chưởng, Thanh Loan, Thu Ba, Kim Giác, Ngọc Nuôi, Thúy Nga, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Bích Sơn,v.v. Nay có người mất, có người không còn hát nữa!
Sau năm 1975 cùng chung với nghiệt ngã của của dân tộc, nhiều người Việt bấm bụng bỏ nước ra đi, trong đó có nghệ sĩ cải lương. Phần đông nghệ sĩ cải lương nay tựu về quận Cam, California Huê Kỳ.
Khởi đầu “cải lương” ở Little Sài Gòn là hình thức điện thoại vào đài phát thanh để góp tiếng hát với Ban chủ trương như: nghệ sĩ Việt Hùng-Ngọc Nuôi, Dũng Thanh Lâm, Chí Tâm, Phượng Liên... cùng tiến đờn guitare bấy giờ của nghệ sĩ Tám Trí. Những bài ca vọng cổ, bài bản vắn, được nhiều người ưa thích. Rồi bằng những trích đoạn cải lương, Hồ Quảng, tấu hài trong các tổ chức hội hè... làm cho cải lương sống dậy. Bởi nội dung đầy “đạo lý sống” của cải lương trở thành nhu cầu, là nỗi niềm khát khao và ước vọng của người Việt sống xa quê hương.
Mấy năm nay, các nghệ sĩ cải lương (cùng nhiều nghệ sĩ tân nhạc) từ trong nước ồ ạt qua quận Cam với những show hát ở các sòng bạc, các nhà hàng ăn uống, thì cải lương khởi sắc lại ở hải ngoại.
Cải lương diễn trong nhà hàng/restaurant giờ đây như đã định hình. Ðây là loại hình sân khấu mới, sân khấu hạng B, nhưng nhờ tổ chức được nhiều show một năm, gần gũi với khán giả và vừa túi tiền... nên thâu hút nhiều người mê cải lương. Bởi sân khấu lớn loại A như Thúy Nga, Asia, Vân Sơn... hoành tráng nhưng mỗi năm tổ chức trung bình 2 show, không có hoặc rất ít tiết mục cải lương quá. (khán giả sân khấu loại A chọn lọc, hạng có tiền, nhà giàu mới, như sân khấu cải lương Hà Nội đầu thế kỷ XX)
Ai có dự chương trình “Nhạc Hội Mừng Xuân” tổ chức hôm 9 Tháng Ba vừa qua, tại sân khấu nhỏ của nhà hàng Regent West Restaurant mới thấy người Việt mình ở hải ngoại còn mê cải lương lắm!
Nội dung chương trình “Nhạc Hội Mừng Xuân” đêm đó có thi ca vũ nhạc kịch, tân nhạc... giống như sân khấu Sài Gòn trước 1975; đặc biệt đêm diễn có phân nửa tiết mục là cổ nhạc cải lương. Ðây là dụng ý của nghệ sĩ MC Ðỗ Thanh, người thường xuyên tổ chức thành công loại hình cải lương trên sân khấu Restaurant ở quận Cam gần đây. Người MC nầy mấy năm gần đây về nghệ thuật “gắn bó” với Trung Tâm Thúy Nga nên được khán giả tin cậy (?)
Các nghệ sĩ cải lương hải ngoại có mặt trong đêm diễn như Tài Linh, Bình Trang, Yến Linh qua các bài ca vọng cổ; Thanh Kim Mỹ-Duy Tâm trong “Ngô Phù Sai”, loại tuồng hồ quảng đầy màu sắc; Hoài Trúc Linh, Bình Trang, Kim Xuân Lan trong trích đoạn “Lâm Sanh Xuân Nương” loại tuồng cổ Việt Nam... tất cả đều làm vừa lòng khán giả mộ điệu. Cái đinh của đêm diễn là “hề Văn Hường”. Người nghệ sĩ hải cải lương nầy được khán giả “mê” lắm, không phải vì cái nghề chọc cười mà là vì kiểu ca vọng cổ của anh. Văn Hường ca vọng cổ vui tươi (thay vì mùi-buồn) và độc đáo nhờ anh có kiểu xuống xề “Hự hư hừ...” mà nay trở thành “thương hiệu Văn Hường”. Ðêm đó Văn Hường phải tựa tay vào cánh gà để hát hết bài “Tư Ếch đại náo Văn Hường”, nhưng giọng ca của anh vẫn đạt. Dứt câu, khán giả chạy ùa lên sân khấu “bủa xua” và tặng tiền cho anh...
Kết thúc đêm diễn bằng trích đoạn Hồ Quảng “Ðổng Trác-Ðiêu Thuyền” do các ngôi sao cải lương Ngọc Giàu, Phượng Liên, Bảo Quốc, cùng nghệ sĩ kịch Mai thế Hiệp. Khản giả không muốn ra về. Họ ngưỡng mộ nghệ sĩ, các ngôi sao nầy, hay vì ma lực của cải lương? Có thể vì cả hai.
Cải lương đúng như có ma lực, hấp dẫn và làm “say đắm” gần 500 con người trong đêm diễn. Cải lương quả khó lòng “phôi pha” trong tâm hồn, tình cảm của con người xa xứ. Quả đúng như lời của soạn giả cải lương Lê Hoài Nở, trong hồi ký của nghệ sĩ Bảy Nam “Trôi theo dòng đời”: “Sân khấu cải lương như cái đạo, có cái gì đó rất thiêng liêng, cao đẹp, nói lên tiếng nói của tâm hồn, ước vọng đạo đức của con người. Nó không phải là một nghề như buôn bán, và nếu nhờ đi hát mà có cơm ăn áo mặc thì cũng chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi”.