PDA

View Full Version : Y - Yêu người thân cận



Dan Lee
07-09-2010, 11:57 PM
YÊU NGƯỜI THÂN CẬN

Bài Tin Mừng ngày 11/7/2010 (CN XV/TN-C – Lc 10, 25-37) tường thuật câu chuyện một người thông luật hỏi thử Đức Giê-su xem điều răn nào trọng nhất trong Luật Mô-sê ? Thay vì trả lời, Đức Giê-su lại hỏi ngược lại để chính người thông luật tự trả lời : "Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." (Lc 10, 28). Theo lẽ thường tình, thì người thân cận được hiểu là những người yêu thương gần gũi thân thiết như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng, bạn bè … (như trong từ “thân nhân” vẫn thường dùng). Có lẽ cũng chính vì thế, nên người thông luật muốn ra vẻ ta đây là người “thông luật” và "… muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : "Nhưng ai là người thân cận của tôi? " (Lc 10, 29). Đức Giê-su liền kể một câu chuyện và từ câu chuyện ấy, Người lại đặt câu hỏi để chính người thông luật tự tìm ra định nghĩa trả lời cho câu hỏi của mình.

Như vậy, “người thân cận” trong dụ ngôn của Đức Ki-tô không phải là họ hàng máu mủ ruột thịt, mà lại là một người xa lạ, một người bất chợt gặp trên đường đời. Nghe ra có vẻ nghịch lý, bất bình thường (một người chưa hề quen biết, bất chợt gặp trên đường mà lại được coi là “thân cận” ư ?). Tuy nhiên, nếu suy cho cùng, thì sẽ thấy là mặc dù sống gần gũi nhau nhưng chưa chắc cha mẹ, vợ chồng, anh em bè bạn đã thật sự thân thiết với nhau, nếu chưa thật sự yêu thương nhau. Chính Chúa Giê-su cũng nói : "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi." (Mt 13, 57 ), “Kẻ thù của mình chính là người nhà.” (Mt 10, 36); và khi nói về cha mẹ, anh em, họ hàng, thì Người dạy : "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi." (Mt 12, 48-50). Đến ngay như vợ chồng đầu gối tay ấp, cũng không thiếu những trường hợp “đồng sàng, dị mộng” (chung giường, khác mộng), huống hồ…

Đức Ki-tô rất hay dùng cách nói mà ngày nay thường coi là biện pháp nghệ thuật đắc dụng, đó là biện pháp “tương phản” (nói trái với ý chính để làm nổi bật ý chính – vd : "Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” – Mt 10, 34-36) ; “ám tỉ” (so sánh ngầm, vd : "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men." – Mt 12, 33) ; “ẩn dụ” (ví ngầm, vd : "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được." (Mt 13, 31-32). Và trong dụ ngôn “Người Sa-ma-ri tốt lành” cũng vậy, Đức Ki-tô muốn cho người nghe hiểu được chỉ có những người sống trong Tình Yêu mới thật sự là người thân cận với nhau. Nhiều lắm những Lời dạy chí tình chí nghĩa của Người Thầy chí thánh minh hoạ cho chân lý Tình Yêu.
Đông phương học xưa cũng từng truyền tụng “Tứ hải giai huynh đệ “ (Người trong bốn bể thật là anh em), “Ái nhân như ái thân “ (Yêu người như yêu chính bản thân mình). Vâng, chính Thánh Phao-lô cũng đã khẳng đinh trong thư gửi tín hữu Ga-lat : “... hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình “ (Gl 5, 13-14). Như vậy, để được coi là thân cận, yêu thương, gần gũi, gắn bó với nhau, phải là những người sống với nhau bằng tình bác ái. Làm công việc tông đồ bác ái là làm những việc thể hiện được tình yêu bao la của Thiên Chúa, thể hiện được chính vị Chúa Tình Yêu đã hy sinh cả tính mạng cho người mình yêu. Đối tượng để thực thi bác ái không giới hạn trong phạm vi gia đình hay quốc gia, mà là tất cả những người cùng khổ, hoạn nạn, bệnh tật, nghèo đói trên thế giới. Đức Ki-tô thường răn dạy : “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 46-48).

Tháng 7 hàng năm đối với Dòng Đa Minh là tháng làm công tác tông đồ bác ái, vì thế nên quen gọi đó là tháng Bác ái Đa Minh. Thực ra thì công việc làm tông đồ bác ái chính là sứ vụ của mọi Ki-tô hữu, và đối với Dòng Đa Minh thì đó là một trong bốn trụ cột của Tinh thần Dòng (Cầu nguyện – Hiệp thông huynh đệ – Học hỏi – Tông đồ bác ái). Đã gọi là sứ vụ thì phải là hoạt động chính thức, thường xuyên, trường kỳ, không giới hạn vào một thời điểm nhất định nào cả. Sở dĩ đặt vào một thời điểm cụ thể là tháng 7 hàng năm, cũng chỉ nhằm mục đích nhắc nhở, động viên anh chị em đoàn viên nhớ đến trách vụ của mình.

Tháng bác ái Đa Minh nhắc nhở người Giáo dân Đa Minh hãy noi gương chính vị Tổ phụ " Tôi không thể học trên những tấm da chết đang khi chung quanh tôi có biết bao nhiêu người đang chết đói" (xc "Thánh Đa Minh – Tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo") . Ngài nói câu này khi quyết định đem bán tập sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu + tập Thư của thánh Phao-lô, kể cả một cuốn chú giải Kinh Thánh của cha thánh nữa, để có một số tiền giúp đỡ kẻ nghèo khó. Với cha thánh, bộ sách nêu trên là cả một gia tài quý báu, vậy mà ngài đã sẵn sàng bán đi để làm việc khác có ích lợi thiết thực hơn. Tinh thần bác ái Đa Minh phải là như vậy, chớ không thể là những tấm biểu ngữ, những khẩu hiệu phô trương, hoặc những hành động máy móc, những lời nói " đầu môi chót lưỡi" ( "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm" – 1Ga 3, 18 ; "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy... Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen... Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh" – Mt 6, 1-4).

Nhân tháng bác ái Đa Minh, xin phép được trích dẫn Thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma, để kết thúc bài viết này : "Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người." (Rm 12, 9-18).

JM. Lam Thy ĐVD.