Phuong12
07-10-2010, 07:34 AM
Năm đó tôi tròn mười sáu, bước vào tuổi mười bảy. Trượt đại học. Chả yêu đương gì. Còn ăn bám gia đình và tương lai mù mịt, chỉ còn biết học ôn thi năm sau thi tiếp.
Tôi ở tỉnh lẻ nên gia đình thu xếp cho về nhà ông bác sống nhờ và đi học. Gia đình bác tôi ở thành phố, trong khu nhà tạm cấp bốn xây từ thời chiến tranh, nó là khu lao động nghèo, cơi nới gác xép lộn xộn đủ kiểu.
Trên căn gác nhỏ hồi đó tôi hay nghe nhạc văng vẳng đâu đó từ hàng xóm vọng lại. Qua ô cửa sổ tôi hay thẫn thờ nhìn ra những dãy nhà nhấp nhô trải dài dưới ánh đèn cao áp nhợt nhạt, buồn bã vô cùng.
Chả có gì khác để nhìn ngắm. Và nhạc nữa, làm quái gì có lựa chọn nào khác, hàng xóm nghe gì tôi nghe nấy.
Buổi tối, thường là sau khi học hành chán chê, nghe nhạc chán, hoặc khi hàng xóm bỗng dưng tắt đài - Những lúc đó thường tôi mò ra đầu phố, nơi ấy có một “cô hàng cà phê”. Cái quán cà phê này cũng lạ kỳ, nó nửa như quán nước vỉa hè, điều quan trọng là nó có một chiếc cassette suốt ngày rền rĩ nhạc vàng.
Nhà đó có hai chị em, cô chị chừng đôi mươi, cô em chừng đôi tám, tôi không rõ lắm. Bà mẹ bán hàng phở đêm ngoài ngã tư trên phố rất ít khi thấy mặt. Ông bố đi tù. Cô em thì đua đòi đám bạn tối ngày mất dạng, thành thử cô chị bán hàng cà phê một mình làm tất tật mọi việc trong nhà, tôi tha hồ tán tỉnh. Lúc thì tôi thu dọn hàng hộ cô, lúc thì đập đá hộ, nói chung là mấy việc lặt vặt.
Xóm lao động nghèo bấy giờ chủ yếu là dân đạp xích lô, chạy chợ, một số người nơi khác đến mua đất mua nhà, dân tứ chiếng lô đề, nghiện ngập... Cô hàng cà phê sinh ra ở đó, ít nói và có lối im lặng lầm lì rất khiếp.
Mấy thằng đầu gấu không hiểu sao mặc dù hay thích chọc ghẹo chớt nhả nhưng lại rất ngán cô. Tôi không sinh ra ở đó, nhưng có chút vẻ nghệ sĩ vì đi học vẽ để tóc dài, lại được tiếng là trí thức, nên giữa cái đám hổ lốn ấy tôi như đến từ một thế giới khác.
Tôi còn nhớ ánh mắt lần đầu mà cô hàng cà phê ấy nhìn tôi, nó lạnh lẽo băng giá. Nhưng tôi và cô ta đều biết có điều gì đó đã xảy ra. May mà có Tuấn Vũ. Vâng, tôi có thể nói như thế.
Trời ạ! Cô nàng mê cái anh chàng ca sĩ nom có lúc như con khỉ ấy. Cô ta suốt ngày mở Tuấn Vũ, đâm ra lây nốt sang tôi. Với vài đồng lẻ, tôi đốt vài điếu thuốc, uống chén trà, nghe vài bài hát, lơ đãng ngắm cô hàng cà phê... Cuộc đời nhẹ như đám mây trôi.
Phải đến cả tuần, cả tháng tôi mới cậy được răng cô ta, với mấy câu cụt lủn: “Uống gì?” hoặc “Thuốc không?” Đám thanh niên vô công rồi nghề xăm trổ đầy mình suốt ngày đêm ngồi đó, bọn chúng dần dần thôi thái độ dè chừng và kẻ cả đối với tôi. Vì xét cho cùng, tôi cũng rỗi hơi như bọn chúng.
Thường thì tôi cứ đờ đẫn ngồi quán nghe nhạc, chả thiết gì để ý đến ai, trừ cô hàng cà phê. Cô ta đẹp, rất đẹp là đằng khác! Vẻ đẹp, cùng sự cam chịu lạnh lẽo của cô ta, là một sự khiêu khích lạ kỳ.
Vẻ đẹp ẩn giấu đằng sau sự nghèo khổ, những va chạm và ghẻ lạnh hằng ngày của những kẻ khốn cùng. Có một điều phi lý là bà mẹ cô ta kiếm tiền có quỹ riêng để chơi họ hụi, cấm bao giờ có chi một hào cho gia đình.
Con em gái cô ta bỏ học, nó chỉ biết phá phách và chơi bời. Tất tật chi tiêu mua sắm trong nhà cho đến thăm nom ông bố tù tội, một mình cô lo toan.
Chỉ với vài hành động nhỏ của tôi giúp cô hàng cà phê đủ để khiến cô ta có một thiện cảm nhất định. Vài ánh mắt chạm nhau. Vài cái thở dài như luyến tiếc gì đó khi đêm muộn tôi ra về.
Nhiều lần tôi thử chớt nhả như bọn thanh niên vẫn làm, bóng gió đến những chuyện tục tĩu, tôi thấy ánh mắt dò hỏi của cô ta. Đôi mắt lãnh đạm và thờ ơ. Thực ra tôi như tờ giấy trắng, đã biết cái quái gì đâu, tôi mới sang tuổi mười bảy.
Tôi vẫn đỏ mặt mỗi khi cô ta cúi xuống để lộ ra vùng ngực trắng đầy đặn. Tôi mơ mộng lắm, từ lúc nào không rõ tôi chỉ nghĩ về cô ta, tôi yêu cả những thói xấu, cả cái lối văng tục của cô ta, cái cặp tóc rẻ tiền, hay thị hiếu tầm thường của cô, như cái bàn tay đeo đầy nhẫn vàng, rồi cái dây chuyền Nga đang là mốt khi đó nữa...
Đôi mắt cô ta rất đẹp, như mặt nước hồ trên núi, lạnh lẽo và sâu thẳm. Đôi môi mỏng luôn mím chặt. Khuôn mặt cô ta hơi gầy, gò má cao, với mớ tóc mai luôn rối lòa xòa.
Tôi thích ngắm cái eo lưng thon thả mỗi khi cô ta quay lưng đi vấn tóc. Cái cổ, ôi cái cổ cao muốn cắn chết đi được! Cô ta biết hết, và rất hay quay đi mỗi khi vấn tóc.
Tôi không dám chắc, tôi không tự tin. Tôi là gì nào? Một gã học trò thất bại. Tôi hay để dành tiền mua những chiếc băng cassette mang đến nghe nhờ, rồi để lại luôn ở đấy.
Cô ta biết chứ, biết hết. Cô ta im lặng, mỉm cười. Cô ta rất ít cười. Tôi mang cây đàn ghi ta sang để ở quán nước, thi thoảng ôm đàn hát. Tôi thấy cô ta lắng nghe.
Một đôi lần, cô ta đưa tôi cốc nước, mấy ngón tay chạm nhau. Cả hai tảng lờ. Rồi có những đêm muộn tôi cứ nấn ná không chịu về. Cuối cùng cả hai thở dài. Chẳng có gì xảy ra hết.
Gia đình ông bác phong phanh biết tôi hay luẩn quẩn quán nước ấy thì dọa: “Nhà ấy toàn trộm cướp đĩ điếm đừng có dây vào!”. Tôi không biết nói sao nữa chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Cái con em gái cô ta thì quả thật hư hỏng đàng điếm, luôn luôn thấy đi chơi qua đêm với mấy thằng choai choai con nhà giàu.
Hồi đó trong mắt tôi thấy ai đi xe Honda DD đỏ ớt là giàu lắm rồi. Thường là đoán già đoán non dân đi Đức về. Một đám toàn quần bom Alibaba áo cánh dơi xanh xanh đỏ đỏ.
Con bé này đang dậy thì mơn mởn là thế mà phấn son cứ gọi là choe choét, mắt xanh lè, nhìn như con gấu trúc bên Trung Quốc vậy. Cô chị thì tuyệt nhiên không bao giờ son phấn, dưới một dáng vẻ cam chịu đến vô lý.
Rất nhiều lần tôi chứng kiến hai chị em nhà này chửi nhau. Con em sau khi cãi lộn thường là ăn một hai cái tát thẳng cánh từ cô chị, nó văng tục và tru tréo lên rồi bỏ nhà đi mấy hôm liền. Cô chị lầm lì mặt mũi càng cô hồn.
Tôi rất thương cô ta. Tôi hay tìm cách an ủi cô ta. Nhưng tôi không dám đi xa hơn. Bà mẹ thi thoảng hay nhìn tôi lom lom, như muốn ăn tươi nuốt sống tôi vậy. Có hôm bà ta hỏi: “Mày là thằng nào?”. Tôi khó khăn lắm mới có thể cho bà ta hiểu tôi từ đâu đến, tôi đang ở đâu, làm gì...
Nhưng chỉ vài hôm sau bà ta lại quên béng mất, lại soi mói: “Mày là thằng nào?”. Có vài lần tôi muốn tranh thủ tình cảm của bà ta, dẫn mấy thằng bạn cùng ôn thi đến quán phở đập phá một trận tơi bời.
Mấy thằng đến cứ gọi là hoành tráng lắm, toàn phở bò tái chín kẹp đôi trứng, chân gà luộc, rượu cuốc lủi uống như đúng rồi... Tôi thì cứ: “U ơi cho con cái này, cho con cái kia...” cứ như thân quen lắm, rồi hớn hở khoe với mấy thằng bạn: “U ơi con là con dê cụ của U đúng không?”.
U quay lại nhìn tôi dửng dưng: “Mày là thằng chó nào? Mày lấy con đĩ rạc ấy để mà ăn mày à? Suốt ngày đêm đú đởn vũ trường” – Bà ta tưởng tôi nói đến con em, và chả nhớ tôi là ai. Bà ta cho tôi một gáo nước lạnh vào đầu, làm tôi mất mặt với đám bạn.
“Quan trọng chó gì! Chén mẹ nó cả hai chị em nhà nó đê!” - Thằng bạn tôi nói sau khi nghe tôi trút bầu tâm sự. Tôi không buồn giận thằng bạn vì đã coi thường cái mà tôi cho là tốt đẹp và đáng trân trọng giữa tôi và cô chị. Tôi cứ kể huyên thuyên về những mơ mộng của tôi.
Lẽ ra tôi sẽ mãi mãi khờ dại như vậy, nhưng cuộc đời thì chả cho ai đứng lại bên lề cả. Hôm đó tôi đi học vẽ về, mượn được của con gái ông họa sỹ cuộn băng “Cây đàn bỏ quên” rất hay.
Tôi hí hửng mang ra cô hàng cà phê như thường lệ, đến nơi tôi thấy một đám người xúm đông xúm đỏ. Bà mẹ vỡ họ hụi gì đó đã bỏ trốn, bọn đầu gấu đến xiết nợ, nhà cửa chả còn cái gì.
Chiếc đài Sony màu đỏ hai cửa băng bị tịch thu đầu tiên, thiếu chút nữa bọn đâm thuê chém mướn biến “Cây đàn bỏ quên” của tôi thành “Đập vỡ cây đàn”. May sao cô ta giằng co giữ lại được, nó chỉ là một cây đàn rẻ tiền.
Lúc tôi đến, bọn xiết nợ đã đi rồi, nhà cửa trống không, mấy cái nhẫn vàng trên tay cô ta cũng biến mất. Bà mẹ thì bỏ trốn từ tuần trước.
Cô ta ngồi đó, giữa căn nhà tan hoang. Cô ta ngồi đó thẫn thờ, nhưng đôi mắt bình thản nhìn tôi, không có vẻ gì yếu đuối. Cô ta không cần tôi an ủi. Vì tôi chỉ là một gã oắt con vô tích sự.
Tôi cứ đi loanh quanh và nói những lời vô nghĩa. Tôi hỏi đi hỏi lại những câu ngu ngốc. Cô ta cứ ngồi đó ôm đàn im lặng nhìn tôi. Sau cùng, cô ấy đứng dậy trả lại tôi cây đàn. Cô ấy dọn dẹp nhà cửa, nhẫn nại hốt sạch những mảnh bát đĩa cốc chén vỡ, rồi tiếp tục bán hàng, như không có chuyện gì xảy ra.
Cả ngày hôm ấy tôi cứ loanh quanh giúp cô ấy mấy việc vặt vãnh. Chả còn đài mà nghe nhạc. Chẳng còn gì nữa. Tôi cũng không thể ôm đàn nghêu ngao hát như mọi ngày. Tôi đâm sợ cái vẻ im lặng của cô ta. Rốt cuộc chính tôi cũng im bặt.
Cho đến tối, khi đã muộn, tôi thu dọn bàn ghế cho cô ta rồi định nói cái gì đó an ủi, tôi không nhớ đã nói gì nữa. Khi tôi quay lưng lại bước ra cửa, cô ta túm chặt lấy vạt áo tôi.
Lợi dụng sự mềm yếu của cô ta thì hèn hạ quá, tôi nghĩ vậy và cứ đứng yên giây lát không biết phải làm sao. Nhưng thế rồi tôi đã với tay chốt cửa. Tôi tắt đèn.
Mối tình vụng dại của tôi là như thế đó. Có nhiều những mơ mộng kiểu nhạc sến. Tôi đã rất hạnh phúc những ngày tháng đó, tôi vẽ ra tương lai, tôi tin vào sự vĩnh cửu và sức mạnh của tình yêu.
Dành dụm tiền, tôi và cô ta mua một chiếc đài cassette cũ gần giống chiếc đài bị xiết nợ. Nhưng nó hay bị rối băng, nghe rất chán, chỉ có hai cần gạt Equailizer chứ không phải năm cái như chiếc đài khi xưa.
Nhưng mà khi ấy thì cần quái gì hơn nữa chứ, tôi như một kẻ đang sống trong một giấc mơ, tôi đang bay, khi mà đêm ngày vụng trộm với cô hàng cà phê. Tôi xao nhãng học hành và có nguy cơ trượt đại học năm nữa.
Phải nói thật là cô hàng cà phê của tôi bỏ học từ hết cấp II, chả mấy để ý đến việc học của tôi. Tôi vẽ cho cô ta mấy bức chân dung bằng chì than, theo kiểu truyền thần ấy, như thế đối với cô ta đã là một điều hạnh phúc quá lớn lao, không cần gì hơn.
Còn tương lai, than ôi! - Nó chỉ là những điều tôi mơ mộng và hứa hẹn. Cô ta đã tin tôi, đã tin tưởng tôi biết bao.
Gia đình tôi biết phong thanh về chuyện tôi hay sa đà cà phê cà pháo xao lãng học hành. Ông bác tôi răn đe mấy lần, khiến tôi cũng lo sợ về chuyện thi cử. Hai tháng cuối tôi cắm đầu vào học.
Tôi suy nghĩ nghiêm túc hơn về tương lai, tôi hiểu lờ mờ một điều là nếu tôi không có tiền, không có bản lĩnh đâm thuê chém mướn, cờ bạc lô đề và lừa đảo, không có đủ sức khỏe để đạp xích lô hay làm cửu vạn như dân xóm liều này... thì con đường duy nhất là tôi phải học hành cho đến nơi đến chốn.
Nếu việc đó mà cũng không xong thì trong con mắt cô ta tôi chẳng còn là cái gì nữa. Tôi cũng biết giữa tôi và cô ta có cái mà người ta vẫn gọi là một “hố ngăn cách sâu hoẳm” - khác biệt từ xuất thân cho đến nhận thức này nọ.
Nhưng thây kệ, tôi không muốn nghĩ quá xa. Tôi có đôi lần thử gợi ý về chuyện cuộc sống sẽ tốt hơn nếu cô ta thay đổi tí chút, ví dụ như đi học thêm cho có nghề có ngỗng, hay xin đi làm tạp vụ vớ vẩn ở cơ quan nào đấy mà chính tôi cũng chỉ lơ mơ hình dung... Những lúc đó thường là kết thúc bằng những chuyện cãi cọ giận hờn.
Rồi thì tôi đỗ đại học. Trong mấy tháng hè chờ gọi vào nhập học, tôi về quê thăm gia đình, tranh thủ đi làm thêm lấy tiền ăn học. Tôi có hẹn cô ta khi về thành phố sẽ xây một “Lâu đài tình ái” - một tương lai sáng sủa kiểu võng anh đi trước võng nàng theo sau vậy.
Tôi muốn kiếm tiền trong thời gian ngắn ngủi còn lại, như muốn tin vào phép màu vậy. Tôi muốn dành cho cô ta một sự bất ngờ. Tôi hy vọng với số tiền kiếm được tôi sẽ thay đổi cuộc sống cam chịu và vô vọng của cô ta. Tôi thật ngây thơ làm sao!
Nhưng chính tôi mới là kẻ bị bất ngờ. Khi tôi trở về sau mấy tháng hè, hàng cà phê không còn nữa. Bằng cách nào đấy bà mẹ cô ta đã bán nốt ngôi nhà. Họ biến mất.
Không một ai biết họ đi đâu. Tôi như phát điên phát rồ. Tôi suy sụp và tỏ ra không còn tin vào cái gì nữa, như một kẻ thất tình vẫn tỏ ra. Hồi đó không có điện thoại như bây giờ nên mấy tháng hè tôi chẳng có tin tức gì. Như thể nhận một cái tát phũ phàng, tôi tê dại và đắm chìm trong những suy đoán.
Gia đình ông bác tôi nói rằng cô ta có đến hỏi thăm tin tức của tôi, nhưng sau đó không thấy đến nữa. Tấn bi kịch của gia đình đó rồi dần dần bị thiên hạ lãng quên.
Sau khi tôi đỗ đại học, gia đình tôi quyết định mua một căn nhà nhỏ gần giống như chỗ ông bác tôi, nhưng ở tít tận đầu kia thành phố. Tôi chuyển về căn nhà mới, sự giống nhau của căn gác xép áp mái, rồi chiếc đài nhà hàng xóm với những bài hát cũ lại hành hạ tôi đêm đêm.
Trên mái ngói người ta có thay mấy viên ngói bằng một tấm kính nhỏ lấy ánh sáng, những đêm khuya sáng trăng tôi nằm trên gác xép, ánh trăng rọi qua cái ô kính ấy soi cả vào tôi. Tôi cứ thao thức cho đến sáng xem ánh trăng ấy di chuyển khắp căn gác.
Tôi trở lại cân bằng khá nhanh sau khoảng thời gian u buồn khủng hoảng. Tôi dần dần quên cô hàng cà phê. Tôi gặp những cô bé sinh viên xinh xắn, có học thức, điệu đà, con nhà gia giáo, chợt thấy có lẽ trong cái rủi đâm ra lại là may mắn cho tôi.
Lẽ nào tôi lại gắn bó suốt cuộc đời này với một người đàn bà thất học, chênh lệch và khác biệt với tôi về mọi thứ đến vậy?
Hãy nhìn bà mẹ cô ta kìa, chính là hình ảnh của cô ta đôi ba chục năm sau đó thôi. Tôi bắt đầu tập tành nghe Pink Floyd, Beatles, những thứ nhạc thời thượng của sinh viên.
Cho đến một hôm tan học, tôi sững sờ thấy cô ta đứng đợi ở cổng trường. Trông cô ta gầy hơn xưa, mái tóc thưa lòa xòa che khuôn mặt. Đám bạn trai và bạn gái cùng lớp tôi trêu: “Bạn gái à? Giới thiệu đi chứ!”.
Tôi lúng túng ngượng ngập: “Đâu có, em họ tao ấy mà”. Tôi đã xử sự khốn nạn như thế đấy. Tôi nhận thấy trong đôi mắt cô ta sự thất vọng và hụt hẫng, cô ta mong đợi giây phút này bao nhiêu thì tôi lại ghẻ lạnh bấy nhiêu.
Tôi gượng gạo đưa cô ta đi chơi, tôi đóng kịch, tỏ ra giận dỗi về chuyện cô ta bỏ đi mà không thèm nhắn lại gì. Cô ta giải thích, với cái cách nói cụt lủn của mình, và tôi bỗng không thể nào chịu nổi cái lối ăn nói ấy, tôi cáu kỉnh.
Cô ta im lặng, nhưng đôi mắt ngân ngấn nước. Không, cô ta không khóc. Nếu cô ta khóc, có lẽ mọi chuyện đã khác. Khi chia tay nhau, cô ấy không hề ngoái đầu lại. Tôi nhìn theo thở dài. Mặc dù cô ấy tủi hờn bước đi, cô ấy vẫn rất đẹp.
Tôi nhớ lại những giây phút êm đềm lãng mạn, những kỷ niệm vặt vãnh trong khu phố tồi tàn ngày xưa, tôi lại nhớ đến những đau đớn mà cô ta đã khiến tôi trải qua, mà tôi cho là không thể tha thứ, những điều mà tôi cố tin vào nó. Tôi không muốn tin vào sự thật là mình xấu hổ vì có một người yêu như cô ta.
Sau đấy có một vài lần nữa cô ta đến tìm tôi. Cũng có lúc tôi yếu lòng, tôi ban phát một chút cuối cùng cái gọi là tình yêu cho cô ta. Lần cuối cùng gặp nhau tôi nói như hụt hơi: “Anh có bạn gái mới rồi, đừng đến tìm anh nữa!”
Tôi tránh mặt cô ta. Và tôi thực sự quên cô ta. Tôi chạy theo những cô gái khác, toàn những chuyện dở dang không đầu không cuối. Cô ta nghe đâu về sau rồi cũng lấy chồng, một gã nghiện, sau đó tôi bặt tin tức về cô ta. Tôi ra trường, đi làm, lấy vợ, vợ tôi sinh con đẻ cái. Rồi sao nữa?
Chả sao cả. Câu chuyện chỉ có vậy. Rồi tôi và cô ta, tất cả chúng ta, cả cái thế giới này nữa, tất cả sẽ trở nên già nua, sẽ ra đi vào một ngày mưa hay một ngày nắng. Đời người là vậy đó. Ngắn ngủi.
Nhưng mãi về sau này, mỗi khi tình cờ nghe lại một bản nhạc vàng cũ kỹ nào đó, tôi lại chợt nhớ về khu phố nghèo ngày xưa, tôi lại nhớ đến cô gái ấy – Cô gái mà tôi đã ruồng bỏ.
* Truyện xuất phát từ cảm hứng với tác phẩm cùng tên của nhà văn Shusaku Endo.
Theo Tương Như
Tôi ở tỉnh lẻ nên gia đình thu xếp cho về nhà ông bác sống nhờ và đi học. Gia đình bác tôi ở thành phố, trong khu nhà tạm cấp bốn xây từ thời chiến tranh, nó là khu lao động nghèo, cơi nới gác xép lộn xộn đủ kiểu.
Trên căn gác nhỏ hồi đó tôi hay nghe nhạc văng vẳng đâu đó từ hàng xóm vọng lại. Qua ô cửa sổ tôi hay thẫn thờ nhìn ra những dãy nhà nhấp nhô trải dài dưới ánh đèn cao áp nhợt nhạt, buồn bã vô cùng.
Chả có gì khác để nhìn ngắm. Và nhạc nữa, làm quái gì có lựa chọn nào khác, hàng xóm nghe gì tôi nghe nấy.
Buổi tối, thường là sau khi học hành chán chê, nghe nhạc chán, hoặc khi hàng xóm bỗng dưng tắt đài - Những lúc đó thường tôi mò ra đầu phố, nơi ấy có một “cô hàng cà phê”. Cái quán cà phê này cũng lạ kỳ, nó nửa như quán nước vỉa hè, điều quan trọng là nó có một chiếc cassette suốt ngày rền rĩ nhạc vàng.
Nhà đó có hai chị em, cô chị chừng đôi mươi, cô em chừng đôi tám, tôi không rõ lắm. Bà mẹ bán hàng phở đêm ngoài ngã tư trên phố rất ít khi thấy mặt. Ông bố đi tù. Cô em thì đua đòi đám bạn tối ngày mất dạng, thành thử cô chị bán hàng cà phê một mình làm tất tật mọi việc trong nhà, tôi tha hồ tán tỉnh. Lúc thì tôi thu dọn hàng hộ cô, lúc thì đập đá hộ, nói chung là mấy việc lặt vặt.
Xóm lao động nghèo bấy giờ chủ yếu là dân đạp xích lô, chạy chợ, một số người nơi khác đến mua đất mua nhà, dân tứ chiếng lô đề, nghiện ngập... Cô hàng cà phê sinh ra ở đó, ít nói và có lối im lặng lầm lì rất khiếp.
Mấy thằng đầu gấu không hiểu sao mặc dù hay thích chọc ghẹo chớt nhả nhưng lại rất ngán cô. Tôi không sinh ra ở đó, nhưng có chút vẻ nghệ sĩ vì đi học vẽ để tóc dài, lại được tiếng là trí thức, nên giữa cái đám hổ lốn ấy tôi như đến từ một thế giới khác.
Tôi còn nhớ ánh mắt lần đầu mà cô hàng cà phê ấy nhìn tôi, nó lạnh lẽo băng giá. Nhưng tôi và cô ta đều biết có điều gì đó đã xảy ra. May mà có Tuấn Vũ. Vâng, tôi có thể nói như thế.
Trời ạ! Cô nàng mê cái anh chàng ca sĩ nom có lúc như con khỉ ấy. Cô ta suốt ngày mở Tuấn Vũ, đâm ra lây nốt sang tôi. Với vài đồng lẻ, tôi đốt vài điếu thuốc, uống chén trà, nghe vài bài hát, lơ đãng ngắm cô hàng cà phê... Cuộc đời nhẹ như đám mây trôi.
Phải đến cả tuần, cả tháng tôi mới cậy được răng cô ta, với mấy câu cụt lủn: “Uống gì?” hoặc “Thuốc không?” Đám thanh niên vô công rồi nghề xăm trổ đầy mình suốt ngày đêm ngồi đó, bọn chúng dần dần thôi thái độ dè chừng và kẻ cả đối với tôi. Vì xét cho cùng, tôi cũng rỗi hơi như bọn chúng.
Thường thì tôi cứ đờ đẫn ngồi quán nghe nhạc, chả thiết gì để ý đến ai, trừ cô hàng cà phê. Cô ta đẹp, rất đẹp là đằng khác! Vẻ đẹp, cùng sự cam chịu lạnh lẽo của cô ta, là một sự khiêu khích lạ kỳ.
Vẻ đẹp ẩn giấu đằng sau sự nghèo khổ, những va chạm và ghẻ lạnh hằng ngày của những kẻ khốn cùng. Có một điều phi lý là bà mẹ cô ta kiếm tiền có quỹ riêng để chơi họ hụi, cấm bao giờ có chi một hào cho gia đình.
Con em gái cô ta bỏ học, nó chỉ biết phá phách và chơi bời. Tất tật chi tiêu mua sắm trong nhà cho đến thăm nom ông bố tù tội, một mình cô lo toan.
Chỉ với vài hành động nhỏ của tôi giúp cô hàng cà phê đủ để khiến cô ta có một thiện cảm nhất định. Vài ánh mắt chạm nhau. Vài cái thở dài như luyến tiếc gì đó khi đêm muộn tôi ra về.
Nhiều lần tôi thử chớt nhả như bọn thanh niên vẫn làm, bóng gió đến những chuyện tục tĩu, tôi thấy ánh mắt dò hỏi của cô ta. Đôi mắt lãnh đạm và thờ ơ. Thực ra tôi như tờ giấy trắng, đã biết cái quái gì đâu, tôi mới sang tuổi mười bảy.
Tôi vẫn đỏ mặt mỗi khi cô ta cúi xuống để lộ ra vùng ngực trắng đầy đặn. Tôi mơ mộng lắm, từ lúc nào không rõ tôi chỉ nghĩ về cô ta, tôi yêu cả những thói xấu, cả cái lối văng tục của cô ta, cái cặp tóc rẻ tiền, hay thị hiếu tầm thường của cô, như cái bàn tay đeo đầy nhẫn vàng, rồi cái dây chuyền Nga đang là mốt khi đó nữa...
Đôi mắt cô ta rất đẹp, như mặt nước hồ trên núi, lạnh lẽo và sâu thẳm. Đôi môi mỏng luôn mím chặt. Khuôn mặt cô ta hơi gầy, gò má cao, với mớ tóc mai luôn rối lòa xòa.
Tôi thích ngắm cái eo lưng thon thả mỗi khi cô ta quay lưng đi vấn tóc. Cái cổ, ôi cái cổ cao muốn cắn chết đi được! Cô ta biết hết, và rất hay quay đi mỗi khi vấn tóc.
Tôi không dám chắc, tôi không tự tin. Tôi là gì nào? Một gã học trò thất bại. Tôi hay để dành tiền mua những chiếc băng cassette mang đến nghe nhờ, rồi để lại luôn ở đấy.
Cô ta biết chứ, biết hết. Cô ta im lặng, mỉm cười. Cô ta rất ít cười. Tôi mang cây đàn ghi ta sang để ở quán nước, thi thoảng ôm đàn hát. Tôi thấy cô ta lắng nghe.
Một đôi lần, cô ta đưa tôi cốc nước, mấy ngón tay chạm nhau. Cả hai tảng lờ. Rồi có những đêm muộn tôi cứ nấn ná không chịu về. Cuối cùng cả hai thở dài. Chẳng có gì xảy ra hết.
Gia đình ông bác phong phanh biết tôi hay luẩn quẩn quán nước ấy thì dọa: “Nhà ấy toàn trộm cướp đĩ điếm đừng có dây vào!”. Tôi không biết nói sao nữa chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Cái con em gái cô ta thì quả thật hư hỏng đàng điếm, luôn luôn thấy đi chơi qua đêm với mấy thằng choai choai con nhà giàu.
Hồi đó trong mắt tôi thấy ai đi xe Honda DD đỏ ớt là giàu lắm rồi. Thường là đoán già đoán non dân đi Đức về. Một đám toàn quần bom Alibaba áo cánh dơi xanh xanh đỏ đỏ.
Con bé này đang dậy thì mơn mởn là thế mà phấn son cứ gọi là choe choét, mắt xanh lè, nhìn như con gấu trúc bên Trung Quốc vậy. Cô chị thì tuyệt nhiên không bao giờ son phấn, dưới một dáng vẻ cam chịu đến vô lý.
Rất nhiều lần tôi chứng kiến hai chị em nhà này chửi nhau. Con em sau khi cãi lộn thường là ăn một hai cái tát thẳng cánh từ cô chị, nó văng tục và tru tréo lên rồi bỏ nhà đi mấy hôm liền. Cô chị lầm lì mặt mũi càng cô hồn.
Tôi rất thương cô ta. Tôi hay tìm cách an ủi cô ta. Nhưng tôi không dám đi xa hơn. Bà mẹ thi thoảng hay nhìn tôi lom lom, như muốn ăn tươi nuốt sống tôi vậy. Có hôm bà ta hỏi: “Mày là thằng nào?”. Tôi khó khăn lắm mới có thể cho bà ta hiểu tôi từ đâu đến, tôi đang ở đâu, làm gì...
Nhưng chỉ vài hôm sau bà ta lại quên béng mất, lại soi mói: “Mày là thằng nào?”. Có vài lần tôi muốn tranh thủ tình cảm của bà ta, dẫn mấy thằng bạn cùng ôn thi đến quán phở đập phá một trận tơi bời.
Mấy thằng đến cứ gọi là hoành tráng lắm, toàn phở bò tái chín kẹp đôi trứng, chân gà luộc, rượu cuốc lủi uống như đúng rồi... Tôi thì cứ: “U ơi cho con cái này, cho con cái kia...” cứ như thân quen lắm, rồi hớn hở khoe với mấy thằng bạn: “U ơi con là con dê cụ của U đúng không?”.
U quay lại nhìn tôi dửng dưng: “Mày là thằng chó nào? Mày lấy con đĩ rạc ấy để mà ăn mày à? Suốt ngày đêm đú đởn vũ trường” – Bà ta tưởng tôi nói đến con em, và chả nhớ tôi là ai. Bà ta cho tôi một gáo nước lạnh vào đầu, làm tôi mất mặt với đám bạn.
“Quan trọng chó gì! Chén mẹ nó cả hai chị em nhà nó đê!” - Thằng bạn tôi nói sau khi nghe tôi trút bầu tâm sự. Tôi không buồn giận thằng bạn vì đã coi thường cái mà tôi cho là tốt đẹp và đáng trân trọng giữa tôi và cô chị. Tôi cứ kể huyên thuyên về những mơ mộng của tôi.
Lẽ ra tôi sẽ mãi mãi khờ dại như vậy, nhưng cuộc đời thì chả cho ai đứng lại bên lề cả. Hôm đó tôi đi học vẽ về, mượn được của con gái ông họa sỹ cuộn băng “Cây đàn bỏ quên” rất hay.
Tôi hí hửng mang ra cô hàng cà phê như thường lệ, đến nơi tôi thấy một đám người xúm đông xúm đỏ. Bà mẹ vỡ họ hụi gì đó đã bỏ trốn, bọn đầu gấu đến xiết nợ, nhà cửa chả còn cái gì.
Chiếc đài Sony màu đỏ hai cửa băng bị tịch thu đầu tiên, thiếu chút nữa bọn đâm thuê chém mướn biến “Cây đàn bỏ quên” của tôi thành “Đập vỡ cây đàn”. May sao cô ta giằng co giữ lại được, nó chỉ là một cây đàn rẻ tiền.
Lúc tôi đến, bọn xiết nợ đã đi rồi, nhà cửa trống không, mấy cái nhẫn vàng trên tay cô ta cũng biến mất. Bà mẹ thì bỏ trốn từ tuần trước.
Cô ta ngồi đó, giữa căn nhà tan hoang. Cô ta ngồi đó thẫn thờ, nhưng đôi mắt bình thản nhìn tôi, không có vẻ gì yếu đuối. Cô ta không cần tôi an ủi. Vì tôi chỉ là một gã oắt con vô tích sự.
Tôi cứ đi loanh quanh và nói những lời vô nghĩa. Tôi hỏi đi hỏi lại những câu ngu ngốc. Cô ta cứ ngồi đó ôm đàn im lặng nhìn tôi. Sau cùng, cô ấy đứng dậy trả lại tôi cây đàn. Cô ấy dọn dẹp nhà cửa, nhẫn nại hốt sạch những mảnh bát đĩa cốc chén vỡ, rồi tiếp tục bán hàng, như không có chuyện gì xảy ra.
Cả ngày hôm ấy tôi cứ loanh quanh giúp cô ấy mấy việc vặt vãnh. Chả còn đài mà nghe nhạc. Chẳng còn gì nữa. Tôi cũng không thể ôm đàn nghêu ngao hát như mọi ngày. Tôi đâm sợ cái vẻ im lặng của cô ta. Rốt cuộc chính tôi cũng im bặt.
Cho đến tối, khi đã muộn, tôi thu dọn bàn ghế cho cô ta rồi định nói cái gì đó an ủi, tôi không nhớ đã nói gì nữa. Khi tôi quay lưng lại bước ra cửa, cô ta túm chặt lấy vạt áo tôi.
Lợi dụng sự mềm yếu của cô ta thì hèn hạ quá, tôi nghĩ vậy và cứ đứng yên giây lát không biết phải làm sao. Nhưng thế rồi tôi đã với tay chốt cửa. Tôi tắt đèn.
Mối tình vụng dại của tôi là như thế đó. Có nhiều những mơ mộng kiểu nhạc sến. Tôi đã rất hạnh phúc những ngày tháng đó, tôi vẽ ra tương lai, tôi tin vào sự vĩnh cửu và sức mạnh của tình yêu.
Dành dụm tiền, tôi và cô ta mua một chiếc đài cassette cũ gần giống chiếc đài bị xiết nợ. Nhưng nó hay bị rối băng, nghe rất chán, chỉ có hai cần gạt Equailizer chứ không phải năm cái như chiếc đài khi xưa.
Nhưng mà khi ấy thì cần quái gì hơn nữa chứ, tôi như một kẻ đang sống trong một giấc mơ, tôi đang bay, khi mà đêm ngày vụng trộm với cô hàng cà phê. Tôi xao nhãng học hành và có nguy cơ trượt đại học năm nữa.
Phải nói thật là cô hàng cà phê của tôi bỏ học từ hết cấp II, chả mấy để ý đến việc học của tôi. Tôi vẽ cho cô ta mấy bức chân dung bằng chì than, theo kiểu truyền thần ấy, như thế đối với cô ta đã là một điều hạnh phúc quá lớn lao, không cần gì hơn.
Còn tương lai, than ôi! - Nó chỉ là những điều tôi mơ mộng và hứa hẹn. Cô ta đã tin tôi, đã tin tưởng tôi biết bao.
Gia đình tôi biết phong thanh về chuyện tôi hay sa đà cà phê cà pháo xao lãng học hành. Ông bác tôi răn đe mấy lần, khiến tôi cũng lo sợ về chuyện thi cử. Hai tháng cuối tôi cắm đầu vào học.
Tôi suy nghĩ nghiêm túc hơn về tương lai, tôi hiểu lờ mờ một điều là nếu tôi không có tiền, không có bản lĩnh đâm thuê chém mướn, cờ bạc lô đề và lừa đảo, không có đủ sức khỏe để đạp xích lô hay làm cửu vạn như dân xóm liều này... thì con đường duy nhất là tôi phải học hành cho đến nơi đến chốn.
Nếu việc đó mà cũng không xong thì trong con mắt cô ta tôi chẳng còn là cái gì nữa. Tôi cũng biết giữa tôi và cô ta có cái mà người ta vẫn gọi là một “hố ngăn cách sâu hoẳm” - khác biệt từ xuất thân cho đến nhận thức này nọ.
Nhưng thây kệ, tôi không muốn nghĩ quá xa. Tôi có đôi lần thử gợi ý về chuyện cuộc sống sẽ tốt hơn nếu cô ta thay đổi tí chút, ví dụ như đi học thêm cho có nghề có ngỗng, hay xin đi làm tạp vụ vớ vẩn ở cơ quan nào đấy mà chính tôi cũng chỉ lơ mơ hình dung... Những lúc đó thường là kết thúc bằng những chuyện cãi cọ giận hờn.
Rồi thì tôi đỗ đại học. Trong mấy tháng hè chờ gọi vào nhập học, tôi về quê thăm gia đình, tranh thủ đi làm thêm lấy tiền ăn học. Tôi có hẹn cô ta khi về thành phố sẽ xây một “Lâu đài tình ái” - một tương lai sáng sủa kiểu võng anh đi trước võng nàng theo sau vậy.
Tôi muốn kiếm tiền trong thời gian ngắn ngủi còn lại, như muốn tin vào phép màu vậy. Tôi muốn dành cho cô ta một sự bất ngờ. Tôi hy vọng với số tiền kiếm được tôi sẽ thay đổi cuộc sống cam chịu và vô vọng của cô ta. Tôi thật ngây thơ làm sao!
Nhưng chính tôi mới là kẻ bị bất ngờ. Khi tôi trở về sau mấy tháng hè, hàng cà phê không còn nữa. Bằng cách nào đấy bà mẹ cô ta đã bán nốt ngôi nhà. Họ biến mất.
Không một ai biết họ đi đâu. Tôi như phát điên phát rồ. Tôi suy sụp và tỏ ra không còn tin vào cái gì nữa, như một kẻ thất tình vẫn tỏ ra. Hồi đó không có điện thoại như bây giờ nên mấy tháng hè tôi chẳng có tin tức gì. Như thể nhận một cái tát phũ phàng, tôi tê dại và đắm chìm trong những suy đoán.
Gia đình ông bác tôi nói rằng cô ta có đến hỏi thăm tin tức của tôi, nhưng sau đó không thấy đến nữa. Tấn bi kịch của gia đình đó rồi dần dần bị thiên hạ lãng quên.
Sau khi tôi đỗ đại học, gia đình tôi quyết định mua một căn nhà nhỏ gần giống như chỗ ông bác tôi, nhưng ở tít tận đầu kia thành phố. Tôi chuyển về căn nhà mới, sự giống nhau của căn gác xép áp mái, rồi chiếc đài nhà hàng xóm với những bài hát cũ lại hành hạ tôi đêm đêm.
Trên mái ngói người ta có thay mấy viên ngói bằng một tấm kính nhỏ lấy ánh sáng, những đêm khuya sáng trăng tôi nằm trên gác xép, ánh trăng rọi qua cái ô kính ấy soi cả vào tôi. Tôi cứ thao thức cho đến sáng xem ánh trăng ấy di chuyển khắp căn gác.
Tôi trở lại cân bằng khá nhanh sau khoảng thời gian u buồn khủng hoảng. Tôi dần dần quên cô hàng cà phê. Tôi gặp những cô bé sinh viên xinh xắn, có học thức, điệu đà, con nhà gia giáo, chợt thấy có lẽ trong cái rủi đâm ra lại là may mắn cho tôi.
Lẽ nào tôi lại gắn bó suốt cuộc đời này với một người đàn bà thất học, chênh lệch và khác biệt với tôi về mọi thứ đến vậy?
Hãy nhìn bà mẹ cô ta kìa, chính là hình ảnh của cô ta đôi ba chục năm sau đó thôi. Tôi bắt đầu tập tành nghe Pink Floyd, Beatles, những thứ nhạc thời thượng của sinh viên.
Cho đến một hôm tan học, tôi sững sờ thấy cô ta đứng đợi ở cổng trường. Trông cô ta gầy hơn xưa, mái tóc thưa lòa xòa che khuôn mặt. Đám bạn trai và bạn gái cùng lớp tôi trêu: “Bạn gái à? Giới thiệu đi chứ!”.
Tôi lúng túng ngượng ngập: “Đâu có, em họ tao ấy mà”. Tôi đã xử sự khốn nạn như thế đấy. Tôi nhận thấy trong đôi mắt cô ta sự thất vọng và hụt hẫng, cô ta mong đợi giây phút này bao nhiêu thì tôi lại ghẻ lạnh bấy nhiêu.
Tôi gượng gạo đưa cô ta đi chơi, tôi đóng kịch, tỏ ra giận dỗi về chuyện cô ta bỏ đi mà không thèm nhắn lại gì. Cô ta giải thích, với cái cách nói cụt lủn của mình, và tôi bỗng không thể nào chịu nổi cái lối ăn nói ấy, tôi cáu kỉnh.
Cô ta im lặng, nhưng đôi mắt ngân ngấn nước. Không, cô ta không khóc. Nếu cô ta khóc, có lẽ mọi chuyện đã khác. Khi chia tay nhau, cô ấy không hề ngoái đầu lại. Tôi nhìn theo thở dài. Mặc dù cô ấy tủi hờn bước đi, cô ấy vẫn rất đẹp.
Tôi nhớ lại những giây phút êm đềm lãng mạn, những kỷ niệm vặt vãnh trong khu phố tồi tàn ngày xưa, tôi lại nhớ đến những đau đớn mà cô ta đã khiến tôi trải qua, mà tôi cho là không thể tha thứ, những điều mà tôi cố tin vào nó. Tôi không muốn tin vào sự thật là mình xấu hổ vì có một người yêu như cô ta.
Sau đấy có một vài lần nữa cô ta đến tìm tôi. Cũng có lúc tôi yếu lòng, tôi ban phát một chút cuối cùng cái gọi là tình yêu cho cô ta. Lần cuối cùng gặp nhau tôi nói như hụt hơi: “Anh có bạn gái mới rồi, đừng đến tìm anh nữa!”
Tôi tránh mặt cô ta. Và tôi thực sự quên cô ta. Tôi chạy theo những cô gái khác, toàn những chuyện dở dang không đầu không cuối. Cô ta nghe đâu về sau rồi cũng lấy chồng, một gã nghiện, sau đó tôi bặt tin tức về cô ta. Tôi ra trường, đi làm, lấy vợ, vợ tôi sinh con đẻ cái. Rồi sao nữa?
Chả sao cả. Câu chuyện chỉ có vậy. Rồi tôi và cô ta, tất cả chúng ta, cả cái thế giới này nữa, tất cả sẽ trở nên già nua, sẽ ra đi vào một ngày mưa hay một ngày nắng. Đời người là vậy đó. Ngắn ngủi.
Nhưng mãi về sau này, mỗi khi tình cờ nghe lại một bản nhạc vàng cũ kỹ nào đó, tôi lại chợt nhớ về khu phố nghèo ngày xưa, tôi lại nhớ đến cô gái ấy – Cô gái mà tôi đã ruồng bỏ.
* Truyện xuất phát từ cảm hứng với tác phẩm cùng tên của nhà văn Shusaku Endo.
Theo Tương Như