Dan Lee
07-28-2010, 05:42 PM
PHÙ VÂN
Buồn buồn, ngồi đọc “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều, chợt khựng lại ở câu 75-76 (“Lò cừ nung nấu sự đời,/ Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”). “Vân cẩu” (mây chó) ư ? Sao lại là “Bức tranh mây chó vẽ người tang thương” ? Nhớ lại câu thơ cổ “Thiên thượng phù vân như bạch y,/ Tu du hốt biến vi thương cẩu” (Trên trời có đám mây bồng bềnh như áo trắng, / Bất chợt biến thành hình con chó). Thì ra thế ! Hồi còn trẻ, nghe từ “tang thương”, cứ ngỡ là “chết chóc (tang) đau thương”, nhưng sau được học “Tang thương ngẫu lục” mới biết “tang thương” là từ viết gọn của câu “thương hải biến vi tang điền’ (biển xanh biến thành ruộng dâu) có nghĩa là sự biến dịch mau lẹ trong thiên nhiên. Như vậy “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” chỉ hàm nghĩa cuộc đời chóng qua, biến đổi không ngừng. Đọc tiếp, sẽ thấy rõ hơn “Mùi phú quý nhủ lòng xa mã,/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh./ Giấc Nam kha khéo bất bình,/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” (ibid – câu 81-84). Cuộc thế ba vạn sáu ngàn ngày chẳng qua cũng chỉ là “Tuồng huyễn hoá đã bày ra đấy,/ Kiếp phù sinh trông thấy mà đau./ Trăm năm còn có gì đâu, / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (ibid – câu 101-104). Cũng còn may lắm khi có dịp “bừng con mắt dậy” để “thấy mình tay không”. Đến như câu chuyện cổ sau đây thì … hết biết ! :
Có một phú hộ cỡ bự, một hôm kêu đầy tớ đến bảo : “Ta sẽ cho ngươi ruộng đất của ta như lòng mong mỏi của ngươi. Vậy sáng mai lúc mặt trời mọc, ngươi sẽ chạy khoanh vùng cho tới khi mặt trời lặn. Ngươi chạy khoanh được bao nhiêu thì bấy nhiêu ruộng đất sẽ thuộc về ngươi. Nhớ điều này : Nếu ngươi trở về khởi điểm sau khi mặt trời lặn, ngươi sẽ chẳng được gì, dù một tấc đất”. Người đầy tớ sung sướng vô cùng nghĩ bụng : “chỉ trong vòng ngày mai thôi, với sức khoẻ thế này, ta sẽ có trong tay bao nhiêu ruộng đất và trở thành ông chủ chẳng kém gì ông chủ hiện thời”. Ngày hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, anh ta đã cắm đầu cắm cổ chạy, chạy không kịp thở, chạy không biết mệt. Đến đúng ngọ, thay vì phải chạy vòng trở về, nhưng nhìn đồng ruộng xanh tươi bạt ngàn trước mắt, anh ta còn muốn có thêm ruộng đất nên vẫn cắm cúi chạy tới miết. Cho đến khi trời xế chiều, anh ta mới giật mình chạy vòng trở về khởi điểm. Nhưng thấy đường còn xa, tên đầy tớ lo sợ không về kịp lúc mặt trời lặn, nên càng gắng sức “vắt giò lên cổ” chạy nhanh hơn, trong khi thân thể đã mỏi mệt rã rời. Về tới nơi thì mặt trời cũng vừa lặn, nhưng tên đầy tớ kiệt sức, ngã gục và chết ngay dưới chân chủ. Chủ vẫn giữ lời hứa, nhưng anh đầy tớ giờ đây chỉ cần “ba tấc đất gửi nắm xương tàn” đã là quá đủ. Thế đấy ! Tham giàu đến thiệt mạng ! Quả đúng là “tham thì thâm” !
Cũng chẳng khác mấy với ngụ ngôn “Gà đẻ trứng vàng” : “Tham thì thâm cổ nhân dạy thế,/ Lấy chuyện gà ra để răn đời./ Đem câu bịa đặt kể chơi,/ Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng./ Chủ ngỡ có bảo tàng trong bụng,/ Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu./ Nào ngờ có cóc gì đâu,/ Gà thường cũng vậy khác nhau chút nào. / Chủ biết dại kêu gào tiếc của,/ Làm gương cho những đứa tham giàu…” Phải, tham thì thâm, nhưng khốn nỗi gà mà đẻ ra trứng vàng thì ai chẳng ham. Hoá cho nên cô cung nữ trong “Cung Oán Ngâm Khúc” vẫn còn được kể là may mắn, nhìn ra được cái bả vinh hoa chỉ là phù phiếm, cuộc sống nhung lụa cũng chỉ là phù du, để mà ai oán, than trời trách đất. Đến như anh chàng phú hộ cả một cuộc đời kỳ khu, ky cóp chỉ mong xây được một kho tàng hoành tráng tích trữ của cải, xây một lâu đài nguy nga tráng lệ để đón vóc ngọc dáng ngà của những Tây Thi, Bao Tự. Nhưng khi “bừng con mắt dậy…” mới thấy của cải cũng chỉ là phù vân, nhan sắc cũng chỉ là “phù dung” sớm nở tối tàn và cuộc đời rốt lại cũng chỉ là “phù sinh” mà thôi. Ừ ! Cuộc “phù thế nhân sinh” chẳng qua cũng chỉ như một giấc mộng kê vàng (đặt một nồi cháo kê, ngủ thiếp đi và chìm trong một giấc mộng trải qua một đời lên xe xuống ngựa, công hầu khanh tướng; đến lúc giật mình tỉnh giấc, nồi kê vẫn chưa chín). Vậy đó ! “Giấc Nam Kha khéo bất bình” cũng là phải thôi !. Và cái “ngọn đèn le lói cuối đường hầm” chẳng thấy đâu, chỉ thấy lù lù “…một nấm cỏ khâu xanh rì”.
Anh chàng phú hộ trong dụ ngôn Đức Giê-su kể (bài Tin Mừng CN XVIII/TN-C) nếu nói về lòng tham quả thực cũng y như anh chàng đầy tớ trong câu chuyện cổ. Nhưng anh phú hộ may mắn hơn anh đầy tớ nhiều, vì còn được Thiên Chúa nhắc nhở : "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12, 20-21). Và đây chính là dịp cho anh chàng phú hộ mở mắt. Mở mắt, “bừng con mắt dậy…” để “thấy mình tay không”, ngộ ra được cuộc sống trăm năm với biết bao của cải vật chất cũng chỉ là "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2). Còn chàng đầy tớ, tiếc thay, lại tắt thở vào đúng thời điểm thu tích của cải !
Quả thực, đã qua tuổi “cổ lai hi” mới thấy thấm thía “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Đợi đến khi “chán cơm, thèm đất” rồi mới hiểu “Trăm năm nào có gì đâu, / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” thì có quá muộn không ? Vấn đề là ở chỗ biết được cuộc sống “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, / Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười…” (Nguyễn Công Trứ), thì phải làm gì, hay lại chỉ biết “Cứ liều nhắm mắt, đưa chân,/ Thử xem con tạo xoay vần đến đâu” (“Kiều” – Nguyễn Du) ? Tôi cứ lẩn quẩn với những câu tự vấn ấy, mãi chẳng tìm được lối ra. Tuy nhiên, gẫm cho kỹ, nghĩ cho sâu, suy cho cùng mới thấy mình vẫn còn may mắn có được một người bạn, một người thầy, một vị Chúa vẫn đồng hành và luôn sẵn sàng nhắc nhở "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12, 15). Hoá cho nên phải biết mở mắt ra mà nhìn lại chặng đường đã kinh qua, nhìn lại chính con người của mình.
Hàng ngày cầu nguyện “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” với mục đích “ăn để mà sống chớ không sống để mà ăn”, thì chẳng có gì đáng nói, bởi “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở ra cho”. Nhưng khốn nỗi, có 1 lại đòi 2, có 2 lại đòi 3, đòi 4, chưa có ăn thì chỉ cầu có bữa ăn, đến lúc có bữa ăn rồi thì lại muốn có “bữa ăn, bữa để”, rồi thì thu tích đầy hết kho lẫm vẫn chưa thoả mãn, lại muốn xây thêm kho lẫm thật hoành tráng, nguy nga, để chứa cho vừa lòng tham… Mà lòng tham con người vốn dĩ không có đáy, biết thế nào cho vừa, biết làm sao cho đủ, cho đầy. Như vậy thì phải chăng đã tít mắt vì cái bả phù hoa, mà quên mất “bóng câu cửa sổ”, “cuộc đời ngắn chẳng tày gang” ? “Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân !” (Gv 1, 23). Nên chi, cần phải có một khoảnh khắc nào đó “bừng con mắt dậy…”, mà lắng nghe trong thẳm sâu tiềm thức Lời nhắc nhở "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16, 13).
Vâng, mà muốn có được khoảnh khắc “bừng con mắt dậy…” ấy, thì cần pphải biết sử dụng cái vũ khí sắc bén nhất, đắc lực nhất, đó là “cầu nguyện”. Cầu nguyện xin ơn soi sáng để ý thức được “Nguyên lý của đời sống mới : kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh” : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3, 1-4). Chỉ tới khi ấy, chỉ tới khi thấm thía được tất cả chỉ là “phù vân”, là “phù dung”, là “phù thế”, “phù sinh”, anh mới không còn lo sợ “… thấy mình tay không” nữa, vì anh đã chiếm hữu được kho tàng không bao giờ hư nát, kho tàng vĩnh cửu : Nước Trời. Ước chi tôi đừng bao giờ “cứ liều nhắm mắt đưa chân”, mà cần phải tỉnh thức mở mắt ra “nhìn linh thị” (Ds 24, 16) trong cầu nguyện, lắng nghe Lời Thầy Chí Thánh, hy vọng có dịp “bừng con mắt dậy…” trước khi bước tới “… một nấm cỏ khâu xanh rì” . Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
Buồn buồn, ngồi đọc “Cung Oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều, chợt khựng lại ở câu 75-76 (“Lò cừ nung nấu sự đời,/ Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”). “Vân cẩu” (mây chó) ư ? Sao lại là “Bức tranh mây chó vẽ người tang thương” ? Nhớ lại câu thơ cổ “Thiên thượng phù vân như bạch y,/ Tu du hốt biến vi thương cẩu” (Trên trời có đám mây bồng bềnh như áo trắng, / Bất chợt biến thành hình con chó). Thì ra thế ! Hồi còn trẻ, nghe từ “tang thương”, cứ ngỡ là “chết chóc (tang) đau thương”, nhưng sau được học “Tang thương ngẫu lục” mới biết “tang thương” là từ viết gọn của câu “thương hải biến vi tang điền’ (biển xanh biến thành ruộng dâu) có nghĩa là sự biến dịch mau lẹ trong thiên nhiên. Như vậy “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” chỉ hàm nghĩa cuộc đời chóng qua, biến đổi không ngừng. Đọc tiếp, sẽ thấy rõ hơn “Mùi phú quý nhủ lòng xa mã,/ Bả vinh hoa lừa gã công khanh./ Giấc Nam kha khéo bất bình,/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không” (ibid – câu 81-84). Cuộc thế ba vạn sáu ngàn ngày chẳng qua cũng chỉ là “Tuồng huyễn hoá đã bày ra đấy,/ Kiếp phù sinh trông thấy mà đau./ Trăm năm còn có gì đâu, / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” (ibid – câu 101-104). Cũng còn may lắm khi có dịp “bừng con mắt dậy” để “thấy mình tay không”. Đến như câu chuyện cổ sau đây thì … hết biết ! :
Có một phú hộ cỡ bự, một hôm kêu đầy tớ đến bảo : “Ta sẽ cho ngươi ruộng đất của ta như lòng mong mỏi của ngươi. Vậy sáng mai lúc mặt trời mọc, ngươi sẽ chạy khoanh vùng cho tới khi mặt trời lặn. Ngươi chạy khoanh được bao nhiêu thì bấy nhiêu ruộng đất sẽ thuộc về ngươi. Nhớ điều này : Nếu ngươi trở về khởi điểm sau khi mặt trời lặn, ngươi sẽ chẳng được gì, dù một tấc đất”. Người đầy tớ sung sướng vô cùng nghĩ bụng : “chỉ trong vòng ngày mai thôi, với sức khoẻ thế này, ta sẽ có trong tay bao nhiêu ruộng đất và trở thành ông chủ chẳng kém gì ông chủ hiện thời”. Ngày hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng, anh ta đã cắm đầu cắm cổ chạy, chạy không kịp thở, chạy không biết mệt. Đến đúng ngọ, thay vì phải chạy vòng trở về, nhưng nhìn đồng ruộng xanh tươi bạt ngàn trước mắt, anh ta còn muốn có thêm ruộng đất nên vẫn cắm cúi chạy tới miết. Cho đến khi trời xế chiều, anh ta mới giật mình chạy vòng trở về khởi điểm. Nhưng thấy đường còn xa, tên đầy tớ lo sợ không về kịp lúc mặt trời lặn, nên càng gắng sức “vắt giò lên cổ” chạy nhanh hơn, trong khi thân thể đã mỏi mệt rã rời. Về tới nơi thì mặt trời cũng vừa lặn, nhưng tên đầy tớ kiệt sức, ngã gục và chết ngay dưới chân chủ. Chủ vẫn giữ lời hứa, nhưng anh đầy tớ giờ đây chỉ cần “ba tấc đất gửi nắm xương tàn” đã là quá đủ. Thế đấy ! Tham giàu đến thiệt mạng ! Quả đúng là “tham thì thâm” !
Cũng chẳng khác mấy với ngụ ngôn “Gà đẻ trứng vàng” : “Tham thì thâm cổ nhân dạy thế,/ Lấy chuyện gà ra để răn đời./ Đem câu bịa đặt kể chơi,/ Một hôm gà nọ đẻ rơi trứng vàng./ Chủ ngỡ có bảo tàng trong bụng,/ Mổ phăng ra chắc cũng mau giàu./ Nào ngờ có cóc gì đâu,/ Gà thường cũng vậy khác nhau chút nào. / Chủ biết dại kêu gào tiếc của,/ Làm gương cho những đứa tham giàu…” Phải, tham thì thâm, nhưng khốn nỗi gà mà đẻ ra trứng vàng thì ai chẳng ham. Hoá cho nên cô cung nữ trong “Cung Oán Ngâm Khúc” vẫn còn được kể là may mắn, nhìn ra được cái bả vinh hoa chỉ là phù phiếm, cuộc sống nhung lụa cũng chỉ là phù du, để mà ai oán, than trời trách đất. Đến như anh chàng phú hộ cả một cuộc đời kỳ khu, ky cóp chỉ mong xây được một kho tàng hoành tráng tích trữ của cải, xây một lâu đài nguy nga tráng lệ để đón vóc ngọc dáng ngà của những Tây Thi, Bao Tự. Nhưng khi “bừng con mắt dậy…” mới thấy của cải cũng chỉ là phù vân, nhan sắc cũng chỉ là “phù dung” sớm nở tối tàn và cuộc đời rốt lại cũng chỉ là “phù sinh” mà thôi. Ừ ! Cuộc “phù thế nhân sinh” chẳng qua cũng chỉ như một giấc mộng kê vàng (đặt một nồi cháo kê, ngủ thiếp đi và chìm trong một giấc mộng trải qua một đời lên xe xuống ngựa, công hầu khanh tướng; đến lúc giật mình tỉnh giấc, nồi kê vẫn chưa chín). Vậy đó ! “Giấc Nam Kha khéo bất bình” cũng là phải thôi !. Và cái “ngọn đèn le lói cuối đường hầm” chẳng thấy đâu, chỉ thấy lù lù “…một nấm cỏ khâu xanh rì”.
Anh chàng phú hộ trong dụ ngôn Đức Giê-su kể (bài Tin Mừng CN XVIII/TN-C) nếu nói về lòng tham quả thực cũng y như anh chàng đầy tớ trong câu chuyện cổ. Nhưng anh phú hộ may mắn hơn anh đầy tớ nhiều, vì còn được Thiên Chúa nhắc nhở : "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12, 20-21). Và đây chính là dịp cho anh chàng phú hộ mở mắt. Mở mắt, “bừng con mắt dậy…” để “thấy mình tay không”, ngộ ra được cuộc sống trăm năm với biết bao của cải vật chất cũng chỉ là "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1, 2). Còn chàng đầy tớ, tiếc thay, lại tắt thở vào đúng thời điểm thu tích của cải !
Quả thực, đã qua tuổi “cổ lai hi” mới thấy thấm thía “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”. Đợi đến khi “chán cơm, thèm đất” rồi mới hiểu “Trăm năm nào có gì đâu, / Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” thì có quá muộn không ? Vấn đề là ở chỗ biết được cuộc sống “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, / Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười…” (Nguyễn Công Trứ), thì phải làm gì, hay lại chỉ biết “Cứ liều nhắm mắt, đưa chân,/ Thử xem con tạo xoay vần đến đâu” (“Kiều” – Nguyễn Du) ? Tôi cứ lẩn quẩn với những câu tự vấn ấy, mãi chẳng tìm được lối ra. Tuy nhiên, gẫm cho kỹ, nghĩ cho sâu, suy cho cùng mới thấy mình vẫn còn may mắn có được một người bạn, một người thầy, một vị Chúa vẫn đồng hành và luôn sẵn sàng nhắc nhở "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12, 15). Hoá cho nên phải biết mở mắt ra mà nhìn lại chặng đường đã kinh qua, nhìn lại chính con người của mình.
Hàng ngày cầu nguyện “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” với mục đích “ăn để mà sống chớ không sống để mà ăn”, thì chẳng có gì đáng nói, bởi “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở ra cho”. Nhưng khốn nỗi, có 1 lại đòi 2, có 2 lại đòi 3, đòi 4, chưa có ăn thì chỉ cầu có bữa ăn, đến lúc có bữa ăn rồi thì lại muốn có “bữa ăn, bữa để”, rồi thì thu tích đầy hết kho lẫm vẫn chưa thoả mãn, lại muốn xây thêm kho lẫm thật hoành tráng, nguy nga, để chứa cho vừa lòng tham… Mà lòng tham con người vốn dĩ không có đáy, biết thế nào cho vừa, biết làm sao cho đủ, cho đầy. Như vậy thì phải chăng đã tít mắt vì cái bả phù hoa, mà quên mất “bóng câu cửa sổ”, “cuộc đời ngắn chẳng tày gang” ? “Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân !” (Gv 1, 23). Nên chi, cần phải có một khoảnh khắc nào đó “bừng con mắt dậy…”, mà lắng nghe trong thẳm sâu tiềm thức Lời nhắc nhở "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16, 13).
Vâng, mà muốn có được khoảnh khắc “bừng con mắt dậy…” ấy, thì cần pphải biết sử dụng cái vũ khí sắc bén nhất, đắc lực nhất, đó là “cầu nguyện”. Cầu nguyện xin ơn soi sáng để ý thức được “Nguyên lý của đời sống mới : kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh” : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3, 1-4). Chỉ tới khi ấy, chỉ tới khi thấm thía được tất cả chỉ là “phù vân”, là “phù dung”, là “phù thế”, “phù sinh”, anh mới không còn lo sợ “… thấy mình tay không” nữa, vì anh đã chiếm hữu được kho tàng không bao giờ hư nát, kho tàng vĩnh cửu : Nước Trời. Ước chi tôi đừng bao giờ “cứ liều nhắm mắt đưa chân”, mà cần phải tỉnh thức mở mắt ra “nhìn linh thị” (Ds 24, 16) trong cầu nguyện, lắng nghe Lời Thầy Chí Thánh, hy vọng có dịp “bừng con mắt dậy…” trước khi bước tới “… một nấm cỏ khâu xanh rì” . Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.