PDA

View Full Version : GIẢI-MẬT-NGỮ: Kinh THỦ LĂNG NGHIÊM



xuanthu
08-05-2010, 08:44 AM
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG


Nhẫn Tế Thiền Sư

----oOo----

HÒA THƯỢNG THUBTEN OSALL LAMA

MINH TỊNH-NHẪN TẾ

(1889 – 1951)

Hòa thượng Thubten Osall Lama, pháp danh Chơn Phổ, pháp hiệu Nhẫn Tế, nối
pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Sau Ngài cầu pháp với Tổ sư Huệ
Đăng, được ban pháp danh là Trừng Liến, pháp hiệu là Minh Tịnh, nối pháp đời
thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Ngài thế danh là Nguyễn Tấn Tạo, sanh ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Sửu – 1889,
tại làng An Thạnh (thường gọi Búng) Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh
Bình Dương). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Lập, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Ri,
Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung lưu trí thức, nên từ thuở nhỏ đã được
song thân cho đi học Quốc ngữ và Pháp ngữ.
Năm Giáp Thìn 1904, khi lên 16 tuổi, Ngài tìm đến chùa Thiên Tôn, một ngôi chùa
cổ nổi tiếng trong vùng, xin quy y với Hòa thượng Ấn Thành – Từ Thiện, được
pháp danh là Chơn Phổ để nghiên cứu và tham học giáo điển Phật đà. Nhờ có trí
tuệ mẫn thiệp và trình độ thế học, Ngài chóng thâm nhập vào áo nghĩa kinh tạng,
và có ý muốn một ngày nào đó sẽ thực hiện hạnh giải thoát.
Sau khi học hành thành đạt, Ngài được bổ làm công chức trong ngành Y tế, được
một thời gian, Ngài chán cảnh thế gian đầy đua chen danh lợi, cũng như bất mãn
trước sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp đối với dân chúng Việt Nam, nên có ý
muốn hồi hưu. Nhân mắc phải trọng bệnh trong khi thừa hành công vụ, Ngài xin
thôi việc, dứt bỏ trần nghiệp, vân du học đạo khắp mọi nơi, lúc thì tu hạnh đầu đà,
khi thì khoác màu nguyên thủy để tìm cho mình hướng đi đích thực trên con đường
giải thoát.
Năm Bính Dần 1926, chùa Long Hòa núi Thiên Thai, Bà Rịa mở giới đàn, do Hòa
thượng Huệ Đăng làm Đàn đầu truyền giới, Ngài đến đăng đàn thọ Cụ túc giới.
Cảm phục đức độ và tư tưởng yêu nước của Tổ sư Huệ Đăng, Ngài xin cầu pháp
với Tổ sư, được ban pháp danh là Trừng Liến, pháp hiệu là Minh Tịnh, nối pháp
đời thứ 42 dòng Thiên Thai Thiền Giáo Tông.
Đến tháng 8 năm Quý Dậu – 1933, chùa Thiên Tôn mở Đại giới đàn, do Hòa
thượng Ngộ Định – Từ Phong làm Đàn đầu truyền giới, Ngài được thọ đại giới lại
với Sơn môn, được ban pháp hiệu là Nhẫn Tế, để nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế
Chúc Thánh, chùa Thiên Tôn.
Trải qua thời gian tu hành và tham học, Ngài cảm thấy vẫn chưa thỏa mãn chí
nguyện, muốn tìm về cội nguồn Phật tổ, trước là để chiêm bái đảnh lễ thánh tích,
sau là tham cứu học hỏi phương pháp tu trì, mong đạt sở chứng tỏ ngộ bản tâm,
thoát ly sanh tử. Vì thế, Ngài rời chùa Thiên Tôn, ra cất một cái am đặt hiệu Thiên
Chơn để tu và ngày đêm ấp ủ mộng lớn, chuẩn bị tư lương, học tập thêm Anh ngữ
để đợi ngày thực hiện ý định.
Năm Ngài 47 tuổi, hội đủ nhân duyên, Ngài xuống tàu thủy tại Sài Gòn khởi hành
sang Ấn Độ vào ngày 17 tháng 4 năm 1935. Trong thời gian trên đất Ấn, tùy thuận
phong tục, Ngài đắp y theo xứ Tích Lan và học tiếng Tamil khi ở Nam Ấn, học
tiếng Hindu khi ở Bắc Ấn. Lúc đến xứ Bhutan, Tây Tạng, Ngài lại đổi sang pháp
phục Lạt Ma và học tiếng Tây Tạng để ứng hợp việc tham cầu giáo pháp.
Ngày 6 tháng 2 năm 1936, Ngài đến xứ Nepal tham lễ chùa tháp. Khi đến Tháp
Bodha Nath, Ngài được đảnh lễ chiêm ngưỡng Xá lợi Phật tổ, và cần cầu Thượng
tọa quản tháp xin thỉnh được một phần Xá lợi để đem về bổn quốc làm chứng tín
cho hàng đệ tử Phật tôn thờ. Ngài là người đầu tiên thỉnh được Xá lợi Phật về Việt
Nam.
Ngày 27 tháng 2 năm 1936, Ngài bắt đầu khởi hành đi Tây Tạng theo các vị Lạt
Ma trong đoàn chiêm bái Bồ Đề Đạo Tràng khi họ trở về xứ. Đường đi gian khổ
vất vả, đi hơn hai tháng mới đến xứ Bhutan, mất một tháng ở lại đây học hỏi ngôn
ngữ, phong tục, chờ tuyết tan và đi thêm một tháng nữa mới đến thủ đô Lhasa.
Ngài đến xứ Tây Tạng vào ngày 28 tháng 6 năm 1936.
Tại Tây Tạng, Ngài tham học về Kim Cang thừa Mật giáo với Lama Quốc Vương.
Để học được pháp môn này, Ngài phải trải qua khảo thí khắt khe nghiêm mật trong
cuộc thi tuyển toàn quốc, Ngài là một trong hai người được tuyển chọn cuối cùng.
Sau một trăm ngày tu học ở Tây Tạng, Ngài được Lama Quốc Vương ấn chứng sở
đắc thiền quán, truyền tâm pháp Kim Cang thừa và ban cho pháp danh là Thubten
Osall Lama. Thành tựu sở nguyện, ngày 29 tháng 10 năm 1936, Ngài lên đường rời
xứ Tây Tạng, mất một tháng để trở lại Ấn Độ. Ngài ở lại đây đi chiêm bái và học
hỏi một thời gian nữa, rồi xuống tàu về nước.
Ngày 30 tháng 6 năm 1937, Ngài về đến Việt Nam, kết thúc chuyến tường khảo
thánh tích dài 2 năm 4 tháng. Ngài đến chùa Thiên Thai đảnh lễ Tổ sư, dâng cúng
ngọc xá lợi lên Hòa thượng để làm biểu tượng chánh pháp tại đây. Về lại trụ xứ
Bình Dương, uy tín đạo đức của Ngài lan rộng, bổn đạo làng Phú Cường cung
thỉnh Ngài chứng minh trụ trì ngôi chùa Bửu Hương, vốn thuộc giáo phái Bửu Sơn
Kỳ Hương, Ngài đổi tên chùa thành Tây Tạng tự, để ghi nhớ nơi Ngài đã đến cầu
pháp.
Năm Mậu Dần 1938, Ngài khởi công xây dựng lại ngôi chùa Thiên Chơn ở làng
An Thạnh, ngay trên nền cũ của am nơi Ngài ở tu trước khi đi Ấn Độ. Chùa được
khánh thành vào năm 1940.
Trong cuộc đời tu học và hoằng đạo, Ngài hóa độ rất nhiều đồ chúng xuất gia và
tại gia, đệ tử truyền thừa của Ngài là Hòa thượng Như Trạm - Tịch Chiếu.Ngài có
hai tác phẩm lưu lại hậu thế :
- Lăng Nghiêm Tông Thông (1997).
- Nhật Ký Tham Bái Ấn Độ, Tây Tạng (1999).
Ngày 17 tháng 5 năm Tân Mão – 1951, Ngài thâu thần viên tịch tại chùa Tây Tạng,
trụ thế 63 năm, giới lạp 25 mùa Hạ. Môn đồ nhập Bảo tháp nhục thân của Ngài tại
chùa Thiên Chơn và lập Bảo tháp thờ vọng tại khuôn viên chùa Tây Tạng.

---------ooOoo--------


PHẦN THỨ NHẤT: PHẦN TỰA
_______________


DUYÊN KHỞI CỦA KINH LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG


Đề tựa: Núi Nam Nhạc, Quan Trương Kim Giản tên là Tăng Phụng Nghi, Thuấn Trưng Phụ.


Xưa, Ngài Thiên Thai Trí Giả theo học Đạo thiền sư Huệ Tư ở núi Nam Nhạc, đắc Pháp Hoa Tam Muội, thấy được pháp hội Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan. Từ đó xem Kinh, Luật hoát nhiên thông suốt. Đến khi Ngài giải thích ý nghĩa sáu Căn trong sạch trong kinh Pháp Hoa thì trầm ngâm rất lâu. Có một vị tăng người Ấn nói với Ngài: Chỉ có kinh Thủ Lăng Nghiêm là nói rõ ràng công đức của sáu Căn, đủ để y chứng. Từ đó, Ngài Trí Giả khao khát ngưỡng mộ. Suốt mười sáu năm, mỗi sáng tối hướng về phương Tây lễ bái. Ở phía trái chùa Thiên Thai ở núi Nam Nhạc vẫn còn Đài Kinh. Sau Ngài hơn một trăm năm, kinh Lăng Nghiêm mới vào Trung Quốc.
Kinh do Tể Tướng Phòng Dung ghi chép, văn tự tao nhã, bởi thế các bậc học sĩ đại phu đều tụng kinh này. Tôi từng ba lần đến Bái Kinh Đài, lần nào cũng bồi hồi chẳng muốn về, thầm than:
- Người xưa ngưỡng mộ kinh này hơn mười mấy năm mà chẳng được thấy. Nay Lăng Nghiêm bày đầy thì người ta lại chẳng hề xem! Tại sao thế?
Nhơn đó, tôi bèn phát tâm viết bộ Lăng Nghiêm lên đá, thuê thợ chạm rồi xếp thành một tòa thạch thất, khiến người đến viếng Bái Kinh Đài sẽ đọc được mà đều nói: Kinh đã đến đây rồi! Như là vì Ngài Trí Giả mà bổ sung cho một sự thiếu sót. Vừa cầm bút định viết, chợt nghĩ: Chỗ ta viết đây là chữ, chẳng phải là nghĩa vậy!
Ngài Trí Giả mong bộ Kinh này đến đây là mong người người hiểu nghĩa của Kinh. Như Ngài Huyền Sa Sư Bị, nhân đọc Lăng Nghiêm mà phát minh tâm yếu, đó là thâm nhập vào nghĩa vậy. Cho đến thiền sư Linh Nham An, Trường Thủy Tuyền, Trúc Am Khuê, Hoàng Long Nam, Thiệu Long An Dân... đều do Lăng Nghiêm mà ngộ. Như vậy là các Ngài đã không cô phụ sự truyền sang của bộ kinh này. Nếu theo văn mà giải nghĩa, chú thích câu chữ, đến mấy mươi nhà mà nghĩa kinh càng ngày càng xa, đó là lỗi lầm do chẳng cầu ở tâm mình. Nếu tỏ ngộ tự tâm, thì tuy là kinh này chưa đến, mà chỗ y giáo lập nghĩa của Ngài Trí Giả, mỗi mỗi đều hợp với Lăng Nghiêm. Không ngộ được tự tâm, tuy là có kinh Lăng Nghiêm trước mặt, thì cũng như kinh ở tại Ấn vậy. Tức là kinh điển đầy nhà mà nào có ích! Việc nhà của các thiền sư là quét sạch văn tự kiến giải cho là chẳng đủ để sùng thượng, thật có lý lắm thay! Nhưng khi tiếp dẫn hàng sơ cơ, xuất lời thổ khí, lời lẽ ý tứ thật tợ Lăng Nghiêm. Cho đến sự phát minh hướng thượng, chứng nhập Bồ Đề, thì cùng với hai mươi lăm chỗ chứng viên thông, cơ duyên không khác. Tức là chẳng tụng Lăng Nghiêm, mà Lăng Nghiêm đã sẵn đủ hiện giờ. Tức là Lăng Nghiêm chưa đến cõi này, mà cõi này chẳng phải là chưa có Lăng Nghiêm.
Tôi chẳng biết tự lượng sức, góp khắp lời của Tông Môn, phối hợp vào kinh văn. Hoặc để thầm hợp, hoặc để cùng thấy, hoặc suy rộng ý kinh, hoặc bày tỏ chỗ chưa bày tỏ. Tôi cũng không ngờ mình làm nổi. Trong khoảng trời đất làm sao có được thứ nghị luận này. Âu cũng do túc nguyện nhiều đời vậy.
Đây là tôi nhờ các vị Lão Túc để làm rõ nghĩa kinh chứ chẳng phải tự do tôi, và lấy Thiền Tông để soi sáng kinh chớ chẳng phải lấy văn tự kiến giải mà giảng. Bèn đặt tên là Tông Thông. Tông Thông cùng với Thuyết Thông. Phải tự đắc Bản Tâm thì mới cùng với các bậc Lão Túc mặc áo gặp nhau. Chẳng những một hội Lăng Nghiêm nghiễm nhiên chưa tan, mà Ngài Trí Giả đến nay cũng vẫn còn đó.

Bài văn tán ngợi rằng:

Sáu vạn ba ngàn lời mười trang,
Giáo, Hạnh, Lý, Không, Giả, Trung quán.
Viên thông hoa tạng Tín Hạnh Giải,
Chứng rồi Định Huệ xứ Niết Bàn.
Phá Vọng hiển Chân, Chân Nhất thật,
Phản văn nung Ấm, Ấm tiêu tan.
Tội lỗi vô minh mười phương ngục,
Tội ấy băng tiêu, tọa Phật tràng.

Nam mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Chư Phật, Chư Đại Bồ Tát, Chư Thánh Hiền Tăng http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/heart2.gif (còn tiếp)


http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/moon_t.gif http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/cherry.gif

BE VEGhttp://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/cherry.gif GO GREEN http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/icon-04pine.gif 2 SAVE OUR PLANEThttp://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/moon_t.gif!!

http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/vg-a.gif
_____________

http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/heart-2.gifCứu người như cứu hoả
Thương người như thương ta

xuanthu
08-11-2010, 10:55 AM
QUYỂN I


ĐẠI PHẬT ĐẢNH, NHƯ LAI MẬT NHÂN, TU CHỨNG LIỄU NGHĨA,
CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH, KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG

-----ooOoo-----

Đời Đường, Ngài Bát Lạt Mật Đế, sa môn xứ Thiên Trúc, dịch; Ngài Di Già Thích Ca, Sa môn xứ Ô Trường, dịch ngữ. Trần Chánh Nghị Đại Phu Phòng Dung, Bồ Tát Giới đệ tử chép.

Đời Minh, Bồ Tát Giới đệ tử Tiền Phụng Huấn Đại Phu, Lễ Bộ Từ Tế Thanh Sử Tư Viên Ngoại Lang, Nam Nhạc Tăng Phụng Nghi, Tông Thông.

Thông rằng: Kinh này tại sao lại đặt tên là Đại Phật Đảnh, Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm?

Kinh chép:

- Khi ấy, Đức Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử từ trong đại chúng, rời khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ chân Phật mà thưa rằng:

- Phải gọi kinh này tên gì? Tôi cùng với chúng sanh làm thế nào phụng trì? Phật dạy Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng:

- Kinh này tên Đại Phật Đảnh, Tát Đát Đa Bát Đát Ra (Bạch Tán Cái), ấn báu vô thượng, Hải Nhãn trong sạch của mười phương Như Lai. Cũng gọi là cứu hộ người thân, độ thoát A Nan, và Tánh Tỳ kheo ni ở trong hội này, đắc tâm Bồ Đề, bước vào biển Biến Trí. Cũng gọi là Như Lai Mật Nhân, Tu Chứng Liễu Nghĩa. Cũng gọi là Đại Phương Quảng, Diệu Liên Hoa Vương, Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú. Cũng gọi là Quán Đảnh Chương Cú, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm. Ông nên thọ trì.

Đoạn kinh trên gồm nhiều nghĩa, chỉ cần ba chữ Đại Phật Đảnh là bao gồm hết. Bởi vì Phật Đảnh thần chú, tức là mười phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú, tức là Quán Đảnh Chương Cú, tức là độ thoát A Nan và Tỳ kheo ni Tánh, do đó khỏi lập lại. Chú này là Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát Ra, dịch là Đại Bạch Tán Cái, là cái Lọng Trắng Lớn Che Trùm. Ròng trắng phau trong sạch, trùm che hết thảy, nên gọi là lớn. Đại Phật Đảnh thần chú này, chẳng thể nghĩ bàn, mới gọi là Nhân Địa Bí Mật của Như Lai, cái Liễu Nghĩa của Tu Chứng. Vạn Hạnh của Bồ Tát do đây mà sẵn đủ, nên cả thảy rốt ráo bền chắc vậy. Pháp có thể Tiệm mà không thể Đốn, thì không thể gọi là Đại. Có thể Đốn mà không thể Viên, thì cũng không gọi là Đại (lớn) được. Nay nói là Mật, là Liễu, tức là đã gồm nghĩa Đốn. Nói là Tu Chứng, nói là Vạn Hạnh là ngầm nghĩa Viên. Duy cái pháp môn Viên Đốn nầy, cùng với Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh và Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, không khác. Từ Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng cho đến Diệu Giác là đã bao gồm trong Hoa Nghiêm; còn Nhĩ Căn Viên Thông trọn cùng phẩm Phổ Môn tương ứng. Gồm đủ chỉ thú của hai bộ kinh trên, kinh Lăng Nghiêm thật rộng lớn biết bao!

Chưa ngộ, thì chuyển: Cái chẳng có Sanh Diệt thành ra: Cái Sanh Diệt, tức chẳng phải Liễu Nghĩa. Ngộ rồi, thì chuyển: Cái Sanh Diệt thành ra: Cái Chẳng Có Sanh Diệt, tức là: Hết Thảy Rốt Ráo Kiên Cố. Cho nên, một đường đi lên , không ngộ thì không được. Thế thì Chú và Ngộ liên quan thế nào, Ngộ và Chú quan hệ với nhau ra sao, mà đều cũng gọi là Đại Phật Đảnh? Chú không thể nghĩ bàn, Ngộ cũng không thể nghĩ bàn. Chú tức là cảnh giới của Ngộ, Ngộ tức là cảnh giới của Chú. Đây là chỗ: Ngôn Ngữ Đạo Đoạn, Tâm Hành Xứ Tuyệt, thấy do lìa cái Thấy, thì cái Thấy là siêu việt. Cho nên giữ cái Phật Đảnh, lìa cái Tướng Thấy của mình là vậy. Các dòng giống của Phật Đảnh, một phen vượt lên nhập thẳng vào, đó là pháp môn cực tôn cực quý vậy. Hiệp Luận đặt tên là Tôn Đảnh vì lẽ này.

Có vị tăng hỏi Ngài Hoàng Bá rằng:

- Vô Biên Thân Bồ Tát vì sao chẳng thấy Đảnh Tướng của Như Lai? Ngài Bá đáp:

- Thật không thể thấy. Vì sao thế? Vô Biên Thân Bồ Tát tức là Như Lai, không thể trở lại thấy. Chỉ cần ông không tạo ra cái Phật Kiến thì không rơi vào Phật Biên. Không tạo ra cái Thấy Chúng Sanh thì không lạc vào giới hạn chúng sanh. Không gây ra cái Thấy Có thì không lạc vào giới hạn của cái Có. Không tạo ra cái Thấy Không thì không rơi vào giới hạn của cái Không. Không tạo ra cái Thấy của phàm phu thì không rơi vào giới hạn của phàm phu. Không tạo ra cái Thấy của Thánh thì không rơi vào giới hạn của Thánh. Chỉ "Không" tất cả mọi cái Thấy, tức là Vô Biên Thân. Nếu có chỗ Thấy, tức là ngoại đạo. Ngoại đạo thì ham các cái Thấy. Bồ Tát nơi mọi cái Thấy mà chẳng động. Như Lai là nghĩa Như của tất cả các Pháp, nên nói: Di Lặc cũng là Như. Như tức là không có Sanh ra, Như tức là không có Diệt mất. Như tức là không có Thấy, Như tức là không có Nghe. "Đảnh" tức là Viên (tròn), cũng không có cái thấy Viên, nên chẳng rơi vào biên giới của Viên. Bởi thế, thân Phật là "Vô Vi", không rơi vào giới hạn. Tạm lấy Hư Không làm thí dụ. Tròn đầy như Hư Không rộng lớn, không thiếu không dư. Hãy nhàn nhã vô sự, chớ gắng gượng biện biệt cảnh giới giác ngộ, biện biệt thì thành Thức.

Lại có vị tăng hỏi Tổ Bá Trượng:

- Bồ Tát Vô Biên Thân không thấy Đảnh Tướng của Như Lai là vì sao? Tổ Trượng rằng:

- Vì gây ra cái Thấy Hữu Biên, cái Thấy Vô Biên, nên chẳng thấy được Đảnh Tướng Như Lai. Chỉ như bây giờ đây trọn không có cả thảy cái Thấy Hữu Vô, cũng không phải là không có cái Thấy, thì đó là thấy Đảnh Tướng.

Xem hai vị tôn túc nói ra nghĩa Phật Đảnh, thật như viên ngọc tròn lăn trên bàn. Nếu biết chỗ ấy mới cho là trên cửa Đảnh, có được: Con Mắt Lẻ. Đã nói là Như Lai Mật Nhân, tức chẳng cậy mượn sự Tu Chứng. Lại nói:

- Tu Chứng Liễu Nghĩa là để phân biệt với Chẳng Có Liễu Nghĩa, vậy. Như Lai, ấy là nói về quả vậy. Kinh Kim Cang:

- Nếu có người nói: Như Lai có đến, có đi, có ngồi, có nằm, thì người ấy chẳng hiểu nghĩa chỗ ta nói. Vì sao thế? Như Lai là: Không Từ Chỗ Nào Đến, Cũng Không Đi Về Đâu, nên gọi là Như Lai.

- Đến không từ chỗ nào, đi không về đâu, quả là vật gì? Thế mới gọi là Mật vậy. Phật Đảnh Thần Chú là Mật Ngữ của Như Lai, thì hai cái Mật (Mật Ngữ và Như Lai) đó không phải là hai. Lấy cái Mật này làm Nhân, tức lấy cái Mật ấy đắc quả. Như đóa bông sen, nhân quả đồng thời sẵn đủ. Dùng cái này mà tu, thì tu mà không tu. Dùng cái này để chứng, thì chứng mà không chứng. Kinh nói:

- Nào mượn sự cực nhọc tu chứng. Đây tức là ý chỉ của Liễu Nghĩa. Nếu không được như thế là vì chưa liễu ngộ vậy.
( còn tiếp )


http://www.SupremeMasterTV.com/aw

http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/heart2.gif Have compassion for all beings, rich and poor alike; each has their suffering. Some suffer too much, others too little.
Buddhahttp://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/handup.gif

http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/vg-a.gif


http://i246.photobucket.com/albums/gg85/yaluv-1/l.gif