PDA

View Full Version : N - Những Đầy Tớ Tỉnh Thức



Dan Lee
08-05-2010, 10:57 PM
NHỮNG ĐẦY TỚ TỈNH THỨC


Suy Niệm 1. NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG TÍN

Cái chết là biến cố to lớn nhất của đời sống, tuy nhiên nhiều người bị nó tóm lấy mà không hay biết. Đối với một số người nó đến như kẻ trộm vào ban đêm. Tuy nhiên sự bất ngờ ấy có thể là một ân sủng –nó theo sát chúng ta trong gang tấc. Nó buộc chúng ta chuẩn bị trong mọi lúc.

Được chuẩn bị không có nghĩa là hoàn thành hết mọi việc mà người ta muốn hoàn thành. Nó có nghĩa là phải sống trung thực với trách nhiệm của mình trong giây phút hiện tại. Một ngày nọ, một tu sĩ đang quét sàn nhà trong tu viện thì có người hỏi ông, ông sẽ làm gì nếu ông sẽ chết trong vòng một giờ nữa. “Tôi sẽ tiếp tục công việc quét nhà”, ông đáp. Nói cách khác, ông muốn tiếp tục đi theo bổn phận của mình trong lúc đó.

Nhiều người tin rằng hạnh phúc gắn liền với việc không có sự gì để cam kết, không có người nào để đáp lại và không bao giờ để cho nhu cầu hoặc những vấn đề của người khác trói buộc mình. Nhưng không phải thế. Thật ra, trái lại mới đúng. Hạnh phúc và sự viên mãn của một con người không nằm trong tự do, nhưng trong sự chấp nhận của bổn phận. Người ta chấp nhận bổn phận này không phải một cách khắc nghiệt nhưng với lòng yêu thương.

Bất cứ ai chỉ làm tròn bổn phận của mình, thì không làm hết bổn phận ấy. Chúng ta càng hiến dâng tình yêu cho nhiệm vụ khó khăn hơn, thì nó cũng làm cho chúng ta cao quý hơn. Ân sủng cao cả nhất, tự do cao cả nhất trong đời sống là khi điều chúng ta phải làm cũng chính là điều chúng ta thích làm. “Tôi nằm ngủ và mơ thấy đời sống là một niềm vui. Tôi thức dậy và thấy đời sống là bổn phận. Tôi hành động và thấy bổn phận là niềm vui”. (Tagore).

Khi ông Dag Hammarskjold bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của chức vụ Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông đã đọc một bài diễn văn cảm tạ. Trong bài diễn văn ấy, ông trích dẫn câu thơ của một thi sĩ Thuỵ Điển: “Phải chăng sẽ đến ngày mà niềm vui sẽ lớn và nỗi buồn phiền sẽ nhỏ?”. Và ông nói thêm câu trả lời của riêng ông: “Đến ngày mà chúng ta cảm thấy mình sống với bổn phận đã hoàn thành và đáng làm, ngày ấy là niềm vui sẽ lớn và chúng ta có thể coi sự buồn phiền là chuyện nhỏ”.

Đẹp biết bao nếu cái chết đến khi chúng ta đã làm xong mọi việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ đâu vào đó như một bó lúa đã được cột lại. Nhưng chúng ta không thể chắc chắn đó có phải là trường hợp của mình không bởi vì giờ chết được giấu kín đối với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta nhớ điều này: vấn đề không phải là chúng ta chết lúc nào và như thế nào mà là chúng ta sống như thế nào. Chúng ta phải cố gắng sống viên mãn và nhiệt tình và không chờ khi bệnh tật hoặc tai hoạ mới nhận ra bản chất bấp bênh của đời sống con người.

Mấy năm trước đây ở Mỹ, có một tu sĩ dòng Phanxicô hoạt động giúp đỡ các trẻ em mồ côi, ông tham gia vào một cuộc chạy đua xe đạp để gây quỹ bảo trợ. Trong lúc chạy ông đã bị một xe hơi đâm vào và kết quả là ông đã chết. Đúng là một cái chết không đẹp. Tuy nhiên từ một quan điểm Kitô giáo đó là một cái chết rất đẹp. Ông chết trong lúc làm việc cho Chúa. Ông giống như người đầy tớ trung tín mà Đức Giêsu nói đến trong Tin Mừng.

Đời sống rất quý giá, nhưng chúng ta không vui hưởng thế gian này mãi mãi. Phúc cho những người có ý thức về bổn phận. Sự cao cả của họ gắn liền với ý thức trách nhiệm. Mẹ Têrêxa nói: “Chúng ta không được kêu gọi để thành công, nhưng chỉ để sống trung thành”.


Suy Niệm 2. HÀNH TRÌNH TRONG ĐỨC TIN

Trong một bài viết cho tạp chí The Tablet (tháng 4-2000) Mục sư Ignotos nói rằng có hai cách tiếp cận đời sống: cách tiếp cận của một người đặt kế hoạch và của một người hành hương. Người đặt kế hoạch thích làm chủ toàn bộ đời sống mình và có thể đặt kế hoạch cho mỗi giai đoạn tuỳ theo những mục tiêu đã định trước. Người đặt kế hoạch theo sự gợi ý của xã hội về những điều mà xã hội cho là thành công, và dành phần lớn thời gian để sống phù hợp với phong cách sống và các giá trị của những người khác. Họ thất vọng đắng cay nếu thất bại trong việc hoàn thành những mục tiêu ấy.

Trái lại, người hành hương là người chấp nhận đời sống như một gói quà mà người ấy mở ra khi sống đời sống đó, vì dù có cố gắng đến đâu, chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn làm chủ sự viẹc xảy ra. Người ấy không để cho thất bại và chán nản làm nhụt chí, nhưng xem chúng như cơ hội cho sự trưởng thành tâm linh. Không giống như người đặt kế hoạch, người hành hương không bao giờ cảm tháy hoàn toàn thoải mái, dễ chịu vớinhưng4 giá trị của xã hội.

Người đặt kế hoạch từ chối sống với đức tin. Trái lại, người hành hương sống bằng đức tin. Dù biết rằng đời sống đầy nguy hiểm, người hành hương vẫn khẳng định nó. Dù ý thức sự bấp bênh hoàn toàn của thân phận con người, người ấy vẫn hoan hỉ. Đó là cốt lõi của đức tin. Người ấy đặt chính mình vào đôi tay của Thiên Chúa, và do đó mở rộng tâm hồn mình cho Ơn Chúa chở che. Người ấy cử hành giây phút hiện tại và do đó có thể sống cuộc đời đến mức cao nhất.

Ápraham là một gương mẫu cao cả của đức tin trong Cựu Ước (Bài đọc 2). Ông là một người hành hương tinh tuyền. Theo lời của Thiên Chúa ông tự làm mình mất gốc, rời bỏ gia đình và dân tộc của ông, và bắt đầu lên đường đến một vùng đất mà Thiên Chúa đã hứa sẽ chỉ cho ông; ở đó ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân tộc to lớn. Đó là một cuộc hành trình đi vào một xứ sở chưa biết. La bàn duy nhất mà ông có chính là đức tin vào Thiên Chúa.

Chúng ta là những con cháu tinh thần của Ápraham. Chúng ta chứng tỏ mình là những con cháu chân chính của Ápraham bằng việc bắt chước đức tin của ông. Đời sống thì đầy dẫy những điều bấp bênh. Giống như Ápraham, chúng ta hành trình vài nơi không biết. Nói cho cùng chúng ta không biết điều gì nằm sau khúc quanh kế tiếp trên đường đời. Tuy nhiên, bất chấp nhưng đế chế và thất bại, chúng ta vẫn tiếp tục hành trình như là những người hành hương nhớ nhung quê nhà nơi mà những hy vọng của chúng ta được thực hiện và đời sống thật của chúng ta sẽ bắt đầu.

Với trọn vẹn đức tin, Ápraham đã chết mà không nhìn thấy lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Là những Kitô hữu chúng ta dành cả cuộc đời của mình để hành trình về vùng đất hứa trên trời. Nhưng khi chúng ta chết vẫn chưa đạt được. Cũng giống như Ápraham, chúng ta lữ hành trong đức tin và chết trong hy vọng.

Đặc biệt trong lúc chết, chúng ta được mời gọi noi gương đức tin của Ápraham. Lúc chết chúng ta phải để mọi sự lại đằng sau, và bắt đầu ra đi đến một vùng đất xa lạ. Nhưng nếu chúng ta đã sống bởi đức tin thì bước cuối cùng trong cuộc hành trình ấy sẽ không khó khăn hơn bất cứ những bước nào trước đó.

Là những Kitô hữu, chúng ta phải ý thức rằng chúng ta không lẻ loi trong cuộc hành hương của đời sống. Chúng ta thực hiện cuộc hành hương ấy như là những thành viên của một cộng đoàn sống đức tin. Đức tin của cộng đoàn sẽ nâng đỡ khi đức tin của chúng ta còn non yếu.

Đồng thời, giống như người đầy tớ mà Đức Giêsu nói đến, chúng ta phải cố gắng trung tín với Thiên Chúa và trung tín với nhau. Một trắc nghiệm thật sự về lòng trung tín là luôn luôn trung tín cho dù gặp cản trở và thất bại, cả khi chỉ là sự trung tín trong những điều nhỏ bé và tin rằng đời sống chúng ta mới thật sự quan trọng và chúng ta có thể làm ra cái khác. Chúng ta nên tìm thấy lòng can đảm và hy vọng trong những lời của Mẹ Têrêxa: “Chúng ta không được kêu gọi để thành công nhưng chỉ để sống trung thành.”

McCarthy