PDA

View Full Version : L - Lời Mời Sống Khiêm Hạ



Dan Lee
08-27-2010, 11:12 AM
Chúa nhật 22 Thường Niên C

LỜI MỜI SỐNG KHIÊM HẠ

Hc 3, 19-21.30-31; Dt 12, 18.19.22-24a; Lc 14, 1.7-14

Câu chuyện Ađam – Eva trong vườn địa đàng không còn là câu chuyện riêng của những người Công Giáo, những ai theo đạo Chúa. Câu chuyện ấy khá phổ biến để rồi bất cứ ai nghe đến Ađam – Eva đều liên tưởng đến ngay đó là ông bà nguyên tổ của dòng dõi con người. Không chỉ dừng lại ở hình ảnh là nguyên tổ nhưng nhiều người biết hình ảnh của hai ông bà qua câu chuyện trái cấm.

Ở câu chuyện trái cấm, mọi người đều nhận ra lòng kiêu căng, ganh ghét của con người. Cũng chỉ vì nghe lời xúi giục của con rắn rằng sau khi ăn vào thì hai ông bà có quyền năng như Thiên Chúa nên hai ông bà đã không ngần ngại ăn. Con rắn chỉ cho bà, bà hái cho ông và rồi hậu quả hết sức bi thương. Cũng chỉ vì kiêu ngạo, cũng chỉ vì muốn bằng Thiên Chúa nên hai ông và và nhất là lũ cháu đàn con phải đón nhận cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.

Bài học mà Thiên Chúa dạy cho hai ông bà nguyên tổ không dừng lại nơi hai ông bà mà còn mãi đến ngày nay vì lẽ con người mang trong mình dòng máu của kiêu căng. Thật sự ra mà nói con người biết tự cao tự đại, kiêu căng là xấu nhưng khó mà tránh được cái tính này.

Hôm nay, sách Huấn Ca qua một đoạn khá ngắn đã dạy con người về lòng khiêm hạ :

Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn,

thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.

Càng làm lớn, con càng phải tự hạ,

như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.

Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:

Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.

Đừng tìm những điều khó quá đối với con,

những điều vượt sức con, con đừng xét tới.

Những gì đã ấn định cho con, con hãy suy cho kỹ,

cần chi phải hiếu kỳ!

Đừng dây mình vào những việc quá sức con,

vì những điều con trông thấy

đã vượt quá trí hiểu của loài người.

Nhiều người mắc sai lầm vì ý kiến riêng của họ,

ý nghĩ xấu làm cho suy nghĩ của họ đảo điên.

Kẻ lòng chai dạ đá cuối đời sẽ gặp bất hạnh,

người thích nguy hiểm sẽ phải chết vì hiểm nguy.

Kẻ lòng chai dạ đá sẽ bị ngàn nỗi ưu phiền đè nặng,

người tội lỗi cứ chồng chất tội này lên tội kia.

Kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa,

vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó.

Người sáng trí để tâm nghiên cứu các ẩn dụ,

kẻ khôn ngoan ao ước có tai thính để nghe.

Bác ái đối với người nghèo

Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi.

Ai đền ơn đáp nghĩa là biết lo xa,

lúc sa cơ, người ấy sẽ tìm được nơi nương tựa.



Đoạn văn hết sức ngắn nhưng quá đủ ý nghĩa để dạy cho con người về bài học khiêm nhường.

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng chỉ dạy cho con người bài học về sự khiêm nhường.



Không gì ngăn cách con người khỏi Thiên Chúa cho bằng sự kiêu căng tự phụ. Khi con người chỉ biết tìm kiếm vinh dự cho chính mình thì khoảng cách của con người ngày càng xa Thiên Chúa. Thói kiêu căng chỉ giam hãm con người trong những giới hạn của riêng mình, đồng thời chỉ mưu vùi dập người khác xuống. Nó ngược hẳn với cung cách của Thiên Chúa: Người biểu dương vinh quang của Người, tức là chính tình yêu, bằng cách tự xoá mình đi. Chính trong sự ẩn mình của Thiên Chúa, chúng ta lại càng khám phá ra được vẻ cao cả đích thực của Người. Đó là điều Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy khi Người hạ mình làm đầy tớ phục vụ loài người, khi Người vui lòng chịu đóng đinh vào thập giá. Đó cũng là điều Người mời gọi chúng ta nhận ra qua Bữa Tiệc Thánh Thể. Tuy nhiên, khiêm nhường thật không phải là chuyện dễ. Đôi khi chúng ta làm ta vẻ khiêm tốn chẳng qua để được thêm vinh quang danh dự mà thôi. Chỉ mình Thiên Chúa có thể giải gỡ chúng ta khỏi vòng vây của thói kiêu căng tự mãn.

Thánh Luca thuật lại cho chúng ta câu chuyện Chúa Giêsu được mời dùng bữa. Bữa mà Chúa Giêsu được mời lại là "vào một ngày Sabát", "nơi nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu ". Một bữa ăn như thế thường là dịp nổ ra những tranh luận tôn giáo. Chuyện mời Chúa dùng bữa này chứ không phải là không có dụng ý, bởi Luca ghi nhận: "họ cố ý dò xét Người" (14,1).

Vừa vào bàn, Chúa Giêsu đã gặp ngay "một người mắc bệnh phù thũng", và Người không ngần ngại chữa lành nạn nhân, dù hôm đó là "ngày Sabát ", vậy mà các nhà thông luật và những người Pharisêu có mặt "không thể đáp lại lời nào" (14,6).

Đến lúc vào bàn ăn, Chúa Giêsu hết sức bỡ ngỡ trước cảnh những khách mời cứ lo tranh dành nhau "cỗ nhất mà ngồi ". Thực ra phải nói là gối nhất mà nằm, bởi vào thời đó, trong các bữa tiệc, người ta nằm mà ăn trên những bộ ghế dài. Nhưng chỗ nhất đó là những chỗ gần chủ nhà nhất. Các gối nằm được xếp theo ba nhóm. Ví trí danh dự ở vào phía trước hay ở chính giữa. Vào thời Chúa Giêsu, ngôi thứ trong bàn tiệc được ấn định tuỳ tầm cỡ danh giá của thực khách, tức là phụ thuộc vào chức vị và tài sản của người đó.

Chúa Giêsu hết sức tế nhị, Chúa Giêsu sử dụng lời nói dạy khôn ở đời nói mà không gây tổn thương hay xúc phạm đến ai. Chúa Giêsu ngỏ lời trước hết với những khách được mời: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất". Chúa Giêsu không có ý dạy một bài học về nghệ thuật ứng xử' ớ đời để nhằm thành đạt nhờ những thủ đoạn khéo léo. Hết sức tế nhị, Luca xác định rõ Chúa Giêsu diễn tả bằng "dụ ngôn”. (c 7) và Ngài đề cập đến "những bữa tiệc cưới" (c. 8), một đề tài lớn trong truyền thống Kinh Thánh, gợi lên bữa tiệc cưới giữa Thiên Chúa và loài người.

Thật vậy, dựa vào một câu trong sách Châm Ngôn ("Chớ đứng vào chỗ của hàng vị vọng. Thà được người ta bảo: "Xin mời ông lên trên !" còn hơn bị hạ xuống trước mặt người quyền cao chức trọng") (Cn 25, 6), Chúa Giêsu cho thấy việc hình thành Nước Thiên Chúa gây nên một sự đảo lộn trước những lối suy nghĩ, hành xử của con người. Hành xử, lối nghĩ mà Chúa Giêsu diễn tả ở Nước Thiên Chúa ngược lại với thói thích ăn trên ngồi trước trong xã hội Do Thái: "Trái lại, khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗ cuối”.

Trong suốt lịch sử cứu độ Israel, ta thấy Thiên Chúa luôn đứng về phía những thành phần bé nhỏ và khiêm nhường và hơn thế nữa, Ngài nâng cao những con người thấp cổ bé họng : "Người thấp hèn sẽ được Chúa nâng lên, kẻ quyền thế sẽ bị Người hạ xuống”, ngôn sứ Êdêkien xưa đã loan báo như thế. Hôm nay, đến lượt Chúa Giêsu cũng công bố: "Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên". Và con đường mà chính Chúa Giêsu bước đi để tiến về Giêrusalem không gì khác hơn là con đường của sự khiêm nhường và hạ mình.

Thật sự đây không đơn giản chỉ là những lời dạy về phép lịch sự ở bàn ăn. Chúng ta đang được mời gọi đến với Nước Thiên Chúa bằng cách noi gương Chúa là Đấng âm thầm, ẩn mình; khiêm tốn ... Người đã tự nguyện làm kẻ cuối hết, làm đầy tớ phục vụ mọi người! Sự cao cả của Chúa là ở chỗ đó.

Sau khi ngỏ lời với những khách được mời, giờ đây, câu chuyện của Chúa Giêsu quay sang nói với những người đứng ra đãi tiệc Cũng vẫn với kiểu nói dạy lẽ khôn ngoan: "Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối ... ". Và nhân danh tính chất mới mẻ của Nước Trời, luôn luôn nhắm mời gọi - phải có một cái nhìn, phải có một lối sống ngược lại với lề lối thông thường của loài người chúng ta.

Theo lẽ thường, ai trong chúng ta cũng chỉ mời những người có liên hệ với mình cách nào đó: bà con họ hàng, thân hữu, những người gần gũi do yếu tố tinh thần, tư tưởng, hay một cái gì đó; và những người này đến lượt họ lại phải mời lại chúng ta để "đáp lễ". "Trái lại", theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy mở rộng bàn tiệc cho tất cả những ai không có khả năng đáp lễ : người nghèo, kẻ bị loại trừ, thành phần bị con như đồ bỏ. Tại sao ? Bởi vì đó chính là cách xử sự của chính Thiên Chúa. Người tỏ lòng thương yêu đặc biệt đối với những người phận nhỏ, thấp hèn, và sẵn sàng mời vào bàn tiệc của Người những kẻ "tàn tật, đui mù, què quặt " (Lc 14,15-24). Những người này từng thuộc diện bị Lề Luật khai trừ khỏi sinh hoạt tế tự ở Đền Thờ (2 Sm 5,8 và Lv 21.l8)

Khi thuật lại những lời này của Chúa, Luca có ý nhắc nhở cho mỗi người chúng ta phải cử hành nghi lễ Bẻ Bánh trong Ngày của Chúa với tinh thần nào: với cung cách của chính Đức tin, Đấng đã muốn sống giữa anh em như "một người phục vụ" (Lc 22, 24-27). Bữa Tiệc của Chúa dứt khoát không chấp nhận những tranh dành ngôi thứ, nhưng ngược lại đòi hỏi thái độ phục vụ lẫn nhau vô vị lợi (x 1Cr 11,17-22.33-34).

Lời Chúa Giêsu dạy bao giờ cũng hết sức tinh tế. Những lời của Chúa Giêsu mang nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Có thể hiểu như là một lời khuyên về cách xử thế, theo kinh nghiệm khôn ngoan về mối giao tiếp giữa người mới người. Có thể hiểu như là lời mời gọi phải tránh thói thổi phồng chính mình, phải tập luôn luôn ăn ở khiêm tốn. Nhưng coi chừng ... ở đây đang nói về những bữa tiệc": cho những đầu óc thấm nhuần Kinh Thánh và quen với tính chất ẩn dụ trong ngôn ngữ của Chúa Giêsu, đây cũng chính là bữa tiệc cưới của Thiên Chúa với loài người, "Bữa Tiệc Nước Trời", biến cố Thiên Chúa can thiệp để đổi mới địa cầu như hằng được mong đợi.

Chúa Giêsu xác nhận lại điều Người đã từng nói một cách nhẹ nhàng và tế nhị : đối với Thiên Chúa, kẻ cuối hết là người trước hết. Lời Magnificat mà Mẹ Maria đã cất lên : "Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”. Qua toàn bộ cách sống của mình, Người Thợ Mộc làng Nadarét kia đã chứng tỏ một sự quan tâm đặc biệt tới những người bệnh hoạn, tật nguyền, những người "nghèo" nhất trong số những người nghèo.

Những ai bước đi theo Chúa trên con đường khiêm hạ sẽ được ở trong cung lòng Thiên Chúa như lời Ngài đã hứa với những ai đi theo Ngài.

Nguyện xin Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta thấm nhuần bài học khiêm hạ mà Chúa Giêsu mời gọi để ngày mỗi ngày trong cuộc sống ta sống như lời Chúa mời gọi và ta cũng khiêm tốn xin Chúa cho ta một chỗ nhỏ bé trong Nước Trời nơi mà Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha.


Lm. Anmai, C.Ss.R.