PDA

View Full Version : T - Từ bỏ và tín thác



Dan Lee
09-06-2010, 08:49 PM
Chúa nhật 23 TN C

Kn 9, 13-18b; Plm 9b-10.12-17; Lc 14, 25-33


TỪ BỎ VÀ TÍN THÁC


Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi,
đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.

Khi nghĩ về phận con người, cố nhạc sĩ họ Trịnh đã thốt lên đôi dòng tâm sự ấy.

Ông đi trong cõi đời này và ông suy nghĩ về cõi đời này, ông thấy rằng cuộc đời này mỏi mệt thật.

Suy nghĩ của ông, xao xuyến của ông phải chăng là xao xuyến của phận người. Đúng thôi vì lẽ cuộc đời của con người bao nhiêu năm ky cóp cũng chẳng mang theo được gì về bên kia thế giới. Những ky cóp phát xuất tự lòng người nhưng nhiều lần nhiều lúc lòng người có cố vun vén, có cố ky cóp đi chăng nữa những đâu có thoát khỏi Thánh ý của Thiên Chúa.

Người ta vẫn thường nói với nhau “mưu sự tại nhân - thành sự tại thiên”. Câu nói hết sức đơn giản gói ghém tâm tình của con người rằng sức của con người giới hạn, ý của con người cũng giới hạn. Con người nhiều khi muốn vượt thoát khỏi ý của Thiên Chúa nhưng không được. Con người muốn hiểu ý Thiên Chúa nhưng cũng không được.

Đoạn sách khôn ngoan mà chúng ta vừa nghe đã nói lên giới hạn của con người :


Lạy Chúa, nào có ai biết được ý định của Thiên Chúa ?
Nào có ai hiểu được Đức Chúa muốn điều chi ?
Chúng con vốn là loài phải chết,
tư tưởng không sâu, lý luận không vững.
Quả vậy, thân xác dễ hư nát này khiến linh hồn ra nặng,
cái vỏ bằng đất này làm tinh thần trĩu xuống
vì lo nghĩ trăm bề.
Những gì thuộc hạ giới,
chúng con đã khó mà hình dung nổi,
những điều vừa tầm tay,
đã phải nhọc công mới khám phá được,
thì những gì thuộc thượng giới,
có ai dò thấu nổi hay chăng ?
Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời,
chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan,
chẳng gửi thần khí thánh ?
Chính vì thế mà đường lối người phàm
được sửa lại cho thẳng,
cũng vì thế mà con người được dạy cho biết
những điều đẹp lòng Ngài,
và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ.

Quả thật, nhìn vào thực tế của cuộc sống, con người dù ở hoàn cảnh nào, dù ở địa vị nào cũng đã cố gắng tìm đủ mọi cách để sắp xếp cuộc đời của mình theo như ý mình muôn nhưng nào sắp xếp được chăng ?

Trong hành trình làm người, con người được Thiên Chúa ban cho mỗi người một sứ mạng, một ơn gọi kèm theo lời mời gọi bước đi theo Chúa để được hưởng ơn cứu độ mà Chúa hứa tự ngàn xưa. Đòi hỏi của Chúa Giêsu trong Tin mừng theo Thánh Luca hôm nay phải nói là nghịch lý : "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Lời mời gọi của Chúa Giêsu quả là khắc nghiệt. Theo Chúa phải từ bỏ tất tần tật và không chỉ từ bỏ thôi mà còn phải vác thập giá nữa.

Chúa Giêsu khẳng định rằng đến với Chúa Giêsu thôi thì vẫn chưa đủ. Đi theo Chúa Giêsu bao gồm việc phải chấp nhận để cho những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng khác với lối nghĩ, lối sống của chúng ta đặc biệt trong phạm vi những mối liên hệ gia đình và sử dụng của cải vật chất. Của cải vật chất với con người là đề tài hết sức quen thuộc với Luca dành cho độc giả của Ngài.

Chúa Giêsu kết luận: "Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được ". Từ chối không tôn thờ của cải vật chất, bằng cách sẵn sàng chấp nhận mất tất cả để trung thành với đức tin, đó chính là một đòi hỏi của Tin Mừng cho ai muốn đi theo Chúa Giêsu.

Để đến với Chúa Giêsu là vui sướng bước theo Ngài, phải tận dụng mọi phương tiện và dẹp bỏ mọi hành lý làm vướng bận con người. Noi gương Chúa, con người phải giải phóng mình khỏi tất cả những gì cản trở bước chân. Con người chỉ còn một hành lý duy nhất đó chính là thập giá. Thập giá là cái phải mang theo để đi theo Chúa Giêsu.

Con người khi sinh ra có những mối liên hệ gia đình, máu mủ và cả “linh tông huyết tộc” nữa nhưng Chúa Giêsu tuyên bố không úp mở, tuyên bố thẳng thắn : "ai đến với tôi, mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được".

Thánh Luca dùng động từ Hy Lạp có nghĩa “là ghét bỏ" để diễn tả lối nói nguyên thuỷ bằng tiếng Aram, một thứ ngôn ngữ vốn không có từ so sánh. Một kiểu nói mạnh mà soạn giả Tin Mừng dịch là ”dứt bỏ" hay "tai ương ít hơn", “không thương hơn." : Tất cả những mối liên hệ nhân loại, dù chính đáng và thâm sâu đến đâu ngay cả đến "mạng sống" con người đi nữa, đều phải phụ thuộc vào mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu. Lẽ dĩ nhiên Chúa Giêsu là một vị Ngôn sứ của lòng thương xót chứ không phải của thù ghét.

Lối nói thẳng thừng của Người ở đây không có nghĩa là cho chúng ta được phép xem nhẹ những liên hệ gia đình. Thay vì biện minh cho tính ích kỷ Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải có một sự từ bỏ mình triệt để. Hơn nữa, còn phải mến yêu Chúa Giêsu hơn cả chính mạng sống mình. Cho nên không hề dạy người ta phải đoạn tuyệt một cách ích kỷ với mọi liên hệ nhân loại thiêng liêng nhất (như lòng hiếu thảo, nghĩa vợ chồng, tình bằng hữu. . . ), Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta phải nuôi dưỡng và đến với tất cả những tình cảm trên xuyên qua tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa.

Quả thực, có những trường hợp người ta đành "phải" bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái "vì Nước Thiên Chúa" (Lc 18, 29). Đó là sự từ bỏ của Chúa Giêsu đối với chính gia đình của Ngài. Người đã tự nguyện làm thế trước khi đòi hỏi chúng ta, lúc Ngài hiến trọn thân xác và anh hồn cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

Chúa Giêsu còn căn dặn thêm : "Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được". Vấn đề là người môn đệ phải đi theo con đường của Chúa Giêsu, dẫn đến Giêrusalem và dẫn đến thập giá, dù phải bỏ mạng ở đó. Điều quan trọng nhất là phải đồng thân đồng phận với Thầy của mình. Điều quan trọng nhất này làm nên thân phận của người môn đệ.

Sau lời mời gọi mọi người cân nhắc đi theo Chúa thì Chúa Giêsu lại nhắc nhở mọi người về chuyện tính toán của con người trước khi làm việc gì.

Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà.

Chúa Giêsu ngỏ với những người đang nghe hai dụ ngôn nhỏ, nhằm cảnh giác họ phải coi chừng một kiểu dấn thân hời hợt: dụ ngôn người đàn ông nọ định xây một cái tháp và dụ ngôn vị vua kia sắp đi giao chiến với một vua khác. Cả hai đều sử dụng dạng câu hỏi: "Ai trong anh em muốn xây một cái tháp ?. . . Có vua nào đi giao chiến. . . ? ". Với dụ ngôn nhỏ này, Chúa Giêsu mời gọi người ta phải trước tiên ngồi xuống suy tính đã, rồi mới dấn thân và chấp nhận mạo hiểm bước theo Chúa Giêsu.

Đây là hai dụ ngôn nhỏ vốn nằm riêng rẽ, nay được Luca xếp chung lại với nhau trong bài viết của mình. Trong quãng đời công khai của Chúa Giêsu, cũng giống như một số dụ ngôn khác tương tự có thể gọi chung là "những dụ ngôn về sự quyết định”. Những dụ ngôn này được Chúa Giêsu sử dụng để giúp cho các thính giả của người có dịp suy nghĩ, mời gọi họ cởi mở tâm hồn với Người, sẵn sàng sám hối trở về. Luca đã lấy lại hai dụ ngôn này là hướng ý nghĩa của chúng về mối bận tâm chính của ngài: phải dứt khoát rõ ràng, để làm môn đệ Chúa Giêsu ở đây và lúc này. Có hai phạm vị áp dụng chính: tiền bạc và liên hệ gia đình. Cần phải suy tính đo lường giá phải trả, đừng liều lĩnh nhắm mắt đưa chân.

Trước lúc lên đường cho một kỳ trại trong rừng sâu, ta phải ngồi tính toán xem nên mang theo những gì trong bị: lương khô kẹo bánh, đường,.. Tóm lại, tất cả những gì là cần thiết, tuy nhiên chỉ những gì phải có để phục vụ cho những ngày trại đó. Chẳng ai dại gì ôm đồm nhiều cho nặng hay vướng vít khó đi, bỏi vì vấn đề là làm sao đi đến nơi về đến chốn an toàn. Muốn bước theo Chúa Giêsu, ta cũng đừng để mình vương vấn bất cứ cái gì ? "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa... ".

Quả là một danh sách dài và khắt nghiệt đối với con người ! Chuyện này có khả thi hay không ? Lẽ nào Chúa Giêsu, một con người rất mực nhân lành, dịu dàng, lại có thể đòi hỏi một chuyện như thế ? Không thiếu người đã bị dội trước những lời yêu sách quá đáng này và đã quay lưng bằng chứng là một số môn đệ và ngay cả các tông đồ đã không đi theo Người đến tận đỉnh Gôngôtha. Họ run sợ khi thấy chính quyền và dân chúng lồng lên chống lại Người. Họ nhát. Họ chẳng dám liều mạng. Phải chăng họ có lý? Hy sinh, chết để mà chết, có ích gì?

Phải đợi đến sau biến cố Phục sinh họ mới sẵn sàng đón nhận cái chết. Khi đó, họ mới hiểu rõ rằng chết không phải là uổng đời, và cái biện chứng "chết - sống" chính là động lực duy nhất đưa đến sự sống. Sống cho tình yêu phải chăng là chết đi liên lỉ mỗi ngày trong suốt cuộc đời ? Yêu mến Chúa Giêsu hơn cả cha mẹ, vợ con … thật sự không phải là bất hiếu hay vô tình nhưng là yêu thương bằng một tình yêu mãnh liệt hơn và bao la hơn, nhân danh Đức Giêsu Kitô.


Từ bỏ là lời mời gọi hết sức thẳng thắn và quyết liệt.
Chúa vẫn mời gọi những người đi theo Chúa tự do để chọn lựa.

Anmai, CSsR