PDA

View Full Version : Lăn lộn mưu sinh bên bãi rác ở Sài Gòn



Phuong12
09-09-2010, 01:54 PM
Mồ hôi nhễ nhại, người đàn bà mặc cho nắng gắt, một tay ôm bao tải chứa đầy phế thải, tay kia không ngừng tìm kiếm những mảnh vụn ve chai. Cạnh đó, hàng chục người khác cũng cặm cụi mưu sinh trên bãi rác nồng nặc xú uế.


http://xaluan.com/images/news/Image/2010/09/09/1284018506.img.jpg

Bãi rác thuộc xóm Sở Thùng thuộc hai phường 11 và 13 quận Bình Thạnh là nơi kiếm sống của nhiều gia đình từ hơn 20 năm nay. Ảnh: Vĩnh Phú.

Nằm trên một hẻm nhỏ đường Phan Văn Trị (phường 11 và 13 quận Bình Thạnh, TP HCM) giáp ranh với quận Gò Vấp là bãi rác đã có từ hơn 20 năm nay. Đó là nguồn sống chính của nhiều hộ gia đình kiếm sống từ đồ phế thải đô thị. Không biết từ lúc nào, nhiều người dân vô gia cư, lao động nghèo đã kéo đến đây lập nghiệp bằng cái nghề lượm lặt ve chai để hình thành nên xóm Sở Thùng.

Gần 11h trưa, cái nắng gay gắt khiến mùi rác thải bốc lên nồng nặc trên con đường nhỏ dẫn vào Sở Thùng. Càng tiến sâu vào trong, không gian càng đặc quánh mùi xú uế làm bất cứ ai cũng phải lợm giọng khi lần đầu tiên đặt chân đến. Dọc hai bên hẻm là những vựa thu mua ve chai luôn tấp nập xe cộ kéo dài đến tận cuối hẻm. Một bãi rác rộng chừng 500 m2 với đủ các loại phế thải nằm vương vãi hoặc được chất thành từng đống.

Bà Huệ (50 tuổi), thành viên của xóm lao động nghèo dựng chiếc xe đạp cũ kỹ vào một góc rồi dốc ngược chiếc bao tải to tướng cao quá đầu người. Một đống chai nhựa, vỏ lon bia, bao ni lông… nằm ngổn ngang dưới đất. Đó là thành quả của một buổi lao động cật lực bà vừa thu gom được.

“Trước đây tôi ở Định Quán (Đồng Nai) đến năm 1992 thì về đây. Chẳng biết làm nghề gì nên hằng ngày ra bãi rác kiếm những thứ thiên hạ vứt đi để bán kiếm tiền đong gạo sống qua ngày”, bà Huệ nói.


Hằng ngày bà dậy từ tờ mờ sáng, thấy xe tải chuyển rác đến, liền lao vào nhặt những thứ có thể bán được. Để tăng thêm thu nhập, buổi chiều, bà lại rong ruổi đạp xe khắp các nẻo đường để nhặt bao ni lông, dép mủ đã hỏng, chai nhựa… Có hôm “hên”, bà còn nhặt được cả những vật dụng vẫn còn tốt mang về nhà dùng.

Chồng bà cũng gắn bó với Sở Thùng gần 20 năm nay với công việc làm phu cho các xe rác. Thời gian gần đây, do tuổi cao sức yếu nên thường xuyên đổ bệnh. Hai đứa con gái của bà cũng không được học hành đến nơi đến chốn đành cam phận làm mướn để kiếm vài chục nghìn mỗi ngày. Làm việc quần quật như thế, nhưng cuộc sống đói nghèo vẫn không buông tha gia đình

"Cả bốn người chúng tôi chui rúc trong một túp lều tạm bợ chỉ rộng chưa đầy 5 m2 tránh mưa tránh nắng nhưng đã dột nát từ lâu. Tiền làm ngày nào xài ngày đó, chúng tôi không có dư để mua tôn đắp lên cho qua mùa mưa này”, nhìn về túp lều tả tơi vì mưa gió người phụ nữ rơm rớm nước mắt.



http://xaluan.com/images/news/Image/2010/09/09/bahue.jpg

Túp lều chưa đầy 5 m2 là chỗ trú chân của 4 người trong gia đình bà Huệ. Ảnh: Vĩnh Phú.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh (46 tuổi) cũng mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu. Do hoàn cảnh khó khăn, các con của chị cũng bươn chải ngoài bãi rác để phụ mẹ kiếm tiền. Tối đến chúng mới được nghỉ ngơi để tham gia lớp tình thương trong xóm.

“Ngày nào trúng mánh mới kiếm được năm, bảy chục ngàn còn bình thường chỉ được khoảng hai ba chục thôi. Mưa to gió lớn gì chúng tôi cũng phải ra đây kiếm ăn cả", chị Thanh cho biết.

Chớp đôi mắt thâm sâu trên gương mặt hốc hác, người phụ nữ ngậm ngùi kể, trước kia vợ chồng chị cũng có chiếc xe lam làm phương tiện mưu sinh. Nhưng dạo này chồng chị đau bệnh liên miên khiến chị phải kêu người đến bán chiếc “cần câu cơm” đó để lấy tiền chữa trị cho chồng. Chị đang rất lo lắng vì cậu con trai út đang học lớp 3 tại trường tiểu học Phan Văn Trị (Gò Vấp) nhưng chưa biết có thể tiếp tục theo học không bởi thiếu tiền.

“Chỗ trú nắng trú mưa hàng ngày của chúng tôi chỉ là túp lều tạm bợ này. Nghe nói sắp tới chính quyền mở con đường to qua đây, sẽ giải tỏa khu vực này để xây dựng tuyến đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Khi đó cả gia đình tôi chắc phải xuống gầm cầu ở”, chị Thanh buồn buồn.

Kế đó không xa còn có những cảnh đời cô đơn không nơi nương tựa như ông Nguyễn Văn Tùng (55 tuổi). Nghe thấy tiếng hỏi thăm, người đàn ông với thân hình chỉ có da bọc xương bước ra từ túp lều lụp xụp chỉ vừa đủ cho một người chui ra chui vô.

"Cuộc đời tôi sống nhờ vào rác. Vợ tôi do chịu không nổi cái nghiệp này nên đã mang con theo người khác. Có lẽ do quanh năm tiếp xúc với rác nên giờ vướng phải bệnh lao phải sống nhờ vào hàng xóm. Họ cưu mang cho từng bữa cơm nên tôi mới được trụ tới ngày hôm nay". Ông Tùng thều thào nói sau một trận ho.

Còn những đứa trẻ trong xóm Sở Thùng này hầu hết không được đi học bởi cuộc sống đói nghèo không cho phép chúng ra khỏi cái bãi rác này. Sáng sáng, chúng tụ tập nhau ngồi chờ những chiếc xe lam, xe tải đổ rác xuống bãi rồi tranh nhau bới móc, nhặt nhạnh từng thứ có thể bán ve chai để phụ giúp cha mẹ.

Chiều muộn, chiếc xe rác vừa ì ạch vào bãi. Bọn trẻ với đôi chân trần, tay không một dụng cụ bảo hộ lao thẳng vào những đống phế thải vừa được trút xuống để tìm những chiến lợi phẩm cho mình.

Bé Mai, con của chị Thanh, tuy mới 12 tuổi nhưng đã có thâm niên 5 năm lượm phế liệu. Vẫn không ngừng tay đào bới, cô bé cho biết: "Gia đình cháu nghèo lắm. Cháu phải làm để phụ cha mẹ kiếm tiền nuôi em đi học. Còn cháu tối tối đi học lớp tình thương nên không phải tốn tiền".

Nhỏ tuổi nhất nhóm hành nghề lượm ve chai tại xóm là Tí Sún, hàng ngày cậu cùng anh trai đã thức dậy từ 6 giờ sáng. “Ăn xong bát cơm, thấy xe đến là chúng cháu nhào ra ngay. Xe rác đến là phải có mặt liền mới có nhiều ve chai chứ chậm chân một chút là hết. Nhiều lần cháu còn nhặt được cả bong bóng (bao cao su) đem về rửa sơ rồi thổi lên chơi vui lắm ", Tí Sún ngọng nghịu khoe.

Cạnh bên, đám bạn của Tí "Sún" như: Cu Đen, Cu Bin… đang mải miết cào rác. Đứa nào cũng kè kè chiếc bao tải và cây sắt nhọn.



Nguồn xaluan

tieuhoddiep
09-09-2010, 10:36 PM
co ngươi giau thi qua giau. con ngươi ngheo thi qua ngheo. that đúng la mot dat nươc chỉ biet hối lộ vào đồng tiền...!

NEP
09-09-2010, 10:37 PM
Công nhận người Việt mình chiệu khó hay thiệt, công việc gì cũng làm được để nuôi gia đình. Có nhiều người nghĩ qua Mỹ sống sướng...mà thật sướng thì có sướng nhưng cũng phải lăn lộn với những công việt không khác gì bên Việt Nam để mà kiếm sống, nhất là những năm đầu tiên ở Mỹ.